Hôm nay,  

Ơn Sâu Xin Nhớ, Nghĩa Nặng Ghi Lòng

08/05/202000:00:00(Xem: 7372)

 

21914331180_d8600cea7d_z
Phong cảnh thành phố Fort Collins 

 

Lê Thị Trinh 

Tác giả lần đầu tham dự VVNM. Nghề nghiệp cũ: Nữ Hộ Sinh Quốc Gia. Làm việc tại Bệnh Viện Trung Ương Huế, Tổng Y Viện Cộng Hòa Bảo Sanh Viện Hùng Vương Sài Gòn (1959-1991). Cùng 2 con theo chồng đến Mỹ năm 1991, theo diện HO.

 

***


Gần ba chục năm sống ở Mỹ, được an lành vui sướng, được hưởng biết bao ân sủng của miền Đất Hứa này, lòng tôi luôn mang nặng sự biết ơn nhưng chưa có dịp để tỏ bày.  Người ban ơn thì “thi ân bất cầu báo” nhưng mình là kẻ thọ nhận thì làm sao quên được ân tình, làm sao quên được những gì mà người ta đã giúp, đã cho mình.  “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” là lời giáo huấn của Thầy Cô từ hồi tiểu học, tôi luôn khắc ghi.

Đã gần hai tháng, từ đầu tháng 3 năm 2020 đến nay, khắp nơi trên thế giới ai nấy đều đang lo, đang sợ nạn dịch bởi con siêu vi khuẩn Corona.  Nghe nói con Corona này người già dễ bị nó chiếu tướng nên tôi cũng có nhiều băn khoăn, bởi lẽ mình cũng thuộc diện bô lão trên 80, da cứng thịt dai dễ cho Corona xơi tái.  Già quá rồi, sống hoài làm chi cho xã hội phải nặng gánh cưu mang!  Chết thì tôi sẵn sàng nhưng sẽ ân hận vô cùng, bởi vì chưa có dịp để nói được lời cám ơn nước Mỹ, cám ơn người Mỹ, cám ơn những bậc tiền bối từ muôn phương đến đây từ hơn 2 thế kỷ qua đã phải bỏ biết bao công sức và trí tuệ, cùng nhau khai phá và xây dựng để có được cảnh quang như bây giờ.  Cám ơn những ân nhân, những tấm lòng vàng mà gia đình chúng tôi đã từng thọ ơn từ ngày đặt chân đến thành phố Fort Collins tiểu bang Colorado.  Nơi đây là quê hương thân yêu thứ hai của chúng tôi kể từ tháng 4 năm 1991.  Nơi đây dù không phải là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng sẽ là nơi nắm tro tàn của thân xác tôi để lại.

Gia đình chúng tôi thành dân lưu vong rồi trở thành công dân Mỹ bởi lẽ tháng 4 năm 1975 miền Nam Việt Nam bị cộng sản xâm chiếm.  Sau đó cộng sản nhốt tù tất cả sĩ quan trong quân đội và tất cả công chức của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.  Thời gian ở tù vô hạn định, có người 1 năm được thả ra, có người 3, 4 hoặc 9, 10 năm hay lâu hơn nữa… hên xui may rủi.  Dân miền Nam còn lại, ai có gan có tiền lần lượt vượt biên bằng đường thủy, đường bộ, có người may mắn đến được bến bờ tự do, có người bỏ thân ngoài biển cả.  Đến đầu năm 1990, chính phủ Mỹ đã mở rộng lòng nhân đạo và như một phép mầu, chương trình HO xuất hiện, đem lại hy vọng cho biết bao cựu tù nhân, cho phép những người bị cộng sản nhốt tù từ ba năm trở lên, sau khi được thả về đều được làm thủ tục hồ sơ và lần lượt chính thức đến Mỹ bằng đường hàng không.  Ông xã tôi là công chức Việt Nam Cộng Hòa, bị cộng sản đày đọa nhốt tù 7 năm ở tuốt luốt tận núi rừng Bắc Thái, nên gia đình chúng tôi được đến Mỹ theo diện tị nạn HO6 dưới sự bảo trợ của United States Catholic Conference.

Colorado là một trong những tiểu bang tuyết lạnh tình nồng của nước Mỹ.  Phía Đông của Corado giáp với tiểu bang Kansas, Tây giáp Utah, Nam giáp New Mexico, Bắc giáp Wyoming.  Colorado nổi tiếng với những thắng cảnh như là Garden of the Gods, Estes Park, Royal Gorge Bridge, Aspen v.v… Garden of the Gods đẹp kỳ vĩ với những quần thể núi đá màu đỏ nổi bật dưới bầu trời xanh ở thành phố Colorado SpringsEstes Park nằm dọc theo sông Big Thompson River, là nơi nghỉ mát mùa hè nổi tiếng trong khu lâm viên Rocky Mountain National ParkRoyal Gorge Bridge (gần thành phố Cañon) là cây cầu treo cao nhất ở Hoa kỳ, vượt qua vực núi phía trên sông Arkansas River.  Aspen thanh lịch với những con đường lót gạch quanh co như những thành phổ cổ ở châu Âu, cũng là khu trượt tuyết đắt đỏ thu hút nhiều người nổi danh giàu có.

