Hôm nay,  

Chuyện Hai Cái Tên Vì ... Ba Tôi

24/06/202000:00:00(Xem: 8505)

 Kim Loan

Tác giả  tên thật Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966. Trước khi đi vượt biên, là cô giáo tiểu học tại Việt Nam, qua trại tỵ nạn Thailand 4 năm và qua định cư tại Edmonton, Canada từ 1994 đến nay. Đây là bài mới nhất của tác giả. 


*** 

Lúc tôi được sinh ra, má muốn đặt tên tôi là Kim Thoa để cùng vần Th với các anh chị em trong nhà, nào Thanh, Thăng, Thu, Thủy, Thiện, Thúy, Thoa....và còn nhiều tên vần Th... nối tiếp tương lai nữa má cũng đã nghĩ trước rồi, đẻ tới đâu là đặt tới đó. 

Ba tôi đến xã làm giấy tờ, nhằm lúc người nhân viên hộ tịch đang lim dim thưởng thức trên Radio bài hát “Căn Nhà Ngoại Ô” với tiếng hát của cô ca sỹ xinh đẹp Kim Loan, nên có lẽ bị nhập tâm, rồi nhập luôn vào... giấy khai sanh của tôi là Kim Loan thay vì Kim Thoa. Khi ba tôi quay trở lại, nhận tờ giấy, bèn thắc mắc, ông “hộ tịch” nhìn ba tôi cười hối lỗi, nhưng vẫn cố thuyết phục:  

- Tôi hỏi thật nhé, giữa cái tên Kim Thoa bình thường và cái tên Kim Loan đang nổi như cồn, “em ơi trái đất vẫn tròn, chúng mình hai đứa vẫn còn gặp nhau”, thì ông chọn cái tên nào cho con gái cưng của ông?

Ba tôi nghe cũng xuôi tai, vốn tính cả nể, dễ chịu, nên vui vẻ mang giấy khai sanh về nhà. Thấy má tôi hơi buồn, ba bảo:

- Thì ở nhà vẫn cứ gọi nó là Thoa, còn trên giấy tờ là Kim Loan, có chết thằng Tây nào đâu!

Và từ đó tôi có hai tên, một tên do má tôi đặt, một tên do ông hộ tịch đặt. Có điều, cái tên Thoa là tên thân mật trong nhà, lại được xài nhiều nhất. Cả gia đình tôi, xóm tôi, bạn bè thân và họ hàng làng nước, đều chỉ gọi tôi là Thoa cho đến tận bây giờ, thậm chí có rất nhiều người không hề biết tôi có tên giống nàng ca sỹ “Căn Nhà Ngoại Ô”. Cũng vậy, các bạn học của tôi, nếu không thân, cũng không thể biết tôi có tên gọi ở nhà là Thoa.

Lần đó, có anh bạn học chung ngoài Sài Gòn, có ý định đến nhà tôi chơi mà không báo trước, vì anh ta tự tin đã nhớ tên con hẻm nhà tôi. Anh ấy từng tuyên bố: 

- Hẻm Bàn Cờ rối hơn canh hẹ, anh còn tìm ra, huống gì hẻm Gò Vấp xóm em, chỉ là chuyện vặt!

Anh ấy quả là có kinh nghiệm “tìm hẻm” nên đã đến đúng con hẻm xóm tôi, gặp ngay thằng Tửng, cái thằng khôn lanh nhứt xóm. Thằng Tửng trả lời rành rọt:

- Xóm này em thuộc tên từng người, và không có ai tên Loan hết á!

Anh ấy vẫn kiên nhẫn:

- Em có chắc không? Thôi để anh diễn tả chị ấy cho em nhe: chị để tóc ngang vai, mắt một mí lót, dáng cao cao...

- Xóm em có mấy chị như thế, ai biết anh muốn chị nào?

- À, chị ấy đi chiếc xe đạp màu vàng, có cái giỏ xe phía trước thắt cái nơ đỏ, hơi ...màu mè cải lương đó cưng …

- Xời ơi, vậy là chị Thoa! Anh còn kể thiếu cái kẹp tóc xanh xanh trên đầu chị ấy, và còn cái răng khểnh nữa…

- Đúng rồi! Đúng rồi!

