Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Má Chồng Tôi

10/05/202000:00:00(Xem: 10119)

Kho Quẹt
Tác giả lần đầu tham dự VVNM tên thật là  Hiền Phạm, sinh năm 1982, quê quán Bình Dương, trước kia làm kế toán. Sau theo chồng sang Mỹ định cư ở Nam California.

***

Má chồng tôi năm nay đã tám mươi ba tuổi nhưng mỗi khi đi dự tiệc hội người cao tuổi đều không được ưu tiên vì ai cũng nghĩ Má còn trẻ. Mấy lần đi chùa về Má kể hôm nay người ta lại phát quà cho những cụ lớn tuổi, tôi liền hỏi Má được nhận quà gì, Má cười hiền lành nói người ta không cho Má nhận vì nói quà chỉ dành cho các cụ trên bảy mươi thôi. Các cụ nhà ta ai đột nhiên nhận được quà cũng lấy làm vui sướng mà quên luôn mấy vụ tuổi tác. Má cũng không ngoại lệ, có quà miễn phí tuy là vui thiệt, nhưng không có quà vì bị hiểu nhầm là còn trẻ cũng vui không kém. Hơn nữa tính Má gặp bất cứ chuyện gì cũng luôn nhận phần thiệt về mình, làm gì có chuyện đôi co đòi quà. Nhưng cũng phải công nhận là Má nhìn còn rất trẻ, khuôn mặt trắng sáng không thấy nếp nhăn, kể cả nếp nhăn giữa hai đầu mày cũng không có, đôi má lúc nào cũng hồng hào mỗi khi thời tiết se se lạnh, ra nắng hay thậm chí là đứng nấu bếp, đôi môi nhỏ nhắn đỏ thắm như thoa son. Tôi cứ thắc mắc Má dùng mỹ phẩm gì sao da trắng mịn không tì vết như vậy Má cười bảo cả đời Má có biết đến mỹ phẩm là gì đâu. Với vóc dáng cao gầy, làn da trắng sáng, khuôn mặt phúc hậu như chính tâm tánh của Má vậy. Những tưởng nhìn vào dáng dấp của một phụ nữ như vậy hẳn ai cũng liên tưởng ngay đến hình ảnh cô tiểu thư xinh đẹp thuở thiếu thời, nhưng có ai ngờ đằng sau ấy lại là một câu chuyện dài thấm đẫm nước mắt. 

Má có bảy người con, sáu trai, một gái. Anh chị em của chồng tôi đều có gia đình và có cuộc sống riêng. Trong nhà chỉ còn chị gái, chồng tôi và cậu em kế út, do độc thân nên vẫn sống chung với Ba Má. Rồi vợ chồng tôi quen biết nhau qua một trang wed hẹn hò, sau đó anh về Việt Nam cưới và bảo lãnh tôi đi Mỹ. Hồi còn sống ở Việt Nam tôi rất sợ cảnh phải làm dâu, nhìn những người bạn cùng trang lứa như tôi, hay những người thân quen bên cạnh mình làm dâu luôn chịu nhiều ấm ức tôi đâm ra lo sợ. Có điều ông tơ bà nguyệt đã đưa đường dẫn lối thì đâu thể chối từ, hơn nữa anh nhà cũng nhiều lần động viên tôi đừng lo lắng nhiều, sống ở Mỹ đèn nhà ai nấy sáng không phải giống như ở Việt Nam, nghe vậy nên tôi cũng thấy yên tâm phần nào. 

Khi vợ chồng tôi cưới nhau thì Ba Má chồng đã về hưu được hơn mười năm. Tuổi tác cũng cao không thể ngồi máy bay về Việt Nam dự đám cưới của chúng tôi được thành ra mãi đến tận ngày đón tôi ở phi trường LAX tôi mới được diện kiến ba má chồng. Ấn tượng của tôi về lần gặp gỡ cũng không nhiều chỉ nhớ Ba Má chồng là những người lịch sự, nghiêm khắc và ít lời. Đồng thời tôi còn nhớ trang phục Ba Má chồng mặc kiểu dáng không phải là mặt hàng đang thịnh hành lúc bấy giờ. Ba chồng mặc quần tây xanh đậm, áo sơ mi trắng sọc, bên trong còn mặc một chiếc áo thun trắng ba lỗ, đi cùng chiếc cà vạt được thắt ngay ngắn cùng màu với chiếc quần tây xanh thẫm. Má mặc trọn bộ vét xám sáng bên trong mặc một cái áo cổ lọ màu tím thẫm. Trang phục nhìn cắt may khéo léo, đường kim mũi chỉ tinh tế, lại được ủi phẳng phiu kỹ lưỡng nhưng kiểu dáng có phần cũ kỹ, kiểu thời trang của những thập niên về trước. Khi đó trong lòng tôi có chút hoảng sợ, tôi nghĩ ngay đến hình ảnh mấy cụ già truyền thống xưa cũ vừa cổ hủ vừa khó tính.

Trước khi theo chồng về làm dâu Mẹ ruột tôi cũng có căn dặn kỹ lưỡng, phải biết nghe lời chồng và gia đình chồng, phải siêng năng không được lười biếng. Ở nhà với Ba Mẹ ruột làm gì phải quấy cũng không sao, nhưng sống bên nhà chồng phải biết nhìn trước ngó sau và sống cho phải đạo. Thêm phần ở Mỹ tôi không có bất cứ người thân quen hay bạn bè nào hết, thành ra chỉ biết nương tựa vào chồng và gia đình nhà chồng nên tôi quyết tâm sống thật tốt không để ba má chồng phiền lòng. Tuy rằng việc bếp núc của tôi rất vụng vì khi sống ở nhà Mẹ ruột tôi không phải vào bếp, nhưng được cái trời phú cho tôi tính ngăn nắp gọn gàng. Ngay ngày hôm sau khi anh xã đi làm tôi liền bắt tay vào lau chùi dọn dẹp phòng ốc, cầu thang, nhà bếp.  Tôi cắm cúi lau chùi thật sạch sẽ từng góc kẹt một, rồi lại ra vườn quét tước gom lá cây.  Khi Ba chồng thức dậy thấy tôi nhanh nhẹn lại chăm làm, Ba liền chỉ tôi mấy bao phân Ba mới mua ở Home Depot bữa trước, đang tính bón cho cây mà khi khuân bao vô thì đau lưng quá chưa kịp làm. Sẵn nhờ tôi dọn sạch cỏ trong những gốc cây ăn quả và bón phân cho chúng. Tôi vâng lời liền một mình lúi húi làm không dám chểnh mảng, đến khi Má chồng thức dậy nấu ăn như mọi ngày, thấy tôi ngoài vườn liền lật đật ra gọi tôi vào nhà không cho làm, còn bắt tôi về phòng đi ngủ, Má nói mới qua giờ giấc trái ngược tôi cứ ngủ thõa thích cho quen, không cần phải làm gì hết. Nhớ lời chồng dặn trong nhà người nắm quyền hành và khó tính nhất là Ba, tuy vâng lời Má đi vào nhà, nhưng tôi đợi Má nấu ăn xong lên phòng liền lẻn ra sau vườn hoàn thành cho xong việc, sợ Ba về vẫn chưa xong Ba lại rầy la. Chiều tối khi chị gái của chồng tôi đi làm về Má liền đem chuyện đó kể cho chị gái nghe Ba bắt tôi làm việc như thế nào. Không ngờ chị gái gọi tôi xuống nhà xin lỗi tôi, còn dặn lần sau Ba có sai việc gì giống như vậy thì tôi không được làm, để đó khi nào anh chàng Mễ tới cắt cỏ chị gái nhờ làm cho luôn.  Không những vậy chị còn vào gặp Ba nói không đồng ý về việc Ba xai vặt tôi như vậy. Lúc đó tôi thấy ấm áp trong lòng vô cùng cảm giác như bản thân đang được sống trong chính gia đình ruột thịt của mình. Mọi người đã không vì thấy tôi thân cô thế cô vin vào cớ đó để đối đãi không tốt hay ức hiếp tôi, không những vậy còn bảo vệ và che chở cho tôi hết lòng. 