Thủ phủ của Colorado là thành phố Denver, nơi đây có tòa nhà Quốc Hội mái hình vòm lợp bằng vàng, có sân vận động và đội football Denver Broncos đã vài lần đoạt giải Super Bowl mang niềm hứng khởi cho những người mộ điệu.  Denver có khá nhiều người Việt Nam cư trú.  Phần đông các cơ sở thương mại kinh doanh của người Việt đều nằm trên con đường mang tên Federal Boulevard; tiệm phở, tiệm vàng, tiệm cắt tóc uốn tóc, tiệm làm móng tay, chợ thực phẩm khá lớn bán đủ thứ gạo, nếp, mì gói, mắm muối thịt cá, rau trái v.v... Các thành phố khác của Colorado như Colorado Springs, Westminter, Thornton, Louisville, Boulder, Longmont, Loveland, Fort Collins v.v... cũng có người Việt ở nhưng không nhiều và tập trung như ở Denver.

Fort Collins nằm ở phía Bắc của Colorado, gần sát với tiểu bang Wyoming.  Phía Đông của Fort Collins là xa lộ I-25, phía Tây là dãy Rocky Mountains (Rockies) hùng vĩ quanh năm đỉnh tuyết trắng xóa, phía Nam là thành phố Loveland.  Fort Collins có con đường được đặt cái tên nghe ngộ ngộ là Horsetooth, sở dĩ con đường có tên này là vì nếu chạy xe từ Đông sang Tây, sẽ thấy rõ ngay trước mắt một chỏm núi cao xanh của rặng núi Rocky bị xẻ đôi, nhìn giống như là 2 cái răng ngựa hí hí thật dễ thương!

Fort Collins chỉ là một thành phố nhỏ, không nổi tiếng, dịu dàng khiêm cung ẩn mình trên núi đồi cao nhưng lại là nơi vô cùng lý tưởng để sống bởi không khí trong lành, không bị ô nhiễm, người dân hiền hòa, rất ít tội phạm.  Nơi đây tràn ngập những hàng thông xanh rì quanh năm, rất cao, rất to vững chãi vươn mình trong nắng.  Dân chúng ở Fort Collins hiền lành và đầy lòng nhân hậu, đa số là da trắng, rất ít người da màu, người Việt thì chỉ có trên dưới hai chục nhà.  Fort Collins có một bệnh viện tối tân, một trường Đại học, một trường Cộng đồng, viện bảo tàng, thư viện và có nhiều nhà thờ cổ kính rải rác trong thành phố nhỏ này; có hãng điện tử làm máy computer tên Hewlett Packard, có trung tâm buôn bán Foothills Mall, thành phố này đang phát triển thêm nhiều siêu thị, nhà cửa và nhà hàng ăn uống.

Một điều đặc biệt thú vị ở đây là thời tiết.  Nói tới Colorado là người ta nghĩ ngay đến tuyết, tuyết chi tuyết lạ tuyết lùng, tuyết đầy đường đầy phố, tuyết trắng xóa xòa xoa, tuyết đẹp như một bài thơ.  Đêm đầu tiên thấy tuyết, tôi và đứa con gái, 2 mẹ con quấn mền ngồi co ro bên cửa sổ say sưa ngắm từng bông tuyết rơi nhè nhẹ, nghe văng vẳng đâu đây lời nhạc "Tombe la neige …", ui chao thấy đời răng mà lãng mạn đẹp như mơ.  Chỉ sau vài tiếng, nhìn ra cửa sổ thấy toàn một màu trắng bạc, tất cả nhà cửa, đường, xe, cây cối đều được khoác lên mình một lớp áo trắng toát kiêu sa… đẹp mê mẩn giống như hình trong card postal vậy.  Nhưng chỉ thời gian đầu thôi nghen, sau này thấy tuyết rơi lại ớn quá xá tại phải cạo tuyết, lại phải xúc tuyết mấy tiếng đồng hồ … oải lắm đi thôi.

Những khi trời quá lạnh (dưới 0 độ C) thì tuyết đóng thành băng cứng rất trơn trợt, đi rất dể bị té lăn quay, lái xe mà vô ý thắng nhanh, vô ý quẹo nhanh là ôi thôi… xe quay 90 độ, hồn phi phách tán!  Cái lạnh mùa đông sao mà thấm thía; lạnh buốt sống lưng, lạnh cóng chân tay, lạnh nhức lổ tai, muốn sức luôn lỗ mũi... mấy lớp áo len, áo nỉ, áo lạnh, giày cao cổ, khăn choàng, găng tay đủ thứ khi ra khỏi nhà.  Mỗi khi tuyết rơi, xe đậu ngoài sân thì cũng khổ vì mỗi buổi sáng phải hì hục cạo tuyết dính cứng ở kiếng xe mới thấy đường mà lái!  Tuyết lạnh thấu xương, tuy nhiên vẫn thật là đẹp, vẫn ngất ngây khi nhìn những cành cây bám đầy tuyết trong veo dưới ánh mặt trời, cứ tưởng đó là những cành pha lê!  Xuân đến mà tuyết vẫn thản nhiên rơi, cây cành vẫn còn trụi lá cho đến đầu tháng 4 mới bắt đầu đâm chồi nẩy lộc, mọi vật như thức tỉnh trở dậy sau một giấc ngủ dài.  Thật là kỳ diệu!  Chiều hôm trước cây cối vẫn còn trơ trụi vậy mà sáng hôm sau chồi non đã nhú nở đầy cành!  Hạ sang, ngày nóng bức ban đêm mát lạnh; phong cảnh hữu tình, vườn hoa công viên mát mắt với thảm cỏ xanh non và đầy hoa đẹp!  Mọi người như quên đi những lo âu của cuộc sống và thư giãn dễ chịu khi nghe tiếng chim hót ríu rít, khi nhìn những chú sóc chạy loăn quăn rượt đuổi nhau loạn xị trên cỏ xanh, khi ngắm nhìn bầy vịt bơi lội nhởn nhơ trong hồ!  Trong vườn trái cây đầy cành; các loài hoa thi nhau trổ sắc khoe hương.  Thu bắt đầu với những cơn mưa và vài trận mưa đá, có khi cục nước đá nhỏ như những viên sỏi be bé xinh xinh, có khi cục nào cục đó to bằng trái chanh ào ạt dội xuống rầm rầm, mái nhà kêu vang ầm ỉ tưởng như trời long đất lở, khoảng chừng vài phút là dứt, từng đống nước đá chất đầy trước mái hiên.  Mưa đá thường làm hư mái nhà nhưng được cái may là insurance cũng cho sửa chữa hay lợp lại mái mới.  Khi trời sang Thu thì lá cây đổi màu đẹp vô cùng, rực rỡ như một tuyệt tác của thiên nhiên.  Lá không phải chỉ toàn một màu vàng anh đậm nhạt đủ kiểu, mà còn quyện thêm màu đỏ au, đỏ rực, đỏ thẫm cùng với màu lục vĩnh hằng của lá cây thông chen lẩn nhau làm thành một bức tranh đầy quyến rũ!

