Hôm nay,  

Cỡi Ngựa Xem Hoa

25/02/202200:00:00(Xem: 2709)

1280px-Clifftops4-7-07
Hình: Great Smokey Mountain National Park - Nguồn: Wikipedia

 

Tác giả tên thật Nguyễn Thanh Hiền, Nickname: Steven N, Bút danh: Tiểu Lục Thần Phong, Sinh sống ở Atlanta 20 năm.

 

***

 

 

Ngày Lễ Lao Động năm nay, Smoky Mountain lặng lẽ lắm, núi rừng dường như được trở laị sự tĩnh mịch của muôn đời. Cơn dịch Coronavirus đã khiến cho dòng người đổ về đây vơi hẳn đi, cơn dịch có haị cho loài người nhưng mang laị lợi ích lớn cho thiên nhiên, nhờ dịch mà những tác động tai haị lớn của con người đối với thiên nhiên giảm đi rất nhiều.

 

Rặng Smoky Mountain tọa lạc trên hai tiểu bang: North Carolina và Tennessee. Vốn được công nhận là công viên quốc gia đầu tiên của nước Mỹ (1940), tiếp đến năm 1983 được Unesco công nhận là di sản của nhân loại… núi rừng trùng điệp và hùng vĩ, có nhiều chặng sương khói phủ mờ, mây trắng quyện lấy lững lờ chẳng tan. Có lẽ người xưa nhìn thấy cảnh tượng này mà gọi tên là Smoky chăng? Hoặc giả những trận cháy rừng, khói bốc cao mà gọi là Smoky? Cũng có giả thuyết cho rằng: Người Mỹ bản địa (Indian) xa xưa, thường đốt khói thơm trong những nghi lễ hiến tế ở những địa điểm linh thiêng trên dãy núi này, vì thế mà được gọi là Smoky. Núi rừng trùng điệp, đèo cao vực sâu nhưng xe lên dễ dàng, vì đường chạy dích dắc làm giảm độ dốc rất nhiều. Chỉ trừ những khu vực cao nhất, nơi ở của những nhà giàu và khu vực có cabins cho du khách thuê.  Nghĩ cũng lạ đời, ở xứ mình, người nghèo khổ mới lên rừng, lên núi kiếm đất cắm dùi, hoặc dỡ rẫy làm nương mà kiếm sống. Ở xứ Cờ Hoa này thì ngược laị, người giàu, cực giàu mới lên núi, lên rừng mà sống. Dù rằng ở trên núi hay giữa rừng nhưng họ không thiếu thứ gì, từ những món đơn sơ cho đến những phương tiện kỹ thuật tân tiến nhất, những nơi họ ở thì xe hai cầu mới có thể lên nổi…

 

Trên rặng Great Smoky Mountain có một tiểu trấn nhỏ gọi là Gatlinburg. Trấn cổ kính, nhỏ nhắn xinh xinh nằm dọc hai bên con suối nước mát lạnh trong xanh, ngày đêm róc rách chảy. Tiểu trấn Gatlinburg như bước ra từ trong truyện cổ tích của WaltDisney, nó có dáng dấp những trấn cổ của Bạch Tuyết và bảy Chú Lùn, Người Đẹp Ngủ Trong Rừng, Giai Nhân và Quái Vật…Trấn đẹp lạ thường, rất lãng mạn với những con đường lát đá chạy loanh quanh, những ngôi nhà nho nhỏ bằng gỗ hoặc bằng đá, những tiệm kẹo tí hon, xưởng đèn sáp thủ công, thuỷ tinh màu, shop bán đồ lưu niệm…và cả những nghệ nhân khắc tượng, vẽ tranh hai bên đường. Không khí mát lạnh, người trẩy hội với bao sắc màu tạo nên khung cảnh đẹp làm ngẩn ngơ lòng những gã du tử. Trấn đẹp một phần cũng nhờ hoa, hoa có mặt khắp nơi, từ bậu cửa, thềm sân, vỉa hè, hai bên đường, dọc con hẻm…Hoa pansy, pectuania, hydrangea, poppy… đủ cả sắc hương hội tụ. Những gã du tử đến đây thì khi đi sẽ để laị một chút hồn mình, hoặc giả khi về sẽ mang theo trong tim mình một chút hồn của trấn nhỏ này. Những gã du tử thường đa mang, đôi khi mộng mơ và lạc lõng giữa đời thường. Những gã du tử vốn rất hậu đậu, chẳng bon chen nổi với đời, vĩnh viễn lạc lõng trên con đường đời, ngơ ngẩn ở con đường tình, lừng khừng trên đường đạo, mịt mờ với đường công danh, dở dang đường tiến thoái, mê đắm đường văn chương chữ nghĩa. Đời những gã du tử chỉ là những con chữ ráp nối như trẻ con chơi ráp hình, ráp chữ (puzzle), khéo thì ráp thành những bức tranh đẹp, vụng về thì tạo ra một mớ hổ lốn chẳng nên hình hài gì.