Từ đó tôi bắt đầu cởi mở hơn, thích xuống nhà trò chuyện và nhờ Má dạy nấu ăn. Trong nhà đông người là vậy nhưng sáng ra ai cũng đi làm hết chỉ còn lại tôi và Ba Má, khi đó tôi mới thật sự cảm nhận sự cô đơn của người già, cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Cả ngày chỉ biết lủi thủi hết dưới bếp lại lên nhà trên, Má thì chăm chỉ nấu ăn, dọn dẹp, còn Ba cũng chỉ loay hoay với vườn tược rồi lại vào nhà.  Đến chiều tối mọi người đi làm về giỏi lắm gặp Ba Má chỉ hỏi được một câu Ba Má hôm nay có khỏe không rồi ai về phòng nấy lo chuyện riêng của mỗi người. Tôi bỗng trở thành người bạn bất đắc dĩ của Má. Một người mà chỉ cần hỏi bâng quơ món ăn này nấu ra sao, Má liền có thể kể cho tôi nghe cả ngày về công thức nấu ăn, về chợ búa, về giá cả… Cũng như mọi người phụ nữ nội trợ đảm đang, sáng má dậy lúc chín giờ, Má đứng nấu bếp cho cả nhà từ đó cho đến trưa, vừa nấu ăn Má vừa bật radio nghe tin tức thời sự. Đến trưa 12 giờ, Má ăn trưa xong lại dọn dẹp, ép nước cam, nấu nước mát, nấu chè hay chuẩn bị thịt cá gì đó cho bữa chiều hoặc bữa hôm sau. Chiều má lại tiếp tục xuống đứng bếp hâm nóng lại thức ăn hoặc nấu thêm món gì đó nếu thấy mấy món buổi sáng đã vơi, cho con cái về đã có sẵn thức ăn nóng hổi trên bàn. 

Một tuần Má đi chợ một lần vào chiều thứ năm, khi đó Má hay rủ tôi đi cùng, Má đi ít nhất từ ba đến năm chợ, Má chỉ cho tôi biết chợ nào thịt cá ngon, chợ nào rau mới về tươi xanh, chợ nào đang có tôm sales… Sau mỗi lần đi chợ Má thường chở tôi đi nhà hàng ăn món Việt. Má nói Ba không chịu đi cùng, mấy món Má thích thì Ba không thích, tính của Ba cầu kì trong ăn uống nên chỉ thích ăn cơm ở nhà, còn Má lâu lâu cũng muốn đi ăn mà không có ai đi cùng, mấy anh chị thì bận rộn, lâu lâu có dẫn đi ăn thì cũng là ăn món Mỹ, tại mấy đứa nhỏ nó không thích ăn món Việt nên mình phải chìu theo ý tụi nhỏ cho mọi người đều vui vẻ. May sao giờ có tôi Việt Nam mới qua nên hảo món Việt, vậy là hai Má con tha hồ cùng đi ăn. Má còn dặn tôi phải ra ngoài ăn thường xuyên cho biết món này món kia, để ai có hỏi còn biết đường trả lời. Khu Little Sài Gòn trong vòng bán kính 10 dặm hầu như quán nào Má cũng một lần đưa tôi đến thưởng thức. 

Gia đình chồng tôi còn có truyền thống tụ họp ăn uống vào mỗi chiều thứ sáu, do chính tay Má lên thực đơn, đi chợ, nấu nướng và trình bày. Đó là lý do tại sao Má luôn chọn đi chợ vào chiều thứ năm, vừa mua đồ ăn tươi ngon, vừa có thời gian chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho hôm sau. Truyền thống này đã kéo dài gần hai mươi năm kể từ khi Ba Má chồng về hưu đến nay. Má nói vì ngày xưa Ba Má bận rộn quá nên không dành thời gian nhiều cho bầy con, giờ mình về hưu rồi mình ở không cũng dễ sinh bệnh, chi bằng nấu nướng cho con cái có dịp quây quần tụ họp, còn cho mấy đứa cháu gặp nhau tập nói tiếng Việt và ăn món Việt.  Vào ngày này con cháu tề tựu về rất đông đủ, hiếm khi có người nào vắng mặt. Mỗi thứ Sáu Má dậy sớm hơn bình thường lóc cóc chuẩn bị từ sáng đến chiều tối. Món ăn nào của Má cũng cầu kỳ công phu, có tuần Má đãi bún bò, ngoài nồi bún bò má hầm nước lèo từ ba đến bốn tiếng, Má còn đãi thêm nem và chạo tôm cuốn. Để có món nem hay chạo tôm Má lại phải chuẩn bị từ tối hôm trước. Này nhé! tôm phải mua loại tôm size nào mới ngon, phải lột bỏ vỏ rồi rút sạch chỉ, phải ướp tôm với những gia vị gì để qua đêm, khi xay phải xay bao nhiêu vòng cho tôm không quá nát, không quá to, rồi lại phải hấp cách nhiệt ở nhiệt độ bao nhiêu và bao nhiêu phút. Đến ngay như món nước chấm của chúng cũng cầu kỳ và lắm công phu. Có tuần Má đãi cá nướng da dòn đi kèm với món bò bía tôm khô tuyệt hảo, tuần thì Má lại đãi lẩu cù lao đi với bánh xếp hay gỏi cuốn. Má có kế hoạch ăn uống chặt chẽ mỗi tuần một món khác nhau xoay tua để mọi người không bị ngán. 

Một mình Má tự đứng tẩn mẩn làm hết tất cả các khâu, trong khi nấu ăn Má còn vừa ngồi cuốn cả trăm cái chả giò, hay làm gỏi mít tôm chua ngọt hoặc một món đặc biệt nào đó. Tôi nói Má làm nhiều chi cho cực đãi món gì một hai món được rồi.  Má nói làm dư ra cho sấp nhỏ ghé ăn còn có thứ để gói mang về. Anh chị em trong nhà người lớn tuổi nhất cũng gần sáu mươi, còn cậu út cũng trên bốn mươi nhưng Má vẫn luôn gọi là sấp nhỏ. Má thường gọi điện cho mọi người vào chiều thứ Sáu thông báo hôm nay nấu món gì và dặn mọi người nhớ qua ăn, nếu ai đó buột miệng hỏi có món đó không Má, y như rằng Má lại ù té chạy ra chợ mà mua về làm thêm món đó. Hình như bao nhiêu tình yêu thương dành cho chồng con đều bỏ vào trong từng món ăn Má nấu.  Má nhớ sở thích của từng đứa con trai, con gái, con dâu, thậm chí của những đứa cháu hay bạn trai bạn gái tụi nó. Cho nên công đoạn nấu ăn của Má mất rất nhiều thời gian vì phải ghi nhớ ai người nào để làm cho đúng sở thích. Đến như chén nước mắm chấm, mỗi người một ý, có người thích cay, không cay, mặn, lạt đủ hết, Má phải chuẩn bị đầu đủ đựng trong mỗi hộp khác nhau có đánh dấu lại không thiếu khẩu vị của một ai. Khi mọi người ghé ăn thì bàn ghế chén dĩa mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ việc ngồi vào bàn quây quần ăn rồi bình phẩm bún này nên mua hiệu nào thì ngon, món này nên nêm thêm chua hay ngọt... Lần sau cũng chính những lời bình phẩm ấy Má sẽ tìm đúng hiệu đó để mua, hoặc khi nấu ăn sẽ thay đổi nêm cho đúng ý. Có một dạo tôi thấy mọi người chê bánh hỏi Má mua tiệm chổ này không ngon, tiệm nọ mới ngon, dù cái tiệm mới đó đi xa hơn và chổ đậu xe thật khó cho một người già như Má. Nhưng Má không nói gì dịp sau ăn lại món bánh hỏi Má cất công đi mua đúng hiệu nhưng mọi người vẫn vô tình bình phẩm không ngon . Khi mọi người ra về hết trong khi tôi đang đứng rửa chén Má vừa cười vừa bảo lần sau hai Má con mình quay lại tiệm cũ mua, mấy anh chị con không thích tiệm này nữa rồi. Lúc đó tôi chỉ biết im lặng nhưng trong lòng cảm thấy bực tức thay. Được Má nấu cho ăn với tôi món gì cũng ngon, bởi chính tôi là người chứng kiến hết thảy nỗi vất vã Má bỏ ra mỗi tuần để nấu ăn. Mọi người có thể ngán ngẫm vì Má nấu hoài mấy món cũ rích, nhưng dù Má chỉ có thể nấu một món duy nhất mỗi ngày tôi vẫn có thể ăn ngon lành mà còn cảm tạ trời đất vì Má vẫn còn khỏe còn có thể nấu ăn được. Cho nên sau mỗi bữa cơm tôi đều không quên khen món Má nấu ngon, bởi với tôi đó không phải chỉ là món ăn thuần túy, mà còn là món ăn tinh thần của lòng người Mẹ bao la hơn cả biển trời. 

Trong lúc ăn Má cứ nhìn xem bàn ai còn thiếu món gì, món gì đã vơi để đứng lên mà lấy cho vào. Dù mọi người nói Má cứ ngồi ăn đi để cho họ tự lấy nhưng Má vẫn muốn được đứng lên phục vụ cho mọi người. Khi Má lo phần thức ăn thì Ba lo phần nước uống, Ba luôn hỏi mọi người muốn uống gì rồi liền đứng dậy rót cho, khi thấy ly ai vơi ba lại rót đầy. Chẳng thế nhà có rất nhiều loại bia rượu và nước uống khác nhau. Chưa kể nhà có đến ba cái tủ lạnh nhưng lúc nào cũng chứa chật cứng thức ăn dù nhà cách chợ có năm phút lái xe. Má nói để lỡ sấp nhỏ ghé chơi đột xuất còn có thức ăn để sẵn cho tụi nó. 

