Hôm nay,  

Có Những Bàn Tay

21/08/202000:00:00(Xem: 7641)

CO NHUNG BAN TAY_KHOI AN 01

Khôi An là kỹ sư, nhà ngôn ngữ học, và giảng viên tiếng Việt ở một trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo.

***

 

Có những bàn tay thật dịu dàng

Bàn tay không thắm nét kiêu sang

Cũng không tô chuốt màu hồng hạnh

Mà rất đẹp tươi, rất nhẹ nhàng

 

Đó là bốn câu trong bài học thuộc lòng từ thời tiểu học. Tôi không nhớ tên bài thơ hay tên tác giả, nhưng những lời thơ đó đã bất chợt trở về trong óc tôi khi tôi gặp Cô K lần đầu.
 
Hôm ấy, ngày giữa tuần mà đường phố vắng tanh, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe lướt vội trên đường nhựa đen loáng nắng. Tôi rẽ vào khu chung cư im lìm, đeo chiếc mạng che tới ngang mũi, xỏ vào đôi bao tay, quất thêm cặp mắt kính, rồi mới bước xuống xe, dáo dác nhìn quanh. Từ trên ban công của căn nhà trước mặt, một người vóc dáng nhỏ nhắn, cũng che mặt kín mít, vừa vẫy vừa gọi tôi. Cô thòng xuống một sợi dây thừng ở đầu buộc một cái xô, trong xô có một gói lớn. Tôi bước đến, nhấc cái gói ra. Trọng lượng nặng chịch của nó làm tôi bất ngờ. Thì ra hai trăm cái mặt nạ may ba lớp là một khối to và nặng như vậy đó! Tôi ngước lên nhìn người đàn bà đang nắm đầu kia của sợi dây và chợt nảy ra ý xin lên chụp một tấm hình nơi Cô tạo ra những tấm mạng che mặt đang được phân phát đi khắp nơi trên nước Mỹ.
 
Căn nhà nhỏ của Cô đầy nét “phụ nữ Việt Nam”. Những đôi giày đính cườm và những đôi dép đủ kiểu được xếp ngay ngắn trên kệ cạnh lối vào. Kế bên cửa có treo một chiếc nón lá. Bức tường chính được trang điểm bằng bộ tranh sơn mài Mai, Lan, Cúc, Trúc, chung quanh là rất nhiều khung hình lớn nhỏ. Có hình những người trẻ, có lẽ là con cháu của Cô, và nhiều hình Cô trong những tà áo dài rực rỡ.
 
Cô K bước vào phòng ngủ và vẫy tôi theo. Một chiếc máy may lớn đặt ngay bên cửa sổ, trên đó la liệt những mạng che mặt vừa mới cắt, dưới sàn đầy những gói mạng che mặt đã may xong. Ở góc đối diện, một chiếc máy may nhỏ hơn kê cạnh những cuộn vải chất thành một chồng cao, che khuất cả chiếc giường nhỏ nằm nép sát tường.
 
Cô K ngồi xuống bàn máy may, với tay kéo màn cửa sổ, “Ngồi may ở đây, khi nào dịu nắng thì mở màn nhìn xuống đường cho thoải mái.” Cô cầm một chiếc mạng vừa cắt, lia vào dưới mũi kim, rồi xoay ngang, xoay dọc. Nhìn đôi tay linh hoạt, khéo léo của Cô, tôi chợt liên tưởng tới những bàn tay thoăn thoắt đưa thoi của các cô gái dệt lụa làng Vĩnh Phúc - Hà Đông và những bàn tay nắn nót tỉa từng cánh mứt Tết của những bà nội trợ ở cố đô Huế ngày xưa…
 
Khoảng năm phút sau, Cô nâng chiếc mạng mới được hoàn thành lên, ướm vào mặt rồi cười. Tôi định hỏi, ở một mình trong thời đại dịch, chung quanh vắng tanh như vậy, Cô có buồn không. Nhưng nụ cười trên gương mặt thanh tú của Cô làm cho tôi thấy câu hỏi đó không cần thiết. Chụp nhanh vài tấm hình, tôi hẹn nói chuyện nhiều hơn qua điện thoại, và vội ra về.
 

**

 

Vào cuối tháng Ba, 2020, đại dịch COVID-19 hoành hành dữ dội ở Hoa Kỳ. California nhờ thi hành lệnh ở nhà tránh bệnh sớm nên bệnh viện không bị quá tải, người dân tuy lo lắng nhưng không đến nỗi hốt hoảng. Trong khi đó, nhiều tiểu bang miền Đông Hoa Kỳ đã rơi vào tình trạng kinh hoàng. Tại nhiều bệnh viện ở New York, bệnh nhân được đẩy từ xe cứu thương xuống, xếp hàng ngoằn ngoèo đầy bãi đậu xe rồi nghẽn lại ở trước cửa phòng cấp cứu. Bên trong, người bệnh mới vào nằm đầy cả hành lang; những người chưa đến mức nguy kịch nằm trơ trọi trong những căn phòng chưa kịp bật đèn, chỉ có vài tia nắng héo hắt chiếu qua cửa kính. Các bác sĩ, y tá qua lại hối hả, cả người bịt kín mít chỉ lộ ra những đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ.
 
Kinh khủng hơn nữa là các dụng cụ bảo vệ cho các nhân viên y tế như mạng che mặt N95 (N95 mask) và bao tay đều bị thiếu trầm trọng. Bình thường, cái N95 mask sau khi dùng một lần sẽ bị vất vào thùng rác có gắn bảng “Coi Chừng Nguy Cơ Gây Lây Nhiễm”, nhưng lúc đó, ở nhiều nơi, mỗi nhân viên y tế chỉ được phát một N95 mask để sử dụng suốt một tuần.
 
