***
Cơn mưa nửa đêm làm tôi tỉnh giấc. Không gian thật im ắng. Mới hai giờ sáng. Nhìn lên màn hình camera phòng mẹ, trong cái ánh sáng mờ mờ, dáng mẹ nằm co ro, không nhúc nhích động đậy cũng chẳng nghe tiếng húng hắng ho hay tiếng trở mình như mọi đêm. Với một linh cảm không tốt, tôi choàng dậy rón rén xuống cầu thang, bước nhanh vào phòng mẹ. Dưới lớp chăn dày, mẹ nằm co quắp, khổ sở đến tội nghiệp. Đã bị nhắc nhở nhiều lần nhưng cái tật ngủ trùm mặt trùm đầu kín mít vẫn không chịu bỏ. Vừa ngộp thở vừa xấu xí. Kéo nhẹ tấm chăn che, cúi thật sát mới nghe tiếng thở yếu ớt của mẹ, lúc đó tôi mới thật hoàn hồn. Cám ơn Trời Phật, mẹ vẫn còn đó với chúng tôi.
Ông bà mình hay nói, cứ nhìn hình dáng khi ngủ sẽ biết được cuộc đời của người đó sướng, khổ ra sao. Quả thật điều này quá đúng với mẹ tôi.
Mẹ tuổi Ngọ, Canh Ngọ. Mẹ vẫn thường nói, “Tau tuổi Canh Ngọ. Canh cô mồ quả, một đời cô độc, suốt đời như ngựa chạy lông bông”. Dù không tin vào tướng số, nhưng quả thật cuộc đời của mẹ là những chuỗi ngày vất vả ngược xuôi. Không chỉ trong những lúc nghèo khó, mà ngay cả khi có tiền, có của, có kẻ ăn người ở, ít khi nào mẹ thật sự an nhàn.
Trong khi các bà chị có chồng vinh hiển, thì mẹ làm vợ một viên chức bưu điện nghèo. Ôn Mệ không bằng lòng nhưng Mẹ quyết chọn Ba dù mẹ biết cuộc đời chắc sẽ không bao giờ bình an, bằng phẳng như các chị. Nhưng Mẹ là vậy, từ nhỏ đã nổi tiếng là con bé thông minh, nhanh nhẹn, nhưng tính khí cứng cỏi như con trai. Muốn gì phải làm cho bằng được. Ngoại cứ hay nói “Cái con đầu cứng như mai cua.”
Nhưng có lẽ Mẹ đã không bao giờ ngờ rằng cuộc đời bà sẽ gian truân như thế. Mới sinh đứa con đầu lòng chưa đến mươi ngày là Ba nhận lệnh chuyển về ty Bưu Điện Đà Nẵng. Bồng đứa con còn đỏ hỏn, Mẹ theo Ba rời quê ngoại xuôi Nam. Và chuyến đi đầu tiên đó cũng chỉ là một chấm nhỏ khởi đầu quãng đường dài và truân chuyên của mẹ.
Từ khi làm vợ một công chức bưu điện bình thường đến khi trở thành phu nhân của một sĩ quan cảnh sát quyền uy của Vùng Một Miền Trung, Mẹ luôn là người nội trợ âm thầm sau lưng Ba. Ba an lòng lo việc nước, Mẹ lặng lẽ quán xuyến việc nhà, nuôi con.
Là một sĩ quan Cảnh Sát, Ba thường xuyên thay đổi nơi làm việc. Đà Nẵng, Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, rồi lại trở về Đà Nẵng... Với ba mỗi lần thay đổi nhiệm sở, đơn giản chỉ như thay một cái bàn, đổi một phòng làm việc, nhưng với Mẹ mỗi chuyến đi là một lần tay trắng, một lần xây dựng lại nhà cửa từ con số không nhưng mẹ chưa một lần than van trách móc. Mẹ không học cao, không biết rộng, nhưng Mẹ thuộc lòng lời dặn dò của ngoại: “Lấy chồng thì phải theo chồng. Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo”. Và cứ như thế người đàn bà tuổi Canh Ngọ nhỏ nhắn nhưng cứng cỏi, kiên cường như con ngựa hoang, mang trên vai chín đứa con cùng Ba bôn ba trên khắp các tỉnh thành miền Trung.
