Hôm nay,  

Ladybug – Xin Sẽ Được?

24/12/202106:55:00(Xem: 17977)

 

HÌNH VIET VE NUOC MY

Tác giả Anne Khánh Vân nhận giải Việt Bút-Trùng Quang tại Lễ Phát Giải VVNM 2021 từ trưởng ban tuyển chọn Trương Ngọc Bảo Xuân và nhà thơ Trần Dạ Từ.



Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Tham gia VVNM từ những năm đầu của giải thưởng, tác giả nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ”. Tháng 12, 2021, tác giả nhận giải Việt Bút Trùng Quang VVNM 2021. 
 
Mấy ngày qua, khu vực Washington DC và vùng phụ cận gió bão khá nhiều. Nước từ thượng nguồn đổ dồn xuống làm mực nước các nhánh sông dâng lên cao. Nhiều hồ và suối, những nơi gia đình tôi thường lui tới vui chơi chèo thuyền bị nước tràn lên tuốt trên đường đi và bãi đậu xe ở phía ngoài, có nghĩa cao hơn mực nước bình thường độ hai-ba thước.  Lá cây và các nhành cây khô nhỏ bị vướng trên những cành cây cao như có vẻ đã được máng lên thành từng hàng. Điểm dừng lại của chúng đánh dấu mức nước khi dâng cao nhất.

Khi trở lại Deep Creek Lake State Park ở Maryland, lối đi từ nơi đậu xe vào nơi gia đình tôi ngồi chơi hai tuần trước, nhiều ghế gỗ, và các trò chơi ở vườn chơi thiếu nhi play-ground vẫn còn vết bùn.

Từ nhà tôi đến đây lái xe khoảng hai tiếng. Tôi đã cầu nguyện từ những ngày trước và vẫn tiếp tục cầu nguyện suốt đoạn đường đi. Cầu nguyện và tin tưởng, nhưng không dám mong đòi điều mình xin được!

Hai tuần trước…
 
Tháng Chín là tháng sinh nhật của gia đình tôi. Một tuần trước weekend sinh nhật của tôi, gia đình tôi đã đến Deep Creek Lake chơi. Quan cảnh nơi đây đẹp thơ mộng. Một trong những hồ đẹp nổi tiếng của Maryland. Rất đông du khách lui đến. Từ khi bị dịch Covid-19, nhiều người có khuynh hướng trở về với thiên nhiên. Dù vậy, mọi người tự ý thức và giữ giãn cách xã hội. Điều đó làm cảnh vui chơi ngoài trời nơi đây thêm bình an và trật tự. Nhịp độ sống như chậm lại…

Tôi ngồi ở băng ghế có bàn và lò nướng dành để pic-nic và nhìn ra phía bờ hồ cách đó khoảng bốn năm chục thước. Cọp nhỏ Khánh-An đang vọc nước, chơi với cát sỏi. Bác Hai thì đang đứng trên các ghềnh đá gần đó dạy cho Huy Khang cách cột lưỡi câu, gắn mồi, tung cần câu cá. Ông bà nội và ba mẹ Khánh An ngồi trên bờ gần đó phơi nắng… Khung cảnh như những đoạn phim quay chậm. Thỉnh thoảng có những chuyển động nhanh khi Cọp nhỏ Khánh-An chạy lên và kêu “Má Hai xuống nước chơi với An.” Tôi không mang theo đồ ngắn nên chỉ muốn ngồi trên bờ ngắm cảnh, thư giãn và đọc sách chứ không xuống nước.  Khánh-An liên tục kèo nài nên tôi gấp lại cuốn sách đang đọc và đi xuống phía bờ nước. Nước hồ rất trong. Có thể thấy cá bơi lượn. Hai má con tôi lội trong nước tìm những miếng đá đẹp như thói quen mỗi khi chơi trong nước. Thỉnh thoảng má tôi kêu mọi người tụ lại chụp hình. Nếu có ai đang quay phim sẽ thấy cảnh hai má con Cọp nhà tôi nhảy tung lên, chân không chạm nước.  Tíc-tắc đó sẽ đứng lại, hiện trên một tấm hình. Chơi nhảy dưới nước một hồi lâu, hai má con Cọp nhà tôi lại lên bờ, chơi với sỏi cát.

Mặt trời xuống, nước bắt đầu lạnh; mọi người chuẩn bị khăn gói ra về. Khi lái xe đi được khoảng nửa tiếng, tôi phát hiện bông tai một bên không còn nữa. Tôi bần thần không tin vào sự thật. Giây phút đó trong tôi dường như đứng lại dù âm thanh và mọi chuyển biến xung quanh đang xôn xao không ngừng.  Mỗi người trong xe đoán và gợi ý một vài điều. Trời cũng đã bắt đầu tối, không thể quay trở lại. Mà dù vẫn còn sớm, trời vẫn còn sáng và có thể trở lại, làm sao biết phải tìm nơi nao…

* Chuyện Đôi Bông Tai...

