Hôm nay,  

Giấc Mơ

24/08/202009:09:00(Xem: 7056)

 

Đinh Công Bình

Tác giả là cư dân Huntsville, AL. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Bao Giờ Trời Sáng” một du ký nhiều ý nghĩa khi thăm viếng Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington,. Đây là bài mới nhất của Ông.


*** 

 

“Mải miết ra đi, đâu tính đến

  Đến nơi nào?

  Bảy tám mươi năm, rồi cũng đến

  Đến rồi sao!”

 (Đến, Võ Phiến 1998).

 

***

 

Hồi mới chập chững tới Mỹ, sau hơn nửa năm đi làm bằng chiếc xe đạp cọc cạch hoặc đi nhờ, vợ chồng chú mượn người quen được gần một ngàn rồi cộng với vài trăm đô chắt chiu để dành, họ hớn hở nhờ người bạn đồng hương cùng sở chở ra hãng xe cũ gần nhà để mua một chiếc xe hơi.  

 

 

Tựa như đứa trẻ được mẹ cho đi chợ lần đầu, vợ chồng chú cứ lượn đi lượn lại, ngó tới ngó lui những chiếc xe, tuy không còn mới, nhưng được lau chùi sạch sẽ đang nằm mời gọi trong bãi đậu xe.  Mặc dầu cả tháng nay, vợ chồng chú bàn qua tính lại rồi quyết định là sẽ chỉ “lựa cơm gắp mắm”.  Trên đường từ nhà đến hãng xe, hai người cũng đã tự nhủ một lần nữa là sẽ chỉ chọn cho nhanh một chiếc xe tốt và rẻ chứ không quan tâm tới kiểu xe hay mầu xe.  Nhưng khi ra đây, ôi chu choa, thấy chiếc nào cũng “phê”!  Chiếc nào cũng muốn tha về nhà! Thêm vào đó, ông saleman cứ thao thao bất tuyệt vẽ ra những cái đẹp, cái tốt, cái hay của từng chiếc xe.  Dù khả năng tiếng Mỹ của vợ chồng chú và của ông bạn đồng hương ngày đó thuộc hạng “ăn đong từng  chữ”, nhưng qua tài “múa máy chỉ trỏ” của ông saleman, vợ chồng chú vẫn “đoán” rõ là ông ta muốn họ mua chiếc xe “bảnh” nhất.

 

 

Hấp dẫn lắm, thèm thuồng quá, nhưng trong túi, cả vốn lẫn mượn, chỉ có vỏn vẹn ngàn rưởi đô! Vì vậy, mặc cho ông saleman “nói ngả nói nghiêng”, vợ chồng chú vẫn “vững như…con số nghìn rưởi đô!”  Hơn nữa, nhớ lại chỉ mới gần một năm trước đây, hồi còn ở quê nhà, họ chưa bao giờ được sờ đến chiếc xe hơi mà nay có cơ hội làm chủ “một em” thì đúng là phép lạ quá sức tưởng tượng rồi!  Họ chả mong  gì hơn!  Vợ chồng chú  sẽ trọn vẹn thỏa mãn và hạnh phúc với một chiếc xe cũ miễn sao “chiếc xe rẻ, máy chạy tốt, có máy nóng, máy lạnh”.  Nhớ tới điều đó, chú cong lưỡi, méo miệng, lập lại câu tiếng Anh mà chú đã tra tự điển và khổ công tập luyện cả tuần nay, bằng giọng nói và cử chỉ dứt khoát:

 

 

-We want buy one car cheap, engine run good, have engine hot, engine cold!