 

Great Smoky Mountain trùng điệp và hùng vĩ quá, xe chạy trên triền núi mà lòng vẩn vơ nghĩ về cố quận. Smoky Mountain chắc cũng giống Trường Sơn của xứ mình.  Xưa giờ vẫn nghe nói Trường Sơn núi rừng thâm sâu, ấy chỉ là lý thuyết chữ nghĩa chứ gã chưa hề thấy biết, dĩ nhiên là cũng chưa hề đặt chân đến bao giờ. Khi mà chưa đến, chưa hít thở hơi thở của núi rừng Trường Sơn thì làm sao dám viết về Trường Sơn! Vẫn nghe ca tụng Trường Sơn hùng vĩ lắm, có người bạo mồm bạo miệng đòi đốt cả dãy Trường Sơn để đạt mục đích của mình, thật sự Trường Sơn chưa bị đốt cả nhưng cũng bị loang lổ hư hoại rất nhiều, chưa đốt Trường Sơn nhưng cũng đã haị người, haị vật không ít! Smoky Mountain thật may mắn, nó ở xứ Cờ Hoa nên yên thân, xứ naỳ không ai dám đòi đốt vả laị cũng chẳng ai có tâm đủ độc để đòi đốt nó.

 

 Trên rặng Smoky Mountain, thỉnh thoảng gặp những gã da trắng bặm trợn, xồm xoàm râu ria lái những chiếc mô tô Harley Davidson rong ruổi đó đây. Lòng gã laị mường tượng những chiến binh Indian xa xưa. Xứ sở Cờ Hoa vốn là đất của người Mỹ bản địa, người mình quen gọi là thổ dân da đỏ hay là người Anh Điêng (Indian) sở dĩ như vậy là vì khi nhà thám hiểm Cristoforo Colombo khám phá ra châu Mỹ, ông đã nhầm lẫn tưởng là Ấn Độ nên mới gọi là Indian, sự nhầm lẫn gọi riết thành quen đến tận hôm nay. Xe chạy ngoằn nghèo trên Smoky Mountain, tự dưng nhớ ngài tuệ Sĩ viết:

 

“Quê người trên đỉnh Trường Sơn

 Cho ta gởi một nỗi hờn thiên thu”

 

 Ngài vì đau lòng bởi vận nước suy vi, vì đạo pháp ngã nghiêng, vì cơ nghiệp của Như Lai đang hồi hư hoại mới gởi nỗi hờn thiên thu trên đỉnh Trường Sơn. Ngài laị viết:”Mơ Trường Sơn vời vợi bóng anh hùng”, “Nên bàn chân mòn sỏi đá Trường Sơn”, “Trường Sơn ơi bóng tùng quân ngạo nghễ…”

Rặng Smoky Mountain của Cờ Hoa, Trường Sơn của cố quận không ngờ laị có duyên với nhau như thế này, núi rừng giống nhau, thiên nhiên như nhau nhưng quốc độ khác nhau, nhân tâm bất đồng: bất đồng vì cái nhìn hạn hẹp với cái nhìn bao quát; bất đồng vì tự tư tự lợi với nhân ái vị tha; bất đồng vì cái tôi của cá nhân quá lớn với cái tâm đặt lợi ích quốc gia lên trên; bất đồng vì chủ thuyết hoang tưởng đầy bạo lực sắt máu với dân quyền- dân sinh- dân chủ; bất đồng vì lạc hậu, cố chấp với cái tân tiến, vị tha, cởi mở…Vì những sự bất đồng nhân tâm như thế nên mới có những hình thái nhà nước khác nhau, những thể chế khác nhau và cũng từ đó mà gây ra phước họa khác nhau cho con người và xã hội. Những người có cùng nghiệp lực phước phần hội tụ với nhau, chịu chung phước họa, ở cùng những quốc độ tương ứng.

 

Từ trên rặng Smoky Mountain, gã laị tưởng tượng đến những ngôi chùa Yên Tử, lòng laị thầm ước giá mà ở đây cũng có một ngôi chùa thì hay biết bao, tuy biết rằng điều ấy là không thể. Đất này của người da trắng và các thổ dân còn sót laị, đất này của những tôn giáo có đức tin khác, và điều quan trọng nhất vẫn là nhân duyên chưa có, thời gian chưa phải lúc để xuất hiện một bậc đaị sĩ xuất thế hiện thân ở chốn này.