Đi chợ mua thức ăn Má đều dùng tiền lương hưu của Ba Má, Má không bao giờ nhận tiền của bất kì người con nào cho, không những vậy thậm chí con cái có việc gì cần giúp Má luôn chắt chiu tiền lương hưu ít ỏi hàng tháng để đưa cho, nếu có nhờ vã người con nào mua dùm món đồ Má đều trả lại tiền rất sòng phẳng, nếu ai không nhận tiền Má sẽ giận, sau này không bao giờ nhờ mua giúp gì nữa. Có một dạo tôi thấy mấy tháng liền Má không còn đi chợ mua nhiều thức ăn như trước nữa, tủ lạnh bắt đầu trống trơn, Má ít đi ra ngoài, bao nhiêu sở thích thói quen của Má đều bỏ hẳn, thậm chí Má còn nói mệt nên không nấu ăn vào thứ Sáu thường xuyên được, tôi lo thầm trong bụng không biết Má gặp chuyện gì, nhưng dù sao thì cũng vui vì giờ Má không phải bận túi bụi với ăn ăn uống uống suốt nữa, không những vậy cũng đỡ phải lãng phí quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh.  Ngờ đâu khi đứa cháu trai sau đám cưới ghé qua nhà cám ơn vì được Ông Bà nội mừng cưới nhiều tiền tôi mới chợt hiểu ra. 

Nấu ăn cả ngày cực như vậy, nhưng khi tàn tiệc mọi người phụ giúp dọn dẹp má liền xua tay cười kêu tranh thủ về nhà nghỉ ngơi đi, còn nói trong nhà đã có tôi giúp rồi, mọi người thấy Má nói vậy liền chào Má ra về. Thật sự thì Má cũng không nhờ tôi giúp trong khi đó Má cứ lặng lẽ một mình lui cui dọn dẹp chùi rửa nồi xoong, bếp núc đến gần 12 giờ đêm mới xong. Thấy Má lớn tuổi mà cứ phải làm lụng vất vã cả ngày tôi thấy thương Má nên việc gì có thể làm được liền làm thay cho Má. Cũng từ đó tôi để ý từng thói quen cất đồ đạc, thói quen nấu ăn nêm nếm, thậm chí cách má dọn tủ lạnh cất thức ăn, hay món ăn nào phải đựng trong đĩa nào....  Để làm theo đúng ý cho Má yên tâm. Có lần tôi hỏi tại sao Má không chọn tụ họp vào ngày thứ Bảy hay Chủ Nhật mà lại chọn vào tối thứ Sáu. Má giải thích rằng mình ở nhà không phải đi làm, ăn ngày giờ nào cũng được.  Sấp nhỏ đi làm cả tuần đến thứ Sáu quá mệt mỏi, chiều về đang đói bụng ghé nhà Ba Má ăn cơm, tiện thể  lấy thức ăn mang về cho ngày hôm sau. Hơn nữa  sấp nhỏ có gia đình riêng và nhiều công chuyện trong nhà, có hai ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ Nhật cần nghỉ ngơi rồi chăm sóc gia đình nhỏ.

Trên đời này ngoài Mẹ ruột đáng kính của tôi ra, một người mẹ sẵn sàng “chỗ ướt mẹ nằm, chổ ráo nhường con” giờ đây tôi lại được gặp thêm một người mẹ có tấm lòng cao cả như Má. Mỗi khi Má ốm, Má đau, Má cũng không hề cho con cái biết, Má cứ thui thủi một mình tự làm, tự chịu. Đau mấy Má cũng dậy nấu cơm để sẵn trên bàn cho con cái, còn bản thân thì bắc nồi cháo trắng để tự ăn, tự uống thuốc, tự nằm nghỉ ngơi.  Hôm nào nhìn thấy nồi cháo trên bếp tôi biết ngay Má không được khỏe. Tôi dặn Má hoài, mệt Má cứ nghỉ ngơi, không phải dậy nấu ăn làm gì, ai cũng lớn hết rồi đều có thể tự làm được. Má nói nấu cơm chủ yếu cho Ba Má ăn sẵn tụi con ăn ké, nằm hoài càng dễ bệnh nặng, hơn nữa Má còn chịu đựng được. Ngày nào con không thấy má dậy nấu ăn, ngày đó là con biết Má bệnh rất nặng rồi. Có dạo Má trật chân đau đến độ không thể tự lái xe được, Má lặng lẽ bắt xe bus đi chợ, đi khám sức khỏe, đi lấy thuốc. Không một ai trong nhà hay biết chi hết,  khi tôi phát hiện vết tím bầm to đùng hết lòng bàn chân của Má hỏi ra mới biết, lúc đó tôi thấy thương Má gì đâu, dù có dặn Má ngàn lần có chuyện gì Má nhớ cho con biết, Má chỉ ừ hử cho qua nhưng đâu lại vào đó Má chẳng bao giờ chịu nói ra, lần nào đứt tay, trật chân bầm tím... Khi vết thương đã hoàn toàn lành lặn Má mới kể. Mỗi lần như vậy tôi đều trách Má câu quen thuộc vẫn là “Má còn chịu đựng được không vì những chuyện nhỏ mà làm phiền con cái”. 

Những lúc hai má con nấu ăn tôi rất thích nghe Má kể chuyện đời xưa, chuyện về một gia đình trung lưu giàu có, dinh cơ sang trọng, nhà có kẻ ăn người ở còn nhiều hơn số thành viên trong gia đình, bảy người con thì có đến bảy bà vú. Khi đẻ trong tháng thì có bà nuôi, ra tháng thì có bà vú chăm cho nên dù có bảy người con nhưng má không biết cách chăm con nhỏ như thế nào.  Ba Má chỉ lo kiếm tiền đầu tắt mặt tối, để bầy con ở nhà cho mấy bà vú lo, từ ăn uống, tắm rửa, đón đưa đi học. Những người làm cho Má rất tận tụy, vì Má không chỉ đối đãi với họ tử tế mà Má còn cưu mang cả gia đình và con cái của họ luôn. Má kể về thời vàng son của gia đình, kể về những vụ làm ăn kinh doanh và thương mại. Kể về những cơ sở vàng bạc đá quý, vật liệu xây dựng, hay những tuyến xe Bắc Nam, về công việc kinh doanh của gia đình trải dài từ nam ra bắc. Về ngày phải lưu vong, cả gia đình bỏ hết tài sản cơ ngơi cùng dắt díu nhau lên thuyền vượt biển. Má nói tôi là lớp người sinh sau đẻ muộn nên thật may mắn vì được đi Mỹ một cách đường hoàng bằng máy bay, không như gia đình Má ở cũng chết, đi cũng chết nhưng vẫn chọn đi, vì đi còn có cơ hội tự do và sống xót. 

Má kể về hành trình chín ngày đêm trên biển, về bầy con nheo nhóc khóc đòi nước uống, đứa bé không biết gì thì cứ khóc la, đứa lớn hơi hiểu chuyện thì vừa thở vừa rên thảm thiết “Má ơi cho con chết đi Má ơi, con khát quá Má ơi”. Kể đến đây tôi thấy nước mắt Má chảy dài, Má quay vội đi lấy khăn quệt nước mắt. Mà nào phải Má không chuẩn bị nước uống, không những nước uống được Má đun sôi để nguội đổ đầy bốn năm can, Má còn mang theo cả mấy chục cam, cả quầy dừa lớn. Nhưng chủ thuyền bắt Má để tất cả dưới khoang dưới, Má tin tưởng để toàn bộ thức ăn nước uống đúng theo hướng dẫn. Hỡi ơi! khi Ba xuống lấy thì chẳng còn thấy bất cứ thứ gì, ai đó đã ăn uống hết sạch từ lúc nào, Ba chỉ còn biết nhặt những miếng xơ dừa người ta vứt bỏ lại mang lên cho mấy đứa nhỏ ngậm đỡ. Trong khi đó má thấy có người còn cả một can nước to đầy, liền van xin người ta cho má một chút chừng một nắp can thôi, để đứa bé nhất uống vì nó đòi nước khóc ngằn ngặc đến khản tiếng nằm thoi thóp trên tay Má, nhưng người ta lạnh lùng xua tay từ chối. 