Trước năm 1975 ở Sài Gòn chúng tôi có Anh Chị bạn thân.  Sau 1975 Anh Chị lần lượt cho bốn người con vượt biên, các cháu được may mắn yên lành qua tới Mỹ và được một gia đình người Mỹ ở Fort Collins này nhận làm con nuôi.  Các cháu học rất giỏi, ra trường đại học, đều thành đạt có công việc làm rất tốt.  Cậu con trai lớn hiện nay là Giám Đốc điều hành một công ty điện toán ở Colorado, cô con gái út học ra Bác sĩ.  Năm 1990 các cháu bảo lãnh Cha Mẹ sang Mỹ đoàn tụ.

Các cháu thiệt là tốt, đã giúp đỡ gia đình chúng tôi rất nhiều, cho chúng tôi tá túc, sau đó chở chúng tôi đi kiếm nhà để thuê, lại còn phải làm co-sign (gánh nợ) theo yêu cầu của chỗ cho thuê bởi lẽ chúng tôi chưa có công ăn việc làm.  Các cháu còn phải thu xếp công việc để có thì giờ chở chúng tôi đi đến Sở Xã hội làm các thứ thủ tục hồ sơ lãnh trợ cấp theo quy định của chính phủ.  Các cháu cũng như những người Việt định cư ở Fort Collins có tấm lòng thật quý, mời chúng tôi đến nhà ăn cơm, dẫn chúng tôi đi garage sale để mua các thứ cần dùng thật là rẻ tiền!  Khi nào đi chợ ở Denver (cách nhà chúng tôi khoảng 1 tiếng lái xe) cũng đều chở chúng tôi đi theo để mua sắm thực phẩm cần thiết.

Khi chúng tôi đã thuê được nhà, Hội từ thiện của Nhà Thờ cho chúng tôi một bộ sofa cũ nhưng còn tốt đẹp, chúng tôi để cạnh lò sưởi trông cũng khá tươm tất!  Sau đó còn cho thêm một cái máy giặt.  Căn nhà chung cư này ở tầng trên, có cửa đi ra bao lơn nhỏ nhìn thấy được quang cảnh trời đất thênh thang, ban đêm mùa hè ngồi đếm sao trên trời mà lòng hướng về nơi chôn nhau cắt rún, niềm vui trộn lẫn với nỗi nhớ miên man.  Nhà có 2 phòng ngủ, phòng tắm và vệ sinh rộng rãi đầy đủ tiện nghi.  Phòng khách, chỗ ăn và bếp chung với nhau một không gian nên rất thoáng.  Chưa có bàn ăn nên chúng tôi dùng các thùng giấy đựng mì gói sắp xếp thành hình cái bàn, để trên nền nhà, rồi trải cái khăn vải lên che kín thấy cũng xôm tụ.  Ngồi trên thảm ăn cơm thật là thú vị, tưởng như mình là người Nhật ngồi ăn như từng đã xem trong phim!

Sau khi có chỗ ở ổn định thì mẹ con chúng tôi đi học tiếng Anh. Ông xã tôi hồi 1971 được sang Mỹ học 2 năm ở trường Wayne State University, Detroit, Michigan nên không gặp khó khăn về tiếng Anh.  Ba mẹ con tôi thì tiếng Pháp chút chút, tiếng Anh lỏm bỏm nên phải đi học tiếng Anh miễn phí ở chỗ Women Center, ở đây có những người thiện nguyện đến dạy tiếng Anh.  Mẹ con chúng tôi được học với hai Bà Thầy, một bà tên Elsie Paranka, một bà tên Patricia (thường được gọi là Pat) Walsh.  Hai Bà Thầy đều là giáo sư có bằng Master, vừa về hưu.  Phu quân của Bà Thầy Elsie là Dr. Stephen Paranka, phu quân của Bà Thầy Pat là Dr. Richard G. Walsh, hai ông là Professors cùng dạy ở Colorado State University (CSU).

Bà Thầy Elsie tóc vàng, mắt xanh, dáng người mạnh khỏe, tánh tình cứng rắn, gia trưởng chỉ huy, chơi tennis vô cùng nhanh nhẹn.  Bà Thầy Pat cũng tóc vàng mắt xanh, dáng người thanh mảnh, tánh tình vui hiền, nhẹ nhàng, thường đi trượt tuyết, hiking, khiêu vũ.  Tùy theo sự sắp xếp của chỗ dạy, có khi chúng tôi học với bà Thầy Pat, có khi học với bà Thầy Elsie.  Khi biết được hoàn cảnh tị nạn của gia đình chúng tôi và biết mẹ con chúng tôi phải đi bộ băng qua cánh đồng, đón xe bus đi học và về bằng xe bus thì cả hai Bà Thầy đều hỏi địa chỉ chúng tôi ở và đều nói là sẽ chở chúng tôi mỗi khi về nhà!  Mẹ con chúng tôi mừng vui và cám ơn hai Bà Thầy rối rít.

