Hôm nay,  

Em Phải Sống

21/04/202115:54:00(Xem: 4908)

Chu Lynh

Tác giả sinh năm 1945 tại Quảng Bình, di cư năm 1954; Trước 1975: Sĩ quan Quân Nhu, xuất thân từ trường Sĩ Quan Thủ Đức, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Đến Mỹ năm 1995 theo diện HO, cư ngụ tại Virginia từ năm 1995 đến nay. Đồng sáng lập Vietnam Film Club từ năm 2010 với cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Đã thực hiện và phát hành trên 40 DVD hoặc Video trên YouTube gồm các phim tài liệu, các cuộc phỏng vấn các nhân vật lịch sử Việt Nam và ngoại quốc, trong số này có Hồn Việt Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam, The Soul of Vietnam. 

***
 

Cắm xong ba nén nhang, tôi liếc nhìn bức hình của anh trên bàn thờ. Đại uý Nguyễn Tường Lân trong chiếc áo trận bạc màu, mất ngày 25.9. Hôm nay là ngày giỗ thứ hai mươi của anh. 

Bỗng tôi thấy anh nhìn tôi bằng cặp mắt kỳ lạ. Mọi thứ chung quanh như mờ dần. Mắt tôi chao đi, đôi mắt anh từ từ sáng lên. Không còn hoài nghi gì nữa, đôi mắt của anh trong ngày về phép cuối cùng đang trở về trên bức hình này. Tôi rùng mình. Có phải anh Lân muốn nói với tôi điều gì?

Tôi với tay lấy tờ báo đầy tro trên bàn thờ. Tờ đặc san Cảm Thông của Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp vận phát hành năm 1970. Tất cả những gì tôi còn giữ của anh là tấm ảnh này, chụp trong chuyến đi Nha Trang năm 1969 và tờ Cảm Thông có được từ gia đình anh tại Sài Gòn mấy ngày trước khi tôi vượt biên.

Ngồi xuống ghế, tôi mở tờ báo ra. “Chiến trường Đức Lập, ai sẽ sống sót” bài viết cuối cùng của anh về những ngày khốc liệt tại mặt trận Đức Lập.  Trong bài viết, anh mô tả xác bạn xác thù nằm chồng lên nhau là tấm ảnh tiêu biểu nhất của chiến tranh Việt Nam.

Hôm nay đọc lại bài viết, những hình ảnh quá khứ như vừa trở về đâu đây, đang dẫn tôi về lại những nơi hai đứa đã đến, từng bước chân hai đứa đã đi trên những nẽo đường thành phố cao nguyên. Bài viết như là hình ảnh thu nhỏ về cuộc chiến anh tham dự. Anh mỗi ngày đối mặt kẻ thù ngoài mặt trận. Tôi hằng giờ thấp thỏm chờ tin ở hậu phương. 

“Chiến trường Đức Lập, ai sẽ sống sót”. Thân xác anh đã về với tro bụi, nhưng hơn ai hết tôi biết anh đang sống bên hai mẹ con tôi. Những đồng đội một thời binh lửa với anh chắc khó mà quên được người chỉ huy sống chết với binh sĩ ngoài mặt trận.

Tôi nhìn lên bàn thờ lần nữa, đôi mắt như một lời nhắn hãy theo anh về lại mảnh đất miền Nam vấy máu, và một cuộc tình vỡ tan bởi mảnh pháo trên ngực người lính hai mươi năm trước…

***

Ngoại ô Ban Mê Thuột. Năm 1967.

Đang đẩy chiếc xe đạp lên bậc thềm, tôi nghe tiếng xe jeep trước cổng nhà. Anh Hai bước xuống xe. Dặn dò gì đó với tài xế rồi anh bước vào nhà. Thấy tôi, anh reo lên:

- Anh đang cần em đây.

- Có chuyện gì vậy anh?

- Chị Hai đã ra phi trường đón chú Khang. Vy đi với anh đến câu lạc bộ sĩ quan.

- Chỗ lính tráng em đến làm gì? 

- Không có chuyện gì, chỉ là đi ăn thôi.

- Không có chị Hai mới nghĩ đến em phải không?

- Bậy nà. 

Từ nhỏ đến giờ tôi ít khi từ chối anh điều gì, nhưng vẫn tìm cách thoái thác.

-  Nhưng em đâu có áo quần đi ăn, chẳng lẽ mặc áo dài trắng?

-  Vy mặc đầm của chị Hai cũng vừa mà.

Tôi đành làm thinh. Vắng chị Hai, căn nhà trống trải.

- Anh có người bạn vừa về hậu cứ. Anh mời ăn cơm tối nay ở câu lạc bộ. Bạn cùng khóa rất thân. Vy đi với anh.

Cái lối xưng tên em gái làm tôi dễ xiêu lòng. Chợt nghĩ tôi có khi nào lạc vào rừng gươm của người lính, nghe nói họ nỗi tiếng táo bạo, tán tỉnh bất kể chữ nghĩa. Có anh Hai bên cạnh, tôi cứ thử một lần cho biết lính tráng có gì ghê gớm không.

Nhìn vào kiếng tôi thấy khuôn mặt nữ sinh ngây ngô của mình ửng đỏ. Chưa có người yêu, chưa biết vẻ vời, vậy mà hôm nay tôi có một cảm giác là lạ. Chiếc váy hồng nhạt của chị Hai cũng vừa thân hình. Bắt chước chị Hai, tôi cũng tô chút son môi hồng.

Đứng trước mặt anh Hai, tôi hơi lúng túng trong chiếc váy. Anh như giám khảo đang ngắm nghía thí sinh trước khi chấm điểm.

- Em lớn hồi nào anh không hay. Từ hôm nay anh phải để mắt đến em mới được.

- Em còn ở tuổi học trò mà. Hay anh bày đặt tán tỉnh giùm ai đây?

Chú tài xế trở lại đón chúng tôi. 