Thụt lùi thời gian hai mươi mấy gần ba mươi năm về trước, khi tôi còn ở Pháp…

Đôi bông không phải hột xoàn, cũng không phải bằng vàng.  Chỉ đơn giản là một cặp bọ cánh cam (tiếng Pháp gọi là Coccinelle), được làm bằng đá turquoise lam thạch và bạc. Tôi mua lúc còn đi học. Lúc đó Châu Âu chưa đổi tiền, nước Pháp vẫn còn dùng tiền Quan (Franc). Tôi đã mua nó khoảng ba mươi Quan ở tiệm Natures et Découvertes.   

Tôi không mấy thích đá quý như hột xoàn hay những loại mắc tiền tương tự. Những loại này thường làm người ta điên đảo đảo điên.  Khi không đang tự do, nhận đeo mấy thứ đó vô liền mắc nợ thiệt lâu. Rồi lỡ vì lý do gì đó hết thích hay hết hạp với người trao mấy cái của nợ đó, cũng đâu có giữ lại tụi nó cho đặng.  Đùa chút cho vui chứ tôi yêu thích loại đá thiên nhiên bình dị ít tiền hơn.  Không phải vì chúng rẻ tiền hơn mà vì ngoài những màu sắc vô cùng phong phú, mỗi loại có tính chất vật lý hóa học khác nhau; chúng đem lại ích lợi tinh thần một cách diệu kỳ.

Tôi thích nhiều loại đá và đặc biệt rất thích lam thạch (Turquoise). Mỗi khi nhìn thấy màu xanh lam của nó, tôi tươi tắn hẵn lên. Tuy kích thước của miếng lam thạch hình bọ cánh cam này chỉ nhỏ cỡ đầu ngón tay út, nhưng màu xanh lam của nó đủ làm khuôn mặt mình tươi sáng lên. Sự vui tươi tự tin đó dường như tự nó mang lại nhiều may mắn và suông sẻ trong việc làm hằng ngày.

Tôi có nhiều bông tai khác nhau và thường thay đổi tùy theo y phục (phụ nữ mà!), nhưng từ khi được biết thêm sự tích của bọ cánh cam ở Châu Âu, tôi đã thích bông tai bọ cánh cam lam thạch này đặc biệt hơn và chỉ đeo nó từ ngày đó.

Trong năm, khi thấy bọ cánh cam xuất hiện là dấu hiệu những ngày tháng lạnh đã đi qua và Xuân đang đến. Ngày nay, khi bọ cánh cam thường được sử dụng như một phương pháp hữu cơ để loại trừ những loại sâu phá hoại cây trái vườn tược thì hàng trăm năm trước, trước khi thuốc trừ sâu ra đời, những người làm nông phải phụ thuộc vào bọ cánh cam để diệt trừ sâu rầy và bảo vệ mùa màng.  Dân gian còn nói khi được một con bọ cánh cam đậu lên người là dấu hiệu của sự may mắn.

Vậy rồi có khi nào các bạn đã thắc mắc tại sao chúng có cái tên tiếng Anh thật quý phái dễ thương “bọ Công Nương” (Ladybug)?

* Ladybug

nature-lady-bug-2021-08-29-04-41-57-utc
hình minh họa

Theo truyền thống, vào thời Trung cổ, dịch hạch từ côn trùng nhỏ như rệp vừng đã tấn công mùa màng và đe dọa Châu Âu rơi vào nạn đói. Người dân đã cầu nguyện xin Đức Mẹ Maria can thiệp giúp đỡ.  Lời cầu nguyện của họ đã được đáp lại khi một đám mây côn trùng nhỏ màu đỏ cam với những lốm đốm đen bay đến và ăn hết sâu bệnh.  Đó là những con cánh cam. Để biết ơn, người dân đã đặt cho chúng cái tên danh dự "bọ Đức Mẹ" (Our Lady’s Beetle). Theo thời gian, tên này đã được rút ngắn thành "ladybeetle" hoặc "ladybird", và ở Hoa Kỳ bọ cánh cam đã được gọi ladybug.  Từ điển Oxford cũng đã nhắc đến Ladybird và Ladybug lần đầu tiên năm 1674.
Hai mươi lăm qua, mỗi sáng khi tôi đeo đôi bông tai này vào và bắt đầu một ngày mới, tôi luôn tin tưởng có hai vị thiên thần nhỏ cánh cam của Đức Mẹ đồng hành với mình khắp mọi nơi, trong mọi việc làm.  Chúng nhìn thấy những chặn đường tôi đã đi qua; chúng trải qua mọi thử thách chung với tôi; chúng giúp tôi thêm vững tin và đi lên phía trước; chúng cùng tôi nhìn lại những thành quả và dặn mình những bài học cần ghi nhận cho tương lai… Chúng lớn lên, trưởng thành và già dặn đi cùng tôi. Chúng trở thành một phần của sự hiện hữu của tôi ở trường thế gian này!