Bà Thầy Elsie đem đến cho chúng tôi một số áo lạnh, găng tay, túi mền chui vào nằm, nên gia đình tôi có tạm đủ dùng trong mùa lạnh đầu tiên.  Một kỷ niệm mà chúng tôi mãi trân quý là buổi ăn tối Thanksgiving năm 1991 mà Ông Bà Thầy Paranka mời gia đình chúng tôi đến nhà dự, nhà chỉ có hai ông bà.  Dr. Paranka niềm nở nói chuyện cùng Ông xã tôi rất thân mật, tôi và cháu gái vào bếp phụ với Bà Thầy, Bà vừa làm vừa nói chuyện cười vui rất chân tình.  Con trai tôi lúc đó làm ở chợ King Soopers, chợ đóng cửa mới được về nên đến muộn, thế mà Ông Bà Thầy không chịu ăn trước nói là đợi cháu về cùng ăn!  Ăn xong Ông Bà còn cho nghe nhạc classical guitar vì biết con trai tôi chơi đàn guitar.  Đêm Thanksgiving đầu tiên ở Mỹ, trời tuyết rất lạnh nhưng gia đình chúng tôi lại cảm thấy vô cùng ấm áp hạnh phúc vì được sưởi ấm bởi tấm lòng ưu ái nhân hậu của Ông Bà Thầy Paranka.

Bà Thầy Pat cho chúng tôi máy hút bụi và cây đèn đứng để ở living room (nay vẫn còn xài được!).  Bà Thầy Pat còn sắp xếp thời gian đến nhà tận tụy kiên nhẫn dạy thêm cho chúng tôi!  Bà dẫn hai đứa con tôi vào thư viện trường Đại Học CSU để học nghe tiếng Anh bằng máy, khi ghi danh người ta nói là mỗi người phải đóng $25 thì hai anh em nó ngần ngại và nói với Bà là thôi khỏi ghi danh vì không có đủ tiền!  Hôm sau đến dạy, Bà Thầy Pat nói với hai cháu là lá cây vườn nhà bà rơi nhiều quá, nếu biết hốt dọn thì đến giúp Bà dọn vườn.  Thế là con trai và con gái tôi đến vườn nhà Bà Thầy hốt dọn lá, chúng nó hăng hái làm theo lời chỉ dẫn của bà Thầy, xong xuôi hai cháu chào Bà Thầy để ra về, Bà Thầy Pat cám ơn và đưa cho hai cháu cái check $50.  Hai anh em ngần ngại không dám nhận, Bà liền nói đây là công sức làm việc của các con, đừng ngại!  Ui chao ơi, vui mừng vui quá vui, vậy là có tiền để đi học nghe tiếng Anh!  Gia đình chúng tôi vô cùng cảm kích tấm lòng quá tốt và cách xử thế quá khéo léo, quá tế nhị của Bà Thầy Pat!

Bà Thầy Pat khuyến khích và ủng hộ khi biết con chúng tôi rất muốn được vào học ở Đại học CSU.  Muốn được nhận vào học ở CSU, ngoài vấn đề trả học phí còn một điều kiện quan trọng để người nước ngoài được nhận vào là phải đủ trình độ Anh ngữ, có nghĩa là phải thi đậu cái test TOEFL (Test Of English as a Foreign Language).  Sinh viên các nước đến đây học, phần đông đều phải học lớp IEP (Intensive English Program) học xong lớp này thì nghe và viết tiếng Anh rất vững và thi TOEFL dễ đậu, nhưng học phí đến $3000 một khóa!  Số tiền quá lớn đối với gia đình chúng tôi lúc đó!  Bà Thầy Pat biết các con tôi rất muốn được vào học ở CSU.  Bà đích thân đến gặp Dr. Charles Brainer (Giám Đốc của IEP), trình bày hoàn cảnh và ước nguyện của hai đứa con chúng tôi; thật may mắn Dr. Brainer nói là sẽ bớt 50% tiền học phí cho các cháu!  Chúng tôi mừng rơi nước mắt!  Thiệt là đại phước mới gặp được quý nhân!  Thế là con gái chúng tôi được học lớp IEP.  Ngày đầu tiên con gái tôi đến lớp, chiều đó Bà Thầy Pat điện thoại cho chúng tôi nói là hôm nay Bà Thầy đứng ngoài cửa sổ nhìn vào lớp học, thấy con gái chúng tôi rạng rỡ như là “fish in water” và Bà rất hài lòng.  Chúng tôi sung sướng nghẹn ngào cảm kích Bà Thầy.  Đêm hôm đó tôi nằm không ngủ được, nước mắt mừng rơi ướt gối, mừng mừng tủi tủi.  Cám ơn Trời Phật đã cho mình thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm!

Bà Thầy Pat hết dạy Anh Văn cho con gái tôi, nhưng thỉnh thoảng tối nào Ông Bà Thầy đi chơi, đi party thì Bà điện thoại kêu con gái tôi đến nhà Bà đọc truyện cho cô bé 4 tuổi cháu ngoại của Bà ngủ và khi nào ra về con gái tôi cũng nhận được tấm check $20.