 

 

Sau khoảng hai giờ đồng hồ mặc cả tới lui, đắn đo co giãn, họ chồng tiền rồi hạnh phúc cỡi chiếc “xe Huê Kỳ” về nhà ra mắt với xấp nhỏ.  Thời đó, một ngàn đô to lắm và giá xe chưa đến nỗi mắc như bây giờ; nên với số tiền khoảng ngàn rưởi, chiếc xe đầu đời của họ tuy cũ nhưng còn khá tốt.  Chiếc xe đó hiệu Ford, màu xanh dương, rộng đủ cho cả gia đình, hai băng ghế còn khá sạch chưa có chỗ nào rách, và nước sơn trong, ngoài còn khá bóng.  Trên đường về nhà, chú đã không quên tạt vào chợ K-Mart cho vợ chú mua vài mét vải mầu cà phê sữa để may hai cái áo bọc ghế. 

 

 

Nhớ lại đêm trước ngày mua xe, chẳng biết vì vui quá hay bồn chồn hồi hộp, vợ chồng chú trằn trọc mãi chả ngủ được, chỉ mong cho trời mau sáng để được đi mua xe.  Trong lúc trằn trọc, vợ chồng chú bàn tán đủ chuyện và cùng đồng lòng là họ sẽ cố gắng gìn giữ chiếc xe thật lâu.  Mải mê nói chuyện, vợ chồng chú quên cả giờ giấc!  Lúc nhìn đồng hồ, họ mới giật mình là đã hơn hai giờ sáng.  Chú vói tay tắt ngọn đèn bên cạnh giường rồi hai vợ chồng nằm nhắm mắt chờ đợi giấc ngủ.  Nhưng mới im lặng được khoảng hai phút, vợ chú lại thủ thỉ:

 

 

-Anh ạ, sau khi mua xe về, hằng tuần, đúng rồi sau mỗi lễ Chúa Nhật, mình bắt mấy đứa nhỏ phải lau chùi, rửa, và đánh bóng chiếc xe nha anh.

 

 

Chú chưa kịp trả lời thì vợ chú lại nói tiếp:

 

 

-À mà không được!  Ít nhất là anh hay em phải rửa và lau chùi chung với tụi nó.  Để mấy đứa làm một mình rồi chẳng may kỳ cọ quá tay, chẳng may mạnh tay quá, trầy sơn hay rách ghế thì…

 

 

Chẳng đợi vợ dứt lời, chú cắt ngang:

 

 

-Ừ, anh cũng vừa tính bàn với em như vậy.  Rửa và lau chùi xe hằng tuần là chuyện nhỏ, tháng tháng anh sẽ phải thăm nước, thăm dầu thắng, dầu tay lái, và thay nhớt xe nữa.  Ông bà ta đã dặn “của bền tại người”, mình cứ thế mà theo em ạ.

 

 

Quái lạ, từ bé tới giờ, việc đi lễ nhà thờ với chú là chuyện chú làm vì bị bắt buộc chứ không phải vì thích thú.  Chả hiểu sao, từ hôm có xe, chú chỉ mong đến Chúa Nhật để được lái xe đi lễ!   Lái chiếc xe vừa mua, vợ chồng chú thấy tự tin hẳn ra.  Vợ chồng chú có cảm tưởng là ai ai cũng đều nhìn họ bằng cặp mắt thèm thuồng.  Trong một lần đứng ngắm nghía chiếc xe, chú tự hào nói với vợ:

 

 

-Có bốn thứ mà người mình thường dùng như một tiêu chuẩn để nói về một người giầu sang, thành đạt, đó là Nhà Lầu, Xe Hơi, Ti Vi, Tủ Lạnh!  Vợ chồng mình đến Mỹ chưa đầy một năm mà trong nhà đã có được 3 trong 4 thứ đó rồi!  Với đà này, cùng lắm là cố gắng vài năm nữa, mình sẽ tậu được căn nhà lầu nho nhỏ.  Lúc đó thì kể như mãn nguyện! 

 

 

Hai vợ chồng nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương bên nụ cười hạnh phúc mãn nguyện! Họ hạnh phúc đến muốn khóc! 

 

 

Bỗng chợt nhớ ra số tiền gần ngàn đô đang mượn, chú nhìn vợ rồi chép miệng than thở:

 

 

-Ước gì mau mau có tiền trả hết nợ xe thì đời sống gia đình mình sẽ thoải mái! 

