Hôm nay,  

Vì Sao Tôi Dự Thi Viết Về Nước Mỹ

07/02/202213:20:00(Xem: 2741)
Kim Loan_IMG_1400_02072022
Giải Đặc Biệt VVNM 2021 - TG Phương Hoa nhận giùm giải thưởng cho tác giả Kim Loan.

 

Buổi lễ Ra Mắt Sách và phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ lần thứ 22 đã qua mà dư âm vẫn còn vang vọng bên tận xứ lạnh tình nồng Canada của tôi.

 

Tôi đã từng dự định bay qua California để lãnh giải, đã chuẩn bị một bộ áo dài rực rỡ để lên chụp hình với những văn, thi sĩ mà tôi ngưỡng mộ cũng như các anh chị em trúng giải để làm kỷ niệm. Nhưng cuối cùng, gia đình tôi có việc bận bất ngờ, tôi đành phải thông báo cho Ban Tổ Chức và xem chương trình phát giải tại nhà.

 

Ông bà ta đã nói, việc gì cũng phải có đầu có đũa, nên nhân mùa đầu năm …rảnh rỗi, tôi xin được “ba điều bốn chuyện” kể lể về lý do, căn nguyên nào thúc đẩy tôi tham dự cuộc thi “Viết Về Nước Mỹ” mặc dù tôi là công dân Canada.

 

Nói không phải “nổ” chớ, tôi đã yêu nước Mỹ từ khi mới bước chân vào lớp Một. Suốt mấy năm tiểu học, tôi học trường Nguyễn Công Trứ, nằm trong khuôn viên Khu Quân Trang, hiệu trưởng là một Sĩ Quan (Thiếu Tá) VNCH. Vì là trường học thuộc quân đội, nên lũ “học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau” chúng tôi cũng được hưởng chế độ viện trợ của Mỹ. Cứ ba lần trong tuần, có xe chở sữa đẩy đến cửa từng lớp học, đến lớp nào thì cô giáo lùa học sinh ra xếp hàng, mỗi em được một ly sữa tươi và một lát bánh mì mà chúng tôi gọi là “bánh mì Mỹ”. Tôi còn nhớ đó là sữa hiệu Foremost để vào ly nhựa màu xanh lá cây, có in chữ f màu trắng thật to. Anh Năm của tôi, lớn hơn tôi vài tuổi, học ở trường khác, thỉnh thoảng buổi sáng hay dúi vào tay tôi cái bao đựng cơm sấy của quân đội (đã dùng xong), dặn dò: 

 

- Nếu em uống sữa không hết, nhớ bỏ vào bao đem về cho anh, nghe chưa! Sữa Mỹ thơm lắm, bỏ uổng!

 

Nhà tôi là cửa hàng bán cà phê và nước giải khát, sữa đặc hiệu Ông Thọ thiếu gì, thế mà anh Năm tôi chỉ mê...sữa Mỹ.

 

Còn bé, ham chơi nên tôi lúc nhớ lúc quên, mà bữa nào tôi nhớ đem sữa thừa của tôi về thì anh tôi thích lắm, bỏ sữa vào ly, quậy thêm chút đường và thêm đá cục rồi ngồi vào bàn vừa học bài vừa nhâm nhi “sữa Mỹ”. Có khi tôi ngán “bánh mì Mỹ”, gói đem về nhà cùng với sữa thì anh tôi càng vui hơn và no bụng hơn, khỏi ăn cơm chiều. Thế là chẳng những tôi mà anh Năm tôi cũng thích hàng Mỹ luôn.

 

Đó là ở trường, còn ở nhà thì xóm tôi ngay trước cổng Quân Cụ của chính quyền VNCH, kế bên một Câu Lạc Bộ Mỹ, ngoài ra còn có các trại lính, trại gia binh, nên hàng hoá Mỹ viện trợ được đem bán lại rất nhiều cho người dân xung quanh. Tôi mê nhứt hộp bơ đậu phộng, màu xanh lá đậm, dẹp dẹp, mở nắp ra, lấy ngón tay trỏ quẹt một miếng, bỏ vào miệng sung sướng cảm nhận vị thơm béo tan trên đầu lưỡi. Có lần tôi khóc cả buổi chiều, nhõng nhẽo đòi Má phải đi mua đúng hộp bơ đậu phộng tôi mới chịu …ăn cơm!

