Hôm nay,  

Nhớ Tết…

28/01/202200:00:00(Xem: 3027)
hinh-tac-gia-phan
hình tác giả Phan cắt bánh VVNM 2018
 
Đã từ lâu, tôi thường lấy ngày nghỉ để ở nhà suốt từ Giáng Sinh qua năm mới, Tết Việt cũng nghỉ ở nhà, dù chẳng làm gì hay phải đi đâu? Lý do nghỉ chỉ đơn giản là đi làm hoài sẽ hết việc cho người khác. Nhưng ở nhà, ở không lại hay nhớ nhà, nhớ quê với thời tiết, không gian cuối năm thường gợi nhớ. Biết nhớ nhiều không phải là tốt, nhưng quên hết liệu có phải là quên hay cố quên tức là nhớ nhất, nhớ nhất tức là quên thật rồi. Nhớ câu thơ của Bùi tiên sinh, “Uống xong ly rượu cùng nhau/ hẹn rằng mãi mãi quên nhau muôn đời”. Câu thơ lý giải thế nào là tri kỷ, tri âm hay nhất mà tôi từng đọc được. Nhưng nhớ tri kỷ khác với nhớ nhà, nhớ Tết, nhớ quê. Người ta, ai cũng cần một nơi để về thì đó chính là nhà mình, quê mình. Ai cũng có đặc thù văn hoá của dân tộc mình thì đặc thù văn hoá của người Việt là Tết, nên nhớ Tết là cảm giác chung của người Việt xa quê chứ không riêng gì ai. Thế là nghỉ Giáng Sinh qua Tết tây năm nay tôi đã trả lời được cho mình câu hỏi từ khi đến Mỹ: “Sao mỗi độ xuân về, lòng nhớ nhà da diết hơn những tháng khác trong năm, nhớ từ thức dậy tới trong mơ mà có phải là lầu son gác tía gì cho cam, nhớ cây vú sữa chỗ bàn ăn ngoài trời, nhớ gốc mãng cầu ở đầu hàng lu nước mưa, trái to ngon ngọt như ăn những múi đường, nhưng thích hơn là những ổ kiến vàng trên cây mãng cầu, thọc trứng kiến đi câu cá rô ngoài ruộng thì không mồi câu nào nhạy hơn; nhớ vài gương mặt bạn nhỏ trong xóm lem luốc vì phá phách suốt ngày thì sao sạch sẽ được, nhớ con dế lửa, dế than, dế thầy chùa, nhớ tiếng dế đêm đông ở hải ngoại mới biết là mơ khi tỉnh dậy thật buồn. Ngồi nhớ con sông tắm suốt tuổi thơ cũng không biết nó chảy về đâu, nhớ ông già chăn vịt buồn so một mình trên chiếc xuồng ba lá những hôm mưa, những đêm khuya mùa gió chướng về, ông đốt cái đèn hột vịt bóng đỏ, treo ở đầu ghe cho máy bay trực thăng không bắn nhầm với ghe việt cộng cũng đêm đêm mò về xóm làng bắt người, cướp gạo…
 
Rồi mùa lễ cuối năm tây sẽ chóng qua với người bận tâm cả kẻ không bận lòng. Nhưng thờ ơ tới đâu thì lạnh cuối mùa phương bắc cũng tràn về phương nam vào dịp Tết Việt. Đã bao năm ăn Tết xa quê cũng không quên được Tết quê nhà. Nhớ hồi mới qua Mỹ, Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh và Tết tây thì vui theo không khí lễ hội nơi này là tiệc tùng liên miên, đi mua quà cũng là cái thú khi tìm được món ưng ý mà lại vừa với túi tiền mình có. Mua quà cáp cho con cái còn nhỏ bằng những đồng tiền thưởng cuối năm làm vui hẳn lên trong lòng cha mẹ sau một năm cần mẫn đi làm không ngại gió mưa. Vui như con cái trong mùa lễ được nghỉ học, được ngủ tới mấy giờ cũng được. Những đứa trẻ sinh ra ở Mỹ nên Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh và Tết tây là những ngày nghỉ học, vui chơi thoả thích và được quà nên chúng yêu thích mùa lễ cuối năm, là tiền đề của lòng yêu nước khi trưởng thành. Nhìn lại, cũng không trách được con cái người Việt sinh ở Mỹ nên có biết gì đâu về Tết truyền thống để yêu nước Việt. Chúng dửng dưng với Tết Việt khi ngoài trời tuyết đá đầy đường cũng phải dậy sớm, ăn sáng, uống sữa như người máy vì còn ngái ngủ, không muốn cũng phải đi học, không được ra xe buýt trễ giờ. Nên chúng không hiểu vì sao cha mẹ cố xin nghỉ làm vào ngày Tết Việt nam lạnh lẽo và buồn bã để làm gì ngoài hai người đi ra đi vô, nói chuyện trên trời dưới đất mà chúng chẳng hiểu được gì như cá kèo kho rau răm ngon hơn kho nước cơm, nhưng theo mẹ thì cá kèo kho nước cơm ngon hơn vì khi ăn không có hậu đắng chát của nhựa rau răm… cá kèo, rau răm, nước cơm là gì hả mẹ?
 
