Hôm nay,  

Tháng Tư Nhìn Lại

27/04/202114:45:00(Xem: 6577)

Mỗi tháng Tư về, những người con Việt Nam tha hương như bị rơi vào hố khủng hoảng, những mộng mị đã trải qua sau 75, bị đi kinh tế mới hay nỗi hãi hùng khi vượt biển trước khi đến bến bờ tự do. Nhiều chuyện cũng phôi pha theo thời gian nhưng có những chuyện vẫn khắc sâu vào tâm khảm không thể nào quên.

Tôi cũng không ngoại lệ, lớn tuổi rồi nên cũng đã buông bỏ được nhiều hỉ nộ ái ố cuộc đời, có cái mình tự buông, có chuyện thì trí nhớ như đám mây mù bảng lảng, lúc nhớ lúc quên. Nhưng rồi có vài mảnh đời trong quá khứ, chợt hiện lên mồn một như mới xảy vào hôm qua. Thôi thì ghi lại một lần để khép lại một trang đời chơi vơi buồn bã. Những quyết định xé lòng người khi phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, xa hết người thân yêu không mong một lần gặp lại. Đau lòng lắm chứ nhưng quê hương đã không cho mình một nơi chốn dung thân. Một lần đi là một lần vĩnh biệt!

***


Cô gái ấy rời khỏi Việt Nam trong chuyến vượt biên định mệnh cuối cùng, một mình.

Lẽ ra nàng cũng muốn yên thân sau khi đất nước thống nhất một mối. Nhưng số cô truân chuyên, năm 76 đậu vào ĐHSP ban Anh Văn, học chỉ được nửa năm thì nhận được tờ quyết định cho nghỉ học vì lý lịch bằng giấy pelure xanh mỏng tanh mà thay đổi một phận người. Cô không bỏ cuộc, về lại địa phương miệt mài đi lao động rồi sang năm thi lại CĐSP AV, xong hai năm học nàng cũng không được bổ nhiệm vì lý lịch. Biết không còn đất dung thân trên chính quê hương mình nên cô và các em đã mơ đến một phương trời xa.

Mấy chuyến trước cô từng đi chung với các em của mình, bị bắt, bị bể. Cô đã từng bị giam ở Lao Thừa Phủ, từng chạy thục mạng đến bong cả da chân dọc theo bờ cát nóng đầy cây xương rồng ngoài cửa Tùng, cửa Việt, và suýt chết trong một chuyến đi bị bể ở Thuận An!!!

Cô được một bé gái đưa ra tàu lớn bằng chiếc xuồng nhỏ, không ngờ bị lộ, công an đã phục kích đầy trên tàu. Nhờ có người la lên nên cô bé xoay mũi xuồng và chèo lại vô bờ. Đêm 30 tối đen như mực, mái chèo khua tạo nên một làn lân tinh sáng loáng nên công an bắn súng theo. Tiếng đạn bắn chiu chíu trên đầu, cô cúi rạp xuống thuyền nghĩ rằng chắc đợt ni khó qua khỏi. Cô bé chèo thuyền vẫn mải miết, gần đến bờ, có lẽ cô sợ nếu có nàng là cô bị liên lụy nên cô đạp xuồng dìm nàng xuống nước và thoát thân một mình.

May sao, hồi nhỏ ở nhà Ngoại, đã từng bơi qua lại sông Hương và cồn Hến như rái nên cô trồi lên và cật lực bám theo vệt nước loang loáng đằng trước. Lên đến bờ vì quen địa hình nên cô bé lủi mất để cô đứng lơ ngơ giữa đêm đen không biết đây là chốn nào. Định thần một lát, cô thấy có bóng đèn xa xa nên đi lần tới. Tiếng đàn bà ru con ầu ơ trong nhà, cô đánh liều bước vào thú thật là vượt biên bị bể và xin trú nhờ. Người đàn bà nhân hậu đó đã nhen bếp lửa củi để cô hong khô quần áo. Ngoài đường tiếng súng ống lẻng xẻng, du kích chạy rầm rập, tiếng chó sủa tạo nên một âm thanh hỗn loạn. Người phụ nữ vẫn bình tĩnh nói với cô: Em ngồi hong khô áo quần đi, nếu tụi nó vào soát nhà thì em vào giường ôn mà nằm, để tui lo cho. Bấy giờ cô mới để ý đến cái giường có giăng mùng ở gian bên. Chị đàn bà vẫn ầu ơ ru con cho đến khi ngoài đường lặng im. Tờ mờ sáng, chị đưa cho cô một cái nón rách và bảo đi theo để chị đưa ra bến đò qua Thuận An lên Huế lại. Chuyến đó, một em gái cô bị bắt vì cá nhỏ đưa lên tàu sớm quá, cậu em trai út thoát được ở cửa Tư Hiền khi chủ tàu lên trình giấy tờ và bị tình nghi.

