Pha Lê
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền già. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết mới nhất của bà.
***
***
Buổi tối thật im lắng , tháng 4 vẫn còn những cơn gió lành lạnh của cuối mùa xuân. Tôi ngồi lặng lẽ trước màn ảnh tivi vẫn đang trình chiếu những chương trình đặc biệt cho ngày 30 tháng 4. Không gian chung quanh tôi thật êm ả bình an, nhưng lòng tôi thật sự đang cuồn cuộn dậy sóng như những ngọn thủy triều nhấp nhô khi nhìn lại những hình ảnh, và khi đọc thêm các bài viết về kỷ niệm của hàng ngàn người Viêt Nam cho một ngày bi thảm, nghiệt ngã : 30 tháng 4 ,1975.
Suốt hơn 45 năm qua, 30 tháng 4 như một dấu mốc lịch sử mà có lẽ tất cả mọi người Việt Nam đều không thể nào quên. Từ những đổ vỡ, mất mát cho đến những đau thương, khổ ải, tù đầy, và cả sự chết chóc luôn được nhắc đến trong sự chua xót, ngậm ngùi mỗi đô tháng 4 về , để rồi chúng ta nhớ đến tháng 4 như một nỗi oan khiêng, bất hạnh của mọi người Việt lưu vong . Trong tận đáy lòng của mỗi người Việt Nam chúng ta, 30 tháng 4 không chỉ là một nỗi đau, nhưng còn là một sự tiếc nuối đến độ ân hận vì chúng ta đã để mất đi một đất nước với một truyền thống dân tộc hào hùng, với một nền tảng văn hóa giáo dục rất nhân bản . Chúng ta đau khổ vì ngày 30 tháng 4, nhưng cũng cùng một ngày đó ,75 năm trước đây cả thế giới hân hoan vui mừng , toàn dân tộc Đức vỡ òa trong niềm hạnh phúc tột cùng khi nhà độc tài điên loạn Adolf Hitler vừa tự sát, chấm dứt một chế độ Phát xít độc tài, bạo tàn. Như thế tháng 4 với những biến cố lịch sử trọng đại không phải chỉ có người Việt Nam chúng ta tưởng nhớ, mà nhiều nơi trên thế giới cũng đã ghi khắc lại trong những trang sử sách của dân tộc họ.
Nhưng tháng 4 hôm nay bỗng trở thành một trong những tháng mà toàn thế giới hoang mang hỗn loạn khi cơn Đại Dịch kinh hoàng Coronavirus pandemic, bùng phát từ thành thố Vũ Hán bên Trung Quốc, đã lây nhiễm với mức độ khủng khiếp từ Âu sang Á, từ Đông sang Tây, bất kể quốc gia nào, lãnh thổ nào. Sự lây lan từ nước Ý với con số tử vong tăng vọt từng ngày theo cấp số nhân , sang đến Pháp, qua Tây Ban Nha , và nhiều quốc gia trong vùng Bắc Âu đã phải đối mặt với sự lây lan không biên giới của con virus Covid-19 này.
Rồi nước Mỹ hùng vĩ cũng không thể nào tránh thoát được" Cô Vy "19 cái xuân xanh này. Trên tấm bản đồ đang trải rộng trước mắt tôi đều nhuốm một màu, hoặc không đỏ ửng thì cũng vàng cam đến chóng cả mặt. Những gam màu sắc nói lên mức độ lây nhiễm trầm trọng của mỗi tiểu bang với những dãy số dài dằng dặt bên dưới báo cáo về mức độ lây lan kinh hoàng của con Virus Corona . Này là New York với một thống kê đến lạnh gáy vì số người nhiễm bệnh và số tử vong vẫn đang tăng lên từng ngày. Còn đây California cũng toàn là những tin tức thật tang thương bi thảm, và nhiều , nhiều lắm ,mỗi một nơi, một vùng là một hoàn cảnh thê lương, là một thảm trạng đau thương mà suốt hàng bao thế kỷ chưa từng xảy ra.