Nghe con hỏi cũng thấy buồn trong lòng xa quê, sâu xa hơn là nỗi buồn mất gốc. Chúng đâu biết trong lòng cha mẹ đội tuyết đi làm vào ngày mồng một Tết nó buồn xa xót cỡ nào khi nhớ tới cha mẹ già, người thân còn ở quê nhà, nhớ tới người hàng xóm tốt bụng mà mình chưa kịp trả ơn đã đi biệt xứ, nhớ từng con phố cũ thân quen, tiếng rao người bán rong não lòng những đêm mưa đèn vàng con hẻm cụt; nhớ Tết Sài Gòn, Tết dưới quê, nhớ chợ Tết ba mươi vội vội vàng vàng, người mua được miếng thịt chợ chiều đã xám xỉn cũng vui vì lâu rồi cả nhà không được ăn thịt. Người kia mua được mấy cành hoa héo chợ chiều ba mươi cũng dâng hương lên bàn thờ Phật, lên ban thờ tổ tiên tấm lòng con cháu nghèo mấy cũng không quên trời phật, ông bà. Ôi những cái Tết làm sao quên được thiếu trước hụt sau làm tóc mẹ bạc. Cha đi tù về, mẹ khổ hơn cả lúc đi thăm nuôi vì không muốn cha mới ra tù lại u buồn gia cảnh.
 
Làm sao quên được những bước chân học trò sóng sánh lối đi quen mà lạ như người say khi chưa biết uống rượu chỉ vì lần đầu được đi chùa hái lộc đầu năm với người ta, thương tới bạc đầu vì không gặp lại nên những ngày giáp Tết, ngày đầu năm không khỏi nhớ nhau, thì thầm cầu nguyện cho nhau được bình an. Những ngày cuối năm, ngày đầu năm tâm tư thường lắng đọng khi ngồi nhìn lại mình chỉ thấy bôn ba một thời tuổi trẻ nhưng mỗi năm xa mấy cũng lặn lội về nhà khi năm hết Tết đến, dù về chỉ để nhìn thấy nhà ta, để tiếp tục đi tìm sự thay đổi chứ không thể mãi như vầy khi đất nước không còn tiếng súng mới vỡ lẽ hoà bình chỉ nới rộng hố phân cách quốc cộng sâu hơn khi còn chiến tranh.
 
Rồi một thời tuổi trẻ đi qua vô tích sự, còn chăng một mớ ưu phiền mãi về sau. Còn trong ký ức những năm đầu mới đến Mỹ, những ngày giáp Tết, ngày đầu năm ngồi nhìn tuyết đá ngoài sân, đường xá vắng hoe không một bóng người, hiếm hoi có chiếc xe qua, để lại hai vệt bánh xe trên tuyết dài như nỗi nhớ quê, nhớ nhà, Nó mất hút ở một khúc quanh nhưng biết chắc là nó tiếp diễn hành trình đơn độc như người di dân.
 
Nhưng nỗi nhớ đến muốn khóc của những năm mới rời xa quê nhà, gia đình, bạn bè ấy theo thời gian nguôi bớt ở hải ngoại vì áp lực cuộc sống ngày càng cao nơi xứ sở bon chen nên chi phí luôn tăng chứ không hề giảm. Hồi mới qua chỉ cần có quần áo lành lặn, đủ ấm là được, nhưng tính đua đòi ai chả có nên quần áo cao cấp hơn làm chi phí gia tăng. Cái xe đi làm còn chạy được nhưng ai không thích xe mới nên cõng thêm món nợ xe ngày xưa bằng nửa tiền mua cái nhà để ở trong khi căn chung cư đủ sạch sẽ, yên tịnh, an ninh, giá thuê phòng vừa phải. Nhưng ở nhà riêng thoải mái hơn như bạn bè đã mua nhà nên nợ nhà, nợ xe thành chuyện lớn ở Mỹ vì mất việc làm là mất hết, nhà băng kéo hết. Cứ thế mà thành người nô lệ da vàng tự nguyện lúc nào không hay. Cho tới con cái chuẩn bị đi đại học mới hết hồn với ăn xài vô tư lự, không biết dành dụm thì tiền đâu cho con cái ăn học. Thế là đi làm thêm việc, thêm giờ tới mờ mắt thì làm gì còn thời giờ để nhớ đã bao năm xa nhà, quê cũ bây giờ ra sao, người thân, người quen ai mất ai còn…
 