Trước khi ra về, các bác sĩ, y tá phải bỏ N95 mask vào máy tẩy trùng để hôm sau dùng tiếp, một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ. Máy tẩy trùng có thật sự hiệu quả hay không, nghiên cứu chưa rõ ràng. N95 mask có thể chịu được bao nhiêu lần tẩy, tin tức rất lờ mờ. Mỗi ngày, các nhân viên y tế chỉ biết cầu nguyện khi tròng cái mạng cũ vào mặt rồi lao vào giành giựt từng người bệnh với Tử Thần. Một bác sĩ ở Pennsylvania được người hàng xóm tốt bụng tặng mười cái N95 mask, đã tâm sự, “Có ai ngờ được rằng có ngày mình mừng đến rơi nước mắt khi thấy cái gói có mười cái N95 mask để trước cửa nhà.”
 
Những nhân viên không làm việc trực tiếp với bệnh nhân phải dùng mạng che mặt loại thường bằng giấy, và ngay cả loại này cũng không đủ. Họ phải tự xoay sở, người nào có được cái mạng bằng vải là may mắn, có người phải dùng khăn tay buộc ngang mặt.
 
Ở những bệnh viện nghèo, ngay cả bác sĩ, y tá cũng phải dùng mạng vải. Ở vài nơi, nhân viên phải dùng bao đựng rác làm áo khoác và tự tìm mọi cách để bảo vệ mình. Chưa bao giờ tình trạng các bệnh viện ở Mỹ lại thê thảm, hỗn loạn đến thế. Vừa chữa bệnh, các bác sĩ, y tá vừa chỉ cho nhau cách làm mạng che mặt “dã chiến”. Bác sĩ Sofia Warner ở Mass General Hospital than thở, “Không thể ngờ rằng tôi đang ngồi trong bệnh viện mà phải vắt óc nghĩ cách tự làm mạng che mặt cho mình.”
 
Sau một thời gian sững sờ trước tình trạng khủng hoảng, người dân ở những vùng không nhiễm COVID-19 quá nặng bắt đầu tìm cách gánh vác bớt sự khó khăn chung. Nhiều người, trong đó có khá đông các gia đình gốc Việt, đã tình nguyện may mạng che mặt tặng cho các bệnh viện. Tôi cũng muốn đóng góp, nhưng may vá là điều tôi không rành và ở nhà chẳng có máy may; vì thế, tôi chỉ biết băn khoăn với cảm giác bất lực nặng trĩu trong lòng.
 
Một ngày kia, qua Facebook, tôi có dịp trò chuyện với một anh bạn đang sống ở miền Đông, có vợ làm dược sĩ. Anh ta kể rằng bệnh viện Signature Healthcare Brockton, Massachusetts đang bị thiếu dụng cụ bảo vệ trầm trọng, nhân viên phải dành dụm từng cái mạng che mặt và dùng lại đồ cũ. Mỗi ngày đi làm, họ đều căng thẳng như ra trận vì không biết sẽ nhiễm bệnh lúc nào. Có những người mỗi sáng chia tay con đều rơi nước mắt, nửa muốn đi, nửa muốn cáo bệnh ở nhà. Họ thường xuyên bị giằng xé giữa lương tâm chức nghiệp và bản năng muốn lánh xa chỗ nguy hiểm để bảo vệ cho mình, cho con, cho cả gia đình.
 
Những lời kể đó làm tôi không thể tiếp tục bó tay. Tôi hỏi mua mạng N95 và bao tay ở khắp nơi, từ những tiểu bang ít người nhiễm COVID-19 như Hawaii, Alaska cho đến các nước xa xôi chỉ bị dịch nhẹ như Úc, Việt Nam. Ở đâu cũng chỉ nhận được câu trả lời “Không có.” Cuối cùng, tôi biết chỉ còn cách duy nhất là may mạng bằng vải để tặng. Nhưng, việc này cũng gặp rất nhiều trắc trở.
 
Lúc đó, mọi thứ đều khan hiếm. Trong bệnh viện thì thiếu dụng cụ bảo vệ, thiếu máy trợ thở, thiếu các loại giấy lau để tẩy trùng; ngoài đời thì mọi loại chất sát trùng đều hết sạch, ngay cả muối – chất có tính sát trùng, và giấm – chất được đồn là có thể sát trùng, cũng khó tìm. Khi việc may mạng bắt đầu lan rộng thì vật liệu cũng cạn nhanh đến không ngờ. Ở những tiệm vải lớn như JoAnne, Walmart… vải thì có nhưng dây thun để làm quai thì không; đặt hàng trên mạng thì một cuộn dây thun phải chờ hai, ba tháng. Tôi đã bắt đầu tuyệt vọng thì một người bạn giới thiệu cho gặp Cô K. Cô đã nhanh chóng nhận lời may giúp tôi hai trăm mạng che mặt với giá nhẹ nhàng. Tuy vậy, tôi phải “xếp hàng” chờ vì Cô K còn phải may cho hai, ba nhóm khác.
 
Sau hơn một tuần chờ đợi, ngày 23 tháng Tư, Cô gọi tôi đến lấy hàng. Từ nhà cô K ra, tôi đi thẳng đến bưu điện. Sau một phút ngần ngừ, tôi bỏ thêm vào thùng một hộp bao tay quý giá mà tôi đã để dành từ mấy tháng nay. Gửi thùng đồ “cứu trợ” sang Massachusetts rồi, tôi thở phào và thấy một chút vui nhẹ nhàng.
 