Má kể về con thuyền quay cuồng trong cơn bão, tiếng gió, tiếng sóng gào thét, chiếc thuyền cứ chao nghiêng qua lại, phát ra âm thanh rợn người, mỗi một tiếng kẽo kẹt vang lên nước lại ùa vào đầy trong khoang. Đàn ông trai tráng phải túc trực hết dưới khoang máy thi nhau tát nước. Trên thuyền già trẻ lớn bé, những đôi mắt mệt mỏi vì đói, vì khát, vì sợ hãi chỉ còn biết co ro chụm đầu vào nhau cùng cầu nguyện không phân biệt có đạo hay không đạo.  Thần kỳ ở chổ khi đó bỗng xuất hiện một con cá ngư ông rất to từ đâu bơi tới ghé lưng đỡ con thuyền lao vút ra khỏi vùng tâm bão. Tôi không biết có phải do quá sợ hãi nên mọi người hoa mắt không, nhưng Má nói cả thuyền mọi người quỳ lạy rồi ôm nhau òa khóc. Rồi Má kể về những ngày tháng sống trong trại tỵ nạn ở Hồng Kông, về việc hai vợ chồng ốm đói và bầy con nheo nhóc phải đi làm lậu bị người ta kỳ thị và ức hiếp như thế nào, về những phân vàng quý hiếm cất giấu kỹ càng nhưng vẫn bị mất, biết rõ ai lấy vẫn không có cách chi đòi lại.

Trước ở nhà Má có thờ phật Bà Quan Âm, khi đi tỵ nạn Má có mang theo hình phật Bà cầu mong mọi chuyện bình an,  qua chuyện đó Má càng tin tưởng vào phật Bà. Má nói nhờ phật Bà độ mạng cả gia đình bình an sống xót, nên Má nguyện suốt đời sống từ bi. Má còn căn dặn tôi không được tham lam, tin tưởng phật Bà nhưng chỉ được cầu xin những gì vừa phải với khả năng của mình, chứ đừng có ngồi đó cầu nhà lầu xe hơi mà làm biếng không lo làm việc thì Bà nào chứng. Má cả đời chỉ cầu cho có sức khỏe làm việc kiếm tiền lo cho lũ con, mấy mươi năm đi làm, bệnh sốt rên hừ hừ cũng không dám nghỉ một ngày. Mộ đạo là vậy nhưng rất ít khi má có thời gian mà đi chùa, nhiều người bạn của Má mỗi lần gọi điện thoại rủ đi chùa Má đều từ chối, người ta liền buông lời trách Má không chịu đến cửa phật thường xuyên mỗi ngày tích chút công đức sau này về già để được hưởng phước, Má trả lời thẳng luôn, lũ con tôi còn vất vả mưu sinh, tôi tranh thủ lúc khỏe mạnh ở nhà coi sóc nhà cửa nấu nướng cho tụi nó đỡ được ngày nào hay ngày đó,  phật Bà nếu vì vậy mà trách tội thì cũng đành chịu tôi không lo nhiều được đến thế. Sau này những cuộc gọi rủ Má đi chùa cũng thưa dần rồi mất hẳn, chẳng còn ai thèm tìm Má nữa. Má biết vậy nhưng cũng chỉ có thể đi chùa vào ngày Chủ Nhật hiếm hoi khi mọi việc trong nhà đã ổn thõa đâu vào đấy. Hi vọng trời xanh thấu hiểu cho tấm lòng cao cả của Má mà không trách phạt vì không thể năng đi chùa được. 



Má kể về những ngày đầu sang Mỹ hai vợ chồng kéo hành lý ở phi trường ai cũng dạt qua hai bên nhường đường, sau chuyến bay dài trong khi Ba lo làm thủ tục nhập cảnh, mấy Má con chiếm hết ghế ngồi của người ta nằm ngủ la liệt nghĩ đến Má vẫn cảm thấy tự xấu hổ, nhưng lúc đó đã quá khuya lại mệt nên cứ nằm bừa. Về được chính phủ cưu mang hỗ trợ tiền nhà, tiền ăn. Về một người phụ nữ không biết nấu ăn hay chưa từng một lần xuống bếp phải đi làm phụ bếp cho người ta kiếm từng đồng cắc có thể mua thêm miếng thịt bổ xung vào bữa ăn cho bầy con đang tuổi lớn. Phần chưa biết lái xe, phần nhà chỉ có một chiếc xe duy nhất để dành cho Ba đưa đón bầy con đi học.  Má đi làm bằng xe bus ba năm trời ròng rã, mùa đông vừa lạnh lẽo vừa mưa gió ẩm thấp, trùm chiếc áo mưa trong bộ quần áo không đủ ấm, Má đi bộ từ sớm tinh mơ ra trạm chờ xe bus bụng nơm nớp sợ trễ giờ làm. Về những ngày đứng phụ bếp đến độ đôi bàn chân phồng rộp, mỗi khi lê được đến nhà Má chỉ biết nằm sãi lai ra sàn nước mắt như mưa. Bầy con đứa lớn đi học, còn mấy đứa nhỏ thì bu lại thay nhau mát xa, đấm bóp chân cho Má, hỏi những câu ngây ngô ai làm Má buồn mà khóc, Má đừng khóc rồi tụi nhỏ cũng khóc ầm ỹ theo. Nhìn bầy con Má lại gạt nước mắt tự nhủ khổ cực mấy miễn cho bầy con khỏe mạnh, làm gì Má cũng sẵn sàng làm. 

Đi làm phụ bếp công việc cực khổ đồng lương ít ỏi, lòng của Má nhất thời không thể quên được dĩ vãng vàng son, cứ đau đáu sống trong quá khứ khiến cho bản thân càng tự ti mặc cảm, đến nỗi Má chẳng dám gặp lại người quen, sợ người ta thấy cuộc sống hiện tại mà chê cười khi dễ.  Ngày tháng cứ trôi qua, cho đến một ngày có người quen cô chủ ghé quán chơi, vô tình nhìn thấy và nhận ra Má là người phụ nữ quyền quý ngày nào liền đem chuyện của Má kể cho cô chủ. Khi cả  khách và chủ nức nở xót thương cho hoàn cảnh của Má thì Má chỉ đứng nhìn trân trân không thốt được lời nào. Cũng chính hôm đó, cô chủ đã tăng lương cho Má, xếp lịch cho Má làm thêm giờ, còn nhiệt tình truyền hết nghề nấu ăn cho Má để sau này chính điều đó đã giúp cho Má có được cuộc sống khấm khá hơn. 

Tuy cuộc sống bôn ba cơ hàn là vậy nhưng thói quen của người phụ nữ truyền thống sự quý phái đã ăn sâu vào tim vào máu Má. Từ điệu bộ đi đứng nói năng, đến hành vi cử chỉ đều không có một chút thô kệch và dư thừa nào, không những vậy Má luôn giữ được phong thái của một quý bà. Má có gu ăn mặc rất riêng theo sở thích không bao giờ thay đổi. Đặc biệt với Má đồ vét là trang trọng nhất nên Má may rất nhiều vét, nhưng chỉ có một màu xám sáng duy nhất , dành mặc cho những dịp đặc biệt. Có lần Má kể đi đám cưới gặp người quen họ chê cười hỏi Má sao không chịu may quần áo mới, lần nào cũng thấy Má mặc mãi một bộ quần áo màu xám.  Tôi hỏi:  “Lúc đó Má trả lời ra sao?”. Má bảo: “Má chỉ cười trừ, mình như thế nào bản thân mình tự biết đâu cần phải giải thích làm chi”. Không chỉ cách ăn mặc mà lối sống của Má cũng rất tinh tế có khoa học. Trong phòng ngủ giường chiếu đồ đạc được xắp xếp vừa gọn ghẽ vừa ngăn nắp, lại vừa trang nhã sang trọng. Không có bất cứ vật dụng nào dư thừa, phòng ốc ít đồ thoáng đãng lại vừa sáng sủa và có nhiều khoảng không gian trống tạo cảm giác rộng rãi thoải mái khi bước chân vào phòng ngủ của Má. Chọn mua vật dụng cũng vậy, Má thường chọn lựa thật kỹ càng sau đó xem có phù hợp với túi tiền không, rồi có xài được lâu dài không mới quyết định mua. 

Suốt bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông nhưng Má cũng chỉ có vài bộ bộ quần áo ở nhà mặc theo mùa vừa giản dị vừa chân phương, dù là quần áo mặc ở nhà Má vẫn chọn kỹ lưỡng từng loại vải, chất liệu, kiểu dáng thật phù hợp. Quần áo Má giữ rất kỹ, mỗi lần xuống bếp nấu ăn, việc đầu tiên Má làm là đeo tạp dề vào để tránh dây bẩn vào quần áo và giữ cho quần áo bền hơn. Tuy nhà cách chợ năm phút lái xe nhưng Má không bao giờ mặc nguyên bộ đồ đứng bếp ở nhà ra đường cho dù bận mấy Má vẫn tắt bếp lên nhà tắm gội thay bộ quần áo khác rồi mới đi ra ngoài dù chỉ để mua cọng hành hay bịch giá. Ngay cả đã lên chức làm bà nhưng mỗi khi nói chuyện hay cười Má đều lấy tay che miệng trông duyên dáng và quý phái lạ thường. Đối với bản thân Má là người rất rất có kỷ luật, nhưng với con cái Má lại rất bao dung, chưa bao giờ thấy Má trách móc, lớn tiếng hay la rầy ai. 
  