Không dễ để có thể giữ một đồ vật gì đó trong suốt 25 năm nhất là khi chúng nó bé tí ti và mình thì cứ liên tục đi từ chỗ này sang nơi khác.  Không phải vì em ấy chỉ tương đương mấy chục quan nên tôi không nên cảm thấy mất mát. Những gì chúng tôi đồng hành với nhau bao nhiêu tháng năm qua không thể đánh giá bằng tiền hay so sánh với hột xoàn. Hôm nay, tôi như thể thất lạc một phần quan trọng thiêng liêng của mình, một đứa em tinh thần của mình. Không biết em nó đang lăn lóc ở góc nào, có bị đất cát bụi đường hay giày dép ai giẫm đạp lên không. Em nó chắc chắn không muốn bị ở đó một mình, nhưng em nó không thể tự về lại nhà… Nghĩ đến đó tôi không thể chịu nổi!

Hinh-trong-text-cua-bai-VVNM-01
hình tác giả cung cấp


* Cầu Nguyện

Trên phần đường đi còn lại và cả buổi tối khi về nhà, tôi mở máy phone thụt lùi lại thời gian, và xem lại từng hình chụp buổi chiều hôm đó. Tôi mường tượng lại những nơi mình đã đứng, đã ngồi, đã đi qua,… Cố gắng giới hạn từ lúc nào chỉ còn lại một bên bông tai để từ đó truy ra vị trí đã bị rớt chiếc bông tai.  Kết quả cho thấy em ấy đã cất cánh bay… trong lúc tôi ở dưới nước. Rớt ở đâu trong nước thì có lẽ chỉ có Trời mới biết được vì tôi đã đi lung tung và nhảy lội khắp nơi với Khánh An. Tôi cũng có trợt chân té khi đứng lên một miếng đá lớn khi đứng lên nó chụp hình.

Gia đình tôi lần đầu tiên biết chuyện xuất xứ của đôi bông tai. Ai cũng ngạc nhiên khi biết tôi đã giữ được nó hơn hai lăm năm qua. Khánh An cứ xít xoa lấy làm tiếc vì đã kêu nài tôi xuống nước chơi; nếu không chắc tôi đã không bị rớt bông tai trong nước. Tôi không muốn Khánh An buồn nên an ủi Khánh An, mà cũng là động viên cho chính mình, “Cái này như là tai nạn, mình đâu có muốn đâu con. Nhưng má Hai tin chiếc bông tai đó sẽ nghe mình nếu mình nói chuyện với nó, Mình cũng sẽ cầu nguyện và má Hai tin má Hai sẽ tìm lại được.”  Khánh An mạnh mẽ trả lời, “An cũng cầu nguyện với má Hai và An cũng tin má Hai sẽ tìm lại được.”

Một đêm khó ngủ trôi qua, một ngày khác trôi qua, một tuần trôi qua… và đáng lẽ cuối tuần đó tôi trở lại ngay Deep Creek Lake State Park để thử tìm, nhưng lại là sinh nhật của tôi và của Khánh An, nguyên cuối tuần bận rộn nên không đi được.  Mấy ngày qua trời cũng mưa gió bão bùng.  Không biết mọi thứ bị ngập lụt, dời đổi, cuốn trôi ra sao.

Thật ra, tôi cũng đã từng thử tìm mua lại một hai đôi nữa đề phòng trường hợp bị thất lạc. Mỗi lần có dịp về Pháp, tôi luôn trở lại tiệm Natures et Découvertes và hỏi thăm.  Cũng lạ là họ không bao giờ có lại mẫu đôi bông cánh cam lam thạch đó. Tôi cũng đã thử tìm trên cả internet. Có rất nhiều bông tai ladybug màu đỏ, màu cam, bằng vàng, bằng bạc, đủ loại nhưng cũng vẫn không bao giờ thấy một đôi lam thạch ladybug tương tự.  Có vẻ hai em ladybug lam thạch tôi có hoặc là độc nhất vô nhị, còn không thì chắc cũng rất ít. Vì vậy mà từ đó tôi đã luôn giữ chúng rất rất kỹ và cũng vẫn chỉ đeo chúng nó đi khắp nơi, không mang những bông tai khác.

Cũng may là tôi ít khi đánh mất cái gì. Có những lúc tôi đã để quên hay làm rớt gì đó và tôi luôn tìm lại được.  Một lần hy hữu tương tự là khi cái lắc bằng đá Malachite của tôi bị mẻ một miếng khi tôi đang ở nhà. Đá malachite là đá lông công hay còn gọi là khổng tước thạch.  Miếng đá cũng nhỏ tí như đầu ngón út. Tôi phát hiện một miếng bị mẻ sau khi xong việc dọn dẹp trong bếp. Nhà không lớn lắm nhưng cũng không quá nhỏ, từ phòng này sang phòng kia, vô ra bếp không biết bao nhiêu lần làm việc, rửa dọn, nấu nướng. Miếng mẻ malachite đó có thể rớt và nằm ở bất cứ góc kẹt nào trong nhà và trời cũng đã tối. Ngay tức khắc, tôi buông miệng cầu nguyện xin tìm lại được. Tôi cũng nói chuyện với miếng đá mẻ đó, không muốn nó bị lạc lõng nằm đâu đó một mình và mong nó giúp tôi tìm ra. Sau khi đi lanh quanh trong nhà nhìn nơi này, tìm nơi kia, tôi ngồi xuống ghế salon để nghỉ một chút. Khi vừa đặt tay xuống ghế thì liền chạm vô miếng mẻ malachite, cứ y như có một thiên thần đã đi tìm giúp mình và để nó ngay chỗ mình có thể chạm vào. 