Lần cuối cùng là một chị hàng xóm quen, buôn bán hàng máy móc ở chợ trời Tây Lộc về báo tin có chuyến đi chắc chắn nhưng chỉ còn một chỗ và phải đi liền. Theo ước hẹn, cô về đứng gần nhà máy xay gạo ông Cúc, tay cầm cái nón, nghe xe máy nào dừng lại, bấm 3 tiếng còi là tự động leo lên không biết người dẫn đường là ai, phó mặc cuộc đời đưa đẩy đi bất cứ nơi đâu.

Qua đò Thuận An, về đến thôn Hoà Duân, được ém trong nhà một đêm để sáng mai đi sớm. May sao, người tổ chức chuyến đi là vợ chồng anh Lợi chị Anh, giáo viên và bạn thân dạy cùng trường với chị đầu của cô. Chuyến đi này khác hẳn những chuyến vượt biên thường tình khác vì đi vào buổi sáng lúc thanh thiên bạch nhật.

Kể ra thì cũng ly kỳ! Người tổ chức và ghe là của gia đình anh Lợi. Vì anh muốn đưa vợ và hai con trai cùng cậu em đi nên kế hoạch phải bảo đảm an toàn tuyệt đối với sự góp sức của một ông già khá giả trong làng để gởi gắm cô con dâu và cháu nội. Con trai của ông đã sang đến Mỹ hơn năm rồi, sợ lâu thì anh ấy thay lòng đổi dạ lấy Tây lấy Mỹ nên gấp rút đưa con dâu và cháu nội sang.

Vì sao phải đi ban ngày? Hồi đó phong trào vượt biên nở rộ, bờ biển được canh phòng cẩn mật nên khó đi thoát ngoại trừ mua bãi. Ông già và vài người khác lập mưu phao tin đêm đó có chuyến vượt biên nên du kích, công an ra đi tuần cả đêm, gần sáng mỏi mệt lết vô thì ngang nhà thấy ông đang làm thịt con chó sẵn tiện mời mấy chú ghé nhậu chơi. Khi thấy đủ mặt bá quan văn võ của đội đi tuần thì ông cho cô con dâu bồng con đi báo và lên thuyền luôn. Và cũng vì đi ban ngày nên có nhiều người đi hôi chật cứng cả ghe. Ra khỏi bờ một đoạn người ta mới bốc bớt những người đi hôi thả xuống biển cùng với một chiếc xuồng con để chèo vào. Thuyền an toàn ra khỏi cửa biển và đi mấy tiếng thì ra khỏi hải phận quốc tế, bấy giờ mọi người mới nhẹ nhõm và bàn tán râm ran. Cô được ngồi chung với gia đình chủ tàu, ăn uống thì khỏi lo nhưng mới đi được mấy tiếng là cô đã mửa ra mật xanh mật vàng. Thuyền đi được hai ngày thì gặp bão. Những con sóng lớn nhồi chiếc thuyền con như mèo vờn chuột. Ngọn sóng cao mấy thước tưởng chừng ập xuống là sẽ nhấn chìm tất cả vào lòng đại dương. Vậy mà không, con thuyền vẫn nhấp nhô trên mặt biển mặc cho mọi người nằm la liệt trên sàn, ói mửa vào nhau, chú thợ máy hét đến khản cổ để điều động một số thanh niên múc nước tát liên tục. Đến khuya bão lặng, mọi người nằm im tạm nghỉ đôi chút. Sáng ra, anh thuyền trưởng định hướng lại để tiếp tục cuộc hành trình thì mới khám phá ra cái la bàn không điều chỉnh được. Người tổ chức đã mua nhầm cái la bàn dổm đưa ra phía nào cũng chỉ hướng Nam cả.

Khi hiểu ra thì đã muộn, thuyền đã ra đến vùng biển nước màu tím thẫm, thả neo không đụng đáy. Chủ thuyền là anh giáo viên tin mình đọc được la bàn là ổn chứ không có kinh nghiệm đi khơi xa. Thợ máy thì có mà dân đi biển nhà nghề kinh nghiệm thì không. Con thuyền khi đó như một ngọn lá tre giữa biển cả mênh mông. Nhìn thấp thoáng xa xa như có con tàu lớn nên hy vọng lái tới gần để được cứu vớt. Đến gần thì đó là một trạm khai thác dầu của Trung cọng (vì nhìn thấy nhiều người đội nón có sao vàng trên đầu). Khi đến gần thì trên tàu phun vòi rồng xua đuổi, trong cái cảnh chín phần chết một phần sống, nước vòi rồng phun trúng thì chìm thuyền là cái chắc. Hắn nhìn thấy những chuyên gia người ngoại quốc đứng ở bong tàu làm dấu thánh giá là hiểu rồi. Đành phải lùi ra xa, mất phương hướng giữa biển cả mênh mông, thả neo lờ lững vì chạy nữa thì sợ hết nhiên liệu. Mọi người trên thuyền khi đó lặng im vì tình hình bế tắc, bi đát không lối thoát. Có một bà mẹ trẻ kiếm đoạn dây dài cột chặt tay của mình và ba đứa con nhỏ để có chết thì chết chung cả mẹ lẫn con, bà nói. Cô chỉ cảm thấy bình thản. Ừ, may mà mình đi một mình, có chết cũng không sao, chứ dẫn theo em út thì có phải ân hận không?

