Hôm nay,  

Tri Ân Đôi Mắt Ân Tình

07/01/202200:00:00(Xem: 3305)

 

Hinh VVNM 01072022 bai Co Dai_Doi mat an tinh
Minh họa: Ánh Mắt Năm Nhâm Dần - Huỳnh Lê Nhật Tấn

  

Cỏ Dại là bút danh của một nữ tu trẻ dòng Mến Thánh Giá, Người gốc Kinh 5, Kiên Giang- Việt Nam, cô hiện chăm sóc cho các trẻ em khiếm thị. Trong bài viết đầu tiên gửi cho VVNM Bài hồi tháng 9, 2021 tác giả cho biết Cô sinh ra ở vùng quê Cái Sắn – Kiên Giang, Cô xa quê cũng gần hai mươi năm rồi, và giờ cũng đã xấp xỉ tuổi ba mươi. Tình cờ qua  bài viết “Chút muối của Sài Gòn” về những ngày đi thiện nguyện trong Mùa Covid, xin đăng lên trang Facebook Kinh 5 Quê tôi, tác giả gặp được những Bác “bạn già” là những bậc kỳ cựu của Kinh 5, cũng là những tác giả quen thuộc của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Cái duyên đến với VVNM từ đó và đây là bài thứ hai tác giả gửi cho Việt Báo.

*
 
Cô bé được mời gọi đến sinh sống tại một Mái Ấm phục vụ các trẻ khiếm thị, một cơ sở thuộc miền Sài Gòn. 

Bữa nay Bé đang ngồi đối diện với các em học sinh khiếm thị lớp 3, nghe các em đọc bài tập làm văn “miêu tả về con vật mà em được biết”. Một bé trai mạnh dạn giơ tay xin được dò bài trước: “Con vật mà em được biết là con cá rô phi. Nó có đôi mắt tròn nho nhỏ như hai trái nho, còn bộ lông của nó thì mượt như lông mèo,…”

Vừa mới nghe đến câu “lông cá (vảy cá hoặc da cá) mượt như lông mèo” thì Cô không biết phải cười hay khóc. Cười thì có vẻ là vô tâm, là cười cợt sự giới hạn trong ngôn từ và sự trải nghiệm thực của bé trai này. Còn khóc, có vẻ như những đứa trẻ ngồi trước mặt sẽ ngơ ngác không hiểu tại sao. Một thiếu sót trong lối giáo dục ít cho trẻ trải nghiệm thực tế với các sự vật, các em chỉ nghe thầy cô miêu tả trong giờ học hoặc nghe cha mẹ kể sơ qua mọi thứ đang diễn ra ở thế giới xung quanh. Và cái kết là các em gắn đặc điểm của thứ này với thứ kia trong văn miêu tả. Hầu hết các cha mẹ có con em khiếm thị ở Việt Nam, họ phải tần tảo kiếm cơm, áo, gạo, tiền lo cho cuộc sống và gần như không còn điều kiện để đồng hành sát sao, tìm hiểu các phương pháp và tiếp cận lối giáo dục đúng cách để giúp con hiểu mỗi vấn đề một cách tường tận. Họ phó mặc cho giáo viên ở trường, ở lớp, trong khi, mỗi lớp chuyên biệt có 10-12 học sinh khiếm thị chỉ có một thầy hoặc cô giáo chủ nhiệm lớp cũng như mỗi bộ môn cũng chỉ có một thầy(cô) dạy bấy nhiêu trẻ. Phải chăng đó là một sự quá tải làm cho thầy cô khó đáp ứng nhu cầu dạy-hiểu tùy khả năng riêng của từng em, đặc biệt là những trẻ có nhận thức không cao bởi cộng thêm chứng bệnh khác. Nếu có người hỗ trợ 1-1 trong việc học của người khiếm thị hay khuyết tật nói chung trên quê hương chúng ta, thì đó có thể chỉ là ước mơ còn luôn giang dở trên mảnh đất chữ S này.

