Hôm nay,  

Má Tôi

07/05/202100:00:00(Xem: 7438)
HINH VIET VE NUOC MY

Má tôi. (hình tác giả cung cấp)

Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
 
***
 
Gia đình đông con gái. Ông ngoại tôi làm nghề chẩn bệnh, bốc thuốc, là người giỏi Hán Nôm, ông viết chữ Nho rất đẹp nên lúc xưa nhiều người hay đến nhờ ông viết những câu đối để đi đám Tân gia, chúc mừng này nọ hoặc viết liễn cho đám tang.

Bà ngoại sinh cho ông tôi cả đàn con gái, chỉ có một cậu nhưng cũng qua đời khi còn rất nhỏ. Mấy chị em gái của Má ai cũng trắng trẻo, đẹp gái.

Má tôi xinh xắn, mặt tròn, môi chẻ giống ông ngoại y tạc, lại là người thông minh lanh lẹ, ham học chữ. Ở cái làng quê Quảng Nam xa xôi gần miền núi, hình như con gái trong làng đồng lứa chỉ có Má là chịu ôm tập đến trường học cho đến...hết lớp, thời đó chắc là xong bậc tiểu học.

Đến lúc ông ngoại gả Dì Hai cho con trai một gia đình nhà buôn ở Hội An thì Má theo dì Hai học làm bánh trái, nấu ăn, thêu thùa may vá. Năm tròn mười tám tuổi, ông bà ngoại gả Má cho con trai út một địa chủ trong làng. Chưa biết mặt, chỉ biết mọi người hay gọi người đó là Cậu Mười. Dẫu không muốn, cũng không thể từ chối vì tục lệ ngày xưa “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó!”

Cậu Mười làm rể nhà ông ngoại hai ba năm vẫn chưa cưới đựợc Má. Cho đến một ngày, Má tôi khóc lóc xin bà ngoại: Thôi, con không lấy chồng được không mẹ ? Ông ngoại giận lắm, còn bà ngoại thì dỗ dành. Sau cùng mới biết lý do là Má đã nhận thư tình của một cậu học trò nghèo; gia đình ở một làng bên kia sông chạy tản cư qua.

Bà ngoại tôi biết người này vì những năm chiến tranh loạn lạc gia đình anh ta lánh nạn gần khu vườn nhà bà Ngoại. Lúc ấy, bà ngoại có cảm tình với cậu thanh niên là con trai một ông giáo chết trẻ, mẹ con đùm túm về quê ngoại. Bà tôi hay nhờ cậu những việc lặt vặt và cho ít khoai bắp mang về ăn. Ai dè đây là người đã để ý Má tôi thuở nhỏ.
 
Nói gì thì nói, Má tôi cương quyết không chịu làm vợ con trai ông địa chủ; người mà trước kia ông bà ngoại đã nhận lễ vật dạm hỏi gả má cho cậu Mười.
Thế là Má tôi cặm cụi, thức khuya dậy sớm, ra sức đi làm thuê làm mướn kiếm đủ tiền mua  sắm các lễ vật rồi tự ý má mang qua nhà ông địa chủ để “trả lễ” hay còn gọi là hồi hôn. Ông bà ngoại đành phải chịu mất mặt với làng xóm vì có đứa con gái bướng bỉnh. Sau đó, ba tôi nhờ mai mối đưa bà nội đến nhà xin hỏi cưới Má. Đám cưới thời Việt Minh tổ chức thầm lặng ban đêm nhưng cũng có đông đủ họ hàng của ba tôi từ các nơi về dự; có cả tấm hình chụp ba má ngày thành hôn đứng sau bụi chuối nhà ông ngoại.

Sau khi sanh được anh Hai và tôi thì má khăn gói giã từ quê mẹ, lặn lội theo ba  đi khắp các nẻo đường. Với công việc là một Trắc họa viên xây dựng cầu đường tốt nghiệp điểm cao ở trường Công chánh Liên khu 5, đời sống của ba má thời đó tương đối dễ chịu.

Mấy năm sau, khoảng 1961 thì ba má mua được căn nhà nhỏ tại Đà Nẵng. Trải qua mười mấy năm có được đàn con tám đứa như mong muốn bốn trai bốn gái. Ba vẫn chăm chỉ đi làm, má  không giỏi buôn bán nên ở nhà lo nội trợ, làm đủ các nghề may vá, đan len và chăm đàn con. Nói về hát ru con thì má tôi có thể được xếp vào hàng ngũ “sư phụ”. Cho đến bây giờ những câu hát ru từ ca dao hay những áng thơ tuyệt tác có hàm ý giáo dục: nhân lễ nghĩa trí tín... cho đến những câu chuyện tình chia xa thời chinh chiến... mà má đã từng hát ru vẫn còn đọng lại trong lòng chúng tôi. Có khi tôi nghĩ đó cũng là một cách dạy con nên người qua thơ ca hay ca dao tục ngữ, rất độc đáo của các bà mẹ Việt Nam.