Nhìn lại mình đời đã xanh rêu, nghe nhạc Trịnh hồi còn nhỏ chỉ thích giai điệu thì giờ đã thấm triết lý. Có lẽ từ đó, từ những đứa con rời mái ấm gia đình vì chuyện học hành. Tôi cũng dần quen với chiếc ghế trống trên bàn ăn là nơi thằng lớn thường ngồi; rồi tới cái ghế của thằng nhỏ lần lượt trống. Thấy lòng mình trỗng rỗng khi nhìn hai cái ghế không trống bốn năm, sáu năm, tám năm theo việc học mà những chiếc ghế trống từ khi tiễn con đi đại học tới mãi mãi về sau vì học xong đâu có đứa nào về nhà cha mẹ ăn cơm mỗi ngày nữa. Chúng có cuộc sống riêng để lập lại hành trình cha mẹ đã đi qua. Thấy nỗi buồn “từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người…” Ai rồi cũng như nhau khi nhìn lại.
 
Từ những khoảng trống trong cuộc sống như cái ghế trống do đứa con đi học xa nhà, khoảng trống nhỏ nhưng không hề nhỏ so với khi nó còn ở nhà thì chỉ việc lo ăn lo mặc cho nó là đủ thì bây giờ lo xa hơn tới những vấp ngã cho đứa con mới bước vào đời, lo xì ke ma túy rình rập những đứa trẻ mới xa nhà, lo nỗi buồn gác trọ khi hồi tưởng lại mình những năm đi trọ học. Nhớ thời rau cháo sinh viên, sáng đánh răng bằng muối, tối về thắp đèn cầy mượn quên hỏi ở nhà thờ vì không tiền mua dầu thắp đèn dầu trong hoàn cảnh cả thành phố cúp điện tháng hai lần, lần mười lăm ngày thời bao cấp vinh quang. Nhưng đến đứa con nhỏ rời nhà đi học xa thì hoang mang, lo lắng bớt đi nhiều so với đứa lớn. Ngồi tự hỏi lòng những đêm suông thấy buồn như đã phân biệt đối xử với con cái thì chợt hiểu lòng mẹ hơn khi các anh theo đơn vị đi luôn ra hải ngoại thì mẹ lo tới mất ăn mất ngủ cho những đứa con biệt xứ, không biết bao giờ về, rồi chúng có biết làm gì để sống nơi xứ lạ quê người khi đã ngoài tầm tay mẹ. Nhưng đến những đứa con nhỏ lớn lên với tương lai mù mịt thì mẹ bình tĩnh hơn khi chúng vượt biên, dù con thuyền vượt biển quá mong manh so với những chiếc tàu Hải quân to lớn của Việt Nam Cộng Hoà.
 
Tết tới ngồi nhớ mẹ thấy thương hơn khi hiểu lòng mẹ bao la hơn những tủi hờn con trẻ. Nhớ mẹ tảo tần những cuối năm để cho con áo mới đến trường, nhưng thằng con trời gầm chỉ xin giày đá banh mới để chạy được nhanh hơn mà không sợ trơn trượt. Thật hạnh phúc làm sao với tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Nhưng mới đó tuổi nhỏ đã qua rồi, mẹ đã qua đời không thấy mặt con.
 