 

Smoky Mountain mùa đông cũng có tuyết, nhưng so với tuyết sơn ở Tây Tạng thì chẳng thấm thiá vào đâu. Những đỉnh núi tuyết, những rặng tuyết sơn có rất nhiều hang đá, ở đấy các vị Lạt Ma, Guru, tu sĩ vẫn ngày đêm hành trì miên mật. Họ tu mật hạnh, khổ hạnh ngồi trong những cái hang đá đó. Họ quả thật phi phàm, những cái hang giữa trời tuyết trắng bời bời, các vị tăng Tây Tạng vẫn vững như bàn thạch, không có những phương tiện vật chất tối thiểu, thực phẩm thì mươi hôm nửa tháng mới có Phật tử mang lên cúng dường…không hề gì, các ngài như thể nhập với tự nhiên, bản nguyện, hạnh nguyện và ý chí như kim cang. Người Tạng sống trên vùng đất cao nhất thế gian này, nắng chói chang, lạnh nứt da thịt, không khí loãng, oxy thiếu, áp suất thấp cái khắc nghiệt của thiên nhiên tưởng chừng như không sống nổi, ấy vậy mà cũng chưa yên thân. Khắc nghiệt của thiên nhiên còn chịu được, đã chịu bao đời nay. Cái khắc nghiệt của lòng người mới ghê gớm và kinh khủng hơn. Kể từ khi Trung Cộng xua quân xâm lăng Tây Tạng đến nay, bọn họ đã phá huỷ hơn bốn ngàn ngôi tự viện, giết chết hơn một trịêu người Tây Tạng, hàng vạn người phải ly hương (có cả ngài Dalai Lama), nền văn minh Phật giáo Tạng đang bị hủy hoại, bi Hán hoá quá cay nghiệt, tàn độc. Những kẻ xâm lăng không chừa một thủ đoạn nào, dù là độc ác và dã man nhất, cái khắc nghiệt của thiên nhiên xem ra không nhằm nhò gì so với sự nghiệt ngã của lòng tham, sự sân hận và mê muội của Trung Cộng.

Những ngọn núi thiêng như Kailash, vốn được truyền tụng là đạo tràng của ngài Liên Hoa Sanh, là hang tu của tổ sư Milarepa, được cho là trung tâm vũ vụ … vô cùng thiêng liêng trong tín ngưỡng, tâm linh cũng như văn hoá của người Tạng, hiện đang bị xâm haị vì những kế khoạch đã và đang khai phá của Trung Cộng. Núi thiêng taị tâm, đất linh tại người, vậy mà giờ đây lòng dạ của những kẻ xâm lăng tàn độc, tham lam, mê muội bất chấp tất cả. Kiếp nạn cộng nghiệp của người Tạng, của những dân tộc và quốc gia nhược tiểu ngày đêm khắc khoải khổ đau.

 

Rời Smoky Mountain, về với Tennessee, một vùng đất trù phú với những điền trang bát ngát mênh mông. Tennessee cũng là quê hương của ông hoàng nhạc Rock&Roll. Elvis Presley là thần tượng âm nhạc của xứ này và cả một phần nhân loại. Elvis Presley đã để laị cho đời một gia tài âm nhạc khổng lồ và bản thân ông đã trở thành một biểu tượng của văn hoá Mỹ. Nhắc đến văn hoá Mỹ, lối sống Mỹ, phong cách Mỹ thì người ta lập tức nghĩ ngay đến: nhạc Rock&Roll, bóng bầu dục, Coca Cola, hamburger. Cách trung tâm thành phố chừng một giờ lái xe, Rock City nằm trên đỉnh một ngọn núi nhỏ nhưng khá lý thú, người ta lập nên một tiểu trấn, một khu du lịch trên đỉnh núi đá. Bàn tay và trí tưởng tượng của con người đã thổi hồn vào núi đá này. Những hẻm núi nhỏ đến độ người ta phải nghiêng mình mới qua lọt, những hang động được trang trí biến thành xứ sở của bảy chú lùn trong truyện cổ, nhiều hang đá khác cũng được trang trí theo những chủ đề của các câu chuyện cổ tích, dùng chính đá của núi để bắt cầu qua hai vách đá, từ đó mà có Sky Bridge, cũng từ mỏn đá của Rock City nhìn ra không gian bao la, chúng ta có thể thấy đến tận bảy tiểu bang chung quanh. Rock City nhờ có bàn tay con người mà trở nên có hồn hơn, đẹp hơn từ đó thu hút du khách khắp nơi đổ về ngắm nghía trầm trồ. Dòng sông Chattanooga cũng thế, vốn chỉ là con sông nhỏ, nước tù đọng, không có gì hấp dẫn nhưng nhờ bàn tay chỉnh trang của con người tạo ra quảng trường bờ sông, công viên, phố xá hai bên sông, nhờ thế mà nó trở nên duyên dáng và đẹp hẳn lên. Những hoạt động thể thao du thuyền, jack ski, kayak… làm cho khúc sông chảy qua down town rất sôi động.

