Hôm nay,  

Về Với Quê Cha

14/04/202000:00:00(Xem: 9065)
vvnm
Tác giả Kim Loan trong một lần làm MC gây quỹ tại Edmonton, Canada.



Tác giả tên thật: Nguyễn Thị Kim Loan. 
Bút hiệu: Kim Loan, Hồng Đào. Sinh năm 1966 tại Việt Nam. Là cô giáo tiểu học trước khi vượt biển đến Thailand năm 1989. Hiện sinh sống tại Edmonton, Canada.

***

Tôi sống với ngoại tôi từ lúc mới lọt lòng, không biết hồi nhỏ má có về thăm tôi thường xuyên không? Nhưng từ khi tôi năm, sáu tuổi, tôi biết thắc mắc về cha mẹ tôi, thì tôi có thỉnh thoảng gặp má, thường là mỗi năm một hai lần, má chỉ nói chuyện với tôi qua loa vài câu, cho miếng kẹo tấm bánh rồi đi. Má ít khi bày tỏ tình thương yêu với tôi, nếu có thì cũng vội vàng thoáng qua, và tôi cũng không thấy lưu luyến hay thương má. Tất cả tình thương của tôi chỉ dành cho ngoại, chỉ biết có ngoại.
Hai bà cháu sống trong ngôi nhà nhỏ bé và cũ kỹ. Sau nhà là một dòng sông không biết chảy về đâu. Cạnh bờ sông có một cây phượng vỹ to lớn, mỗi mùa hè hoa phượng đỏ nở rực rỡ trời xanh và rực rỡ cả một khúc sông, khi những hoa phượng rụng xuống trôi lênh đênh, dập dềnh theo sóng nước.
Tôi lớn lên bên cạnh ngoại. Ngoại là bà mẹ chăm sóc bú mớm tã lót cho tôi lúc nhỏ, và manh quần tấm áo, miếng cơm khi tôi lớn dần, những gánh rau ngoại bán ở chợ đủ cho hai bà cháu cơm cháo qua ngày. Tôi cũng được cắp sách đến trường như con người ta, ngoại thường bảo:
“Ráng học đi con, mai mốt lớn có chữ cho đời bớt khổ”

Tôi học cũng được lắm, nhưng đi học toàn bị lũ trẻ cùng lớp hà hiếp, trêu chọc tôi chỉ vì tôi là đứa con lai với làn da đen đủi và mái tóc quăn tít. Mỗi lần về mét ngoại tôi khóc, ngoại ôm tôi dỗ dành rồi ngoại cũng khóc, tôi đòi nghỉ học hoài nhưng ngoại không cho.
Năm tôi lên mười, ngoại ngã bệnh không thể gánh rau ra chợ bán được nữa, tôi phải nghỉ học để kiếm tiền thay cho ngoại. Tôi đã lam lũ ở cái tuổi mà bao nhiêu đứa trẻ khác đang được ăn học, nuôi dưỡng trong vòng tay yêu thương che chở của cha mẹ. Tôi làm đủ thứ việc mà chòm xóm cần, từ bế em, gánh nước tưới rau và bao nhiêu công việc không tên khác, người ta trả công cho tôi bằng tiền, bằng gạo, có khi bằng những bộ quần áo cũ. Chòm xóm ai cũng hiểu hoàn cảnh của hai bà cháu nên người ta mướn tôi làm vì lòng thương hại, để giúp hai bà cháu có miếng cơm ăn. Những cái chép miệng, những lời nói chân thành cảm thông lọt vào tai tôi thường là:
“ Tội nghiệp con nhỏ, xấu người, xấu số! May mà có bà ngoại nuôi”, hoặc là:
“ Mày phải thương ngoại mày nghe hôn, hồi mới sanh mày, má mày muốn đem cho viện mồ côi, nhưng ngoại mày cản dữ lắm và đem mày về nuôi. Chưa hết đâu, hồi 30 tháng 4 năm 1975, thời điểm hỗn độn Sài Gòn đang sụp đổ, mày mới vài tháng tuổi, má mày cũng nằng nặc đòi cho mày đi di tản theo chương trình gì đó của người Mỹ, mang con nít diện con lai, diện mồ côi qua Mỹ, một lần nữa ngoại cương quyết giữ mày lại, ngoại sợ qua bển không ai lo cho mày còn quá bé bỏng, ở lại dù nghèo mạt nhưng còn có tình máu mủ bà cháu …”
Tôi nghe được những chuyện đó tôi càng thương ngoại hơn.