Thằng Tửng dẫn anh ấy đến tận cổng nhà gặp tôi, cười lập công:

- Nè chị Thoa, em phải đưa anh bạn chị đến đây vì em biết con chó nhà chị…dữ nhứt xóm này, nhưng nó nhìn thấy mặt em quen, sẽ không sủa bậy!

Trước khi quay đi, nó còn dặn tôi:

- À, lần sau chị có mời ai đến nhà chơi, thì nhớ nói chị có hai tên nha, kẻo tội nghiệp “người ta”!

 

Bây giờ xin trở lại chuyện ba tôi. Khi qua định cư bên Mỹ theo diện ODP, ba còn tuổi lao động, nên vào làm trong hãng thịt bò ở Liberal, Kansas. Tại đây, họ phân chia công việc theo sức lực khả năng. Công việc của ba là cầm một cái móc nhọn nhỏ bé cỡ bằng một bàn tay, khi dãy đùi bò treo trên băng dây chuyền chầm chậm đi qua, ba chỉ việc cầm cái móc đẩy khúc thịt đùi to tổ chảng ấy về một phía để anh Mễ to lớn ở line bên cạnh thuận tiện dùng dao cắt xẻo. 

Ba tôi luôn tự hào vì còn làm ra tiền không cần nhờ vả con cái, không ăn bám chính phủ Mỹ. Với vốn liếng tiếng Pháp kha khá từ hồi còn bên nhà và tiếng Anh na ná giống nhau nên ba học tiếng Anh chỉ hiểu lõm bõm nhưng cũng...đủ xài, đủ để “nói chuyện” với tên cai (supervisor) cộng thêm “ngôn ngữ tay chân” và bản tính vui vẻ nên không có trục trặc gì. Thậm chí có lần ba còn làm “thông dịch” giùm anh chàng miền biển mới qua từ Việt Nam không biết nửa chữ tiếng Anh. Bữa đó, anh chàng đi làm muộn, bị tên cai tra hỏi, đang ú ớ thì ba đi tới, anh chàng năn nỉ ba giải thích giúp là anh ta ngủ quên vì đồng hồ báo thức bị hư. Ba mỉm cười nhìn tên cai rồi nói gọn lỏn: “He sleep forget!” vậy mà tên cai hiểu và thông cảm, cho qua!

Liberal là một town nhỏ xíu, vắng vẻ trong tiểu bang Kansas, nên mấy người Việt làm chung hãng bò đều biết nhau. Mùa đông tuyết rơi ngập trời, lạnh lẽo, ba biết mấy người độc thân sẽ buồn bã cô đơn nên rủ về nhà, cùng nấu một nồi phở bự (thịt bò tươi rói mua từ hãng về nấu liền, nên mùi phở thơm lừng ngất ngây). Mọi người ăn uống, xem video ca nhạc của trung tâm Asia hay Thuý Nga, vơi đi nỗi nhớ nhà bên bờ đại dương. Từ đó, chẳng cần phải mùa đông, mà cứ mỗi cuối tuần là họ lại kéo về nhà ba, tìm đến không khí thân thương của tình đồng hương trong những ngày đầu trên đất Mỹ.

Sau mấy năm làm hãng bò thì ba đến tuổi hưu. Chúng tôi sợ ba nhớ quê hương làng xóm nên khuyến khích ba về Việt Nam nghỉ ngơi một chuyến. Vé mua cho hai tháng mà chưa đầy một tháng ba đã trở về Mỹ, ba nói:

- Xã hội Mỹ có tự do, dân chủ, đường phố sạch đẹp, thức ăn vệ sinh an toàn quen rồi, giờ về bên kia thấy lạc lõng, không phù hợp, xa nước Mỹ ngày nào là thiệt thòi ngày đó. Mỹ là Number One, không đi đâu nữa!