 

Tiếc thay, tôi chỉ được sống dưới chính quyền tự do dân chủ VNCH tới năm 9 tuổi thì đất nước bị đổi chủ, nhưng cũng không ngờ, duyên nợ với Mỹ Quốc vẫn còn tiếp tục.

 

Sau ngày tang thương 1975, người dân Miền Nam liều mạng “bỏ của chạy lấy người”, xông pha ra biển cả đi tìm tự do. Hai người anh của tôi lần lượt vượt biên đến trại tỵ nạn Thailand và Malaysia, rồi định cư bên Mỹ. Ôi, những lá thư từ Mỹ và những tấm hình xứ Mỹ đã biết bao lần làm trái tim mộng mơ của tôi …thêm mơ mộng, ước mong được đặt chân đến. Thế là, theo phong trào ở Sài Gòn bấy giờ, tôi ghi danh vào học các lớp Tiếng Anh (lúc này chính quyền Cộng Sản bắt đầu cho phép các trung tâm ngoại ngữ hoạt động). Vào đây học mới biết, cả thầy cô giáo và “học viên” đều là dân …phản động! Ai cũng muốn học Tiếng Anh chỉ với một mục đích cuối cùng là …đi Mỹ. Kẻ thì đang chờ đi ODP, người đang hy vọng H.O (lúc ấy, giữa thập niên 80s thì H.O chỉ mới là lời đồn đại), và một số người chẳng ngần ngại kể lại những chuyến vượt biên thất bại của mình, và hẹn ngày …ra khơi tiếp tục! 

 

Chẳng biết chính quyền có kiểm soát nội dung dạy Tiếng Anh không mà các lớp tôi học qua, thầy cô giáo đều dùng sách cũ trước 1975 như English For Today của Lê Bá Kong và một số sách khác mà tôi không nhớ tên. Nhiều bài trong giờ học, là nói về nước Mỹ, nói về các thành phố lớn như New York huyền hoặc mùa đông tuyết đổ, về Francisco lộng lẫy đẹp tươi, chúng tôi ngẩn ngơ nghe Thầy giảng mà tâm trí bay bổng đến tận bên kia bờ đại dương. Ông thầy giáo, nghe đâu trước năm 1975 là dân học ở Hội Việt Mỹ rồi sau đó có học bổng qua Mỹ một năm, thành ra Thầy kể chuyện Mỹ mới chính xác (hổng biết ổng có …thêm mắm thêm muối chút nào không, cả lớp há hốc miệng ra nghe với cặp mắt ngưỡng mộ, thán phục khiến ông Thầy hăng say kể về một trời kỷ niệm với Mỹ Quốc năm xưa).

 

Cũng trong thời gian ấy, ngoài những lá thư, hình ảnh của hai anh từ Wichita, Kansas và San Antonio Texas, gia đình chúng tôi còn biết thêm… mùi Mỹ qua những thùng quà mà cứ vài ba tháng chúng tôi nhận được giấy báo rồi hớn hở đến kho Sân Bay Tân Sơn Nhất lãnh đồ. Chờ đợi cả ngày, đem được thùng đồ về, cả nhà xúm lại khui thùng đồ. Nào vải vóc, xà bông, kem đánh răng, áo quần, thuốc Tây, kẹo bánh …đủ cả. Sau khi lấy đồ ra, thì cái thùng carton trống không còn để lại nơi góc nhà, chỉ vì còn cần...băng keo dán nơi thùng đồ, để lũ nhỏ còn đi học như tụi tôi khi cần băng keo (tape) thì cứ ra chỗ “thùng đồ” xẻo một miếng. Lúc ấy hàng hoá Việt Nam còn khan hiếm, ngay cả băng keo Mỹ cũng tốt hơn hẳn (dĩ nhiên rồi), mà anh tôi luôn cẩn thận trước khi gửi hàng về Việt Nam, dán vài lớp băng keo chung quanh thùng đồ. Cứ thế chúng tôi cứ “xẻo” dần băng keo, đến khi gần hết thì lại đến lượt …lãnh thùng đồ khác.

