Hôm nay,  

Bluebonnet vẫn nở sau nhà tôi…

22/04/202200:00:00(Xem: 3345)
Phan
Tác giả Phan phát biểu trong buổi lễ phát giải VVNM
 
Sau nhà tôi là rừng, rừng ngày xưa không nhìn thấy gì ngoài màu lá xanh, những con chim sặc sỡ màu nhưng chúng chỉ cất tiếng hót lẻ loi một mình, không buồn cũng không vui. Những con thú hiền hoà như sóc với thỏ là những kẻ lãng du tử tế. Chúng thấy người không thích mắt khi nhìn chúng nữa thì sóc nhập thiền nơi những hốc cây, những hốc đá ven bờ suối là tịnh thất của thỏ. Trong khu rừng có con suối nhỏ, có đàn vịt trời khi lội khi baydưới chân đồi bluebonnet tượng trưng cho tiểu bang Texas. Mùa hoa rộ tháng tư thì cơ man là người đến chụp hình, xe đậu quanh đồi không đủ chỗ thì người ta lái xe vào xóm nhà đậu tạm. Tôi thích bị làm phiềm kiểu Mỹ vì chỉ có ở Mỹ khi người không quen biết bấm chuông nhà chỉ để xin phép cho họ đậu cái xe trước nhà mình một lát, họ lên đồi chụp vài tấn hình sẽ đi ngay. Tôi hình dung ra những bức ảnh gia đình, tình nhân, bạn hữu của những người tử tế đã làm nên phong cách Mỹ khác biệt.
 
Bên kia đồi bluebonnet là đường xa lộ tiểu bang chạy song song với đường ray xe lửa, ai muốn đi thêm nữa để khám phá thì phải dùng xuồng chèo vì đầm lầy nên chỉ có những người đi câu cá hay săn heo rừng mới lặn lội khi hết đường bộ. Nhưng vài năm nay đã thay đổi từ khi người ta san bằng ngọn đồi bluebonnet cao hơn cột đèn để xây dựng khu thương mại theo đà phát triển dân số. Cả dãy cửa hàng dịch vụ, cây xăng, tiệm rượu, phòng tập thể dục, đại lý cho mướn xe, nhà hàng, tiệm nail cặp theo xa lộ buôn bán làm ăn tấp nập. Để lại sau lưng sự sầm uất náo nhiệt của khu thương mại một khoảng đất rộng lớn trở vô con suối và bên đây suối là khu nhà ở, là sau nhà tôi. Khoảng đất rộng ấy có lẽ do đại dịch covid-19 đã làm chựng lại những kế hoạch xây dựng khu chung cư hay kho chứa hành hoá gì đó nên tôi cũng còn thấy được cánh đồng bluebonnet mênh mông, miên man tháng tư khi cánh đồng tím ngát màu hoa bluebonnet, vạt rừng mỏng còn lại ven suối xanh mướt lá non, hoa dại khoe sắc bên bờ suối là tháng tư đã về, không cần xem lịch cũng biết tháng tư đã về khi trời thường nhiều mây và những cơn mưa bất chợt, nắng vàng óng ánh lá non, bướm dập dờn chào mùa xuân mới...
    
Tháng tư với mọi người trên thế giới cũng chỉ là một tháng trong năm, những người có đạo chuẩn bị lễ lá, tĩnh tâm đi vào lễ phục sinh, trẻ con nô nức đi lượm trứng ngoài những bãi cỏ gần nhà cũng là một biểu tượng của tháng tư xanh lá, trong sắc màu hoa dại trên những cánh đồng cỏ mênh mông, nhìn những cô bé mới vài tuổi, mặc áo đầm, xách cái giỏ đi lượm trứng như những thiên thần vỗ về cuộc sống nhiêu khê của người lớn may mắn làm hãng xưởng, công ty có ông chủ là tín đồ tốt bụng sẽ cho công nhân nghỉ ăn lương ngày thứ sáu tốt lành mà chúng ta quen gọi là goodfriday.
    