 

 

Qua cố gắng, không những vợ chồng chú trả xong nợ xe mà vài năm sau họ còn mua được chiếc xe mới toanh, vừa ra lò, cho “nở mày nở mặt với người ta”.

 

 

***

 

 

Năm tháng cứ thế trôi qua, ước mơ “Nhà Lầu, Xe Hơi, Tivi, Tủ Lạnh” ngày xưa của vợ chồng chú đã trở thành sự thực từ lâu rồi, nhưng cái mốc “mãn nguyện” năm nào thì đến nay vẫn chỉ là ảo mộng xa vời!  Để tiếp tục nở mày nở mặt hơn người, vợ chồng chú đổi từ xe mới sang xe hiệu, từ nhà bé lên nhà to, thế nên từ đó đến giờ vợ chồng chú vẫn phải tất bật đi làm, làm thêm overtime, thậm chí có lúc còn làm hai jobs - để trả nợ! 

 

 

Dù cố gắng đến kiệt lực nhưng những cục nợ cứ teo đi được một tí thì, sau khi sắm đồ mới, nó lại phình ra!  Nhận thấy nếu chỉ đi làm công nhân, họ sẽ không thể ngoi ra khỏi dòng sông nợ nần.  Trông trước ngó sau, vợ chồng chú thấy cuộc sống của những người trong thương trường khấm khá hơn, nhà họ to hơn, xe cộ sang trọng hơn, bóp, đồng hồ, điện thoại của họ tân thời hơn, vợ chồng chú lại thèm thuồng.  Một hôm, sau khi về nhà từ second job, chú bảo vợ:

 

 

-Ông bà mình nói đúng, “phi thương bất phú”! Mình phải làm thương mại.

 

 

Đúng là “thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn!”  Có vậy mà bao nhiêu năm nay không nghĩ ra!  Vợ chồng chú nhìn nhau mỉm cười, nụ cười đồng lõa, và bắt đầu hoạch định cho bước tiến mới. Vài tuần sau, vợ chồng chú ra ngân hàng cầm nhà, mượn nợ để nhảy vào thương trường dù chưa bao giờ có kinh nghiệm làm trong ngành mà chọ sẽ chọn.  Cục nợ của vợ chồng chú, vì vậy, lại bắt đầu tăng theo một tốc độ mới, trong đà khát vọng mới, mãnh liệt hơn.  Thời giờ rảnh rang của họ xưa đã ít nay lại hạn hẹp hơn bởi vừa phải đi làm công việc cũ vừa phải chạy ngược chạy xuôi trông coi cơ sở thương mại mới.

 

 

Đã đành sống trên đời thì nên cầu tiến để cuộc sống ngày càng thăng tiến.  Nhưng cầu tiến không bao giờ đồng nghĩa với đua đòi!  Nhớ lại những năm đầu tỵ nạn, vợ chồng chú hy sinh, cố gắng làm lụng cũng chỉ vì cầu tiến; nhưng chẳng biết tự lúc nào, vợ chồng chú đã đổi từ cầu tiến sang đua đòi!  Phải chăng nó bắt nguồn từ vấn đề “nở mày nở mặt”?  Dẫu biết chiếc xe chỉ là vật để đưa người ta đi từ điểm này đến điểm nọ, cái bóp chỉ dùng để đựng vật dụng cần thiết khi ra đường, nhưng chẳng hiểu sao, khi ngồi sau tay lái của chiếc xe hiệu đời mới hoặc khi đeo một cái bóp hiệu tân thời, vợ chồng chú cảm thấy mình cao hơn, quan trọng hơn người khác một bậc.  Khổ nỗi, chỉ cần khoảng vài tháng hay một năm sau khi tha nó về nhà, thì những cái “mới” đó, mặc dù vẫn còn đang trả góp, đã được xã hội thay bằng những cái “mới hơn”!   Thấy người khác có những cái “mới hơn”, vợ chồng chú lại đau khổ, lại bực bội, rồi lại tìm đủ cách để bò lên đỉnh của ngọn núi khát vọng.