 

Cái thùng không, ngoài việc cung cấp băng keo cho chúng tôi khi cần, mà còn có cả công dụng …toả mùi thơm phảng phất khắp căn phòng. Đó là mùi hỗn hợp của vải vóc, xà bông Coast, một mùi thơm rất dễ chịu, mà anh chị em chúng tôi gọi đó là …mùi Mỹ. Nhỏ bạn thân hay chạy qua nhà tôi chơi, hễ vừa tới cửa mà đánh hơi thấy “mùi Mỹ” là nó biết  gia đình tôi mới được lãnh đồ, riết nó cũng quen và mê “mùi Mỹ”, thậm chí còn xin băng keo về dán đồ nhà nó nữa cơ, nó bảo xài băng keo Mỹ quen rồi, giờ xài loại khác hổng quen, ngon dữ đa!

 

Gia đình tôi có giấy bảo lãnh ODP của hai ông anh, nhưng hồ sơ giải quyết quá chậm, có lẽ vì quá đông người đợi chờ, nên cuối năm 1989, gia đình cho tôi đi vượt biên. 

Trên chuyến hải hành, trước khi bị sóng bão tơi bời, chúng tôi có một khoảng thời gian yên bình ngắm biển cả, ai cũng nao nức hỏi nhau sẽ đi định cư nước nào, thì hầu như câu trả lời đều là …Mỹ! Còn đi nước nào khác nữa chớ, vì lúc đó đối với tôi, thế giới bên ngoài nước Việt, vài nước Châu Á, và nước Châu Âu mà tôi học trong sách, thì chỉ có nước Mỹ ở Châu Mỹ xa xôi. 

 

Đến trại tỵ nạn, tôi lại được hưởng “mùi Mỹ” như khi xưa, nhưng lần này chỉ là một mùi thoảng rất nhanh và rất nhẹ nhàng, qua những lá thư. Cứ mỗi lần nhận thư của hai ông anh, tôi đem về, dùng cây kéo cẩn thận cắt một bên góc phong bì, rồi mở he hé, kê mũi vào hít hà …mùi Mỹ (chắc tôi bị …ghiền), nhắm mắt xuýt xoa thoả mãn cho đã “cơn ghiền”, rồi mới rút ruột lá thư ra đọc. Thỉnh thoảng, anh tôi nổi hứng khi gửi thư cho tôi, còn dán thêm vài thanh chewing gums, ui chu choa, ở trại lúc ấy, đó là món quà xa xỉ và mang “mùi Mỹ” rất đáng yêu.

 

Ủa, hình như nãy giờ tôi hơi dông dài, chưa vào chủ đề chính?! Bởi vậy ở nhà chồng con hay bảo tôi …lắm điều. Thôi để tôi kể tiếp, kẻo bị lạc đề qua chuyện chồng con!

 

Ở trại dài đăng đẳng bốn năm trời, vì thời điểm đó Cao Uỷ đã đóng cửa, những người đến trại muộn màng phải qua cửa ải “thanh lọc”. Tôi trong nhóm người may mắn, dù có trầy da tróc vẩy, cuối cùng cũng vượt qua cuộc thanh lọc, nhưng đến khi gặp phái đoàn Mỹ phỏng vần thì vận may không mỉm cười với tôi nữa. Phái đoàn Mỹ lúc bấy giờ chỉ nhận những trường hợp thực sự “tỵ nạn chính trị” như các cựu quân nhân VNCH, các thành phần chống đối chính quyền Cộng Sản không thể quay về Việt Nam, còn tôi có thân nhân bảo lãnh diện ODP nên bị loại vào danh sách “ non emergency”, không gấp gáp lắm, thậm chí ông trưởng phái đoàn còn gợi ý tôi nên quay về Việt Nam đi bảo lãnh cùng gia đình!  (Ngu sao về!? Đã tốn …3 cây vàng tiền vượt biên và mất 4 năm thanh xuân ở Thailand, về với Cộng Sản làm gì!) . Có lẽ ông ta cho tôi lời khuyên đó chỉ vì muốn bớt gánh nặng ngân sách nước Mỹ, vì nếu nhận tôi từ trại thì chính phủ Mỹ phải lo trợ cấp thời gian đầu, còn nếu tôi đi theo ODP thì người nhà phải lo hết). Bởi vậy khi được phái đoàn Canada phỏng vấn tôi đã đồng ý đi Canada, mà từ hồi vào trại tôi luôn... hờ hững ghẻ lạnh với đất nước xứ sở này. Thôi thì cũng sát bên Mỹ, cũng là nước tư bản tự do, nên tôi quyết định luôn, không đắn đo suy nghĩ!

