Hôm nay,  

Đói

13/11/202000:00:00(Xem: 9107)
HINH VIET VE NUOC MY

Trại súc vật, nơi mà tất cả mọi “con vật” đều đói bình đẳng. Ảnh internet.


Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019  Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.

 

***

Chúng ta đang sống trong một đất nước an bình, thịnh vượng, và no ấm nên ít ai phải bận tâm với cái đói; chúng ta chỉ lo hôm nay phải đổi món ăn gì cho ngon miệng mà không ngán. Vậy mà ngay trên đất Mỹ này, nơi mà thực phẩm, thức ăn đầy đủ nếu không muốn nói là dư thừa và rẻ nhất thế giới, tôi vẫn còn giữ cái tật không cần thiết là tích trữ thực phẩm, đồ ăn khô phòng khi đói, bảo đảm giữ được phẩm chất 10 năm, và vài thùng nước 20-gallon màu xanh. 

Tôi mua dự trữ rất nhiều từ các trang mạng như Walmart, Costco và chất đầy trong nhà. Khi đi công tác hải ngoại trong thời gian lâu ở các trại lính, tôi cũng cẩn thận lấy thêm nước chai và những thực phẩm để được lâu như protein-bars và cất chúng riêng trong phòng ngủ, đề phòng nếu có bất cứ điều gì xảy ra hay trại bị tấn công thì tôi không phải bị đói trong cơn loạn lạc. Bạn bè thường nói đùa, nếu thiên tai xảy ra, cứ chạy đến nhà tôi thì không lo đói.

Tôi vốn bị ám ảnh bởi cái đói triền miên, cái đói dai dẳng trong những năm tháng còn ở Việt Nam trong chế độ “thiên đường cộng sản” mà mọi người dân đều có quyền đói bình đẳng như nhau, chỉ quan chức cộng sản và gia đình họ là không được đói nghèo như nhân dân, cho dù ý nghĩa của chữ cộng sản mọi sự đều là của chung. Nhưng cái đói nghèo luôn thuộc về nhân dân làm chủ, trong khi giàu sang no ấm lại thuộc về những “đầy tớ” của nhân dân là những ông bà quan lớn nhà nước cộng sản.

Mỗi năm vào những ngày cuối Thu, khi những cơn gió len lỏi qua các khe núi, thổi xuống vùng thung lũng cùng với những trận mưa phùn mang theo không khí se se lạnh tràn về, báo cho tôi biết ngày Thanksgiving lại một lần nữa đang trở lại. Trong bầu không khí rộn ràng chuẩn bị mùa lễ hội, những dịp họp mặt sum vầy gia đình, người ta đi mua sắm tấp nập, xe cộ chạy kín đường, các bãi đậu xe chật kín. Trong các chợ, thịt thà, rau quả chất cao, người ta xếp hàng dài trả tiền ở quầy với những xe đẩy đầy ắp.

Năm nào cũng thế,tôi có thói quen lái xe xuống phố khu trung tâm của thành phố tôi ở, đảo một vòng qua các ngã đường tìm kiếm những người không nhà, đói khổ, lạnh lẽo đang nằm co ro ở các góc đường hay công viên. Sau khi ước tính con số bao nhiêu người, tôi ghé tiệm McDonald hay BurgerKing mua đủ bấy nhiêu phần ăn và mua dư ra thêm vài phần để lỡ có thêm vài người bất hạnh nữa mà tôi đếm thiếu.

Tôi vòng xe lại, ghé từng chỗ, đến từng người mà tôi đã đếm, hỏi thăm họ vài câu và tặng họ một phần ăn. Có người rất mừng và cám ơn rối rít với cặp mắt biết ơn; có người nhận với thái độ dửng dưng, lừ đừ đưa cặp mắt nhìn tôi, không buồn phun ra một lời. Tôi không bao giờ giận họ, ngược lại còn có phần thông cảm vì tôi biết họ vẫn còn ngầy ngật, váng vất sau cơn say ma túy đá với cái tẩu thuốc bằng thủy tinh cáu bẩn nằm cạnh bên.

Sau khi làm xong nhiệm vụ, tôi thấy vui hơn một chút, lương tâm thanh thản nhẹ nhàng vì tôi vừa làm xong một việc mà tôi đã thầm tự hứa trước đây, lâu lắm rồi, trong những ngày đói khổ. Ngày đó, tôi đã tự nhủ nếu một ngày tôi không còn đói nữa, có chút của ăn của để, tôi sẽ cố gắng giúp không để người khác phải chịu cơn đói hành hạ như nó đã từng hành hạ mình trước đây.