 

 

Khi thấy vợ chồng chú quá bận bịu với cuộc sống bon chen, dăm người bạn thân, vài anh chị em trong gia đình, và ngay cả cô con gái lớn của họ đã đôi lần đánh bạo khuyên họ nên rút gọn, nên buông bỏ những thứ không cần thiết, hay ít nhất, nên dành thời giờ để quân bình cuộc sống vật chất và tinh thần, nên dành thời giờ cho gia đình.  Những người thân yêu muốn cho vợ chồng chú nhận ra rằng phẩm giá con người, giá trị thực sự của con người, không bao giờ dựa trên tiêu chuẩn vật chất.  Họ muốn vợ chồng chú hiểu rằng sự “ù à” của thiên hạ, nếu có, cũng sẽ không bao giờ mang đến cho gia đình vợ chồng chú một cuộc sống hạnh phúc đích thực.  Thật tiếc, lời khuyên của những người thân như nước đổ lá khoai!  Với vợ chồng chú, trong lúc này, sự “ù à” là trọng tâm của cuộc sống.  Vợ chồng chú sẵn sàng “cày” thêm chứ không thể buông bỏ để chịu lép vế những người xung quanh.

 

 

Giòng đời của họ cứ thế cuộn chặt trong cuồng phong của khát vọng!  Những bữa cơm gia đình, những cuộc trò chuyện giữa vợ chồng con cái, vì thế càng lúc càng thưa dần.  Những cái mốc lớn nhỏ của gia đình vợ chồng và con cái, đến rồi đi như thế nào, chú cũng chỉ nhớ loáng thoáng.   Những ước mơ hoặc những chuyến du lịch đây đó của vợ chồng con cái cũng đều được vợ chồng chú khất “mai mốt bớt nợ,”  “mai này khấm khá,” hoặc “mai mốt về hưu” sẽ làm!  Thậm chí ngay cả khi đối diện với những đóng góp cần thiết cho các sinh hoạt tôn giáo, nhà trường, hoặc từ thiện, vợ chồng chú áy náy lắm, nhưng cũng vẫn thoái thác là “để mai mốt dư giả” sẽ giúp. 

 

 

Chiếc phi cơ càng ngày càng mất phương hướng trên bầu trời khát vọng! Vợ chồng chú không còn nhận ra đâu là bãi đáp cho một gia đình hạnh phúc, nơi con cái của họ đang cần họ, hiện tại chúng đang chờ họ, nhưng chúng cũng sắp sửa cất cánh bay vào một bầu trời vô định. Tiếc thay, vì mải mê đua đòi, vợ chồng chú đã quên cảm ơn và tận hưởng cái họ đang có mà chỉ nhớ tới, chỉ cay đắng khi nghĩ tới, và chỉ hướng về, cái họ chưa có.  Chỉ vì muốn được “thiên hạ trầm trồ”, vợ chồng chú phải nợ.  Rồi vì nợ nần, bao nhiêu sinh hoạt yêu thương, cần thiết, đều bị gác lại “để mai mốt.”

 

 

Cái mốc “mai mốt” đó cuối cùng đã chẳng đến!  Những đứa con thân yêu của vợ chồng chú nay đã lớn, tản mát mỗi đứa một nơi, và có đứa hình như cũng vô tình đang dẵm vào vết chân cũ của bố mẹ. Phần chú, sau hơn mấy mươi năm vật vã trong nợ nần, trong bon chen vọng ảo, khoảng sáu tháng trước, chú cảm thấy một bên của bụng đau đau, ăn không còn ngon miệng, da đổ màu vàng và người bỗng dưng xuống ký.  Vài tuần sau khi đi thử nghiệm, bác sĩ yêu cầu gặp riêng chú để tham khảo rồi cấp tốc gửi chú vào MD Anderson, một trong những bệnh viện nổi tiếng nhất thế giới về ung thư.  Cho tới hôm nay thì MD Anderson đã trả chú về với gia đình được gần một tuần để nằm chờ một điều chú không đợi! 

