Hôm nay,  

Tiễn Anh Lên Đường

28/06/202116:22:00(Xem: 6318)

HINH CHO BAI TIEN ANH LEN DUONG

 

Tác Giả VVNM Phạm Hoàng Chương sinh ngày 15 tháng 5, năm 1944 tại Phan Rang, Ninh Thuận. Ông tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu của  Giải Thưởng 2000. Năm 2009, ông đoạt giải chung kết Vinh Danh Tác Giả-Tác Phẩm, sau đó vẫn tiếp tục viết và gắn bó với giải thưởng. 

Tin Ông ra đi vào thứ Sáu, ngày 25 tháng Sáu, 2021, hưởng thọ 78 tuổi là một mất mát lớn cho bạn bè văn hữu và giải thưởng VVNM. Việt Báo và Giải Thưởng VVNM xin được trích đăng loạt bài viết tưởng nhớ Ông, với bài “Tiễn Anh Lên Đường” của tác giả/giám khảo Trương Ngọc Bảo Xuân.

 

***

 

Trong số các anh chị em trong nhóm bạn văn chúng tôi, lấy tên là Việt Bút, anh Chương là người sau cùng, tôi nghĩ, sẽ âm thầm bỏ chúng tôi mà đi sớm như vầy.

Sáng ngày 26 tháng 6, mở cái “laptop” ra thì thấy báo, có tin nhắn từ chị  Nhã Ca. Tôi đọc tin mà ngỡ ngàng, bàng hoàng, phải nói là đọc đi đọc lại từng chữ, rồi coi lại tên người gởi, coi mình có sai lầm gì không. Rồi tôi lại sợ bị hacker làm phiền như năm ngoái, tôi đóng trang facebook, rồi mở trở lại, cái tin nhắn rành rành, ngắn gọn, vô ngay vấn đề, rõ ràng, đúng là cách nói chuyện của chị Nhã:

-          Xuân, anh Phạm Hoàng Chương vừa mất tối hôm qua.

Chúng tôi nói chuyện qua lại, chị thêm:

“Một người bạn của Chương, mới text cho chị sáng nay. 10 ngày trước chị mới nói chuyện điện thoại với Chương. Lúc đó chị nghe tin anh Chương bị ung thư, chị gọi điện thoại thăm, nói chuyện, anh cho biết tuần sau mổ, rồi bẵng đi hơn một tuần, nghe tin Chương mất. Chương biết mấy năm trước, nhưng lười, không chịu đi chữa trị, nay bịnh nặng lắm mới chịu đi chữa.”

Trời đất ơi! Gần hai năm, bịnh dịch thế giới kinh khủng hoành hành mà anh vượt qua được, sao chứng bịnh quái ác này lại quật ngã anh như vầy.

Mới tháng 12 năm 2019, chúng tôi cũng đã đưa tiễn anh Bồ Tùng Ma, một tác giả, giám khảo kỳ cựu của Việt Báo Giải Thưởng Viết Vê Nước Mỹ từ hơn 20 năm qua. Nay, lại thêm một đàn anh nữa vừa nằm xuống.

Nhớ lần đầu tiên gặp anh là buổi tối phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ của năm 2005. Mấy chị em tôi ngồi chung bàn với một anh chàng rất trẻ trung, đẹp trai và lịch thiệp. Đó, là anh Phạm Hoàng Chương, anh lên lãnh giải thưởng Đặc Biệt bài Giọt Nước Mắt Cho Lâm.

Sau đó anh vẫn thường xuyên đóng góp nhiều bài vở và sưu tầm rất có giá trị, có số lượng người đọc rất là cao. Năm 2009 anh đoạt giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với bài Xóm Hoang.

Anh vẫn viết đều đặn cho tới năm nay, bài Không Rút Được Tiền Đô trên Việt Báo Online 27/03/2020 xin đăng lại sau đây là bài viết cuối cùng của anh.

Tôi vô cùng thương tiếc và nhớ lại những kỷ niệm, thường chỉ gặp nhau mỗi năm một lần, vào ngày tiền hội ngộ cùng với bạn bè trong nhóm Việt Bút, như chúng tôi thường gọi là ngày Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau, vào tháng tám mưa ngâu và cũng là ngày phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo tổ chức.

Vì dịch bệnh Corona 19 năm 2020 Việt Báo đã không thể tổ chức ngày phát giải thưởng, chúng tôi đã không gặp nhau cho tới khi hay tin anh đã rời bỏ chúng tôi.

Vài hàng tưởng nhớ anh Phạm Hoàng Chương, một cây viết hiểu chuyện hiểu đời và rất xuất sắc, được nhiều cảm tình của độc giả.

Bây giờ chắc hẳn anh đã gặp lại những bậc tiền bối, cựu giám khảo giải thưởng Viết Về Nước Mỹ như nhà văn Thảo Trường, nhà văn nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, nhà văn Bồ Tùng Ma. Dưới suối vàng, mong hai anh và các vị tiền bối hãy cùng cạn chén trà, nồng ấm tình bạn văn chương và đợi chúng tôi, nha anh./.

Mời quý độc giả đọc lại bài viết tiêu biểu của tác giả Phạm Hoàng Chương, bài đoạt giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2009.

 

Trương Ngọc Bảo Xuân

28/06/2021

 
****

 

Xóm Hoang

 

Phạm Hoàng Chương

 

Tác Giả Phạm Hoàng Chương nhận

Giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm VVNM 2009

 

Tám năm trước, khi Diễm mới dọn về khu nhà mới này, đây là ngôi nhà lầu 4 phòng duy nhất treo bảng bán.  Tình cờ thấy hình nhà "posted" trên Internet của một công ty địa ốc Mỹ, nàng ưng ý ngay với vách tường và mái ngói dày chắc kiên cố màu xám nhạt, những cánh cửa sơn trắng quí phái và thảm cỏ xanh trước nhà.  Giá nhà lúc đó ở Cali bắt đầu nhích lên, chủ nhân đòi 165 ngàn, Diễm trả 162, agent quả quyết chắc nịch chủ sẽ không bớt đống nào.  Bấy giờ đang mùa nghỉ hè năm 2000, nhiều người rảnh rang săn lùng mua nhà, thị trường nhà ở Cali đang "hot", so với giá nhà ở Wesminster thì quả thật ở Riverside này rẻ hơn nhiều, nên Diễm đành trả đúng giá và dọn vào ngay sau hơn một tháng làm thủ tục giấy tờ.


Theo phong thủy, căn nhà lầu này ở vị thế tốt, nắm kế bên downtown Riverside yên tĩnh, quay mặt hướng Tây hạp với tuổi Diễm và được 2 căn nhà trệt hai bên tả phù hữu bật phò tá.  Sau nhà là ngọn núi thấp và giòng sông hiền lành chảy bên hông xuôi về Orange County.  Những ngày mùa xuân ấm áp, hoa nở xanh tím đỏ hồng khắp nơi quanh các căn nhà, đồi núi sau lưng phủ một lớp cỏ xanh mượt mà, con đường đầy cây cối mát mẻ trước nhà yên tịnh không một chiếc xe chạy qua, chim hót ríu rít trên các chòm cây xanh, bồ câu làm tổ rù rì thân mật dưới mái ngói lầu, đến nỗi Diễm cứ tưởng như sân trước của nhà mình.  Những buổi sáng mùa xuân hay cuối thu, khí hậu trong trẻo mát lạnh 65, 68 độ F, vươn vai hít đầy hai buồng phổi dưỡng khí ngọt ngào, giữa những đám cỏ xanh vuông vức, Diễm thấy tràn đầy sức sống trong người.  Chao ôi sao mà đời sống ở xứ này hạnh phúc êm đềm đến thế.  Trong nhà, sàn gỗ bóng nhoáng, bếp núc trắng trẻo sạch sẽ, những cành lá trúc xanh như ngọc, rung rinh che mát cả hai khung kính cửa sổ phòng khách nàng hay ngồi đọc sách và mơ mộng cuối tuần. Những ngày đó, Diễm ưa mở hé hai cửa sổ, cầm sách mơ màng nhìn ra hai ngôi nhà lầu mái ngói đỏ hồng đối diện, lim dim tận hưởng cái yên tịnh thanh khiết của ngôi nhà xinh đẹp thanh vắng.  Quanh nhà và sân sau, Diễm chịu khó trồng đầy cây ăn trái, cam quit, hồng đào, bưởi, táo tàu và ổi, nên ở trong nhìn ra ngoài các cửa kính lúc nào cũng thấy xanh mát lá cây và hoa trái lủng lắng.