Rồi tôi lại nghĩ đến cô K và tự hỏi điều gì đã khiến cho Cô miệt mài ngồi bên máy may hàng mấy tháng nay. Tôi gọi điện thoại hỏi chuyện Cô và đã được nghe những lời tâm tình của người phụ nữ đặc biệt này.

 

**

 

Cô sinh ra trong một nếp nhà cổ ở Huế, nơi ông nội và ông ngoại của Cô đều làm quan trong triều Nguyễn. Khi Cô được vài tuổi, gia đình Cô chuyển về Đà Lạt, và Cô đã lớn lên tại thành phố cao nguyên thơ mộng, nơi đã được vua Bảo Đại chọn làm “Hoàng Triều Cương Thổ”.
 
Năm 1972, Cô lập gia đình với một Thiếu Uý trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Cũng như những người lính khác, chồng cô đi hành quân liên miên, cô nuôi con một mình nhờ vào nghề đan len của cha mẹ ruột.
 
Năm 1975, miền Nam mất, chồng Cô bị tù, lúc đó con trai đầu mới hơn hai tuổi, con trai thứ nhì còn ẵm ngửa. Cũng may, chỉ hai năm sau ông ấy được thả về và cháu trai thứ ba ra đời. Năm 1979, khi thằng bé chưa đầy một tuổi, chồng Cô trốn khỏi Việt Nam bằng đường biển.
 
“Những người vợ lính thời nớ, hầu hết là nuôi con một mình, trước chiến tranh, và sau chiến tranh cũng rứa,” giọng Cô rất nhẹ. “Ngày nhận tin ông ấy tới đảo, cô không biết tới khi mô mới gặp lại. Nhưng, cũng như trong thời chiến, chỉ cần nghe tin ông ấy còn sống là mừng rồi.”
 
Đến năm 1982, khi thằng bé út đã cứng cáp, Cô ôm các con xuống thuyền vượt biên. Phần mong gặp lại chồng, phần còn trẻ nên mình dám làm liều rứa! Nhờ Trời thương, đi ba ngày ba đêm thì thuyền của Cô được tàu Cap Anamur của Hội Y Sĩ Không Biên Giới vớt, đem vào đảo Palawan của Phi Luật Tân. Lếch thếch tay bồng, tay dắt ba đứa con vào trại tị nạn nhưng lòng Cô vui rộn ràng, chỉ mong ngóng đến ngày đoàn tụ.
 
Ngày cô sang đến Florida, chồng cô ra đón. Về đến nhà, Cô mừng thầm khi thấy nơi ăn chốn ở khá khang trang; trong một căn nhà bốn phòng có hai phòng dành cho gia đình cô, phòng thứ ba của mẹ chồng, và phòng thứ tư cho thuê lại. Người thuê là một thiếu phụ rất trẻ đang mang thai ở cùng đứa con gái nhỏ khoảng hai tuổi. Sau khi ăn uống, chào hỏi qua loa thì trời sụp tối, vợ chồng Cô rút vào phòng riêng để hàn huyên sau gần bốn năm xa cách.
 
Sáng hôm sau, chồng Cô và người thuê nhà đi làm sớm, Cô cho ba đứa con ăn sáng vừa xong thì bà mẹ chồng ghé ngồi vào bàn. Không vòng vo, rào đón, bà nói rằng cô gái trẻ đó không phải là người thuê phòng. Đó là người vợ mới mà chồng Cô đã kết đôi trong trại tị nạn bên đảo; đứa bé gái hai tuổi và đứa bé sắp ra đời đều là con của chồng Cô.
 
Cô sững sờ nhìn mẹ chồng, chờ bà phá lên cười và nói rằng mẹ đang giỡn với con thôi. Nhưng bà chỉ nói tiếp, “Con nhỏ cũng hiền lành, siêng năng. Thôi đã lỡ như vậy rồi, con cứ ở đây rồi cùng nhau lo làm ăn. Trai năm thê, bảy thiếp…”
 
Bà còn nói nhiều nữa nhưng tai Cô lùng bùng, cổ họng Cô nghẹn cứng. Cô chỉ biết lắc đầu, lắc đầu…
 
Tối hôm đó, Cô khoá cửa phòng và nói với ông chồng rằng từ giờ trở đi, ràng buộc duy nhất giữa hai người là ba đứa con trai nhỏ. Điều Cô không thể ngờ là đứa con thứ tư đã bắt đầu tượng hình trong bụng Cô, ngay sau đêm đoàn tụ.
 
Sáu tháng tiếp đó là thời gian nặng nề nhất trong đời Cô. Cô không cãi vã với người vợ kế, đôi khi còn thấy thương hại người con gái trẻ, cô đơn, dại dột, đã vướng vào lưới tình của người đàn ông có vợ ba con. Tuy nhiên, cảnh sống trớ trêu cùng với những cơn bực tức của ông chồng trước tính tự lập, mạnh mẽ của Cô làm cho trong nhà hết sức căng thẳng. Ba đứa bé từng mơ ước gặp lại cha nay chỉ biết cúp mắt sợ sệt trước những trận quát tháo của người đàn ông mà chúng thấy vô cùng xa lạ.
 
Cũng may, chung quanh Cô còn có những người bạn Việt Nam tốt bụng. Cô đã biết lái xe hơi từ khi còn ở Đà Lạt nên một chị bạn chỉ cần dạy Cô vài tiếng đồng hồ là Cô thi đậu bằng lái xe. Ngày Cô lấy được bằng lái, trong nhà cũng nổi một cơn bão táp. Chồng Cô giận dữ bảo rằng Cô đang có thai mà không chịu an phận, sẽ gây nguy hiểm cho con. Cô thầm cười khẩy, nghĩ đến những vết hằn xấu xí trong đầu óc các con từ mấy tháng nay, nhưng Cô vẫn lặng im.
 