Nhưng từ biến cố lịch sử ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm thì tháng tư đã im đậm vào lòng người Việt những khắc khoải về lịch sử, đất nước, quê hương, không ai quên được ngày lịch sử ấy dù bản thân thuộc về bên nào trong cuộc chiến? Với tôi khi ấy chỉ là một đứa trẻ nhưng nhớ mãi ngày cuối tháng tư năm mất nước. Trời đã về chiều ngày ba mươi tháng tư, mẹ tôi như người tâm thần bấn loạn vì không biết cha tôi, các anh tôi trên các chiến trường còn sống hay đã chết, sao chưa thấy ai về nhà? Trong gia đình có ba đứa nhỏ còn đi học là người anh kế tôi, tôi, với thằng em út. Ba đứa đói từ sáng mà không dám lên tiếng đòi ăn. Tôi là đứa phá phách nhất nên lại biết nhiều hơn người anh chỉ biết than đói bụng, hơn thằng em quen được phục vụ từ mở mắt tới đi ngủ. Tôi biết nấu cơm nên đi bắc nồi cơm để ba anh em ăn. Nhưng chẳng còn gì để ăn với cơm vì người anh với người em tôi đói quá nên đã ăn hết nồi thịt kho trứng trong chạn từ hồi trưa. Ngày đầu tiên trong đời ba anh em tôi không có cơm ăn  được hô vang ngoài ngõ với hai từ “hoà bình”. Hoà bình rồi với những người giải phóng quân lăm lăm tay súng.
    
Tuy còn nhỏ nhưng tôi biết không nên làm phiền mẹ lúc quẫn trí, nhìn đầu tóc mẹ tôi gọn gàng từ khi sinh ra tôi thì hôm đó rối bời như bà cụ xin ăn ngoài chợ. Tôi sang nhà hàng xóm xin chút thức ăn, chòm xóm tôi là thiên đàng có thật trong cuộc đời tôi. Bác Ba gái bên hàng xóm đang rửa rổ cá đồng ở sàn nước nhà bác, bác xớt cho tôi nửa rổ, đem về cho mẹ mày muốn làm gì thì làm. Bác dặn thêm tôi, mày đừng chạy lung tung cho mẹ mày thêm lo tên bay đạn lạc…
Tôi về nhà, bắc nồi kho cá. Nồi cá luộc đã sôi nhưng tôi không biết bỏ gia vị nào vô nồi cho thành cá kho. Thằng em tôi níu áo mẹ xuống bếp để nấu cho nó ăn vì nó đói quá rồi. Mẹ tôi nêm vài thứ vô nồi cá luộc đang sôi. Cũng lại nó đã chạy lên nhà trên, nó la làng lên, “Mẹ ơi! Anh Hên về rồi.” Mẹ tôi bỏ bếp, nhào lên nhà trên ôm chầm lấy anh Hên, “Sao có mỗi mình mày về, anh mày đâu?” Anh Hên là trung sĩ truyền tin của anh tôi. Anh ấy quê ở Vĩnh long, không chịu vô bưng với Việt cộng nên trốn lên Sài gòn, đi lính. Từ đó không về lại Vĩnh long vì về là tụi nó làm thịt anh. Anh và anh tôi đóng quân ở An Lộc, lần nào về phép, hai anh em cũng về chung và về nhà tôi, anh gọi mẹ tôi là mẹ rất tự nhiên nên mẹ tôi thương anh lắm. Chúng tôi xem anh như người anh trong nhà nên chơi thân với anh. Anh về phép còn bận rộn hơn ở đơn vị vì sáng sớm đã đi bắt dế với chúng tôi, trưa đi câu cá rô, cá sặc, chiều tắm sông, tối đốt lửa nướng khoai, nướng bắp. Những đêm mưa rỉ rả, anh làm đèn soi nhái, cây chĩa, rồi dẫn tôi đi soi nhái rất thích…
  