Câu lạc bộ sĩ quan nằm cạnh Tiểu khu quen thuộc với tôi vì thỉnh thoảng ra phố thường đi qua con đường Thống Nhất này, nhưng lần đầu tiên tôi bước vào bên trong. Anh Hai cho biết câu lạc bộ dành cho sĩ quan, có nấu cơm tháng, cuối tuần có ca nhạc và nhảy đầm. Bước vào cửa tôi thấy những chiếc bàn vuông có nhiều sĩ quan đang ăn cơm. Anh Hai đảo mắt về phía quầy rồi đưa tay chào người nào đó. 

Vửa ngồi xuống, thì một sĩ quan mang cấp bậc trung uý tiến lại gần. Anh Hai bắt tay rồi nhìn tôi giới thiệu:

- Đây là anh Lân, cùng khoá với anh mới về từ Đức Lập. Còn đây là em gái tao, Thụy Vy. 

Anh Lân gật đầu chào tôi, nét mặt buồn buồn. Anh Hai gọi thức ăn, bia lạnh và một ly đá chanh cho tôi. Tôi lặng lẽ quan sát hai người nói chuyện. Suốt bữa ăn, anh Lân chỉ hỏi tôi vài câu về chuyện học hành, xem ra đầu óc để đâu đâu, thỉnh thoảng liếc nhìn tôi rất nhanh rồi lại tiếp tục câu chuyện của hai người lính. 

Thì ra họ là bạn cùng trường Quốc Học ngoài Huế, thi Tú Tài II xong là rũ nhau vào trường Võ Bị Đà Lạt.  Hai người lính xưng hô mày tao như hai cậu học trò thân thiết ngày xưa. Tôi ngồi im làm quen với chữ nghĩa của lính đánh giặc, bao lâu nay không có cơ hội biết đến.

Nhìn kỹ mới thấy anh Lân phong sương hơn anh Hai nhiều, có lẽ là lính ngoài mặt trận trong khi anh Hai đã về hậu cứ, thong dong hơn những năm trước đây lăn lóc nơi các tiền đồn ở Quãng Đức. 

- Mầy về nhà tao chơi một lát rồi đi đâu thì đi. Bà xã tao có hỏi dạo này không thấy mầy với Diễm ghé nhà.

Anh Lân vẫn làm thinh. Ăn xong, anh biểu tài xế lái một vòng phố Ban Mê Thuột. Anh Lân yêu cầu tài xế lái thật chậm khi qua đường Quang Trung. Nơi đây có một dãy quán bar dành cho lính Mỹ. Đèn quán vừa bật sáng. Tôi liếc thấy bên trái tên bảng hiệu Kim Bar kết đèn màu. Anh Lân cũng nhìn bảng tên này thật lâu, nhưng không có vẽ gì muốn tài xế ngừng xe lại. Tôi lạ lẫm về dãy quán này, cũng lạ lẫm về thái độ của hai người lính. 

Về đến nhà, đã thấy chị Hai đang sửa soạn cơm tối. Chị cho biết chú Khang đã vào Châu Sơn ở lại với ba mẹ. Anh Hai bảo tôi ở lại, đằng nào ba mẹ cũng biết, vì cuối tuần tôi thường ra đây dọn dẹp nhà cửa cho anh chị rồi ngủ lại.

Sau bữa cơm, chị Hai chợt hỏi anh Lân:

- Sao hôm nay Diễm không đi theo?

Anh Lân không trả lời ngay, một lúc sau mới nói từng tiếng một:

- Chuyện buồn về Diễm. 

Anh Hai ngạc nhiên hỏi.

- Diễm có chuyện gì? 

- Mầy nhớ con Thu làm chung với Diễm ở Kim Bar đường Quang Trung? Nó nhờ người ở Truyền Tin gọi cho tao. 

- Nhớ. Nhưng có chuyện gì?

Anh Lân lặng đi một lúc rồi nghẹn lại

- Diễm mất rồi. Tao vừa ghé thăm mộ.

Anh Hai biến sắc. Chị Hai sững sốt la lên. Anh Lân chùng xuống. Đang dọn dẹp phòng khách, tôi bỗng quay nhìn anh Lân thật kỹ. Cô Diễm nào đó là người con gái quan trọng của đời anh đã mất. Tôi nhớ lại khuôn mặt anh Lân buồn buồn tại câu lạc bộ, và mắt anh nhìn thật lâu vào quán Kim Bar khi qua đường Quang Trung.

- Diễm bị ung thư mà không biết. Hay Diễm biết nhưng không nói ra, kể cả gia đình. Tao cũng không biết. Chỉ thấy Diễm yêu đời hơn, sống những ngày hạnh phúc trọn vẹn mỗi lần tao về thăm.

Tôi cứ đứng đó lặng người nghe anh Lân nói về Diễm. Cái chết của Diễm thật bất ngờ, chỉ hai ngày sau khi nhập viện vì ung thư phổi. Tự nhiên tôi thấy thương cô gái xa lạ ấy. Mà sao anh Lân lại yêu một cô gái bán Bar, và anh chị Hai lại quan tâm đến cô gái này? 

Sau nầy tôi được chị Hai kể về mối tình của họ với lòng thương mến đặc biệt. Không phải mối tình của người lính ngang tàng với cô gái buông thả. Họ yêu nhau từ tuổi học trò ở Nha Trang, lạc mất nhau vì chiến tranh, gặp lại nhau trên đường phố Ban Mê Thuột. Thỉnh thoảng, họ đến thăm anh chị Hai, coi nhau như người thân trong gia đình. Đêm đó, không hiểu sao tôi cứ trằn trọc nghĩ đến anh Lân. 

Sáng sớm, tôi quyết định theo anh Hai vào phi trường L19 tiễn anh Lân lên trực thăng về đơn vị. Trên xe anh Lân ngồi với tôi ở băng ghế sau, có vẽ chú ý đến tôi chứ không lạnh lùng như hôm qua. Nét mặt vẫn thế, buồn, trầm lặng nhưng bình tĩnh hơn. 

Tôi làm một việc mà sau này nhớ lại thấy mình đi quá nhanh, nhưng tôi không hối tiếc. Tôi xin địa chỉ đơn vị anh Lân.