Diễm làm kế toán trưởng cho một ngân hàng lớn nhiều năm nay, chưa có người yêu, đang ở với Huy, đứa em trai học đại học UCR.  Láng giềng có Pedro và Bill, đều là dân gốc Mễ.  Hai vợ chồng Pedro béo tròn và mấy đứa con "teenage" cũng tròn mập giống y cha mẹ như đúc.  Hai vợ chồng đều mộ đạo, đi nhà thờ đều đặn mỗi sang chúa nhựt.  Ông chồng là handyman, plumber, thợ hồ, thợ điện, cái gì cũng biết làm, lúc nào Diễm cần thay sửa ống nước, bồn rửa mặt, hay nếu điện không sáng, sprinkler box không work, gọi một tiếng là ông sốt sắng chạy qua giúp, Diễm trả tiền sòng phẳng.  Ông cho biết dọn về đây từ Los Angeles, sau khi kiếm nhà khắp nơi vùng South L. A.  để mua, mới thấy đây chính là nơi lý tưởng có môi trường trong sạch và tốt cho việc học hành của con cái.  Bên trái là nhà hai vợ chồng Bill còn trẻ, mới một đứa con.  Bill to con, nóng tánh, làm hãng và sửa thêm xe hơi trong garage, lười biếng săn sóc sân cỏ, bỏ đồ tanh bành ở backyard.  Đối diện xéo nhà là nhà lầu gia đình một anh giáo viên Mễ hiền lành có vợ và hai đứa con, kế bên là nhà trệt mái ngói hồng xinh xắn của hai vợ chồng già thui thủi, lâu lâu có con gái tới thăm.  Trước mặt nhà là hai nhà lầu đứng cạnh nhau, nhà lầu cột gạch đỏ của một bà sồn sồn phúc hậu, quê đâu ở Trung Mỹ và nhà lầu vách hồng của một anh Mỹ đen thật thà.  Giữa nhà anh giáo viên và nhà anh Mỹ đen là nhà trệt một ông Mỹ bụng to có xe truck chuyên thầu đúc xi măng, sửa nhà, bà vợ cũng mập, có hai đứa gái nhỏ xíu.  Xa xa, cách mấy căn nữa là nhà gia đình Mỹ đen khác, có mấy dứa con trai choai choai cao nghều ốm tong. 


Tuy là hàng xóm, ở Mỹ, nhà ai nấy ở, không ai tới nhà ai chơi, mà giá có tới chơi, Diễm cũng không biết nói gì.  Khác văn hóa, phong tục, ngôn ngữ, khó thân nhau, thôi thì thấy nhau xa xa, "Hi' một tiếng rồi gật đầu cười cho xong chuyện.  Cách một con đường nhà Diễm ở có cái công viên rất rộng, trồng toàn cỏ xanh và nhiều cây cối, ghế đá, lò barbecue, một cái cầu tuột và xích đu cho trẻ con chơi, cuối tuần nắng ấm, đông người tụ họp, tổ chức picnic, chơi banh vui vẻ.  Diễm không quen ai, nên ít khi ra đó chơi.  Sáng sáng chiều chiều nàng có thói quen đi bộ 2 vòng quanh khu nhà và khu nhà trệt xinh xắn bên đường Contay , hít thở không khí trong trẻo, nhìn dân cư sinh hoạt, quen mặt hầu hết dân cư trong xóm.  Nhà cuối đường nàng ở, có anh chàng Mỹ độc thân, đầu cạo trọc lóc, suốt ngày thui thủi với con chó cột giây trước nhà, săn sóc sơn phết nhà cửa rất gọn gàng ngăn nắp. Kế bên là hai vợ chồng trẻ người Philippines, vợ làm y tá, chồng thất nghiệp.  Khu nhà trệt bên đường Contay, Diễm quen một bà Mỹ vui tính có ông chồng già về hưu, thỉnh thoảng hay bày đồ ra bán garage sale. Đầu đường có gia đình Mễ, có đứa con trai lớn 17, 18 tuổi mới lên đại học, đẹp trai như tài tử xi nê, hay o bế kỳ cọ chiếc xe hơi nhỏ màu đỏ chói trước nhà.


Ở đây có lệ mỗi năm vào đêm July 4th, xe hơi bạn bè, bà con cư dân ở đây kéo nhau tới đậu đầy hai bên đường, tụ tập trước nhà coi bắn pháo bông lên trời đủ màu, ăn uống nói cười vui vẻ ồn ào tới khuya mới về.  Ở downtown, gần freeway 91, mỗi thứ tư có Hội chợ đông đảo tấp nập người xem, kẻ mua sắm, người nghe hòa nhạc. Thỉnh thoảng rảnh rang, Diễm lái xe tới đậu gần đó, đủng đỉnh dạo loanh quanh xem thiên hạ mua bán, ăn uống, chơi nhạc.  Xa hơn đó một chút, trên đường Magnolia, có một công viên xanh mướt cỏ, cây cao bóng mát, mỗi tháng hay vào ngày lễ, thành phố hay tổ chức dựng rạp văn nghệ múa may ca hát và triển lãm sản phẫm mỹ nghệ của nhiều sắc dân đem tới, cảnh tượng thiên hạ ăn mặc đủ màu đủ kiểu, tới lui, chơi đùa ăn uống dưới bóng cây lấp lánh nắng vàng thật đẹp, như trong các bức tranh của danh họa người Pháp Renoir.  Diễm hài lòng với cuộc sống bình lặng trong thành phố nhỏ cổ kính, êm đềm như vậy, xa hẳn cái xô bồ đông đảo, bụi bặm, kẹt xe của Los Angeles và Little Saigon. 


Được hai năm thì giá nhà khu Diễm ở vọt lên gần gấp đôi.  Xung quanh Community park gần nhà nàng mọc lên nhiều căn nhà mới xây với kiến trúc tân thời được rao bán với giá tương đối không cao, chỉ trên 200 ngàn.  Mặc dù ngôi nhà đang ở thuộc loại đẹp sang nhất khu, Diễm cũng tò mò ghé coi mấy ngôi nhà "model" mới mỗi khi có "open house" ở đây, suýt xoa trầm trồ với những bàn tủ kệ sang trọng đắt tiền mà nhà nàng không có. Trong vòng có mấy tháng, tất cả mấy chục căn nhà mới đã bán sạch, vì thiên hạ nghe đồn giá còn lên.  Diễm nửa đùa nửa thật với ông Pedro muốn đổi nhà qua đó ở, ông này lắc đầu chê vật liệu xây nhà mới rẽ tiền, mau hư hơn nhà cũ, nên họ bán giá hạ như vậy, mới vỡ lẽ ra, không thấy háo hức nữa.  Qua 2004 thì có mấy căn nhà ở khu nhà mới rao bảng bán lại.  Mới mua mà đã bán lại, lý do gì đây.  Property tax cao, vì tính luôn tiền đài thọ nuôi học khu mới gần đây trong 20 năm" Hay association fee 40$ một tháng, quá đắt" Hay gần đây có chỗ xây nhà mới đẹp hơn, rẽ hơn, gần freeway hơn" Diễm đang lấy làm lạ, thì khu nhà trệt bên kia đường loáng thoáng cũng có mấy căn treo bảng FOR SALE.  Hỏi Pedro thì ông này nhún vai, "I don't know.  Maybe they want to move to a better place".