Chuyện ở quê hương của Cô bé thì liên quan gì đến Mỹ quốc? Cô bé không dám than phiền ai hay đặt vấn đề, lý do trách nhiệm thuộc về cơ quan hay người nào. Cô bé biết một chút về Nước Mỹ và thầm thán phục một đất nước chứa đựng đầy nét nhân văn và nhân ái thể hiện qua cách thức chăm sóc, giáo dục người khuyết tật. Cô bé tìm và đọc được một loạt bài của tác giả Thanh Mai trong mục Viết Về Nước Mỹ như “Ép con”, “Sau cơn mưa, trời lại sáng”,... Ở đó, tác giả chia sẻ cuộc đời thật, người con thật của gia đình mình đã và đang cố gắng từng ngày vượt lên nghịch cảnh của chứng bệnh kém thị lực. Với biết bao khó khăn khi tới lui các bệnh viện ở Sài Gòn, cho đến khi đặt chân đến Mỹ, một nền Y học tiên tiến bậc nhất và xã hội đầy nhân ái đã tạo những điều kiện thuận lợi vô cùng cho việc chữa trị, chăm sóc đôi mắt cho anh chàng Lộc. Cô bé thật sự xúc động với những chia sẻ về người bác sĩ theo lời của tác giả Thanh Mai “Thấy thằng bé khóc và phản ứng dữ dội quá, vị bác sĩ người Mỹ ấy đã cố gắng dỗ dành, dụ đủ cách, giả làm tiếng mèo, tiếng chó và ngay cả bò lên thảm giả làm chó để làm cho Lộc vui và khám mắt cho Lộc được”. Cô còn khen ngợi “chương trình giáo dục của Hoa Kỳ dành cho những trẻ em bị khuyết tật rất tốt. Xe bus học sinh đến đón tận nhà, được cung cấp đầy đủ những dụng cụ đặc biệt để giúp cho cháu học hành thuận tiện và có giáo viên đi theo giúp đỡ riêng trong những giờ lên lớp và ngay cả trong giờ ăn”.

Còn nhiều câu chuyện làm Cô bé rất ngạc nhiên. Trong thời gian Lộc bệnh, phải ở lại bệnh viện lâu, nhà trường và thầy cô giáo thường xuyên liên lạc với bệnh viện và gia đình, Cô giáo đến thăm tuy quý phái nhưng tự nguyện vòng tay lại làm cái rổ để Lộc ném banh vào, dù banh trúng mặt, trúng vai; và về nhiều những nghĩa cử cao quý thầy cô, bạn bè  trong lớp của Lộc cho thấy “một trong những điều tốt mà học sinh ở Mỹ được giáo dục. Trẻ biết giúp đỡ, yêu thương và tôn trọng người bị khuyết tật chứ không như ở một số nước chậm tiến, đem tật nguyền của người khác ra trêu ghẹo, chọc phá”. Cô bé cũng từng là nạn nhân của những trò trêu trọc khi trước nên càng hiểu cảm giác của người khuyết tật và trân quý những giá trị nhân văn của con người trên nước Mỹ. 

Có thể nói, đất nước ấy đã tiếp sức cho gia đình và giúp cá nhân Lộc dệt giấc mơ thành hiện thực, Lộc của hôm nay đã là một con người khỏe mạnh và là một nghệ sĩ dương cầm tài giỏi. Ở đó, không chỉ gia đình nhưng còn có cả một quốc gia quan tâm, trân trọng một người con, một công dân để họ có cơ hội trở thành người tài, người hữu dụng cho xã hội và nhân loại. Trái tim Cô bé lại càng tha thiết ước mơ cho học sinh của mình không trải qua những vết xe đổ lằn mãi vết thương, dẫu biết hiện thực còn xa vời. Cô ước mơ cho các trẻ khiếm thị trên khắp quê hương của mình có được một phần sự đồng hành, giúp đỡ trong học tập và cuộc sống giống như bạn Lộc, người công dân Mỹ gốc Việt trong các câu chuyện đã được đọc. 

Cô bé của ngày thơ ấu thường nghe ông bà ngoại nói “thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng”. Dĩ nhiên khi cơ thể của ta bất ổn, dù tổn thương đó ở ngoài da hay một bộ phận nào bên trong cơ thể, đều làm ta cảm thấy đau đớn và khó chịu. Cô cứ hoài thắc mắc “Sao ông bà ngoại cứ nhắc hoài câu nói này mỗi khi mình đau một xíu và bắt đầu rên rỉ?” 
 
Và cho đến khi  đi học xa nhà, không còn được nũng nịu với ngoại và cũng phải đảm đương cuộc sống riêng mình. Cô đã hiểu điều ông bà hay nói là một sự cảm thông khi thấy cháu mình bị thương, bị đau. Nhưng cũng là một sự khích lệ, khuyên cháu rán chịu những cảm giác đau nho nhỏ đó, vì nó được xếp vào vị trí thứ ba, thứ tư, hay thứ “n”…của cái thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng kia. So với việc đau mắt, đau răng phải chăng mọi thứ khác đều dễ chịu hơn nhiều?

 Từ đầu mùa hè năm nay, Cô bé được tiếp xúc, chăm sóc những trẻ nhỏ khiếm thị, những con người đang cảm nhận thế giới xung quanh bằng các giác quan khác. Cô thấy những học sinh khiếm thị của mình thường xuyên lấy ngón tay ấn sâu vào mắt, dù cho đôi mắt ấy mờ và không thấy gì. Cô hiểu rằng bên trong đôi mắt luôn có gì đó rất khó chịu và đôi lúc còn đau nhức.  Các em vẫn cười, vẫn yêu đời và luôn cố gắng phát huy tất cả những khả năng của bản thân cho việc học tập, xây dựng kỹ năng sống hữu ích cho tương lai phía trước của mình. Nhìn về mình, Cô cảm thấy hổ thẹn với chút khó khăn mình gặp khi trước mà tưởng chừng cả thế giới của mình là màu xám. 
 