Lá thư đầu tiên tôi gởi đi sau mấy tuần lễ đắn đo. Tôi nhận thơ anh khoảng hai tuần sau đó. Anh cám ơn tôi đã tiễn anh lên máy bay, chúc tôi học hành chăm chỉ. Chỉ thế thôi. 

Tôi trở lại lớp học với chút vấn vương như làn khói nhẹ lững lờ trong đầu.

Rồi những lá thư tiếp theo tôi viết về cảm xúc của đứa con gái hậu phương mỗi khi thấy một toán lính đi qua khung cửa sổ. Tôi bắt đầu nghe tin tức chiến sự chị Hai đọc trên đài phát thanh, thích nghe những bản nhạc về lính, và các chương trình tiền tuyến hậu phương. Anh Lân khuyên tôi chỉ nên quan tâm việc học hành, chuyện chiến sự là chuyện của người lính. 

Xem ra lời anh khuyên chẳng tác dụng, vì tôi đã thành người lớn rồi, biết nghĩ tại sao tôi được tung tăng vào lớp học. Như có ai đã mở trí óc tôi ra. Tôi thương anh Hai nhiều hơn, thường xúc động khi nhìn những người lính lầm lũi trong mưa đi qua nhà tôi.

Tôi không xao lảng việc học, ngược lại càng chăm chỉ hơn. Cả lớp ngạc nhiên về sự thay đổi của tôi, không còn nghịch phá đám con trai, không còn nhiều chuyện với đám con gái. Anh chị Hai hài lòng, ba mẹ tôi vui, mấy đứa em có người chị nghiêm nghị hơn trước.

Những lá thư đều đặn qua lại, có chút lo lắng, có chút quan tâm, nhiều thứ dặn dò lẫn nhau đẩy tôi lại gần anh hơn. Tôi cảm thấy những lá thư ngầm chứa một thứ tình cảm khác thường vừa nẩy mầm. Đi lễ, tôi cầu nguyện cho anh được bình yên trong các cuộc hành quân. Tôi hẹn ngày Giáng Sinh anh về đi lễ với tôi, sẽ quỳ thật lâu bên hang đá cầu nguyện khi không còn ai trong nhà thờ. Tôi tìm nghe những bản nhạc về Giáng Sinh nói về tình yêu người con gái hậu phương dành cho người lính tiền tuyến xem tình yêu quê hương lớn hơn mọi thứ. Gần như mọi bài hát đều không có đoạn kết “tay trong tay khi đất nước thanh bình”, mà hầu hết người lính đều nằm xuống ngoài chiến trường. Có phải đó là số phận của người con gái hậu phương trong thời chiến. Những đoạn kết chia ly ấy dường như đã vận vào đời tôi.

Tôi không biết đã yêu anh từ lúc nào, từ những lá thư qua lại thường xuyên, từ nỗi buồn chiến tranh của anh, từ hình ảnh người lính xông pha nơi chiến trường, hay vì định mệnh đã đưa chúng tôi đến với nhau? 

Chuyện buồn về cô Diễm không hề nghe anh nhắc đến lần nào, nhưng tôi tin anh đã để vào một góc kín nào đó trong tim. Tôi cũng kín đáo tôn trọng nỗi buồn của anh. 

Ngồi trên hàng ghế cuối lớp học, tôi nhớ anh da diết, biết không thể sống xa anh được. “Anh Lân, em đã yêu anh”.

***

Đó là buổi chiều se lạnh, mưa lất phất, bầu trời quen thuộc của thành phố “buồn muôn thuở”. Tôi đến hậu cứ Trung đoàn của anh Hai để nói chuyện với anh Lân qua máy vô tuyến. Những lá thư không đũ cho tôi vơi bớt nỗi nhớ anh. 

Chiến trường nào đó tôi không biết, chỉ biết anh sống giữa bom đạn, hầm hố và hỏa châu. Đã ba năm yêu nhau, anh vẫn không cho tôi đến nơi đóng quân của anh. Suốt tháng nay, tôi không một tin tức về anh ngoài vài lần nghe anh Hai nói anh vẫn bình yên.  

Tôi run run cầm ống nghe. Anh Lân đang ăn cơm chiều với binh sĩ dưới hầm phòng thủ. Tôi xúc động khi nghe anh mô tả bữa ăn với gạo sấy và lương khô. Toán lính gỏ loạn vào nồi niêu chào mừng người yêu của lính. Họ cười vang, lại còn trêu chọc tôi mít ướt. Tôi bắt anh kể chuyện tiền đồn, chuyện những người lính của anh sống như thế nào giữa núi rừng.

Qua điện thoại, giọng anh nghe khác lạ, nhưng lại ấm áp, hơi thở như phà vào tai tôi. Thỉnh thoảng có tiếng gió rít xen vào khó nghe. Hình như có tiếng một người lính hỏi tôi có em gái nào chịu viết thư cho lính không.

Trong một giây, không ngăn được lòng mình, tôi nói thật chậm “Anh Lân, em yêu anh”. Nói xong, nước mắt tôi lăn dài trên má. Anh Hai ngồi kế bên cười tủm tỉm.

- Sao bây giờ mới chịu nói?

Tôi nguýt anh Hai một cái dài:

- Tại em muốn … để dành chứ bộ.

Đó là khoảnh khắc tôi nhớ suốt đời. Vâng, em yêu anh và không bao giờ hối tiếc đã xin địa chỉ lính của anh khi chưa biết anh là ai.

Bao nhiêu người tìm cách an thân thì anh Lân cứ miệt mài với những trận đánh. Đơn vị anh hành quân liên miên, hết quy mô đến lẻ tẻ, đụng độ du kích đến lính chính quy. Anh nói không thể tin được tụi lính Bắc chỉ là những đứa trẻ non choẹt đáng lẽ đến trường thì lại xung phong vào Nam đánh Mỹ cứu nước. Có một lần, anh Hai đùa với anh Lân:

 - Mầy cẩn thận nhìn cho kỹ mấy đứa cháu tao ở Bắc Ninh vào mà tha cho tụi nó.