Cho đến ngày mất nước, Ba bị đưa đi “học tập cải tạo” tận miền Bắc xa xôi, Mẹ một mình lặn lội thay chồng nuôi con. Lúc đó, Mẹ cô đơn nhưng không cô độc với bóng hình Ba luôn mãi trong tim. Mẹ buồn nhưng vẫn luôn tin vào một ngày gặp lại Ba. Với niềm hy vọng, những ngày vắng Ba, trong tháng năm đen tối, Mẹ đã làm đủ mọi nghề để sống, để nuôi con. Không việc gì Mẹ không làm. Buôn bán chợ trời, làm bánh, nuôi gà, nuôi heo… Mẹ vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi đàn con còn nhỏ dại với niềm mong ước về một cuộc trùng phùng.
Nhưng đó là một ngày không bao giờ đến. Chỉ chưa tròn 3 năm là Ba chết trong trại. Mẹ chỉ kịp được vuốt mắt Ba một lần duy nhất trước khi uất ức nhìn xác Ba vùi chôn sơ sài dưới vài thước đất trên miền biên giới phia Bắc xa xôi. Cái chữ “mồ quả” đã vận vào đời mẹ. Mẹ mất chồng vào tuổi năm mươi. Và từ đó Mẹ thật sự sống hiu quạnh như con ngựa lạc bầy.
Trong nỗi uất ức, trong nỗi đau mất chồng, trong niềm thù hận, có một thời Mẹ đã nổi cơn điên loạn. Có một thời Mẹ muốn chết theo ba. Nhưng rồi dù có phải bao đêm lặng lẽ khóc một mình, Mẹ vẫn phải nén đau thương, sống tiếp. Cũng chỉ vì những đứa con, những giọt máu còn để lại của một mối tình mấy mươi năm. Khó có thể kể hết những nỗi đớn đau, nhọc nhằn, tủi nhục, đắng cay của một người vợ có chồng là sĩ quan cảnh sát chết trong trại cải tạo trong những tháng ngày nước mất nhà tan. Từ ngày ba chết năm 1979 đến ngày ra đi định cư ở Mỹ năm 1991, chỉ là mười hai năm, nhưng với mẹ là một quãng thời gian quá dài.
Giữa năm 1991, mẹ cùng sáu con qua Mỹ theo diện đoàn tụ. Mẹ đã làm được điều từng hứa ngày vuốt mắt vĩnh biệt ba. Chưa trọn vẹn khi đứa con đầu lòng còn kẹt lại, nhưng vẫn là những ngày thật vui.
Khởi đầu một cuộc sống mới, dù là trên một đất nước giàu có và tự do, không bao giờ là chuyện dễ dàng, nhất là với một gia đình đông con như mẹ. Với người già như mẹ thì không quá khó khăn. Mẹ được cấp một căn apartment một phòng ngủ và mỗi tháng vài trăm đồng. Cho riêng mẹ như vậy cũng đã quá đủ so với những ngày chạy gạo từng bữa ở quê nhà. Chúng tôi nói mẹ nên nghỉ ngơi vì đã sống một đời gian khổ rồi.
Nhưng các con còn long đong, mẹ sao có thể ngồi yên. Nhìn các con chạy ngược chạy xuôi tìm việc, mẹ xót lắm. Đứa đi bưng phở, đứa làm assembler, đứa làm ở chợ. Lương chỉ vài đồng một giờ. Ăn còn chưa đủ nói chi ở. Mấy đứa con trai ở tạm nhà người bà con. Mấy đứa con gái ở chung với Mẹ trong căn apartment nhỏ xíu. Mẹ muốn có tiền phụ thêm cho con. Trên sáu mươi, tiếng Anh tiếng U không rành, không biết làm gì ngoài chuyện nấu nướng, thế là bà nấu đồ ăn Việt Nam. Mới đầu nấu cho các con, sau cho các đứa cháu, cuối cùng nhận nấu cơm tháng cho người quen. Mấy đứa con thay phiên đi giao cơm. Cũng được một thời gian, thức khuya dậy sớm, cực nhưng vui. Có đồng ra đồng vào. Thêm cho mỗi đứa vài chục, vài trăm tuy không nhiều nhưng lòng bà rất vui. Nhưng rồi dần về sau, người đặt hàng càng ngày càng ít. Tiền lời không bao nhiêu, có khi còn lỗ công.