Tuổi thơ thường là khoảng thời gian có nhiều ký ức rất đẹp, rất hồn nhiên và vui tươi trong cuộc đời mỗi con người. Nếu đứa trẻ may mắn được lớn lên trong vòng tay săn sóc, yêu thương và đồng hành của người thân; được dạy cho cách nhìn và đón nhận cuộc sống như nó là, hẳn xã hội sẽ tốt đẹp và có thêm nhiều con người bước đi vững mạnh trên đôi chân của mình để tiến vào cánh cửa tương lai. 
 
Tuổi thơ của Cô bé dường như là một sự độc lập trong suy nghĩ, trong chọn lựa và trong lối sống. Cô ngập tràn trong cảm giác không an toàn khi chịu bạn bè chọc ghẹo về sự khiếm khuyết trên đôi môi của bản thân. Cô bé đã không biết cách đón nhận và vượt qua. Cô cho mình đã là người bất hạnh vô cùng. Cô từng nức nở, từng âm thầm gặm nhấm nỗi đau này và trở nên rụt rè, nhút nhát hơn bạn bè đồng trang lứa. Một gia đình không trọn vẹn “con không cha như nhà không nóc” cũng đầy những thiếu thốn, chao nghiêng và cuộc sống thôn quê dân giã, sớm tối cày sâu cuốc bẫm của gia đình, ít quan tâm đến tâm tư tình cảm của trẻ con, đã vô tình góp thêm phần nuôi dưỡng cái tính nổi loạn, ích kỷ coi mình là “cái rốn vũ trụ” của Cô. 
 
Lúc thấy mình bất hạnh cũng bởi Cô chỉ nhìn lên, nhìn vào những người bạn xem ra “toàn mỹ” với cuộc sống, số phận tươi đẹp đang cười rạng rỡ chẳng một chút phiền muộn, lo toan. Có phải bởi họ không rơi vào hai tình trạng như Cô bé đang một mình đối diện? Thật giống như câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng”, con ếch thấy bầu trời chỉ lớn như một chiếc vung hay gì đó tròn tròn bằng cái miệng giếng, có gì to tát đâu. Và một ngày ếch con lên khỏi miệng giếng, nó choáng ngợp dưới bầu trời rộng lớn bao la mở ra trước mắt, thì ra bầu trời lớn hơn chứ không như những gì nó đã nghĩ khi ngồi dưới đáy giếng!  
 
Cô bắt đầu cúi xuống, quan sát mọi thứ xung quanh, nhìn xem từng cử động của con dế đất, con cào cào đang nhảy nhót trên cành và lắng nghe tiếng kêu rả rích, xào xạc của chúng. Cô thinh thặng, hít sâu hơn cái mùi đất hòa quyện với mùi thơm của đám rạ lúa lấp xấp trên cánh đồng mới thu hoạch vụ mùa. Cô thả hồn vào từng đám mây lơ lửng đang nhẹ trôi về góc trời, với những tia nắng đang nhạt dần quyện theo làn khói lơ lửng, nhẹ nhàng bay lên từ cánh đồng xa xa đang đốt rạ khô. Cô nhận ra sức sống kỳ diệu của thiên nhiên vạn vật, của dòng sông, cánh đồng bao la quanh nhà với bao sinh vật đang vẫy vùng, đang sống cách mạnh mẽ ở  đó. 
 
Cô nhớ lại những tháng ngày thơ ấu, được sống gần Bà cố, cụ không phải là người bị khiếm thị bẩm sinh. Chỉ trong gần 20 năm cuối đời, do căn bệnh cườm mắt (loại cườm nước) hoành hành mà điều kiện chữa trị không có nên đã bị lòa hẳn. Bà luôn cố dò dẫm bước đi từng bước chậm chạp trong nhà bởi chưa quen với cái bóng tối đặc quánh cả ngày lẫn đêm. Dù không nhìn thấy nhưng trên môi hiếm khi nào thiếu vắng nụ cười. Bà luôn kể những câu chuyện từ hồi cả nhà mới đặt chân đến miền sông nước, với một nghị lực mạnh mẽ, gắng sức làm lụng nuôi 5 người con từ đôi bàn tay gầy guộc. Và không thiếu những câu chuyện liên quan đến tuổi thơ của mẹ, của các cậu - dì ăn cơm trộn với khoai lang, bắp và bo bo. Khó khăn, thử thách không thiếu nhưng ông bà và mọi người đã vượt qua. Bà dặn Cô phải kiên cường, can đảm dấn bước vào cuộc đời, sống đạo đức và tốt lành với người xung quanh. Cuộc đời ắt sẽ trả cho ta những món quà tươi sáng. Bà bị lòa, tập trung mọi năng lực vào đôi tai và đôi tay để giúp mình có thể nhạy bén hơn với âm thanh và cuộc sống vạn vật xung quanh. Cô bé thơ dại ngày nào thường nghịch đùa Bà bằng trò chơi sờ và đoán tiền. Bà cố không còn thấy nhưng luôn đoán đúng mệnh giá từng tờ tiền, đoán đúng từng người khi họ xuất hiện mà chưa kịp lên tiếng. Cô bé không khỏi ngỡ ngàng và ngưỡng mộ sự thính nhạy của Bà. 
 