Đêm hình như đã khuya lắc, nhưng trên màn ảnh tivi bản tin thời sự cuối tuần vẫn đang tiếp tục. Mắt tôi cay xé khi một đoạn phim ngắn chiếu về một chiếc tàu vượt biển mỏng manh bị sóng đánh vỡ , sắp chìm, và đám Thuyền Nhân nhỏ nhoi, tội nghiệp đáng thương đó đang vùng vẫy , loi ngoi cố chiến đấu giành lai mạng sống cho chính mình trong nỗi tuyệt vọng khi cố ngụp lặn cố bơi , cố lết vào bờ . Tim tôi như vừa nhảy sai một nhịp và như muốn ngừng đập khi trước mắt tôi là hình ảnh những dẫy quan tài xếp thành hàng dài bên đất nước Ý, hay những thân xác chỉ được quấn vội trong những tấm vải bạt nằm chồng chất lên nhau vì mức độ tử vong tăng lên từng ngày, từng giờ ,và tất cả chỉ chờ để được mang vào những lò hỏa thiêu .
Cái chết đến với con người chúng ta thật bất ngờ và đôi khi rất thê thảm, nhưng tôi chợt nghiệm ra một sự tương quan thật kỳ lạ giữa sự tử vong của các thuyền nhân ngày xưa, và của những nạn nhân Covid-19 hôm nay. Khi những bệnh nhân xác định có mầm mống Coronavirus trong cơ thể, chẳng cần phân biệt chủng tộc nào, quan điểm chính trị ra sao, giầu sang hay nghèo khó, ngay tức khắc họ sẽ bị cách ly với xã hội bên ngoài, và ngay cả với chính những người thân trong gia đình. Rồi trong suốt thời gian điều tri, họ vẫn hoàn toàn không có một cơ hội , dù chỉ vài phút ngắn ngủi, gặp lai những người thân thương yêu . Nếu họ bạc phước và kém may mắn , họ sẽ ra đi trong lẻ loi, cô độc, không một vòng tay ôm đưa tiễn của thân nhân, không một cái xiết tay vĩnh biệt của bạn bè., đôi khi không có lấy một lời cầu kinh cho những người xấu số đó.
Tôi lại liên tưởng đến những thuyền nhân Việt Nam khốn khổ phải rời bỏ đất nước ra đi tìm tự do , họ phải hồi hộp trốn chui trốn nhủi trong các lùm cây, bụi rậm, trong các túp lều tranh rách nát ven sông mà thời gian không thể xác định là bao lâu, một ngày , một tuần, hay đôi khi cả một tháng, trong sự hãi hùng, lo sợ vì không biết sẽ đi về đâu. Họ không thể, hay đúng ra là không dám liên lac với gia đình vẫn đang từng giây từng phút nôn nóng trông chờ tin tức người thân của mình trong chuyến hải hành lành ít , dữ nhiều này. Như thế , thật sự những thuyến nhân này cũng đang bị " cách ly" với thế giới bên ngoài , với gia đình, và cả với bạn bè đấy chứ. Rồi khi chiếc thuyền mỏng manh lênh đênh trên biển cả mênh mông , những thuyền nhân này có thể sẽ phải bỏ mình trước những cơn sóng gió phong ba vùi dập. Cái chết của họ cũng rất âm thầm, tức tưởi không một bóng dáng người thân yêu, không cả bạn bè đưa tiễn, cũng không một chút nhang khói, hoặc một lời cầu siêu cho họ.
Tháng 4 với tôi vẫn đầy ăm ắp những kỷ niệm, tưởng rằng đã quên, nhưng khi bất chợt nghe lại một đoạn nhạc cũ, nhìn được những tấm hình xưa , hay bước qua một khu phố cổ, thì tất cả những tiếc nuối, nhớ nhung, vẫn dấu kín tận đáy lòng tôi, sẽ tuôn chảy như một dòng thác lũ , để dìu dắt tôi trở ngược lai vùng trời ký ức năm xưa....