Các em tôi qua San Jose vào những năm đầu của thập niên 90, không chỉ vùng Thung Lũng Silicon mà toàn California đang ở thời kinh tế đi xuống. Công ăn việc làm ít ỏi, qua trước tìm được việc còn không có, huống chi những người qua sau. Ngày làm ngày nghỉ. Thế là các em di chuyển về các tiểu bang miền Đông xa xôi. Đứa về Oklahoma ở với chị đầu, đứa về Dallas với anh trai kế, là hai người vượt biên qua trước. Chỉ còn gái út ở lại San Jose với Mẹ. Cứ mỗi đứa ra đi, lòng bà thêm quặn đau. Lại khóc, lại trách móc giận hờn. Cứ nghĩ qua đây là mẹ con quây quần, là gia đình đoàn tụ. Có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Với Mẹ hạnh phúc chỉ giản đơn như thế. Mẹ hờn dỗi, “Biết qua đây, mỗi đứa một nơi như vậy thà tau ở lại với Cộng Sản còn hơn”, “Số tau canh cô, mồ quả, ba bây bỏ tau mà đi, bây giờ tụi bây cũng bỏ đi, tau còn sống để làm gì”. Nhưng có xót xa, có bịn rịn, cũng không thay đổi được gì. Xa mẹ lòng rất đau nhưng cũng đành phải xa thôi. Cuộc sống trên quê người đâu như thời xưa của ba mẹ. Đâu còn cái thời lấy vợ lấy chồng bao nhiêu thì cả cháu chắt cũng về sống chung. Thời của Mẹ đã qua rồi, Mẹ ơi.
Mẹ gắng gượng trụ lại Cali một thời gian rồi cũng khăn gói cùng gái Út về miền Tulsa, Oklahoma. Sẽ không còn nắng ấm Cali, sẽ không còn cái náo nhiệt của những khu Việt Nam sầm uất Tully, Senter, Story... Biết là sẽ phải trải qua những ngày hè nắng gắt, những đêm lạnh mùa đông, những cơn mưa tuyết rơi trơn trợt và cả những cơn lốc xoáy chết người, nhưng bà không quan tâm. Nơi nào có con có cháu, nơi đó là Thiên Đường.
Tusla đất rộng người thưa, thành phố hiền hoà và nguồn trợ cấp của chính phủ của tiểu bang dồi dào hơn Cali rất nhiều. Mẹ được cấp môt căn appartment hai phòng tuy nhỏ nhưng sạch sẽ khang trang trong khu Meadow dành cho người lợi tức thấp. Tháng được trợ cấp thêm vài trăm, cũng tạm đủ cho hai mẹ con. Bà cứ luôn khấn cầu ba phù hộ có ngày nào đó, sẽ được gặp lại đầy đủ ngũ long công chúa và tứ quý của bà thì dù có tổn thọ thêm bao nhiêu năm cũng không sao.
Không nhiều người Việt Nam như Cali nhưng nơi bà ở có nhiều gia đình Việt Nam và châu Á. Cộng đồng nhỏ nên hầu như mọi người đều quen biết nhau. Mỗi sáng mấy ông mấy bà kéo nhau ra khu chợ Alberson hút thuốc, chơi cờ, chiều tụm năm tụm ba tại sân chơi vừa chăm cháu vừa nhắc chuyện xưa. Cũng đỡ nhớ nhà, bớt nhớ quê hương.
Các em tôi lần lượt được đi học và đi làm. Đứa làm hãng máy bay, đứa làm xưởng may mặc. Cô Út vừa đi học , vừa làm thêm ở chợ. Cuộc sống dần ổn định. Ở xứ Mỹ này, nhất là trên cái thành phố mà nhà thờ ở khắp các ngã tư đường (tụi tôi hay gọi đùa là cái xứ nhà thờ nhiều hơn nhà dân), làm giàu thì khó chứ sống bình thường lương thiện thì quá dễ dàng. Mẹ đã qua những ngày bình yên như thế.