Nước Mỹ với những tòa nhà chọc trời và văn minh nhất nhì thế giới, vẫn có người lang thang không có được một mái ấm, một nơi tựa đầu; một đất nước dư thừa thực phẩm, vẫn có những em nhỏ đi ngủ với cái bao tử trống không. Có người còn nói ở Mỹ, muốn chết đói còn khó hơn làm giàu, đủ biết lương thực ở Mỹ dồi dào và rẻ biết là dường nào. Tuy không có nạn đói, nhưng vẫn còn nhiều người đi ngủ với cái bụng đói như những người không nhà này.

Tuy đất nước này không hoàn hảo, nhưng là một nơi rất đáng sống, miền đất mơ ước của mọi người dân trên thế giới. Chính phủ vẫn có chương trình giúp đỡ người nghèo cho họ đủ ăn đủ mặc, nhưng vì lý do nào đó riêng tư, những người này không muốn vào những mái ấm được lập ra, họ thích được tự do trong cách sống phóng túng của họ, muốn “lên tiên” lúc nào thì lên mà không bị gò bó trong giờ giấc.

Ngày trước ở Việt Nam, sau năm 1975, toàn dân Việt Nam đói, đói trường kỳ, đói dai dẳng, và “đói bình đẳng”. Người ở ngoài xã hội đói vàng con mắt, người trong tù còn thê thảm hơn nhiều: Đói, hai con mắt lờ đờ, cổ họng khô đắng, người váng vất, bụng sôi òng ọc vì toàn nước; đói, người hầm hập như lên cơn sốt, rã rời nhấc chân không nổi.

Tôi cảm nghiệm được cái đói kinh khủng lắm, nó theo tôi vào cả trong giấc ngủ: Tôi hay mơ thấy được ăn cơm với thịt cá ê hề, khi no nê rồi, tôi bay là đà qua các đồng cỏ mênh mông, hoa vàng trải dài khắp thung lũng và lưng đồi. Nương theo gió, tôi lướt bay lên đỉnh núi cao, gió vù vù bên tai, cái lạnh thấm dần vào cơ thể cho đến khi quá lạnh chịu không nổi, tôi tỉnh giấc, thấy mình nằm cong queo và co quắp trền nền xi măng dơ bẩn với cái bao tử lép kẹp, tôi ước mình cứ tiếp tục mơ và đừng bao giờ thức dậy nữa.

Đa số người dân Việt Nam, ngoại trừ đám lãnh đạo, quan chức chính quyền và gia đình chúng, còn lại tất cả đều bị đói sau khi Việt cộng chiếm miền Nam. Người ở thành phố đói nhưng khác với cái đói của người dưới quê. Năm 1978, cả nước đang đói ăn thê thảm mà bọn lãnh đạo vẫn hô hào phấn đấu, vượt qua thời kỳ “quá đọi” để tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Dân chúng ở thành thị “xếp hàng cả ngày”, XHCN, trộm cắp xảy ra khắp nơi, hở cái gì là mất cái đó. Ở quê thì mất gà, mất chó, mất mèo, và mất cả trâu bò. Trái mít còn non trên cây cũng bị hái, nải chuối xanh cũng không tha, đu đủ xanh thì phải lo hái xuống để làm gỏi còn hơn để chúng ăn.

Thời gian đó, nhà tôi có 6 công đất trồng khoai mì đang lớn, khoảng 2 tháng nữa thì nhổ được để ăn và bán. Đêm nào anh em tôi cũng thay phiên nhau lên rẫy ngủ để canh trộm, nếu không, chỉ sau một đêm, sẽ còn lại những thân cây mì nằm chỏng chơ trên mặt đất. Nạn nhổ trộm khoai xảy ra khắp nơi, không chỉ khoai, mà tất cả những nông phẩm nào ăn được, đều phải canh chừng, không thì khỏi ăn. Vì nạn đói, người ta không đi ăn trộm một mình mà tổ chức thành từng nhóm đi ăn trộm tập thể để nương tựa lẫn nhau nếu bị chủ vườn phát giác. Không một người chủ đất nào dám tấn công một đoàn người gầy gò, đói khát, không còn gì để mất.