Một hôm, nhà ở đường Contay lôi furniture cũ ra bỏ 1 đống trước nhà cho xe rác kéo đi.  Diễm thấy hai cái kệ gỗ còn tốt, nói em khiêng chở vê bỏ garage đựng đồ lặt vặt.  Sau đó có tới ba cái nhà rao bán trên đường Contay và hai cái ở Westfield.  Chuyện gì nữa đây" Mất job" Hay giá nhà lên, nên bán lấy tiền lời đi mua nhà lớn hơn" Hai tháng sau, lại nguyên một gia đình Mỹ hai vợ chồng với 2 đứa gái nhỏ đang ở thuê , cách Diễm mấy căn, chuẩn bị dọn ra, move di tiểu bang khác, vì anh chồng mất job.  Họ lôi trong nhà đủ thứ đồ lỉnh kỉnh còn mới vứt ra trước sân bán sale rẽ mạt, ghế chân sắt con nít ngồi, microwave, đèn, sẻng cuốc, sách vở, đồ chơi con nít, video DVDs. . .  Diễm qua thăm xã giao, hỏi thuê một tháng bao nhiêu, bà vợ nói 1700$, Diễm trợn tròn hai mắt. Đắt hơn tiền mortgage payment nàng tới 700$. Thương hại, Diễm mua dùm vài cái ghế con, ba cái cuốc, sẻng, mỗi cái một đồng bạc.  Qua hôm sau lại thấy ông chồng lôi ra 2 cái tủ sách sơn màu hổ phách, cao hơn đầu người, bề ngang 1m2, rất thanh nhã, vất ra đường cái vì không ai mua, láng giềng cũng không lấy.  Diễm hỏi bán hay cho, bà vợ buồn thiu nói, "you can have it, if you want".  Diễm nghĩ thầm, "tủ này ngoài tiệm bán ít nhất 300$ một cái, ở thuê mà sắm chi nhiều thứ đắt tiền kềnh càng vậy không biết", ái ngại móc túi cho bà 20$, xin lấy cả hai. "Your loss is my gain", nàng nhủ thầm.  Bà ta mừng rỡ, lấy đồ phụ đẩy vô tận garage nhà nàng, hai mắt buồn bã thèm thuồng nhìn quanh quất khắp nhà.  Diễm hí hửng lôi một cái vô phòng studio làm việc, đựng sách và DVDs, làm nhà sang trọng hẳn lên.  Trong khi đó, giá nhà khu nàng ở cứ tà tà lên giá, nhà lầu 400, nhà trệt 350. Mới cắm bảng đó vài ba tháng đã thấy có người tới mua, dọn vô.  Có ngôi nhà lầu giống y nhà nàng ngay đầu đường thậm chí rao bán tới 500, làm Diễm thất kinh.  Ai mà mua tới giá đó, cho dù bên trong có sửa sang, lát đá quí, hay xây thêm gì đi nữa.


Vậy mà thiên hạ đua nhau mua, nhà càng lên giá, càng tranh nhau mua, vì lender không check income, không cần credit tốt lắm, không cần tiền down nhiếu, lại đồng thuận với agents tạo các điều kiện dễ dàng cho người mua để bán kiếm lời xổi, huê hồng cao.  Ai cũng nghĩ mua đắt rồi sẽ bán đắt, không có gì phải lo.  Nhà Cali xưa nay có xuống chút đỉnh rồi cũng lại lên, có bao giờ hạ lâu.  Ông Pedro cạnh nhà có vẻ khoái trá lắm về chuyện nhà lên giá, ra vô hăm hở trồng thêm cây cối trước nhà, l át gạch mới phòng khách, tu bổ sơn phết căn nhà cho xứng với giá trị mới.  Một hôm, ông hí hửng khoe:
-Nhà tôi mua hồi đó có 80 ngàn, bây giờ lên gần 400, tôi mượn equity ra mua mấy acres đất ở San Diego gần freeway.  Tôi chuẩn bị xây nhà dưới đó, trồng cây ăn trái xung quanh, rồi bán nhà này, nay mai về hưu dọn xuống đó dưỡng già.


Năm 2006, ngôi nhà lầu vách hồng của anh Mỹ đen trước nhà Diễm rao bán 420 ngàn.  Được một tháng thì có người mua liền.  Chủ mới là hai chàng thanh niên Mễ trắng khoảng 28, 30 tuổi, dáng dấp cao ráo đẹp trai. Diễm đoán là 2 người bạn thân, không phải anh em, vì mặt mũi khác nhau, người tươi cười vui vẻ, người nghiêm trang ít nói, chắc chắn đều là độc thân vì tướng đi gọn gàng, ăn mặc sạch sẽ ra dáng con nhà lành học thức.  Cả xóm toàn những người phục phịch, sồn sồn lớn tuổi, con cái đùm đề, sự xuất hiện của hai thanh niên trắng trẻo đẹp trai ở đâu tới như đem lại sinh khí cho con đường cây xanh và xóm nhà nàng ở, khiến Diễm phấn khởi tâm hồn, chăm sóc nhan sắc kỹ lưỡng hơn, ra ngoài áo quần cẩn thận chải chuốt hơn.  Hai bên không ai làm quen trước, chỉ ở xa nhìn nhau với một tiếng "Hi" kèm theo nụ cười xã giao.  Cửa sổ phòng ngủ Diễm nhìn thẳng qua garage và cửa sổ master bedroom bên đó nên dù không cố ý tò mò, một số những sinh hoạt xảy ra bên ấy Diễm đều biết hết.  Chỉ là láng giềng, nhưng Diễm coi như những người bạn thân, cùng sống trong một khoảng không gian núi cây sông nước quang đãng êm đềm, cùng hít thở bầu không khí trong sạch thanh khiết, cùng sáng sáng lái xe rời con đường vắng đi làm và chiều chiều gặp nhau bên lề đường đậu xe.