 

Từ trung tâm Tennessee, gã và gia đình ghé vào một trung tâm mua sắm cách đấy không xa, chính tại nơi này gã đã học thêm một bài học về cách đối nhân xử thế, về tình người, tình đời. Số là hai vợ chồng gã đang xếp hàng chờ đồ ăn, khi trả tiền thì anh nhân viên ở quầy bảo có người đứng sau lưng trả rồi. Gã ngạc nhiên quay laị thì thấy hai vợ chồng Mỹ trắng già. Hai ông bà thanh mảnh, cao ráo, tướng tá sang trọng… Gã ngạc nhiên lắm, cảm ơn hai người rối rít, hai người cười vui vẻ bảo không có chi. Ở cái xứ này chúng ta vẫn thường thấy có những người xa lạ thường hay trả tiền món ăn hay món đồ chi đó, nếu người đứng kề cận là một anh lính, người cảnh sát hay một quân nhân… Người Mỹ muốn tỏ lòng biết ơn những nhân viên công lực hay quân nhân đã bảo vệ quốc gia, bảo vệ trật tự trị an của xã hội. Gã là một người châu Á di dân, vô danh tiểu tốt, chẳng có công trạng gì với quốc gia này ấy vậy mà cũng được hưởng “ân huệ” này. Trong lòng thấy vui và cảm kích vô cùng. Lâu nay gã vẫn thường tâm niệm chỉ giúp người dưới cơ mình, chỉ giúp người nghèo khổ, hoặc là làm việc tốt cũng phải tỉnh táo, phân biệt rõ ràng… Hai vợ chồng Mỹ trắng già trả tiền bữa ăn cho gã, một hành vi đẹp vị tha, một hành động tốt vô điều kiện, hành động tốt mang laị niềm vui nho nhỏ cho tha nhân mà không cần biết đó là ai, không có tâm phân biệt hay chấp trước. Gã xin cảm ơn ngàn lần cũng không đủ, cảm ơn không phải vì được trả tiền cho suất ăn ấy mà cảm ơn vì trân qúy cái hành động đẹp này. Một bài học giữa đời thường, việc trả tiền bữa ăn cho một người xa lạ mà người ấy là du khách chứ không phải nghèo khổ, đói khát tuy chưa thể gọi là Bồ Tát nhưng hành vi ấy có dáng dấp của Bồ Tát. Hai vợ chồng Mỹ trắng già ấy không có tâm phân biệt đó là một gã châu Á, không thấy hành vi trả tiền cho kẻ xa lạ là làm phước…điểm naỳ gần giống như “Tam luân thể không” trong việc bố thí. Bố thí mà không thấy có mình bố thí, không thấy có người thọ nhận bố thí và cũng không thấy có vật bố thí.

 Xứ Tennessee giàu có phong lưu, thiên nhiên xanh mướt xinh đẹp. Tennessee cũng như bao miền đất khác của xứ sở này, ngày nay vẫn còn có rất nhiều những địa danh mang âm hưởng, vết tích của người Mỹ bản địa xa xưa: Chattahoochee, Chattanooga, Cherokee, Appalachian, Alamos… Những cái tên gợi lên một thời dĩ vãng, những đỉnh núi thiêng, những vùng đất linh một thời của người Mỹ bản địa.

 

 Rặng Smocky Mountain trải dài trên hai tiểu bang, núi rừng thâm u và hùng vĩ. Gã và những du khách như gã chẳng qua là những kẻ cỡi ngựa xem hoa, chỉ đi được một quãng đường ngắn ngủi không đáng là bao so với thiên nhiên chưa đến được, chỉ thăm viếng một vài địa điểm đã được khai thác như: Thị trấn, vườn hoa hay công viên, điểm dừng chân ngắm cảnh… Toàn bộ núi rừng và những vùng lân cận vẫn bí ẩn và giấu kín trong sự bảo bọc của núi đá cây rừng. May ra chỉ có những nhà thám hiểm, những nhà địa chất hay những nhà khoa học nghiên cứu về động thực vật mới dám đi sâu vào được.