Sau đó ba dọn qua vùng Little Sài Gòn, Nam California, nơi đó có người anh thứ năm của tôi đang sinh sống, anh làm kỹ sư hãng Boeing tại Long Beach, nhưng ba không ở với anh tôi mà ở cùng với người anh ruột của ba (tức là bác của tôi). Hai ông xin chung một căn Housing của chính phủ, an hưởng tuổi già, không làm phiền các con các cháu. 



Sáng sớm ngủ dậy, đi bộ quanh khu nhà cho giãn gân cốt rồi ba bước qua khu Bolsa, đến Hội Người Già đánh cờ tướng và tán gẫu với mấy người bạn già đồng hương. Buổi trưa ăn trong mall Phước Lộc Thọ các món “cơm chỉ”, xong mua mấy tờ báo Tiếng Việt đem về nhà, buổi chiều thảnh thơi đọc báo sau giờ cơm tối, xem tivi. Thỉnh thoảng cuối tuần ba bắt xe bus lên Casino chơi, hoặc đi thăm người quen.

 

Thời gian thắm thoát trôi, năm nay ba tôi bước qua tuổi 94, nhờ trời thương, sức khoẻ vẫn ổn định, không phải uống thuốc trừ cơm. Tuy nhiên, ba cũng có những triệu chứng của tuổi già thông thường, là hơi lãng tai và lãng trí. Đôi khi nấu cơm quên tắt bếp, và cũng có đôi lần không nhớ đường đi bộ về nhà, hoặc nhầm tên con, cháu (ba chỉ có tám người con, mười sáu đứa cháu, chắt, cộng thêm đám dâu, rể …thôi à!)

Năm ngoái, đại gia đình tôi có buổi Family Reunion tại Arlington, Texas nhân dịp đám cưới đứa cháu. Tôi là đứa con duy nhất sống bên Canada nên ít gặp ba hơn những anh chị em khác trong nhà, tôi đến trước mặt ba hỏi thăm (và để kiểm tra):

- Ba ơi, con là ai nà, con tên gì?

Ba liếc tôi, cười khẩy:

- Con Thoa chớ còn ai vào đây?!

- Không, con là Kim Loan!

Ba lại cười:

- Thoa Tẹt chớ Kim Loan gì! 

Chẳng biết vì lâu quá không xài tới tên thật trong giấy tờ của tôi, hay vì ba tuổi già lúc nhớ lúc quên?

Cũng trong lần họp mặt đó, chúng tôi xúm lại khuyên ba nên dọn về Texas vì các con cháu đông đúc, để nếu lỡ có “bề gì” thì tiện đường chăm sóc. Ba gật gù đồng ý với kế hoạch, sẽ bay về California chuẩn bị giấy tờ hồ sơ rồi chuyển về Texas. Vậy mà về tới bên đó, ba chẳng có động tĩnh gì, bà chị Cả phải phone thúc giục thì ba đáp tỉnh bơ:

- Ba chẳng dọn đi đâu cả! Hồi ở Texas tụi bay đông quá ba cãi không lại nên phải …giả vờ đồng ý, chớ ba đang yên lành với Cali ấm áp, cảnh đẹp, về Texas nắng cháy buồn tênh, ngày ngày ăn xong rồi nằm ngủ hay xem ti vi, có khi lại đổ bệnh!

Vậy là ba tôi chưa lẫn!

Mùa dịch Covid ập đến, chính phủ Mỹ có chương trình cứu trợ toàn dân, ba tôi cũng được tấm cheque $1200. Số tiền già hàng tháng hơn $900 xài chưa hết, nay thêm số tiền “mùa dịch” quá nhiều, ba chẳng biết làm gì. Các con cháu thì không ai thiếu thốn, nên ba quyết định gửi về cho mấy người họ hàng ngoài miền Bắc Việt Nam, mỗi gia đình $200 (dù chưa tới thời hạn gửi tiền cuối năm thường niên). Nhận được tiền, họ vui lắm, phone qua cho ba để cảm ơn. Hai bên đầu giây đều xấp xỉ lứa tuổi “tám-chín bó” nên ai cũng lãng tai, nói như hét trên điện thoại. Bên kia:

- Cám ơn các bác đã gửi tiền cho chúng em đúng lúc các cháu đang khổ sở lăn lộn với dịch vật khó khăn! Tivi có nói chính phủ Việt Nam hỗ trợ 62 nghìn tỷ nhưng đến giờ vẫn chưa thấy đồng nào, chẳng biết chúng em có… sống tới lúc nhận tiền ấy không??