 

Khác với nhiều người khi ở trại bị Mỹ từ chối, nay định cư ở nước khác, đâm ra chê bai Mỹ đủ điều, tôi được cái, nhớ dai nhưng không …thù lâu. Vả lại, Mỹ làm việc đúng nguyên tắc, nói sao làm vậy, chớ không nói một đàng làm một nẻo. Bằng chứng là hơn mười năm sau, khi tôi đã ổn định cuộc sống cùng chồng và hai con bên Canada, sở di trú Mỹ đã gửi thư, báo rằng hồ sơ bảo lãnh của anh tôi nay đã đến hạn (anh tôi vẫn kiên trì bổ túc hồ sơ của gia đình tôi), nếu tôi và chồng con vẫn muốn qua Mỹ thì nộp tiền làm visa và các thủ tục khác, nhưng vì nhiều lý do, mà lý do quan trọng nhất là việc làm pharmacist của chồng tôi nếu muốn qua Mỹ hành nghề phải thi lại một vài exams và cả TOEFL nữa, nên chúng tôi đã từ chối. Té ra tôi cũng …chảnh lắm chớ, hồi đó Mỹ từ chối tôi, giờ tôi từ chối lại, vậy là huề!

 

Nói cho vui vậy thôi, tôi tin vào số phận và chuyện định cư Canada là một duyên số, tôi yêu cả hai đất nước này, chưa bao giờ ghét Mỹ và hờn giận Mỹ như một số người khác, mà tại sao phải ghét khi mà tôi đã “lỡ yêu rồi làm sao …ghét được người ơi” và cả gia đình thân nhân ruột thịt của tôi đang ở bển?

 

Bởi vậy, khi nghe mấy chị quen biết trên các diễn đàn Thơ Văn nói về cuộc thi Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo tổ chức tôi đã hăng hái viết bài tham gia. Chồng tôi là người đầu tiên …ngăn cản:

 

- Em biết gì về nước Mỹ mà dám thi?

 

Tôi cãi:

 

- Ủa, đâu cần phải ở ngay trong nước Mỹ, mà người ngoài Mỹ vẫn có những nghĩ suy những trải nghiệm về nước Mỹ chớ. Nội cái chuyện ngày xưa gia đình anh qua trại tỵ nạn Mã Lai tính đi Mỹ mà vì sốt ruột phải đi Canada rồi sau này tiếc đứt ruột cũng đủ cho em viết một truyện rồi đó!

 

Ổng hơi quê, nhưng vẫn cố vớt vát…bàn ra:

 

- Chuyện đó bình thường mà, nhưng làm sao em cạnh tranh với bao nhiêu cây viết khác đang sinh sống bên Mỹ?

 

- Thực ra, em dự thi vì cái thú vui viết lách, muốn thoả niềm đam mê, chia sẻ bài viết cho nhiều người đọc, còn chuyện trúng giải hay không chỉ là thứ yếu, nhưng dĩ nhiên, nếu trúng thì em... sung sướng hơn.

 

Mặc cho lời chế diễu của ông xã, tặng cho tôi hai giải “Can Đảm” và giải “Điếc Không Sợ Súng”, tôi vẫn say sưa viết, và gửi cỡ… chục bài tham gia (được chọn đăng sáu bài). Cuối cùng trời không phụ lòng người, tôi đã được giải Đặc Biệt. Ông xã tôi cười ha hả:

 

- Mèn ơi, em gửi cả chục bài khủng bố ban giám khảo nên người ta cho em trúng giải đó!

 

- Kệ chồng, có giải là em vui rồi anh nhé, anh muốn nói gì thì nói! 