 

Xứ sở Cờ Hoa này đất đai bao la, biển rộng trời cao, những rặng núi dài như Smoky Mountain rất nhiều, những núi lớn cũng đầy nhóc, rừng thì bạt ngàn...Những du khách đến từ thành phố hay thôn quê đích thực chỉ là những tay mơ cỡi ngựa xem hoa. Những kẻ cỡi ngựa xem hoa chỉ có thể đến được những nơi mà cơ sở vật chất hạ tầng đã được thiết lập, đã đủ độ an toàn và được chính quyền cho phép.

 

Cơn dịch Corona virus đã làm cho kinh tế đình đốn, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trên những cung đường của rặng Smocky Mountain rất vắng vẻ, khác hẳn với mọi năm, lúc nào cũng đầy nhóc xe từ các tiểu bang lân cận đổ về, nam thanh nữ tú khắp nơi dập dìu. Người ta sợ dịch, một phần nữa do chính quyền hạn chế… Kinh tế du lịch thiệt hại nhưng mặt khác thì thiên nhiên được lợi, sự ô nhiễm giảm hẳn, sự tác động tiêu cực của con người dừng lại. Các khoa học gia ghi nhận bầu khí quyển trong lành hơn (việc này trước khi có dịch vốn không thể nào làm được), lượng khí thải từ chất đốt hóa thạch giảm mạnh, hiệu ứng nhà kính cũng giảm, những con kênh trong xanh trở lại. Có nhiều tiểu bang ghi nhận thú hoang dã của núi rừng xuống phố, vào thị trấn... Xem ra thiên nhiên và môi trường đắc lợi trong cơn dịch này. Thật đúng như quan niệm triết học của đông phương, hễ mặt này thịnh thì mặt kia suy, trong đồ hình lưỡng nghi thái cực cũng thế, hễ dương cực trưởng thì âm cực tiểu còn âm cực trưởng thì dương cực tiểu. Kinh tế và hoạt động xã hội lòai người cực tăng thì môi trường sinh thái tự nhiên cực tiểu, giờ vì đại dịch nên kinh tế suy và xã hội đình đốn thì thiên nhiên lại phục hồi tăng trưởng. Dân gian Việt thì đơn giản hơn, dễ hiểu hơn:” Được mùa lúa úa mùa cau” thế thôi! Hễ được cái này thì mất cái kia, không thể nào đòi song song cả hai được!

 

Cuộc du hí rồi cũng kết thúc, ngày nghỉ cũng đến lúc phải quay về. Lái xe xuống núi mà lòng gã bâng khuâng nhớ cảnh núi đá cây rừng, nhớ con suối trong vắt chảy qua giữa sơn trấn. Hồn gã vấn vương cảnh tiểu trấn Gatlinburg đẹp như trong truyện cổ tích hay những phim hoạt hình của Walt Disney. Về lại thành Ất Lăng, về lại với lãnh địa của Stone Mountain. Stone Mountain là tên của một thị trấn, tên của một công viên lớn và cũng là tên một hòn núi đá, nói chính xác hơn là một khối đá khổng lồ nổi lên giữa bình nguyên. Các nhà địa chất ước tính nó đã ba trăm năm mươi triệu năm tuổi, nó vốn là dung nham từ lòng đất phun trào lên mà thành, chiều cao tuyệt đối lên đến 1686 feets, chiều cao tính từ mặt nước biển thì 825 feets. Từ đỉnh Stone Mountain nhìn bao quát cả bốn phương tám hướng đến tận chân trời. Lưng chừng hòn Stone Mountain người ta khắc một bức phù điêu khổng lồ miêu tả tổng thống Jefferson David, tướng RobertE Lee và tư lệnh Stonewall Jackson. Bức phù điêu này tuy không vĩ đại bằng tượng tù trưởng Crazy Horse và tượng bốn tổng thống Mỹ ở núi Rushmore nhưng cũng là một kỳ quan đủ để lưu danh hậu thế. Bức phù điêu ở Stone Mountain là kỳ tích của sự làm việc và sáng tạo phi thường của con người. Tổng thống và tướng lĩnh của phe miền nam bại trận nhưng cũng được vinh danh, cũng tượng đồng bia đá như những người tài giỏi của phe thắng trận. Đã một thời gian dài đó là biểu tượng, là minh chứng của sự khoan dung, hòa hợp hòa giải của nước Mỹ. Cuộc nội chiến kết thúc nhưng không có tổ chức ăn mừng thắng trận, không có trả thù, làm nhục, bức tử những người bên phe bại trận. Tử sĩ hai phe đều chôn chung một nghĩa trang, tướng lãnh và những người tài giỏi của hai bên đều được ghi danh… Có lẽ nhờ những đặc tính này mà nước Mỹ luôn chiêu mộ được người tài giỏi khắp nơi đổ về, cũng nhờ vậy mà nước Mỹ trở nên thịnh vượng, gìau có và hùng mạnh.