Khi em gái út chưa được một tuổi, cùng với vận nước suy sụp gia đình tôi lâm vào cảnh nước mất nhà tan. Ba vào tù, mấy năm sau cả nhà tôi bị đánh thức một sáng sớm, tất cả đồ đạc và con cháu bị hốt lên xe đưa qua ở chung với một nhà khác bị trưng thu 1/2. Một mình má chạy ăn từng bữa cho đàn con, thêm gánh nặng lo thăm nuôi người chồng biền biệt phương xa. Đây là khoảng thời gian đầy khổ ải... “ai chưa qua chưa phải là người ...”

Kể từ khi làm vợ Ba tôi, trăm ngàn tính toán, nhà cửa, làm ăn đều một tay Ba lo toan, má đúng nghĩa là bà nội trợ đứng bên cạnh chồng trong những sinh hoạt gia đình và xã hội. Tánh má rất rộng rãi, hay giúp đỡ bà con từ bên nội lẫn bên ngoại tôi. Ba vào tù thì Má như người mất phương hướng, phải cáng đáng trăm bề từ con cái đến những đối phó bên ngoài. Rồi một ngày hết sức chịu đựng, má đâm ra... liều mạng. Nhất là sau khi đứa em trai bị buộc đi nghĩa vụ quân sự ở biên giới Tây nam rồi bỏ mạng nơi xứ người thì ... như giọt nước tràn ly. Má tôi phát khùng phản đối tất cả; từ phường khóm đến sở thương binh xã hội... má tôi chửi từ dưới lên trên. Bà nhất định không chấp hành bất cứ một chủ trương gì khi quan chức địa phương nhắc nhở. Đúng là tức nước vỡ bờ. Má tôi là người lý lẽ, can trường, không chịu luồn cúi. Điều này chẳng có lợi gì mà còn làm cho người đời không ưa, đem nhiều khó khăn cho gia đình trong hoàn cảnh thời đó.
 
Khi các  con đủ lớn để phụ má chạy chợ kiếm cơm thì ... lại một mình má đứng ra dựng vợ gả chồng. Niềm hạnh phúc của bậc cha mẹ ngày các con nên bề gia thất, Má tôi cũng phải đơn độc đem chai rượu cùng mâm trầu cau bé bé đi nhờ cậy bà con hai tộc nội ngoại dự lễ hỏi, lễ Chánh sính... Má tôi rất trọng lễ mễ kiểu xưa, có thể nói là người khó tánh.
 
Rồi thì cháu ngoại cháu nội ra đời. Ba từ ngục tù trở về trong ốm yếu bịnh hoạn. Cũng may, nhờ những việc làm phúc thời trước mà có một số người còn nhớ ơn đền đáp. Ba tôi có thuốc chữa bệnh, có công việc làm tuy lao động chân tay nhưng cũng góp thêm phần cùng má đưa đẩy đàn con cháu bớt đói khổ.

Và ... chương trình định cư nhân đạo tạo cơ hội cho một nửa gia đình thoát khỏi cảnh lầm than. Vì những rắc rối giấy tờ nhà cửa, má tôi chưa thể cùng đi. Mười năm sau đó ba má mới tao ngộ. Lúc đó cả ba má đều già. Khoảng thời gian chừng hơn mười năm tiếp ba má sống chung với tôi. Ba thích làm vườn, má thích nấu ăn và đan len. Những cái Tết có bóng dáng ba má bên nhau làm những món ăn ngày Tết luôn là hình ảnh đẹp trong ký ức anh em chúng tôi. Ba tôi là người giỏi giang và yêu thương vợ con hết mực.

Lúc trước ba là người thích đi du lịch nhưng từ khi má qua đây thì ba chẳng đi đâu cả chỉ quanh quẩn ở nhà ... theo lệnh bà! Má thích hoa cúc vàng thì sân trước ba trồng đầy hoa cúc. Má thích ăn ớt, ăn khổ qua thì vườn sau ba trồng đầy khổ qua, còn ớt thì thôi ... đủ loại. Má thích đan len thì ba là người mẫu áo len, mũ len, khăn choàng ... Bất cứ dịp lễ nào ba cũng tặng cho má tôi những món quà giá trị. Chị em tôi thường nhỏ to: Tụi mình tuy không tệ nhưng chắc chắn chưa có ai hạnh phúc như má.