Anh nói với mẹ tôi, “Mấy anh em con di tản cùng với dân để bảo vệ đồng bào. Cứ đụng miết trên đường di tản vì dân có trẻ con khóc nhoi nên không thể đi êm như tụi con trong rừng, nhưng về tới Bình dương thì dân tự về nhà người thân được rồi. Tụi con bỏ súng, lột quân phục, xin đồ dân mặc đỡ để về nhà. Con đi với thằng trung sĩ Minh, nhà nó ở Long an nên về tới Sài gòn thì tự nó về nhà nó. Anh Tư con đi với thằng Dũng vì nhà nó ở Phú xuân, cùng đường về. Tụi con chia ra đi cho bớt khả nghi chứ không đi chung vì đã bỏ súng. Không biết sao anh Tư với thằng Dũng còn chưa về tới nhà…”
  
Mẹ tôi gặp lại được anh Hên như bắt được vàng, hỏi liên tu bất tận tới anh khủng hoảng theo. Rồi vẫn là thằng em tôi, nó đói quá nên xuống bếp xem nồi cá kho chín chưa để ăn. Nó la làng lên nữa, “cá ói hết ra nồi rồi mẹ ơi…!”
    
Mẹ tôi bảo tôi, “Con xuống bếp xem cá chín chưa. Lấy cơm cho em con ăn dùm mẹ. Nó ồn quá!" Tôi xuống bếp, thấy nồi cá khó trào bọt lạ thường, bọt tràn xuống tới bàn bếp. Vài con cá sặc nhỏ bị bọt tống ra khỏi nồi, đang cháy khét ở đầu ngọn lửa bếp dầu hoả. Hèn gì thằng em tôi nói là cá ói hết ra nồi. Tôi ngửi được mùi xà bông giặt nên nhìn quanh. Đúng là có bịt bột giặt hiệu Viso trên bàn bếp…
    
Đã bốn mươi bảy năm rồi, thỉnh thoảng đi câu về cũng kho cá ăn cơm, vớt bọt khi cá bắt đầu sôi nước. Tôi không thể nào quên nồi cá kho bột giặt Viso hôm ba mươi tháng tư lịch sử ở quê nhà, lịch sử gia đình tôi sang trang, mẹ tôi và cơn bấn loạn tinh thần theo vận nước.
  
Sáng nay được nghỉ lễ thứ sáu tốt lành. Trời mát rượi sau cơn mưa đêm, khung cảnh sau nhà tuyệt đẹp và yên tĩnh với nắng vàng long lanh những giọt mưa đêm còn đọng trên lá mới. Ngồi nghe tin tức chiến sự Ukraine với Nga qua cái điện thoại với tách trà đầu ngày. Lòng khó quên bản tin cuối cùng trên đài phát thanh Sài gòn khi cựu tổng thống Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tôi cầu nguyện cho Ukraine vạn nhà, triệu người không tan tác gia đình để tử đó điêu linh như người Việt, đất nước tôi bị thất thủ ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm.
   
Thời điểm lịch sử, cột mốc lịch sử ấy đã vui ít buồn nhiều trong lòng bao thế hệ người Việt? Những người trực tiếp tham chiến ở tuổi đôi mươi thì nay đã già, những người lớn tuổi hơn nữa đã đi xa; đứa trẻ chưa biết kho cá hôm mất nước cũng đã phiêu bạt tới tóc bạc trên đầu nhưng đường về quê vẫn xa lắc lê thê. Tôi nghĩ đến những người sinh ra đúng ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm thì nay họ cũng đã bốn mươi bảy tuổi. Cái tuổi nhìn lại cũng đã lắm vui buồn cuộc đời, nhìn tới chững chạc vì đã qua tuổi mộng mơ, hoang tưởng như khi còn trẻ.
 