 

 

Chẳng biết có phải vì phản ứng của thuốc hay không? Trong giấc ngủ chập chờn của chú cứ ẩn hiện những giấc mơ và ác mộng.  Trong những giấc mơ, chú thấy gia đình vợ chồng con cái vui cười hạnh phúc qua những sinh hoạt đơn giản, ngây thơ.  Chú nghe đâu đó giọng cười nắc nẻ của những đứa bé con chú khi chúng đùa chơi với tuyết trong những mùa đông xa xôi năm nào; chú thấy hình ảnh cả nhà ướt như chuột lột, nhưng vẫn vui cười, khi dùng vòi nước xịt nhau trong những lần cả gia đình cùng nhau rửa chiếc xe cũ sau lễ Chúa Nhật năm xưa; chú thấy tụi nhỏ tung tăng líu lo khi vợ chồng chú dắt chúng đi ăn McDonald’s hồi chúng còn bé…  Chú đang vui cười hạnh phúc thì những giấc mơ bỗng vụt tắt, rồi thay vào đó, những cơn ác mộng của chuỗi ngày ganh đua vụt đến! 

 

 

Cứ thế, tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời chú cứ được quay đi quay lại, như một cuộn phim không có đoạn kết, trong những lúc chú mơ mơ, tỉnh tỉnh.  Chú cảm thấy thật hạnh phúc khi nó “chiếu” lại những điều tốt chú đã làm cho người khác, những sinh hoạt lớn nhỏ với vợ con, và những gói đồ ăn chú trao tặng người nghèo khi gia đình chú được người bảo trợ trong nhà thờ dẫn đi thăm người vô gia cư hồi vừa qua Mỹ.  Tiếc thay, những giấc mơ đó quá ít và quá ngắn!  Những cơn ác mộng, thì ngược lại, quá nhiều và cứ dài lê thê.  Không những chỉ hoảng loạn trong lúc bị ác mộng mà lúc tỉnh dậy nó còn làm chú dằn vặt và ân hận.  Chú cảm thấy mắc cở, nuối tiếc, đau đớn dằn vặt khi nhớ tới những hành động ích kỷ chú đã làm cho riêng chú, những ganh đua vớ vẩn, những cái háo thắng nhất thời.  Nói chung, trong những tuần vừa qua, chú bị dằn vặt và ân hận bởi những điều đã làm, những việc không làm, và những cái không còn cơ hội để làm!

 

 

Trong căn phòng quạnh hiu với ánh sáng mù mờ của chiếc đèn ngủ và tiếng phì phò ngày đêm của chiếc máy trợ khí, chú nhìn vợ than thở:

 

 

-Ước gì mình đã hết nợ nần...  Phải chi nhà cửa, xe cộ, business không còn nợ thì mai đây em và các con ở lại sẽ bớt khổ và anh ra đi cũng an tâm!

 