Cô hỏi thăm vài người bạn ở California và biết rằng đời sống ở đó tương đối dễ dàng, các bà mẹ đơn thân đều được chính phủ chu cấp nuôi con. Cô dấu kỹ gần ba ngàn đô la mà Cô gom góp được sau khi bán hết tài sản ở Việt Nam (nhờ Trời cho chuyến vượt biển bình an nên số tiền đó vẫn còn nguyên). Chị bạn dạy lái xe thương hoàn cảnh của Cô, để lại cho Cô chiếc xe cũ với giá rẻ. Một ngày kia, viện cớ là chiếc xe cũ chỉ có hai cửa, rất khó cho các con ra vào, Cô nài nỉ ông chồng bù cho mấy trăm đô la để đổi lấy một chiếc xe to hơn, máy móc còn tốt, và có máy lạnh.
 
Mùa Hè năm 1983, vào một buổi sáng khi “họ” đi vắng, Cô bỏ ba chiếc ba lô sách vở của các con lên xe, thêm một va li quần áo, và một ít thức ăn. Hai đứa con nhỏ ngồi phía sau, đứa con lớn mới mười tuổi ngồi ghế trước, tay cầm bản đồ chấm đường. Cô lái ra xa lộ, hướng về phía Tây, và cứ thế mà đi...
 
Ngày đi, đêm nghỉ ở khách sạn dọc đường, gia đình Cô đến California sau năm ngày, bốn đêm. Khi đó, cô mới ba mươi lăm tuổi, đến Mỹ được sáu tháng, vai gánh ba con thơ, bụng mang thai cũng vừa sáu tháng.
 
Gia đình năm mẹ con của Cô K đã bám rễ trên miền đất lành San Jose, dựa trên rất nhiều giúp đỡ của bạn bè, nhất là của chính quyền địa phương. Năm người được cho nhà ở và tiền trợ cấp hàng tháng. Các con của Cô được ăn trưa miễn phí trong suốt thời học sinh. Ngoài giờ chăm sóc các con, Cô đi học tiếng Anh và làm việc vặt để kiếm thêm. May đồ lố, dọn dẹp chợ, bán hàng, trông trẻ em… việc gì cô cũng làm với sự chăm chỉ, nhiệt tình.
 
Năm tháng lặng lẽ trôi qua, bốn con trai càng lớn thì Cô càng có thêm thì giờ để sinh hoạt trong các hội đoàn. Đến khi tất cả các con tốt nghiệp Đại Học và có gia đình yên ấm thì Cô đã trở thành một khuôn mặt quen thuộc trong các hoạt động của cộng đồng người Việt vùng San Jose. Từ những việc chung như giúp đỡ người neo đơn, tham gia tế lễ, diễn hành, nấu ăn trong các ngày lễ hội cho đến những việc riêng như may áo dài, chăm chút rau trái... tất cả đều được Cô làm với lòng hăng hái và đôi tay vén khéo, dịu dàng như bàn tay Cô Tấm, chạm đến đâu thì nơi đó trở thành gọn gàng, tươi tốt.

 

**

 

Tháng Hai, 2020, từ khi dịch COVID-19 mới chớm đến vùng Vịnh San Francisco, Cô K là một trong những người đầu tiên đeo mạng che mặt. Dù không có nhiều kiến thức về dịch bệnh, Cô nghĩ -- rất đơn giản -- rằng nếu vi khuẩn gây ho, sổ mũi thì đeo mạng sẽ vừa che mũi miệng, vừa giúp nước bọt đỡ văng xa, tức là vừa bảo vệ mình vừa chặn bệnh lan sang người khác.
 
 
Có kiêng có lành, người xưa đã nói vậy, và Cô đã hồn nhiên trở thành “người mẫu” đầu tiên cho những chiếc mạng vải xinh xắn và tiện lợi. Mọi người thấy Cô đeo mạng, ai cũng trầm trồ khen rồi hỏi mua ở đâu. Thấy vậy, cô tặng mạng cho bạn bè, nhưng sau đó người hỏi càng lúc càng nhiều nên Cô lấy tượng trưng mỗi cái một đô-la để mua nguyên liệu may cái mới.
 
Đầu tháng Ba, khi dịch bùng phát mạnh, cô giám đốc Trung Tâm Văn Hoá Việt-Mỹ San Jose nhờ Cô K may dùm một ngàn cái mạng che mặt dựa theo mẫu của tiệm JoAnne Fabric để tặng cho bệnh viện. Cô K nhận lời ngay, rồi vội rủ hai người bạn chạy ra tiệm JoAnne để xin mẫu. Ba người kiên nhẫn đứng xếp hàng, sau gần một tiếng đồng hồ phơi nắng, họ nhận được sáu bộ mẫu. Sau đó, Cô lại tất tả đi mua vật liệu. Lúc đó, dây thun vẫn còn bán giá bình thường, cuộn lớn một trăm yards chỉ có hai mươi lăm đô-la. Cô hốt vội hai cuộn rồi phóng về nhà, cắm cúi cắt cắt, may may.
 
Khi Cô giao vài chục cái mạng đầu tiên cho bệnh viện ở San Jose thì được trả lời rằng mạng bằng vải không đủ tiêu chuẩn dùng trong y tế nên họ không nhận. Thế là cô đem những tấm mạng đó tặng cho Hội Người Việt Cao Niên San Jose. Khi thấy người nhận rất quý món quà, Cô lại may thêm và đem tặng ở những nơi khác.
 
