Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.
****
Mùa Xuân lại về, cảnh sắc có phần quang đãng, vạn vật như tươi sáng lên màu cỏ cây, hoa lá... buổi sáng trời xanh dịu dàng với những đám mây trắng bay lơ lững thanh nhã, bù đắp tháng ngày dài mưa lạnh của mùa đông ảm đạm.
Không khí Bắc Cali trở nên rộn ràng từ Radio, từ các đài truyền hình quảng cáo về chương trình đại nhạc hội chủ đề “Xuân nhớ người thương binh VNCH” được tổ chức tại Center For The Performing Arts thuộc thành phố San Jose (Bắc Cali).
Tôi sinh hoạt ở hội Huế San Jose, được quen quý chị huynh trưởng gia đình Phật Tử trong ban điều hành, các chị thật năng nổ những công tác từ thiện, năm nào có vận động cho Thương phế binh chị thường nhờ tôi bán vé, và tôi rất thích làm công việc này.
Năm nay cũng vậy, cầm xấp vé với tấm poster trên tay, hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hoà thương tật ngồi xe lăn gây trong tôi sự xúc động khôn tả. Từ ngày vượt biên rồi định cư trên đất Mỹ, tôi vẫn luôn mang theo hành trang kỷ niệm đậm sâu về người anh láng giềng nay đã trở thành Thương phế binh
Anh tên là Trọng hơn tôi độ khoảng 10 tuổi, lúc đó tôi khoảng 7 tuổi. Nhà anh đối diện trước mặt nhà tôi, có dãy cây trứng cá trái chín đỏ mộng, chúng tôi làm sẵn cây sào rình rập mỗi trưa yên tĩnh, chờ ông bà nghỉ ngơi thì thập thò bên hàng rào nhảy lên nhảy xuống móc khèo mê mẫn, có nhiều hôm anh đạp xe về thình lình, bắt gặp cảnh tượng như vậy thì dừng lại trừng mắt nghiêm nghị, chúng tôi ù bỏ chạy và chẳng cảm tình với anh chút nào hết .
Khi anh đã chững chạc với hình ảnh một thanh niên mới lớn, thì chúng tôi cũng lên 10 rất hoang nghịch, tối ngày phá làng phá xóm, các bà Mẹ chịu không nỗi. Hình như lúc đó hạnh phúc đối với chúng tôi là... chọc bà con nổi giận
Nhiều lần đang chơi trước sân nhà, thấy anh Trọng ngang qua với bạn bè, nghĩ đến bản mặt dễ ghét mỗi khi bắt gặp chúng tôi khèo trứng cá, tự nhiên muốn chọc cho bỏ ghét, đồng la lên “ Cu Ba là ..Ba Cu” (Cu Ba là tên của anh Trọng, ở nhà thường gọi và cả xóm thường gọi anh quen miệng). Nét mặt anh thản nhiên không chút giận dữ, nhưng không ngờ anh áp dụng câu “quân tử một tháng trả thù chưa muộn” của KhổngTử.
Một hôm chúng tôi đang đứng chơi trước đường, anh đi ngang bỗng dừng lại, đá mỗi đứa một cái vào mông thật mạnh rồi bỏ đi chẳng nói chẳng rằng, anh đá đau quá nên từ đó không dám đụng tới anh nữa, nhưng trong lòng chẳng có chút cảm tình nào với người hàng xóm dễ ghét đó.
Mỗi chiều bạn bè chúng tôi thường tụ họp trước ngã tư cười đùa, thỉnh thoảng thấy anh hay lượn nhiều vòng trước nhà chị Quý Dung, sát bên cạnh nhà Hoa (bạn thân của tôi), lúc đó chúng tôi đã nói nhỏ với nhau
- Hình như anh Trọng đang trồng cây si trước ngõ nhà chị Quý Dung thì phải…, hình như anh ấy chỉ cần thấy bóng chị thấp thoáng bên khung cửa sổ thì anh mới chịu đi về
Thế rồi người thanh niên vào đại học Khoa học đến năm thứ 2 thì đến tuổi động viên nhập ngũ .
Ngày tháng trôi qua trong chiến tranh, dân làng quê chạy lánh VC lên thành phố sinh sống, nơi thành phố mỗi ngày đều có những trận pháo kích rớt trúng nhà dân. Cảnh tang thương diễn đều trước mắt tôi hình ảnh những ngôi nhà sụp đổ, tiếng la hét, tiếng khóc ai oán, tiếng chưởi rủa oán hận VC .