Chuyện trong nhà lớn nhỏ đều do một tay Má quán xuyến, Má không chỉ lo cho các con, Má còn lo cho Ba chu đáo không kém. Để Ba trở thành người đàn ông lịch lãm nhất mỗi khi xuất hiện bên ngoài, phía sau đó đều do một tay Má.  Má lo cho Ba từng miếng ăn, từng giấc ngủ, từng bộ quần áo, chiếc tất đến đôi giày, lúc nào cũng sẵn sàng tinh tươm. Cách chăm sóc Ba của Má không chỉ là cách chăm sóc của người vợ luôn tận tụy phục tùng, mà còn giống như kiểu chồng chúa vợ tôi bởi vì Ba muốn cái gì Má đều nhất nhất nghe theo. Có dạo nọ tôi mới buông lời rằng Ba thật tốt phước khi được Má chăm lo như vậy.  Má liền đỡ lời nói lúc còn trẻ Ba phải làm lụng cực khổ nên giờ mình chăm lại cho Ba hưởng chút thảnh thơi tuổi già. Suốt đời Má chỉ biết đến chồng con nhưng Má cũng là người phụ nữ bản lĩnh với tư tưởng tiến bộ. Tuy đã nhiều tuổi nhưng Má rất thích học hỏi điều mới, thích cập nhật thông tin mới, mà Má học cái chi cũng nhanh lẹ, nếu không nhớ Má liền ghi vào sổ tay. Bởi vậy cho nên thiết bị điện tử, điện thoại thông minh hay máy tính bảng chỉ cần hướng dẫn vài lần Má đã có thể sử dụng được. Trong tình yêu Má lại càng không phải mẫu phụ nữ yếu đuối dễ bị bắt nạt, ngỡ đâu phụ nữ sinh vào thời Má lấy chồng nhất định làm dâu sẽ chỉ biết cam chịu và nhẫn nhịn. Nhưng hoàn toàn trái ngược, khi về làm dâu thấy Mẹ chồng quá khắc khe cay nghiệt, Má liền bỏ về nhà Mẹ đẻ không thèm nói cho Ba nghe câu nào. Đến khi Ba xuống ông bà ngoại tìm đón về, Má liền cho Ba hai phương án chọn lựa, muốn Má quay lại thì dọn ra sống riêng, hoặc Má sẽ vĩnh viễn không quay đầu lại làm một người bỏ chồng dù cho người đời cười chê nguyền rủa. Má còn nói với Ba báo hiếu có rất nhiều cách không nhất thiết cứ phải sống chung. Giữ đúng lời hứa bản thân,  Ba đồng ý ra riêng với bàn tay trắng vì ông bà Nội không cho mang theo cái gì, dẫu công việc chưa ổn định Ba Má vẫn trích ra một nửa tiền kiếm được gửi về cho ông bà nội.

Khi khá giả hơn cũng chính Má là người về xây lại nhà cho ông bà nội trong khi Ba Má vẫn đang ở nhà thuê. Má cũng là người con dâu duy nhất trong nhà chưa bao giờ quên bất cứ ngày giỗ chạp gì của gia đình dòng họ hai bên nội ngoại, cũng một tay Má là người đứng ra lo chu toàn mọi việc. Chính vì vậy sau này trong nhà có việc lớn việc nhỏ gì ông bà đều bàn với Má. Ông bà nội tuy là người cổ hủ lạc hậu nhất nhưng cuối cùng vẫn phải công nhận Má là người con dâu hiếu đạo nhất. Bây giờ Má không chỉ giữ vai trò người hướng dẫn nấu ăn cho tôi mà còn là người gỡ rối tơ lòng mỗi khi hai vợ chồng có chuyện cự cãi.  Dạo nọ khi tôi kể Má nghe chuyện tôi phát hiện anh nhà quan tâm thái quá với một người phụ nữ khác, sau khi nghe tôi trút bầu tâm sự Má liền tỉ tê khuyên tôi không nên quá ghen tuông tự mình làm khổ mình. Má biểu đừng bao giờ dằn vặt làm mình làm mẩy, giận dỗi, nhịn ăn hay khóc lóc sẽ trông mình càng giống kẻ thua cuộc thay vào đó kêu tôi chăm chút bản thân hơn, mặc thật diện vào, ra ngoài gặp gỡ bạn bè ăn uống no say. Chuyện còn lại để Má giải quyết cho và tôi làm theo đúng như những gì Má chỉ bảo, mọi chuyện lại đâu vào đó và thuận lợi hơn mong đợi, thậm chí còn đảo ngược tình thế vì giờ anh nhà còn lo mất tôi. Má kể suốt cuộc đời Má chưa bao giờ ghen với bất kỳ phụ nữ nào, cho dù Má có thấy ba đi cùng bao nhiêu người phụ nữ lạ cũng vậy. Má nói: “ Cái gì của mình sẽ là của mình.” Ba muốn đi với ai Má cho đi luôn không những vậy Má vẫn không quên chăm chút bản thân, ăn no ngủ kỹ. Khi Ba Má to tiếng cãi nhau thì Má luôn là người kêu dừng lại với lý do đến giờ ăn, đến giờ ngủ, đến giờ ra tiệm, còn dặn ngày mai tiếp tục cãi sau. Nhưng thường qua hôm sau khi cơn giận qua đi cũng không ai còn muốn khơi lại cuộc cãi vã đó nữa. 

Thời gian đầu khi về làm dâu, anh nhà tôi bận đi làm suốt ngày còn tôi thì lại chưa có bằng lái xe, Má cũng chính là người chở tôi đi học ESL để cải thiện vốn tiếng Anh, rồi cũng chính Má chở đi khắp nơi phỏng vấn việc làm. Lần nào phỏng vấn ra, Má đều hồi hộp hỏi xem có được nhận làm không, phỏng vấn có khó không. Không những vậy Má còn là một người rất biết an ủi người khác. Nhớ lần đó tôi thi rớt lái xe đến lần thứ ba, vừa về đến nhà Má là người chạy ra hỏi thăm đầu tiên, khi nghe tôi nói lại rớt, Má chỉ cười xòa kể người Cậu em ruột Má mặc dù là tài xế chạy xe Bắc Nam mà còn thi đến lần thứ mười mới đậu. Nghe vậy tôi không khỏi phì cười mà quên ngay thất bại của bản thân. Rồi khi tôi có việc làm part time Má cũng chính là người dậy sớm hơn bình thường, tranh thủ nấu ăn cho tôi dở cơm mang theo và cũng chính Má chở tôi đi làm để chiều tiện đường anh nhà ghé ngang đón tôi về. Mấy tháng sau tôi thi đậu bằng lái xe, rồi cũng tìm được công việc full time. Buổi sáng tôi đến trường học ESL, trưa về ăn qua loa rồi đi làm đến khuya mới về, hai ngày cuối tuần tôi còn nhận thêm việc part time.  Tôi lao vào vòng xoáy bận rộn cho cuộc sống nên tôi không còn dành nhiều thời gian cho Má nữa. Khi một ai đó quan tâm lo lắng cho bạn mỗi ngày bạn sẽ xem đó là việc hiển nhiên mà không chút mảy may hay áy náy, bạn chỉ muốn đòi hỏi thêm lòng thương từ Má thay vì mình biết yêu thương chăm sóc Má. Hoặc như trong lòng bạn cũng có thương yêu nhưng bản thân lại không chú ý, lại bỏ mặc họ vì thấy họ vẫn hiện hữu trong nhà. 