Có lần Cô phát mạng che mặt ở trước tiệm Dollar Store ở gần nhà, mấy đứa bé người Mễ thấy Cô cho không, lấy làm ngạc nhiên lắm. Chúng ơi ới gọi cha mẹ đến xin rồi còn điện thoại báo cho bà con, bè bạn chạy ra. Họ đang cần mạng nên nhận xong ai cũng cười toe toét; những người chậm chân cứ tiếc rẻ hỏi mãi là khi nào có nữa.
 
“Món quà nhỏ xí nhưng lúc đó giữa mùa dịch, ai cũng trốn trong nhà, tự nhiên có một người ra phố tặng quà, lại là món đang cần nên người ta thích lắm,” Cô K vừa kể vừa cười.
 
Bước sang giữa tháng Ba, số người nhiễm bệnh tăng dữ dội trên khắp nước Mỹ. Điện thoại của Cô reo liên tục. Có người nhờ Cô may mạng để dùng, có người tặng cho nhà dưỡng lão hoặc bệnh viện (lúc đó đã nới lỏng tiêu chuẩn và cho phép nhân viên vòng ngoài được dùng mạng vải). Cũng có những hội đoàn đặt may mạng để phát cho dân nhằm tạo tên tuổi. Nhưng Cô K không quan tâm tới những chi tiết phía sau, cô chỉ miệt mài may.
 
Thời dịch bệnh không được ra khỏi nhà nên suốt ngày Cô làm bạn với cái máy may. Từ sáng sớm đến tối mịt, cô làm việc không ngừng. Loại mạng xếp nếp dày ba lớp dành cho nhân viên bệnh viện thì Cô may được khoảng một trăm cái mỗi ngày, loại mạng hai lớp đơn giản hơn thì Cô sản xuất mỗi ngày gần hai trăm cái. Đêm về, khi ngả mình xuống giường, Cô mới thấy hai cánh tay rã rời, nhưng đến sáng khi nghe người này tha thiết nhờ may cho bệnh viện, người kia khẩn khoản cậy may cho nhà thờ, người nọ năn nỉ xin ủng hộ cho chùa, mọi mệt nhọc trong Cô nhanh chóng tiêu tan.
 
May được hơn một tháng thì Cô hết vật liệu. Lúc đó, giá vải đã vọt lên khá nhiều nhưng vẫn còn tìm mua được, chỉ có dây thun để làm quai thì vô cùng khó kiếm. Đi khắp những tiệm vải lớn, một tấc thun cũng không còn, Cô K chạy vội ra những tiệm vải nhỏ thì giá thun đã tăng gấp bốn lần, sợi thun lại quăn queo vì bị kéo dãn ra, nhưng Cô cũng đành bấm bụng mua. Có được hàng là may mắn lắm rồi!
 
Ngày tiếp ngày, việc may mạng che mặt đã thành một niềm vui của Cô K. Ngoài những tấm mạng một màu nhã nhặn dành cho bệnh viện, Cô còn may những tấm mạng màu sắc rực rỡ để làm cho mùa dịch bớt ảm đạm. Gần ngày 30 Tháng Tư, Cô K may một loạt mạng màu cờ vàng ba sọc đỏ; gần ngày Lễ Độc Lập 4 tháng Bảy, Cô may mạng hình cờ Mỹ và cả hai màu cờ Mỹ-Việt. Giữa tháng Năm, vào Ngày Vinh Danh Áo Dài và để đánh dấu ngày sinh nhật thứ bảy mươi ba của Cô, Cô K đã may bảy trăm ba mươi cái mạng đủ màu đem tặng cho các hội đoàn, khu mobile home gần nhà, và cả khách qua đường.
 
Sang tháng Sáu, sự khan hiếm dụng cụ bảo vệ y tế đã đỡ dần. Lúc đó, Cô K mới có thì giờ kiểm lại tất cả “đơn đặt hàng”. Và Cô đã tròn mắt ngạc nhiên trước tổng số mạng che mặt mà Cô đã may: bảy ngàn cái!
 
Bảy ngàn tấm mạng rực rỡ sắc màu như những cánh bướm tươi xinh đã từ căn chung cư nhỏ bé của Cô bay đến khắp nơi trong nước Mỹ, đã ôm ấp biết bao gương mặt với đủ mọi màu da, đã che chở, bảo vệ cho biết bao người với đủ mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi.
 
Tháng Bảy, dù số người nhiễm bệnh lại tăng vọt nhưng các nhà máy đã chuẩn bị sẵn sàng nên các dụng cụ bảo vệ thiết yếu không còn khan hiếm. Cô K chuyển sang may mũ đội đầu để giữ gọn tóc cho các bác sĩ, y tá.
 
Không còn phải cắm cúi cả ngày trên bàn máy, Cô viết văn, làm thơ đăng trên Facebook thường xuyên hơn. Vào ngày sinh nhật giữa tháng Năm mùa dịch, cô kể:

 

Đang ăn trưa thì con lớn gọi,
Hoa đến rồi, Mạ ra nhận đi
Thời “Cô Vi” cấy chi cũng lạ
Con tặng Mạ cũng phải cách ly!

 

Trong câu chuyện về một bức hình chụp cả gia đình thời Cô còn bé xíu, Cô viết:
 
Thử (quần áo) xong máy anh chị tui ai cũng lo treo lên để mai bận cho thẳng, còn tui với thằng Út khôn chịu cỗi ra mà cứ để rứa ngủ luôn để mai dậy đi chụp bóng. Bởi rứa mà áo quần tui cứ dăn dư cháo lòng rứa đó, vậy mà vẫn thấy sướng vì lần đầu được đi chụp bóng.
 