Những người bốn mươi bảy tuổi sống ở những thành phố lớn trong nước hay định cư ở hải ngoại thì con cái họ đã tới tuổi đi đại học. Những người sống ở thôn quê, thường lập gia đình sớm thì đã và đang lo chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái họ. Cho dù có sự khác biệt địa lý giữa trong nước và hải ngoại, sự khác biệt giữa thành thị và thôn quê thì những người sinh ra ngày cột mốc lịch sử ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm đã bước vào tuổi ngũ thập tri thiên mệnh là đã nửa đời người, nói chính xác hơn là đã hai phần ba đời người với tuổi trung bình thọ của người Việt nam. Nghĩa là chiến tranh đã kết thúc hai phần ba một đời người, gần nửa thế kỷ thời gian đã lặng lẽ trôi qua. Những người tham chiến đã lần lượt đem theo những vui buồn về nơi gió cát, lứa tuổi chúng tôi chỉ là những chứng nhân lịch sử sẽ tiếp tục muộn phiền với ký ức chiến tranh, vẫn sống với lòng hoài hương trên khắp địa cầu tới hết đời chúng tôi là hết người hoài mong một Việt nam không cộng sản.
    
Tôi còn nhớ hôm kỷ niệm ba mươi năm ngày quốc hận ba mươi tháng tư nơi tôi sinh sống. Sau buổi lễ long trọng ở Trụ sở cộng đồng của người Việt quốc gia trong thành phố, vài người là lính cũ, vài anh em bên truyền thông báo chí, vài người có lòng là bác sĩ, kỹ sư. Coi như thân hữu ở địa phương ngồi lại với nhau để cùng tri ân những người đã khuất trong cuộc chiến đã hằn sâu vào lòng người dân nước Việt, người lính thiệt thòi nhất từ khi loài người có chiến tranh là lính Việt nam Cộng hoà. Một người bạn là nhà báo đã bộc bạch nỗi buồn, “Đã ba mươi năm trôi qua mà cả trong và ngoài nước đều không có một tác phẩm văn học đủ tầm mức với cuộc chiến Việt nam. Những người đủ sức viết nên tác phẩm ấy đã lần lượt qua đời, những người đời sau càng không đủ sức vì không trực tiếp tham chiến, còn quá nhỏ trong chiến tranh nên coi như không bao giờ có một tác phẩm đúng đắn, xứng đáng với cuộc chiến mà theo tôi là không có hồi kết dù chiến tranh đã tàn, nhưng hố phân cách bắc nam ngày càng sâu hơn, rộng hơn. Càng buồn hơn với những quyển hồi ký mà chúng ta đã đọc, có lẽ ai trong chúng ta cũng dễ dàng nhận ra hai nội dung cơ bản của những hồi ký về chiến tranh Việt nam ấy. Một là đánh bóng tên tuổi người viết hồi ký để còn chút danh gì với núi sông, hai là chạy tội bằng cách đổ tội cho chính những người đồng đội của mình. Đó không phải chân dung đích thực của cuộc chiến.”
    
Tôi thấy bạn mình khá đúng với nhận xét trên. Nhưng tôi tìm thêm mười bảy năm nữa cũng không ra được tác phẩm nào khả dĩ để giới thiệu cho độc giả. Tìm thêm mười bảy năm cho đến hôm nay là quãng thời gian không ngắn cũng không dài trong vô vọng thật rồi.
  