Con thuyền thả neo giữa biển hơn một tiếng đồng hồ thì bỗng đâu một đàn cá heo lượn đến bơi giỡn trước mũi thuyền, bên hông thuyền rồi lòn qua lòn lại dưới đáy thuyền. Những con cá heo khổng lồ, tưởng chừng chỉ cần hắn đội lưng lên là lật thuyền. Đàn cá heo bơi lượn khoảng 15 phút xong rồi tự dưng xếp hàng theo một hướng, trước mũi thuyền, sau đuôi thuyền, hai bên hông thuyền. Mấy người miền biển tin rằng cá heo đem điềm lành đến nên nổ máy đi theo hướng cá heo đã vạch. Chạy hú họa như vậy đâu cũng gần một tiếng bỗng dưng đàn cá heo lặn đâu mất tiêu không còn một con. Mọi người hoang mang, lại tắt động cơ và thả neo để con thuyền lênh đênh trên mặt biển.

Một lúc lâu sau, mọi người thấy xuất hiện một tàu đánh cá xa xa. Khi tới gần thì ngư dân biết là thuyền bị nạn vì không nổ máy và người say sóng nằm la liệt dọc ngang. Sau một hồi, tàu đánh cá thả xuống biển hai túi bóng lớn, một cái chứa mấy can dầu và túi kia có lẽ là thức ăn xong rồi đi mất. Mọi người trên thuyền bàn bạc với nhau. Nếu chèo tới lấy hai túi bóng cứu trợ thì cũng chỉ sống thêm mấy ngày, lấy dầu thì cũng chẳng biết chạy hướng nào mà những người trên tàu đánh cá sẽ an tâm và không cứu giúp mình nữa. Vì vậy nên mọi người cứ nằm yên chờ đợi và không nổ máy. Hai túi bóng cứ trôi dập dềnh mỗi lúc một xa.

Quả thật, vài tiếng sau, chiếc tàu đánh cá quay trở lại và ngạc nhiên khi thấy đồ cứu trợ vẫn còn trên biển. Họ cố gắng tiến lại gần để tìm hiểu nguyên nhân, họ là những người Hoa nói tiếng Cantonese. Trên thuyền thì không có ai biết tiếng Hoa, chỉ có một mình hắn biết tiếng Anh mà thôi nên anh trưởng thuyền nói hắn trình bày hoàn cảnh hiện tại và xin cứu giúp. Gió biển rạt rào và khoảng cách giữa tàu và thuyền quá xa nên nói không ai nghe ai được. Cuối cùng, họ ra hiệu thả dây xuống đưa cô lên tàu để nói chuyện. Cô sợ không dám lên một mình thì anh trưởng thuyền cử thêm 1 anh thanh niên lên chung với cô. May sao, ông chủ tàu đánh cá có cô con gái đi theo phụ việc nhân dịp nghỉ hè nên biết nói tiếng Anh. Sau khi trình bày, ông hỏi trên thuyền có bao nhiêu người. Con số 52 người làm ông sững sờ. Ông nói vừa mới ra khơi cho chuyến đi đánh cá 1 tháng nên không thể cứu giúp được nhưng ông sẽ cho người sửa máy (cô bịa là máy hư), cho lương thực, dầu và la bàn để có thể tự đi đến Hồng Kông.

Khi hai người thanh niên từ tàu ông mang đồ nghề lái xuồng nhỏ để sửa máy thì cô hoảng hồn, cô dùng hết sức bình sinh gào lên báo cho người trên thuyền biết để tìm cách tạm hủy máy. Anh thợ máy lành nghề không biết làm cách nào mà hai cậu kỹ thuật viên mày mò cả tiếng đồng hồ vẫn không sửa được cho máy nổ. Khi trở lại báo tin xấu thì ông chủ tàu suy nghĩ lung lắm. Ông nhờ cô con gái giải thích cho cô biết là cả tàu đánh cá của ông chỉ có 8 người: Ông, cậu con trai, cô con gái và thêm 5 bạn đi nghề thôi. Ông không thể đem 52 người lên tàu ông được. Sau một hồi thảo luận, ông bằng lòng chỉ cho phụ nữ và trẻ em lên tàu và buộc cô phải cam đoan an toàn, không cho phép người nào bén mảng đến khoang tàu của gia đình ông. Cô có trách nhiệm phải quản lý gần 30 người đàn bà con nít. Ông cung cấp gạo và cá, cô phải nấu cơm kho cá cho 52 người ăn nên năn nỉ ông xin thêm 1 cô gái chung thuyền phụ việc cho mình. Nấu xong chia đôi rồi phải thòng xuống cho mấy người đàn ông còn lại dưới thuyền. Tàu trực chỉ Hồng Kong kéo theo chiếc thuyền, đến nửa đêm cô nghe tiếng kêu gào tên mình: "Chị Sương ơi! Cứu tụi tui với, tụi tui sắp chết rồi!"