Có những điều thế gian không thể hiểu. Có những điều thế gian không thể giải thích!

Lần này dĩ nhiên tôi cũng đã cầu nguyện rất nhiều, nhưng vẫn lo ngại khó tìm lại được. Xác suất tìm được lại em nó chỉ một phần tỷ tỷ như tìm kim đáy biển. Có những lúc không dám nuôi nhiều hy vọng, ý nghĩ tìm một đôi khác thay thế đã len lõi vào tâm tư tôi. Song, ngay tức khắc tôi không cho phép mình được suy nghĩ như vậy. Lạ lắm, không phải chỉ với đồ vật mà với con người cũng vậy thôi. Khi mình luôn nâng niu trân quý cái gì đó nhất thì mình sẽ luôn có/còn nó. Nhưng một khi không còn cảm thấy quý một cái gì đó nữa và có ý nghĩ muốn có cái khác để thay thế thì luật loại trừ sẽ tự động khiến những gì mình không còn quý nữa biến mất.

Nghĩ đến đó tôi sợ không tìm lại được chiếc cánh cam thất lạc, liền gạt bỏ ý nghĩ mua một đôi tương tự… Tôi chỉ nhất tâm nhất quyết cầu nguyện và xin tìm lại được!

* Trở Lại...

Hinh-trong-text-cua-bai-VVNM-02
hình tác giả cung cấp


Một tuần sau sinh nhật của tôi là sinh nhật tía tôi. Sau khi cơm nước chuyện trò với gia đình và trao đổi quà cáp xong xuôi, tôi rủ anh hai lặng lẽ trở lại Deep Creek State Park. Trên đường đi hai anh em liên tục cầu nguyện… Sau hai tiếng lái xe, khoảng bốn giờ rưỡi chiều chúng tôi đến nơi.

Mấy hôm nay mưa bão liên tục. Nước đã dâng tràn lên cao và cũng đã rút. Tôi trở lại bàn đã ngồi hai tuần trước. Rồi từ đó định hướng đi ra bờ nước.  Khi ở nhà mường tượng cảnh nơi đây, mọi thứ có vẻ nhỏ hơn thật nhiều. Đến nơi, đứng đây giữa đất trời, cảnh vật nhân lên quá lớn, nước trời mênh mông. Không biết ngừng lại nơi đâu, bắt đầu tìm ở li tấc nào.  

Những viên sỏi nhỏ như được sàn lại sau các gợn sóng nổi lên trên bề mặt của cát.  Tôi đã mong chiếc bông tai trôi lên bờ cát và nằm lẫn với sỏi đá trong khoảng mấy chục thước lui tới của tôi hai tuần trước. Hai anh em tôi chia khoảnh ra tìm trong từng bước đi.  Vừa tìm tôi vừa cầu nguyện. Tôi cầu xin với Đức Mẹ, với Phật, với tất cả các vị bồ tát. Tôi nói với chiếc đôi bông còn lại, "Hãy gọi em đi, hãy nói với em giúp mình tìm lại được em, mang lại em về nhà..."

Sau ba mươi phút, những người vui chơi ở bờ nước lần lượt ra về. Chỉ còn lại một cặp vợ chồng trẻ chơi banh gần chỗ chúng tôi. Họ có vẻ để ý việc chúng tôi đi lòng va lòng vòng, lui cui tìm kiếm gì đó trong sỏi cát hơn nửa giờ qua. Chúng tôi vẫn chưa thấy có màu xanh lam xen kẽ trong sỏi cát. 

Tôi như trở lại với thực tại và không còn dám mong nghĩ mình sẽ tìm lại được chiếc bông tai bị rơi hai tuần trước. Trong đầu tôi bỗng trỗi lên bao suy nghĩ “nếu mình không tìm lại được em nó thì sao? nếu mình không bao giờ được nhìn lại nó nữa thì sao? nếu mình thật sự mất nó thì sao?...”

Cơn dịch sâu bệnh mấy trăm năm trước mà ladybug đã bay đến giúp ăn sâu bệnh làm tôi liên tưởng đến đại dịch Covid-19 hiện tại. Quả thật, trong gần hai năm qua khi đại dịch Covid-19 hoành hành thế gian đã có quá nhiều mất mát và hàng trăm hàng triệu những sự ra đi đột ngột không ai kịp chuẩn bị. Nếu lỡ ngày mai chúng ta mất đi một cái gì đó hoặc mất một ai đó vô cùng quý giá không gì ở thế gian có thể thay thế thì sao?  Ai trong chúng ta sống hôm nay và có chuẩn bị hôm nay là ngày cuối?  Chỉ một chiếc bông tai mà tôi còn chưa sẵn sàng để cho nó dễ dàng “ra đi”!