Sàigòn tháng 4 năm ấy là khoảng thời gian vừa chớm vào thu, ngoài những con đường ngâp đầy lá vàng , Sàigòn bắt đầu có những cơn mưa rơi rớt vào mỗi buổi chiều, lại thêm cái không khí thoang thoáng oi bức khiến SG như uể oải chậm dần lại . Tin tức chiến sự mỗi ngày một nóng bỏng dồn dập hơn, và số người dân chạy loạn từ khắp nơi đổ về làm thay đổi bộ mặt đường phố SG. Mọi sinh hoạt gần như đình trệ . Ban đêm nhiều lúc ngồi học bài , tôi nghe văng vẳng xa xa có những tiếng " Đại Bác Đêm Đêm vọng về thành phố ", Chiến tranh hình như đã rất gần kề . Chúng tôi chỉ là những học sinh non nớt cho nên khi 30 tháng 4 ập đến, khi mà đại nạn tai ương đổ xuống đất nước kéo theo biết bao nhiêu khổ luy , đau thương , nhọc nhằn thi chúng tôi cũng nghiệt ngã lao đao theo . Ngày ngày chúng tôi đến trường không còn vô tư " ...Làm học trò không sách vở cầm tay ..", mà thay vào đó là nỗi lo lắng , cùng sự sợ hãi vì những đổi thay từ trường lớp cho tới bạn bè , nhưng dù sao trường học cũng vẫn là nơi mà chúng tôi còn tìm được chút hạnh phúc , niềm vui qua những thương yêu lo lắng của bạn bè , của thầy cô , để chúng tôi có thể chia xẻ cho nhau những lo âu khốn khó của cuộc sống nhọc nhằn bi thương này.
Chúng tôi vẫn cười đùa nghịch phá , nhưng vẫn mang mang một cảm giác " .. Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai". Rồi chúng tôi cũng ra trường , cuộc sống với những lo toan cơm áo , từng ngày đã nghiến nát , dập tắt những ước mơ tươi đẹp của những người trẻ chúng tôi .
Hai năm sau tôi bỏ nước ra đi trong một chuyến vượt biển hải trình đầy gian nan, nguy khốn. Chúng tôi được đưa đến đảo tỵ nan Paulau Bidong chờ ngày đi định cư tại một đất nước khác.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi là ngày 30 tháng Tư trên đảo Bidong . Không cần sân khấu , cũng chẳng có màn che , chúng tôi chỉ có vài ba ngọn đèn chiếu sáng trên bãi biển , và khán giả cũng chỉ là những thuyền nhân ngối xổm hoặc nằm dài trên cát , nhưng chúng tôi đã làm hàng ngàn người rơi lệ , òa khóc với những hoạt cảnh " Đêm Chôn Dầu Vượt Biên " , " Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng " , hay chúng tôi cũng tạo nên những tràng cười bất tận với những vở hài kịch vui nhộn " Cái Nồi Ngồi Trên Cái Cốc . ", nhưng có lẽ cảm động nhất vẫn là bài nói chuyện của vị bác sĩ trưởng trại . Ông đã kể lại những tang thương mất mát , những đớn đau bi lụy từ ngày 30 tháng Tư , và ông khẳng định Tháng Tư sẽ là dấu mốc lịch sử mà không người Việt Nam nào có thể quên được .
Mỗi năm khi tháng 4 về, người Việt Nam chúng ta vẫn thường có những buổi lễ tưởng niệm cho ngày Quốc Hận 30 tháng 4. Nhưng năm nay , như một điều ngẫu nhiên thật kỳ diệu, nếu như ngày 30 tháng 4 năm 1975 được tưởng nhớ như một ngày đau thương , một ngày đánh dấu cho sự sụp đổ, mất mát tan hoang cho dận tộc Việt Nam, thì ngày 30 tháng 4 năm 2020 đã được chọn là một ngày để phục hưng lại NIỀM TIN trên đất nước này, trong một cuộc chiến đầy cam go, thử thách có lúc tưởng gần như tuyệt vọng, để chống lại Cơn Đại Dịch Toàn Cầu Coronavirus . Tháng 4 ngày 30 này nhiều tiểu bang có thể sẽ gỡ bỏ sắc lệnh Lockdown và Shelter in Place ( Đóng cửa mọi chỗ, Ở Yên Một Nơi ), hy vọng mọi sinh hoạt thường nhật sẽ từ từ từng bước ổn định lại.