Anh thường nói về số phận đáng quý nhưng lại bọt bèo của người lính ngoài chiến trường. Anh rất hiền khi về phép, nóng tính ngoài mặt trận, nhưng rất thương lính, quan tâm vợ con họ trong trại gia binh. Tôi nghĩ khó mà làm anh thoát ra khỏi nỗi buồn chiến tranh. Những lá thơ của anh thường viết về hai điều. Chuyện về người lính trận và chuyện tình yêu của chúng tôi. Đây là một đoạn:

“Người Việt đang giết người Việt. Vì đâu ra nông nổi này? Miền Nam bình yên không cần ai đến đây. Sao lại có cộng sản trên mảnh đất sung túc của chúng ta rồi phất cờ giải phóng dân tộc? Sao lại có quân viễn chinh đến đây? Họ tạo ra cuộc chiến để bán vũ khí, để đạt tham vọng, nhưng lại nhân danh bảo vệ tiền đồn của thế giới tự do. 

Người Việt sinh ra giữa cơn gió đồng nội, hài lòng với đám trẻ quê mùa ê a trong lớp học, hạnh phúc giữa tiếng pháo giao thừa trong xóm nghèo. Người Việt được nuôi sống và tồn tại bởi hơi thở của tổ tiên. Có quá nhiều hình ảnh đau thương ngoài chiến trường hay ở hậu phương vẫn không làm thế giới thổn thức. 

“Trước mắt, anh phải đưa tay bóp cò súng loại trừ kẻ thù để sống sót. Biết rằng ngày nào đó mình sẽ ngã xuống. Trước khi ngã xuống, người lính phải hiểu rằng họ hy sinh không phải cho một chế độ, cho một số người, mà cho mảnh đất đã sinh ra mình, đã nuôi nấng mình thành người Việt Nam”.

***

Ban Mê Thuột, 1970.

Tan học, tôi không về nhà mà đến nhà anh Hai vì cảm nặng ngay trong lớp, có lẽ tôi đã đi bộ dưới mưa ngày hôm trước. Anh Hai đã vào Trung đoàn từ sáng sớm, chị Hai thì có chương trình ở đài phát thanh Đắc Lắc. Tôi thành bệnh nhân không ai chăm sóc nằm mê man trên giường.

Khi thức giấc, tôi mờ mờ thấy một người đàn ông ngồi bên giường. Tôi giật mình nhận ra chiếc áo trận quen thuộc. Anh Lân. 

Tôi đoán anh đã ngồi nhìn tôi lâu lắm. Chuyến về phép nào của anh cũng ngắn ngủi và không khi nào tôi được báo trước. Trước khi tôi đưa hai tay quàng lên cổ anh, thì anh cúi xuống. Tôi nhắm mắt chờ đợi, nhưng anh chỉ nhìn tôi một lúc rồi đưa tay luồn vào mái tóc rối tung của tôi. Anh thường làm cử chỉ này với tôi trước khi nói điều gì đó. Hai đứa nhìn nhau thật lâu, mắt tôi ươn ướt.

Một lúc sau anh mới nói:

- Anh có ba ngày phép dành cho em. 

Tin vui bất ngờ làm tôi bật dậy, bắt anh dìu ra phòng khách. Cơn sốt bỗng biến mất. Tôi không nói một lời, vùi đầu vào lòng anh, im lặng nghe anh nói, cảm giác được che chở khi năm ngón tay anh tiếp tục lùa vào mái tóc tôi. 

Hôm đó anh cứ lẩn quẩn bên cạnh tôi. Không như những lần về phép trước đây, anh thường dẫn tôi đến cây số 14 đi bộ dọc con suối, lên thác nhà đèn chụp hình, đến Buôn Hô quen thuộc uống rượu cần, nói tiếng Pháp với mấy người Thượng lớn tuổi, hay thỉnh thoảng vào Châu Sơn thăm ba mẹ tôi. 

Sáng hôm sau, anh liên lạc với một người bạn trong phi trường L19 xin quá giang hai chỗ về Nha Trang. Tôi thấy anh khó hiểu, nhưng vẫn ngoan ngoãn theo anh. Đi đâu cũng được, chỉ cần có anh bên cạnh, người đàn ông thâm trầm, lắm bạn bè mà lại cô độc, gắn bó với gia đình mà vẫn lẻ loi, nhiều gian truân nhưng lại thích khôi hài. Thật bất ngờ, anh Hai không phản đối chuyến đi của tôi. Tại anh muốn chiều tôi hay anh và anh Lân đều là những người lính quý cái hiện tại hiếm có này?

Trước khi đến Khánh Dương, chiếc trực thăng bay vào một thung lũng hẹp giữa hai dãy núi. Tôi sợ hãi vì phi công lượn quanh co theo sườn núi đến chóng mặt. Anh Lân cho biết đó là chuyến bay cuối ngày về Bộ Chỉ Huy sau một ngày quần thảo trên rừng Quảng Đức. Anh nói tụi Mỹ ngán phi công Việt Nam gan lì. Họ thường liều lĩnh cứu phi công Mỹ, trong khi tụi Mỹ cần tới cả phi đội. Lần đầu tiên tôi phiêu lưu vào thế giới người lính trận. Liếc nhìn phi công rồi nhìn anh Lân, tôi thực sự thấy mình quá bé nhỏ trước những người lính ngang tàng coi thường sinh tử. 

Đến Nha Trang thì trời đã về chiều. Nha Trang không có không khí chiến tranh như Ban Mê Thuột. Màn đêm đã phủ lên thành phố, nhưng đằng sau cái bình yên này, có gì đó đang âm thầm chuyển dịch. Tình yêu của chúng tôi đang nằm giữa chiến tranh và bất ổn, nhưng tình yêu vẫn cứ lớn dần.

Hôm nay với tôi, giây phút bên anh lớn hơn bất cứ điều gì chung quanh. Lần đầu tiên tôi đi xa với một người đàn ông. Ngồi trên chiếc cyclo chầm chậm trong buổi chiều êm ái của thành phố biển, tôi nói chậm rãi bên tai anh là tôi không thể sống xa anh được. Anh nhìn thật lâu vào mắt tôi rồi hôn lên môi tôi nóng bỏng. Người tôi mềm đi trong vòng tay rắn chắc của anh. Bác xích lô dường như đạp xe chậm lại. Tôi nói nhỏ:

- Chút nữa cho ông nhiều nhiều tiền nghe anh!