Đêm đó, tôi phải xách mền mùng và cây rựa lên chòi canh trên rẫy không quên đem theo đèn pin và cái điếu cầy để hút thuốc lào. Trời vừa sập tối, tôi thả bộ ngang qua nghĩa địa làng, nhắm hướng rẫy mà đi. Trăng mờ mờ soi sáng những khu vườn khoai mì nối tiếp nhau không ngớt; xa xa tiếng côn trùng rỉ rả đơn điệu trong cảnh tranh tối tranh sáng của con đường mòn. Đi khoảng 20 phút tôi đến cái chòi nhỏ do tôi dựng sơ sài ở giữa vườn khoai mì.

Bật diêm thắp cái đèn hột vịt, bóng tôi soi lên vách, ánh sáng lờ mờ soi không rõ cái giường tre trong góc chòi và 1 cái ghế nhỏ dưới gầm. Đặt cái điếu cày dựa vào góc chòi, tôi bước ra ngoài với cây rựa và cái đèn pin, đi một vòng chung quanh rẫy khoai mì coi có gì bất thường xảy ra không. Trăng lưỡi liềm sắp lặn sau sau những rặng khoai mì xa xa. Tôi trở lại căn chòi, trải lại cái chiếu cũ trên tấm sạp tre, lấy cái mền vất lên đó, xong bắn một điếu thuốc lào thật say, xoay người thổi tắt ngọn đèn dầu. Bóng tối bao trùm căn phòng, chỉ còn tiếng côn trùng rỉ rả trong đêm từ xa vọng lại.

Đang thiu thiu ngủ, tôi bỗng giật mình thức giấc vì hình như nghe thấy tiếng bừng bực của cây khoai mì bị bức gốc gần đây. Tôi nhẹ nhàng ngồi dậy nghe ngóng và nhận ra có tiếng người xì xào theo gió xa đưa tới. Nhẹ nhàng xỏ đôi dép tổ ong vào chân, tôi với tay lấy cây rựa, bước ra khỏi chòi, khép cánh cửa lại. Tôi đi về phía có tiếng người xì xào to nhỏ và thấy một nhóm người tay cầm dao và bao tải đang chặt khoai mì bỏ vào bao.

Tôi vội khom người xuống, nửa bò nửa đi tiến lại gần thêm để coi cho rõ. Tôi ngồi im trong bóng đêm dày đặc, lặng lẽ quan sát và đánh giá tình hình. Biết không thể làm gì được bọn họ vì tôi chỉ có một mình. Tôi nảy ra ý định đi qua rẫy khác kiếm thêm “đồng minh” rồi mới tính tới được. Tôi từ từ thối lui, vẫn trong tư thế như cũ nhưng mắt vẫn dè chừng nhìn về phía đám người giờ đây vẫn hùng hục nhổ khoai mì. Thình lình tôi đụng phải một thân hình to lớn đứng lù lù chắn ngang lối đi. Tôi giật bắn cả người thì một giọng ồm ồm cất lên:


“Đi đâu mà sớn xác vậy cha nội?”.

Hoảng hốt và ngỡ ngàng, tôi chưa kịp trả lời thì giọng nói lại tiếp:

“Đi nhổ khoai mì hả? Nhóm nào vậy?”.

Tôi mượn gió bẻ măng:

“Ừ, tui cũng đi trộm khoai mì, mà đi một mình”.

“Vậy hả. Vô nhóm tụi tui đi cho vui. Nảy giờ tui mắc đi “thăm lăng bác” nên vô trễ.”

Nói xong, anh ta đẩy tôi đi trước về phía đám đông. Tôi đành phải giả bộ nhổ khoai mì như mọi người. Từ người đi canh trộm, giờ tôi trở thành kẻ trộm khoai mì của chính mình. Thật không có cảnh nào cười ra nước mắt bằng cảnh này. Anh bạn bất đắc dĩ hỏi sao đi mần ăn mà không đem bao tải theo lấy gì đựng. Tôi nói chỉ cần nhổ đủ ăn vài bữa thôi.

Tôi cứ nhổ cầm chừng, vừa nhổ vừa quan sát coi đám trộm khoai này làm ăn ra sao, chỉ sợ đêm nay tụi nó làm hết nửa mẫu khoai mì thì tội cho tôi lắm. Cũng may họ là những người ăn trộm có lương tâm, họ chỉ nhổ đủ một bao vác trên lưng, xong là họ ra về, bỏ tôi đứng “giữa trời bơ vơ”, tôi cứ đứng đó như trời trồng, phần tiếc của, phần bàng hoàng không biết phải làm gì. Mất một lúc, tôi mới định thần quay trở lại căn chòi, thầm cầu xin đêm nay đừng có thêm nhóm nào nữa.