Sau đó mấy tháng thì có thêm một cậu sinh viên trẻ măng dọn tới, Diễm đoán là học ở Community college tới share phòng.  Cậu này hay đậu chiếc xe cũ ngay trước nhà nàng mỗi lần đi học về, lủi thủi đi vô nhà, vì hai anh chủ nhà có những 3 chiếc xe chiếm hết chỗ đậu trên driveway và trước nhà.  Cậu thấy Diễm, chỉ chào thân thiện chứ không nói qua tiếng nào làm nàng hơi khó chịu, nhưng cũng thấy thông cảm không nói chi. Cuối tuần, hai chàng thanh niên hay xịt nước rửa xe, tưới cỏ, nước chảy lênh láng xuống đường cái.  Thỉnh thoảng có bạn bè ngang tuổi tới chơi, uống bia, chuyện trò yên lặng, không gây ồn ào, không mở nhạc ầm ỹ như Mỹ đen hay Mễ da ngăm. Một trong hai chàng, người mặt nghiêm, mua sơn về tô điểm sơn phết nhà bếp, phòng ăn.  Chàng kia, tươi cười luôn, thì mua hoa về trồng trước nhà, landscaping tỉ mỉ.  Họ chơi thân qua lại với hai nhà láng giềng kế bên, cùng là dân Mễ trắng, nói Spanish líu lo Diễm không hiểu gì hết.  Lúc đó Diễm học thêm một khóa về ngành cho vay và đầu tư địa ốc, nên thấy cái lợi của việc rút tiền equity trong nhà ra làm ăn.  Tại sao phải lo trả off cái nhà cho sớm trong khi mình có good credit, lương cao, việc làm tốt, có thể cầm thế nhà, mượn tiền nhà bank để sinh lợi cho mình.  Appraiser tới coi, chụp hình nhà, hai nhà xung quanh, ước tính Diễm có thể mượn được 400 ngàn trong nhà ra, tức 90% giá trị ngôi nhà.  Huy bàn nên mua apartment cho mướn.  Diễm nhớ đến kinh nghiệm đáng thương của ông anh họ địa ốc ở Santa Monica 10 năm trước, đầu tư mua chung cư four-plex và nhà cho thuê mà sau mất trắng cả chì lẫn chài, ngần ngừ không chịu.  Anh mua 4-unit cho thuê mà lúc nào cũng trống một cái, năm nào cũng tốn tiền sơn phết lại vì graffiti xịt dơ vách tường, phải mướn luật sư trục xuất tenant ở lì không trả tiền rent, rốt cục không bán được nhà, không trả nỗi payment, cho nhà bank "kéo".  


Một hôm, có chị bạn làm agent bán nhà mách Diễm có cái duplex ở Los Angeles, vợ chồng chủ Việt nam ly dị, rao bán hạ xuống còn 500 ngàn, đang có sẵn hai người ở thuê, tiền thuê nhiều hơn monthly morgage payment những 800$.  Diễm đi coi thấy cũng thích, nhưng vẫn đắn đo do dự.  Mua xa, phải lái xe đi xa thăm nom hoài.  Mua gần, người đâu của đó cho chắc ăn, nhưng kiếm đâu ra cái gần để tiện bề trông coi.  Vừa lúc đó thì ông chú họ ở Corona đấu thầu mua được 3 cây xăng Shell, hỏi Diễm muốn lấy thì bán rẽ lại một cây.  Huy đang làm về tài chánh cho công ty lớn ở Norco, lúc còn đi học có làm part-time cho cây xăng hai năm, nên vội vàng xúi chị chụp ngay dịp may hiếm có, vì giá xăng bắt đầu lên và không biết đến khi nào mới khựng lại. Hai chị em thay nhau tới ngồi quan sát mấy tiềng đồng hồ, sáng, trưa, chiều, tối , thấy xe cộ tấp nập vào đổ xăng liên tục, buôn bán tạp hóa nước ngọt bên trong cũng đều đều lai rai có khách, Diễm quyết định xúc tiến cái rụp, kẻo nay mai nhà lại xuống giá thì không còn vay được nhiều tiền. Trong hơn một tháng, mọi giấy tờ tiền bạc thanh toán, bảo hiểm đều hoàn tất xuông xẻ. 


Cây xăng có sẵn người manager cũ lớn tuổi đàng hoàng, nên Diễm giữ lại, cho tiếp tục làm trong bước đầu xem sao, rồi hai chị em thay phiên nhau ra đứng bán, sau giờ làm việc ở sở về.  Cây xăng người anh họ bán chẵn 1 triệu, Diễn "down" 300 ngàn, thêm 100 ngàn mua lại hàng hóa inventory còn lại trong tiệm, nghiễm nhiên đường đường làm chủ một business có hạng ở gấn nhà.  Sự việc đưa đẩy thành tựu chóng vánh quá sức, nhiều lúc Diễm ngỡ như mình đang nằm mơ, đạt được "American dream" ở tuổi chưa đầy ba mươi.  
Lúc đó, các mỏ dầu ở Trung Đông hạn chế khai thác dầu để làm áp lực Mỹ, giá xăng bắt đầu lên, stock bắt đầu có những triệu chứng đi xuống, giá nhà từ từ đi xuống, công ăn việc làm trong ngành xây cất khan hiếm, các hãng xe, xưởng máy lay off thợ thuyền từng đợt. Diễm tối tối thâu tiền bán trong ngày đều tay, hai ngày đi ngân hàng deposit tiền một lần, đổi bạc cắc, ký checks trả bills, bận rộn việc riêng, việc công, không có thì giờ nấu ăn, clean thảm, lau nhà. 

Giữa năm 2007, bà sồn sồn người Trung Mỹ rao bán nhà 299 ngàn, làm Diễm sửng sốt.  Nhà xuống giá nhanh như vậy sao.  Vậy thì nhà nàng chắc cũng khoảng 330,340 ngàn là cùng.  Hơn hai tháng sau thì có cặp vợ chồng Mỹ trắng hiền khô mua dọn vô ở, ít khi xuất hiện bên ngoài. 


Qua đầu năm 2008, một gallon xăng lên đền $3.50, rồi giữa năm lên gần $4. Đồng dollar Mỹ mất giá, thua đồng Euro xa.  Vàng lên.  Stocks xuống thê thảm.  Số người đi du lịch trong nước giảm sút thấy rõ.  Ngân hàng chỗ Diễm làm sa thải bớt 5 nhân viên.  Diễm mừng thầm, may mà mua được cây xăng kịp thời, hai chị em lỡ có mất job, vẫn có tiền trả mortgage, không lo bị mất nhà.  Xăng cao nên số lượng bán ít bớt, lời ít đi, nhưng dân Mỹ vẫn uống soda, ăn vặt quen miệng, lại mua sổ xố lottery bên trong tiệm như thường, nên lợi tức không suy giảm mấy. 


Trong lúc đó, nhà cửa thiên hạ mới mua năm ngoái năm kia theo kiểu 3% down, phân lời 1% adjustable, thi nhau treo bảng bán, hạ giá, rồi lại hạ giá xuống nữa, vẫn không mấy ai tới hỏi.  Cuối tuần, Open House vắng ngắt, lơ thơ một hai người tới coi, qua lại các phòng lơ đãng nhìn quanh quất, hỏi vu vơ rối đi.  Giới agent địa ốc, làm "loan", đói meo, một số lớn chuyển qua nghề khác.  Nhiều chủ nhà mất job, hay làm ăn ế ẩm, lần lượt dọn ra cho nhà bank kéo.  Bảng FOR SALE cắm nhan nhản khắp nơi trên mấy con đường quanh nhà Diễm. Có một con đường tới 5 căn nhà treo bảng bán làm Diễm thất kinh, ngơ ngáo như người đi lạc.  Gia đình nhà ở góc đường có cậu con trai học Highschool đẹp trai như tài tử đã dọn ra hồi nào, để mặc cho lá vàng rụng, cỏ cháy khô, cỏ dại mọc cao lêu nghêu lan ra lề đường.  Có hai chủ nhà cắm bảng bán nhà, tuần nào cũng dọn dẹp quăng bớt đồ thừa đầy thùng rác, mặt mày buồn thiu như đưa đám...