Thì ra, với vận tốc của tàu khi kéo theo chiếc thuyền nhỏ, con thuyền tròng trành lắc lư với vận tốc nhanh nên mọi người xâm xoàng, say sóng, mửa cả mật xanh mật vàng. Lại đi tìm ông chủ tàu thương lượng, xin ông cho mấy người thanh niên lên tàu và nói ông chủ thuyền của cô là một thầy giáo, có đem theo vợ và con nhỏ, sẵn sàng kết hợp với cô để giữ kỷ luật trên tàu.

Rồi ông cũng xiêu lòng, giăng dây trên bong, nhích đám đàn bà con nít vào sâu trong một tí, nhường phía bên ngoài cho đám đàn ông. Cô lại phải giải thích với anh trưởng thuyền để nhờ anh kết hợp giùm. Sau khi đưa hết mọi người lên tàu thì ông xả hết tốc lực trực chỉ Hồng Kong. Ba ngày sau thì đến trạm hải cảnh, tất cả mọi người được đưa lên xà lan nổi ở tạm. Cả gia đình ông chủ tàu đánh cá cũng bị tạm giữ để lấy cung vì họ sợ ông tổ chức đưa di dân lậu lấy tiền.

Ngày thuyền cô đến Hồng Kong (tháng 6, 1983) cũng là giai đoạn chính phủ bắt những dân tị nạn VN phải vào ở trại tù (closed camp) ở đảo Chimawan thay vì ở tự do và được phép đi làm việc ở trại Argyle (open camp).

Cũng chính vì vậy mà các đoàn báo chí đến tìm hiểu và cô được phỏng vấn ngay ngày đầu tiên vì biết tiếng Anh. Đại khái họ hỏi là lý do nào cô phải rời bỏ quê hương, cô có biết khi đến HongKong là phải ở trại tù không và cô mong ước gì cho tương lai.

Cô trả lời với phái đoàn CBS News và sau đó bản tin được phát đi bởi broadcaster nổi tiếng thời ấy là ông Dan Rather. Khi cô trả lời là vì muốn đi tìm tự do để có thể học hành, làm việc theo khả năng mình mà không bị giới hạn bởi sự trù dập xét theo lý lịch của chính quyền mới. Và tuy biết qua đây sẽ bị giam giữ trong trại tù trước khi được nước thứ ba nhận cho tỵ nạn nhưng cô vẫn bằng lòng đánh đổi để có thể tự do tiếp tục học hành theo ý muốn.

Sau này cô mới biết bản tin được phát đi khắp thế giới. Một người chị ở Mỹ và một người bạn ở Đức đã nghe bản tin và thấy cô trên TV. Và cuộc đời cô đổi thay qua lần phỏng vấn định mệnh đó. Một giáo sư người Mỹ đang giảng dạy ở Alberta University môn Chính trị Xã hội học cũng đã xem bản tin đó và có ý muốn giúp đỡ cô định cư để tiếp tục việc học hành. Ông đã gởi thư về ban giám đốc trại hỏi xem cô có muốn đi Canada không thì ông sẽ bảo lãnh. Vì nôn nóng đi định cư ở nước thứ 3 càng sớm càng tốt để làm lại cuộc đời nên cô bằng lòng. Thư qua tin lại rồi cũng đến ngày cô đến được Canada tại thành phố Edmonton thủ phủ của tỉnh Alberta.

Sáu tháng đầu cô được đi học Anh Văn để hội nhập. Xong rồi cô kiếm việc làm, lập gia đình, sinh con và có một cuộc sống hạnh phúc ở Canada - A truely paradise - Một đất nước yên bình.

Những tháng ngày ẩn mình ở trại tỵ nạn, cô khắc khoải nhớ thương những người còn ở lại và không bao giờ có hy vọng được gặp lại người thân yêu trong gia đình. Cô liên tục viết thư về cho người mẹ yêu quý đã hy sinh cả cuộc đời cho bầy con. Cô viết cho mấy đứa em tương lai bất định vì không được học hành. Đã lý lịch của Ba rồi thêm chị vượt biên thì mong chi mà vào đại học. Cô còn nhớ trong những lá thư viết về bao giờ cũng là nỗi nhớ quắt quay.

... Nằm ngửa nhớ nhà
Nằm nghiêng nhớ mạ
Nôn nao ngồi dậy
Nhớ hết mọi người ...

Mạ cô xót lắm nhưng đây là quyết định sinh tử đổi đời mà cô tự chọn. Cô tưởng trải qua bao cam go, tù tội chắc hẳn cứng cỏi, can trường hơn. Nhưng không, cô vẫn hiện thân là một cô bé mẫn cảm, dễ dàng rơi nước mắt khi thấy con ve ve bị tụi bạn nghịch chơi ngắt trụi cánh.

...Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà!
(Phạm Hữu Quang )

Cô gái nhỏ bé đó, bao nhiêu năm qua vẫn không quên được cái chết oan khuất của Cha mình, mỗi lần Tết đến là cô đã khóc thầm ướt bao nhiêu gối, vết thương trong lòng cô chưa bao giờ lành. May sau này người chồng khuyến khích cô viết lại câu chuyện "Đi Tìm Xác Ba" như một liệu trình chữa bệnh và quả thật công hiệu. Giờ vết thương của cô đã thành sẹo!