Trong những tháng qua, Cô bé gặp gỡ nhiều đứa trẻ, lắng nghe nhiều những câu chuyện và tâm tư của chúng. Những câu chuyện mà người nghe chỉ có thể nghe rồi ngậm ngùi. Ngậm ngùi và chua xót vì đứng trước những ước mơ đơn giản nhưng ta khó làm cho nó thành hiện thực. Hai bé nhỏ nói chuyện với nhau: 

- Nếu Chúa cho mình một điều ước, mình ước sẽ được nhìn thấy. Vì mọi người nói mình đẹp giống mẹ mình, mà mình lại không thấy nên đâu có biết mẹ đẹp thế nào! 

- Mình cũng sẽ ước mình được nhìn thấy. Nếu mình được gặp Chúa, mình sẽ hỏi là tại sao tụi mình lại không được nhìn thấy? 


Chính vì không nhìn thấy nên các em càng khao khát khám phá thế giới xung quanh, khám phá những gì mà đôi tay các em chạm tới và đôi tai của các em nghe được. Như có một chia sẻ từ một chị khiếm thị: “Thế giới người khiếm thị như một cái chum là những gì có thể sờ được, nghe được, ngửi được. Còn thế giới người sáng như một căn nhà”. Dường như thế giới của họ bị hạn chế rất nhiều. Mỗi ngày, tôi có thể phải trả lời hàng chục lần cho câu hỏi “Cái này là gì vậy Sr?”, “Sao cái này nó lạ lạ…Cái này dùng để làm gì vậy Sr?”,… Thao thức của các em bây giờ được chuyển từ đôi mắt xuống đôi tay và đôi tai cũng như mũi ngửi. Các em vận dụng tối đa xúc giác của đôi tay để sờ lên các chấm nhỏ trong sách chữ nổi (Braile).

Nếu ở đâu đó mà ta chỉ nghe tiếng đọc, tiếng hát một bài thánh ca với một giọng đọc truyền cảm, dễ nghe thì ta dễ thấy nó bình thường. Nhưng khi chính mắt ta nhìn thấy một em nhỏ với các ngón tay thoăn thoắt lướt trên từng hàng chữ nổi để đọc, để hát còn đôi mắt thì đeo một cặp kính đen. Cảm giác của bạn sẽ khác lắm. Đôi tai các em lắng nghe những lời của phần mềm dò đọc màn hình máy tính, thế nên các em dễ dàng vào các trang mạng và tìm kiếm tài liệu để học hỏi. Trước đó tôi thường tự thắc mắc, tại sao người khiếm thị lại có khả năng chơi các nhạc cụ, đàn sáo giỏi như thế? Bởi vì không thấy, nên người khiếm thị tập trung vào các giác quan còn lại. Họ luyện tập để trở nên rất nhạy với không gian, khoảng cách giữa các ngón tay là những quãng hợp âm. Họ đặt tay lên phím đàn phải khen là rất chuẩn và kết hợp với đôi tai lắng nghe âm thanh cực nhạy. Một cách nào đó, họ không thích việc được người khác đánh giá là “có tật có tài” nhưng tất cả những điều họ làm được đều thành tựu từ sự nỗ lực, cố gắng rèn luyện để phát huy thế mạnh khác trong cơ thể bất toàn của họ. Chính những người khiếm thị tự định hướng cuộc đời bằng một châm ngôn rất quen thuộc “Không nhìn thấy tất nhiên là bất tiện, nhưng không nhìn thấy không tuyệt nhiên là bất hạnh”. Đáng mừng thay biết bao người khiếm thị vẫn kiên cường, mạnh mẽ trước số phận để vươn lên và đảm đương cuộc đời mình mà không bám víu, dựa dẫm vào người khác.

Thời gian trôi qua như con thoi, sau cái thời quê nhà của Cô bé còn là đường đất trơn trượt đến nay mặt đường được phủ xi măng cũng đã 15 năm. Dẫu đời sống con người ở đất Việt có đang dần an khang hơn, no đủ hơn. Nhưng đó mới chỉ là mặt nổi của số ít những người giàu có với cơ ngơi rủng rỉnh. Mái Ấm Bừng Sáng – Mái Ấm mà Cô bé đang phục vụ, hiện tại là 1 trong 9 cơ sở nuôi dạy trẻ Khiếm Thị, hiện diện trên 6 tỉnh thành của Hội Dòng. Với con số hơn 500 học sinh mỗi năm ấy cũng là hơn 500 gia cảnh khác nhau nhưng đa phần họ đều có mức sống dưới trung bình và nghèo khó. Hầu như cha mẹ các trẻ khiếm thị là người lao động bình dân, người làm thuê không có nghề nghiệp ổn định và rất nhiều người trong họ cũng là người khiếm thị.