Mãn khóa học con gái tôi thi pass được cái test TOEFL và được nhận vào học ngành Kỹ sư Điện ở trường đại học CSU.  Vài năm sau cháu ra trường hạng Danh dự (Cum Laude) và cháu được hãng Lockheed Martin ở Texas nhận vào làm.  Ngày lễ vu quy của con gái chúng tôi ở Fort Collins cũng có sự hiện diện của Ông Bà Thầy Elsie và Ông Bà Thầy Pat.  Sau này khi về hưu Dr. Walsh say mê về điêu khắc, tác phẩm của Ông Thầy được triển lãm và Ông Bà Thầy có cho con gái tôi một pho tượng “The Dance” bằng đồng hình cô gái đang uốn người vươn tay múa rất mềm mại và sống động.

Con trai chúng tôi cũng học ở CSU, ra trường ngành Kỹ sư Công chánh hạng Danh dự (Summa Cum Laude).  Cháu đã cảm tạ và vinh danh quý Ông Bà Thầy trong luận án Tiến sĩ của mình “… Finally, the author wishes to sincerely thank all of his English tutors and instructors, especially Dr. and Mrs. Stephen Paranka (Fort Collins, 1991), Dr. and Mrs. Richard Walsh (Fort Collins, 1991), Dr. Cannon (Houston Community College, 1993) and Dr. Charles Brainer (Intensive English Program-CSU 1993)...”.  Hằng năm vào dịp Lễ Giáng Sinh, gia đình sum họp, chúng tôi cùng nhau mang quà đến thăm quý Ông Bà Thầy tại nhà.  Ai cũng ân cần thân mật chuyện trò, hỏi thăm công việc của các cháu, chúng tôi yên ḷng vô cùng khi thấy quư Ông Bà Thầy đều còn khỏe.

Nhớ lại hồi mới đến, năm 1991 chúng tôi thuê apartment mỗi tháng phải trả $600, hai năm sau thì được Xã hội cấp cho nhà Housing mỗi tháng chỉ trả $300.  Thiệt là may mắn, đây là ngôi nhà trệt Duplex có 2 phòng; từ nhà đi bộ đến trường đại học chỉ mất khoảng 20 phút và đi bộ 5 phút là đến bệnh viện.  Các con tôi yên tâm học hành.  Đúng là an cư lạc nghiệp.  Muôn vàn cảm tạ sự cưu mang của xã hội Mỹ đối với những người di dân chính trị nghèo!  Cám ơn những người phải đi làm cực nhọc, tiền lương phải trích ra để đóng thuế, để Bộ Xã hội có tiền giúp đỡ đùm bọc những người có lợi tức thấp!

Đủ 5 năm được thi quốc tịch, thế là giữa năm 1996 gia đình chúng tôi thi và được làm lễ tuyên thệ trở thành công dân Hoa kỳ.  Các con chúng tôi lần lượt có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định, có cơ hội để đóng góp công sức của mình không nhiều thì ít cho xã hội, đền đáp được một phần nào công ơn cưu mang của đất nước Hoa Kỳ, chúng tôi mãn nguyện vô cùng.

Cuộc sống ổn định, chúng tôi bắt đầu trăn trở muốn làm được cái gì đó để đóng góp cho xã hội.  Một hôm tình cờ đọc được mấy dòng chữ của Mục sư Dr. Martin Luther King, Jr. “Everybody can be great, because anybody can serve.  You don’t have to have a college degree to serve.  You don’t have to make your subject and your verb agree to serve.  You don’t have to know the second theory of thermodynamics in physic to serve.  You only need a heart full of grace.  A soul generated by love.”  Tôi bừng tỉnh nhận thấy, té ra dù già, dù không có tiền mình vẫn có thể đóng góp cho xã hội nên chúng tôi đã tham gia Organition of Meals on Wheels for Fort Collins trong 10 năm.  Đến năm 2010 vì ông xã tôi khi đó đã 78 tuổi sức khỏe kém, hay bị xỉu thình lình nên chúng tôi đành ngưng mà vô cùng tiếc nuối.

Tham gia Meals on Wheels tôi mới biết thêm về tấm lòng nhân ái của dân Mỹ, có những người đang bận bịu với công việc, giờ ăn trưa họ vẫn thu xếp đến lấy thức ăn mang đi giao rồi trở về sở làm tiếp!  Có những phụ nữ tay xách giỏ thức ăn, tay dẫn đứa con nhỏ lủm đủm chạy theo!  Quý Bà đã về hưu trên 80 tuổi, tóc bạc phơ tươi tỉnh ung dung đẩy từng xe thực phẩm từ trong nhà bếp ra chỗ phân phát để chúng tôi mang đi.  Tình người đẹp quá!