Nhưng ẩn sâu dưới cái bề ngoài an vui là những nhớ thương sầu muộn. Mẹ cứng cõi nhưng có trái tim đa sầu đa cảm, rất dễ xúc động. Bà con đến thăm, gặp nhau cũng khóc, chia tay ra về cũng khóc. Mẹ nhớ làng nhớ xóm, nhớ chồng quạnh hiu trong nấm mộ sau vườn, nhớ vợ chồng đứa con đầu lòng và những đứa cháu nội còn kẹt lại bên kia bờ đại dương. Đã có rất nhiều đêm bà không ngủ, nhìn khoảng sân vắng lặng trước nhà, kí ức về những ngày tháng cũ cứ lần lượt trôi về trong tâm trí. Bà cứ nhớ mãi cái ngày gặp chồng lần cuối cùng, hay lần cùng con trai lớn nửa đêm lặn lội lén cải mộ chồng. Nhớ cái ngày hai mẹ con co ro dựa cột đèn sân ga Hàng Cỏ, ôm khư khư hai bị lác chứa bộ xương chưa kịp khô của chồng. Nhớ, nhớ nhiều lắm những kỹ niệm thuở xa xưa. Càng rảnh rỗi, nỗi nhớ càng quắt quay, càng ray rứt.
Có lẽ Trời thương Phật độ và Ba phù hộ, cuối cùng sau những tháng năm chờ đợi, đứa con trai đầu của Mẹ cũng được chấp thuận cho qua Mỹ theo diện đoàn tụ ODP. Cuối năm 1998, trong cái giá buốt của mùa đông xứ người, máy bay chở gia đình nhỏ của chúng tôi đáp xuống phi trường Tulsa. Đầy đủ anh em cháu chắt đã chờ sẵn ở lối ra. Đại gia đình một mẹ chín con đoàn tụ. Một mùa Giáng Sinh đáng nhớ và hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Mẹ. Một người mẹ đơn thân có chồng chết trong trại cải tạo, sau bao nhiêu gian truân vất vã, cuối cùng cũng đem được toàn vẹn các con sang được bến bờ tự do. Ôm con, ôm cháu mẹ đã khóc như mưa. Khóc vì hạnh phúc và khóc vì nhớ ba.
Những ngày sau đó mẹ vui như chưa từng bao giờ được vui. Bấy giờ các con đều đã lập gia đình và có nhà riêng. Đứa nào cũng muốn đem mẹ về sống chung nhưng mẹ cương quyết từ chối. Mẹ muốn ở một mình trong căn nhà do chính phủ cấp. Mẹ nói, “nhà tau tau ở, tự do muốn làm gì thì làm. Ở với tụi bây, chồng con bây nói nặng nói nhẹ, thế nào cũng sinh chuyện”.
Cũng đúng thôi, ở một mình, bà tha hồ nấu nướng. Bà chưa quen đồ Mỹ đồ Tây bên này. Nhà mới, bếp mới mà chơi luôn nồi bún mắm thì mấy thằng rể không cằn nhằn mới là chuyện lạ. Lại thêm bà quen với chuyện cúng bái, đứa con nào chịu cho bà lập nguyên cái bàn thờ gia tiên to đùng ngay giữa phòng khách. Cũng nhờ vậy thời gian mới qua, vợ chồng tôi về ở chung với bà. Qua trễ cũng có nhiều cái hay. Với sự gíup đỡ và hướng dẫn của nhiều người qua trước, của hội đoàn, của nhà thờ, chúng tôi hoà nhập rất nhanh vào cuộc sống quê người.