- Nhất quỹ nhì ma thứ ba là …em. 

Thay vì nhéo anh, tôi lại rúc đầu vào lòng anh hưởng hạnh phúc đầu đời của đứa con gái hư hỏng, thật sự muốn hư hỏng bên người lính đang bảo vệ đất nước và bảo vệ đời tôi.

Hai đứa tắm biển một lúc rồi về khách sạn. 

Nằm bên anh trong căn phòng nhìn ra biển là một thế giới riêng tư tôi chưa bao giờ nghĩ đến, một hạnh phúc trọn vẹn chưa bao giờ gặp. Hai thân xác quyện vào nhau, truyền cho nhau giòng nước tình yêu chầm chậm chảy vào từng đường gân thớ thịt. Tôi bằng lòng thay đổi cuộc đời cô nữ sinh ngơ ngác để bước qua tận hưởng một thế giới tình yêu lạ lùng khiến tôi có thể chết đi trong vòng tay bảo bọc của anh.

Lúc này tôi không muốn nghe anh kể chuyện chiến trường, chỉ muốn nghe anh kể về tuổi thơ của anh. Những ngày thơ ấu của anh ở trường nội trú, những năm lang thang nhiều nơi tìm kế mưu sinh để tiếp tục học hành, hay quãng đời quân ngũ lăn lộn theo chiến tranh. 

Anh nói anh không có giấc mơ nào, cũng không thể làm gì cho riêng anh trong những ngày chiến trận sôi bỏng này. Tôi nhận ra tình yêu của chúng tôi giá trị như thế nào khi gạt ra những giấc mơ hay dự tính, để yêu nhau thật trọn vẹn và chấp nhận những gì xảy đến. Không biết tôi đang lãng mạn hay đang thách thức cuộc đời khi cho anh tất cả, thân xác này và cả sự lo lắng mạng sống của anh ngoài mặt trận.

Chiến tranh như bóng ma lởn vởn ngày đêm làm chùng lại mọi toan tính. Chúng tôi không có chuẩn bị nào cho ngôi nhà tương lai. Chúng tôi chỉ biết yêu nhau và yêu nhau. Anh cũng chưa có dịp đưa tôi về giới thiệu gia đình anh tại Sài Gòn. Cũng nhờ anh chị Hai mà cha mẹ tôi không hối thúc chuyện hôn nhân. 

Một buổi sáng Chủ Nhật anh Lân về phép rồi cùng tôi đi lễ nhà thờ Châu Sơn.  Sau thánh lễ, quỳ dưới tượng Chúa, chúng tôi có một ý nguyện chung là giao phó tình yêu cho đấng Tối Cao định đoạt.  Tôi có những cảm giác khác nhau sau lời cầu nguyện. Lòng tin vào sự che chở của Chúa, hạnh phúc về tình yêu anh dành cho tôi, nhưng vẫn lo âu cho những ngày sắp tới về số phận người lính trận giữa bom đạn gầm thét không biết ngày nào chấm dứt. 

***

Anh Hai lấy chiếc Honda 67 chở tôi chạy như bay khi nghe nhân viên hậu cứ báo trực thăng đang đưa thương binh về Trung đoàn. 

Anh Lân có tên trong danh sách thương binh. Tôi không khóc nhưng nước mắt cứ trào ra. 

- Nhanh lên anh Hai, em nóng ruột lắm! Anh Lân bị thương ở đâu? Sao không đưa vào bệnh viện quân y mà đưa về hậu cứ? 

Anh Hai phóng xe vù vù mà tôi cứ hối thúc anh chạy nhanh hơn nữa.

Đến doanh trại, đã thấy một chiếc trực thăng trên bầu trời đang giảm tốc độ. Trực thăng quạt mạnh vào những mái tôn, thổi tung bụi mù trong lúc đáp xuống. Tôi nhìn thấy hai người lính nhanh chóng lôi từng chiếc băng ca ra khỏi trực thăng. Máy bay vụt lên không, lao đi về phía phi trường Phụng Dực. 

Năm chiếc băng ca được đưa vào một nhà kho trống. Hai anh em tìm anh Lân giữa năm bao đựng xác. Tôi hiểu tạo sao máy bay không đáp xuống quân y viện. Anh Hai kéo tôi đến một bao xác, rồi kéo dây mở ra. Hai vũng máu khô trên thân thể người lính. Không phải anh Lân. Nhưng khi thấy bảng tên Lân trên túi áo lem luốc máu, tôi nhìn vào đôi mắt dường như còn hé mở của anh, tôi thét lên. Anh Lân!

Mắt tôi mờ đi. Tôi gục xuống ngực anh như một cái xác rồi không biết gì nữa.

Tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm giữa những thương binh trong Quân y viện Ban Mê Thuột. Chỗ này không phải dành cho tôi, là chỗ dành cho anh Lân. Anh phải được sống. 

Anh Hai đang nói chuyện với bác sĩ. Thấy tôi tỉnh lại, anh mừng rỡ, nhưng nỗi buồn thật nặng nề trên khuôn mặt.

- Em cần nghỉ ngơi cho khoẻ lại.

- Không. Em sẽ không cần nghỉ ngơi. Em sẽ ở bên cạnh anh Lân, em sẽ làm bất cứ điều gì một goá phụ phải làm. Em muốn về lại hậu cứ.

Anh Lân được liệm vào quan tài đặt trong doanh trại Trung đoàn, nhưng nắp vẫn để hở chờ gia đình anh ở Sài Gòn ra. Trên đầu anh là cây thánh giá, bức ảnh của anh lấy từ album của tôi phóng lớn ra. Hai bên quan tài có hai sĩ quan gác xác đứng nghiêm như pho tượng. Sĩ quan và binh sĩ lần lượt đến thắp nhang, có người nước mắt dàn dụa. 