Nhờ công việc mang thức ăn này mà tôi tiếp xúc được nhiều người, nhận được nhiều lời cám ơn, nhiều nụ cười, biết được nhiều con đường, nhiều khu vực trong thành phố thật là lý thú!  Và lòng tôi cũng bao lần lắng xuống khi nhớ đến hình ảnh những khuôn mặt già nua lặng lẽ ngồi yên trên chiếc ghế ở phòng ăn chỗ họ ở, bên cạnh là chiếc xe lăn hay cái walker, sát bên là bình oxygen, cửa vào nhà không khóa, chúng tôi bấm chuông, đợi nghe tiếng “Come in” là tự mở cửa bước vào nhà, chúng tôi chào hỏi, để hộp thức ăn trên bàn, hỏi họ có cần lấy muỗng nĩa, khăn ăn thì chúng tôi giúp!  Ôi tuổi già hiu quạnh thật là buồn tê tái!  Và có lúc tôi lại mĩm cười thật vui khi nhớ đến các Cụ tuy lớn tuổi tóc bạc phơ mà ăn mặc chỉnh tề đẹp đẽ, đầu tóc vén khéo, mặt mày hớn hở, tươi cười mở cửa khi nghe tiếng bấm chuông!  Các Cụ nhận thức ăn, cám ơn vui vẻ, khen tôi mặc áo đẹp, khen ông xã tôi handsome, còn hỏi thăm chúng tôi hôm nay đem thức ăn mấy nhà, gần xong chưa?  Và có một Bà già thật là đặc biệt mà tôi thường kể cho con gái tôi nghe.  Bà này ở trong một căn nhà đẹp, có garage rộng.  Khi nào chúng tôi mang thức ăn đến là Bà mở cửa liền không đợi bấm chuông.  Bà người nhỏ con, ăn mặc khi nào cũng chỉnh tề chu đáo, sang trọng đẹp đẽ, tóc vàng uốn ngắn, trang điểm lịch sự như sắp đi party, Bà tươi cười chào hỏi chúng tôi, có bữa Bà nhờ mở giúp cái nắp chai thuốc Bà cầm sẵn trong tay, bà nói từ chiều hôm qua Bà không mở được nên không có thuốc uống! (nghe mà thương mà tội quá đi thôi).  Có hôm Bà nói Bà sẽ mở cửa garage và nhờ chúng tôi đẩy thùng đựng rác vào.  Mỗi lần gặp chúng tôi Bà vui vẻ hân hoan nói chuyện, hỏi thăm chúng tôi ở đâu, đi có xa không, Bà cám ơn mỗi khi chúng tôi ra về và khi nào cũng đợi xe chúng tôi lăn bánh Bà mới đóng cửa nhà.

Năm 1998 chúng tôi không còn ở nhà Housing nữa, mà có nhà riêng ở phía Nam Fort Collins.  Đây là một xóm Cul de sac có 10 ngôi nhà, người dân trong xóm toàn là người Mỹ trắng, phần đông là giới trẻ, chỉ có Ông “Cô đơn” nhà ở sát bên trái là sắp hạng xế chiều như chúng tôi.  Ông ta là kỹ sư điện, về hưu từ lâu, năm nay cũng gần 80 tuổi.  Ông sống một mình, có cô con gái có chồng sống ở Denver.  Ông Cô đơn là buddy của Ông xã tôi!  Hai người hợp với nhau lắm, ai cũng handyman và thích phụ nhau làm đủ mọi thứ công việc.  Ông xã tôi có các thứ búa kềm cưa kéo.. còn Ông Cô đơn thì ngon lành hơn nhiều, cưa điện, khoan điện.. toàn là đồ xịn.  Cửa hàng rào của chúng tôi bị hư, hai ông chở nhau đi Home Depot mua gỗ đem về rồi cùng nhau hì hà hì hục, đo đo, cưa cưa làm suốt ngày cho xong cái cửa.  Chúng tôi ăn chay, thỉnh thoảng tôi làm chả giò, miến xào, hay nấu hoành thánh chay, Ông xã tôi mang sang biếu Ông cô đơn đều khen ngon, tận tình chiếu cố.  Chúng tôi đi chơi xa vắng nhà thì Ông ấy lấy thư từ đem về nhà giúp.  Từ cuối năm ngoái sức khỏe Ông Cô đơn không tốt phải vào ra bệnh viện mấy lần cho nên cô con gái phải thu xếp cho Ông về chỗ người lớn tuổi ở (Senior living) và ngôi nhà hiện đang đóng cửa.  Ông Cô đơn giao chìa khóa nhà và chìa khóa thùng thư cho ông xã tôi.  Ông xã tôi thường xuyên đến thăm Ông ta.  Phía bên phải nhà chúng tôi là ba nhà sát nhau của các Ông Bà trẻ cùng trang lứa và đều có con nhỏ.  Mỗi sáng nhìn các Ông cha hay các Bà mẹ cùng nhau dẫn các cháu đi học (đi bộ khoảng 10’ là đến trường) thật là thanh bình!  Các cháu bé da trắng tóc vàng mắt xanh thẫm thật lễ phép và ngoan, thấy chúng tôi là vẫy tay lia lịa, miệng cười hé lô tươi rói!  Ngày nghỉ học các cháu thường chơi với nhau ở bãi cỏ trước sân, tiếng đùa giỡn, chọc phá râm ran vang xóm.  Vườn nhà chúng tôi có 1 cây táo, 1 cây lê và 1 cây đào, mùa hè khi trái cây chín chúng tôi dẫn các cháu vào vườn hái trái có các bà Mẹ đi theo, các bé reo vui, nhảy tưng tưng, hái được trái nào là chà sơ sơ vào áo rồi ngoạm cắn một miếng thật bự, ăn ngon lành!  Christmas chúng tôi mang quà kẹo bánh cho các cháu, các bà mẹ trẻ nướng những chiếc bánh thơm phức cũng mang biếu chúng tôi thật là đầm ấm vui vẻ tình lân bang hàng xóm!
Từ tháng 3 năm nay (2020) sau khi Tổng Thống Mỹ nói về tình hình Dịch Covid 19 và sau đó Thống Đốc Colorado tuyên bố không nên đi ra ngoài đường trừ trường hợp cần thiết thì chúng tôi nhận được text của 3 bà hàng xóm nói là “hai ông bà lớn tuổi không nên đi chợ! cần gì cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ đi mua giúp! đừng ngại gì hết”  Đọc xong chúng tôi vô cùng cảm động, thấy ấm cúng và quên hết lo âu....chỉ biết mang thêm  ân tình với Đất Nước này!  Chẳng biết nói gì hơn ngoài hai chữ Cám Ơn.  Trưa hôm sau nghe tiếng chuông, chúng tôi mở cửa thấy hai Ông hàng xóm trẻ đứng trước thềm nhà.