Một ngày kia Má gọi điện thoại kêu tôi xuống bếp gấp khi tôi đang ở trên phòng chuẩn bị đi làm. Tuy sống chung nhà, và phòng ngủ của vợ chồng tôi chỉ cách phòng ngủ ba Má vài bậc cầu thang, nhưng chưa bao giờ Má lên phòng tôi. Má nói: “Ai cũng cần có sự riêng tư và cần được tôn trọng.” Tôi rất biết ơn Má vì điều đó tạo cảm giác thật tự do thoải mái khi sống chung nhà.  Mỗi khi có việc gì cần dặn dò hay hỏi thăm Má luôn gọi điện thoại cầm tay cho tôi. Hôm đó, cậu em út có vợ mới đẻ trong nhà thương mà cậu ấy thì bận đi làm nên có nhờ Má nấu giúp vài món vợ cậu ấy thích ăn để trưa thì cậu ấy ghé qua lấy.  Trong lúc vội vã sợ không kịp giờ trước khi cậu ấy đến, không biết lật đật làm sao khiến Má té bổ nhào. Vậy mà Má vẫn lặng lẽ một mình đứng dậy lên phòng tự xoa dầu nhưng vẫn không quên việc chưa nấu ăn xong, thành ra gọi điện nhờ tôi xuống hoàn tất phần Má đang làm dở dang. Má ngồi hướng dẫn cho tôi để nấu cho đúng ý.  Thấy Má ngồi nhăn nhó nhưng vẫn không quên dặn tôi bỏ cái này vào xào, cái kia vào nấu.  Đến khi đứa cháu gái về hỏi han biết má mới té và tay còn đau. Đứa cháu không cho  bà nấu nướng chi hết  rồi cùng tôi đưa Má vào nhà thương liền. Bác sĩ nói Má bị trật khớp bả vai, cần gây mê để định vị gấp. Cũng may có đứa cháu nhanh lẹ giúp đỡ chứ nếu chỉ có tôi và Má tôi cũng không biết làm sao.

Ở nhà hễ xảy ra chuyện gì tôi muốn gọi điện thoại báo cho anh chị em trong nhà biết Má đều không cho. Lúc nào cũng dặn đi dặn lại là không bao giờ được làm phiền anh chị con đang làm việc vì công việc của mọi người là quan trọng. Má có thể giải quyết được hay Má còn chịu đựng được, trước khi ngấm thuốc chìm sâu vào giấc ngủ má vẫn không quên nhắc nhở không được gọi cho ai. Tay Má đã được băng bó và cố định xong xuôi một lúc lâu mà Má vẫn chưa tỉnh, bác sĩ liền kêu tôi gọi Má dậy về nhà được rồi. Tôi lay người Má gọi hoài gọi hủy vẫn không thấy Má có dấu hiệu gì là thức dậy, người cứng đờ nằm im trên chiếc giường trắng xóa. Tôi bỗng thấy sợ hãi thật sự nước mắt rơi lã chã không ngớt gọi Má thật to. Một lúc sau Má bừng tỉnh hỏi tôi có chuyện gì mà kêu lớn như vậy, lúc đó tôi mới yên tâm thở phào liền đỡ Má ngồi dậy rồi kêu đứa cháu lấy xe.  Một già một trẻ dìu nhau bước ra khỏi phòng bệnh. Từ hôm đó tôi xin nghỉ học buổi sáng thay Má quán xuyến mọi chuyện trong nhà, từ đi chợ, nấu ăn, gội đầu cho Má rồi chở Má đi vật lý trị liệu. Ngày nào cũng tất bật tôi thầm mong Má mau lành để phụ giúp chứ tôi quá mệt. Khi Má lành bệnh thì cũng là lúc tôi nhập viện cắt khối u trong gan và cắt bỏ túi mật, thời gian tôi nằm một chổ Má chăm tôi kỹ còn hơn tôi chăm lúc Má bệnh. Khi đó tôi cảm thấy ân hận vô cùng vì thấy bản thân thật ích kỷ, chỉ mong Má khỏe để trút hết gánh nặng gia đình cho Má. Bây giờ không chỉ trút hết gánh nặng mà còn mang cho Má thêm gánh nặng chăm người ốm nằm một chổ sau mổ là tôi. 

Nhờ tấm lòng bao dung và chăm sóc tận tình của Má, tôi nhanh chóng khỏe và đi làm trở lại. Tôi lại tiếp tục bị cuốn vào dòng đời cơm áo gạo tiền mà quên luôn cả Má. Dù vẫn sống chung trong nhà nhưng những cuộc trò chuyện cùng Má thưa dần, tôi cũng không còn nhiệt tình học hỏi những món ăn Má nấu, cũng không còn dành thời gian ngồi chung xe mặc cho Má muốn đưa đi đâu thì đưa. Cũng không còn những ngày Chủ Nhật sau khi cơm nước xong hai Má con cùng nhau đi chùa nghe thầy giảng đạo, trong khi Má ngồi chăm chú lắng nghe còn tôi thì ngồi ngủ gà ngủ gật. Không còn thời gian cùng Má lên sòng bài kéo máy, dù biết Má thua nhưng vẫn giả vờ thắng để dúi vào tay tôi ít tiền cho tôi xài. Tôi sẽ vô tâm như vậy mãi nếu như không có một ngày.

Sáng đó khi tôi đang trong phòng thì nghe chuông điện thoại reo, Má gọi kêu tôi xuống phòng phụ giúp Má. Thường không có chuyện gì khẩn cấp Má sẽ không bao giờ gọi nên tôi lao vội xuống phòng Má. Tôi nghe tiếng Má goi trong nhà tắm liền bước vào, hôm đó ba đi nặng ra quần nhưng không chịu cho Má thay quần áo để Má đưa đi gặp bác sĩ. Tôi liền giúp Má tắm rửa và thay quần áo cho Ba, lần đầu tiên tôi phát hiện ra Ba Má quá già để có thể tự chăm sóc cho bản thân. Thường mỗi khi Ba bệnh nằm viện chị gái sẽ là người túc trực bên Ba cả đêm và ban ngày chị đi làm thì Má lại lên thay. Má nói ngồi bên cạnh cho Ba vui, để Ba một mình Má không yên tâm, nhưng Má lại không cho ai được nghỉ làm để chăm sóc Ba bởi vì  Má còn có thể làm được.

Đợt đó Ba nằm ở bệnh viện khá lâu, chị gái phải công tác đột xuất vài ngày nên tôi nhận phần thay chị gái ở lại nhà thương vào ban đêm để lo cho Ba. Trong nhà thương vắng lặng như tờ nhìn Ba nằm thoi thóp trên giường dây nhợ gắn khắp người, tôi cảm thấy bản thân con người thật bất lực trước bệnh tật. Nhớ ngày nào ba vẫn còn rất minh mẫn lái xe đi khắp nơi, người không lúc nào chịu ngồi yên một chổ. Ba nói chuyện dứt khoát gãy gọn, câu nào ra câu đó và không bao giờ nói những chuyện tầm phào vô bổ. Năm Ba tám mươi lăm tuổi phải đi thi lại bằng lái xe, ba thi mấy lần đều rớt vì không nhớ bài, phần Má thấy Ba cũng nhiều tuổi sợ Ba lái xe gặp nguy hiểm nên không cho Ba đi thi nữa, muốn đi đâu thì Má chở. Ở nhà chỉ có vài năm vậy mà trí nhớ Ba giảm sút hẳn, Má là người chăm sóc chính cho Ba. Nhưng ngoài bệnh lúc nhớ lúc quên ra, Ba vẫn ăn uống đi lại bình thường, ra khỏi nhà vẫn luôn ăn mặc rất chỉn chu và tươm tất. 

Lại nhớ mỗi lần tôi ra khỏi nhà đi làm Ba đều đứng sẵn trước cửa. Ba thường hay hỏi tôi mấy người con trong nhà ai là người giống Ba nhất, để nghe câu trả lời quen thuộc tất cả đều đẹp trai giống Ba, chỉ chờ tôi nói vậy Ba sẽ vui vẻ vẫy tay chào tôi đi làm. Nhìn trong kính chiếu hậu thấy Ba vẫn đứng đó nhìn theo xe tôi mãi đến khi xe rẽ vào khúc quanh. Nhiều lần bất chợt tỉnh giấc nửa đêm vì khát nước, thấy tôi vẫn ngồi đọc sách trên chiếc ghế dựa ngay cạnh giường bệnh, Ba bất chợt hỏi có thể làm gì để trả ơn tôi vì đã chăm sóc cho Ba, tôi nói Ba còn cậu con trai nào độc thân thì gả cho con. Ba liền cười to rồi bảo để sáng mai gặp sẽ bàn việc đó với Má. Nhưng cũng có những đêm giật mình dậy Ba liền hỏi tôi là ai, nhà ở đâu, có chịu làm con dâu Ba không.  Tôi trả lời không chịu nên Ba cứ hỏi đi hỏi lại tại sao không chịu.  Cho đến khi  nào tôi nói biết con của Ba có chịu con không, Ba liền nói khi nào gặp nó Ba sẽ hỏi cho, sau đó thì Ba mới yên tâm mà chìm sâu vào giấc ngủ. Một người ngay cả trí nhớ không được minh mẫn lúc nhớ lúc quên, nhưng nói chuyện vẫn rất từ tốn không bao giờ hứa nhăng hứa cuội bất cứ chuyện gì, tôi thật sự khâm phục tận đáy lòng. Thầm nghĩ một ngày nào đó nếu không còn thấy Ba đứng tiễn tôi đi làm như mọi khi ắt hẳn sẽ là một mất mát rất lớn trong lòng tôi. 