Thời gian như bóng chim bay qua cửa, thoáng chốc ba má đã già lẩm cẩm. Cho dù lãng xẹt và có thể quên hết cả thế gian nhưng ba tôi lúc nào cũng chỉ để ý và một lòng chăm sóc má, hỏi han từng ly từng tí. Ba càng già càng hiền hậu bao dung thì Má tôi ngược lại. Má chướng một cách ... không ai chịu nỗi. Hình như chẳng có gì khiến má hài lòng.

Khoảng thời gian đầu thì thích nói không tốt, không đẹp về con cháu. Nghi ngờ đứa này lấy tiền của má, đứa kia mượn tiền mà không trả..., suốt ngày để má phải nhịn đói...Sau này thì cả ngày Má không mở miệng, không nói, không cười. Thèm ăn món này món kia, khi nấu xong, mời ăn, mời uống cũng không trả lời nhưng khi không ai nhìn thấy thì sè sự... ăn một mình. Than van nhớ con cháu mà khi con cháu đến thăm thì bỏ đi chỗ khác hoặc nằm dài ở sofa xem TV. Rên rĩ đau ốm, yêu cầu đi bác sĩ... đến ngày hẹn thì không đi. Hỏi má, khỏe lại rồi hả má ? Bà trả lời tỉnh bơ: không khỏe nhưng không thích đi ... Ngay cả khi ngủ trưa không đắp mền, ông ba nhè nhẹ lấy mền mỏng đắp cho... cũng bị người đẹp la lối om sòm. Nói tóm lại, tất cả đều là bịnh “truyền nhiễm” của một người già ... ưa gió chướng và thích được quan tâm.

Thật sự, khi má đã già thì đàn con cũng ... già. Tất cả cũng mệt mỏi khi phải nuông chìu mà không lúc nào má vui, hay nở nụ cười cho con cháu vui. Má hết trách đứa này thì trách đứa khác. Những đứa ở xa, vài tháng ghé thăm vội vã rồi đi về thì má quý lắm; còn những đứa ở gần, lui tới chăm sóc, lúc nào cần kêu là xuất hiện ngay; quan tâm đó má thường ... coi như cọng cỏ!

Anh chị em tôi nhiều khi cũng buồn nhưng ngồi lại nói chuyện tôi thường nhắn nhủ các em: “Gần 90 tuổi, má còn đi đứng còn tự ăn uống, tự vệ sinh ... tự lo cho bản thân được là phước nhà. Một đời má từ xưa đến nay chỉ là chồng và con. Những thú vui của má: nấu nướng may đan...cũng là phục vụ gia đình chồng con. Bây giờ tuổi cao mắt kém thì không còn hứng thú gì, thấy tội nghiệp! Cho nên má đâm ra chướng, khó chịu, xấu tánh xấu nết ... cũng là bịnh già. Người đời không bịnh này cũng bịnh khác, mấy ai tránh khỏi. Hãy nhìn dáng dấp nhỏ nhắn của Má mà nên thương, đừng trách, tám anh chị em mình cũng từ xương thịt má mà ra”.
 
Năm nay má tôi gần 90, mắt mờ chân chậm...rất giỏi là đã quyết tâm học để vượt qua buổi phỏng vấn và chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ, tháng 2 năm 2020. Thật đáng ngưỡng mộ.

Cuộc đời má tôi từ một cô con gái ông thầy thuốc đến làm vợ một ngài Đốc công, kỹ thuật cầu đường ... kiêm tù nhân 10 năm cải tạo. Ngày chồng đi tù bà chỉ vừa 40. Nhà bị tịch thu, không nghề nghiệp vốn liếng. Đàn con tám đứa, lớn nhất chưa xong lớp 12 và bé út chưa được 4 tuổi. Mà nay con của má đã làm ông nội bà ngoại, gian nan má trải qua thật không kể hết!
 