Có những dịch bệnh có thể nhìn thấy. Cũng có những loại dịch bệnh không thể nhìn thấy; chúng ở trong tư tưởng, trong tâm linh,…

Trong “Hiệu Lực Cầu Nguyện”, thiền sư Thích Nhất Hạnh có giảng về y khoa cộng nghiệp. Chúng ta đã tìm thấy rằng có những yếu tố chữa trị ngoài sắc và ngoài danh, tức là ngoài cả thân lẫn tâm. Bệnh tật của chúng ta có thể đến từ một nguyên do không phải từ tâm hay từ thân của chúng ta. Ảnh hưởng đó có thể đến từ rất xa chúng ta, trong không gian cũng như trong thời gian. Tới từ trong không gian ví dụ người thương của chúng ta ở quê nhà không có hạnh phúc thì ở đây chúng ta bệnh; hoặc là người ta thử bom nguyên tử ở đại dương Châu thì bên này chúng ta cũng vì việc thử bom nguyên tử đó mà bị bệnh. Ảnh hưởng đó cũng có thể đến từ trong thời gian, ví dụ hôm nay chúng ta bệnh thì có thể hai mươi đời về trước, tổ tiên chúng ta đã làm một điều không lành.  Hoàn cảnh, thời gian và không gian có ảnh hưởng đến ta như vậy.

Những nguyên do của bệnh là ở trong tâm, trong thân, và chúng còn ở trong một môi trường lớn lao hơn đó là môi trường của tâm thức cộng đồng. Khi tâm thức cộng đồng bệnh, chúng ta sẽ bệnh theo. Mà tâm thức cộng đồng xã hội ngày nay đang bệnh lắm. Chỉ cần nhìn, chỉ cần nghe, chỉ cần tiếp xúc với một số người là chúng ta bệnh. Vì vậy chúng ta phải biết phòng hộ và chuyển hóa cho chúng ta. Muốn vậy, chúng ta phải tạo ra một tâm thức cộng đồng để bảo vệ chúng ta.  Khi chúng ta trở về với chính chúng ta, khi chúng ta có chánh niệm, biết quán chiếu, biết sàn lọc, chọn lựa, chúng ta có thể đóng lại cánh cửa có thể nhận bệnh và mở ra những cánh cửa của tăng thân.

Y khoa cộng nghiệm hay y khoa nhất tâm (medicine of grand mind) là tâm thức cộng đồng, trong đó có tâm thức của các vị bồ tát, của chư bụt, và của chúng ta. Trong nhất tâm có phần chân tâm và phần vọng tâm.  Điều gì xảy ra trong không gian và thời gian đều có ảnh hưởng đến cái nhất tâm này. Những cái xảy ra có thể rất xa trong không gian và cũng như thời gian. Cũng giống như sức hút và sự vận chuyển của mặt trăng ảnh hưởng đến thủy triều ở trái đất, dù hai tinh cầu này cách xa nhau rất xa. Sức khỏe của chúng ta cũng vậy. Đừng nói chỉ những người ở gần ta, cả những người ở xa ta ngàn dặm vẫn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta.

Trong giai đoạn y khoa cộng nghiệp này, ngoài việc chữa bệnh bằng kiến thức y khoa, với thuốc men và máy móc, còn cần phải cầu nguyện và chữa bằng trái tim. Nhiều bác sĩ thời nay trước khi đến phòng mạch làm việc đã bắt đầu biết ngồi thiền, luyện tập hơi thở, tĩnh tâm, và cầu nguyện cho các bệnh nhân. Trong tâm mình phải có năng lượng của thương yêu, của cầu nguyện thì sức khỏe cuả người mình thương mới có thể phục hồi được. Khi mình chế tác năng lượng của từ và bi trong tâm mình thì năng lượng đó trước hết là chữa trị cho chính mình, và sau đó là chữa cho người thương của mình. Năng lượng đó nằm trong tâm thức cộng đồng. Trong cái nhất tâm đó có những khối năng lượng rất lớn, nếu chúng ta biết dùng năng lượng của từ quán và bi quán của chúng ta mà xúc cảm…
 
* Xin Sẽ Được?  

Cuối tháng chín, tiết trời và nước không còn ấm như mấy tuần lễ trước. Chân đã lạnh. Tôi rùng mình, rời khỏi nước, đi lên bờ cát, rứt mình ra khỏi những suy nghĩ miên man, giữa chuyện của mấy trăm năm trước và chuyện ngày nay…

Càng suy nghĩ, tôi chỉ càng vững tin vào sức mạnh của sự cầu nguyện. Tôi thì thầm thưa chuyện với Bề Trên:

 -- Thưa Phật, thưa Chúa, thưa Đức Mẹ, thưa các thánh, thưa các vị bồ tát… trong không gian, trong nước, trong cát… Con biết gần hai năm qua, chúng con đã ít nhiều học được những bài học mới, nhận ra được giá trị của những điều chúng con lờ mờ không rõ trước kia. Hầu hết chúng con đã cầu nguyện rất nhiều, xin cho con người sớm được chữa lành, hết bệnh tâm, hết bệnh thân. Vắc-xin đã được tìm ra, và rất nhiều chúng con đã được chữa lành… Mấy tuần qua con có xin cả việc tìm được con cánh cam lam thạch của con đi lạc… Con biết lời cầu xin đó lố bịch lắm và chắc Phật, Chúa, Đức Mẹ, các vị bồ tát… đã cười con lắm mấy hôm nay.  Nhưng con không ngừng xin xỏ đâu. Con không tìm được thì con sẽ không ra về…

Tôi ngồi suy ngẫm một chút và nghĩ, có thể chiếc bông tai rớt ở miếng đá tôi đã trợt chân té… Tôi lại xuống nước đi tới đi lui và cúi xuống nhìn vào nước. Nước ở vòng quanh miếng đá to đó bỗng dưng trong lên. Một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu, “có thể đó là dấu hiệu” chăng?