Đó là toàn cảnh của thiên đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam lúc bấy giờ. Cái đói len lỏi vào từng ngõ ngách, con hẻm, đi sâu vào mỗi nhà. Ai cũng đói và nhếch nhác như nhau. Cái đói làm con người ta mất nhân cách, trở thành ác độc với nhau, không còn là con người hiền hậu, chơn chất của một miền Nam thanh bình trước đây. Tôi chợt nghĩ nếu con người không cần ăn mà vẫn sống thì cuộc đời sẽ đơn giản biết bao.

Những lúc đói, trí óc con người ta hoặc là mụ mẫm đi hay ngược lại sẽ rất tỉnh táo và sáng suốt, nghĩ ra muôn vàn mưu mẹo và đủ cách để sống còn. Nhiều năm sau, khi bớt ngăn sông cấm chợ, dân đỡ đói hơn một chút, tôi lại không may bị bắt vô tù một cách đột ngột, gia đình không hay biết để thăm nuôi, tôi lại bị đói một lần nữa, lần này chỉ mình tôi đói mà đói thê thảm hơn nhiều.

Sau 6 tuần biệt giam và 7 tháng tạm giam, không ai thăm nuôi, tôi đói lắm, đi đứng vật vờ như bộ xương biết đi. Ngày thăm nuôi là một cực hình đối với tôi khi nhìn người ta ăn uống. Một kỷ niêm đói mà cho tới sau này vẫn không bao giờ phai trong tâm khảm, dù sau hơn 35 năm tôi vẫn còn nhớ như in tên của người bạn tù nằm kế bên tôi. Tôi kể ra đây, nếu như anh ta đọc được những giòng chữ này, không biết anh có còn nhớ người bạn tù không may mắn, nằm cạnh phía bên trái, trong phòng 5 khu AH.

Anh ta tên Khu Thành Hiệp, dân quận 5, Sài Gòn. Ngày thăm nuôi, tôi nằm vùi, đắp tấm mền rách, cố nhắm mắt nhưng tai vẫn nghe, mũi vẫn ngửi được mùi thơm của thức ăn mà các bạn tù khác đem vào. Anh ta mở bao ni-lông, mùi mắm ruốc xả xào thịt mỡ làm tôi đau đớn khổ sở, không nhìn, nhưng tôi vẫn như thấy được những miếng thịt ba rọi bóng nhẫy quyện mắm ruốc đỏ tươi pha lẫn với xả bằm nhỏ. Tuyến nước miếng làm việc liên tục, tôi khổ sở ngồi dậy uống nước và quay mặt vào tường. Anh ta biết tôi không ai thăm gần 1 năm nay, đói lòi xương sườn, thân mình ghẻ lở, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ bố thí cho tôi được 1 cục đường tán hay 1 cục kẹo. Tôi thầm mong anh ta rủ lòng thương cho tôi một cái gì đó để ăn, chỉ 1 miếng thôi, chắc tôi sẽ sướng đến vã mồ hôi và nhớ ơn anh ta suốt đời.

Tối đến, anh ta treo 1 bịch cà chua mọng đỏ và 1 nải chuối chín trên vách tường ở đầu nằm, sát bên tôi. Khi ngủ, tôi nằm ngửa nhìn lên trần, dù không muốn, tôi vẫn thấy nó lừng lững ngay trước mặt. Đêm đó tôi không tài nào nhắm mắt được. Hình ảnh nải chuối thần tiên, chín vàng thơm lừng cứ ám ảnh tôi suốt đêm. Tôi định bụng sẽ hỏi xin anh một trái, chỉ một trái thôi, khi có thăm, tôi sẽ trả lại. Nhưng tính anh keo kiệt, ích kỷ, chưa bao giờ giúp đỡ hay chia xẻ đồ thăm nuôi với bất cứ ai trong phòng. Vả lại tôi tự trọng nên không muốn hạ mình xin xỏ, giấy rách giữ lấy lề, tôi quyết không xin.