Những ngày giáp Tết bận rộn ở quê nhà bỗng rảnh rang ở hải ngoại hay người ta đến một lúc nào đó không còn thích đến những nơi đông người vì đã hiểu được sự ra về lẻ loi, không còn thích tiệc tùng thâu đêm suốt sáng vì biết trước kết quả vui quá hoá buồn, hậu quả không tránh khỏi của việc phung phí sức khoẻ. Nên tôi thích ở nhà một mình từ giáng sinh qua Tết tây để thanh thản nhìn lại một năm qua khi khái niệm về năm ta, năm tính theo âm lịch đã phai nhạt trong tâm khảm do đời sống phương tây chi phối mãi cũng thành quen với Tết tây tính theo tây lịch. Đừng nghĩ tới sẽ đỡ buồn hơn khi nhìn lại Tết Việt bây giờ chỉ lèo tèo chút bánh mứt, mấy cành hoa đào, hoa mai giả lẫn hoa thật ít ỏi vì thiếu người mua hoa thật ngoài khu thương mại của người Việt, nhưng hoa nào chẳng trong héo ngoài tươi khi đã xa cành như người ta thôi vui khi đã lạc mất quê hương, còn chăng nụ cười trong héo ngoài tươi khi chào hỏi đồng hương trong dịp đầu năm âm lịch nơi xứ người với câu Happy New Year quen miệng hơn câu đáng nói là Chúc anh (chị) Năm Mới Vui Vẻ.
 
Nhìn lại Tết nào vui hơn Tết ở trong lòng khi còn bâng khuâng với trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết? Tết trong lòng không cần ăn ngon mặc đẹp vẫn vui hơn Tết hoài niệm của người Việt hải ngoại bây giờ đã tan tác mùi hương còn nhớ, một chút mùi vị bánh mứt Tết quê nhà trong ký ức đã cáo chung với hương liệu hoá chất hiện đại được bày bán mỗi độ xuân về nơi hải ngoại. Người kẻ chợ cứ bảo đảm với người mua là hàng Việt Nam chứ không phải hàng Trung quốc đâu mà sợ. Sao không sợ cho được mới là lạ với hàng chữ “Made in Vietnam” dám đè lên “Made in China” của người kẻ chợ. Thi thoảng được chút quà xuân từ bên nhà gởi sang thì cũng để mãi ngậm ngùi trong căn nhà tỵ nạn đến Tết năm sau.
 
Còn chăng thói quen thích ở nhà một mình những ngày đầu năm, cuối năm theo tây lịch về mặt hội nhập, theo âm lịch về mặt tập quán. Nói chung là thích ở nhà vì ngoài cửa là thế giới tiến lên đã mệt mỏi; trong nhà, trong lòng là thế giới muốn quay về nhưng không còn nhà để về, không còn mẹ trông đứa con phiêu bạt thì về với ai? Về làm khách lạ trên quê hương mình có khác gì sống tha hương đã quen. Thế là chẳng biết đi đâu, về đâu cho hết quãng đời thừa nên ở nhà cho nó lành.
 
 
Nhớ Tết là quên lớn nhất trong lòng vì cố quên càng nhớ. Cứ theo tuần hoàn vũ trụ là hạt bụi nghiêng mình nhớ cố hương dù đã bay nghìn trùng xa cách. Chỉ có sự tĩnh lặng trong bốn bức tường câm là tử tế với tâm trạng phân thân trong những ngày cuối năm, những ngày đầu năm. Hết thắc mắc sao khi xưa Thâm Tâm lại viết “tống biệt hành” khắc khoải đến đau lòng, “mẹ thà coi như chiếc lá bay/ chị thà coi như là hạt bụi/ em thà coi như hơi rượu say…”
 