Nhưng lại gặp được một người đàn ông ở Hà nội chừng năm mươi tuổi, là lứa tuổi sinh ra trước hay sau chiến tranh kết thúc không nhiều. Anh khoe mẽ trên YouTube về việc anh mới mua được xe hơi bằng cách đưa cả gia đình đi ăn phở vào một sáng cuối tuần ở Hà nội. Ba thế hệ ăn mặc chỉnh tề, mỗi người cầm trên tay một lá cờ đỏ sao vàng be bé, họ hớn hở có trật tự hàng một tiến vào tiệm phở. Họ vẫy cờ chào những người xem họ đang quay video clip, họ chào cả khán giả sẽ xem đoạn video đang quay trên khắp thế giới bằng những lời kêu gọi ủng hộ kênh. Họ chào cả nước với gương mặt tự hào, rạng rỡ nhất của người Hà nội đang tự mãn với xã hội chủ nghĩa của bên thắng cuộc. Người cha của anh Hà nội mới mua được cái xe van chở cả ba đời đi ăn phở. Ông cứ như ngài tổng bí thư đi kinh lý phố phường, chào hỏi mọi người trong tiệm phở với cung cách bề trên kẻ cả, rồi đặt cái nón cối xuống bàn trang trọng như báu vật của đời. Người ngoài bắc thích đội nón cối như người miền tây nam bộ thích quấn khăn rằng ở cổ, có điều là đàn ông hay đàn bà quấn cái khăn rằng quanh cổ đều thấy dân dã, hệch hạc. Không nhìn cứ thấy ngu ngu, đần đần như đội cái nón cối. Tôi rất xin lỗi nói lên cảm xúc thật trong lòng về sự hèn hạ khi nhìn cái nón cối. Đìều tôi thấy không hiện hữu qua hiện vật là người ta chấp nhận lá cờ vàng sao đỏ như một tự nhiên vì nó đại diện cho lòng tự hào. Đời ông trong gia đình nọ ở độ tuổi ngoài bảy mươi, chắc là anh bộ đội cụ Hồ trong chiến tranh Việt nam nên đến giờ ông vẫn đội nón cối dù mặc bộ đồ lớn khá chỉn chu. Nhưng cái nón cối chửi bộ đồ tây, bộ đồ tây chửi cái nón cối theo từng bước chân đi vào hư vô của ông. Không biết tả làm sao gương mặt tự hào của ông như chửi cả loài người văn minh tiến bộ thật sự. Đến đời con ông là người sanh trước hay sau biến cố lịch sử của quê nhà. Anh không có tổ quốc, gia đình là màu mè cho vui ống kính máy quay, anh chỉ tự hào về thành quả của anh là mới mua được cái xe hơi bảy chỗ ngồi nhưng nhồi nhét hết gia đình lên tới gấp đôi số ghế. Hạnh phúc quá đơn sơ với lá cờ đỏ sao vàng trên tay anh luôn tích cực hoạt động như để làm bằng nhờ ơn bác đảng nên anh mới có hôm nay, anh có xe hơi. Đến đời thứ ba là những đứa cháu hồn nhiên vui tươi trong bộ quần áo mới, được đi xe hơi, được đi ăn phở. Lẽ ra phải mừng cho (một) người Hà nội đã thoát nghèo vì dù gì họ cũng là đồng bào, là bà con xa hay bà con gần không chừng vì cha mẹ tôi cũng là người Hà nội. Nhưng không biết sao trong tôi cứ u uẩn nỗi buồn chả lẽ mọi người dân Việt đã cam phận với lá cờ đỏ sao vàng - thì chấp nhận được vì dù sao cũng phải sống đã, có tồn tại thì mới mưu cầu hạnh phúc được. Nhưng hình ảnh trên tivi đang nói gì với tôi? Họ không phải cam phận. Họ không có mưu cầu chính đáng. Họ đang rất tự hào với chỉ một cái xe hơi đã qua sử dụng.
    
Tôi thấm thía cụm từ “phía bên thua cuộc”. Tôi cam phận lực bất tòng tâm. Nhưng về lại trong nam qua cái clip “đám cưới miền tây”. Tôi hay đọc, xem truyền hình khi có thởi gian để biết được sự thay đổi ở quê xưa. Cũng là người cha ở độ tuổi năm mươi, cũng là người nếu có biết gì về chiến tranh Việt nam thì chỉ là chuyện kể, hay những trang sách giáo khoa dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Hôm trong ti vi tôi đang xem là hôm ông đi cưới vợ cho con trai ông. Khi cả đoàn người nhà trai đi rước dâu đã sẵn sàng mâm, quả từ ngõ ra xe chờ ngoài đường lộ. Ông rất thành kính dâng hương lên bàn thờ gia tiên nhà ông như xin phép tổ tiên, ông bà cho ông được phép hôm nay đi cưới vợ cho con trai ông. Sau ông là người con trai hôm nay đi cưới vợ cũng thắp hương, vái lạy tổ tiên, ông bà cho phép con hôm nay được lập gia thất. Tôi mừng cho phong tục ở quê nhà vẫn còn giữ được văn hoá dân tộc sau bốm mươi bảy năm miền nam bị cưỡng chiếm. Nhưng tôi đã xụp hầm đau điếng lòng khi thấy bên trên những linh vị của tổ tiên nhà nọ là di ảnh bác Hồ. Không lẽ bây giờ người ta chấp nhận dễ vậy sao? Một người không bà con ngồi trên tiên tổ họ nhà mình. Lịch sử Việt nam bao đời chỉ có Trời Phật mới trên ông bà. Sao đau lòng quá!
  