 

Cậu em chung trại tỵ nạn ngày xưa, nay ở bên Mỹ, theo dõi các bài dự thi của tôi, khi biết tôi được giải, bèn cảm khái la lên:

 

- Nói thiệt với chị nghen, cái ông phái đoàn Mỹ hồi đó đã từ chối chị, không cho chị qua Mỹ, quả là một sai lầm lớn lao. Lẽ ra chị là công dân Mỹ mới phải!

 

Tôi đáp liền:

 

- Tình chỉ đẹp khi còn dang dở mà cưng. Nếu chị đang ở Mỹ thì biết đâu lại viết về Canada hiền hoà, mùa đông tuyết phủ rợp trời, White Xmas đẹp như những tấm postcards!?”

 

Ngày ban tổ chức làm lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ, tôi và ông xã xem qua hình ảnh, và vài ngày sau được xem cả chương trình qua đài SBTN mà một thân hữu gửi link. Buổi lễ trang trọng, ấm cúng, phần ca nhạc là những nhạc phẩm giá trị được trình bày qua những tiếng hát có nội lực. Tôi được thấy những khuôn mặt xưa nay chỉ biết tên qua các bài dự thi, được biết thêm nhiều điều rất thú vị. Thấy tôi ngẩn ngơ tiếc nuối, ông xã tôi lại… khơi mào:

 

- Lần trước em gửi chục bài, vậy lần này còn …ý tưởng gì để dự thi nữa không?

 

Tôi ỡm ờ:

 

- Dĩ nhiên là vẫn còn, anh...đợi đấy...!

- Vậy em thi nữa đi, lần này mà trúng giải thì anh thề, anh sẽ đi theo lãnh giải luôn!

 

Nói xong, chàng cười mỉm chi (nụ cười khó hiểu) rồi bước lên lầu. A ha! Niềm đam mê viết lách chưa bao giờ cạn trong tôi, tôi sẽ làm cho chàng bớt chọc quê tôi, biết đâu đấy, tôi mà dự thi nữa và lỡ …trúng giải nữa thì nhớ giữ lời hứa tháp tùng tôi bay qua Mỹ lãnh giải nhé!

 

Cứ mơ đi, có ai đánh thuế ước mơ bao giờ!

 