Một hôm, ngoại bị bịnh hoài không hết, người ngoại nóng sốt và rên hừ hử suốt ngày. Tôi sợ quá, lúc đó tôi liền nghĩ đến má, cầu cứu má coi có giúp được gì không. Tôi để ‎ý mỗi lần má nói chuyện với ngoại nên tôi biết má đang sống ở thị xã, cách làng quê tôi mấy chục cây số. Thế là tôi đi xe đò lên thị xã và kiếm được nhà má dễ dàng. Khi gặp tôi, má không tỏ vẻ ngạc nhiên hay vui mừng gì, mà còn tức giận mắng tôi một tràng xối xả:
“ Mày lên đây làm gì? Ngoại bịnh ra sao từ từ tao cũng về dưới mà! Thôi, mày về lẹ đi kẻo ổng về tới cằn nhằn chửi bới nhức cái đầu lắm! Khổ lắm con ơi!!!”
“Ổng” ở đây là chồng của má tôi. Lúc đó có một con nhỏ, kém tôi chừng vài tuổi đang đứng cạnh má, nó nhìn tôi bằng đôi mắt hiền lành và thương hại. Nó níu tay má năn nỉ:
“ Thôi má, đừng la nó, coi chừng nó khóc kìa!”
Và tôi khóc thật, lủi thủi quay ra mà má không buồn gọi lại. Được cái an ủi là hôm sau má có về thăm ngoại. Ở tuổi mười hai, tôi chỉ biết tự trách mình và suy luận rằng nhà má cũng nghèo rớt mồng tơi, đâu hơn gì nhà ngoại, ai biểu mình lên quấy rầy má, làm má thêm lo nên má mới nổi quạu. Từ đó tôi không bao giờ lên nhà má nữa.
Càng lớn tôi càng làm được nhiều việc hơn, mười lăm tuổi tôi đã biết gánh rau ra chợ bán như ngoại ngày xưa, cuộc sống vẫn đạm bạc và êm ấm, ngoại thương tôi bao nhiêu tôi thương ngoại bấy nhiêu. Hôm nào bán đắt hàng tôi liều mình mua miếng thịt, con cá nấu một bữa ăn ngon, ngoại rầy yêu tôi:
“ Con đừng xài…sang nữa nha, để dành tiền mà lo cho sau này rủi có chuyện gì xảy ra còn dễ bề xoay sở!”
Mười lăm tuổi tôi đầu tắt mặt tối, cơm gạo kiếm từng ngày, tôi chưa kịp trở mình thành thiếu nữ để mơ mộng với cây phượng vỹ cổ thụ sau nhà mỗi mùa hè những chùm hoa đỏ soi bóng trên dòng sông…thì một hôm má tôi về. Lần đó, trông má vui hơn tất cả mọi lần, rồi với nét mặt nghiêm trang, má nói chuyện với ngoại và tôi, là má giao tôi cho một gia đình xin tôi làm con nuôi để họ làm giấy tờ xuất cảnh qua Mỹ, đổi lại má được mười cây vàng. Mới nghe, ngoại phản đối dữ dội lắm, bao nhiêu năm qua nghèo khổ vẫn sống được thì cần gì mấy cây vàng hay đi Tây đi Mỹ. Còn tôi chỉ biết ôm ngoại, rồi nhìn má và khóc:
“ Con xin má để con ở nhà với ngoại, con không muốn đi đâu hết á”
Má hết ngọt lại gắt, hết cứng lại mềm, rồi má năn nỉ khóc lóc:
“ Con ơi, vì chồng má cờ bạc nợ nần ngập đầu ngập cổ, cần tiền trả nợ. Má hứa sẽ bỏ ra một cây vàng để sửa lại nhà cho ngoại, má hứa sẽ nuôi ngoại. Bao nhiêu năm nay má đã không nuôi được con, không lo cho con được một mái gia đình tử tế, thì bây giờ là dịp để con đổi đời, để thoát khỏi sự khinh chê dè bỉu của xã hội này với đứa con lai! Má còn nghe nói, con qua đó dễ làm ăn hơn bên đây, kiếm tiền về nuôi ngoại, báo hiếu cho ngoại. Con thương ngoại và thương má nghen con …”
Cuối cùng ngoại cũng đành nhắm mắt gật đầu chấp nhận và nhắn nhủ tôi:
“ Con qua tới Mỹ thì cứ lo cho thân con trước đi, hễ con sướng là ngoại vui rồi, đừng lo cho ngoại!”