Sỏi cát ở xung quanh phiến đá cách mặt nước khoảng hai tấc. Tôi gọi anh Hai đến gần và nhờ anh thử hốt sỏi cát xung quanh phiến đá trút lên miếng đá xem có khi nào tìm lại được con cánh cam của tôi không.

Tay đàn ông của anh da dầy và cứng, chịu lạnh giỏi hơn tay tôi (hihi). Anh thò tay vào nước và cứ hốt sỏi cát thảy lên miếng đá.  Phải mà biết, sẽ đem theo cái rổ nhỏ như người ta đi đãi vàng thì chắc sẽ dễ làm hơn. Anh Hai làm vậy khoảng bảy lần thì một miếng bạc hiện ra và đúng là hình dáng phía sau của cánh cam lam thạch.

Tôi nhảy tung mừng rỡ. Hai vợ chồng chơi banh gần đó cũng chạy đến muốn biết câu chuyện mà chắc 45 phút đồng hồ qua họ đã thắc mắc.

Anh hai cầm chiếc bông tai vừa tìm được lên. Chiếc kia nằm trên tai tôi. Hai vợ chồng họ nhìn thấy tôi gỡ chiếc bông trên tai và cho nó “re-unite” tái hợp với chiếc vừa tìm được trong nước.

Chúng tôi thuật lại chuyện, thụt lùi từ hai tuần trước tới giây phút đó… Họ không ngớt kêu “Oh my God, really, oh my God, Thanks God…”

Tôi chưa bao giờ hạnh phúc hơn giây phút đó trong cuộc đời mình… Và dường như tôi cũng vẫn chưa nhận thức ra chuyện gì vừa diễn ra!

Có những điều thế gian không thể hiểu. Có những điều thế gian không thể giải thích!

Con xin cảm ơn Phật, cảm ơn Chúa, cảm ơn Đức Mẹ, cảm ơn tất cả các vị Bồ Tát…

Cầu xin cho tất cả chúng ta sớm được an lành.
 