Tôi, cô học trò Thụy Vi, người vợ chưa bao giờ cưới của anh Lân, không khăn tang trên đầu, lễ phép cúi chào đáp lễ từng người đến thắp nhang. Trong căn phòng nghi ngút khói nhang, tất cả đang là những nhân chứng cuối cùng tiếc thương, đau đớn, uất nghẹn về người lính trận Nguyễn Tường Lân đã ngã xuống chiến trường Đức Lập.

Tôi phải tỉnh táo ở bên anh, thu vào mắt những khoảnh khắc cuối cùng trước khi đưa anh vào lòng đất. Hơn ai hết, tôi hiểu sự hy sinh của anh quá lớn lao như những giòng chữ anh đã viết cho tôi: “Trước khi ngã xuống, người lính phải hiểu rằng họ hy sinh không phải cho một chế độ, cho một số người, mà cho mảnh đất đã sinh ra mình, đã nuôi nấng mình thành người Việt Nam”. 

***

Đại uý Nguyễn Tường Lân mất ngày 25 tháng 9 năm 1971, cùng ngày anh nhập ngũ. 

“Chiến trường Đức Lập, ai sẽ sống sót” bài anh viết như một lời báo trước về số phận của chính anh, hơn là viết cho độc giả.

Ước vọng một mái nhà cho hai kẻ yêu nhau đã tan thành mây khói. Không có hình ảnh hai đứa quỳ bên hang đá cầu nguyện, không còn những lá thư, không có hẹn hò, không bao giờ tay trong tay cho cuộc đời. 

Trước khi nằm xuống, anh Lân đã không biết một điều quan trọng. Tôi mang thai trong chuyến về phép cuối cùng của anh. Anh không biết mặt con. Bé Thụy Vân chỉ biết cha mình qua khung hình trên bàn thờ hay qua những chuyện tôi kể.

Anh mất đi, ba mẹ tôi mang vào lòng nỗi buồn đứa con bất hạnh. Khi biết tôi có thai, mọi người có những phản ứng khác nhau. Anh chi Hai là những người nâng đở tôi khỏi rơi xuống hố tuyệt vọng. Tôi quyết định nghỉ học tìm việc làm. Với tôi, đứa con sắp chào đời quan trọng hơn mọi thứ. Không có anh để đặt tên cho con, tôi đã ghép tên tôi và bút hiệu của anh thành Thụy Vân để nó mang hình ảnh của ba mẹ nó suốt đời. 

Tuổi thanh xuân của anh dành cho chiến tranh, anh chết cho quê hương nơi chiến trường. Nhưng may mắn, anh đã ra đi trước ngày miền Nam mất. Anh thoát khỏi những trại giam tàn độc của quân thù. Anh khỏi nhìn thấy quê hương tan tác sau 75. Anh không phải lênh đênh trên biển cả tìm đường sống. 

Anh Hai trong trại tập trung, chị Hai khốn đốn tìm đường mưu sinh vì nhà của bị cướp mất. Cũng may cha mẹ tôi còn đất để cày cuốc. 

Nhưng hai mẹ con tôi phải rời khỏi mảnh đất này.  Tôi tin anh Lân muốn mẹ con tôi ra đi. Tôi bất chấp mọi can ngăn của gia đình, bất chấp mọi rủi ro trên đường đi. Tôi nói thầm với anh Lân suốt cuộc hành trình bằng đường bộ: “Hãy bảo vệ mẹ con em đến nơi an toàn”. 

Cuộc hành trình đầy rủi ro, nhưng tôi tin anh Lân là tấm thẻ hộ mệnh cho hai mẹ con. Sau bảy ngày lẩn trốn trên đất Miên, rồi cuộc băng rừng gian nan qua biên giới Thái Lan, mẹ con tôi đến được trại Panatnikhom. 

***

 

 blank

  

Tôi đứng lên đặt tờ báo trở lại trên bàn thờ, bước đến bên cửa sổ, vén màn nhìn ra vườn. Cánh rừng sau khu vườn bây giờ trần trụi chờ bàn giao cho mùa đông đang đến gần. Tôi cố tìm bóng anh ẩn hiện đâu đó giữa những thân cây, ước gì thấy anh bước trên khu vườn phủ đầy lá khô tiến về phía tôi. 

Hôm nay ngày giỗ thứ hai mươi của anh, cộng với ba năm yêu nhau, tôi vẫn là người vợ không có ngày cưới. Tôi không được là góa phụ chít khăn tang cho chồng. Tôi không có khăn tang may bằng vải trắng. Khăn tang của tôi kết bằng nước mắt và đau đớn. Tôi không ngờ mình đã để tang anh trong lòng đến tận hôm nay, như một goá phụ thủ tiết thờ chồng. 

Có tiếng chân bước vào phòng, tôi quay lại. Vân và Quý đã về nhà. Hai đứa vừa đi tham dự buổi hội thảo của AEI tổ chức bên Washington D.C.

- Tụi con về hơi trễ, vì ghé tiệm mua hoa cho ba.

- Hoa đẹp quá. Thắp nhang cho ba đi.

Vân và Quý cùng bước lên cắm hoa vào bình rồi thắp nhang. Nhìn hai đứa đứng yên một lúc trước khi vái lạy, tôi nghĩ đến căn nhà sắp có thêm một đứa con. 

Tôi không có gì lo lắng về bạn trai của con gái. Quý là du học sinh, con của một sĩ quan bị kẹt lại Việt Nam vì không đủ điều kiện định cư theo chương trình HO. Học xong là xin ở lại. Quý đang học về Political science. Nó quen con bé trong một thư viện. Chuyện tôi vượt biên suông sẻ, cuộc sống của hai mẹ con bình yên nơi đất khách quê người, chuyện hai đưa đến với nhau, dường như mọi thứ xảy ra theo một trình tự ai đó đã sắp đặt. 

- Mẹ đã nấu cơm rồi. Hai đứa đói chưa?

- Tụi con chưa đói. Quý lên tiếng.

- Qua D.C. có gì vui kể cho mẹ nghe.