 

Dòng đời tương tục bể dâu, thay đổi liên lỉ trong từng phút giây. Dòng lịch sử cũng thăng trầm và thịnh suy nối nhau, ấy là tính vô thường của thế gian này. Nếu ngày trước những pho tượng, phù điêu hay những tác phẩm dính dáng đến tướng lĩnh miền nam thì được cho là sự hòa hợp hòa giải, khoan dung, nhưng hiện tại thì đã khác. Cơn cuồng nộ của đám đông đang giật sập, đập phá, hạ bệ hầu hết các pho tượng nổi tiếng một thời. Bức phù điêu ở Stone Mountain cũng đang đối mặt với cơn cuồng nộ đòi vạc mặc hoặc giật sập xuống. Người ta lấy cái quan điểm chính trị của thế kỷ hai mươi mốt để áp vào thế kỷ mười tám, không chỉ phù điêu Stone Mountain mà ngay cả tác phẩm “Cuốn theo chiều gió” lừng danh thế giới cũng đang bị đòi phải đốt đi và cả bộ phim chuyển thể cùng tên cũng có cùng số phận. Đám đông viện cớ là đụng đến nỗi đau của thời kỳ nô lệ, phân biệt chủng tộc. Lịch sử đã qua, lịch sử là bài học, không thể bắn vào quá khứ bằng đại bác như thế! Phá hủy những tác phẩm nghệ thuật, đập phá các di sản văn hóa, phế bỏ lịch sử đã qua như thế thì liệu mai này sẽ còn lại gì? Việc này xem ra sao giống như cách hành xử của Taliban và những nhóm hồi giáo cực đoan đối xử với các pho tượng Phật, các di chỉ khảo cổ học và các di sản văn hóa lịch sử.

 

Cơn dịch Corona virus tuy nguy hiểm chết người nhưng cũng đã có thuốc ngừa và thuốc chữa, rồi nó sẽ qua đi như những trận dịch khác trong quá khứ. Tuy nhiên cơn dịch đập phá hủy hoại những di sản văn hóa nghệ thuật và lịch sử thì chưa có dấu hiệu dừng và cũng chưa có biện pháp ngăn chặn, hậu qủa nó chắc sẽ còn dài, không biết những ngày tháng tới sẽ còn những gì sẽ bị giật sập, bị phá hủy? Bức phù điêu ở lưng chừng hòn Stone Mountain giờ thật mong manh, không biết lúc nào sẽ bị vạc mặt hay bị đặt thuốc nổ?

 

Thành Ất Lăng là thủ phủ của liên minh miền nam trong cuộc nội chiến năm nào. Thành Ất Lăng và những vùng lân cận xưa là những chiến trường khốc liệt. Ngày nay bảo tàng còn lưu giữ những kỷ vật, những di sản còn lại của một thời lịch sử chưa xa lắm. Những di sản văn hóa, nghệ thuật của lịch sử không có tội tình gì và cũng chẳng dính dáng gì đến việc kỳ thị, đấu tranh cho nhân quyền của thời hiện tại. Những phù điêu, tượng đài, tác phẩm nghệ thuật là những dấu ấn, những chứng tích của lịch sử. Lịch sử có cả đúng và sai, không thể đem lịch sử ra xóa bỏ! Mong sao cơn dịch cuồng phá kia lắng hạ xuống, mong sao pháp luật phải cứng rắn với việc đập phá hủy hoại này. Có như thế mới giữ lại được những giá trị nghệ thuật, di sản văn hóa cho thế hệ sau. Có như thế mới thì những du khách cỡi ngựa xem hoa từ nội địa hay từ bốn phương trời đến đây còn có những địa điểm lịch sử và văn hóa để mà viếng thăm.