Đêm đã khuya lắm, trời se se lạnh, đây đó vài tiếng ngáy vang lên, ngọn đèn duy nhất vẫn soi sáng căn phòng im lặng, tôi đoán chừng phải hơn nửa đêm, mọi người trong phòng đã ngủ say, tôi vẫn thao thức, trằn trọc không ngủ được vì nải chuối đang cám dỗ tôi. Dù nhắm mắt, tôi như vẫn thấy nó treo lủng lẳng trước mặt. Mở mắt, nó lù lù ngay trên đầu. Cứ như vậy, nải chuối khi ẩn khi hiện, nó hành hạ tôi một cách khổ sở và dữ dội. Tôi hình dung khi hàm răng cắn ngập vào trái chuối, vị mật ngọt lịm sẽ thấm vào tận chân răng, cả thân hình tôi run lên vì sung sướng. Tôi sẽ nhai chậm rãi để tận hưởng cái chất thơm ngọt thần thánh đó đang trôi dần xuống bao tử, đi tới đâu, cảm giác đê mê đến đó, sẽ thật tuyệt vời biết là chừng nào! Nước miếng ứa ra đầy miệng, tôi vội nuốt xuống thật nhanh.

Tôi chợt nảy sinh ý định bẻ 1 trái, chỉ một trái thôi, đâu có tội. Tôi sẽ nhai khẽ khàng và ăn luôn cả vỏ, chắc chẳng ai hay. Sáng hôm sau nếu có phát giác mất cũng đâu biết ai là thủ phạm. Mùi chuối chín thơm lừng cứ bám lấy tôi, tôi nuốt nước miếng ừng ực. Tất cả 5 giác quan của tôi làm việc không ngừng và chúng trở nên bén nhậy vô cùng.

Nghĩ thì dễ, nhưng không có gan làm. Hai ông thần Thiện và Ác ở hai bên lôi kéo tôi. Ông nào cũng đưa ra những lời lẽ thuyết phục là mình đúng. Ông Thiện nói đừng, vì bất cứ hành động trộm cắp nào tự nó đã là sai. Ông Ác lại khuyên không sao đâu, trời nào bắt tội khi mình đói quá lâu rồi. Chỉ một trái thôi, đâu có nhiều và sẽ không làm người chủ bị thiệt hại gì. Cứ vậy mà hai ông Thiện Ác hết cò cưa với nhau, rồi đánh nhau suốt đêm làm tôi mệt lả cả người vì phải chiến đấu chống lại hai ông và chống lại cái bản năng tầm thường của tôi là ăn để khỏi chết đói.
Rồi tôi thiếp đi lúc nào trong giấc ngủ chập chờn đói mệt. Tiếng kẻng báo thức, tiếng hát chói tai của cô ca sĩ giọng Bắc nghe chát chúa đang hát một bài ca ngợi đảng, cũng không làm tôi ngồi dậy nổi. Nhìn về phía nải chuối, nó vẫn còn treo trên tường như thách thức. Tôi mừng vì tôi đã không nghe lời ông Ác mà trộm lấy một trái. Đợi cai tù điểm danh xong, tôi nằm vật ra vì thiếu ngủ và đói lả, mong chờ bữa cơm trưa mau đến dù chỉ là 1 chén cơm hẩm và chút canh “đại dương” nước đục lờ lờ như nước cống. Tôi chịu đói như vậy thêm vài tháng nữa cho đến khi một người bạn tù được tha về nhắn với gia đình đi thăm tôi.

Nhiều năm sau này, ngay khi đến Mỹ, tôi luôn có thói quen không bao giờ phung phí hay bỏ đi bất cứ một thứ đồ ăn dư thừa nào gì dù chỉ còn một ít, tôi cũng bỏ vô chén, đậy kỹ lại và cất trong tủ lạnh, cho đến khi mở ra coi, chén đồ ăn đã hư, phải vứt vô thùng rác. Phải mất nhiều năm sau nữa, khi đã ở lâu trên đất Mỹ, tôi mới từ từ bỏ được thói quen này, nhưng trong nhà tôi lúc nào cũng sẵn thực phẩm khô để đề phòng thiên tai và cả nhân tai.

Từ ngày mở cửa đón tư bản giãy chết vào làm ăn, nạn trộm cắp bớt đi rất nhiều. Chữ Đói dần phai nhạt đi trong ngôn ngữ hằng ngày. Dân no đủ hơn ngày xưa, không phải đi ngủ với cái bụng đói nên ý thức bây giờ cao hơn cái bao tử. Thế mới biết chủ nghĩa cộng sản chỉ đem lại đói nghèo và biết bao tệ nạn xã hội. Nay nạn trộm cắp nhỏ biến mất thì trộm cắp lớn xuất hiện.