Hai năm tôi ở Tulsa là hai năm hạnh phúc nhất của mẹ. Mẹ đã không còn là con ngựa già cô đơn mà là mẹ gà vĩ đại bên bầy con trưởng thành. Đáng được an vui, nhàn hạ, nhưng Mẹ vẫn không chịu ngồi yên. Từ lúc có thêm chúng tôi, suốt ngày Mẹ bận rộn trong bếp. Khi thì phở, hủ tiếu, khi thì cơm tấm, khi thì cơm đủ ba món canh, mặn, xào. Mẹ cứ sợ chúng tôi mới qua chưa quen đồ ăn xứ người. Không những nấu cho riêng vợ chồng tôi mà cho cả gia đình mấy đứa em gái. Mẹ bắt phải đến lấy đem về ăn mỗi ngày. Không đến là mẹ giận. Như ngày xưa, đố đứa nào dám cãi. Cứ cuối tuần, làm gì thì làm, con cái cháu chắt nội ngoại phải tập trung về căn nhỏ của bà. Với mẹ, anh em vui vẻ hoà thuận, thương yêu nhau là ưu tiên một. Con cái hiếu đễ là niềm kiêu hãnh không bến bờ của mẹ
Nhưng rồi những ngày vui rồi cũng qua. Cuộc sống xứ người không như mẹ mong muốn. Giữa năm 2000, tôi xin được việc làm tại Kla-Tencor, San Jose. Một công ty chuyên làm máy test silicon wafer lớn nhất nhì Hoa Kỳ. Một cơ hội chỉ đến một lần trong đời của một kỹ sư năm mươi tuổi mới vừa định cư. Cơ hội đến, không thể không nắm. Tôi háo hức chuẩn bị cho một chuyến đi lập nhiệp, nhưng Mẹ buồn, rất buồn.
Nghĩ đến cái cảnh phải xa tôi và ba đứa cháu nội là bà khóc. Tôi chưa đi mà ngày nào bà cũng hết ngồi lặng lẽ, lại thẫn thờ đi ra đi vào. Bỏ ăn,bỏ ngủ, thở ngắn than dài.
“Cứ tưởng đem vợ chồng bây qua là để đoàn tụ với mẹ với em. Bây đi thì tao sống với ai.”
“Thì còn bốn đứa con gái với mấy đứa cháu ngoại, con đi rồi thỉnh thoảng con về thăm Mạ.”
”Nhưng ở đây có nghèo đói chi mô mà bây phải đi!”
“Dạ con đi đâu phải chỉ vì tiền.”
“Vậy thì đi làm chi cho cực cho khổ!”
Rứa đó, giải thích phân trần cách mấy thì Mẹ cũng gạt ngang. Mẹ không hiểu hay cố tình không hiểu. Tôi biết Mẹ giận lắm.
Giận rồi khóc, rồi kể lể, “Số tau là số canh cô mồ quả. Chồng bỏ đi rồi con cũng bỏ đi.”
“Thì còn mấy đứa ở đây với mạ mà!”
“Mấy đứa khác, mi khác!”
Nhìn bà khóc, lại nhớ đến những giọt nước mắt tiễn ba ngày nào ở trại cải tạo Tân Lập Vĩnh Phú, lòng tôi lại chùng xuống. Cũng quá tội cho Mẹ. Cứ vậy chần chờ mất cả tuần mấy anh em mới dỗ dành được mẹ bằng lòng cho đi nhưng không quên dặn dò, “Nhớ mỗi tháng dẫn cháu về thăm mẹ.“ Cũng chỉ biết dạ đại cho xong.
Rồi cuộc sống không có tôi bên cạnh của mẹ cũng vẫn tiếp tục như lúc tôi chưa qua Mỹ. Mẹ vẫn sống một mình trong căn nhà nhỏ khu Meadow . Mấy em thay phiên nhau hằng ngày ghé thăm mẹ. Ngày tôi đi San Jose mẹ vừa đúng tuổi bảy mươi,“Thất thập cổ lai hi.”
Cuộc sống cứ thế trôi qua bình an được khoảng năm năm. Cho đến một ngày, Mẹ đi chợ và quên đường trở về nhà. Và kể từ lần đó lâu lâu bà lại bỏ nhà đi rồi lại quên trở về. Mới đầu cả tháng mới bị một lần, sau đó vài tuần lại đi lạc một lần. Bà vốn rất sạch sẽ, nhưng nhà bắt đầu có gián có chuột. Đồ ăn thừa, chén bát chưa rửa, để lung tung khắp nhà. Khi thì ở phòng khách khi thì dưới giường ngủ, có khi ngay cả trong cầu tiêu. Thấy không ổn, đi khám, bác sĩ phán. “Bà có triệu chứng của bệnh Alzeithmer. Đề nghị với mấy chị đem bà về ở chung, không thể ở một mình.“
Thế là trả nhà lại cho chính phủ, bà về sống với đứa con gái đầu. Ngày đem bà đi cũng nhiêu khê, “trần ai khoai củ“ lắm. Khuyên lơn, giải thích cách mấy bà cũng không chịu đi. Nói chính phủ lấy nhà không cho mạ ở một mình, bà càng nổi cáu, “Tau có chi mô. Nhà tau, tau ở, thằng nào con nào dám đuổi đi, tau đánh bể đầu!” Cả cái thái độ dữ dằn cũng bất bình thường.