Sau khi chờ mãi mà các nơi làm đẹp vẫn chưa được mở cửa, Cô tự cắt tóc rồi đăng hình với giòng chú thích:
 
Sáng nay rảnh rỗi làm dáng một chút. Tóc đã dài, lấn cấn mãi không biết nên cắt bớt hay để dài để bối củ toải giống Mạ. Dìn cũng khôn đến nỗi tệ tuy tóc đã phải duộm màu.
 
Những bài viết nho nhỏ nhưng đặc biệt và thú vị, giống như người viết. Thì ra mấy mươi năm xa quê hương và ba, bốn phen chìm nổi vẫn không làm mất sự lạc quan và dí dỏm của Cô. Lời văn của Cô chân chất với những chữ viết rặt giọng Huế ngồ ngộ, và thấp thoáng nụ cười như ánh mắt của cô thiếu nữ đất cố đô tinh nghịch, lúng liếng sau vành nón lá.

 

**

 

CO NHUNG BAN TAY_KHOI AN 02
Cô K Mặc Áo Dài Ngồi May Mạng Che Mặt Trong Ngày Áo Dài 15 Tháng 5, 2020
            
Mỗi lần tôi gọi nói chuyện, Cô K đều đang bận rộn với một công tác xã hội nào đó, dường đó là niềm vui của Cô.
 
Có lần tôi gọi đùa Cô K là “đôi tay vàng”, Cô cười giòn rồi nói, “Khôn biết là vàng hay sắt, rứa mà tất cả những gì Cô có được trong đời là từ hai bàn tay ni đó tề!”
 
Nói về những đóng góp trong cơn đại dịch, Cô K nói, “Có người chọc Cô là ‘cuồng’ mạng che mặt. Nhưng mà cuồng cũng được chơ răng. Cuồng cái tốt, cái có ích cho đời, chơ ngồi không ngó thời giờ đi qua, tiếc bắt chết...”
 
Dù chỉ nghe qua điện thoại, tôi cảm được mắt Cô đang long lanh khi nói câu đó.
 
Có lẽ Cô thấy hạnh phúc với ý nghĩ rằng Cô đang trả ơn nước Mỹ, nhất là San Jose, miền đất đã ân cần giang tay đón nhận năm mẹ con bơ vơ, ngơ ngác ngày nào.
 
Có lẽ Cô đang cảm thấy một chút tự hào kín đáo. Xứng đáng lắm chứ! Bảy ngàn chiếc mạng trong bốn tháng đen tối, thiếu thốn nhất trong thời đại dịch COVID-19 tại Mỹ. Rất có thể đó là một “kỷ lục”, và – đáng vui thay -- người tạo “kỷ lục” là một người đàn bà gốc Việt hết lòng với Hoa Kỳ nhưng vẫn gắn bó với Việt Nam, người phụ nữ cao niên đã trải qua bao dâu bể nhưng vẫn sống vui và đẹp, người con Huế đã xa quê gần trọn đời nhưng vẫn mặn mà với “mô, tê, răng, rứa”.

Ý kiến bạn đọc
09/10/202018:10:08
Khách
Quý thay tấm lòng của một người phụ nữ cao niên VN.
"Cô nghĩ -- rất đơn giản -- rằng nếu vi khuẩn gây ho, sổ mũi thì đeo mạng sẽ vừa che mũi miệng, vừa giúp nước bọt đỡ văng xa, tức là vừa bảo vệ mình vừa chặn bệnh lan sang người khác."
Chỉ có đơn giản vậy thôi, nhưng rất nhiều người quyền cao chức trọng đã "chính trị hoá" tấm mạng che mặt hiền lành. Họ thà phun nọc bệnh vào người khác còn hơn là đeo mạng, họ sợ là đeo mạng trông không "mạnh mẽ" đủ. Thật ra, khi người ta còn "sợ" rằng mình trông không mạnh mẽ tức là tinh thần của họ thật sự rất yếu. Và họ biết rõ điều đó nên càng tỏ ra hùng hổ.
31/08/202016:53:57
Khách
Cô K : Thumb up !
25/08/202002:29:31
Khách
Khôi An cám ơn những người đã ghé xem bài, đặc biệt là các bạn đọc ĐC Bình, Minh Thuý, và Andy đã để lại lời góp ý.
24/08/202006:48:56
Khách
>Lên nói chuyện với anh chàng Taiwan (dân du học Canada) nói là sắp về Mỹ, lệnh của vợ (Nhất vợ nhì Trời--tục ngữ Việt Nam).