Chưa một lần gặp sẽ không quen, còn với Cô, được tiếp xúc nhiều và lắng nghe những câu chuyện của người thân, của  đồng hương về các chuyến vượt biển, về cuộc sống tại xứ sở văn minh Cờ Hoa ấy. Cô  không những rất mến mộ nhưng còn đầy lòng tri ân quý vị ân nhân, những vị hảo tâm đang cư trú ở Hoa Kỳ, các vị đã là những người Việt sống rất tốt lành, nhân ái và quảng đại. Trải qua gian khó của những ngày lênh đênh trên biển, chênh vênh giành giật sự sống và cái chết trong gang tấc và khó khăn, thiếu thốn trên các vùng đất tạm trú. Họ phải lao động chăm chỉ, cần mẫn mỗi ngày để tồn tại trên quê hương thứ hai, các vị vẫn luôn nhớ đến các mảnh đời khó khăn khác ở quê nhà.

Mái Ấm Bừng Sáng ban đầu do Thầy Phao-lô Đào Khánh Trường thiết lập từ những thập niên 80. Chính Thầy Trường cũng là một người khiếm thị. Ngôi nhà để cưu mang các học sinh mù nội trú là nhà riêng của Thầy. Năm 2008, Thầy qua đời và có nguyện ước trao lại cho một Hội Dòng. Cô Sương Đào (hiện đang sinh sống tại Mỹ) là em gái của Thầy đã nhờ Hội dòng (nhà Dòng của Cô bé) tiếp quản để tiếp tục chăm sóc và giáo dục các em khiếm thị đang sống tại đây. Cạnh căn nhà nhỏ chứa đựng đầy tâm huyết của Thầy, Nhà Dòng đã mua thêm một căn kế để có thêm chỗ ở, sinh hoạt cho nhiều em khiếm thị ngặt nghèo khác. Thầy, một con người tận tụy yêu thương, quảng đại và nhân ái đã thu hút được lòng yêu mến, tin cậy của nhiều vị hảo tâm ở hải ngoại. Cho đến nay, chính các vị ấy vẫn đang đồng hành và nâng đỡ Mái Ấm. Dù không thấy bằng con mắt thể xác nhưng cái tâm và cái tầm của Thầy đã nhìn xa hơn, chạm được đến giấc mơ của người khiếm thị. Thầy ước mơ lập cơ sở ở gần Trường Mù chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu để quy tụ các học sinh nghèo ở nhiều vùng miền xa xôi, giúp các em có điều kiện đến trường học. Các vị ân nhân đã giúp cho phần cơ sở vật chất tạm đầy đủ cho các em học sinh như đàn organ, computer,…

Vâng, quý vị ân nhân ở Hoa Kỳ có một tấm lòng quảng đại vô cùng với người khiếm thị. Vào năm trước khi đại dịch xảy ra, Cô Nga Nguyễn (California – USA) về nước chơi thăm và ngạc nhiên với tướng mạo, dáng đi của tất cả học sinh khiếm thị. Bé nào cũng đi gù gù, trên vai là một chiếc ba lô nặng như hành trang người lính. Cô đã mở ra xem trong chiếc ba-lô chứa những gì sao nặng vậy? Cũng chỉ là tập sách, bảng dùi của các bé nhưng cũng nặng từ 7-8 kg. Cũng vì lẽ máy in chữ nổi của cơ sở là máy in thủ công nhỏ, nên chỉ có thể in cho mỗi bé một bộ sách để vừa đưa đến trường và vừa đưa về nhà học, nên các bé phải vác trên vai đi bộ hoặc đi xe bus rất nặng nên có nhiều nhân vật “anh gù” xuất hiện khắp nơi, chứ không riêng “anh gù ở nhà thờ Đức Bà”. Cô Nga đã thương cảm sự miệt mài, chăm chỉ và hiếu học của các bé, Cô quảng đại trao tặng một món quà lớn và vô cùng ý nghĩa với các bé, một chiếc máy in chữ nổi với công suất lớn để in thêm cho tất cả các bé một bộ sách lưu tại lớp học và một bộ sách học tại nhà (Cơ sở vẫn đang tiếp tục cố gắng hỗ trợ in sách giúp cho các trường trong cả nước). Từ đó, các bé không còn phải mang vác sách vở nặng nhọc như trước. Một chiếc máy in trị giá khoảng gần 50 ngàn đô. Đó là một món quà to lớn và ý nghĩa để những ngón tay chạy trên hàng chữ nổi có thể giúp người khiếm thị vươn tầm đến nền tri thức nhân loại. 
 