Tôi đã trở thành cô thiếu nữ… trăng tròn, ngơ ngác trước những đám tang với hình ảnh người quả phụ chỉ hơn tôi vài tuổi đã chít vành khăn trắng đau thương.
“Ngày mai đi nhận xác chồng, ra đi để thấy mình không là mình ...” bản nhạc hằng nghe trên Radio buồn não nuột khiến tôi ít nhiều phải suy tư về chiến tranh
Trên con đường Đinh Bộ Lĩnh đi đến ngôi trường Thành Nội mỗi ngày, vẫn luôn nghe thấy tiếng xe cứu thương chở thương binh vào quân y viện trong Mang Cá, tôi thẩn thờ dừng lại nhìn theo chiếc xe chạy khuất trong nỗi hồi hộp bần thần...
Vài năm sau tôi thấy anh trở về thăm nhà trong bộ quân phục rằn ri Thuỷ quân lục chiến mang lon Trung uý
Mỗi khi hoàng hôn xuống, chúng tôi vẫn thấy anh thả bộ ngang nhà chị Quý Dung mắt liếc nhiều lần vào trong. Lúc đó chị đang theo học ngành y khoa, chị có nét đẹp thanh tú, nhẹ nhàng với làn da trắng và mái tóc dài rất Huế.
Thấy tôi đôi lần đứng nói chuyện với chị, nên có lần về phép, khác anh lân la dò hỏi chị, tôi xúi dại
- Anh có trồng cây si chị thì mạnh dạn lên, anh là lính mà sao nhút nhát vậy, nên gởi chị bản nhạc “ yêu ai, ai hiểu nỗi lòng ...” đi chứ.
Anh quay mặt nói nhỏ
- Sợ người ta ...chê...
- Thì cứ thử gởi thư dò dẫm đi, chưa gì đã sợ như Hồ Dzếnh
“Thư thì mỏng như suốt đời mộng ảo
Tình thì buồn như tất cả chia ly”
Thấy tôi xổ thơ , anh ngạc nhiên hỏi
- Con nhỏ ni biết thơ từ hồi mô rứa? Có biết bài “Tống biệt Hành” không?
Tôi cười
- Biết chứ, của Thâm Tâm đó mà
Tôi bất ngờ khám phá ra anh cũng thích thơ, còn tôi thì khỏi nói, suốt ngày hí hoáy chép thơ Quang Dũng, Đinh Hùng, Lưu trọng Lư…v.v...
Cũng nhờ điều này đã tiêu diệt ấn tượng xấu với anh lâu nay, tôi tự nhiên thân thiện
- Cố lên nghe anh Trọng
Anh mĩm cười, nụ cười mơ màng của kẻ đang yêu.
Rồi anh lại trở ra vùng Quảng Trị, đóng quân giữ gìn bờ cỏi miền Nam muốn sống tự do độc lập, mà quân gian ác cứ dai dẳng xâm lấn đầy tham vọng.
Năm 72 với mùa hè đỏ lửa, lính Thuỷ Quân Lục Chiến trong trận đánh chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị thật ác liệt gay cấn...
Một tối mùa hè oi bức, đang ngồi dùng cơm tối tôi bỗng nghe tiếng mấy chị gào thét, khóc lóc, sau đó chị Loan (chị anh Trọng) gọi tôi qua nhà trông dùm để cả nhà vào quân y viện, tôi thấy mắt chị sưng húp nhưng không dám hỏi, tim đập mạnh và tay chân cũng run theo đoán điều xấu đang xảy đến.
Tối khuya chị Loan trở về cùng ông bà, nét mặt chị như người thất thần, tôi không thể chờ đợi, lên tiếng hỏi nhỏ
- Nhà mình có chuyện gì vậy chị ?
Chị tiễn tôi ra cửa nói nhỏ
- Cu Ba đã bị mất đôi chân
Tôi bàng hoàng sững sờ, lưỡi như bị trụt lại chẳng thể hỏi thêm điều gì nữa.