Nhờ Hồng phúc tổ tiên cũng như vòng tay bao dung của đất nước và người dân Hoa Kỳ, cùng với sự trả giá là hơn mười năm tù cải tạo của Ba tôi. Đến nay, gia đình chúng tôi đã may mắn sum họp. Tất cả đều có nơi định cư với nhiều cơ hội cho một tương lai tỏa sáng. Các con, dâu, rể cũng như cháu trai gái của Ba Má tôi đều là những công dân tốt, không ăn bám xã hội, không hư hỏng hay làm phiền gia đình. Ba Má bây giờ sống chung với gia đình em trai tôi; luôn được con gái đến chăm lo. Ba má xứng đáng được hưởng phước nếu so với nhiều ông bà cụ cùng hoàn cảnh.

Kết quả này của đại gia đình phải nhắc đến sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng to tát của Má tôi.   Má tôi không phải là bà mẹ hiền như trong thơ nhạc ca tụng về hình ảnh bà Mẹ Việt Nam. Má ít nói lời dịu dàng với bất cứ ai, kể cả Ba tôi,  đừng nói gì đến con cháu. Má tôi là người khẳng khái, quắc thước, và đầy nghị lực

Tuy ngày nay bà chướng chướng, rất khó chìu chuộng, không dễ gì làm cho bà nở nụ cười nhưng tận trong lòng anh em chúng tôi Má là một người vợ chung thuỷ của Ba tôi. Một người Mẹ đảm đang suốt đời vì chồng con. Tuổi xuân của má chưa yên vui thì hai vai một mình phải gánh nhiều khổ nạn vì thời cuộc.
Một hoa hồng hay vạn hoa hồng cũng không đủ để vinh danh những gì Má đã vì Ba và gia đình. Con cầu mong khoảng đời còn lại của Má bên cạnh Ba luôn bình an và thanh thản.
 
Happy Mother’s Day tất cả các bà Mẹ trên thế gian.
 
Nguyễn Diệu Anh Trinh
Atlanta tháng 5 năm 2021

Ý kiến bạn đọc
08/05/202114:29:48
Khách
"...má đâm ra chướng, khó chịu, xấu tánh xấu nết ... cũng là bịnh già ". Trích.

Thân mẫu của tác giả khi về già tính tình mới đổi khác nên con cháu có thể chịu đựng được vì nhận thức rằng đó chẳng qua chỉ là bệnh già. Chờ còn có không ít người , thời trẻ tình tình đã khó ưa hay gây gỗ , sinh sự với mọi người , về già , tật này lại càng trở nên tệ hại hơn nữa, làm như thể mình là vua, là chúa trong nhà, muốn mọi người phải lúc nào cũng chiều chuộng, cung phụng , còn không thì nổi cơn tam bành , thay vì phải nên đổi tính, đổi nết để mong còn dược đỡ đần trong những lúc tự lo không nổi. Ha, sau này khi nhắm mắt xuôi tay, chẵng lưu lại được tí chút luyến thương nào trong lòng những người ở lại. Trái lại, họ còn hoan hỉ, thở phào nhẹ nhõm, cám ơn Trời đã rước đi giùm " của nợ " !