Mới cận kề ngày lễ Thanksgiving của Mỹ thì ở Việt nam, các bé khiếm thị hào hứng kể về những kỷ niệm của năm trước với món quà “Ước mơ”, các bé đơn sơ chia sẻ:
 
- Năm nay con nghĩ sẽ không bao giờ có quà “Ước mơ”, vì Covid như vầy thì làm sao có được! (Ước mơ trong các lá thư của các bé vào mùa lễ Giáng Sinh như thường lệ của các năm trước).

- Noel năm ngoái con được đi siêu thị mua quà, con mua chiếc xe ben đồ chơi về cho em con… 

Câu chuyện được Cô bé kể lại với Bác H.Nguyễn. Bác thầm lặng và không hứa hẹn điều chi. Còn Cô bé vẫn tiếp tục tìm một đề tài nào đó để tham dự vào mục VVNM. Nghĩ mãi về những gì được nghe, được biết và được cảm nhận, Cô bé cứ viết vài dòng lại xóa vài dòng. Cô thấy mình như cứ lạc lõng trong thế giới của VVNM, đứng giữa các cây cổ thụ, Cô như một con nai ngơ ngác, nhỏ bé ngại ngần không biết viết làm sao, xưng hô thế nào. Vì Cô  không phải là măng non để xưng con như các bé trong mục Bé Viết Văn Việt, cũng không lớn  tầm tuổi bậc “lão niên” để xưng ngôi thứ nhất. Cô ước mơ được một lần đến Mỹ, được đi thăm xứ sở văn minh, nhân đạo mà Cô đã từng là người thọ ơn, đi thăm và chiêm ngưỡng, học hỏi nền giáo dục rất tốt đẹp mà Cô bé hy vọng sẽ ghi nhận một phần nào đó vào sứ mạng phục vụ trong tương lai, thăm rất đông những người bà con, anh em đang lưu trú ở nhiều tiểu bang trên đất này, cùng thăm các Bác, Cô, Chú đồng hương được gọi là “bạn”- “Thiên Lý năng tương ngộ” trên Facebook. Cô Thanh Mai khích lệ Cô bé này, “Con rán tham gia viết nhiều bài, biết đâu được giải, có giấy mời của VB rất giá trị, sẽ dễ được bay qua đây. Cô – con mình được gặp nhau, Cô sẽ dẫn con đi gặp nhóm Việt Bút, ở đó toàn người vui tính, đáng yêu”. Ước mơ nhỏ bé nhưng lại theo Cô bé vào nhiều giấc mơ trong đêm và những thao thức mỗi ngày.  

Tuần áp lễ Giáng Sinh, một tin vui từ Bác Tân Nguyễn cho hay Bác H.Nguyễn có gửi về mấy trăm tặng Mái Ấm làm quà Giáng Sinh cho các bé khiếm thị, rồi cách vài hôm, từ  messenger khác, Bác Tân lại báo tin Cô Thanh Mai và Cô Quý mới vừa gửi thêm mấy trăm đô cho các bé vui Noel. Cô lại nhớ lời những đứa trẻ hỏi:

- Ông Santa Claus là có thật không Sr? Ông có trao quà cho trẻ em ngoan chứ sr? 

- Có thật chứ con. Có nhiều “Ông Santa Claus đặc biệt” vẫn đang ở xung quanh chúng ta. Con sống ngoan, sống vui và lạc quan với đôi mắt tâm hồn trong sáng, đến một ngày con sẽ gặp được Ông và còn có quà Ông tặng nữa… 
 
Cô còn đang mải nghĩ chắc phải hóa thân thành Santa Claus trong bộ đồ rộng thùng thình, màu đỏ tươi thắm để gặp các trẻ nhỏ trong đêm Giáng Sinh, trao những gói bánh kẹo nho nhỏ cho các em nhỏ được vui. Bỗng nhiên từ bầu trời Mỹ xa xa, “Ông Santa Claus” đã nghe được ước mơ của Cô bé chăng? Ông đã nối dài cánh tay về tận đây để trao quà cách đặc biệt cho tất cả các em khiếm thị ở Mái Ấm. Hôm nay, Cô vui thật nhiều, hạnh phúc cũng thật nhiều cho “Ước mơ của các bé khiếm thị- những ước mơ trong bức thư chữ nổi gửi ông Santa Claus” đã sắp thành hiện thực. Dù các ông (bà) Santa Claus H.Nguyễn – Thanh Mai và Santa Claus Quý có thể chưa đọc được những dòng chữ nổi này hay các ông bà chỉ mới nghe đâu đó vang vọng ước mơ của các em trong hoàn cảnh khó khăn của cơn đại dịch Covid của gần hai năm qua. Ước mơ của các em rất nhỏ như là một con chuột không dây (các bé hay đùa là mấy con chuột cống “không dây” ở Việt nam rất nhiều), một cái loa mini, USB nhiều GB, con yoyo hay những chiếc xe đồ chơi,… Niềm vui hẳn đầy ắp và tràn trề trong tâm hồn đơn sơ của các em, là một nguồn khích lệ tăng hứng khởi cho các em tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn trong học tập và cuộc sống. 
 