Mẹ sống yên ổn với gia đình con gái đầu được một thời gian. Căn bệnh mất trí nhớ làm tính tình Mẹ thay đổi. Dễ giận, dễ hờn. Khi vui khi buồn. Lúc thì rất hiền, ai làm chi cũng được, lúc thì dữ dằn, gặp đâu la đó. Lâu lâu lại mở cửa bỏ nhà ra đi. Lại đi kiếm, tìm được về, rồi sau vài ngày lại bỏ nhà ra đi.
Mấy đứa cháu ngoại đẻ bên này, đâu có kiên nhẫn ngồi bên chuyện trò hay chăm sóc ngoại như những đứa cháu bên Việt Nam. Gặp bà nhiều nhất là “Hello” hay “big hug”rồi thôi. Mẹ thì hở một tí lại tủi thân, “Tụi bây cho tau ở, coi tau không ra gì, thôi tau về ngoại.” Riết rồi con gái cũng chịu hết xiết. Thế là bà về ở với cô con gái kế. Rồi chuyện cũ lập lại. Cứ như thế mẹ hết ở đứa này sang đưa khác. Đứa tròn năm, đứa vài tháng, một vòng ở đủ khắp các con. Cuối cùng đứa nào cũng than phiền, “Mạ khó quá, tụi em không thể săn sóc mạ được nữa, anh là anh cả tính sao thì tính, tháng sau tụi em sẽ gửi mạ lên ở với anh.” Thật đúng với câu:“ Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày.”
Thế là từ cuối năm 2008 mẹ quay lại San Jose sống cùng chúng tôi. Bấy giờ hai đứa con lớn đã đi làm, thằng nhỏ còn đi học, gia đinh ba thế hệ, sáu người cùng sống trong một căn townhouse nhỏ. Hai vợ chồng một phòng, con gái một phòng, mẹ một phòng dưới lầu, hai thằng con trai chiếm hai ghế sofa. Cũng tạm ổn. Chỉ có điều bất tiện cho Mẹ là mỗi lần tiêu tiểu Mẹ phải lên tận lầu hai. May mà ở tuồi gần tám mươi, tiểu đường, cao máu cao mỡ, khi nhớ, khi quên nhưng Mẹ đi đứng vẫn còn cứng cáp. Cuộc sống có thêm khó khăn nhưng rồi cũng xoay sở được. Cũng may là các em đem Mẹ lên San Jose lúc tôi đang nằm nhà dưỡng bệnh sau một tai nạn tại sở làm, chứ nếu như bình thường phải đi làm không biết ai ở nhà với bà. Trong rủi có may. Nằm nhà vừa dưỡng bệnh vừa có thời gian chăm sóc Mẹ.
Mọi chuyện cứ trôi qua như có sự sắp đặt của Trời Phật, như có sự phù hộ của Ba. Mẹ xin được tiền già, ngoài Medicare mẹ còn xin được Medical. Và thật may mắn chúng tôi gặp được một bác sĩ gia đình vô cùng nhân hậu, tận tâm,và là một ân nhân của gia đình chúng tôi, bác sĩ Nicole Thái. Gặp bà cũng là một cơ duyên. Nghe bạn bè giới thiệu, gọi điện thoại xin lấy hẹn khám cho mẹ, nhưng văn phòng không nhận thêm bệnh nhân mới. Hôm đó Mẹ ho, chở đại bà lên văn phòng xin gặp bác sĩ trực tiếp năn nỉ. Lúc đó tôi mới vừa mổ vai, tay phải còn đang phải giữ bằng sợi dây thòng từ cổ, tay trái dắt một bà già móm mém bước vào văn phòng đúng lúc bác sĩ khám xong một bệnh nhân. Nghe chuyện của bà goá phụ nhiều con, cảm động gia cảnh của hai mẹ con, bà nhận lời làm bác sĩ gia đình cho Mẹ.