Trong cơn Quốc nạn vì Đại Dich Coronavirus , tôi càng cảm nhận nước Mỹ trong tôi vẫn luôn VĨ ĐẠI vì có những con người rất vĩ đại. Họ là những vị Bác sĩ , y tá , nhân viên y tế đang cật lực làm việc ngày đêm trong tuyến đầu chống Dịch, cho dù có thể phải hy sinh chính mạng sống của mình để cứu chữa những bệnh nhân đang thoi thóp trên giường. Họ cũng là những người rất bình thường, ngồi may hàng ngàn chiếc khẩu trang để gởi đến những nơi đang thiếu thốn như bệnh viện , nhà dưỡng lão, các tu viện . Họ có thể là những sinh viện, học sinh dùng kiến thức của mình để chế ra những sản phẩm cần kíp cho sự cứu trợ như bào chế hàng ngàn galons thuốc rửa tay sanitinez từ những nguyên liệu có sẵn trong phòng lab của trường , hay dùng thời gian của mình giứp đỡ , và phân phát những bữa ăn cho những người vô gia cư.
Nhưng một điều vĩ đại hơn nữa có thể thấy được đó chính là sự chiu đựng thật phi thường của những người dân trong việc tuân thủ mọi biện pháp , mọi sắc lệnh do chính phủ đưa ra nhằm ngăn chặn việc lậy nhiễm của Covid-19 trong cộng đồng. Những sắc lệnh chưa từng bao giờ được ban ra trong lịch sử Hoa Kỳ như lệnh cách ly ( quanrantine ) , lệnh đóng cửa mọi nơi ( lockdown), lệnh Ở yên tại chỗ ( Shelter in place ), nhất là lại còn được thi hành tại những thành phố Không-bao-giờ-ngủ như New York , Las Vegas , Chicago, đều được mọi người dân kiên nhẫn chấp hành nghiêm chỉnh.
Trong tinh thần lạc quan, mỗi người chúng ta luôn tin rằng cuộc sống thường nhật, cũng như mọi sinh hoạt hằng ngày rồi sẽ dần dần từng bước trở lại nhịp sống như xưa.
Sự đoàn kết và lòng quyết tâm của trên 300 triệu dân, cùng với sự nỗ lực làm việc không ngơi nghỉ của các vị lãnh đạo, chắc chắn nền kinh tế hiện đang kiệt quệ sẽ được nhanh chóng phục hồi . Nước Mỹ sau ngày 30 tháng 4 này sẽ thực sự trỗi dậy và PHỤC SINH để tái dựng lại một đất nước hùng mạnh hơn , vĩ đại hơn
Nhìn vào những lời quyết đoán của những vị chức sắc có thẩm quyền trong những tuần lễ sắp tới ,Tôi rất lạc quan tin tưởng một ngày mai tươi sáng không còn bao xa . HY VỌNG là nguồn mạch cho cuộc sống của chúng ta , như Đức Dalai La Ma đã nhắn nhủ rằng :
"... THẢM HỌA NÊN ĐƯỢC XỬ DỤNG NHƯ MỘT NGUỒN SỨC MẠNH, bất luận dù khó khăn có thế nào, kinh nghiệm đau khổ có ra sao, nếu chúng ta đánh mất niềm HY VỌNG , đó mới là thảm họa thật sự..
"...Tragedy should be utilized as a source of the strength . No matter what sort of difficulties, how painful experience is, if we lose our hope, that's our disaster.
Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền,
Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn trong nước mắt
Hy vọng đã vươn dậy trong lóng anh , trong lòng tôi , trong lòng ai
Hy vọng đã ươm dậy TRONG NGÀY QUA, SANG NGÀY MAI, QUA NGÀY SAU
Tháng 4, 2020
Xin cảm ơn MN đã ghé mắt đọc bài và cho PL lời còm thật chân thành .
Thật ra lúc PL dziết bài này thì hình như chỉ có một hai cuộc biểu tình tại Florida và một tiểu bang nữa mà PL không nhớ ( nhờ cụ Gu Gồ tìm nhưng cũng không thấy!)
Cho nên PL cũng quên không sửa lại phần mà MN đã nhắc nhở .
Người dân Mỹ có vẻ rất thượng tôn luật pháp nhưng hình như cũng ... cứng đầu không kém!
Họ quen được hưởng sự tự do cho nên sức chịu đựng của họ không bền bỉ , PL xin lỗi đã viết .. chấp hành nghiêm chỉnh !
Xin cảm ơn MN một lần nữa , cầu chúc MN luôn vạn an ...🙏