Bên này ba cũng hét lên đáp lại:

- Này, không phải tiền của tôi, mà là tiền của Tổng Thống Trump…biếu tôi, tôi không xài hết nên chia lại. Tiền của ông Trump đấy nhá!

Bên kia thắc mắc:

- Thế không phải chính phủ cứu đói các bác hở? Nghe nói nước Mỹ thiếu khẩu trang và thiếu cả thịt trong mùa dịch nên người Mỹ phải vào rừng săn bắn. Báo Việt Nam đăng hình các đoàn xe nối đuôi nhau chờ lãnh thực phẩm cứu đói, rồi nghe thủ tướng Phúc bảo cây cột điện bên Mỹ mà có chân cũng đi về Việt Nam, chúng em thấy thương các bác bên ấy quá.

May quá ba nghe trọn câu này và đáp lại ngay:

- Các bác ơi, chính phủ Việt Nam dù đang cần Mỹ nhưng vẫn nói xấu Mỹ. Chúng không muốn mất mặt với đám hậu duệ là ngày xưa từng chiến đấu chống Mỹ, chẳng lẽ bây giờ lại khen Mỹ, bác hiểu chửa? Còn lão Phúc Niễng thì ai cũng biết lão ấy …ngớ ngẩn dở hơi, chuyên làm trò cười cho thiên hạ!

- À, em hiểu rồi. Các bác cán bộ thời nay đều có con cháu du học bên Mỹ cả đấy chứ! Nhưng vẫn phải chê Mỹ cho đúng bài bản, nhể! 

Ba giải thích thêm:

- Những người đang đi làm thất nghiệp được lãnh tiền cứu trợ đã đành. Những người lãnh tiền hưu hay tiền già như tôi dù có dịch hay không số tiền ấy chúng tôi vẫn đủ sống. Thế mà chính phủ vẫn cho hưởng tiền trợ cấp mùa dịch như mọi người nên tôi mới dư thừa gởi biếu thân nhân ở Việt Nam.

Người bên kia suýt xoa:

- Ôi! Quý hoá quá! Sao đế quốc Mỹ, ấy lộn, chính phủ Mỹ lại rộng lượng, tử tế đến thế? Ở Việt Nam bao nhiêu hộ nghèo rớt mồng tơi cả làng xã đều biết mà còn chưa thấy đồng trợ cấp nào! Nghe nói ngoài Thanh Hoá, người dân còn bị “động viên” tình nguyện làm đơn không nhận tiền cứu trợ nữa đấy. Khổ lắm các bác ạ! 

Nói xong người bên Việt Nam kết luận:

- Vậy bác cho chúng em gửi lời cảm ơn Tổng Thống Chum của bác nhé. À bác này, em mới nghe tin nước Mỹ đang rối ren bạo loạn, đốt phá khắp nơi vì cái vụ ông da đen nào đó bị cảnh sát Mỹ bóp cổ chết, có thật không hở bác? 

- Xứ Mỹ tự do báo chí truyền thông nên chuyện tốt xấu gì dân chúng đều tỏ tường, chứ không theo “định hướng” của ai cả. Đó chính là điểm đặc biệt của các nước dân chủ! Kẻ nào lợi dụng bạo loạn để cướp bóc hôi của rồi cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng.

- Vâng! Chúng em biết rồi, đâu phải tự dưng mà nước Mỹ được cả thế giới “nhìn ra ngó vào” bác nhỉ!