Qua sự giới thiệu của bà, Mẹ có thêm được sự chữa trị của các bác sĩ chuyên ngành khác nhau. Một bác sĩ chuyên về thận, một chuyên về tiểu đường, một chuyên về phổi và một chuyên khoa thần kinh Alzeithmer. Không tốn một đồng xu. Không biết ở các nước khác như thế nào, nhưng với những người như Mẹ, nước Mỹ thiệt đúng là Thiên Đường. Cùng với sự chăm sóc tận tâm của các bác sĩ, khí hậu của vùng thung lũng góp phần làm sức khoẻ mẹ tốt hơn. Qua chứng nhận của bác sĩ, Mẹ được sở an ninh xã hội cho hưởng chương trình IHSS (In-Home Supportive Services), chương trình chăm sóc tại nhà cho người có bệnh. Nhất là những bệnh nhân Alzeithmer như mẹ. Chúng tôi có với nhau những ngày tháng yên bình. Bệnh Alzeithmer làm Mẹ quên nhiều, nhưng nhờ vậy Mẹ quên luôn nỗi cô đơn xa con xa cháu và nỗi buồn xa xứ, xa ba.
Thời gian cứ trôi, thấm thoắt mẹ cũng ở với tôi trên mười năm. Vui có, buồn có, vất vả có. Không ít lần mẹ phải đi cấp cứu, nằm viện. Có lần té gãy xương chân, phải giải phẫu. Có lần đường xuống thấp, mê man tưởng chết nhưng rồi mẹ cũng vượt qua. Không phải nước Mỹ cái gì cũng tốt cũng đẹp, nhưng nếu Mẹ không qua Mỹ chắc chắn Mẹ đã chết từ lâu.
Tai nạn tại hãng tưởng chừng là một nỗi bất hạnh, lại là cái may mắn cho tôi và cho Mẹ. Sau khi mổ, sức khoẻ tôi dần dần hồi phục nhưng khả năng làm việc đã không còn như xưa. Những cơn đau vẫn còn dai dẵng. Không làm được việc nặng, công ty không bố trí được việc làm thích hợp, thế là tôi tiếp tục lãnh tiền trợ cấp tàn phế cho đến ngày về hưu. Không đi làm, tôi càng có nhiều thời gian sống bên Mẹ.
Nhưng rồi dù có cố gắng đến mấy thì theo thời gian, bệnh của Mẹ trở nên xấu hơn. Từ đầu mùa dịch Covid 2019, sức khoẻ mẹ kém đi thấy rõ. Đi đứng chậm chạp, ăn cũng ít đi. Những lần ra sân quét lá cũng thưa dần. Càng ngày càng ít nói. Không vui, không buồn, không giận, không hờn. Mẹ hay ngồi một mình trầm ngâm lặng lẽ. Ngày xưa mỗi lần có người đến thăm dù quen hay lạ, Mẹ cũng tay bắt mặt mừng, nói chuyện xưa cả giờ không dứt. Bây giờ con cháu đến thăm cũng chỉ năm ba câu rồi lại chìm đắm trong cái thế giới của riêng bà. Thế giới của bà chắc là chứa đầy hình bóng của Ba, của Ôn Bà Ngoại, của các bà chị một thời rất xa xưa. Một thế giới không có con Covid, không có khổ đau. Dửng dưng với mọi chuyện, bà đi ra đi vào, hết ăn rồi ngủ. Biểu uống thuốc thì uống, biểu chích thì chích, thay áo thì thay, tắm thì tắm. Không biết đói, không biết no.
Nhưng nếu cứ như vậy hoài thì cũng khoẻ cho mẹ. Dạo gần đây bà bắt đầu có những triệu chứng của bệnh tâm thần. Bà hay thức dậy nửa đêm, lẩm bẩm nói chuyện một mình. Nhiều khi liên tiếp cả hai ba đêm thức trắng. Có những đêm bà trở thành như môt người hoàn toàn khác! Bà dựng đứng nguyên cái nệm giường cỡ queen to đùng, rồi kéo lê nệm qua che kín cái cửa sổ, mặt thì ngây dại, nói năng lảm nhảm, rồi lăn ra ngủ trên sàn nhà. Hôm sau trở lại bình thường như không có gì xảy ra. Còn bảo đứa nào hôm qua lấy mất cái nệm trong phòng tau.