Đây là lần thứ hai trong một năm Ba bị bệnh và bỏ ăn, Má cho đó là bệnh của người già mỗi khi trái gió trở trời nên cũng không lo lắng nhiều. Cho đến gần hai giờ sáng hôm đó Ba bật ngồi dậy than đau rồi khóc, Má liền cho Ba uống thuốc giảm đau rồi kêu Ba cố nằm ngủ để sáng dậy Má đưa đi gặp bác sĩ. Một người đàn ông dạn dày sương gió, cả đời không chịu khuất phục trước khó khăn nào sao có thể dễ dàng khóc như vậy, chắc hẳn cơn đau ngoài sức chịu đựng của một người tuổi đã cao sức đã yếu. Nghe Má kể vậy tôi nghe quặn thắt ruột gan, thầm trách bản thân quá vô tâm không chú ý đến Ba Má, trong nhà biết bao nhiêu là con tại sao Má luôn chọn im lặng như vậy. Má nói sợ làm phiền con cái, cho sấp nhỏ tròn giấc ngủ sáng dậy còn đi làm. Khi đó tôi liền nói Má rằng công việc làm quan trọng nhưng Ba Má chỉ có một, nếu lỡ đêm đó Ba có xảy ra chuyện gì Má ân hận đã đành tụi con cũng ân hận. Má vì thương tụi con mà vô tình biến tụi con trở thành những người con bất hiếu. Tôi còn nói: Nếu con đi làm về không thấy Má trong bếp hay thấy Ba ở ngoài vườn con sẽ rất buồn,  nhà mình không có Ba Má sẽ rất vắng vẻ và trống trải. Có chuyện gì Má chỉ việc la lớn lên cho tất cả phải dậy lo cho Ba Má, đó là trách nhiệm của con cái và tụi con sẽ không thấy đó là phiền. Nghe vậy Má lại sụt sùi khóc nhưng tôi biết Má vẫn không bao giờ muốn mình trở thành gánh nặng cho con cái, có thể hy sinh cả tánh mạng để cho con Má có tiếc gì đâu. Nhiều lần tôi còn nghe Má khấn với Quan Âm Bồ Tát cho Má sống khỏe mạnh nếu phải đi thì hãy cho Má được đi nhẹ nhàng trong giấc ngủ chứ đừng ốm đau bịnh hoạn làm khổ con cái. Phật Bà trên cao thật sự linh thiêng chắc hẳn sẽ chứng cho lòng thành của Má.  

Mỗi khi Ba nằm ở bệnh viện cũng chỉ một mình Má cả ngày ở trong phòng chăm sóc Ba cho đến khi nào chị gái đi làm về ghé vào ở lại qua đêm thì Má mới chịu về nghỉ ngơi. Má không cho phép ai được nghỉ làm để chăm sóc cho Ba. Cũng không ai có thể chăm Ba kỹ lưỡng bằng Má, vừa dỗ dành vừa đút cho Ba từng thìa cháo, vừa dịu dàng cầm khăn nhẹ nhàng lau miệng, lau tay cho Ba. Mỗi khi Ba ăn hết phần thức ăn lúc nào Má cũng khen ngợi cổ vũ. Những khi tỉnh táo Ba sẽ luôn cầm tay Má vỗ nhẹ nhẹ bảo quyết định chọn Má làm vợ thật đúng đắn. Hình ảnh hai ông bà râu tóc bạc phơ chăm sóc lẫn nhau trong nhà thương, lúc nào cũng gọi nhau hai tiếng anh em thật ngọt ngào khiến cho bác sĩ và y tá, cùng bệnh nhân quanh đó đều ngạc nhiên và thán phục. Riêng với tôi sẽ khắc ghi hình ảnh đẹp đẽ đó tận trong tâm khảm mình. 

Cuối cùng sau mọi nổ lực của  bác sĩ thì  Ba cũng được ra viện, mọi người hân hoan đón Ba về nhà. Trong nhà có lẽ Má là người vui nhất, tuy rằng sức khỏe Ba không còn được như xưa, không thể tự chăm sóc bản thân như;  tắm rửa, thay quần áo, ăn uống hay đi đứng.  Mọi gánh nặng đè lên đôi vai gầy guộc của Má. Nhưng chưa bao giờ vì chăm Ba mà Má than thở, oán trách hay thậm chí là buông tiếng thở dài. Trong lúc đại dịch Covid-19, hãng của tôi và chị gái đều tạm thời đóng cửa, hai chị em ở nhà dùng toàn thời gian thay phiên nhau chăm sóc cho Ba thay Má: tắm rửa, dọn dẹp giường chiếu, giặt giũ, cho Ba ăn rồi dẫn Ba đi bộ mỗi sáng tối. Tôi cũng thay Má đi chợ vì sợ người lớn tuổi ra ngoài dễ lây bệnh, thay Má đưa Ba đi khám sức khỏe định kỳ, đi lấy thuốc. Thấy công việc thật bộn bề không ngơi tay, tại sao Má, một người phụ nữ ngoài tám mươi, làm sao vẫn có thể một mình làm hết mọi việc. 

Thấy Má cực như vậy hai chị em liền bàn với nhau xin chính phủ cho người giúp đỡ, hay xin cho xe của Má được đậu chổ ưu tiên cho người lớn tuổi Má đều từ chối.  Má nói đi bộ xa một chút cũng như để tập thể dục thể thao, Má vẫn còn tự lo được hãy để sự chăm sóc đặc biệt đó dành cho những người khác cần hơn mình. Mấy ngày nay thấy Má vui vẻ hơn rất nhiều, khi có hai chị em ở nhà lo trước lo sau, Má liền ra vườn thay Ba chăm sóc cho khu vườn bỏ hoang bao lâu nay kể từ khi Ba bệnh. Nhìn dáng mảnh mai của Má lom khom bên những luống hoa, tỉ mỉ chọn cắt những bông hoa huệ đỏ thắm rực rỡ mang vào cắm trong bình sứ để trên bàn ăn. Thấy những ngày giá rét của mùa đông trôi qua đi thật nhanh, nắng ấm xuyên qua khung cửa sổ tràn ngập vào trong nhà, soi rọi mọi ngõ ngoách tăm tối nhất, thêm bình hoa huệ đỏ thắm hôm qua chỉ mới nở lác đác vài bông hôm nay cũng bung xòe rực rỡ,  làm không gian nhà sáng bừng ấm áp hơn bao giờ hết, báo hiệu mọi điều tốt lành đang đến cho thế giới và cho cả Má nữa.

Ý kiến bạn đọc
17/09/202007:37:41
Khách
Chào cô, Cho tôi hỏi : tại sao lấy biệt hiệu là "kho quẹt"
18/05/202007:52:50
Khách
Câu chuyện đặc sắc về người phụ nữ thượng lưu sau cuộc đổi đời phải làm lại từ đầu. Người mẹ quên mình hy sinh tất cả cho chồng con. Chỉ người chung mái nhà mới hiểu sự tận tụy, chịu đựng của người mẹ.
Vì thế nên 6 người con trai trở nên vô tâm chăng? Nếu cô con gái đưa truyện này cho các anh em trai đọc trước khi quá trễ...
Riêng tôi tiếc là không đọc truyện này sớm hơn để học một số cách xử thế khéo léo của nhân vật chính.
Cám ơn tác giả và hy vọng có dịp đọc thêm các câu chuyện khác.
13/05/202019:04:18
Khách
Tac gia co phuoc gap duoc ma chong nhu vay. Ba that la nguoi me cao ca, luc nao cung thuong yeu cac con, khong muon cac con lo nghi gi het cho cha me an tam ma song. Do la loi yeu cac con cua minh . Khong phai vi sau ong con khong biet cham soc cho cha me. Nhung me khong cho phep cac ong con phai tuan phuc.Do la lam cho me vui.
Toi da tung o trong benh vien voi ong xa toi vai tuan, moi ngay 22 tieng , chi ve nha 2 tieng de tam rua va nau com roi tro lai.Chang lam gi chi ngoi ben canh va ngu trong do. Neu ong xa toi can gi thi toi chi bam chuong y ta se lo tat ca . Ong xa toi o phong rieng co ghe cho minh keo ra de man ngu.
Xin tac gia tiep tuc viet them ve gia cua Me chong . Mary kham phuc Ba qua! Cam on tac gia. You made my day! Chuc tac gia va gia quyen khoe manh.
12/05/202020:56:43
Khách
Kho Quẹt! Ở đâu mới ra vậy🤔⁉️
Bài viết thật hay, tạo thật nhiều cảm xúc trong tui. Cám ơn Kho Quẹt đã nhắc nhở tui về nỗi niềm của cha mẹ già.
Mấy hôm trước có người bạn nói với tui, mới có một cây viết nữ bút hiệu là Kho Quẹt, viết hay lắm, kể về má chồng. Tui hỏi lớn nhỏ, người bạn trả lời sinh năm 82.
Mấy hôm tui bận quá giờ mới đọc được. Ừa, công nhận hay thiệt!
Tui xin có lời chào mừng Kho Quẹt đến với Viết Về Nước Mỹ. Tui cầu chúc cho Kho Quẹt viết bài nào cũng lôi cuốn người đọc giống như bài này.
Và... hạnh phúc, bình an qua mùa cô Vy này nha!🤓
12/05/202015:49:39
Khách
Không phải là “có vẻ” vô tâm đâu Minh ơi. Chính tác giả cũng trình bày: “Lúc đó tôi chỉ biết im lặng nhưng trong lòng cảm thấy bực tức thay”.
Trích: “Trong lúc vội vã sợ không kịp giờ trước khi cậu ấy đến, không biết lật đật làm sao khiến Má té bổ nhào”. Đề nghị tác giả hãy họp gia đình và đọc bài này cho sáu cậu đẹp trai nghe chuyện không muốn biết. Xin nhắc lại là cậu nhỏ nhất là cũng 40 tuổi rồi, chứ không phải mới lên 4.
12/05/202013:51:31
Khách
"Hôm đó, cậu em út có vợ mới đẻ trong nhà thương mà cậu ấy thì bận đi làm nên có nhờ Má nấu giúp vài món vợ cậu ấy thích ăn để trưa thì cậu ấy ghé qua lấy." lúc này cậu út đã có gia đình và ra riêng rồi anh Lê như Đức ơi. Nhưng dĩ nhiên thắc mắc của Anh kg phải là vớ vẩn, mấy người con trai và con dâu kia có vẻ vô tâm đấy nha.
12/05/202006:50:43
Khách
>bảy người con thì có đến bảy bà vú. Anh chị em trong nhà người lớn tuổi nhất cũng gần sáu mươi, còn cậu út cũng trên bốn mươi nhưng Má vẫn luôn gọi là sấp nhỏ. Má không chỉ là cách chăm sóc của người vợ luôn tận tụy phục tùng, mà còn giống như kiểu chồng chúa vợ tôi bởi vì Ba muốn cái gì Má đều nhất nhất nghe theo. Suốt đời Má chỉ biết đến chồng con