Ba vẫn say sưa, hãnh diện:

- Nước Mỹ là thế đó, nhân đạo và anh hùng. Mỹ nói là làm, chớ không phải như cộng sản Việt Nam, nói một đàng làm một nẻo, cho dân ăn bánh vẽ là giỏi thôi!! 

Ai nói ba tôi lẫn nà!

 

Bởi vậy, nếu ba chỉ nhớ tên tôi là Thoa mà không nhớ tên Kim Loan tôi cũng chẳng thấy buồn (miễn sao ba vẫn nhớ những chuyện đại sự quan trọng là được!)

Tôi cũng chưa bao giờ buồn vì tên tôi khác vần Th với các anh chị em trong nhà!

Và tôi thấy tên Kim Loan cũng đẹp lắm chớ!

 

Edmonton, 6.2020

KIM LOAN

 

Ý kiến bạn đọc
26/06/202020:37:37
Khách
Cám ơn chị Kim Loan đã đến với Viết Về Nước Mỹ. Bài viết nào của chị cũng hay, ý vị.
Làm nhiều người đọc, trong đó có tui, cứ mong...
Mong chị cứ viết mãi với tốc độ như cuối năm ngoái đến giờ!🤓

“Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu nên có một gã khờ ngọng nghịu...” ... ngớ ngẩn... ngốc nghếch... tự sương sắc...!!
26/06/202004:45:18
Khách
Rất thích những bài viết của KL với những cbâu chuyện về mình và gia đình được kể một cách rất ý nhị đằm thắm. Lần nầy KL kể câu chuyện ngộ nghĩnh về cái tên của mình và ông cụ thật dễ thương. Tôi có hoàn cảnh khá tương tự như KL: một mình cư ngụ tại Edmonton (39 năm), trong khi đại gia đình tứ tán ở Toronto, Calgary và Omaha. Tôi cũng còn ba năm nay 95 tuổi còn khỏe nhưng cũng hơi on and off về trí nhớ, mỗi sáng cứ đón chờ nghe Prime Minister’s update với một đứa cháu làm thống dịch! Khi cháu giải thích rằng đó là bổn phận của các chính phủ ở các nước tân tiến, dân chủ phải lo cho dân khi khó khăn không riêng gì Canada và ai “làm chính phủ” cũng có bổn phận đó hết và tiền đó là tiền của ngân quỹ nhà nước, càng cho nhiều càng thâm thụt ngân qũy không khỏi là gánh nặng cả nứơc phải chia xẻ từ đây.. Các cháu quyết tâm tìm mọi dịp để tranh cãi, nói chuyện, giải thích với ông, hy vọng “stimulate his cognitive thinking” nhưng ông cũng chỉ “holds” được vài hôm! Tối qua các cháu nói ông gọi điện về VN nhờ cho hội từ thiện mấy trăm vì ngừơi già sắp đựơc “thủ tướng Trudeau cho” mấy trăm tháng tới...Mình nghe ông nói cũng buồn cười nhưng là dịp cho ông có chuyện hứng khởi để nói còn mấy đứa nhỏ lớn lên ở đây sự thực là trên hết nên cũng là dịp tốt để tụi nó thảo luận giải thích với ông. Tương tự như KL tôi muốn gặp ba tôi thừơng cũng phải bay hết ấy tiếng, bây giờ thì phải lái xe hết vài ngày nhưng tựu trung là mình còn rất may mắn là vẫn còn ba... chúc KL và gia đình bình an trong cơn dịch nầy. Đon chờ đọc bài mới của KL.
24/06/202018:21:45
Khách
Trích: “Các con cháu thì không ai thiếu thốn, nên ba quyết định gửi về cho mấy người họ hàng ngoài miền Bắc Việt Nam, mỗi gia đình $200 (dù chưa tới thời hạn gửi tiền cuối năm thường niên).”
Tác giả nên khuyên người cha hãy dùng tiền dư, không xài gửi cho hội giúp thương phế binh VNCH một ít chứ không nên lấy hết $1200 tiền chương trình cứu trợ dịch cúm Tàu cho họ hàng ngoài tiền cuối năm.