Tôi lo lắm, một thân một mình nơi xứ người với một gia đình hoàn toàn xa lạ, rồi tôi sẽ sống ra sao? Mà thôi, dù muốn dù không tôi cũng không thể thay đổi được đời mình, chỉ cầu xin đúng như lời má nói, tôi sẽ kiếm được tiền gửi về nuôi ngoại. Hôm giã từ ngoại để theo mẹ nuôi lên Sài Gòn tôi khóc như mưa.
Tôi trở thành cục cưng của gia đình mẹ nuôi. Họ may sắm quần áo, nữ trang cho tôi, chìu chuộng tôi đủ thứ, không dám nói một câu hớ hênh làm mất lòng tôi, và hứa hẹn tôi đủ điều. Nói tóm lại là nếu tôi ngoan ngoãn trong tay họ, được tới Mỹ họ cũng giúp lại tôi học chữ, học nghề hay kiếm việc làm …nên tôi cũng yên lòng.

Sang tới Mỹ, thời gian đầu tôi bận rộn đủ thứ, chỉ nội việc đi học ESL cũng làm tôi bù đầu. Chữ gì mà khó học, khó nhớ, học được chữ này thì rớt mất chữ kia, trong khi các con của mẹ nuôi tôi thì tiến bộ trông thấy, dù gì ở Việt Nam họ cũng có ăn có học, làm sao tôi so sánh với họ được!
Tôi ở với mẹ nuôi tới năm mười tám tuổi thì chia tay, coi như hai bên sòng phẳng đường ai nấy đi. Tôi cũng may mắn vì gia đình má nuôi giúp đỡ, hướng dẫn tôi rất nhiều, chứ không như một số gia đình “nuôi” con lai khác, qua tới Mỹ là họ trở mặt, thậm chí còn coi rẻ đồ con lai thấp kém, vô học.