Đọc tin tức trên Internet mỗi đêm, Diễm thấy dồn dập những tin xấu cho thị trường địa ốc Mỹ, cho kinh tế Mỹ, lan rộng ảnh hưởng cả Châu Âu châu Á.  Giá nhà ở Cali xuống nhanh, nhất là ở San Bernardino và Riverside, chỉ còn có 2 phần ba giá trị năm ngoái.  Các tiểu bang khác, có nơi nhà xuống còn tệ hơn, người người kéo nhau bỏ đi nơi khác, trông như cái xóm hoang.  Nhiều nhà bị tịch thu đưa ra bán đấu giá, hay "short sale", quảng cáo trên Internet, trên Tivi liên tục.  Những người tìm mua nhà khựng lại, dần dần biến mất trên thị trường. Thiên hạ đi coi nhà cho vui, chứ không mua.  Vào giữa năm, số nhà bị tịch thu trên cả nước lên đến hàng triệu.  Nhiều người phải trả payment thật cao trong khi giá nhà tụt xuống gần một nửa, ôm nợ khổng lồ, có may mắn bán được nhà cũng vẫn còn nợ phải trả vốn, lời hàng tháng.  Chi bằng bỏ nhà ra tay không, khai bankcruptcy, chịu "bad credit" cho khỏe trí. .  Người ta nếu không nỡ bỏ của chạy lấy người thì đành ôm nhà, thắt lưng buộc bụng mà chết cứng, phải chọn một trong hai cách.


Một hôm, cậu sinh viên Mễ trắng nhỏ nhắn hay đậu xe trước nhà Diễm tự nhiên không còn đậu nữa, biến mất, hình như dọn đi chỗ khác. Nửa tháng sau thì Diễm thấy trên driveway nhà 2 anh chàng Mễ đẹp trai này chỉ còn một chiếc xe jeep đậu. Họ bán bớt xe, đi du lịch hay lấy vacation về quê Mexico city thăm nhà chăng, Diễm thầm nghĩ.  Rồi cỏ xanh trước nhà họ hình như kém xanh kém tươi lần đi, héo úa, vàng vọt.  Họ đi không có dặn láng giềng tưới cỏ giùm sao.  Mấy cành hoa hồng trước cửa họ trồng lúc trước nâng niu chăm bón, vươn dài ra, rớt thỏng xuống đu đưa che ngang lối đi vào nhà.  Bụi đóng trên xe jeep.  Rác lá khô tụ lại ở lề đường.  Một tháng qua mà hai người không trở lại.  Diễm tự dưng thấy nhớ nhớ.  Vắng mặt họ, Diễm thấy thiếu thiếu một cái gì, cảnh sinh động trẻ trung trước nhà mọi lần hay người thanh niên đẹp, anh chàng hiền lành có hàm răng trắng cười tươi và cặp mắt đen vui.  Nhớ làn da trắng, với hàm râu phơn phớt xanh, dáng hình thanh tú, hay lén nhìn lên phía cửa sổ Diễm ngủ trên lầu những chiều cuối tuần.  Chợt Diễm giật thót người.  Thôi rồi, họ đã "walked out", bỏ nhà chạy lấy người.  Như những người khác mua nhà lúc cao, bây giờ chết cứng.  Có lẽ một trong hai chàng mất job, người kia không gánh nỗi payment, nên cậu sinh viên "share" phòng tháng trước đã phải lủi thủi ra đi không ngày trở lại.  Có thể tiền payment cao quá, so với tiền thuê một cái nhà tầm cỡ như vậy. Cuộc khủng hoảng nhà đất không biết kéo dài đến bao giớ, chi bằng tính trước, rút chân ra sớm như vậy mà khôn, còn hơn sa lầy kéo cầy trả nợ hoài hoài không hết.


Thấy cửa sổ phòng khách không che màn cửa, Diễm rón rén tới dòm vào thì thấy bên trong trống trơn, chỏng chơ một cái ghề dựa có vắt chiếc sơ mi cũ, một cái tủ lạnh và rác rưởi giây tờ vương vãi khắp nơi. Diễm đẩy chiếc cửa ngoài hông nhà, thấy 2 thùng rác đầy ngập những rác.  Lắc đầu thương hại, Diễm đi vòng ra sau thấy cây cối héo khô, trên sân tráng xi măng, trơ trọi một cái bàn gỗ rẽ tiền với hai chiếc ghế nhựa, trên có hai chai nước ngọt chưa khui nắp, bỏ lại trên bàn. Cửa sổ sau không có màn cửa che, nhìn vào thấy còn cái máy giặt và cái Tivi cũ, lác đác mấy cái nắp soong trên sàn bếp.  Tang thương thay cảnh một ngôi nhà mất chủ, phó mặc cho nắng mưa bụi bặm vùi dập, cây tàn lá héo.  Như người tình còn nhan sắc bị bỏ rơi trơ trọi, không được người yêu đoái hoài trở lại thăm viếng.  Diễm buồn bã trở về, thầm nghĩ:' Sao lạ nhỉ, bỏ lại chiếc xe jeep.  Chắc là chỗ ở mới không có chỗ chứa.  Chắc là còn có ngày quay trở lại lấy. "


Từ hôm đó, sáng nào ngủ dậy Diễm cũng ngóc đầu nhìn xuống chiếc xe jeep xanh lá cây dính bụi còn bỏ lại trên driveway nhà đối diện, liếc mắt xem cánh cửa gỗ có hé mở chưa, cửa sổ lầu có bóng người không, nhưng vẫn chỉ là cái thềm hoang lăn lóc mấy tờ báo quảng cáo vứt bừa bãi cạnh hai bánh xe mòn.  Không riêng gì cái nhà lầu xinh đẹp đó, mà mỗi sáng đi bộ exercise qua các con đường lân cận, Diễm thấy nhiều căn nhà khác khang trang cũng bỏ hoang, vô chủ, tiêu điều buồn bã, Diễm cảm thấy cô độc, như người mất dần bạn bè, hàng xóm thân thuộc, mặc dù trước đây chưa hề giao du thân mật với họ.  Hai ba tháng trôi qua, ngôi nhà vẫn như cũ, hoang vắng, chờ đợi, nhưng chủ nhà không trở lại, nhà bank cũng không thấy tới cắm bảng rao bán "bank owned' hay "for sale".


Trong khi đó thì nhà của Bill kế bên, sân cỏ trước mọc cao không ai cắt.  Bill cũng không thấy xuất hiện trước nhà cả tuần nay.  Cách đây hai tháng hắn uống bia say, bô bô khoe Diễm là đã đuổi vợ, bắt con giao cho ông bà nội nuôi, vì vợ làm biếng ăn ở không mập ú ù, không lo cơm nước gì cả, bỏ hắn đói meo. Rồi cao hứng khoe:
- Tôi bị mất việc cả tháng nay nên ba tôi trả off cái nhà rồi.  Ông già đưa tôi vô hãng điện thoại ổng đang làm, thứ hai này interview.  Lương khá lắm.
Diễm đang còn ngơ ngẩn thắc mắc chuyện nhà hàng xóm bên trái thì ông Pedro hàng xóm bên phải tình cờ thấy nàng tưới cây trước nhà, nói nửa đùa nửa thực:
- Cô rút hết equity 400 ngàn trong nhà ra mua cây xăng, bây giờ nhà cô giá trị còn có 300 ngàn, sao không "walk out" cho khỏe, trả làm chi 2000$ tiền lời mỗi tháng cho uổng" Máy nhà bank địa ốc cho vay bây giờ được chánh phủ bỏ 700 tỷ ra cứu, cô không nghe sao".


Bỏ nhà rồi đi ở đâu, Diễm tự hỏi.  Ai mà ăn ở thất đức như vậy.  Vả lại, nàng đang ăn nên làm ra, đâu có đến nỗi phải lươn lẹo làm như vậy.