Nội dung và lời văn của bài viết rất hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 699,190
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ.
Một tiếng động ngắn, gọn, của một vật gì nặng vừa rơi xuống nước, vang giữa không gian biển trời lúc ấy.Thời khắc ấy, tất cả đều im lặng trên chiếc ghe đầy người, đang trôi lênh đênh giữa biển Đông, chỉ còn tiếng sóng biển gờn gợn đập nhẹ vào mạn ghe. Một buổi sáng mai trên biển, biển rất êm, biển rất thanh bình, thế mà đã xảy ra một cuộc thủy táng trên biển. “Nam Mô A Di Đà Phật! Thương cho chị, cầu xin cho chị sớm được về nơi cỏi Phật!”Tiếng ai đó phá tan bầu không khí đang đặt sệt mùi chết chóc, lẩn ai oán, vừa đưa tiển một người xuống lòng biển. Hiền nằm đó trong phòng lái, nghe hết, nhưng không dám mở mắt ra, phải một lúc lâu sau, nàng mới dám hé mắt nhìn ra mặt biển, thế mà nàng vẩn nhìn thấy thân xác của một cô gái đang trôi dập dềnh cạnh chiếc ghe.
Tôi cũng không ngoại lệ, lớn tuổi rồi nên cũng đã buông bỏ được nhiều hỉ nộ ái ố cuộc đời, có cái mình tự buông, có chuyện thì trí nhớ như đám mây mù bảng lảng, lúc nhớ lúc quên. Nhưng rồi có vài mảnh đời trong quá khứ, chợt hiện lên mồn một như mới xảy vào hôm qua. Thôi thì ghi lại một lần để khép lại một trang đời chơi vơi buồn bã. Những quyết định xé lòng người khi phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, xa hết người thân yêu không mong một lần gặp lại. Đau lòng lắm chứ nhưng quê hương đã không cho mình một nơi chốn dung thân. Một lần đi là một lần vĩnh biệt!
Đây là một câu chuyện có thật, đã được nhân vật chính cho phép ghi lại và phổ biến. Hiện nay, nhân vật chính đang sống ở Mỹ, bên cạnh các con cháu thành đạt và hết lòng thương yêu Cô. Ngoài chuyện kể về con đường phấn đấu đem các con sang Mỹ của một người mẹ, câu chuyện còn ghi lại nhiều chi tiết trung thực trong bối cảnh xã hội miền Nam Việt Nam ngay sau tháng Tư, 1975, cũng như tấm lòng của người dân miền Nam đối với nhau trong gian đoạn vô cùng đen tối đó.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016 , Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Hai năm sau, một người đàn bà Việt Nam, trạc tuổi trên sáu mươi và đứa con gái khoảng tuổi đôi mươi dọn vào căn nhà cuối xóm. Họ giữ nếp sống âm thầm và khép kín. Nhưng sự gặp gỡ thường ngày và cái tình đồng hương trên đất khách quê người đã đem lại sự cởi mở, thân tình… Chúng tôi được biết: Đứa con gái sang đây học y tá, cha mẹ còn ở trong nước, nhưng họ mua căn nhà này để cho con gái có nơi ăn ở, tiếp tục việc học hành. Còn người đàn bà nêu trên là cô ruột đứa con gái. Trước năm 1975, bà là giáo sư dạy việt văn ở trường Trung học Phan Chu Trinh – Đà Nẵng. Sau năm 1975, người chồng bị đưa vào “trại tập trung cải taọ”, còn bà “mất dạy”. Cuộc đổi đời dâu bể đem đến cho bà biết bao đau khổ - không thể tả hết bằng lời. Bảy năm sau chồng bà trở về, cuộc sống lúc bấy giờ vô cùng cơ cực…Phong trào vượt biên, vượt biển bùng phát. Đây là cơ hội cho vợ chồng thoát cảnh lầm than. Chồng bà vốn Sĩ quan Hải quân đã từng làm Hạm trưởng, nên có rất nhiều “mối lái” đến khẩn khoản yêu cầu ông lái thuyề
Tác giả sinh năm 1945 tại Quảng Bình, di cư năm 1954; Trước 1975: Sĩ quan Quân Nhu, xuất thân từ trường Sĩ Quan Thủ Đức, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Đến Mỹ năm 1995 theo diện HO, cư ngụ tại Virginia từ năm 1995 đến nay. Đồng sáng lập Vietnam Film Club từ năm 2010 với cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Đã thực hiện và phát hành trên 40 DVD hoặc Video trên YouTube gồm các phim tài liệu, các cuộc phỏng vấn các nhân vật lịch sử Việt Nam và ngoại quốc, trong số này có Hồn Việt Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam, The Soul of Vietnam.
Tác giả sinh năm 1945 tại Quảng Bình, di cư năm 1954; Trước 1975: Sĩ quan Quân Nhu, xuất thân từ trường Sĩ Quan Thủ Đức, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Đến Mỹ năm 1995 theo diện HO, cư ngụ tại Virginia từ năm 1995 đến nay. Đồng sáng lập Vietnam Film Club từ năm 2010 với cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Đã thực hiện và phát hành trên 40 DVD hoặc Video trên YouTube gồm các phim tài liệu, các cuộc phỏng vấn các nhân vật lịch sử Việt Nam và ngoại quốc, trong số này có Hồn Việt Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam, The Soul of Vietnam.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.
Mới đó mà thời gian qua thật mau, lại tới ngày tôi chuẩn bị cho một chuyến công tác mới vào đầu tháng 3 năm 2021. Lần này tôi sẽ đi Iraq, nơi mới nghe tên, ai cũng hình dung ra chiến tranh, chết chóc, khủng bố và nguy hiểm đang chực chờ. Mọi người trên thế giới vẫn còn nhớ cuộc chiến tranh do Mỹ và đồng minh dẫn đầu, lật đổ nhà độc tài Sadam Hussein vì tội ác diệt chủng người Kurd trong chiến tranh và sự xâm lăng đất nước Kuwait. Cuộc chiến Vùng Vịnh, Gulf War, kéo dài 6 tháng từ ngày 2 tháng 8, năm 1990 đến ngày 28 tháng 2, năm 1991.