 

TIỂU LỤC THẦN PHONG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,419
Tháng 4 luôn nhắc nhớ, chúng ta từ đâu đến đây, chúng ta may mắn hơn người còn ở lại VN, hạnh phúc hơn người bỏ xác trên biển, hãy sống xứng đáng với cái giá chúng ta phải trả mới có ngày hôm nay. Hãy tôn trọng và nhớ ơn đất nước đã cưu mang gia đình chúng ta, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI đã đón nhận và giúp đỡ chúng ta, nơi đây là điểm dừng cuối đời của chúng ta và là Quê Hương thật sự của con cháu chúng ta.
Nhập ngũ vào Thủ Đức sau biến cố Mậu Thân 1968 khi đang theo học năm thứ hai Cao Học Sử Địa tại Văn Khoa Saigon, anh được chọn vào Không Quân, và có lẽ do bản chất yêu thích văn nghệ với sở trường ca hát và đờn địch, anh vào làm việc trong ban Tâm Lý Chiến của Sư Đoàn 3 Không Quân tại Biên Hòa, đi từ cấp bậc Chuẩn Úy cho đến Đại Úy. Đầu năm 1975, anh lấy vợ, một nữ quân nhân phục vụ trong phòng Xã Hội cũng tại sư đoàn 3 Không Quân. Vợ chồng anh ở trong trại sĩ quan của đơn vị cho đến ngày mất nước. Khi anh vào tù, chị trở về quê sống với cha mẹ chị gần Cần Thơ.
Phải nhìn nhận rằng Lão là con người hiền lành, rất hiền lành! Nói theo kiểu người mình hay nói là hiền như cục đất! Lão hiền từ trong nhà ra tới ngoài đường. Chưa bao giờ lão lớn tiếng, hay nói những lời nóng nảy, cộc cằn với bất cứ ai! Cái tâm lão cũng vô cùng là hiền, hiền cả với cây cỏ, với thú vật! Lân la ngoài vườn nhiều khi thấy ớt con hoặc é quế mọc nhiều quá, mụ vợ nhổ quăng bớt. Nếu thấy được lão nhặt chúng đem đi chỗ khác trồng! Mụ kền rền, lão bảo: “Chúng nó cũng muốn sống mà!” Bất cứ con bọ nào bất chợt lọt vào trong nhà là lão túm lấy mở cửa quăng ra ngoài, vừa quăng lão vừa nói: - Đi về nhà mày đi, ở đây lâu là có cơ hội xuống ống cống đấy! Ý lão ám chỉ mụ! Mụ ghét nhất bất cứ con gì chui vào nhà, trông thấy là mụ quăng ngay vào bồn cầu, giật nước mất tích luôn!
Hôm nay trời trong, nắng vàng rực rỡ nhưng lạnh. Hàn thử biểu cho thấy buổi sáng 47độ và trưa được 54 độ F. Vào buổi chiều 16 giờ khí tượng cho biết sẽ có mưa. Từ hôm qua các con đã khuyến khích tôi đi xem hoa đào vì sợ sau cơn mưa, phần lớn hoa sẽ rơi rụng, tơi tả không còn đẹp nữa. Qua video người bạn gửi cho xem thấy hoa đào ở Tidal Basin thủ đô Hoa Thinh Đốn đã nở rộ.
Với Hai Búng thì có nhiều chuyện để nói. Tên trên giấy tờ là Phạm Bình Nhâm, nhưng từ khi vào quân đội, ban bè cùng khóa đặt cho hắn cái tên mới là Búng - Hai Búng. Sở dĩ hắn mang cái biệt danh (nickname) này vì nhà hắn gần chợ Búng mà khi nhắc đến chợ Búng, hắn say sưa nói miết - quên thôi! Hắn tả cảnh, tả tình về quê hương của hắn với những vườn cây ăn trái ở Lái Thiêu, An Sơn, Bình Nhâm (nơi sinh quán của hắn) hấp dẫn đến mức mà người nghe thấy mát rượi với những cây chôm chôm, măng cụt, sầu riêng... ngát hương vườn lài, thơm phức mùi sầu riêng và ngọt lịm mùi lò đường, ruộng mía ven sông …Và bao gìờ kết thúc câu chuyện cũng là lời mời rất chân tình: “Khi nào đi qua Chợ Búng, nhớ ghé nhà tao, tao sẽ đưa tụi mày đi ăn bánh bèo bì Mỹ Liên, hay Ngọc Hương, hai tiệm bánh bèo bì nổi tiếng không những ở chợ Búng mà khắp nước đấy. Rồi về nhà tao, mẹ tao sẽ đãi một bữa cháo vịt – thịt vịt bầu mà chấm nuớc mắm gừng do mẹ tao pha chế thì hết sẩy – Tụi mày sẽ nhớ đời …”