Hai Ông ấy chào và hỏi chúng tôi “khẩu trang, nước sát trùng rửa tay, giấy vệ sinh, đồ ăn đã có chưa, có thiếu gì không, cần gì thì cho họ biết họ sẽ mang đến cho!”  Chúng tôi cám ơn rối rít và nói hiện tại thì có tạm đủ dùng khi nào cần gì chúng tôi sẽ nhờ quý Ông giúp đỡ ngay.  Hai Ông ấy còn dặn lại một lần nữa là cần gì thì nhớ kêu các Ông liền, đừng ngại gì hết, rồi mới chào ra về!  Ôi tình người quá đẹp!  Thuở nhỏ đọc quyển sách Tâm Hồn Cao Thượng (Grand Coeur) do học giả Hà Mai Anh dịch tôi đã biết có nhiều trái tim nhân hậu.  Giờ đây thấy được những tấm lòng vàng trong cuộc sống, thấy tình người quá ấm áp, thấy được lòng nhân ái, thấy được trái tim yêu thương, thấy được tình Người Mỹ!  Chúng tôi tràn đầy sung sướng cảm thấy bình an hạnh phúc ngập tràn quên hết nỗi sợ con ma Corona.

Thường ngày lúc trời nắng ấm buổi sáng chúng tôi thường mở cửa garage ra trước sân quét dọn, và chúng tôi thường gặp các cháu nhỏ trong xóm vui cười chào hỏi, mấy ngày rồi trời cũng se lạnh với lại sợ con Corona nên chúng tôi cấm cung cửa đóng im lìm.  Hôm nay tình cờ nhìn xuống sân trước garage thấy hình vẽ một trái tim thật to bằng phấn màu hồng, giữa trái tim có chữ  “Hello Loc Trinh’’ (là tên vợ chồng tôi).  Nhìn trái tim ưu ái quan tâm trên nền xi măng tôi vô cùng xúc động, lòng tôi thật vui và cảm thấy vô cùng bình an, được yêu thương lo lắng!  Ngày sau đó Ba Mẹ các cháu cho biết các cháu nhớ chúng tôi (bởi vì Corona, stay home, không dám gặp) nên vẽ vậy đó.  Trẻ con mà đã biết diễn tả tình thương nhớ, trẻ con mà đã có tâm hồn cao đẹp biết thương yêu, đầy tình người!  Thật đáng ca ngợi!  Xin vô cùng trân quý.

Tấm lòng hào hiệp che chở truyền thống của người Mỹ, tấm lòng nhân hậu của các Ông Bà láng giềng làm tôi nhớ lại cuộc sống mới ở đất nước này gần 30 năm qua.  Gia đình chúng tôi như được tái sinh từ ngày định cư ở đất nước này.  Gia đình tôi thường tâm nguyện là sẽ sống xứng đáng để đóng góp và đáp trả ân tình cho Nước Mỹ và Người Mỹ đã cưu mang chúng tôi và vô vàn người tị nạn khác.

Hạnh phúc biết mấy khi mình biết ơn.  Xin cám ơn Người Mỹ, xin tri ân những tấm lòng vàng, xin đa tạ quý vị ân nhân!  Cầu xin Ơn Trên che chở và cứu giúp cho mọi người trên thế giới vượt thoát được đại nạn đang gây ra bởi siêu vi khuẩn Corona.