Đêm hôm đó tôi trăn trở mất ngủ, chiến tranh chẳng tha một ai, nhưng sự uất ức người dân miền Nam càng ngày càng tăng, tôi chẳng hiểu chiến sự, chỉ nghĩ điều đơn giản tại sao miền Bắc không để yên cho dân miền Nam sinh sống sau hiệp định chia đôi đất nước…
Từ đó mỗi chiều tà trong xóm xuất hiện người phế binh đã bị cụt đôi chân lên tận cùng,ngồi trên chiếc xe lăn, do chú em đẩy đi dạo trong xóm. Nét mặt anh già hẳn đi, đôi mắt buồn vời vợi, tôi không dám nhìn thẳng anh mà chỉ biết nhìn lén và cũng lẩn tránh, không có can đảm nhìn anh như vậy.
Có lẽ theo yêu cầu của anh, khi màn đêm đã buông xuống, ánh đèn được bật sáng trong từng ngôi nhà, người ta thường thấy chiếc xe lăn lãng vãng trước nhà chị Quý Dung, anh ngồi yên bất động để mong thấy hình ảnh chị loáng thoáng, để vuốt ve tình yêu đơn phương của anh, để tưởng tượng, để thỏa mãn niềm mơ dỗ dành từng ngày sống ...
Năm 1975 ngày tang thương của đất nước. Người dân Quảng Trị chạy giặc vào Huế, con dân Huế chạy giặc vào Đà Nẵng, mạnh nhà nào nhà nấy tìm đường sống, tôi cũng nghĩ đến anh và gia đình ông bà không biết đi về đâu.
Sau thời gian chạy loạn không còn đường thoát, mọi người trở về nhà với khuôn mặt đau thương lặng câm. Nhìn anh râu ria mọc dài, anh gầy hốc đi, da bọc xương như xác chết không hồn.
Anh gặp người quen có lòng nhân hậu, cho anh công việc đơm khuy nút kiếm cơm sống qua ngày, nhưng rồi tiệm may ế ẩm, anh bị thất nghiệp. Anh xin lột đậu phụng nơi làm mè xững, rồi cũng khi có khi không, anh như người tâm thần sống lây lát ăn bám anh chị, có nhiều khi tôi nghe anh cãi vả với anh em rồi anh khóc rấm rức
Hàng xóm nhìn anh quá tội nghiệp, nhưng thời điểm đó, nhà ai cũng ăn khoai, bo bo độn, họ chỉ biết trao tình thương khi thì cho củ khoai, lúc thì cho củ sắn, hoặc cây nhà có trái chín hái cho anh, hơn chút thì cho chén chè mỗi khi nhà họ cúng giỗ. Anh như cái bóng bên lề với nhiều tủi hờn đau đớn.
Hai năm sau chị Quý Dung tốt nghiệp và nhận nhiệm sở bệnh viện trong Nam vùng miền Tây. Gia đình chị cũng thu dọn vào Nam.
Mùa hè với những đêm khuya đầy oi bức. Giấc ngủ đến thật khó khăn, cửa sổ phòng tôi nhìn ra đường, nhìn xuyên qua khoảng sân rộng nhà anh, có hàng cây trứng cá, có hàng rào rực đỏ những hoa Dâm Bụt. Đêm đêm tiếng đàn anh vang vọng cả xóm.
Tôi nằm yên nghe anh cất tiếng cao
“Thôi thì em chẳng còn yêu tôi, leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng ..”
giọng anh gào lớn như run rẫy thêm
“Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi”
Tôi nhìn vào khoảng không của bóng tối, tôi biết anh đang nhớ chị Quý Dung, anh hát cho nỗi lòng tràn ra, cho vơi bớt niềm đau
“Chim ơi chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà
Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu ..” ( Phạm Duy )
Tôi không thể kềm chế được cảm xúc, nước mắt tràn ra chia sẻ một mối tình buồn, thanh cao trong thầm lặng. Ai cũng có một thời để mơ mộng, để yêu và mong được yêu… may anh còn chiếc đàn bầu bạn, nắn nót cung tơ dìu dặt hoà quyện tiếng hát, giải tỏa nỗi lòng của kẻ không còn tương lai, không còn niềm tin yêu tươi sáng,“may mà có thơ, có âm nhạc đời còn dễ thương”, đời còn ve vuốt được phần nào nỗi sầu vạn cổ.