Từ lúc ở Phi Luật Tân cho tới khi qua Mỹ, thỉnh thoảng tôi có gửi thư cho ngoại, rồi ngoại nhờ người viết hồi âm cho tôi, thơ nào tôi cũng hứa sẽ cố gắng làm ra tiền gửi về nuôi ngoại.
Công việc đầu tiên của tôi là phụ bếp cho một nhà hàng, cực lắm, làm không nghỉ tay, nhưng so với thời ở Việt Nam thì còn sướng chán, chủ cho ăn cơm trưa và chiều ở tiệm, đồ ăn ngon ê hề phát ngán, tôi lại ước ao giá mà có ngoại ở đây.
Cả tháng lương đầu tiên tôi dành gửi về Việt Nam. Tiền gửi đi rồi, cõi lòng tôi sung sướng thênh thang, tôi hồi hộp chờ mong thư ngoại coi ngoại vui mừng cỡ nào! Và tôi nhận được hồi âm do cô em gái cùng mẹ với tôi:
“ Chị ơi, ngoại mới mất cách đây một tháng, em chưa kịp báo tin cho chị thì nhận được tiền chị gửi về. Sẵn đây em xin phép chị để nhận số tiền đó. Ngoại chết vì bệnh tuổi già thôi, đi nhẹ nhàng chớ không liệt giường liệt chiếu gì, có điều mấy hôm trước khi chết ngoại linh cảm sao đó, cứ nhắc đến chị hoài …”
Sau phần nói về ngoại, phần cuối thư cô em nói về gia đình mình:
“ Chị ơi, lúc này má khổ lắm, ba em cờ bạc, mười cây vàng đánh đổi chị đi Mỹ hết vèo đã đành, mà căn nhà đang ở thị xã cũng bay luôn, nên gia đình em phải dọn về quê ở chung với ngoại, căn nhà vẫn chật hẹp và ọp ẹp như xưa chứ má đâu có tiền mà sửa sang. Nếu chị thương má, thương tụi em thì xin chị gửi về chút tiền sửa nhà nghen chị? Má nhờ em nói với chị, chắc má ngại sao đó nên chưa sẵn sàng viết thư cho chị!”
Đọc thư xong tôi khóc vì ngoại đã mất, còn lòng tôi vẫn không thể thương má. Càng lớn tôi càng hiểu là má đã bỏ bê tôi, dù bao lần ngoại đã rủ rỉ với tôi rằng:
“ Má con cũng thương con, nhưng thân má lo không xuể làm sao lo cho con được! Rồi vì hạnh phúc riêng tư của má, đàn bà ai cũng muốn có một hạnh phúc gia đình, chồng của má con không muốn má nuôi con, nên má mới phải xa con, con đừng giận má con, tội lắm!”
Bây giờ tôi hiểu ngoại nói thế để tôi bớt tủi thân và để nhẹ tội cho má.

Ngoại mất đi, coi như tôi không còn gì ở Việt Nam để liên hệ nữa, tôi muốn xé bỏ lá thư của cô em gái và vĩnh viễn quên họ, nhưng nghĩ thế mà không dám làm thế!
Tôi nghĩ đến má và ba đứa em cùng giống tôi một nửa giòng máu, đang sống nghèo khổ trong căn nhà lá dột nát.
Tôi không quên đứa em gái lớn mà năm xưa tôi đã gặp nó khi tôi tìm đến nhà má bị má la, nó đã nhìn tôi bằng đôi mắt dịu dàng thương mến. Cái nhìn ấy như một ân huệ tử tế mà tôi còn nhớ mãi.
Tôi cũng không quên những lời ngoại dạy, sống phải biết bao dung, thương người, huống gì họ là má tôi, là các em tôi. Vả lại, các em tôi nào có lỗi gì!
Thêm điều cuối cùng trăn trở tôi nhiều nhất là, không lẽ đời tôi không có một chốn quê nhà để mà đi về, để mà thương nhớ?! Nơi đây xứ Mỹ là quê cha, nhưng thực tế như bao đứa trẻ lai khác, tôi thực sự là một đứa con hoang không biết cha mình là ai. Còn quê mẹ, nơi có ngôi nhà phía sân sau cây phượng vỹ mỗi mùa hè vẫn đỏ hoa và dòng sông suốt đời vẫn chảy. Tôi đã lớn lên ở đó, những kỷ niệm sẽ không bao giờ quên được.