Anne Khánh Vân             

Ý kiến bạn đọc
19/02/202201:34:57
Khách
Chúc Mừng Khánh Vân và cảm ơn Khánh Vân. Chính những suy nghĩ để cầu nguyện của KV mới là yếu tố chính tác động đến việc như là Phép Lạ xãy ra. Đúng như KV đã viết: "Khi mình chế tác năng lượng của từ và bi trong tâm mình thì năng lượng đó trước hết là chữa trị cho chính mình, và sau đó là chữa cho người thương của mình. Năng lượng đó nằm trong tâm thức cộng đồng. Trong cái nhất tâm đó có những khối năng lượng rất lớn, nếu chúng ta biết dùng năng lượng của từ quán và bi quán của chúng ta mà xúc cảm…" Nhung làm được lại không phải dễ vì không chỉ cần có sự Kiên Trì, Nhẫn Nại mà cả Lòng Dũng Cảm nữa. Làm dược cũng không khác gì tạo ra Phép Lạ.. Phép Lạ như thế không phải là không có, nếu chúng ta... có ý thức để tìm và tiếp tục kiếm tìm. Thời nay, cần thiết biết bao... Chú Bảo Trâm.
31/12/202119:27:24
Khách
KV xin cảm ơn các cô chú bác anh chị và các bạn... thật nhiều nhiều ạ.
28/12/202108:02:31
Khách
Hôm nay bác mới đuợc đọc bài này của Kv . Ôi đức tin của người chân thành hết tâm hết yếu thì đuợc mô tả trong nhiều thí dụ của kinh Phật . Lời cầu đuợc chứng nghiệm . Bác thì cũng có khá nhiều kinh nghiệm nho nhỏ này dù bác o cầu chỉ là trong óc thoang qua muốn xin điệu gì mình muốn . Tự dung o cầu mà dduợc tuy trong vẫn biết là o phải ngẫu nhiên Bởi vì bác ảnh hưởng với lời đây của Phật tự lực , tự nghiệp là nhiều nên bác o có thói thủ thỉ nói chuyện với Chuá hay Phật ! Việc mất hoa tai thiệt lả mò kim đấy biển , nhưng Chúa có nói đai khái như hãy tin xin và sống theo lời Chúa thì mọi vật chất cần dùng sẽ đuợc Ngài ban phát cũng cấp mà phải o Kv . Chúa Phật chư phật , chư thánh ở khắp mười phương trong hằng Hà mọi giới mọi nơi để đáp lại tiếng thế gian nài xin .Bằng chứng cuộc đời tu hành của Yogananđa là một hùng hồn về đuợc tin của ông . Lady bụg là bằng chứng này Chúc mừng chủ và hai em đoan tựu
26/12/202104:54:30
Khách
Hay quá Vân, chúc mừng bạn tìm lại được con bọ tưởng như ko thể tìm thấy lại. Chúc bạn và gia đình mùa lễ an lành hạnh phúc sức khỏe.
25/12/202117:02:20
Khách
Cảm tạ ơn Chúa! Với tựa đề bài viết: "...Xin Sẽ Được". Tôi liên tưởng ngay đến Lời Chúa trong Kinh Thánh.
"Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho." Mathiơ 7:7
và câu kết: "Có những điều thế gian không thể hiểu. Có những điều thế gian không thể giải thích!". (Nhưng Đức Chúa Trời nắm hết tất cả.)
24/12/202118:00:52
Khách
Xin chúc mừng Khánh Vân. Chúc mọi người luôn được bình an.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 775,196
Riêng Thịnh Hương thì rất vui được gặp lại anh chị Trần Dạ Từ Nhã Ca. Thấy anh đi đứng thẳng thớm và khá vững chaĩ sau cơn đột quỵ năm ngoái tôi mừng lắm. Anh chị là linh hồn của Việt Báo, là trụ cột của chương trình Viết Về Nước Mỹ. Nay anh chị đã quyết định giao “gánh sơn hà” lại cho con gái Hòa Bình để vui thú điền viên. Cầu mong con thuyền Việt Báo tồn tại lâu dài để những câu chuyện của người tỵ nạn có chỗ “dung thân” và đóng góp vào kho tàng văn hóa Việt Nam tại quê hương thứ hai ngày nay.
Nhưng lần tham dự Lễ trao giải kỳ này, em thực sự rất xúc động. Em chợt hiểu rằng, đây không phải là Viết về nước Mỹ. Đây là viết về Người Việt chúng ta. Về những câu chuyện đời góp nhặt trên quê hương thứ hai. Là cầu nối nhiều thế hệ người Việt lưu vong và cũng là cầu nối với người Việt trong nước. Để mọi người hiểu thêm về cộng đồng Việt Nam nơi này, đời sống ra sao, tinh thần, tình cảm thế nào.
Tôi mê xi-nê từ nhỏ. Ngày đó, mỗi lần được đi coi phim đối với tôi là cả một sự kiện lớn lao. Ba má tôi hiếm khi cho chúng tôi đi xi-nê ở rạp. Một trong những cuốn phim Việt Nam mà tôi còn nhớ đã được coi hồi nhỏ là cuốn phim đen trắng “Đôi Mắt Người Xưa” do cô Thanh Nga thủ vai chính. Trong lúc đó, trong cư xá sĩ quan nơi gia đình tôi cư ngụ, thỉnh thoảng có ông thiếu tá này hay ông đại uý nọ thường mượn máy chiếu phim của đơn vị về chiếu ngoài trời cho lũ trẻ trong xóm chúng tôi thưởng thức. Những cuốn phim đó không nhiều, thường là do Bộ Thông Tin & Chiêu Hồi sản xuất theo đơn đặt hàng của cục chiến tranh tâm lý thời đó. Phim thường nói về những cái ác của lính việt cộng và kêu gọi những kẻ lầm đường lạc lối đó hãy mau trở về với chánh nghĩa quốc gia. Hay có phim ca ngợi nét hào hùng của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, cùng nỗi niềm của người vợ lính có chồng đang xông pha nơi trận mạc, chưa biết ngày nào trở về đoàn tụ với gia đình. Có vài cuốn phim đó thôi, được chiếu đi chiếu