Vân nở nụ cười thật tươi. Con bé luôn luôn cười với bất cứ ai trò chuyện với nó.

- Sau hội thảo, tụi con ở lại nói chuyện với một giáo sư người Mỹ. Ông này nói tiếng Việt rất giỏi. Ông còn rành lịch sử Việt Nam nữa. Ông còn mời tụi con qua Oregon chơi khi có dịp. Mẹ cũng nên đi xa một chuyến với tụi con.

- Để qua mùa tuyết rồi tính. Hôm nay mẹ cho tụi con xem một bài viết của ba cách đây hơn hai chục năm.

Tôi đứng dậy định lấy cuốn đặc san trên bàn thờ thì Quý đưa tay bảo tôi ngồi xuống.

- Con biết mẹ muốn nói bài viết của ba trong tờ báo Cảm Thông phải không? Tụi con đã đọc mấy lần rồi. 

Thật ngạc nhiên vì tôi để cuốn báo trên bàn thờ chỉ mấy tuần nay, sau bao nhiêu năm cất kỷ trong tủ. 

- Hai đứa đọc hồi nào?

- Tụi con đánh được hơi của ba mà.

- Hay lắm. Tụi con nghĩ gì sau khi đọc bài của ba? 

Vân nghiêm mặt lại, cặp mắt hơi buồn:

- Con đọc xong là khóc quá chừng. Không ngờ mẹ giữ được bài viết của ba. Anh Quý rất xúc động cho rằng không có bài viết nào hay hơn được. Con nghĩ đó là di sản ba để lại. Tụi con hiểu được tình yêu của mẹ dành cho ba và sự hy sinh của ba cho đất nước.

Quý tiếp lời:

- Vân và con đã nói chuyện với nhau rất nhiều về bài viết của ba. Con nhận ra ba đã gián tiếp để lại bài học cho tụi con về xây dựng gia đình và có trách nhiệm với đất nước mình. 

- Con nói rõ hơn.

- Con đã nghĩ nhiều đến tựa đề “Chiến trường Đức Lập, ai sẽ sống sót”. Con không hiểu được ý ba khi đặt tựa đề. Có thể hiểu rằng sau khi chiến trường chấm dứt, bên nào sống sót sẽ làm chủ chiến trường. Riêng con thì rất thích bốn chữ “ai sẽ sống sót”. Con nghĩ điều gì sống sót sau trận địa, đó là sự hy sinh chứ không phải thân xác của người lính. Con đã hiểu được điều đó. Bạn bè của con trong nước vẫn tìm đọc tài liệu của những tác giả hải ngoại, không những về chính trị mà còn về hệ thống giáo dục và văn hoá của miền Nam trước năm 1975. Con muốn nói là chúng con phải tìm về nguồn.

- Những gì con nói là do ba mẹ con dạy dỗ hay do nhận thức của con? 

- Con nói một cách thành thật, có lẽ do kết quả của những lần trao đổi với Vân, những kiến thức từ môn học, và một phần từ gia đình con. Tuy nhiên một điều gì đó tiềm tàng khó hiểu từ sự hy sinh của ba, từ cuộc sống yên lặng của mẹ đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của con. Chính Vân cũng thừa nhận, mẹ ít nói khi dạy dỗ, nhưng Vân học được nhiều điều từ mẹ. Con biết mình may mắn khi có Vân trong đời con, và may mắn được làm con trong gia đình này.

Đến đây tôi thực sự xúc động, nhưng lại muốn che dấu niềm hạnh phúc của mình.

- Mẹ đói lắm rồi. Mình ăn cơm đi.

Vân chần chừ như muốn nói điều gì.

- Mẹ. Con muốn cả nhà mình thắp nhang cho ba thêm một lần nữa.

- Để làm gì?

- Để cám ơn ba lúc nào cũng ở bên hai mẹ con mình.

Quý nhìn tôi rồi nhìn Vân.

- Mẹ. Vân quên một người nữa cũng phải cám ơn ba. 

Vân thắp ba cây nhang mới. Hai đứa thì thầm gì đó tôi không biết. Nhưng nhìn vào đôi mắt anh Lân, tôi tin anh đang nghe rõ tụi nó nói gì. Hai mươi năm rồi, mẹ con tôi trải qua biết bao thay đổi, nhưng có một thứ không hề lay chuyển: tình yêu của tôi dành cho anh. 

“Ngày ấy hai đứa bên nhau trên mọi nẽo đường cao nguyên, yêu nhau mà không lo lắng về một căn nhà. Chuyến về phép ngập tràn hạnh phúc cuối cùng của anh. Rồi những buổi chiều bên mộ anh bên cạnh mấy cây bông sứ anh thích. Những ngày mò mẫm từng bước trong cánh rừng Miên tối om, để vượt qua biên giới Thái Lan. Và bây giờ mỗi năm trong ngày giỗ của anh, em luôn tin anh vẫn sống với mẹ con em. 