Thế là tôi viết thư cho cô em, nối lại sợi dây ruột thịt tưởng như không có ở trên đời. Em gái tôi đã lớn, nó đang ở tuổi đôi mươi, em thay tôi đứng bên bờ sông sau nhà mà mơ mộng. Em tả cho tôi mùa hoa phượng đẹp thế nào và em buồn thế nào khi những cánh hoa chín đỏ bị gió lay rụng trôi dạt trên sông.
Chị em tôi không cách biệt tuổi tác là bao, nên như hai người bạn chia sẻ được nhiều điều. Từ cô em, tôi càng ngày càng khắng khít với gia đình má, nhất là từ khi chồng má qua đời vì trúng gió sau một chầu nhậu say mèm. Đôi khi má cũng viết thư cho tôi, có nhắc về những tháng ngày bỏ tôi ở với ngoại, má thấy xấu hổ và xin tôi hãy tha thứ cho má. Dầu sao, cái tình cảm mẹ con quá muộn màng nhưng có còn hơn không. Tôi chắt bóp gửi tiền về để má xây lại căn nhà.
Nhà xây xong, tôi về Việt Nam để hốt cốt ngoại đem vô chùa và để nhìn thành quả đóng góp của mình, ngôi nhà ngoại đã đẹp hơn, rộng hơn.
“ Ngoại ơi, dù ngoại không được hưởng gì, nhưng chắc ngoại cũng hài lòng vì các con cháu của ngoại đã quây quần, gắn bó.”
Trong lúc má quỳ bên bàn thờ ngoại khóc nức nở, tôi bước ra ngoài, cảm động và sung sướng khi nhìn lại cây phượng vỹ và dòng sông sau nhà. Dù đã bao đổi thay nhưng khung cảnh vẫn quá đỗi dịu dàng, rưng rưng sưởi ấm cõi lòng tôi ngày trở về.

Hiện nay, tôi làm supervisor ở cửa hàng Walmart. Chồng tôi cũng là con lai, anh làm thợ sửa xe và khi tay nghề giỏi anh đã sang tiệm làm chủ. Hai vợ chồng siêng năng làm việc, có hai đứa con đang học đại học. Cuộc sống bây giờ đã khấm khá hơn, và tôi dễ dàng gửi tiền về giúp má an vui tuổi già cũng như giúp đỡ các em, các cháu khi cần thiết.
Về với quê cha, nước Mỹ vĩ đại, tôi đã được đổi đời, có những thành quả ngoài sự ước mong của tôi. Nhưng tôi không thể quên quê mẹ. Sau những đau buồn hờn tủi, tôi đã tìm lại tình thương ruột thịt từ má và những người em cùng mẹ khác cha.
Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi có đầy đủ những tình thân xung quanh ở cả hai quê.

Edmonton 13.4.2020
KIM LOAN

Ý kiến bạn đọc
10/06/202002:46:31
Khách
Chuyện hay, cảm động, đầy tính nhân văn.
Lời văn giản dị, nhưng cần trau chuốt về cách chấm câu hơn, diễn đạt ý tưởng cũng cần mượt mà hơn một chút.
21/04/202010:38:09
Khách
Lời văn giản dị,mộc mạc.Nội dung đọc rất hay và cảm động mong tác giả có nhiều bài viết về nhiều đề tài khác về đất nước Việt Nam và Canada.
15/04/202005:10:33
Khách
Mới đọc thoáng qua thì tưởng lầm rằng tác giả viết thuật lại đời mình. Nhưng đọc kỹ lại thì hóa ra không phải, tác giả viết vể một người con lai nào đó.