Các trẻ em khiếm thị tuy không nhìn thấy thiên nhiên vạn vật đang xoay vần mỗi ngày và xinh tươi lung linh dưới bầu trời như thế nào, nhưng từ trong tâm hồn, các em vẫn cảm nhận được sự tận tụy và tình yêu thương mọi người dành cho các em. Cô mặc cảm ngày xưa không còn chôn vùi mình trong vỏ ốc, Cô biết mình hạnh phúc vô vàn khi được Trời phú ban cho một đôi mắt sáng để thấy những kỳ công của Tạo Hóa, có được một trái tim rung cảm trước nỗi đau của người đồng loại. Như lời một bài thánh ca Cô từng nghe, “xin được làm tay chân cho người què cụt, cùng làm tai cho người bị điếc, làm đôi mắt cho người bị mù,…”. Sứ mệnh của Cô hôm nay gắn liền với các em khiếm thị, nguyện kiên nhẫn lắng nghe và truyền đạt những màu sắc, những kiến thức trong cuộc sống và một tình yêu sẻ chia dành cho các đối tượng kém may mắn đang phải mang tên “người khiếm thị”, những trẻ thơ hồn nhiên trong Mái Ấm Bừng Sáng. 
 
Trong làn không khí se lạnh, thấp thoáng những ánh đèn điện nhấp nháy nơi hang đá và một ít dây kim tuyến quấn vòng quanh trên cây thông cao sáng rực ở các giáo đường. Cô  chờ đợi ngày Giáng Sinh, thầm thì lời nguyện xin và viết ra đầy trang giấy lời tạ ơn Hài Nhi Bé Thơ cùng muôn lời tri ân đến quý ân nhân đầy lòng nhân ái – những “Santa Claus” của xứ sở Hoa Kỳ. Quý vị đã trao ngàn điều yêu thương từ đôi mắt ân tình đế thắp lên tia sáng ấm áp trong tâm hồn các trẻ em khiếm thị. Kính chúc Quý vị hưởng một Mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc và một Năm Mới 2022 phúc đức, vạn sự an khang. 
 