Những kẻ ăn cắp không phải là những người dân nghèo đói mà là những vị quan chức no cơm rửng mỡ, những đảng viên gộc và gia đình cách mạng, vốn đói đã lâu từ trong rừng chui ra, nay có dịp ăn, họ ăn không chừa một thứ gì. Một mảnh đất “đắc địa” xưa chỉ vài chục ngàn đồng /m2, nay thành dự án và được hô biến thành vài chục triệu/m2. Báo chí trong nước có đăng hai đứa bé đói quá, đi ăn trộm một con vịt bị tù mấy năm, trong khi mấy ông lớn ăn cắp hàng chục tỷ chỉ bị cảnh cáo và thuyên chuyển công tác về trung ương vì vi phạm đạo đức đảng viên cộng sản, mà cái “đạo đức” đó không hề có trong hàng ngũ người cộng sản.

Cái đáng sợ hơn là dù không đói, họ vẫn ăn cắp cơ hội của người dân luơng thiện. Thằng ngu ăn cắp cơ hội của người tài giỏi. Con quan học dốt nhưng điểm thi tốt nghiệp cao nhất lớp. Thế hệ đó mà vô đại học, ra làm quan nối nghiệp cha thì xây dựng xã hội chủ nghĩa tới mấy thế kỷ sau cũng chưa xong, nói chi đến dân giàu nước văn minh như cái loa đảng vẫn thường ra rả tuyên truyền.

Đất nước ngày nay không còn đói ăn như ngày xưa, nhưng đang đói tri thức, đói tự do, đói cơ hội vươn lên làm người, trong khi bọn tham quan no đủ phè phỡn trên sự giả dối, ăn cắp của công lúc đang tại chức, khi chết rồi vẫn còn nằm trong những mảnh đất vàng hàng trăm mẫu với những lăng tẩm được xây cất theo phong thủy còn đắt hơn những ngôi nhà của người đang sống. Người dân đói, họ chỉ ăn trộm để khỏi chết đói. Chính quyền không đói, họ vẫn ăn cắp để nhét đầy túi tham, để mua quyền công dân ở một nước tư bản khác.

Nguyễn Văn Tới 

Ý kiến bạn đọc
15/11/202010:15:21
Khách
Chú Tới nói về nạn đói thời bao cấp mà dân nghèo đôi khi đạo đức hơn dân có học có tiền lại thiếu chân chính.
Thời nay dân chúng còn "đói Tự Do" mà không biết làm sao cởi trói độc tài vây bủa khắp nơi.
Cảm ơn và chúc mọi điều tốt lành đến với chú em.
14/11/202007:15:57
Khách
Cảm ơn tác giả Nguyễn Văn Tới đã viết bài "ĐÓI" với tất cả tấm chân tình, kể về những ngày tù tội khổ ải của mình rất thật và rất thâm thuý. Sau cuộc đổi đời tháng tư đen, nhiều người đói lắm! Trên đường đi vượt biển cũng đói, lỡ khi bị bắt vào tù cũng đói luôn...bị đói dây chuyền, nên cũng sợ đói lắm!
Lòng nhân ái thương người của Tới em, sẽ được ơn trên thương phù hộ gìn giữ cách riêng.
Chúc em luôn được bình yên.
Ptkd
14/11/202006:32:43
Khách
>Ngày đó, tôi đã tự nhủ nếu một ngày tôi không còn đói nữa, có chút của ăn của để, tôi sẽ cố gắng giúp không để người khác phải chịu cơn đói hành hạ như nó đã từng hành hạ mình trước đây.

Người ăn thì còn, con ăn thì mất. Cái này gọi là gieo duyên lành cho kiếp sau
(ngọai trừ những người tu giải thóat thì không cần mấy vụ này, nhưng họ vẩn thích giúp đở người khác - thi ân bất cầu báo)

>tôi vẫn còn giữ cái tật không cần thiết là tích trữ thực phẩm, đồ ăn khô phòng khi đói, bảo đảm giữ được phẩm chất 10 năm, và vài thùng nước 20-gallon màu xanh.