Một sáng nọ, Diễm ngạc nhiên thấy có một ông Mễ đứng tuổi tới lục đục phá cửa hông garage nhà Bill ra, dọn dẹp vứt đồ linh tinh ra đường.  Thấy Diễm, ông lễ phép tới gần, tự giới thiệu là cha của Bill, khen nhà Diễm "very nice", cỏ cây cắt xén tươm tất, rồi buồn rầu kể chuyện Bill đã vào tù ngồi vì hút xì ke mà rút súng bắn mấy phát trong nhà lúc ba bốn giờ sáng.  Diễm giựt mình:
- “What, sao tôi không nghe gì hết. Bắn ai vậy ông?"
- Nó nghi có ăn trộm trong nhà nên rút súng bắn đại, như vậy là "illegal".  Bắn trong lúc đang say và "under drug influence" như vậy là ở tù, cho dù không có chết ai.


Rồi ông thở dài, lắc đầu buồn bã nói tiếp:


-Thằng này là con trai một, tôi nuông chìu từ nhỏ nên hư hỏng, hai vợ chồng khổ sở tốn kém vì nó. Tôi tính "clean up" rồi rao cho thuê. 


Một sáng thức dậy, Diễn quen lệ nhìn qua bên nhà chàng Mễ đẹp trai thì giật mình thấy cửa garage bật tung lên nửa chừng, để lộ ra nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh linh tinh.  Không thấy có xe nào tới đậu trước cửa, Diễm qua xem mới thấy cửa garage đã bị kẻ gian đêm qua bổ một búa vào giữa lủng một lỗ, cửa nhôm móp trũng, cây đẩy mắc kẹt trong rãnh sắt trên cao, không cách nào kéo xuống hay đẩy lên cho cửa chui hẳn nằm lên trên, song song với mặt đất.   Suốt hai ngày liền garage cứ hở toác miệng ra như vậy, không hiểu ăn trộm đã lấy đi những gì.  Đi vòng ra cửa sau Diễm kinh hãi thấy cửa sau cũng bị đập bể kính và cạy ra toang hoác, nhưng bên trong, tủ lạnh, máy giặt, và Tivi còn nguyên.  Diễm vô check, thấy cánh cửa thông từ garage lên nhà trên may sao còn khóa chặt, trên sàn garage có một đống hộp sơn nhà, chổi và cào cỏ, các món đồ linh tinh không giá trị và môt thùng giấy tờ cũ.  Diễm đi làm mà cứ ngay ngáy lo cho những kẻ gian khác thấy trống, đột nhập vào phá phách ăn cắp thêm đồ. 


Hai ngày sau, thấy không có ai, Diễm qua lấy mấy hộp sơn lớn bỏ lăn lóc trong garage mang về nhà để dành sơn hàng rào gỗ, vì nay mai nhà bank tới cũng vứt đi, hai cái ghế nylon nhẹ, mấy cái chỗi quét cỏ. . .  Buổi chiều, nàng tìm được thùng giấy tờ địa ốc, vạch mấy tờ ra đọc, thấy có tên 2 người Latino độc thân cùng làm chủ đứng tên vay nợ nhà bank, Martin Ledesma và Ignacio Enriquee.  Chủ cho vay là một mortgage company ở tận tiểu bang Maryland.  Diễm không biết ai là anh chàng vui vẻ cười tươi, có lẽ là Ignacio.  Người đẹp chắc tên phải đẹp.  Có một cuốn phim Nam Mỹ nàng coi trước đây cũng có nhân vật chính là một chàng trai tên Ignacio, làm nghề đạo diễn.  Diễm thấy một khuôn hình bằng cuốn sổ có ảnh Ignacio cười tươi, ngồi kề vai một cô gái lớn tuổi hơn, hình như là đồng nghiệp ở chỗ làm.  Nàng chộp lấy mang về bỏ trong garage, sau này có dịp gặp lại đưa trả cho anh ta làm quen. 


Qua hôm sau, cánh cửa garage có ai sửa, kéo xuống đóng lại.  Diễm bước sang coi thì gặp bà vợ ông láng giềng từ trong cửa hông tiến ra gật đầu chào làm quen rồi bắt đầu kể lể:


- Yeah, someone broke in.  Chúng nó phá cửa garage, đập bể cả cửa sau, nhưng không lấy gì cả.  Tôi đã gọi cảnh sát.  Ông sheriff tới 3 lần, coi rồi bỏ đi. They do nothing.


- Ai sửa cửa garage kéo xuống như cũ vậy hả chị" Diễm hỏi.
- Cái ông thầy giáo bên cạnh nhà tôi qua kéo xuống đấy.  Ignacio là godfather của thằng bé con trai ông ấy.  Họ là bà con xa với nhau, hay giúp đỡ nhau.  Lâu nay ông ấy vẫn trông chừng nhà giùm hắn.
-  Ignacio là cái anh trẻ trẻ hay cười phải không"
- Đúng rồi.
- Sao hai người chủ bỏ nhà đi sớm vậy" Theo luật, nếu họ không trả nỗi tiền nhà, họ có quyền ở lại thêm 6 tháng nữa mà.  À mà sao nhà bank chưa cho ai tới treo bảng bán hay niêm nhà vậy, chị có biết không"


Bà vợ lắc đầu nói:
-Tại vì chỉ mới ngưng trả tiền mới có 3 tháng.  Nhà bank cần làm thêm thủ tục mới có quyền tịch thu nhà.  Với lại bây giờ có quá nhiều người bỏ nhà khắp mọi nơi, nên họ cũng không đủ sức để mướn người tới niêm phong hay treo bảng.


Diễm lại tò mò chỉ cái xe jeep:


- Còn xe này họ mua trả góp hay trả off rồi mà bỏ đây luôn"
- Xe cũ. Chắc chỗ ở mới không đủ chỗ đậu xe.
- À, chị này, tôi có lấy một ít đồ và mấy lon sơn trong garage mang về nhà cất giùm, sợ kẻ gian tới khiêng hết đồ khi láng giềng đi vắng hết.  Khi nào Ignacio hay Martin trở lại, chị nói họ giùm là tôi sẽ mang qua trả nhé.
- À, ngày mai Ignacio tới đó.  Ông thày giáo có nói chuyện cửa garage bị phá và gọi hắn tới rồi. Chắc hắn không cần mấy đồ linh tinh đó nữa đâu.
- "Vậy hả, tốt lắm, tôi sẽ qua nói chuyện".  Diễm mừng rỡ, chào về.
Cũng may, sáng hôm sau là thứ bảy nghỉ làm, nên Diễm ở nhà để ý canh chừng chờ đợi Ignacio tới.  Lấy đồ của họ mang về nhà mình, tuy là cất tạm, nàng cũng thấy kỳ kỳ.  Khoảng 11 giờ Ignacio tới thật, Diễm hồi hộp thấy hắn nói chuyện với bà vợ ông đúc ximăng, vẫn dáng người thanh tú, khỏe mạnh, tóc đen, mắt sáng, da trắng, miệng cười tươi vui thân thiện. 