Edmonton, Tháng1/2022

Kim Loan

Ý kiến bạn đọc
10/02/202204:25:18
Khách
Nhà văn Kim Loan có cách hành văn hết sức sinh động, dí dỏm, "tiếu ngạo giang hồ". Đọc xong bài viết trên của KL, tôi cảm thấy như là KL đã viết thay cho tôi cũng như hàng triệu người VNCH của miền nam VN trước 1975. Tôi cũng là một người không những yêu mà còn ngưỡng mộ nước Mỹ. Thuở còn học trung học, đi học thêm tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ , 55 Mạc đỉnh Chi, Sài Gòn. Yêu nước Mỹ qua những bài học trong English for Today, yêu cây cầu nổi tiếng Golden Gate Bridge mà GS Lê bá Kông dịch là Cầu Kim Môn. Ngưỡng mộ nước Mỹ qua những thành tựu khoa học kỹ thuật, yêu Apollo 11 đổ bộ lên mặt trăng, mê mẩn xem những hình ảnh triển lãm Apollo 11 ở Hội Việt Mỹ SG,..... Còn rất nhiều nữa, nhưng trong phạm vi nhỏ hẹp của "Ý Kiến Bạn Đọc" này, xin phụ họa thêm với nhà văn KL những kỷ niệm không thể nào quên của tôi.
09/02/202206:06:52
Khách
Cám ơn tác giả Kim Loan. Bải viết rất hay, rất vui, và nhất là gợi lại cho tôi những kỷ niệm ngày xưa: uống sữa Mỹ, ăn bánh mì Mỹ trong trường tiểu học,...Còn sau năm 1975 thì cục xà bông Coast từ Mỹ gởi về... Cám ơn trí nhớ rất tuyệt vời của Kim Loan đã giúp cho tôi nhớ lại những kỷ niệm khi còn ở Việt Nam. Chúc Kim Loan và gia đình luôn được bình an, mạnh khỏe.
09/02/202205:35:42
Khách
Cám ơn Tác Giả Kim Loan rất nhiều! Đọc bài này làm tôi chạnh nhớ lại những kỷ niệm xa xưa. Hồi còn nhỏ, khi đi học cũng được ăn bánh mì và uống sữa Mỹ, và các loại đồ hộp B1, B2, B3 như KL. Thật là hạnh phúc quá phải không?
Còn phần thứ hai của bài này, cũng có tôi luôn...., nhưng tôi cũng đã phải cố gắng vượt qua tất cả những lời dèm pha, và rồi trời thương, tôi cũng đã được những phần thưởng VVNM hiếm quý ấy!
Liked: "- Dĩ nhiên là vẫn còn, anh...đợi đấy...!"
Ptkd
08/02/202222:12:43
Khách
Đọc bài viết này của Kim Loan làm tôi nhớ lại những kỷ niệm xa xưa trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở Sàigòn. Hồi nhỏ tôi cũng được phát một ly sữa lớn và một ổ bánh mì đến nỗi ngán luôn mà trốn không được, bắt buộc phải uống hết. Đồ hộp dành cho lính Mỹ thì loại nào cũng ngon hết những thích nhất là hộp bánh bông lan có mùi quế ăn rất ngon có tên là B3 in trên nắp hộp. Còn mỗi lần đi lãnh đồ của bà Dì bên Canada gởi về thì thơm lừng cả thùng đồ bên trong. Cũng như mọi người khác, tôi cũng học Anh văn chờ chuyến đi vượt biên mà tới chín lần mới thoát khỏi chế độ cộng sản. Những kỷ niệm này không bao giờ phai mờ trong ký ức. Bài viết nào của Kim Loan cũng hay hết giống như 66 bài viết khác của Kim Loan đăng trên báo Trẻ Online theo cái link sau đây: https://baotreonline.com/author/kim-loan
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,707
Hai năm trước tôi có viết lần lượt Tiễn Vong 2020, Tiễn Vong 2021, cứ ngỡ rằng năm nay tiễn 2022 bình thường, nhưng tiếc thay, dư âm của “Vong Covid” vẫn còn lãng đãng dây dưa, nên một lần nữa, chúng ta lại phải tiễn Vong. Dù hiện nay các mũi vaccine thứ tư thứ năm đã available mà chẳng ai thèm đoái hoài, bên Mỹ và Canada các tiệm Pharmacy sẵn sàng chờ người ta đi chích, nhưng bà con đã quá mệt mỏi với Covid, đâm ra... lờn thuốc luôn chăng? Chả bù với thời gian giữa năm 2020 khi nhân loại đang kinh hoàng vì giặc Tàu, í lộn, giặc Cúm Tàu, nên khi những đợt vaccine Pfizer, Moderna đầu tiên xuất xưởng người ta chộn rộn xôn xao mong được đi chích. Hễ người nào may mắn trong diện ưu tiên, đi chích xong còn chụp hình khoe trên Facebook cho người khác thèm khát ước ao.
“Bà già khó chịu “. Đó là biệt danh hàng xóm đặt cho bà. Bà biết hết chớ. Nhưng họ chỉ dám gọi sau lưng bà, nên bà cũng miễn chấp. Nguyên tắc sống của bà vẫn không thay đổi. Bà không muốn động chạm đến ai, và cũng không muốn ai động chạm đến mình.