Đi khám, bác sĩ bảo, đó là triêu chứng của bệnh Alzeithmer đang trở nặng. Mẹ bị tâm thần phân liệt, có hai nhân cách trong một con người. Chỉ biết và phải chịu vậy thôi, chứ y học cũng bó tay. Mà không sao giải thích được bình thường bà yếu như sên, khi lên cơn mạnh như trai mười tám. Bệnh này ngày xưa ở Việt Nam thì ông bà mình nói là ma nhập. Có lần mới hai ba giờ sáng, Mẹ ra phòng khách kéo luôn cái sofa chận cửa ra vào. Rồi nằm vắt trên ghế, ngủ ngon, ngủ lành. Phải hai vợ chồng mới nhấc bà lên giường được. Mới đầu thì lâu lâu một lần, bây giờ thì hầu như một, hai tuần là bà trở thành một người khác. Những lúc như vậy Mẹ trở nên dữ dằn. Có lúc đòi mở cửa đi về thăm Ôn Mệ, có khi mở tủ lạnh lôi hết thịt cá ra ngoài. Không cho là la hét.
Trong nhà trở nên ngột ngạt, kém vui. Cuộc sống lúc nào cũng căng như dây đàn. Không đi đâu được đã đành, nhiều đêm chúng tôi mất ngủ theo bà. Bác sĩ bảo, “Ông bà cũng nên tính chuyện đưa cụ vô viện dưỡng lão chứ kéo dài chưa chắc đã tốt cho cụ và cho cả ông bà nữa.”
Mấy đứa con cũng góp ý,“hay thôi Ba Mẹ sắp xếp đưa Nội vào viện, có y tá chăm sóc, thuốc men đầy đủ và an toàn hơn. Ba mẹ cũng đã trên bảy mươi, già rồi, sao tụi con thấy cực quá. Coi chừng bà nội chưa điên mà Ba Mẹ điên trước”.
Những suy nghĩ cứ luẩn quẩn trong đầu. Nhiều lúc muốn buông tay, nhưng mỗi lần nhìn thấy cái dáng ngồi cô đơn lặng lẽ, cái tướng nằm ngủ co quắp nghèo khổ tội nghiệp, nghĩ đến cuộc đời chín mươi mấy năm qua của Mẹ, người đàn bà tuổi Ngọ Canh cô, lòng tôi lại nhói lên niềm thương cảm, không nỡ rời xa. Như mọi khi, vợ tôi luôn bằng lòng với quyết định của tôi. Thật cám ơn em, đã theo anh suốt một quãng đường dài với bao nhiêu gập ghềnh, chông gai trắc trở.
Và cứ thế… ngày qua ngày … chúng tôi lại an ủi nhau, cùng nhau săn sóc mẹ dù phải đối diện với nhiều khó khăn hơn khi năm tháng chất chồng thêm tuổi.
Thời gian thấm thoát thoi đưa. Những tia nắng ấm bắt đầu xua tan cái lạnh mùa Đông, đất trời như được thay áo, rộn ràng đón một mùa Xuân mới.
Năm cũ sắp qua và Tết lại đến. Mẹ thêm một tuổi, sức già càng chông chênh. Tôi lại nhớ bài hát “ Mỗi mùa Xuân qua Mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa Xuân qua, ngày tôi xa mẹ càng gần”. Dù biết như thế tôi vẫn thấy nhẹ vui khi: “mỗi mùa Xuân đến, tôi mừng tuổi Mẹ”. Chợt thấy mắt cay cay, tôi ôm Mẹ thật chặt, thì thầm “ Mạ ơi con thương Mạ lắm”.
Ngoài kia, pháo chưa nổ nhưng cây lá đang đâm chồi ra hoa, thơm ngát một góc vườn.
Lê Xuân Mỹ
San Jose mùa Covid tháng giêng năm 2022.
Cám on tác giả va cau chúc gia đinh thật an vui và may mắn
Chúc tác giả va gia đình an vui
Cám ơn Mỹ thật nhiều
Tám Thi