Chiều Chủ Nhật, ngày 5 tháng 12 năm 2021, Lễ Trao Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ 22 đã được long trọng tổ chức tại Hội Trường Đài Truyền Hình SBTN ở thành phố Garden Grove, miền Nam California, Hoa Kỳ, với sự tham dự trực tiếp của khoảng hơn 200 người, gồm các vị dân cử Việt-Mỹ, văn nghệ sĩ, các nhà bảo trợ, các tác giả VVNM, quý thân hữu, và đại gia đình Việt Báo.
Nhóm Việt Bút “âm thịnh dương suy”. Những năm về trước, trai đẹp, độc thân, vui tính, sồn sồn ở xa chỉ có Phan Hồ. Trai già rệu rạo còn liên lạc với nhóm VB đếm trên đầu ngón tay và đều rửa tay gác kiếm. Tếu chỉ có bác Tân Ngố và bác Ma. Bác Ma và bác Chương lên đường rồi. Bác Hân nghiêm túc. Bác Thời lụm cụm. Trai đẹp, tài năng cỡ Cao Minh Hưng hiếm như gươm (có chủ) lạc giữa rừng hoa. Gần đây có Lê Xuân Mỹ, Nguyễn Văn Tới…
Giữa tháng 10 hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tổ chức họp mặt và ra mắt tuyển tập sách. Chị em gồm chị Đỗ Dung, chị Phương Hoa, chị Kim Phú và tôi là hội viên đã mua vé từ hãng Southwest tháng 3 năm 2020, nhưng vì dịch Covid- 19 nên không thể thực hiện. Lần này muốn đi, vì dù sao có 2 mũi Moderna cũng tạm yên tâm. Chị Phương Hoa đầu tàu, cuối tháng 9 tâm trạng chị nửa lo âu nửa thích đi, nên đang còn dật dờ, phút cuối chị Phan Lang phone nói khéo sao mà chị PH quyết định mua vé, lần này chị Đỗ Dung vắng mặt vì sức khỏe không được tốt.
Sau vài buổi hội họp, cân nhắc, bàn tán qua “Zoom meeting”, chúng tôi quyết định sẽ tổ chức “Đỗ Family Reunion” năm nay. Trừ những tiểu gia đình có con nhỏ chưa được chích ngừa, đại gia đình họ Đỗ sẽ lại hội ngộ, chung sống với nhau dưới cùng một mái ấm của Đỗ Gia Trang, Colfax- California suốt bốn ngày lễ Thanksgiving. Suốt mấy tuần lễ qua, chị em chúng tôi đều háo hức, nôn nóng được gặp lại nhau “in real life”.
Ngày 28.04.1975, người viết quay trở lại tỉnh vì bà xã hết hạn nghỉ phép, nhưng khi đến ngã tư Hóc Môn thì bị chặn lại không thể đi tiếp. Nhân viên kiểm soát cho hay hai bên đang đụng độ tại xã Tân Phú Trung thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, giáp ranh với Hóc Môn tỉnh Gia Định. Đang phân vân, không biết nên chờ đợi để về tỉnh, hay quay lại Sài Gòn thì gặp anh bạn làm việc thâm niên tại US Embassy. Anh bạn này trao cho người viết danh sách 17 địa điểm và cho biết vào "giờ thứ 25" máy bay trực thăng từ đệ Thất hạm đội sẽ đáp xuống 17 địa điểm này để bốc người ra hạm. Anh ta dặn dò người viết cần mở đài radio của quân đội Mỹ băng tần FM. Khi nghe đài radio phát thanh bài hát White Christmas và loan báo thời tiết Sài Gòn "nhiệt độ 105 độ và đang gia tăng " tức là lệnh báo hiệu "giờ thứ 25" đã điểm
Steven với chị lâu nay đi chung xe, làm chung hãng, lại là đồng hương gốc mít với nhau. Steven cũng thấy chị Châu vốn bẳn tánh như thế, nhưng không ngờ đến mức độ này. Mới chỉ là cái danh hão, nếu mà cái danh thực có lợi thực thì còn đố kỵ cỡ nào nữa đây, thật ngán ngẩm cho đồng hương của mình. Hãng MITF này có đến bảy trăm con người, đồng hương gốc mít đếm không đủ mười đầu ngón tay, lẽ ra phải đứng chung với nhau, bảo vệ nhau, đằng này cứ nhè nhau mà kéo xuống. Thậm chí có ai đó còn nói:” Mỹ, Phi, Mễ, Xì… ăn không sao. Mít mà ăn là không được” lẽ nào dân mít với nhau cứ kèn cựa bôi mặt đá nhau như thế? Sau lưng chị Châu P có thằng Henry V chống lưng. Vị trí thằng Henry rất cao, chỉ dưới vài người nhưng trên bảy trăm người. Thằng Henry V dân gốc Lạch Tray, gia đình vào Sài Gòn sau bảy lăm. Nó vốn ma lanh và nhiều tiểu xảo vì vốn xuất thân từ hàng rong chợ trời, nhảy tàu ở Cống Bà Xép. Vượt biên sang Mỹ rồi chịu khó đi học và may mắn hơn nữa là nó vào hãng này đúng thời điểm
Khoảng mươi phút sau 12 giờ trưa, chúng tôi đến nhà BS. Lê Khôi. Vừa ra khỏi xe, và trong lúc chúng tôi đang bị choáng ngộp bởi sức nóng trên 100 độ, Thầy Minh Châu tươi cười bước ra tận cửa đón chào và mời chúng tôi vào nhà. Vừa vào bên trong, chúng tôi nhìn thấy Cô đang đứng giữa nhà, rạng rỡ chờ và xướng đúng tên của từng chúng tôi, rồi dang tay ôm choàng chúng tôi. Vài phút sau, tôi xin phép ra xe và lần lượt đem vào mấy giỏ, xách và gói. Bấy giờ Thầy Cô mới giới thiệu dâu của Thầy Cô, vợ của BS. Khôi, cùng cháu gái nội út rất xinh đẹp, thanh cảnh với làn da trắng mịn, ít vẻ á đông trên khuôn mặt. Cháu làm việc cho một công ty tại Mỹ sau khi tốt nghiệp Cử Nhân Toán Học từ Harvard và nay được công ty đài thọ gởi đi học tiếp 2 năm chương trình MA tại London School of Business, một trong những trường nổi danh hạng nhất thế giới. Chúng tôi không quên chúc mừng cháu.
Nhạc sĩ Cung Tiến