Còn gì nữa đâu mà hy với vọng, những người không biết mùi thuốc súng đã lãnh trọn nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, nay đến đời con họ, cháu họ là sự định đặt của số phận Việt nam. Buồn thì cứ buồn vì sự thực là chuyện buồn, nhưng buồn nhất là người trong hai câu chuyện tôi kể lại không thấy buồn vì họ đã bị tẩy não tới trống trơn…
  
Tôi nhìn ra  cánh đồng bluebonnet sau nhà, hoa vẫn nở tím cả chiều hoang biền biệt như màu tím hoa sim trong thơ Hữu Loan. Thấy thương thân biền biệt tới hết đời vẫn không hết buồn khi tháng tư lại về cho hoa bluebonnet vẫn nở sau nhà, những con chim sặc sỡ màu vẫn không cất nổi tiếng hót lảnh lót, tiếng hót không vui cũng không buồn của nó như một đời người lưu lạc ngồi nhìn về cố hương trong tiết tháng tư…

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,419
Nhập ngũ vào Thủ Đức sau biến cố Mậu Thân 1968 khi đang theo học năm thứ hai Cao Học Sử Địa tại Văn Khoa Saigon, anh được chọn vào Không Quân, và có lẽ do bản chất yêu thích văn nghệ với sở trường ca hát và đờn địch, anh vào làm việc trong ban Tâm Lý Chiến của Sư Đoàn 3 Không Quân tại Biên Hòa, đi từ cấp bậc Chuẩn Úy cho đến Đại Úy. Đầu năm 1975, anh lấy vợ, một nữ quân nhân phục vụ trong phòng Xã Hội cũng tại sư đoàn 3 Không Quân. Vợ chồng anh ở trong trại sĩ quan của đơn vị cho đến ngày mất nước. Khi anh vào tù, chị trở về quê sống với cha mẹ chị gần Cần Thơ.
Phải nhìn nhận rằng Lão là con người hiền lành, rất hiền lành! Nói theo kiểu người mình hay nói là hiền như cục đất! Lão hiền từ trong nhà ra tới ngoài đường. Chưa bao giờ lão lớn tiếng, hay nói những lời nóng nảy, cộc cằn với bất cứ ai! Cái tâm lão cũng vô cùng là hiền, hiền cả với cây cỏ, với thú vật! Lân la ngoài vườn nhiều khi thấy ớt con hoặc é quế mọc nhiều quá, mụ vợ nhổ quăng bớt. Nếu thấy được lão nhặt chúng đem đi chỗ khác trồng! Mụ kền rền, lão bảo: “Chúng nó cũng muốn sống mà!” Bất cứ con bọ nào bất chợt lọt vào trong nhà là lão túm lấy mở cửa quăng ra ngoài, vừa quăng lão vừa nói: - Đi về nhà mày đi, ở đây lâu là có cơ hội xuống ống cống đấy! Ý lão ám chỉ mụ! Mụ ghét nhất bất cứ con gì chui vào nhà, trông thấy là mụ quăng ngay vào bồn cầu, giật nước mất tích luôn!
Hôm nay trời trong, nắng vàng rực rỡ nhưng lạnh. Hàn thử biểu cho thấy buổi sáng 47độ và trưa được 54 độ F. Vào buổi chiều 16 giờ khí tượng cho biết sẽ có mưa. Từ hôm qua các con đã khuyến khích tôi đi xem hoa đào vì sợ sau cơn mưa, phần lớn hoa sẽ rơi rụng, tơi tả không còn đẹp nữa. Qua video người bạn gửi cho xem thấy hoa đào ở Tidal Basin thủ đô Hoa Thinh Đốn đã nở rộ.