Anh có nhớ ngày em đến hậu cứ Trung đoàn nói chuyện với anh qua máy vô tuyến? Anh nhớ không? Nếu không nhớ, em nhắc lại câu nói trong nước mắt của cô nữ sinh lãng mạn với người lính chiến: “Anh Lân, em yêu anh”.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 692,698
Sáng nay đang suy tư, chìm đắm trong tiếng nhạc tình ca thì vợ tôi bước ra phòng khách và bật TV xem tin tức. Thấy trên màn hình chiếu các hình ảnh tối hôm qua; Ngày 02 Tháng 06 Năm 2021, dân chúng vui mừng tháo khẩu trang quăng vào những thùng sắt đang ngùn ngụt lửa đỏ trước các nhà hàng, thấy lạ! Vâng, đó là ngày Ohio “mở cửa,” quyết định gỡ bỏ lệnh đeo khẩu trang bắt buộc tại các nơi công cộng khi tình hình dịch bệnh đang giảm dần nhờ chính quyền của tân Tổng Thống Biden gia tăng thúc đẩy các biện pháp chích ngừa trong dân chúng. Nhìn mọi người reo hò sung sướng, những ánh mắt hân hoan rực sáng, những nụ cười rạng rỡ trên môi vì được tự do trở lại sau hơn cả năm dài u ám vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành tôi mới thấy thấm thía làm sao lời ca trong bài “Đời đá vàng” của Nhạc Sĩ Vũ Thành An.
Tác Giả VVNM Phạm Hoàng Chương sinh ngày 15 tháng 5, năm 1944 tại Phan Rang, Ninh Thuận. Ông tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu của Giải Thưởng 2000. Năm 2009, ông đoạt giải chung kết Vinh Danh Tác Giả-Tác Phẩm, sau đó vẫn tiếp tục viết và gắn bó với giải thưởng. Tin Ông ra đi vào thứ Sáu, ngày 25 tháng Sáu, 2021, hưởng thọ 78 tuổi là một mất mát lớn cho bạn bè văn hữu và giải thưởng VVNM. Việt Báo và Giải Thưởng VVNM xin được trích đăng loạt bài viết tưởng nhớ Ông, với bài “Tiễn Anh Lên Đường” của tác giả/giám khảo Trương Ngọc Bảo Xuân.
Tác Giả VVNM Phạm Hoàng Chương sinh ngày 15 tháng 5, năm 1944 tại Phan Rang, Ninh Thuận. Ông tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu của Giải Thưởng 2000. Năm 2009, ông đoạt giải chung kết Vinh Danh Tác Giả-Tác Phẩm, sau đó vẫn tiếp tục viết và gắn bó với giải thưởng. Tin Ông ra đi vào thứ Sáu, ngày 25 tháng Sáu, 2021, hưởng thọ 78 tuổi là một mất mát lớn cho bạn bè văn hữu và giải thưởng VVNM. Việt Báo và Giải Thưởng VVNM xin được trích đăng loạt bài viết tưởng nhớ Ông, bắt đầu với bài “Kỷ Niệm - với Anh Phạm Hoàng Chương” của tác giả Phùng Annie Kim, ngòi bút đoạt giải chung kết 2016.
Chị ơi, em có lịch phỏng vấn rồi! Mai nói giọng đứt quãng vì quá xúc động. - Nghe đâu mẹ con em là những người đầu tiên được làm hẹn khi Lãnh Sự Quán mở cửa trở lại đó chị ơi! Bọn em đã nhìn thấy “Ánh sáng ở cuối đường hầm,” Mai nói. - Em biết đây không phải là bước cuối cùng nhưng được lúc nào hay lúc ấy. Có ngày phỏng vấn là em quá hạnh phúc rồi, cái ngày mà hơn hai mươi năm nay em đã từng mơ, giờ đã tới.” Tôi cũng mừng đến nghẹn lời theo Mai, lòng thầm cám ơn Trời, Phật, Chúa... đã nghe thấy tiếng nguyện cầu của Tiến và Mai cũng như nghe những lời cầu nguyện của tôi cùng quý vị ân nhân, và độc giả của VVNM.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Hùng (con trai) và vợ là Vân sang nhà hàng cuối năm 2019, làm ăn chưa được 5 tháng thì bị tình trạng đóng cửa vì dịch bệnh, vợ chồng lo lắng xanh mặt, tình trạng kéo dài phải chịu trả tiền rent chờ đợi. Bao nhiêu tiền dành dụm trước đây đã đắp đổ hàng tháng, may có bà ngoại giúp đỡ và con gái lớn vừa học vừa làm có tiền dành dụm đưa ba mẹ. Hùng xót xa thương con, cha mẹ nào muốn con mới ra đời đã phải nặng gánh lo toan nhu vậy, nhưng tình thế làm ăn lao đao chung, nên đành phải nhận lòng hiếu thảo của con. Mấy tháng qua quán ăn được mở trở lại phục vụ dưới hình thức “Food togo”, nhưng nơi Hùng Vân bán, đa số là sinh viên thuê nhà chung quanh trường San Jose State University, nay các em học online tại nhà, vợ chồng cố cầm cự khách vãng lai, bỏ công cầu mong đủ trả tiền rent chờ đợi tương lai hy vọng sáng sủa hơn. Tình hình xăng dầu mắc mỏ, vật giá leo thang kinh khủng, Hùng Vân mua hàng thực phẩm giá cả tăng gấp ba, tháng trước vợ chồng hì hục dán thay đổi lên giá chút xíu khiêm nhườ
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây, là bài viết mới cho tháng.
Tôi không nghĩ có truyền thông thổ tả hay ý đồ chính trị bẩn thỉu gì ở đây như một số người đồn đoán. Bên Ấn Độ có bà quan chức nào đó kêu gọi uống nước tiểu con bò sẽ trị được COVID, vì con bò là linh vật của đất nước này. Bạn có tin được lời nhảm nhí đó không? Hãy sáng suốt chọn lựa đều tốt nhất cho bạn và gia đình của bạn trước khi quá muộn, đừng ngồi đó mà chờ đợi phép thuật từ Aladin.
Mọi người đều có một quan niệm sống riêng và tôi chọn cách sống âm thầm cầu nguyện, cố gắng giữ lòng luôn đi theo hướng Chân Thiện Mỹ -Nhẫn mà tôi yêu quý .Xin cầu chúc cho thế giới sẽ hòa bình trong sự sáng suốt hướng thiện sám hối của mỗi con người ;biết đâu đấy là Cộng Nghiệp của loài người , điều quan trọng để nhìn nhận mọi sự chính là lương tâm trong sáng , công bằng không vụ lợi,hay làm lành lánh dữ -việc xấu và nhớ coi trọng đời sống Tâm linh, cầu nguyện luôn. Con người cứ tưởng mình là chủ nhân ông của thế giới vũ trụ này khi đã đạt được nhiều thành tựu vượt bực về kỹ thuật khoa học, xây dựng, phát minh nhiều tiện ích sử dụng cho đời sống như điện thoại thông minh, Internet, remote điều khien từ xa. Không đâu ,cuộc sống của con người lệ thuộc rất nhiều yếu tố như Số phận, môi trường, đất nước, và bị ảnh hưởng cả bởi những người khác trong xã hội loài người...
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.