Từ hôm nhận được thông tin năm này “ gia đình Phủ Cam sẽ tổ chức họp mặt tại Nam Cali”, lòng tôi háo hức như đứa con nít đếm từng ngày mong mau mau tới ngày tết . Tâm trạng hồi hộp, bâng khuâng suy nghĩ đến ngày ấy, đếm từng tờ lịch rơi, không biết để làm gì nhưng sao mà cứ ngẩn ngơ, nhiều khi cảm thấy thời gian như đang dừng lại, nôn nóng gửi email hỏi trưởng ban tổ chức ngày họp mặt để mua vé máy bay trước
Thời gian qua mau như giòng sông chảy xiết, nhưng không cuốn trôi mất kỷ niệm vui của tôi về Lễ Giáng Sinh năm 2021. Tôi ở trong nhà dưỡng lão được hơn hai năm rồi. Năm tôi sáu mươi chín, bất ngờ bị vấp té, đầu gối tôi yếu hẳn, từ đó đi đứng khó khăn; con trai tôi khuyên mẹ vào nhà dưỡng lão có dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt. Căn nhà của mẹ sẽ cho thuê để có tiền trả cho nhà dưỡng lão, tọa lạc quanh vùng Little Sài Gòn, để tôi còn dễ liên lạc vói cộng đồng người Việt.
Trời đổ tuyết nặng hạt, mịt mù. Chiếc school bus đậu ngay trước nhà, tôi hé cửa vẫy tay ra hiệu, Amanda con gái tôi nhảy ra khỏi xe, ngửa mặt đón những bông tuyết mát lạnh rồi chân sáo tung tăng bước vào nhà. Chưa kịp rũ bỏ giày boots, áo mũ, nó liền huyên thuyên (giống ai hổng biết!), với cái ngôn ngữ nửa nạc nửa mỡ, nữa Việt nửa Anh
Mua thêm chậu hoa không biết tiếng Mỹ gọi là gì nhưng tiếng Việt gọi là hoa tiểu muội, hồng tiểu muội đẹp kiêu sa hơn hoa hồng người ta thường tặng nhau vì người tặng và người được tặng đều nghĩ đến thông điệp nhiều hơn những bông hoa đắt tiền. Tiểu muội màu hồng khôn khéo ở hình thức giống hoa hồng nhưng nhỏ nhắn hơn nhiều nên nhìn rất dễ thương, tiểu muội màu trắng đẹp mê ly như công chúa ngủ trong rừng. Đặc biệt tiểu muội màu vàng đẹp quyến rũ đến thấy là mua vì hoa xinh lại vàng tao nhã như hoa soi nhái vàng lối đi ngày nọ. Hai loài hoa bờ rào bờ giậu nhưng là cả quê nhà, cả ký ức thân thương. Còn một màu vàng yêu kiều khác là màu vàng của hoa đậu bắp, màu vàng chanh nhẹ làm diệu mắt, làm chùng xuống oán hận, chứ không vàng chảng như vàn bốn số chín hy vàng chùa chiền quá uy nghiêm, vàng cung điện khoe mẽ.
Tác giả Duy Nhân tên thật Nguyễn Đức Đạo 75 tuổi hiện ở tại Chicago, tiểu bang Illinois. Đã đóng góp nhiều bài Viêt Về Nước Mỹ và được lãnh giải nhiều lần từ năm 2001. Sau đây là bài mới nhất của tác giả viết về mâu thuẫn quan điểm giữa vợ chồng.
Ngày 1 tháng 9 từ Bắc Cali, chúng tôi lên đường “tòng quân nhập ngũ”. Điều làm tôi phấn khởi và cảm động vì từ lâu dù cùng là thành viên của Cô gái Việt, nhưng chị Hoài Niệm và Song Thy chuyên làm “thợ lặn,” rất ít lên tiếng hay gởi bài vở vào, nhưng khi nghe chúng tôi qua Houston, chị Hoài Niệm lên tiếng mời chào “sẵn sàng làm Uber đưa đón phi trường và có mini motel free.” chị và SongThy lên list chương trình những ngày ăn chơi xả láng. Tôi thật ngạc nhiên không ngờ trên diễn đàn chưa quen biết nhiều nhưng 2 người đã mở rộng lòng như vậy.
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống. Sau đây là một truyện kể dí dỏm.
Mị nhớ mình từng đọc đâu đó câu nói: “Nhà là nơi trú ngụ tâm hồn của chúng ta!” Nhà là nơi nắm giữ những ký ức tuổi thơ, là nơi nuôi dưỡng tình yêu thương trong tâm hồn mỗi người. Sau những ngày làm việc vất vả, những bôn ba trong cuộc sống ai cũng mong có một ngôi nhà ấm áp để trở về. Nhà không cần to đẹp, chỉ cần an toàn, ấm cúng và đầy tình yêu thương. Người nào mà bão giông cuộc đời dừng lại ngoài cửa nhà là người cực kỳ có phúc. Sau khi ủ mưu đâu gần chục năm thì Mị quyết định bắt tay vào gia cố ngôi nhà của mình, vừa để tránh mưa gió cuộc đời vừa để có chỗ ở thoải mái cho mình lẫn người thương.
Nhạc sĩ Cung Tiến