Với Hai Búng thì có nhiều chuyện để nói. Tên trên giấy tờ là Phạm Bình Nhâm, nhưng từ khi vào quân đội, ban bè cùng khóa đặt cho hắn cái tên mới là Búng - Hai Búng. Sở dĩ hắn mang cái biệt danh (nickname) này vì nhà hắn gần chợ Búng mà khi nhắc đến chợ Búng, hắn say sưa nói miết - quên thôi! Hắn tả cảnh, tả tình về quê hương của hắn với những vườn cây ăn trái ở Lái Thiêu, An Sơn, Bình Nhâm (nơi sinh quán của hắn) hấp dẫn đến mức mà người nghe thấy mát rượi với những cây chôm chôm, măng cụt, sầu riêng... ngát hương vườn lài, thơm phức mùi sầu riêng và ngọt lịm mùi lò đường, ruộng mía ven sông …Và bao gìờ kết thúc câu chuyện cũng là lời mời rất chân tình: “Khi nào đi qua Chợ Búng, nhớ ghé nhà tao, tao sẽ đưa tụi mày đi ăn bánh bèo bì Mỹ Liên, hay Ngọc Hương, hai tiệm bánh bèo bì nổi tiếng không những ở chợ Búng mà khắp nước đấy. Rồi về nhà tao, mẹ tao sẽ đãi một bữa cháo vịt – thịt vịt bầu mà chấm nuớc mắm gừng do mẹ tao pha chế thì hết sẩy – Tụi mày sẽ nhớ đời …”
Hồi tôi ở trại tỵ nạn, trầy trật bốn năm trời mới vượt qua cuộc thanh lọc đáng ghét, và khi gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn thì bị từ chối, mặc dù tôi có đầy đủ gia đình ở bển. Còn chồng tôi, cả giòng họ rủ nhau đi vượt biên rất sớm, năm 1977 khi cả miền Nam đang vào cơn tàn tạ dưới bàn tay của “bên thắng cuộc”. Trong khi ở trại Mã Lai chờ phái đoàn Mỹ, thì phái đoàn Canada lơn tơn xuất hiện, gia đình chồng tôi nôn nóng thoát khỏi cuộc sống tù túng ở trại nên nhắm mắt đưa chân qua Canada định cư luôn một lèo. Sau đó, chồng tôi đi học, vào cấp ba rồi Đại Học, quyết chí thực hiện giấc mơ Mỹ Quốc năm xưa, bèn nộp vào trường Đại Học tại New York. Khi nộp đơn thì hào hứng, đến khi được nhận thì bị bà má chồng “bàn ra”, vì sợ tốn kém với số “student loan” quá lớn, chồng tôi cũng bị nản chí, không qua đó học nữa.
Thời gian gần đây, tôi đọc được bài ký sự sống động đã cho tôi một bài học trân quý về nền giáo dục của Hoa Kỳ từ tác giả Hạ Vũ, với câu chuyện “Tôi làm Cô giáo nhà trẻ Mỹ” trên mục VVNM trang Việt Báo. Tác giả kể chi tiết từng hoạt động và phương pháp chăm sóc trẻ nhỏ tại lớp học. Từ việc chuẩn bị môi trường sạch sẽ, an toàn và cách cho trẻ ăn uống, vệ sinh đến giấc ngủ trưa yên lành; ngay cả việc vệ sinh cho bé cũng phải hết sức kiên nhẫn và luôn dùng chữ “please” để khởi đầu và cho biết mình sắp làm gì đó cho trẻ, chữ “thank you” để cảm ơn trẻ đã cộng tác, dù việc đó là phục vụ cho chính các em.