Biết tiên liệu là phẩm chất của người lảnh đạo, người không lo xa ắt có buồn gần. Dân Á Châu trong vụ khủng hỏan kinh tế 2008 - 2012. nghe nói có tỷ số mất nhà rất thấp (bởi vì họ có saving, 401k, stocks, bonds, fixed income funds, ...). Ở Silicon Valley có dân trong hi tech mua căn nhà đầu tiên thường là duplex (ở 1 unit (2 bed 1 bath), cho thuê 1 unit), hay là mua nhà củ đất rộng ( 3 or 4 bed 2 bath), convert garage cho thuê $1200 (1 bath 1 bed), đằng sau còn 2 cái ADU (2 bed 1 ba 1 kitchen) tiền cho thuê 2 x $xxxx . 2 vợ chồng lương 6 số mà còn ở free housing (2 cậu em vợ mới ra trường cho ở chung luôn) tính tóan còn hơn là Mỹ trắng, không bao giờ sợ mất nhà.
Ở California, nhiều nhà có hệ thống dự trử nước mưa với chính phủ tài trợ ( plastic barrell 55 gallons x 12 barrels ). Nhờ Covid 19 worked from home thành ra nhiều nhà sân sau trở thành vườn rau (trồng đủ lọai rau, cây ăn trái, ....) , sân trước cây ăn trái (decoration also), rau lang làm ground cover plant, xả, tía tô, kinh giới, rau răm, ngò, basil, rosemery, ... (decoration) nên không cần đi chợ, đặc biệt là dân vegan có máy Tofu maker, vitamix, ... soy based protein products from south America, Asia, Europe, north America, .. mua số lượng nhiều từ các kho hàng kiểu wholesale cho rẻ (shopping 1 time per year). Thành ra nếu có chuyện gì xẩy ra 1, 2 năm củng không cần chính phủ giúp đở thực phẩm.

>Tôi chợt nghĩ nếu con người không cần ăn mà vẫn sống thì cuộc đời sẽ đơn giản biết bao