Ý kiến bạn đọc
26/05/202003:50:48
Khách
Thưa cô, đọc bài viết của cô mà cháu cứ tưởng như hồi còn bé cháu được đọc truyện về xứ sở thần tiên. Đẹp và lãng mạn như tranh!
Văn là người. Vì vậy cháu cũng đoán được đời sống và con người của cô đẹp hiền hoà ra sao.
Cháu xin được chúc cô luôn vui, hạnh phúc, bình an qua mùa... cô Vy và mãi đẹp, lãng mạn như bài viết!
08/05/202021:04:31
Khách
Bài viết hay quá, tôi không đủ khả năng để dẫn chứng cái hay của chị bằng ngôn ngữ phê bình nhà nghề. Chỉ biết là mình đã đọc một lèo những diễn tiến về đời sống của gia đình chị từ VN sang Mỹ từ những ngày đầu cho đến nay. Chị viết mạch lạc dễ đọc lôi cuốn từ đầu chí cuối mà đặc biệt là không có một từ ngữ mới của những "đỉnh cao trí tuệ". Rất khâm phục.
Một trong những đoạn tuyệt vời nhất khi chị tả mùa đông ở Colorado. Đồng ý với chị, tôi cũng ở xứ tuyết hơn sáu tháng mỗi năm, vẫn ngao ngán những ngày lái xe trên đường trơn trot, những khi lười biếng mà phải lê mình ra cào tuyết, có khi tuyệt ngập cao ngất khi xông pha ra trận không khỏi tự hỏi "where do I begin...?" Tuy vậy, cũng như chị với tôi dù là đã hơn 35 năm, mùa đông vẫn mãi mãi có cái đẹp huyền ảo mỗi năm lòng vẫn còn rung động khi đông về.
Thu và xuân cũng vậy, cái cảm giác mới mẻ, sung mãn khi xuân về hay cái ngậm ngùi nhè nhẹ khi lá bắt đầu trở vàng đẹp rực rỡ... (có đến Denver một lần cách đây mấy chục năm vào mùa thu) ...
Chúc mừng gia đình chị an cư lạc nghiệp. Cảm nhận được sự hài lòng của chị trong đời sống ở Fort Collis và lòng biết ơn sâu đậm của chị với những ân sủng chị và gia đình đã nhận được từ những tấm lòng nhân hậu...
Cầu chúc gia đình chị luôn hạnh phúc và bình an như thế.
08/05/202017:41:38
Khách
Ngoài những thắng cánh của Colorado mà tác gia diễn tả, còn có 1 trường không quân nổi tiếng của Mỹ và thế giới là Air Force Academy tại thành phố Colorado Spring nơi có nhiều con em Việt Nam đã và đang theo học để trở thành những phi công, những officer của nước Mỹ.
Cảm ơn tác giả.
Tiến
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,671,010
Mấy năm gần đây, khi hai con đã lớn, chúng rời tổ ấm để đi học xa nhà, vợ chồng Tùng có thời gian rảnh rỗi làm những việc mình thích. Vợ chàng, sau những ngày đi làm ở hãng về, nàng lại lục đục trong bếp nấu ăn, làm bánh. Nàng siêng lắm nên tuần nào cũng làm đủ loại bánh rồi ép chàng ăn. Nhưng giờ tuổi cũng lớn, chàng sợ các loại bệnh nhà giàu như tiểu đường, cao huyết áp, mỡ trong máu, nên kiêng ăn tinh bột và đường
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Trong phòng hồi sinh của một bệnh viện nổi tiếng tại Chicago, bà Anderson vẫn ngồi im lìm bất động. Bà đã ngồi như thế mỗi ngày gần 10 tiếng, trong suốt hơn một tuần lễ. Ở nơi bà, có lẽ sự sống chỉ còn biểu hiện qua đôi mắt luôn dán chặt trên chiếc máy đo tim với những nhịp tim đập thật yếu ớt được đặt sát cạnh chiếc giường của bệnh nhân, và trên giường là một cô bé chỉ khoảng 7 tuổi.Đôi mắt nhắm nghiền trên khuôn mặt xanh xao nhưng rất thanh tú với những lọn tóc vàng óng ả, cô bé đẹp như một thiên thần, đó cũng chính là Lenna, cô con gái yêu dấu bé bỏng duy nhất của bà
Chúng tôi mua con chó Kiba lâu lắm rồi mãi tận bên tiểu bang Iowa của một nhà nông người Amish. Nó thuộc loại chó Nhật Shiba Inu rất đẹp trai với cặp mắt mầu xám, tai vểnh nhọn hoắt và chiếc đuôi quăn tít. Khi chàng cóp nhà tôi, con trai cả, lấy vợ và nó bưng con chó đi. Cho đến khi vợ nó sinh hai đứa con trai trong vòng một năm, tay ẵm tay bồng bận bịu nuôi hai công tử nên một hôm chịu không nổi chàng cóp kêu điện thoại cho chúng tôi chở nó về nhà cũ hương xưa.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018.
Cuộc đời trước mặt. Một cảm giác mừng vui, lo âu, bồi hồi, hoang mang, xúc động không thể nào tả hết cho được. Trên mười chiếc xe bus quân sự loại lớn đưa hết người tị nạn mới đến về tạm trú tại căn cứ quân sự Longue Pointe nằm ngay trên đường Hochelaga,Montreal. Đây là một Immigration processing center hay trung tâm làm thủ tục định cư. Gia đình người gõ thuộc diện “mồ côi” nên được hội nhà thờ bảo trợ. Một tuần sau, thì được đưa ra phi trường Dorval (nay là phi trường Trudeau) để đi định cư tại Montague, một thành phố nhỏ với 2000 dân cư thuộc tỉnh bang PEI (Prince Edward Island), duyên hải phía Đông Canada.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.
Ông Tường là tổng giám đốc đồng thời cũng là người sáng lập ra công ty Tran Soft Corp. Đây là một công ty chuyên về viết chương trình cho các trò chơi điện tử cũng như tạo hình ảnh ba chiều (3D graphic) và xảo thuật điện ảnh cho các phim đời mới sau này của Hollywood. Với sự bùng nổ của các trò chơi điện tử cùng sự phát triển của nền điện ảnh ba chiều công ty của ông đã chuyển mình từ một công ty tư nhân nhỏ 20 năm trước nay đã trở thành một tổng công ty với nhiều chi nhánh khắp nước Mỹ và ở một vài nơi khác trên thế giới.
Lần đầu tiên tham gia Viết Về Nước Mỹ, Tác Giả Lương Tạ cho biết: Ông làm nghề dạy con hơn 20 năm nay. Đối với ông đó mới là nghề chính. Ông chuyên tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh gia đình và hiểu nhiều tâm tư. Nguyện vọng của ông là thế hệ trẻ Việt Nam được lớn lên biết sống hạnh phúc và có bản lãnh. Ông đã có bài viết đăng trên nhiều b́áo chí, BBC Tiếng Việt, Người Việt, Việt Báo, The New Viet, và Sài Gòn Nhỏ. LL qua facebook https://www.facebook.com/lulandanvy/ *Truyện phỏng theo chuyện thật người thật, với tên các nhân vật được thay đổi.
Chị nhận thấy anh đã bị suy hô hấp trầm trọng và gọi liền xe cứu thương. Người ta đưa anh vào BV Maisonneuve – Rosemont ngày 06/05, họ nhận thấy phổi anh chỉ còn 34% không khí bảo hòa, anh liền được đặt ống thở và được đưa vào khu cấp cứu đặc biệt (phải biết rằng muốn được sống còn thì con người cần phải có khoảng 90% không khí bảo hòa trong phổi)… Trong khu cấp cứu, ngoài đặt ống thở, các BS còn làm đủ cách nhưng phổi của anh đã quá sưng để làm nhiệm vụ của nó.