Một hình ảnh đã khắc sâu trong tâm khảm cô mãi mãi trên đường vượt biển là sau khi đưa hết những người từ thuyền nhỏ lên tàu lớn, ông chủ tàu đánh cá đã ra boong cúng vái và tự tay thả xuống biển những tờ giấy cúng như hình nhân thế mạng cho 52 người ông đã giành giựt từ tay thủy thần. Người đàn bà đã từng cột tay mình và 3 đứa con để cùng chết chung cũng quỳ xuống dưới chân ông và dâng hai tay một số nữ trang đem theo như một lời cám ơn cứu mạng. Ông từ chối không nhận một món quà nào hết.

Đến bây giờ lòng cô vẫn luôn ân hận đã không hỏi rõ tên ông để liên lạc sau này. Mỗi đêm tụng kinh và nguyện cầu trước khi ngủ, cô luôn cầu mong gia đình ông hưởng được phước lành cho cái ơn cứu mạng không biển trời nào sánh được. Những người đi chung thuyền sau này đã cám ơn cô, nói nhờ cô biết tiếng Anh nên cả thuyền được cứu vớt. Riêng cô, luôn nhớ đến ông chủ tàu người Hồng Kong như một ông Bụt, một Quán Thế Âm Bồ Tát hiện ra cứu độ cho 52 mạng người đã lâm đến bước đường cùng. Cô cũng nghĩ rằng có một bàn tay siêu nhiên huyền bí nào đó đã phù hộ mình và mọi người đến bến bờ tự do, vượt qua bao giai đoạn nằm chờ chết trong vô vọng. Cô nhớ đến ba, biết đâu ông linh thiêng ở cõi vô hình, dõi theo đứa con gái bé bỏng ông rất đỗi thương yêu đang gặp nạn. Không dưng mà đàn cá heo lại dẫn dắt con thuyền nhỏ của cô đến nơi các tàu đánh cá hay qua lại. Không dưng mà cô con gái ông chủ tàu biết tiếng Anh lại theo gia đình đi biển một chuyến cho biết để có thể làm sợi dây liên lạc giữa ba mình và cô.

Sống mỗi ngày, mỗi giờ, cô tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với ân huệ được gặp trên đường vượt biển và đường đời. Có lẽ người cha đã chết oan ức năm Mậu Thân luôn dõi theo và phù hộ cho cô?!?

Cuộc đời cô còn trải qua những cuộc tử sinh vì bệnh tật sau này nữa nhưng rồi cũng vượt qua hết.

Vì thế, cô sống thật nhẹ nhàng. Được mất hơn thua không còn ý nghĩa chi đối với cô cả. Sống khiêm tốn, ăn mặc đơn giản, niềm vui là thỉnh thoảng giúp được người này một ít, người kia một ít. Những cảnh đời bất hạnh vẫn đầy rẫy quanh đây. Cô thấy mình đã nhận được đầy ơn phước để vượt qua mọi nghịch cảnh, cô biết mình may mắn hơn người để có được một cuộc sống bình an như hôm nay nhưng trong thâm tâm vẫn là một người di tản buồn như lời bài hát của nhạc sĩ Nam Lộc mỗi tháng Tư về.

" ... Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa...

Tháng Tư nhìn lại.
Susan Nguyen
(Bài không dự thi Viết Về Nước Mỹ)

Ý kiến bạn đọc
30/04/202119:38:41
Khách
17/3/15- RFA : Vào ngày 30 tháng Tư, năm 75 , một người Việt bên Âu châu lúc đó là cô Phương Khanh thuật lại :
" Từ lúc bài quốc ca trổi lên bên trong hội trường thì rất là lắng đọng, rất là nhiều người khóc, nhiều người đứng sững. Lần đầu tiên tôi nghe hát quốc ca trên xứ người , nhìn lại lá cờ vàng ba sọc đỏ, lúc đó tôi không biết mình đang đứng đâu và mình làm cái gì nữa, chỉ có biết khóc, và khóc và khóc thôi!".

Anh Nguyễn Sơn Hà : " Sau ngày 30/4/1975, anh Trần Văn Bá kêu Hà và một số thanh niên Âu châu liên lạc với thầy Thích Minh Tâm, Cha Y, Cha Vân cùng đi qua Thuỵ Sĩ tuyệt thực để mà vận động Liên Hiệp Quốc cứu thuyền nhân Việt Nam. Vận động ròng rã thì đến năm 1977 mới có tàu Ile de Lumière (bên Pháp) và đến năm 1979 mới có tàu Cap Anamur (bên Đức)bắt đầu công việc cứu vớt thuyền nhân ".