Giọng anh trầm bỗng u uất như xé ruột gan tôi vốn hay đa sầu đa cảm chuyện thế gian
“Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mải
Đời chia hai nhánh sông
Năm năm rồi đi biệt
Đường xưa quên lối về ...”
Có đôi lần tôi còn nghe anh ngâm vài câu thơ trong bài “Tống biệt hành” của Thâm Tâm nữa
“Đưa người ta không đưa sang sông
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng
Nắng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”
Cứ vậy ngày tháng lết lê niềm đau khôn tả trong lòng người dân, nhất là với người Thương binh VNCH. Sự nhục nhã ê chề thấm thía thêm hơn so với năm 1954, mọi người chạy trốn từ Bắc vào Nam, năm 1975 lại tiếp tục chạy trốn quân thù, tôi cũng lao thân tìm con đường sống tự do đánh đổi sinh mạng trên biển cả…
Nước Mỹ đã mở rộng cánh cửa yêu thương, dang tay đón nhận dân tỵ nạn Việt Nam bước đầu ngơ ngác đặt chân đến, được tiền trợ cấp, được hướng dẫn đi học sinh ngữ từ trường ESL, được các cơ quan giới thiệu việc làm.
Người VN sẵn có tính chuyên cần, chăm chỉ và lo xa, nên với thời gian không bao lâu đã có chút tiền rủng rỉnh trong tay, có điều kiện nghĩ đến người thân đang khổ cực bên quê nhà, và các anh Thương Phế Binh VNCH chịu đựng cảnh nước mất nhà tan mà thân thể lại chịu tàn phế.
Chứng kiến những việc làm của các hội đoàn tại Bắc Cali thật cảm động, tất cả các hội quân nhân đều chạy ngược chạy xuôi phân phối vé, những người vợ lính năm xưa đi vào các chợ mời mọc khách hàng, các đài truyền hình, truyền thanh đọc đi đọc lại mẫu quảng cáo không biết bao nhiêu lần trong ngày…
Tôi được chị bạn giao xấp vé, tuy suốt ngày đi cày bận rộn công việc, nhưng tối lại tôi gọi phone mời mọc. Có lần vợ chồng tôi đến thăm người lớn tuổi và cũng có ý mời vé, tiền bối nói khi thấy tôi chìa vé đại nhạc hội “Xuân nhớ người Thương binh VNCH”
- Tốt, tốt lắm những việc làm này
Tôi mở cờ trọng bụng
- Dạ rứa là bác ủng hộ mua vé dùm nhé
- Chưa đâu , còn...xa mà
Tôi nín cười hiểu tánh người già hay lẩm cẩm, nhưng ghi sổ, nhớ người nào đã hứa, tôi sẽ đu theo mà ...đòi nợ, gần ngày, tôi trở lại với… giọng trầm giọng bỗng, ông Cụ vui vẻ lấy 2 vé.
Cuối tuần tôi chạy vòng vòng chào mời mọi nơi. Đến ngày tổng kết số vé để hoàn giao ban tổ chức, thì số vé còn nhiều mà tiền thâu hơn gấp đôi số vé được bán ra, thật là phấn khởi vô cùng với tình nghĩa đồng bào hải ngoại, biết việc làm giúp Thương Phế Binh VNCH là ủng hộ mạnh mẽ không cần lấy vé. Tôi cũng được biết qua tin tức chị tôi cung cấp là anh Trọng vẫn thương xuyên nhận tiền từ Úc, Pháp, Mỹ, Canada, v...v…, nói chung từ mọi nước trên thế giới có người Việt Nam tỵ nạn, anh Trọng đại diện cho nhóm anh em Thương Phế Binh nhận tiền, rồi triệu tập anh em đến nhà nhận lại theo danh sách và ký tên rõ ràng.
Động lực thật mạnh mẽ khiến tôi trở nên dạn dĩ lạ thường, so với bản tính nhút nhát trước kia, đó là hình ảnh anh Trọng đã thấm sâu trong lòng tôi, hình ảnh các anh lê lết đi bán vé số nơi Bắc Mỹ Thuận, Bắc Cần Thơ khi có dịp về ngang qua đó, hình ảnh các anh TPB nơi Dòng Chúa Cứu Thế ngồi quây quần dùng cơm các Linh Mục khoản đãi… Tôi đã đôi lần tôi gởi tiền về DCCT, sau này có vài thông báo ngưng gởi tiền khi hay tin vị Linh Mục đó đã bị đổi đi nơi khác, thay thế ông Linh Mục khác từ đâu đến không rõ tông tích, nên các Chú Bác muốn chờ thời gian tìm hiểu
Tôi cũng may mắn gặp được anh hàng xóm khác định cư tại San Jose, hai anh em hùn nhau gởi anh Trọng mỗi dịp tết về.