Một bài viết hay, mang lại nhiều xúc cảm nơi người đọc. Nữa là , dầu phải sống dưới chế độ cộng sản 14 năm trường dài đằng đẵng, tuy nhiên, trong bài viết không hề có ngôn từ nào của chúng được xử dụng. Một điểm son rất đáng được nêu lên .
14/04/202021:47:16
Khách
NHO co song biet bao dung , thuong nguoi , tha thu cho ma nen troi phu ho cho gia dinh co thanh cong. Co rat xung dang duoc kinh phuc.
14/04/202021:33:20
Khách
Đọc bài viết này mà rớt nước mắt. Mong đọc được bài kế tiếp của Kim Loan.
14/04/202013:15:35
Khách
Bài viết thật cảm động. Mỗi câu văn vẽ nên một đức tính hiền lành, mến thương. Mỗi đoạn văn biểu hiện một tấm lòng bao dung, từ ái.
Canada xứ lạnh, tình nồng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,670,808
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville, California, đã từng tham gia VVNM năm 2018.
Sau lưng chiếc quan tài, một vách tường đá rêu phong, ánh sáng trắng như ánh sáng thiên nhiên từ trên trần cao dịu dàng tỏa xuống. Tiếng nước chảy róc rách quanh những tảng đá rồi nhẹ nhàng rơi xuống mặt hồ. Xung quanh chỗ Tuyết Minh nằm đầy hoa. Căn phòng đầy hoa. Những vòng hoa huệ tây màu tím chen lẫn những bông hồng, cúc… trắng, tím nhẹ, phớt hồng. Tuyết Minh yêu màu tím. Em nằm gọn gàng trong chiếc áo dài màu hoa cà, mái tóc buông xõa, đôi mắt khép lại bình yên. Dáng em nằm thanh thản, êm đềm như nàng công chúa ngủ trong rừng của những truyện cổ tích thần tiên.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông.
Thằng con lớn tuy là nó nhỏ người nhưng tự ái của nó rất to, có thể nó bị mặc cảm vì hai chân của nó không đều nhau nên nó làm nhiều cái khác với người ta. Khi mới qua Mỹ được một năm, bác Hai là chị ruột của má tôi từ Úc qua Cali dự đám cưới, có ghé Seattle để thăm hai chị em tôi. Khi bác ghé chơi, có mang cho ba anh em nó một món đồ chơi bằng pin là con Pakichu, nó rất thích món quà này nên cầm chơi hoài, hai đứa em không được chơi nên tới méc để tôi phân xử.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Huntsville, AL. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Bao Giờ Trời Sáng” một du ký nhiều ý nghĩa khi thăm viếng Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington,. Đây là bài mới nhất của Ông.
Hôm ấy, ngày giữa tuần mà đường phố vắng tanh, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe lướt vội trên đường nhựa đen loáng nắng. Tôi rẽ vào khu chung cư im lìm, đeo chiếc mạng che tới ngang mũi, xỏ vào đôi bao tay, quất thêm cặp mắt kính, rồi mới bước xuống xe, dáo dác nhìn quanh. Từ trên ban công của căn nhà trước mặt, một người vóc dáng nhỏ nhắn, cũng che mặt kín mít, vừa vẫy vừa gọi tôi. Cô thòng xuống một sợi dây thừng ở đầu buộc một cái xô, trong xô có một gói lớn. Tôi bước đến, nhấc cái gói ra. Trọng lượng nặng chịch của nó làm tôi bất ngờ. Thì ra hai trăm cái mặt nạ may ba lớp là một khối to và nặng như vậy đó! Tôi ngước lên nhìn người đàn bà đang nắm đầu kia của sợi dây và chợt nảy ra ý xin lên chụp một tấm hình nơi Cô tạo ra những tấm mạng che mặt đang được phân phát đi khắp nơi trên nước Mỹ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Ngày đầu tiên (15 tháng Sáu, 2020) buổi sáng thức dậy đi làm tôi bắt đầu cảm thấy uể oải nhưng chỉ đơn giản nghĩ là do đêm trước bị mất ngủ. Chiều tối về nhà bắt đầu thấy mệt hơn nhưng tôi không ho và không sốt nên cũng đỡ lo. Dù sao để chắc ăn sáng hôm sau tôi gọi vào hãng để báo nghỉ. Suốt ngày thứ hai tình trạng cũng không khá lên nhưng cũng không xấu đi.Đến chiều cảm thấy có đỡ một chút nhưng để chắc ăn tôi đã text cho xếp báo xin nghỉ thêm một ngày nữa.