Sáng nay yên tĩnh quá, nắng vàng phai trên đồng cỏ khô chưa ráo sương đêm đã mây về, gió bấc thổi lay cành khô còn gì để rụng, mưa sẽ rơi nhiều hạt lạnh cóng tay. Nhưng lòng vẫn nôn nao đón Chúa hài đồng, Chúa giánh sinh đêm nay. Những phiền muộn của thế gian sẽ được ngài cứu rỗi, bốn bức tường câm lại rộn tiếng đi về, khúc nhạc xuân văng vẳng trong hồn từ độ xa quê lại vang lên nơi xóm làng xưa cũ, “đầu xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,579
Tháng 4 luôn nhắc nhớ, chúng ta từ đâu đến đây, chúng ta may mắn hơn người còn ở lại VN, hạnh phúc hơn người bỏ xác trên biển, hãy sống xứng đáng với cái giá chúng ta phải trả mới có ngày hôm nay. Hãy tôn trọng và nhớ ơn đất nước đã cưu mang gia đình chúng ta, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI đã đón nhận và giúp đỡ chúng ta, nơi đây là điểm dừng cuối đời của chúng ta và là Quê Hương thật sự của con cháu chúng ta.
Nhập ngũ vào Thủ Đức sau biến cố Mậu Thân 1968 khi đang theo học năm thứ hai Cao Học Sử Địa tại Văn Khoa Saigon, anh được chọn vào Không Quân, và có lẽ do bản chất yêu thích văn nghệ với sở trường ca hát và đờn địch, anh vào làm việc trong ban Tâm Lý Chiến của Sư Đoàn 3 Không Quân tại Biên Hòa, đi từ cấp bậc Chuẩn Úy cho đến Đại Úy. Đầu năm 1975, anh lấy vợ, một nữ quân nhân phục vụ trong phòng Xã Hội cũng tại sư đoàn 3 Không Quân. Vợ chồng anh ở trong trại sĩ quan của đơn vị cho đến ngày mất nước. Khi anh vào tù, chị trở về quê sống với cha mẹ chị gần Cần Thơ.
Phải nhìn nhận rằng Lão là con người hiền lành, rất hiền lành! Nói theo kiểu người mình hay nói là hiền như cục đất! Lão hiền từ trong nhà ra tới ngoài đường. Chưa bao giờ lão lớn tiếng, hay nói những lời nóng nảy, cộc cằn với bất cứ ai! Cái tâm lão cũng vô cùng là hiền, hiền cả với cây cỏ, với thú vật! Lân la ngoài vườn nhiều khi thấy ớt con hoặc é quế mọc nhiều quá, mụ vợ nhổ quăng bớt. Nếu thấy được lão nhặt chúng đem đi chỗ khác trồng! Mụ kền rền, lão bảo: “Chúng nó cũng muốn sống mà!” Bất cứ con bọ nào bất chợt lọt vào trong nhà là lão túm lấy mở cửa quăng ra ngoài, vừa quăng lão vừa nói: - Đi về nhà mày đi, ở đây lâu là có cơ hội xuống ống cống đấy! Ý lão ám chỉ mụ! Mụ ghét nhất bất cứ con gì chui vào nhà, trông thấy là mụ quăng ngay vào bồn cầu, giật nước mất tích luôn!
Hôm nay trời trong, nắng vàng rực rỡ nhưng lạnh. Hàn thử biểu cho thấy buổi sáng 47độ và trưa được 54 độ F. Vào buổi chiều 16 giờ khí tượng cho biết sẽ có mưa. Từ hôm qua các con đã khuyến khích tôi đi xem hoa đào vì sợ sau cơn mưa, phần lớn hoa sẽ rơi rụng, tơi tả không còn đẹp nữa. Qua video người bạn gửi cho xem thấy hoa đào ở Tidal Basin thủ đô Hoa Thinh Đốn đã nở rộ.
Với Hai Búng thì có nhiều chuyện để nói. Tên trên giấy tờ là Phạm Bình Nhâm, nhưng từ khi vào quân đội, ban bè cùng khóa đặt cho hắn cái tên mới là Búng - Hai Búng. Sở dĩ hắn mang cái biệt danh (nickname) này vì nhà hắn gần chợ Búng mà khi nhắc đến chợ Búng, hắn say sưa nói miết - quên thôi! Hắn tả cảnh, tả tình về quê hương của hắn với những vườn cây ăn trái ở Lái Thiêu, An Sơn, Bình Nhâm (nơi sinh quán của hắn) hấp dẫn đến mức mà người nghe thấy mát rượi với những cây chôm chôm, măng cụt, sầu riêng... ngát hương vườn lài, thơm phức mùi sầu riêng và ngọt lịm mùi lò đường, ruộng mía ven sông …Và bao gìờ kết thúc câu chuyện cũng là lời mời rất chân tình: “Khi nào đi qua Chợ Búng, nhớ ghé nhà tao, tao sẽ đưa tụi mày đi ăn bánh bèo bì Mỹ Liên, hay Ngọc Hương, hai tiệm bánh bèo bì nổi tiếng không những ở chợ Búng mà khắp nước đấy. Rồi về nhà tao, mẹ tao sẽ đãi một bữa cháo vịt – thịt vịt bầu mà chấm nuớc mắm gừng do mẹ tao pha chế thì hết sẩy – Tụi mày sẽ nhớ đời …”