Hồi xưa nghe câu "Nó sợ vợ, vợ nó sợ Thượng Đế Tòan Năng", rất là. Còn lý lẻ "Đời không còn tính yêu thì sống để làm gì, "Nhớ có một lần một lần mình nói, ta yêu nhau có vầng trăng và muôn triệu vì sao làm chứng."" Rồi "Nó không biết không có tình yêu gì cả, tất cà chỉ là nhân duyên. Khi nhân duyên không còn thì "Thôi rồi còn chi đâu anh ơi, có còn lại chăng dư âm thôi. Và nếu như có một ngày, một ngày nào đó, Em ra đi có vầng Thái Dương làm chứng"". Vầng trăng và muôn triệu vì sao thuộc về Tam Giới, ngày rời Tam Giới không còn trăng, Thái Dương , và muôn triệu vì sao. Ước muốn thì tốt, nhưng ngay cả ước muốn củng không được để tâm đến, vì tất cả những ước muốn đều thuộc vào đầu óc, mà đầu óc thì không đồng nhất thể với Thượng Đế Tòan Năng. Hãy để Thượng Đế làm những gì Ngài muốn, nhiệm vụ cũa nó là phải nâng cao tâm thức, thăng hoa, thăng hoa mãi mãi, và đó là nhiệm vụ duy nhất. Đến từ cung trời xa xôi chỉ có thể được tham gia vào cơ hội này, để mà có cơ hội thăng tiến trong một giai đọan khủng khiếp nhất trong lịch sử Địa Cầu, nhưng khi ở đây nó lại la khóc om xòm. Nó không biết Trăm cái đập trở thành Bảo Kiếm, nó không biết nó thuộc diện may mắn, nhiều chúng sanh ở cảnh giới cao đều thèm muốn có sự huấn luyện trong hòan cảnh này, vì hòan cảnh này rất hiếm xảy ra trong Vũ Trụ. Một sự phá hủy rộng lớn của lực lượng phủ định trên một Tinh Cầu, và một sự can thiệp của lực lượng khẳng đinh với sự tham chiến cũa những linh hồn trong diện đồng nhất thể, một sự việc rất hiếm hoi trong vũ trụ, mà phần thắng cuối cùng sẻ thuộc về lực lượng khẳng đinh (Trăm cái đập trở thành Bảo Kiếm. Theo lý thuyết nếu một quốc gia có tổi thiểu 10 linh hồn thuộc diện đồng nhất thể, quốc gia đó sẻ không có xảy ra cuộc hủy diệt tòan diện. Mức độ hủy diệt tùy theo phước báu, trình độ đạo đức, trình độ tâm linh, .... của dân chúng trong mổi quốc gia. Taiwan thì khá, thành phố sạch sẻ (Chân Thiện Mỹ), dân chúng vui vẽ thân thiện, nhà hàng chay khắp nơi chứng tỏ dân chúng coi trọng việc giãm sát nghiệp, đi đâu cũng thấy chùa chiền, nhà thờ, ... (Nhất Quán đạo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Lão giáo, Khổng giáo, ....).
23/08/202004:19:34
Khách
>Tôi hỏi anh ta "Không sợ ở tù, vì chính phủ cấm xuất khẩu khẩu trang ? Anh ta trả lời "Tôi sẳn sàng vô tù cho noble cause"

Dù biết rằng một số việc trên thế giới này rất là không thể hiểu được. Trung Quốc vì sỉ diện quốc gia, không dám năn nĩ Taiwan giúp đở, Taiwan thì "Chị không Ạ thì em không cho kẹo", chỉ tội cho đám dân nghèo ở Trung Quốc, thành ra anh này phải đúng ra làm người hùng "Thế thiên hành đạo".
Còn chuyện khác như nước là nước, đất là đất, sao lại điên rồ đòi thay đổi bản chất của nó. Làm thủy điện cũng như làm chính trị, phải thuận với thiên nhiên. Nhưng trước hết, hãy tìm hiểu thế nào là thuận với thiên nhiên đã, bởi vì biết tiên liệu là một đức tính của người chỉ huy (Người không lo xa, ắt có buồn gần). Hơn 3000 năm trước, có người hỏi Phật Thích Ca rằng tinh hoa cốt lỏi của Giáo Lý Ngài là gì ? Phật trả lời "Không được bám víu vào một điều gì hết", cái giáo lý tối thượng này hình như chỉ đúng cho những linh hồn đã, đang vượt Tam Giới, và không phải trong diện Đồng Nhất Thể. Trong Tam Giới thì khác, Giới Luật quyết định tất cà, không hiểu được điều này là một đại tai họa rất khủng khiếp vì nó liên quan đến luật Nhân Quả. Giáo lý căn bản này không ai hiểu. Những Chùa Chiền hòang tráng, những tu viện đồ sộ, những giáo đường lộng lẩy, những giáo điều sáo rổng, ... không có thể ngăn chận được cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chủ quản Tam Giới.
22/08/202004:56:31
Khách
>Một bác sĩ ở Pennsylvania được người hàng xóm tốt bụng tặng mười cái N95 mask, đã tâm sự, “Có ai ngờ được rằng có ngày mình mừng đến rơi nước mắt khi thấy cái gói có mười cái N95 mask để trước cửa nhà.”

Tháng 2/2020 còn nằm ở Taiwan (3 tháng công tác), tính tháng 3 về Mỹ. Cô vợ đang ở Mỷ nghe Covíd-19 hòang hành ở Trung Quốc, Taiwan có 7 cases. Cô vợ gọi Eva Airline đổi ngày về gọi cho biết trong 3-4 ngày nữa phải rời Taiwan. Taiwan lúc này củng ok, 49NT cho 3 cái KN95 (1 dollars = 30NT) , mua không giới hạn, khẩu trang vải miển phí, đồ ăn chay 60NT cho 3 món, đưa đến tận hảng. Lên nói chuyện với anh chàng Taiwan (dân du học Canada) nói là sắp về Mỹ, lệnh của vợ (Nhất vợ nhì Trời--tục ngữ Việt Nam). Anh chàng Taiwan nói, tôi sẻ đi Hạ Môn (Trung Quốc) với một tàu chở đầy khẩu trang (viện trợ không hòan lại). Tôi hỏi anh ta "Không sợ ở tù, vì chính phủ cấm xuất khẩu khẩu trang ? Anh ta trả lời "Tôi sẳn sàng vô tù cho noble cause" (Taiwan 4 - 10 triệu khẩu trang 1 ngày từ những công ty Habor Precision Inc, Tongtai, TAKISAWA Taiwan, Contrel Technology, AVEX-SG Technology Inc., Hiwin, Keyarrow, ... ), mà anh này thân thế lớn vô tù gì nổi. Tôi mua một số đem về Mỹ, vô nhà vợ tự sản xuất khẩu trang vải. Cô em gái nhà gần đó, củng vậy ban ngày software engineer, ban đêm sản xuất khẩu trang vải cho nhà chùa.
22/08/202003:53:21
Khách
Những tâm hồn đẹp , những bàn tay đẹp . Đây là khuôn mặt rất quen thuộc trong cộng đồng tại San jose , chị là thành viên hội Cao Niên , Cung Đình Huế , hội Huế ..v...v...rất ngưỡng mộ chị K , và cám ơn bài viết tìm ra những tinh hoa trong cuộc sống
22/08/202001:13:54
Khách
Cám ơn tác giả đã giúp tôi bước vào một weekend vui bằng bài viết hay và ấm áp tình người. Cảm ơn bàn tay nhân ái của cô K! Bàn tay cô không chỉ giúp tô thắm tình người mà, tôi thiết nghĩ, đã cứu nhiều mạng người. Cuộc đời sẽ đẹp biết mấy nếu xã hội có thêm nhiều nhiều cô K, chú K, ông K, bà K, anh K, chị K, em K...