Cỏ Dại
Sài Gòn, 21.12.2021  
 

Ý kiến bạn đọc
07/01/202221:11:28
Khách
Cỏ Dại viết càng ngày càng hay! Mong ước mơ của Bé sẽ thành sự thật. Có cơ hội để tận mắt thấy được tính nhân văn của nước Mỹ và có thêm kinh nghiệm cùng điều kiện để giúp đỡ thêm cho các em khiếm thị ở quê nhà.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,579
Buổi sáng vào sở hắn được người Giám đốc cho biết hôm nay hắn sẽ đem giao xe ở Uvalde City Dealership, lấy một chiếc khác ở đó mang đi giao ở San Antonio, xong sẽ có một chiếc cho hắn mang về. Nhưng khi đến Uvalde thì được chủ gọi về ngay. Hắn bồn chồn hỏi lý do nhưng người chủ hãng chỉ nói, “Mầy lấy chiếc xe dự định đem đi San Antonio mang về đây để ngày mai sẽ giao. Mầy lái xe về cẩn thận, dù không có gì nghiêm trọng lắm nhưng mầy cần phải về ngay.”Trên đường về, đầu óc hắn suy nghĩ lung tung. Không biết chuyện gì xảy ra mà bị gọi về ngay như vậy! Hai chú em có vấn đề gì không. Trong đầu hắn tư tưởng lộn xộn
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống. Bài viết này của ông không phải chuyện buồn, mà là... buồn cười. Viết Về Nước Mỹ mời đọc bài viết mới có duyên, hóm hỉnh của tác giả Phước An Thy.
Jen đưa tay lên vuốt nhẹ chiếc áo dài trước khi trao nó lại cho Annie, đứa con gái riêng của nàng. Chiếc áo màu đỏ được dệt bằng vải gấm được điểm tô vài cánh lá trúc màu vàng kim lấp lánh. Chiếc áo mà nàng nhờ người bạn mua giùm khi nàng còn ở trường đại học. Nàng dự định mặc chiếc áo này trong ngày cưới với Don. Nàng quen Don khi cả hai còn học chung trường Virginia Commonwealth University. Don học về kỹ sư điện tử, còn nàng học về hóa sinh. Don đang hoàn tất chương trình kỹ sư và đang thực tập ở một công ty gần nhà. Còn nàng chỉ mới vào năm thứ hai. Don là người gốc Mỹ gốc Việt. Tên tiếng Việt của anh là Trần Nguyên Đức.
Trong cuộc đời, tôi có hai lần lo âu quá sức. Lần thứ nhất là gặp cơn giông tố sau khi bị cướp biển rồi phá hư máy khi vượt biên 42 năm trước và lần này qua cơn bão IAN. Thử tưởng tượng ban đêm trong nhà tối om, ngoài trời mưa gió vần vũ, những cơn gió hú vang bên ngoài cộng với sấm chớp đì đùng, mà mình bị cắt mọi thông tin với bên ngoài thì không lo âu sao được.
Vào những năm cuối của thập niên 1990 đầu những năm 2000, tôi thường có dịp đi công tác qua Nhật hay Hong Kong để đặt hàng và duyệt hàng trước khi nhập về hãng. Trong số hơn 300 hành khách cùng có mặt với tôi trên những chiếc Boeing 747, chiếc máy bay thông dụng cho các chuyến bay đường dài thời đó, tôi luôn gặp các đồng hương Việt Nam. Họ đều đáp cùng chuyến bay với tôi từ Mỹ về đến Tokyo hay Hong Kong để từ đó bay về Việt Nam. Nói chung tôi biết họ là người Việt do các câu chuyện họ đối thoại rôm rả cùng nhau trong lúc chờ đợi. Ngược lại có lẽ ít ai trong số họ có thể biết được tôi là người Việt Nam vì tôi thường đi cùng với các đồng nghiệp Mỹ hay Nhật
Ngọc Hạnh - Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây là bài bà mới viết về chuyến đi chơi Virginia Beach.
Hồi mới đến Mỹ, nghe nhiều người Việt đi làm nghề may, tôi tưởng bở nghĩ mình từng tốt nghiệp từ nhà may nổi tiếng Thiết Lập Sàigon, từng mở lớp dạy cắt may Âu Việt Phục Nam Nữ, mỗi khoá cũng trên vài chục học viên; từng sử dụng các loại máy may, máy vắt sổ thêu ren các thứ, chắc sẽ kiếm được khá tiền, nên xăng xái đến shop may xin việc. Bà chủ shop người Tàu Việt thấy dân mới qua ngơ ngáo nên ăn hiếp, bắt tôi mượn tiền mua chở tới hai cái máy may công nghiệp xịn hiệu JUKI của Nhật, một cái để may, cái kia 5 kim để vắt sổ và các loại zíc zắc
Hắn yên lặng bước đi cùng ông ta, tự hỏi “Phòng dưới cầu tầu…chẳng lẽ ông ta là homeless?” Quả nhiên, khi xuống, ông ta chỉ một cái vòm lõm vào chân cầu “Vâng đây là phòng của tôi từ cả năm nay rồi, mời ông.” Cái vòm cao, rộng, đủ cho một người nằm; chắc chắn không sợ nắng mưa. Ông ta chỉ bậc đá nói :”Mời ông ngồi, tôi pha tách cà phê sáng, rồi xin phép ông cho tôi nói chuyện.”
Đã bao người làm công việc đưa học trò qua đường giờ tan học ở ngã tư trường học này? Chắc chắn có những người đã ra thiên cổ, những người đang sống những ngày cuối đời trong các viện dưỡng lão, những người bị covid-19 cướp đi sinh mạng khi còn muốn làm công việc của người lớn tuổi để trả ơn những người lớn tuổi khi họ còn là một cậu nhóc, cô bé với ngôi trường tiểu học của họ ở đâu đó trên nước Mỹ bao la. Nên không có gì để bi lụy vì người ta thì già đi và qua đời là lẽ tự nhiên, cái còn lại đáng qúy là văn hoá Mỹ, cái văn hoá sau khi về hưu thì đi làm công việc đưa trẻ nhỏ qua đường sau mỗi buổi học theo định nghĩa về văn hoá đơn giản nhất: “Cái gì lập đi lập lại thành thói quen, thói quen lập đi lập lại thành phong tục, phong tục lập đi lập lại thành văn hoá”.
Mặc dầu không phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tôi cũng thực hiện được nhiều bức ảnh đẹp. Nước Mỹ rộng bao la nên không thiếu những cảnh đẹp, do bàn tay con người dựng lên cũng có, do tạo hóa sáng tạo cũng có: Mùa Xuân với hoa anh đào trên dòng sông Potomac ở Washington DC, mùa Hè ở Grand Canyon, Arizona, mùa Thu ở San Juans, mùa Đông thì có rừng thông, núi tuyết ở Yellow Stone, tiểu bang Wyoming … Tôi lại nghĩ, sẽ đẹp biết bao nếu những bức ảnh của tôi có mang ý nghĩa nhân bản một cách tự nhiên, không dàn dựng, không hư cấu, không cần photoshop can thiệp.Tôi cho đó là những bức ảnh có hồn, khác với những bức ảnh đẹp về nghệ thuật mà vô tri, vô giác! Trong suốt thời gian sống ở Mỹ, tôi vẫn để tâm theo đuổi mục tiêu đó.
Nhạc sĩ Cung Tiến