Trong 53 năm, chúng tôi kề cận, nhường nhịn, yêu thương và chăm sóc nhau để cùng xây dựng cuộc sống riêng sau khi cả hai chúng tôi học xong đại học. Chúng tôi đã có một gia đình nhỏ an vui với hai con trai. Và từ khi chúng tôi đem hai cô con gái nhà người dưng, mang về làm hai con gái ruột nhà mình thì gia đình chúng tôi có thêm ba đứa cháu. Nay, các con đã thành nhân, các cháu thì đã có đứa chuẩn bị vào đại học. Hai con trai của chúng tôi đã có nghề nghiệp vững vàng, chúng đã có nhà riêng. Chúng tôi già dặn hơn cùng với sự trưởng thành của con cháu. Hai chúng tôi đã về hưu, vẫn cùng có nhau, tiếp tục nhường nhịn, chăm lo cho nhau trong những năm tháng cuối đời...
Dallas mới qua một đợt lạnh khủng hoảng sau lễ tình yêu, nghỉ học nghỉ làm tuyết đá đầy đường. Hy vọng là đợt lạnh cuối mùa vì thời tiết Texas khó đoán bởi đôi khi sang tháng tư còn tuyết. Tội nghiệp những người thích trồng, họ thường gieo hạt giống trong garage từ cuối tháng hai để sang tháng ba là đậu bắp đã cao được gang tay, cà chua non nhìn mắc ham, những cây ớt xanh mát mắt... Đợi tháng ba cho ra vườn là sớm có ăn, nhưng đầu tháng tư trời lại đổ cho trận tuyết làm cây con chết ráo. Những người mê trồng tính khôn ăn sớm nên gieo hạt trong garage từ cuối tháng hai lại hoá ra ăn muộn vì phải gieo hạt lại lần nữa.
Các nhà khoa học có thể đưa ra tuổi thọ trung bình của một người, nhưng chưa có một thống kê nào cho biết mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi nằm xuống đã ở được khoảng bao nhiêu căn nhà! Điều này có thể nói lên mỗi người có những nhu cầu “xê dịch” rất khác nhau. Sau hiệp định Genève 1954, cuộc sống của người Việt Quốc Gia chỉ trong phạm vi từ vĩ tuyến 17 cho đến Mũi Cà Mau. Nhưng kể từ năm 1975 cho đến nay thì “nhà Việt Nam” đã có mặt tại hơn 130 quốc gia trên thế giới. Mỗi một căn nhà của người Việt trên quê người gói ghém tất cả những thăng trầm của một đời lưu lạc nơi đất khách; là những vinh nhục, được mất, hy sinh, đánh đổi để tồn tại. Biết bao người bôn ba ra hải ngoại đang sống trong những căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi; nhưng từ trong sâu thẳm họ vẫn không quên được căn nhà cũ của mình trên quê mẹ!
Chị Bông đọc xong email của người bạn chỉ cách muối cà pháo ăn liền, lại còn minh họa theo một bát cà pháo dầm nước mắm tỏi ớt trông thật ngon lành hấp dẫn. Suốt hai tuần lễ qua chị lấy vacation về phố Bolsa California thăm người nhà, ăn uống thịt thà, tôm cá mỡ màng nên bỗng thèm món ăn nhà quê dân dã này. Chị lái xe ngay ra chợ mua vài pound cà pháo, ăn đổi món và để giảm cân. Sau chuyến đi chơi Cali chị đã tăng 2 pounds.Về nhà chị thực hiện như bạn chỉ, xẻ cà ra, ngâm nước muối cho ra bớt chất độc hại thâm đen. Trong khi chờ đợi cà còn ngâm trong chậu, chị Bông pha sẵn một bát nước mắm tỏi ớt đậm đà. Món này chỉ ăn với cơm trắng cũng đủ ngon nhớ đời.
Nhạc sĩ Cung Tiến