Ý kiến bạn đọc
26/08/202000:28:10
Khách
Bài viết rất ý nghĩa. Cách trình bày khéo léo, dù hàm ý mỉa mai nhưng vẫn dí dỏm, nhẹ nhàng.
Cách dùng chữ hay và tinh tế. Chẳng hạn như:
"Với vợ chồng chú, trong lúc này, sự “ù à” là trọng tâm của cuộc sống" (dùng "ù, à" thay vì "oh, ah" rất khéo, rất VN). Nếu tôi đoán không lầm, tác giả là một người gốc Bắc, rất có thể là Bắc 54.
Cám ơn tác giả.
25/08/202020:04:14
Khách
Hay lắm! Thanh Mai rất thích bài này vì nói đúng tâm lý bon chen mê hào nhoáng của rất nhiều người mình!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,801,905
T. Thiên Thu là cư dân Phoenix AZ, tốt nghiệp ngành Nursing tại Texas năm 1974 và làm việc cho St. Joseph’s hospital Phoenix, AZ gần 40 năm, nay đã về hưu,vui thú điền viên.
Chúng ta đang ở những ngày đầu của tháng Tư. Thời điểm này, bỗng nhắc nhớ trong tôi miền ký ức khó phai của hai mươi tám năm về trước. Ngày này, 07/4/1992, gia đình tôi đang ở New York City đúng mười ngày đầu tiên, đang ngơ ngác trước khung trời tự do rộng mở dù vẫn còn dầy đặc nỗi lo âu cho một tương lai chưa định trước. Thành phố New York là “thành phố lớn không bao giờ ngủ” (New York, the big city is not asleep), người ta hay nói vậy thật không sai chút nào.
Trần Như Nguyện, là phóng viên của một số báo Việt và đài truyền hình tại Hoa Kỳ. Hiện đang cư ngụ tại thành phố Houston - Texas. Tác giả từng được nhận giải đặc biệt " Viết Về Nước Mỹ " vào 2018 với tác phẩm " Mẹ Lúa chạy bão Harvey ". Đây là bài viết trở lại sau thời gian vắng bóng.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài viết mới.
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân: "Thế và Tôi." Sau đây là bài mới nhất
Tháng tư vùng Hoa Thịnh Đốn cỏ hoa, khí hậu tuyệt vời, cuộc sống vật chất đầy đủ tiện nghi làm Vân bùi ngùi nhớ lại tháng 4 hãi hùng, đau thương cách đây 45 năm, nhớ họ hàng bà con ở quê hương VN xa xôi mà Vân không có cơ hội găp lại.Sau tháng 4 /75 nhiều gia đinh ly tán, trẻ con nheo nhóc, vợ trẻ xa chồng, mẹ già mòn mõi ngóng tin con. Nhiều người đang nhà cao cửa rộng phải đi ở nhờ ở đậu. Có người liều vượt biên, làm mồi cho cá nơi biển cả hay nạn nhân bọn cướp biển, phụ nữ bi hãm hiếp… Gia đình bạn Vân gồm 2 vợ chồng và 3 con vượt biên cùng 28 người họ hàng bị bão chìm tàu. Chỉ 8 người sống sót. Người bạn sống nhưng vợ và 3 con chìm trong lòng biển cả mênh mông. Nhắc mà đau lòng, xót xa cho cảnh chia ly tang tóc. Sau cuộc đổi đời vào tháng 4/ 1975, miền Nam trước kia sung túc lúa gạo dư thừa còn xuất cảng nước khác mà năm ấy một số dân Saigon phải ăn độn bo bo. Một hoc trò Vân cho biết sau khi cha em đi tù cải tạo ít lâu gia đình em “khoái ăn sang”.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.
Thoạt tiên, khi đại dịch khởi phát từ Vũ Hán, người ta liền đặt cho nó ngay một cái tên cho dễ nhớ Coronavirus Wuhan. Rất dễ hiểu vì nó xuất phát từ bên Tàu nên có người còn gọi là “cúm Tàu”. Tiếp theo đó, Coronavirus đã theo bước chân con người đến tàn phá ở các quốc gia: Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Phi châu... và những vùng đất xa xôi nhất mà người ta ít dịp nghe nói đến trên hành tinh. Hàng loạt các cuộc tấn công, miệt thị người gốc Á đã xảy ra nơi công cộng ở nhiều nơi trên thế giới để “trả thù dân tộc” từ khi mới bắt đầu đại dịch cho đến bây giờ; người gốc Việt không nằm ngoại lệ nên cũng bị vạ lây!!! Các nước bắt đầu ra lệnh đóng cửa biên giới để giữ an toàn cho vùng lãnh thổ của mình. Làn sóng kỳ thị lại đổ dồn về những nơi diễn ra tâm dịch, nhất là đối với những người đến từ vùng dịch. Những sinh viên, người lao động bao ngày đi du học, đi làm ở nước ngoài giờ ùn ùn kéo về Việt Nam hàng loạt!
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.
Nhạc sĩ Cung Tiến