Hồi tôi ở trại tỵ nạn, trầy trật bốn năm trời mới vượt qua cuộc thanh lọc đáng ghét, và khi gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn thì bị từ chối, mặc dù tôi có đầy đủ gia đình ở bển. Còn chồng tôi, cả giòng họ rủ nhau đi vượt biên rất sớm, năm 1977 khi cả miền Nam đang vào cơn tàn tạ dưới bàn tay của “bên thắng cuộc”. Trong khi ở trại Mã Lai chờ phái đoàn Mỹ, thì phái đoàn Canada lơn tơn xuất hiện, gia đình chồng tôi nôn nóng thoát khỏi cuộc sống tù túng ở trại nên nhắm mắt đưa chân qua Canada định cư luôn một lèo. Sau đó, chồng tôi đi học, vào cấp ba rồi Đại Học, quyết chí thực hiện giấc mơ Mỹ Quốc năm xưa, bèn nộp vào trường Đại Học tại New York. Khi nộp đơn thì hào hứng, đến khi được nhận thì bị bà má chồng “bàn ra”, vì sợ tốn kém với số “student loan” quá lớn, chồng tôi cũng bị nản chí, không qua đó học nữa.
Thời gian gần đây, tôi đọc được bài ký sự sống động đã cho tôi một bài học trân quý về nền giáo dục của Hoa Kỳ từ tác giả Hạ Vũ, với câu chuyện “Tôi làm Cô giáo nhà trẻ Mỹ” trên mục VVNM trang Việt Báo. Tác giả kể chi tiết từng hoạt động và phương pháp chăm sóc trẻ nhỏ tại lớp học. Từ việc chuẩn bị môi trường sạch sẽ, an toàn và cách cho trẻ ăn uống, vệ sinh đến giấc ngủ trưa yên lành; ngay cả việc vệ sinh cho bé cũng phải hết sức kiên nhẫn và luôn dùng chữ “please” để khởi đầu và cho biết mình sắp làm gì đó cho trẻ, chữ “thank you” để cảm ơn trẻ đã cộng tác, dù việc đó là phục vụ cho chính các em.
Trong 53 năm, chúng tôi kề cận, nhường nhịn, yêu thương và chăm sóc nhau để cùng xây dựng cuộc sống riêng sau khi cả hai chúng tôi học xong đại học. Chúng tôi đã có một gia đình nhỏ an vui với hai con trai. Và từ khi chúng tôi đem hai cô con gái nhà người dưng, mang về làm hai con gái ruột nhà mình thì gia đình chúng tôi có thêm ba đứa cháu. Nay, các con đã thành nhân, các cháu thì đã có đứa chuẩn bị vào đại học. Hai con trai của chúng tôi đã có nghề nghiệp vững vàng, chúng đã có nhà riêng. Chúng tôi già dặn hơn cùng với sự trưởng thành của con cháu. Hai chúng tôi đã về hưu, vẫn cùng có nhau, tiếp tục nhường nhịn, chăm lo cho nhau trong những năm tháng cuối đời...
Dallas mới qua một đợt lạnh khủng hoảng sau lễ tình yêu, nghỉ học nghỉ làm tuyết đá đầy đường. Hy vọng là đợt lạnh cuối mùa vì thời tiết Texas khó đoán bởi đôi khi sang tháng tư còn tuyết. Tội nghiệp những người thích trồng, họ thường gieo hạt giống trong garage từ cuối tháng hai để sang tháng ba là đậu bắp đã cao được gang tay, cà chua non nhìn mắc ham, những cây ớt xanh mát mắt... Đợi tháng ba cho ra vườn là sớm có ăn, nhưng đầu tháng tư trời lại đổ cho trận tuyết làm cây con chết ráo. Những người mê trồng tính khôn ăn sớm nên gieo hạt trong garage từ cuối tháng hai lại hoá ra ăn muộn vì phải gieo hạt lại lần nữa.
Các nhà khoa học có thể đưa ra tuổi thọ trung bình của một người, nhưng chưa có một thống kê nào cho biết mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi nằm xuống đã ở được khoảng bao nhiêu căn nhà! Điều này có thể nói lên mỗi người có những nhu cầu “xê dịch” rất khác nhau. Sau hiệp định Genève 1954, cuộc sống của người Việt Quốc Gia chỉ trong phạm vi từ vĩ tuyến 17 cho đến Mũi Cà Mau. Nhưng kể từ năm 1975 cho đến nay thì “nhà Việt Nam” đã có mặt tại hơn 130 quốc gia trên thế giới. Mỗi một căn nhà của người Việt trên quê người gói ghém tất cả những thăng trầm của một đời lưu lạc nơi đất khách; là những vinh nhục, được mất, hy sinh, đánh đổi để tồn tại. Biết bao người bôn ba ra hải ngoại đang sống trong những căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi; nhưng từ trong sâu thẳm họ vẫn không quên được căn nhà cũ của mình trên quê mẹ!
Nhạc sĩ Cung Tiến