Good for her. Love your enemies because the path to the enemies were very narrow (oan gia ngõ hẹp)
11/05/202022:38:41
Khách
Trích: “Đợt đó Ba nằm ở bệnh viện khá lâu, chị gái phải công tác đột xuất vài ngày nên tôi nhận phần thay chị gái ở lại nhà thương vào ban đêm để lo cho Ba.” Và “Mỗi khi Ba nằm ở bệnh viện cũng chỉ một mình Má cả ngày ở trong phòng chăm sóc Ba cho đến khi nào chị gái đi làm về ghé vào ở lại qua đêm thì Má mới chịu về nghỉ ngơi.”
Sáu ông con trai làm gì sao không vào chăm sóc cho ba mình mà lại để cho người con gái và con dâu vào coi ông già? Rồi ông đi đại tiện, tiểu tiện cô con gái và cô con dâu làm sao có sức mà dìu ông vào restroom? Năm xưa mợ tôi nằm nhà thương, các anh tôi và tôi vào coi chừng mợ tôi qua đêm. Lâu lâu bà chị dâu tôi cũng vào ở qua đêm nhưng anh tôi cũng ở lại với vợ. Nếu tôi không lầm thì sáu chàng đẹp trai kia chỉ có tới xơi cơm xong là quất ngựa truy phong. Bốn cô con dâu kia đâu rồi? Sao chỉ có một cô con dâu vào nhà thương coi ông già thôi? Cậu út không vợ, con sao không vào coi ba mình ban đêm mà lại để chị mình hay chị dâu mình vào thay?
Sau khi đọc bài viết, tôi có cảm tưởng như tác giả thầm trách sự vô tình của những người con trai ruột thịt của ba, má chồng mình qua đoạn nhập đề với câu “nhưng có ai ngờ đằng sau ấy lại là một câu chuyện dài thấm đẫm nước mắt”.
11/05/202017:19:51
Khách
Nội dung hay, lời văn suôn sẻ , lôi cuốn- tuy có dùng một ít ngôn từ của cộng sản, nhưng đó cũng là vì tác giả sinh ra và lớn lên ở Việt nam sau năm 75.

Sẽ không ngạc nhiên nếu tác giả được trúng giải VVNM với bài viết này.
11/05/202017:16:09
Khách
Nội dung hay,lời văn suôn sẻ ,lôi cuốn- tuy có dùng một ít ngôn từ của cộng sản, nhưng đó cũng là vì tác giả sinh ra và lớn lên sau năm 75.

Sẽ không ngạc nhiên nếu tác giả được trúng giải VVNM với bài viết này.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,764,014
T. Thiên Thu là cư dân Phoenix AZ, tốt nghiệp ngành Nursing tại Texas năm 1974 và làm việc cho St. Joseph’s hospital Phoenix, AZ gần 40 năm, nay đã về hưu,vui thú điền viên.
Chúng ta đang ở những ngày đầu của tháng Tư. Thời điểm này, bỗng nhắc nhớ trong tôi miền ký ức khó phai của hai mươi tám năm về trước. Ngày này, 07/4/1992, gia đình tôi đang ở New York City đúng mười ngày đầu tiên, đang ngơ ngác trước khung trời tự do rộng mở dù vẫn còn dầy đặc nỗi lo âu cho một tương lai chưa định trước. Thành phố New York là “thành phố lớn không bao giờ ngủ” (New York, the big city is not asleep), người ta hay nói vậy thật không sai chút nào.
Trần Như Nguyện, là phóng viên của một số báo Việt và đài truyền hình tại Hoa Kỳ. Hiện đang cư ngụ tại thành phố Houston - Texas. Tác giả từng được nhận giải đặc biệt " Viết Về Nước Mỹ " vào 2018 với tác phẩm " Mẹ Lúa chạy bão Harvey ". Đây là bài viết trở lại sau thời gian vắng bóng.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài viết mới.
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân: "Thế và Tôi." Sau đây là bài mới nhất
Tháng tư vùng Hoa Thịnh Đốn cỏ hoa, khí hậu tuyệt vời, cuộc sống vật chất đầy đủ tiện nghi làm Vân bùi ngùi nhớ lại tháng 4 hãi hùng, đau thương cách đây 45 năm, nhớ họ hàng bà con ở quê hương VN xa xôi mà Vân không có cơ hội găp lại.Sau tháng 4 /75 nhiều gia đinh ly tán, trẻ con nheo nhóc, vợ trẻ xa chồng, mẹ già mòn mõi ngóng tin con. Nhiều người đang nhà cao cửa rộng phải đi ở nhờ ở đậu. Có người liều vượt biên, làm mồi cho cá nơi biển cả hay nạn nhân bọn cướp biển, phụ nữ bi hãm hiếp… Gia đình bạn Vân gồm 2 vợ chồng và 3 con vượt biên cùng 28 người họ hàng bị bão chìm tàu. Chỉ 8 người sống sót. Người bạn sống nhưng vợ và 3 con chìm trong lòng biển cả mênh mông. Nhắc mà đau lòng, xót xa cho cảnh chia ly tang tóc. Sau cuộc đổi đời vào tháng 4/ 1975, miền Nam trước kia sung túc lúa gạo dư thừa còn xuất cảng nước khác mà năm ấy một số dân Saigon phải ăn độn bo bo. Một hoc trò Vân cho biết sau khi cha em đi tù cải tạo ít lâu gia đình em “khoái ăn sang”.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.
Thoạt tiên, khi đại dịch khởi phát từ Vũ Hán, người ta liền đặt cho nó ngay một cái tên cho dễ nhớ Coronavirus Wuhan. Rất dễ hiểu vì nó xuất phát từ bên Tàu nên có người còn gọi là “cúm Tàu”. Tiếp theo đó, Coronavirus đã theo bước chân con người đến tàn phá ở các quốc gia: Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Phi châu... và những vùng đất xa xôi nhất mà người ta ít dịp nghe nói đến trên hành tinh. Hàng loạt các cuộc tấn công, miệt thị người gốc Á đã xảy ra nơi công cộng ở nhiều nơi trên thế giới để “trả thù dân tộc” từ khi mới bắt đầu đại dịch cho đến bây giờ; người gốc Việt không nằm ngoại lệ nên cũng bị vạ lây!!! Các nước bắt đầu ra lệnh đóng cửa biên giới để giữ an toàn cho vùng lãnh thổ của mình. Làn sóng kỳ thị lại đổ dồn về những nơi diễn ra tâm dịch, nhất là đối với những người đến từ vùng dịch. Những sinh viên, người lao động bao ngày đi du học, đi làm ở nước ngoài giờ ùn ùn kéo về Việt Nam hàng loạt!
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.