Người bạn từ VN qua thăm tôi 10 năm trước có nói: “Mày nói người bên này nếu muốn thật sự giúp VN diệt cộng sản thì đừng có gửi quá nhiều tiền về. Hơn 4 tỷ đô la mỗi năm. Nếu chịu khó làm và tằn tiện thì nơi nào cũng có thể sống được. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Năm ngoái (2019), số tiền Việt kiều gửi về VN tăng rất nhiều, hơn 17 tỷ đô la. Trong khi tài chánh của hội giúp người thương phế binh VNCH trong và ngoài nước chưa được một triệu đô la, tức là chỉ có 0.006% mà thôi.
Nhiều người cứ nói: “Ôi! chỉ có vài trăm mỗi tháng thì có là bao”. Nhưng nếu làm một bài tính đơn giản là chỉ có một nửa trong số 4 triệu người hải ngoại gửi tiền về VN hai ngàn đô la mỗi năm thì ta thấy con số lên tới 4 tỷ rồi. Có được 100 triệu đô la để giúp các thương phế binh VNCH mù hai mắt và què một chân lê lết đi bán vé số dạo ở Sàigòn thì mừng biết bao.
VN bây giờ là ổ tham nhũng và lừa lọc. Nhiều người cũng đã biết những chuyện oái oăm là người bên này làm ngày đêm, lo chắt chiu từng đồng để gửi tiền về VN giúp cho người thân xây nhà và ăn nhậu.
Trong đại dịch cúm Tàu, có người lo ngại nên tới viện cô nhi ở VN lo cho các em thì thấy viện không có em nào hết. Hỏi ra mới biết người nhà các em đón về hết rồi. Cô nhi sao lại có người nhà tới đón? Điều tra ra mới biết viện mở ra vừa nhận tiền của những tổ chức quốc tế hào phóng đóng góp lại vừa thu tiền học phí rẻ hơn các trường tư khác mà lại dậy theo tiêu chuẩn cao. Thu tiền hai đầu nên mau thành đại gia qua đây du chơi và mua nhà trả cash cho con du hí.
24/06/202016:48:51
Khách
Nguyên bài dài tác giả không hề viết chữ "Thương ba" , nhưng qua những câu chuyện kể, lòng yêu thương đông đầy. Mong sẽ được đọc thêm nữa. Cám ơn tác giả.
24/06/202008:00:54
Khách
Qua những lời đối đáp của hai bên thì mới biết Ba của Kim Loan đã lớn tuổi mà còn minh mẫn quá! Hy vọng Ba của Kim Loan sẽ còn tiếp tục ăn mừng thêm vài chục cái Father's Day nữa với con cháu.
Đúng là tên Kim Loan đẹp thiệt! Mong đọc được những bài kế tiếp của Kim Loan.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,802,252
Tác giả Bảo Trân tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông
Lật bật mà Tết lại sắp tới. Làng xóm đó đây thảy đều chộn rộn đón xuân về, mỗi nhà mỗi kiểu. Mấy năm trước, lúc nào cô Thơm cũng thấy lòng mình dửng dưng khi mùa xuân đang trở lại. Dấu hiệu của mùa xuân, đối với cô Thơm, là những gốc mai già cỗi cả trăm năm bắt đầu rụng lá, như những cô gái e ấp muốn khoác vào bộ áo mới để đón xuân.
Cho đến nay con người cũng không biết chắc được loài chuột có mặt trên hành tinh này từ bao giờ, vì những cuộc khảo cổ với phương tiện khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại hơn cứ tiếp tục tìm ra những bằng chứng về loài chuột có tuổi ngày càng cao hơn những khám phá trước đó.
Tôi xuýt kêu lên vì vui mừng. Tôi nhớ có lần ông nói ông không biết bé Na nào hết, làm tôi chưng hửng. Đó là sau khi ông bị stroke, ông không nhớ có đứa cháu ngoại là Na. Ông và tôi đã phải đi lại từ đầu.
Nhạc sĩ Cung Tiến