Gặp dân Yogi học thêm solar, hay breath technique thì khỏi phải bàn chuyện ăn uống (tôi có cô bạn dân breathing cứ 2 - 3 tuần là ăn vegan ice cream một lần, chi 1 cúp nhỏ thôi (khỏan 8 ounces), vì thèm ăn chứ không phải vì cần ăn. Cô ta là dân Mỹ Trắng làm finance rất giàu ở San Francisco, học breathing teachnique ở northern India (mất 3 năm), cô ta muốn dạy cho tôi, nhưng tôi từ chối. Tôi nói Phật Thích Ca, Chúa Jesus, ... thành Đạo má không cần thiết phải đi theo con đường này, và cái Đại Trí Huệ thì bản chất của nó không có liên quan đến chuyện của cái bao tử. Lúc còn trẻ, rất là tự phụ tuy không nói ra, nhưng mà không chịu nghe lòi dậy dổ của bất cứ ai, chuyện đi Chùa, Nhà Thờ, Mosque, .... là chuyện không bao giờ nghĩ đến (ỷ võ công của mình là độc bộ thiên hạ, không có ai đủ sức để dạy dổ mình, nếu chịu khó khiêm nhường một chút, học thêm breathing technique thì cái này củng có lợi)
Đạo sự Milarepa hình như học thêm lữa tam muội (The Hundred Thousand Songs of Milarepa , có một bài ca như thế này Không có chuyện gì làm, Ta đến đỉnh Kailash tọa thiền, Tuyết rơi phủ kín vạn vật và trên vai Ta Nhưng Ta không có vấn đề gì vì Lữa Tam Muội dư sức khống chế trở ngại này. Hòa Thượng Hư Vân (Trong truyện Đường Mây Trên Đất Hoa bản dịch của Nguyên Phong) có nói ông nhập định 3 tháng trong hang núi mùa đông, bên ngòai tuyết phủ kín.
13/11/202022:37:02
Khách
Cám ơn tác giả về một bài viết đã gợi lại cho tôi những kỷ niệm xưa khi còn ở Việt Nam.
13/11/202013:54:21
Khách
Mùa lễ Tạ Ơn , đọc được bài viết thật chân tình, súc tích, dồi dào tình cảm cá nhân và tình nhân bản bàng bạc toàn bài viết. Tác giả viết rất hay với bút pháp bình dị, dễ hiểu, và cũng chan chứa tình cảm đi sâu vào lòng người đọc. Tôi cũng vậy, mùa Tạ Ơn lái xe dưới những cây cầu, thấp thoáng thấy những đóm lửa sưởi ấm của những người không nhà, lòng buồn lắm! Mong sẽ được đọc thêm nhiều nhiều nữa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,670,670
T. Thiên Thu là cư dân Phoenix AZ, tốt nghiệp ngành Nursing tại Texas năm 1974 và làm việc cho St. Joseph’s hospital Phoenix, AZ gần 40 năm, nay đã về hưu,vui thú điền viên.
Chúng ta đang ở những ngày đầu của tháng Tư. Thời điểm này, bỗng nhắc nhớ trong tôi miền ký ức khó phai của hai mươi tám năm về trước. Ngày này, 07/4/1992, gia đình tôi đang ở New York City đúng mười ngày đầu tiên, đang ngơ ngác trước khung trời tự do rộng mở dù vẫn còn dầy đặc nỗi lo âu cho một tương lai chưa định trước. Thành phố New York là “thành phố lớn không bao giờ ngủ” (New York, the big city is not asleep), người ta hay nói vậy thật không sai chút nào.
Trần Như Nguyện, là phóng viên của một số báo Việt và đài truyền hình tại Hoa Kỳ. Hiện đang cư ngụ tại thành phố Houston - Texas. Tác giả từng được nhận giải đặc biệt " Viết Về Nước Mỹ " vào 2018 với tác phẩm " Mẹ Lúa chạy bão Harvey ". Đây là bài viết trở lại sau thời gian vắng bóng.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài viết mới.
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân: "Thế và Tôi." Sau đây là bài mới nhất
Tháng tư vùng Hoa Thịnh Đốn cỏ hoa, khí hậu tuyệt vời, cuộc sống vật chất đầy đủ tiện nghi làm Vân bùi ngùi nhớ lại tháng 4 hãi hùng, đau thương cách đây 45 năm, nhớ họ hàng bà con ở quê hương VN xa xôi mà Vân không có cơ hội găp lại.Sau tháng 4 /75 nhiều gia đinh ly tán, trẻ con nheo nhóc, vợ trẻ xa chồng, mẹ già mòn mõi ngóng tin con. Nhiều người đang nhà cao cửa rộng phải đi ở nhờ ở đậu. Có người liều vượt biên, làm mồi cho cá nơi biển cả hay nạn nhân bọn cướp biển, phụ nữ bi hãm hiếp… Gia đình bạn Vân gồm 2 vợ chồng và 3 con vượt biên cùng 28 người họ hàng bị bão chìm tàu. Chỉ 8 người sống sót. Người bạn sống nhưng vợ và 3 con chìm trong lòng biển cả mênh mông. Nhắc mà đau lòng, xót xa cho cảnh chia ly tang tóc. Sau cuộc đổi đời vào tháng 4/ 1975, miền Nam trước kia sung túc lúa gạo dư thừa còn xuất cảng nước khác mà năm ấy một số dân Saigon phải ăn độn bo bo. Một hoc trò Vân cho biết sau khi cha em đi tù cải tạo ít lâu gia đình em “khoái ăn sang”.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.
Thoạt tiên, khi đại dịch khởi phát từ Vũ Hán, người ta liền đặt cho nó ngay một cái tên cho dễ nhớ Coronavirus Wuhan. Rất dễ hiểu vì nó xuất phát từ bên Tàu nên có người còn gọi là “cúm Tàu”. Tiếp theo đó, Coronavirus đã theo bước chân con người đến tàn phá ở các quốc gia: Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Phi châu... và những vùng đất xa xôi nhất mà người ta ít dịp nghe nói đến trên hành tinh. Hàng loạt các cuộc tấn công, miệt thị người gốc Á đã xảy ra nơi công cộng ở nhiều nơi trên thế giới để “trả thù dân tộc” từ khi mới bắt đầu đại dịch cho đến bây giờ; người gốc Việt không nằm ngoại lệ nên cũng bị vạ lây!!! Các nước bắt đầu ra lệnh đóng cửa biên giới để giữ an toàn cho vùng lãnh thổ của mình. Làn sóng kỳ thị lại đổ dồn về những nơi diễn ra tâm dịch, nhất là đối với những người đến từ vùng dịch. Những sinh viên, người lao động bao ngày đi du học, đi làm ở nước ngoài giờ ùn ùn kéo về Việt Nam hàng loạt!
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.