Hồi tôi ở trại tỵ nạn, trầy trật bốn năm trời mới vượt qua cuộc thanh lọc đáng ghét, và khi gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn thì bị từ chối, mặc dù tôi có đầy đủ gia đình ở bển. Còn chồng tôi, cả giòng họ rủ nhau đi vượt biên rất sớm, năm 1977 khi cả miền Nam đang vào cơn tàn tạ dưới bàn tay của “bên thắng cuộc”. Trong khi ở trại Mã Lai chờ phái đoàn Mỹ, thì phái đoàn Canada lơn tơn xuất hiện, gia đình chồng tôi nôn nóng thoát khỏi cuộc sống tù túng ở trại nên nhắm mắt đưa chân qua Canada định cư luôn một lèo. Sau đó, chồng tôi đi học, vào cấp ba rồi Đại Học, quyết chí thực hiện giấc mơ Mỹ Quốc năm xưa, bèn nộp vào trường Đại Học tại New York. Khi nộp đơn thì hào hứng, đến khi được nhận thì bị bà má chồng “bàn ra”, vì sợ tốn kém với số “student loan” quá lớn, chồng tôi cũng bị nản chí, không qua đó học nữa.
Thời gian gần đây, tôi đọc được bài ký sự sống động đã cho tôi một bài học trân quý về nền giáo dục của Hoa Kỳ từ tác giả Hạ Vũ, với câu chuyện “Tôi làm Cô giáo nhà trẻ Mỹ” trên mục VVNM trang Việt Báo. Tác giả kể chi tiết từng hoạt động và phương pháp chăm sóc trẻ nhỏ tại lớp học. Từ việc chuẩn bị môi trường sạch sẽ, an toàn và cách cho trẻ ăn uống, vệ sinh đến giấc ngủ trưa yên lành; ngay cả việc vệ sinh cho bé cũng phải hết sức kiên nhẫn và luôn dùng chữ “please” để khởi đầu và cho biết mình sắp làm gì đó cho trẻ, chữ “thank you” để cảm ơn trẻ đã cộng tác, dù việc đó là phục vụ cho chính các em.
Trong 53 năm, chúng tôi kề cận, nhường nhịn, yêu thương và chăm sóc nhau để cùng xây dựng cuộc sống riêng sau khi cả hai chúng tôi học xong đại học. Chúng tôi đã có một gia đình nhỏ an vui với hai con trai. Và từ khi chúng tôi đem hai cô con gái nhà người dưng, mang về làm hai con gái ruột nhà mình thì gia đình chúng tôi có thêm ba đứa cháu. Nay, các con đã thành nhân, các cháu thì đã có đứa chuẩn bị vào đại học. Hai con trai của chúng tôi đã có nghề nghiệp vững vàng, chúng đã có nhà riêng. Chúng tôi già dặn hơn cùng với sự trưởng thành của con cháu. Hai chúng tôi đã về hưu, vẫn cùng có nhau, tiếp tục nhường nhịn, chăm lo cho nhau trong những năm tháng cuối đời...
Dallas mới qua một đợt lạnh khủng hoảng sau lễ tình yêu, nghỉ học nghỉ làm tuyết đá đầy đường. Hy vọng là đợt lạnh cuối mùa vì thời tiết Texas khó đoán bởi đôi khi sang tháng tư còn tuyết. Tội nghiệp những người thích trồng, họ thường gieo hạt giống trong garage từ cuối tháng hai để sang tháng ba là đậu bắp đã cao được gang tay, cà chua non nhìn mắc ham, những cây ớt xanh mát mắt... Đợi tháng ba cho ra vườn là sớm có ăn, nhưng đầu tháng tư trời lại đổ cho trận tuyết làm cây con chết ráo. Những người mê trồng tính khôn ăn sớm nên gieo hạt trong garage từ cuối tháng hai lại hoá ra ăn muộn vì phải gieo hạt lại lần nữa.
Các nhà khoa học có thể đưa ra tuổi thọ trung bình của một người, nhưng chưa có một thống kê nào cho biết mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi nằm xuống đã ở được khoảng bao nhiêu căn nhà! Điều này có thể nói lên mỗi người có những nhu cầu “xê dịch” rất khác nhau. Sau hiệp định Genève 1954, cuộc sống của người Việt Quốc Gia chỉ trong phạm vi từ vĩ tuyến 17 cho đến Mũi Cà Mau. Nhưng kể từ năm 1975 cho đến nay thì “nhà Việt Nam” đã có mặt tại hơn 130 quốc gia trên thế giới. Mỗi một căn nhà của người Việt trên quê người gói ghém tất cả những thăng trầm của một đời lưu lạc nơi đất khách; là những vinh nhục, được mất, hy sinh, đánh đổi để tồn tại. Biết bao người bôn ba ra hải ngoại đang sống trong những căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi; nhưng từ trong sâu thẳm họ vẫn không quên được căn nhà cũ của mình trên quê mẹ!
Nhạc sĩ Cung Tiến