- Hello. . .  Ignacio à, garage anh bị phá cửa toang hoác nên tôi có lấy một ít đồ anh bỏ garage mang về nhà cất hộ, mấy hộp sơn, chổi, rake, ghế nylon. . .   khi nào anh cần thì tới lấy . . .
Ignacio cười thân mật:


- Cô là người Việt nam? À, tất cả những đồ bỏ lại đây đều thuộc về Martin , bạn tôi.  Tôi không còn cái gì hết.  Chắc hắn không cần nữa đâu, cô cứ giữ mà dùng.
- Anh và Martin là joint owners, phải không" Sao các anh bỏ đi sớm vậy, mình có quyền ở lại 6 tháng trước khi nhà bank "kéo" mà.  Anh mất job hả? Hay Martin mất job?
- Không có ai mất job hết.  Chúng tôi gây lộn nhau.  Với lại, cô biết, mỗi tháng payment tụi tôi trả tới 4000$ lận, luôn bảo hiểm cháy nhà và property tax,  mà cái nhà thì mất giá thê thảm, còn có 260 ngàn, bán lỗ đã đành, mà không ai thèm mua.  Cho dù bán được đi nữa thì tiền đâu hơn 100 ngàn nữa mà tôi bù vô trả nhà bank. Cô cũng hiểu kinh tế lúc này. . . . 
-  Hai anh mua nhà lúc đó bao nhiêu"
- Bốn trăm.  Tôi và Martin bỏ vô 40 ngàn down, mỗi người một nửa.  Mà thôi, coi như mình xui, ở nhà thuê giá đắt 2 năm qua.  Ra sớm còn hơn là sa lầy.  Biết tới bao giờ nhà mới lên giá lại mà chờ.
- Cái cậu sinh viên mọi lần ở, có phải anh cho share không" Anh tính bao nhiêu một tháng vậy" Giờ đi đâu rồi" Thấy thật tội nghiệp, hiền lành, ít nói .
- Tôi tính 350$.  Nó chả có ai bà con ở đây.  Bây giờ nó dọn về ở tạm đâu dưới Hemet.
- Anh có số phone nó không, gọi nó, nói tôi sẵn sàng cho share 300$ thôi. Tội nghiệp, lúc trước cứ đậu xe ngay trước cửa nhà tôi, bị tôi cự một lần, xách xe đậu tuốt đàng kia.
Ignacio cười ha hả, xòe cell phone ra:
- OK.  Nó mới gọi tôi hôm qua nè.  Để tôi gọi cho nó biết.
Diễm lấy một tấm business card ra dúi vào tay hắn, rồi khúc khích cười:
- À, tôi có giữ của anh một tấm hình chụp với "girlfriend" của anh, đem về để trong garage.  Qua tôi đưa cho.
 - "Thật sao"" Ignacio cười ngạc nhiên, nghĩ ngợi. "Hình nào nhỉ, đâu, tôi theo cô qua coi. .  . . À, không phải, đây là chị làm chung hãng, có chồng rồi.
-Anh làm văn phòng...   hay lao động tay chân"
- I move around...  Ground Supervisor.
Lúc Diễm và hắn đứng gần nhau trong garage nhà nàng, Ignacio xin lại tấm hình rồi chợt đăm đăm nhìn nàng nhíu mày:
- Sao mấy người Asian như cô ai cũng thanh tao, giữ eo bụng thon đẹp, hay quá" Đâu như tôi, ăn ít mà bụng vẫn cứ mập ra.
 Vừa nói, hắn vừa kéo áo lên vạch bụng cho Diễm xem.  Diễm cười tinh nghịch:
- Because we don't eat BEANS ... 
Ignacio bật cười, lườm một cái âu yếm, hiền lành:
- How rude you are! 
- Ok, thôi anh về.  Thỉnh thoảng ghé thăm chúng tôi nghe anh.  We miss you.  Nhớ nhắn cậu sinh viên...  I need a roommate.
- "I will. " Ignacio gật đầu chào Diễm, leo lên xe rồ máy đi.


Sau khi người thanh niên khả ái người Tây ban Nha đi rồi, Diễm có ý chờ đợi một cú phone, của hắn, hay của cậu sinh viên rụt rè cần share phòng, nhưng ngày này qua ngày kia, một tháng qua, tin nhạn vẫn bặt tăm.  Xóm nhà nàng ở hoang vắng, xơ xác, thưa thớt, vắng người.  Những buổi sáng hình như lạnh hơn, Diễm phải lôi chiếc mền len dày ra đắp.  Lá vàng lác đác rơi rụng trên các bãi cỏ vàng.  Mùa đông đang tới.  Ngôi nhà vách hồng trước mặt vẫn bất động im lìm, chiếc xe jeep trên thềm hoang đóng bụi ngày càng dày thêm, cây hoa hồng cạnh cửa hông bị mấy ngày gió bão thổi, ngã vật nằm xoài ra đất.  Hình như hôm nay trời có mưa lất phất.  Diễm bước qua vực dậy, cột thân cây vào trụ rào, thẩn thờ nhung nhớ.  Bỗng cell phone trong túi nàng kêu reng reng.


- Hello.  Ai đó "Who am I speaking to?"
- Me.  Ignacio.  Ignacio, your ex-neighbor.  Remember me"
- Oh, yes, I do.  Where are you "Que pasa"
- Cậu sinh viên cô nhờ tôi nhắn cho share phòng đó, có chỗ ở rồi.  Xin lỗi đã không cho cô hay.  Tôi vừa mới mất việc.  Bây giờ, người cần share phòng chính là tôi.  Cô có bằng lòng cho tôi share không."


Diễm ngỡ ngàng.  Hai con mắt đang tròn xoe sửng sốt vì cái tin bất ngờ bỗng dài ra, cong lên ở hai đuôi, kéo theo một nụ cười "happy" rộng toe toét dưới hai má ửng hồng vì e lệ.

- Oh, T. why not" Stop by after 5 pm today, or give me a call before you come.


Diễm tắt cell phone, hí hửng quay về nhà...   Nàng bất giác nhớ đến câu kết lãng mạn trong cuốn tiểu thuyết "Đoạn Tuyệt" của Nhất Linh hồi nhỏ ưa đọc.  "Ngoài kia có một người đang sung sướng.  Người đó đang đi ngoài mưa ướt, gió lạnh, mà quên cả gió lạnh, mưa ướt, chỉ thấy ấm cả một cõi lòng. . .  "


PHẠM HOÀNG CHƯƠNG

 

Ý kiến bạn đọc
02/07/202104:31:57
Khách
Bài viết Xóm Hoang của tác giả Phạm Hoàng Chương thật hay. Lời văn lại giản dị, mạch lạc. Tài viết văn của tác giả như vầy nên hèn chi được hai cây bút gạo cội của mục VVNM Trương Ngọc Bảo Xuân và Phùng Annie Kim viết bài khen ngợi.

Bài viết làm nhớ lại hồi bong bóng nhà đất vỡ thê thảm năm 2008, nhiều gia đình hoặc bị thu hồi nhà ở hoặc phải bán rẻ. Hồi đó lãi xuất thì thấp, tiêu chuẩn cho vay thế chấp thì lỏng lẻo, thiên hạ ùn ùn mua nhà, nên giá nhà cứ tiếp tục tăng và tăng hoài...cuối cùng thì thị trường nhà cửa bị xụm.
29/06/202113:52:21
Khách
Như Ý cũng như nhiều anh, chị, em trong nhóm Việt Bút rất bàng hoàng và thương xót khi nghe tin anh Phạm Hoàng Chương ra đi vĩnh viễn! Thôi, anh Chương ra đi thanh thản nhe. Anh giờ không còn đau nữa rồi.