Chúc tác giả, cô K, và tất cả những độc giả đang đọc những giòng này một cuối tuần bình an & hạnh phúc bên những người thân yêu!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,801,403
T. Thiên Thu là cư dân Phoenix AZ, tốt nghiệp ngành Nursing tại Texas năm 1974 và làm việc cho St. Joseph’s hospital Phoenix, AZ gần 40 năm, nay đã về hưu,vui thú điền viên.
Chúng ta đang ở những ngày đầu của tháng Tư. Thời điểm này, bỗng nhắc nhớ trong tôi miền ký ức khó phai của hai mươi tám năm về trước. Ngày này, 07/4/1992, gia đình tôi đang ở New York City đúng mười ngày đầu tiên, đang ngơ ngác trước khung trời tự do rộng mở dù vẫn còn dầy đặc nỗi lo âu cho một tương lai chưa định trước. Thành phố New York là “thành phố lớn không bao giờ ngủ” (New York, the big city is not asleep), người ta hay nói vậy thật không sai chút nào.
Trần Như Nguyện, là phóng viên của một số báo Việt và đài truyền hình tại Hoa Kỳ. Hiện đang cư ngụ tại thành phố Houston - Texas. Tác giả từng được nhận giải đặc biệt " Viết Về Nước Mỹ " vào 2018 với tác phẩm " Mẹ Lúa chạy bão Harvey ". Đây là bài viết trở lại sau thời gian vắng bóng.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài viết mới.
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân: "Thế và Tôi." Sau đây là bài mới nhất
Tháng tư vùng Hoa Thịnh Đốn cỏ hoa, khí hậu tuyệt vời, cuộc sống vật chất đầy đủ tiện nghi làm Vân bùi ngùi nhớ lại tháng 4 hãi hùng, đau thương cách đây 45 năm, nhớ họ hàng bà con ở quê hương VN xa xôi mà Vân không có cơ hội găp lại.Sau tháng 4 /75 nhiều gia đinh ly tán, trẻ con nheo nhóc, vợ trẻ xa chồng, mẹ già mòn mõi ngóng tin con. Nhiều người đang nhà cao cửa rộng phải đi ở nhờ ở đậu. Có người liều vượt biên, làm mồi cho cá nơi biển cả hay nạn nhân bọn cướp biển, phụ nữ bi hãm hiếp… Gia đình bạn Vân gồm 2 vợ chồng và 3 con vượt biên cùng 28 người họ hàng bị bão chìm tàu. Chỉ 8 người sống sót. Người bạn sống nhưng vợ và 3 con chìm trong lòng biển cả mênh mông. Nhắc mà đau lòng, xót xa cho cảnh chia ly tang tóc. Sau cuộc đổi đời vào tháng 4/ 1975, miền Nam trước kia sung túc lúa gạo dư thừa còn xuất cảng nước khác mà năm ấy một số dân Saigon phải ăn độn bo bo. Một hoc trò Vân cho biết sau khi cha em đi tù cải tạo ít lâu gia đình em “khoái ăn sang”.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.
Thoạt tiên, khi đại dịch khởi phát từ Vũ Hán, người ta liền đặt cho nó ngay một cái tên cho dễ nhớ Coronavirus Wuhan. Rất dễ hiểu vì nó xuất phát từ bên Tàu nên có người còn gọi là “cúm Tàu”. Tiếp theo đó, Coronavirus đã theo bước chân con người đến tàn phá ở các quốc gia: Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Phi châu... và những vùng đất xa xôi nhất mà người ta ít dịp nghe nói đến trên hành tinh. Hàng loạt các cuộc tấn công, miệt thị người gốc Á đã xảy ra nơi công cộng ở nhiều nơi trên thế giới để “trả thù dân tộc” từ khi mới bắt đầu đại dịch cho đến bây giờ; người gốc Việt không nằm ngoại lệ nên cũng bị vạ lây!!! Các nước bắt đầu ra lệnh đóng cửa biên giới để giữ an toàn cho vùng lãnh thổ của mình. Làn sóng kỳ thị lại đổ dồn về những nơi diễn ra tâm dịch, nhất là đối với những người đến từ vùng dịch. Những sinh viên, người lao động bao ngày đi du học, đi làm ở nước ngoài giờ ùn ùn kéo về Việt Nam hàng loạt!
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.
Nhạc sĩ Cung Tiến