17/3/15- Với chị Tuyết Lê, một thuyền nhân, nay định cư tại Hoà Lan thì ngày 30/4/75 là một ấn tượng kinh khủng trong đời. Chị thuật lại:
« Sau khi nghe ông Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng , cái cảm giác đầu tiên của tôi là cả bầu trời sụp đỗ, không ăn không ngủ suốt 48 tiếng đồng hồ. Những ngày sau đó tôi sống như một cái xác biết cử động, không biết làm sao tâm thần tê liệt, không phải vì sợ hãi mà không thể chấp nhận được sự việc vừa xảy ra. Sau những ngày kinh khủng đó , thì tôi nghĩ chắc chắn là mình phải đi tìm tự do, thà chết trên biển khơi, không thể nào sống với Cộng sản. Tại vì gia đình tôi đã trốn chạy Cộng sản từ Bắc vào Nam, thì bây giờ có thêm một lần nữa cũng chẳng sao.
"Chuyến vượt biên của tôi thật ra cũng có nhiều trở ngại, chiếc ghe dài 12 mét, rộng 4 mét, tất cả gồm 65 người kể cả trẻ con lẫn người lớn , lạc phương hướng, 2 đêm 3 ngày lênh đênh trên biển. Bây giờ nhớ lại ấn tượng hãi hùng ngày 30/4 thì nó sẽ mãi mãi là niềm đau của tôi ».
30/04/202100:21:32
Khách
* Văn hào Nga Aleksandr Solzhenitsyn- Giải Nobel năm 1970- viết ” Tội ác lớn nhất của những người được hưởng tự do là im lặng”.
*Được may mắn thoát chết khỏi Cuộc Thảm Sát Hàng Loạt Người Do Thái Holocaust (bởi chế độ Đức Quốc Xã Hitler) , ông Edward Mosberg phát biểu: " Quên và tha thứ cho cái chế độ tội phạm đó có nghĩa là quý vị đã giết các nạn nhân Holocaust đã chết đó thêm lần thứ hai. Chúng ta không thể để cho họ bị giết thêm một lần nữa . Chúng ta không có cái Quyền tha thứ chế độ tội phạm đó . Chỉ có những người đã chết mới là những nguời sở hữu cái quyền quyết định đó mà thôi " . “To forget and forgive would mean you killed the victims a second time,” he said. “We cannot allow them to be killed again. We have no right to forgive. Only the dead can forgive.”
* Họa sĩ miền Nam Tạ Tỵ - tù "cải tạo" sau 1975: ”Rồi mai đây, nếu vì may mắn nào đó, tôi được sống trong môi trường khác, tôi có bổn phận phải nhớ và nhớ thật kỹ tất cả những gì đã xẩy ra, đã khắc xâu vào tâm khảm tôi những chứng tích khổ đau, hờn hận “ .
* Trung tá CS Trần Anh Kim nói rõ về cái nguồn gốc của đảng Cộng sản : “Khi Đảng hình thành, họ thu nạp phần lớn những kẻ khố rách áo ôm, kém học vấn rất vô văn hóa, rồi Đảng dậy cho lũ cốt cán cách“ vu oan giá họa”, “ ngậm máu phun người”…Những thành phần này được tập hợp lại thành một tổ chức gọi là“ đảng Cộng sản Việt Nam”... Thời kỳ đổi mới, đảng Cộng sản Việt Nam lộ nguyên hình là một đảng ăn cướp. Hành vi ăn cướp của Đảng càng ngày càng thô thiển, trắng trợn, dã man, tàn bạo…, sự suy đồi về đạo đức cũng càng ngày, càng tồi tệ!”
* Vũ Quang Thuận (Tù nhân lương tâm ở Việt nam. Án 8 năm tù ): “Thằng (Hồ chí Minh ) đó nó khốn nạn lắm. Nó lừa dân mình. Dân mình ngu si không biết lại còn tung hô, dựng nó lên thành thánh.”
* Dương Thu Hương - nhà văn miền Bắc : " Cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam” là một “cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất trong lịch sử dân tộc”…Một khi đám đông nhận thức được rằng họ đã bị lừa, nhận thức đựơc rằng cuộc chiến tranh thần thánh mà kẻ cầm quyền vẫn rêu rao, thục chất chỉ là trò trẻ con bị xui ăn cứt gà sáp, và rằng đó là một cuộc dấn thân mù lòa vô tích sự ".
* Trung tướng cộng sản Trần Độ : Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thủy Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung Quốc, cộng với tội ác của các chế độ phát xít, độc tài. Nó tàn phá cả một dân tộc, huỷ hoại tinh anh của nhiều thế hệ .
* Giáo sư Hoàng Minh Chính – nguyên Viện trưởng viện Triết học Mác-Lê ở Hà nội: Nhà nước Cộng sản luôn tuyên bố rằng chủ nghĩa xã hội dân chủ gấp một triệu lần chủ nghĩa tư bản , nhưng thực tế cho thấy, chế độ hiện nay không bằng một phần của chế độ phát xít Hitle thời xưa.
* Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện : So với Đảng Cộng sản thì móng vuốt Thực dân Pháp êm dịu gấp 10 lần.
* Đại tá cộng sản Phạm Quế Dương – tổng biên tập tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân: Cộng sản vừa bất tài vừa bất lực, vừa bất lương.
* Nguyễn Văn Trấn : “Tội ác của chế độ này, từ 40 năm nay thật nói không hết...”
Nguyễn Văn Trấn là người lãnh đạo cuộc đảo chính cướp chính quyền thành phố Saigon ngày 25-8-1945. Chính Ủy Bộ Tư Lệnh Khu 9 . giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc. Vụ Phó Ban Tuyên huấn Trung ương . đại biểu quốc hội . Giám đốc công an Nam Bộ.
* Lê Công Minh - kỹ sư Phú Thọ, trưởng ty Công Chánh, tù "cải tạo" sau 1975 : Bọn cộng sản khác với bọn phát-xít. Bọn phát-xít yêu thương, quí trọng nhân dân chúng, bọn phát-xít đàn áp, bóc lột, giết chóc dân những nước khác, còn bọn cộng sản đàn áp, bóc lột, giết chóc nhân dân của chính chúng…
v...v...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 775,965
Khoảng mươi phút sau 12 giờ trưa, chúng tôi đến nhà BS. Lê Khôi. Vừa ra khỏi xe, và trong lúc chúng tôi đang bị choáng ngộp bởi sức nóng trên 100 độ, Thầy Minh Châu tươi cười bước ra tận cửa đón chào và mời chúng tôi vào nhà. Vừa vào bên trong, chúng tôi nhìn thấy Cô đang đứng giữa nhà, rạng rỡ chờ và xướng đúng tên của từng chúng tôi, rồi dang tay ôm choàng chúng tôi. Vài phút sau, tôi xin phép ra xe và lần lượt đem vào mấy giỏ, xách và gói. Bấy giờ Thầy Cô mới giới thiệu dâu của Thầy Cô, vợ của BS. Khôi, cùng cháu gái nội út rất xinh đẹp, thanh cảnh với làn da trắng mịn, ít vẻ á đông trên khuôn mặt. Cháu làm việc cho một công ty tại Mỹ sau khi tốt nghiệp Cử Nhân Toán Học từ Harvard và nay được công ty đài thọ gởi đi học tiếp 2 năm chương trình MA tại London School of Business, một trong những trường nổi danh hạng nhất thế giới. Chúng tôi không quên chúc mừng cháu.
Tôi đi như chạy trong hành lang của thương xá đang đóng cửa vắng tanh không một bóng người vì cơn Đại Dich Covid-19. Đây là Mall lớn và duy nhất trong thành phố Lafayette của tôi nhưng đã đóng cửa từ đầu tháng 3 do lệnh từ tiểu bang để chống lại sự lây nhiễm của Con vi rút Corona này ! Mall chưa bao giờ đóng cửa suốt gần 60 năm , cho nên đây chính là biến cố thê thảm nhưng dĩ nhiên không phải chỉ cho thành phố êm đềm của tôi , mà cho cả thế giới !
Hồi mới qua Mỹ, tôi định cư ờ một thành phố nhỏ vùng biển, mà dân chúng đa phần là người Việt, nghe nói nguyên cái làng chài ngoài Trung vượt biển qua hết đây, họ sống túm tụm với nhau , hàng xóm quen biết thân thiện từ hồi nhỏ , gần như nhà nào cũng sống bằng nghề đi biến y như bên nhà, thành phố có việc làm quanh năm cho mọi người khi xây dựng nhà máy chế biến cua ghẹ đóng hộp bán khắp nơi. Cuộc sống dân tình ở đây dĩ nhiên khấm khá gấp mấy lần bên quê nhà, vì tánh cần cù chịu khó của người quen với lao động tay chân dầm mưa dãi nắng, nên bước đầu khởi nghiệp của họ cũng dễ dàng hòa nhập trên quê hương mới, giàu thì sắm được vài chiếc ghe cào tôm, hay tàu cá ,nghèo thì theo làm “ bạn ghe” (người làm thuê cho chủ trên tàu trong mỗi chuyến ra khơi) cũng có của ăn của để, có nhà đẹp xe sang, nhưng cũng không bỏ được cái tật ham vui những lúc biển động nông nhàn, sau những chuyến ra khơi vất vả, tàu về bến nghĩ ngơi là họ lại rủ nhau đi Casino miệt mài vui thú đỏ đen, nghe đâu có n
Thằng mauricio làm tổ trưởng của nhóm này, nó chuyển đến Đào bang từ Tennessee, tuy nhiên quê quán chánh gốc lại ở tận Chicago. Cha nó đen và mẹ trắng, cái gene trắng mạnh hơn nên nhìn nó chất đen rất ít, tuy nhiên tâm hồn nó lại rặt chất đen. Nó mê đội Bravo và đội Panther như điếu đổ, nó không thích cá độ nhưng thỉnh thoảng cũng có cá cược chút chút theo cả nhóm cho vui. Nó vào hãng này cũng được năm năm rồi, nó chơi thân với Steven và cũng vui vẻ hòa đồng với cả nhóm. Steven thường chửi nó:
Trên đây là Email tôi gửi cho Supervisor báo tin ngày Thứ Sáu 10 tháng 09, năm 2021 là ngày cuối cùng của tôi làm công việc Crossing Guard. Ông Supervisor đã điện thoại đề nghị tôi làm thêm vài tuần nữa để ông có thể kiếm người thay thế vì tôi làm việc lâu năm, có nhiều kinh nghiệm và được bà con dành nhiều cảm tình đặc biệt. Tuy nhiên, tôi trả lời với ông là tôi không thể nào tiếp tục được! Dù tôi rất yêu thích công việc này và tôi cũng rất buồn khi phải giã từ công việc mà tôi đã làm nhiều năm, với bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Hiện nay, tôi đã lớn tuổi, sức khoẻ không còn tốt và không còn nhanh nhẹn như thời gian vừa qua.
Lúc sau nầy bà Ba lên cân đều đều.Hễ bữa trước có món cá kho tiêu, chấm rau lang luộc do người bạn hái cho, non trong, ngon quá, quất vô một chén cơm đầy thì, hổng nói thừa, bữa sau leo lên cân tăng liền 3 pounds,vì vậy bà Ba chỉ ăn cơm khi nào thèm lắm.Cứ hai tuần bà mới nấu 2 lon gạo, mỗi bữa ăn, chỉ hai muỗng, thêm nhiều rau củ, để cuối năm mới có hy vọng xỏ vô được cái áo dài đi tiệc thường niên.Vậy mà, cũng tại mấy chị bạn trên facebook.Mấy bả đó nghen,“ác” lắm
Như loài cỏ dại đang thời nở hoa, Bé vẫn đang ưu tư với những ước mơ vươn lên cố chạm được đến cái tinh tuý trong lối giáo dục của Nước Mỹ để sau này Bé có thể áp dụng phần nào vào công việc nhà giáo hiện tại để giúp cho trẻ em Việt Nam. Đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh bơ vơ như loài cỏ dại không tên không tuổi, nhưng biết là hoa dại có sắc và có hương vẫn gửi vào trong gió bay …
Họ là dân ở vùng Trung Mỹ. Trung Mỹ có 7 quốc gia, nhưng nhập cư vào Hoa Kỳ đông nhất là người: El Salvador, Guatemala, Honduras… Họ nói tiếng Spanish nên người mình gọi họ là “dân Xì”. Họ đi qua nước Mễ Tây Cơ (Mexico) để vào Mỹ nên gọi là “Mễ – “Mễ” hay “Xì” cũng rứa – Dù khác quốc tịch, nhưng họ nói cùng ngôn ngữ, nhân dạng giống nhau: mũi cao, da sậm. Đàn ông: cổ rụt, vai ngang, ngực gồ, chân ngắn, chiều cao trung bình như người Á Đông, nhưng trông họ vạm vỡ, mạnh khỏe hơn. Con gái “Xì” khá xinh, nhưng qua tuổi hai mươi lăm, phần đông phát triển quá khổ ở vòng số 2 và số 3 nên trông họ hơi xồ xề (có lẽ do chế độ ăn uống) nhưng nét lai Âu châu của họ làm cho: “quyến rũ - ưa nhìn”…
Khi Lisa càng lúc càng nghi chồng nàng có thể làm những chuyện đen tối sau lưng mình, Lisa nhất quyết phải tìm cho ra bằng chứng để chứng minh sự nghi ngờ của mình. Từ một mảnh giấy vụn Jerry vất vào xọt rác, nàng tìm thấy mật hiệu để vào máy vi tính của Jerry tìm đọc, xem những thư từ, hình ảnh chồng mình cất giấu từ bao năm qua. Trước đây nàng không nghĩ là mình cần phải làm những điều như vậy, nhưng đến nước này thì sự cần thiết cho một giải thích chính đáng đã khiến nàng vượt qua sự tò mò thông thường của các bà vợ theo dõi chồng mình. Sau một hồi lục soạn bao nhiêu danh mục riêng của Jerry, Lisa không tin mắt mình khi nhìn thấy một tấm hình làm tan nát tim nàng. Quả là nàng đoán không sai, người chồng mà nàng từng tin tưởng tuyệt đối nay lại có thể làm những điều tệ hại như thế này sao!
Đặc biệt sau biến cố năm 1975, dân chúng Việt Nam tỵ nạn được đồng minh và chính quyền Mỹ cho phép định cư vĩnh viễn trên đất nước dân chủ hòa bình tự do bình đẳng cuả họ, thì không chỉ phụ nữ được giaỉ phóng mà ngay cả những mớ bòng bong thời cổ, những rắc rối phiền toái thời phong kiến cũng không cánh mà bay vào dĩ vãng, chẳng ai phải tốn một viên đạn nào, chắng cơ quan xã hội, tự do dân chủ nào phải tổ chức hội họp tuyên truyền biểu tình mít tinh đòi hỏi, chống đối! Tự nó ngoan ngoãn đi vào ngăn cất của thời gian một cách nhẹ nhàng! Những ai còn cố chấp, sẽ bị chính bản thân họ dày vò, bất mãn, bất an, sầu đau, tủi phận…và bị xã hội đào thải, gia đình buông bỏ, sống một mình cô đơn ôm nuối tiếc cho một thời oanh liệt, vàng son đã qua… chờ ngày ngậm ngụi nơi chín suôí!
Nhạc sĩ Cung Tiến