Xin chân thành chia buồn cùng tang quyến. Cầu nguyện cho linh hồn anh tiêu diêu miền cực lạc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 692,669
Tôi có cô cháu dâu dể thương, có con học đại học University of Virginia và VA Tech. Cháu cho biết hai trường trên lá đổi màu rất đẹp và mời Ba Mẹ cháu, chị bạn, tôi đi xem lá vàng tiện thể thăm các con. Tôi nhận lời ngay và cháu đến đón chúng tôi vào buổi sáng đẹp trời. Mẹ cô và chúng tôi mang theo it nước uống, thức ăn dù không cần thiết.
Riêng Thịnh Hương thì rất vui được gặp lại anh chị Trần Dạ Từ Nhã Ca. Thấy anh đi đứng thẳng thớm và khá vững chaĩ sau cơn đột quỵ năm ngoái tôi mừng lắm. Anh chị là linh hồn của Việt Báo, là trụ cột của chương trình Viết Về Nước Mỹ. Nay anh chị đã quyết định giao “gánh sơn hà” lại cho con gái Hòa Bình để vui thú điền viên. Cầu mong con thuyền Việt Báo tồn tại lâu dài để những câu chuyện của người tỵ nạn có chỗ “dung thân” và đóng góp vào kho tàng văn hóa Việt Nam tại quê hương thứ hai ngày nay.
Nhưng lần tham dự Lễ trao giải kỳ này, em thực sự rất xúc động. Em chợt hiểu rằng, đây không phải là Viết về nước Mỹ. Đây là viết về Người Việt chúng ta. Về những câu chuyện đời góp nhặt trên quê hương thứ hai. Là cầu nối nhiều thế hệ người Việt lưu vong và cũng là cầu nối với người Việt trong nước. Để mọi người hiểu thêm về cộng đồng Việt Nam nơi này, đời sống ra sao, tinh thần, tình cảm thế nào.
Tôi mê xi-nê từ nhỏ. Ngày đó, mỗi lần được đi coi phim đối với tôi là cả một sự kiện lớn lao. Ba má tôi hiếm khi cho chúng tôi đi xi-nê ở rạp. Một trong những cuốn phim Việt Nam mà tôi còn nhớ đã được coi hồi nhỏ là cuốn phim đen trắng “Đôi Mắt Người Xưa” do cô Thanh Nga thủ vai chính. Trong lúc đó, trong cư xá sĩ quan nơi gia đình tôi cư ngụ, thỉnh thoảng có ông thiếu tá này hay ông đại uý nọ thường mượn máy chiếu phim của đơn vị về chiếu ngoài trời cho lũ trẻ trong xóm chúng tôi thưởng thức. Những cuốn phim đó không nhiều, thường là do Bộ Thông Tin & Chiêu Hồi sản xuất theo đơn đặt hàng của cục chiến tranh tâm lý thời đó. Phim thường nói về những cái ác của lính việt cộng và kêu gọi những kẻ lầm đường lạc lối đó hãy mau trở về với chánh nghĩa quốc gia. Hay có phim ca ngợi nét hào hùng của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, cùng nỗi niềm của người vợ lính có chồng đang xông pha nơi trận mạc, chưa biết ngày nào trở về đoàn tụ với gia đình. Có vài cuốn phim đó thôi, được chiếu đi chiếu
Chiều Chủ Nhật, ngày 5 tháng 12 năm 2021, Lễ Trao Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ 22 đã được long trọng tổ chức tại Hội Trường Đài Truyền Hình SBTN ở thành phố Garden Grove, miền Nam California, Hoa Kỳ, với sự tham dự trực tiếp của khoảng hơn 200 người, gồm các vị dân cử Việt-Mỹ, văn nghệ sĩ, các nhà bảo trợ, các tác giả VVNM, quý thân hữu, và đại gia đình Việt Báo.
Nhóm Việt Bút “âm thịnh dương suy”. Những năm về trước, trai đẹp, độc thân, vui tính, sồn sồn ở xa chỉ có Phan Hồ. Trai già rệu rạo còn liên lạc với nhóm VB đếm trên đầu ngón tay và đều rửa tay gác kiếm. Tếu chỉ có bác Tân Ngố và bác Ma. Bác Ma và bác Chương lên đường rồi. Bác Hân nghiêm túc. Bác Thời lụm cụm. Trai đẹp, tài năng cỡ Cao Minh Hưng hiếm như gươm (có chủ) lạc giữa rừng hoa. Gần đây có Lê Xuân Mỹ, Nguyễn Văn Tới…
Giữa tháng 10 hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tổ chức họp mặt và ra mắt tuyển tập sách. Chị em gồm chị Đỗ Dung, chị Phương Hoa, chị Kim Phú và tôi là hội viên đã mua vé từ hãng Southwest tháng 3 năm 2020, nhưng vì dịch Covid- 19 nên không thể thực hiện. Lần này muốn đi, vì dù sao có 2 mũi Moderna cũng tạm yên tâm. Chị Phương Hoa đầu tàu, cuối tháng 9 tâm trạng chị nửa lo âu nửa thích đi, nên đang còn dật dờ, phút cuối chị Phan Lang phone nói khéo sao mà chị PH quyết định mua vé, lần này chị Đỗ Dung vắng mặt vì sức khỏe không được tốt.
Sau vài buổi hội họp, cân nhắc, bàn tán qua “Zoom meeting”, chúng tôi quyết định sẽ tổ chức “Đỗ Family Reunion” năm nay. Trừ những tiểu gia đình có con nhỏ chưa được chích ngừa, đại gia đình họ Đỗ sẽ lại hội ngộ, chung sống với nhau dưới cùng một mái ấm của Đỗ Gia Trang, Colfax- California suốt bốn ngày lễ Thanksgiving. Suốt mấy tuần lễ qua, chị em chúng tôi đều háo hức, nôn nóng được gặp lại nhau “in real life”.
Ngày 28.04.1975, người viết quay trở lại tỉnh vì bà xã hết hạn nghỉ phép, nhưng khi đến ngã tư Hóc Môn thì bị chặn lại không thể đi tiếp. Nhân viên kiểm soát cho hay hai bên đang đụng độ tại xã Tân Phú Trung thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, giáp ranh với Hóc Môn tỉnh Gia Định. Đang phân vân, không biết nên chờ đợi để về tỉnh, hay quay lại Sài Gòn thì gặp anh bạn làm việc thâm niên tại US Embassy. Anh bạn này trao cho người viết danh sách 17 địa điểm và cho biết vào "giờ thứ 25" máy bay trực thăng từ đệ Thất hạm đội sẽ đáp xuống 17 địa điểm này để bốc người ra hạm. Anh ta dặn dò người viết cần mở đài radio của quân đội Mỹ băng tần FM. Khi nghe đài radio phát thanh bài hát White Christmas và loan báo thời tiết Sài Gòn "nhiệt độ 105 độ và đang gia tăng " tức là lệnh báo hiệu "giờ thứ 25" đã điểm
Steven với chị lâu nay đi chung xe, làm chung hãng, lại là đồng hương gốc mít với nhau. Steven cũng thấy chị Châu vốn bẳn tánh như thế, nhưng không ngờ đến mức độ này. Mới chỉ là cái danh hão, nếu mà cái danh thực có lợi thực thì còn đố kỵ cỡ nào nữa đây, thật ngán ngẩm cho đồng hương của mình. Hãng MITF này có đến bảy trăm con người, đồng hương gốc mít đếm không đủ mười đầu ngón tay, lẽ ra phải đứng chung với nhau, bảo vệ nhau, đằng này cứ nhè nhau mà kéo xuống. Thậm chí có ai đó còn nói:” Mỹ, Phi, Mễ, Xì… ăn không sao. Mít mà ăn là không được” lẽ nào dân mít với nhau cứ kèn cựa bôi mặt đá nhau như thế? Sau lưng chị Châu P có thằng Henry V chống lưng. Vị trí thằng Henry rất cao, chỉ dưới vài người nhưng trên bảy trăm người. Thằng Henry V dân gốc Lạch Tray, gia đình vào Sài Gòn sau bảy lăm. Nó vốn ma lanh và nhiều tiểu xảo vì vốn xuất thân từ hàng rong chợ trời, nhảy tàu ở Cống Bà Xép. Vượt biên sang Mỹ rồi chịu khó đi học và may mắn hơn nữa là nó vào hãng này đúng thời điểm