Tôi làm chung với các em người bản xứ, họ thường hay nói “Forget yesterday, live for today”, hoặc ý tưởng của Ralph Waldo Emerson “With the past, I have nothing to do, no with the future. I live now” (chẳng có gì để làm với quá khứ, với tương lai cũng vậy. Tôi sống trong hiện tại).
Hoặc khi lên Chùa nghe quý Thầy giảng pháp
- Quên hết chuyện hôm qua, tương lai thì xa vời, chỉ nên sống với hiện tại...
Lời khuyên thật quý giá vô cùng... buông bỏ tất cả để tìm sự thảnh thơi an lạc trong hiện tại, có nghĩa phải thay đổi cách sống, nhưng mấy ai đạt được điều ấy và mấy ai đã quên tất cả
Tình cờ một lần tôi đọc được ý tưởng
“ Learn from yesterday, live for today, hope for tomorrow” của Albert Einstein (học từ hôm qua, sống cho hôm nay, hy vọng cho ngày mai)
Tôi thấy điểm này có vẻ gần gũi với tôi, vì chính những điều trong quá khứ một thời làm nhân chứng, đã cho tôi thấm hiểu địa ngục trần gian, từ đó biết thông cảm, chia sẻ và hơn hết là biết mang ơn. Hành trang vẫn đem theo trang trọng, vẫn nghĩ chuyện hôm qua để biết sống, biết cư xử, biết thực hiện điều nhân nghĩa…
Trí óc tôi miên man càng lúc càng sâu về đề tài chiến tranh và sự hy sinh...
Điển hình về bức tường đá đen tại Washington DC, được khắc tên hơn 58.000 anh hùng lính Mỹ đã hy sinh tính mạng trong cuộc chiến tại Việt Nam. Điều thật đáng trân trọng và hiểu rõ nỗi đau đớn khôn cùng của những bà Mẹ, những người vợ trong hoàn cảnh mất con mất chồng
Làm sao chúng ta có thể quên được hay mất đi những cảm xúc nhức nhối này, người Mỹ không chết vì nước Mỹ, một sự hy sinh quá vĩ đại dù đã 45 năm trôi qua, nó luôn là nỗi đau buồn đối với người thân họ, và mình cũng sẽ ray rức phần nào với cái chết của họ.
Trở lại câu chuyện về Thương Phế Binh. Ngày 5 tháng 1/2020 đại hội “Xuân Nhớ Người Thương Binh VNCH”, cả rừng người tham dự sôi động, hăng hái, trên tay ai cũng cầm lá cờ vàng của miền Nam tự do thân yêu, mỗi khi có bản nhạc hùng ca vang dậy thì những lá cờ nhịp theo cánh tay vẫy cờ vàng từ phía khán giả.
Các ca sĩ lần lượt hát những bản nhạc “Mùa xuân nào là ta về” (Lam Phương) , “Tôi viết tên anh” (Hoàng thi Thơ), “Có những người anh” (Võ Đức Hảo) ..v...v... Phông trang trí trên sân khấu bằng hình ảnh người Thương Phế Binh làm mọi người trầm ngâm lắng đọng, buổi tổ chức thành công mỹ mãn.
Mấy hôm nay nắng thật đẹp tuy trời còn giá lạnh, buổi sáng từng đàn chim tung lượn dưới bầu trời, chim bay bốn hướng, chim đậu trên cành hót líu lo. Vài loại hoa mùa đông nở khoe màu tươi thắm.
Chỉ còn hơn hai tuần nữa là Tết đến, tôi lên khu Century đường Story mua bánh tét, bánh chưng và ít mứt… gởi bạn ở xa, nơi không có chợ Việt Nam, chỉ lưa thưa vài gia đình người Việt sinh sống tại thành phố Hilo trên dảo Big Island, thuộc tiểu bang Hawaii (chỗ từng bị đe dọa các vụ phun trào núi lửa).
Không khí các chợ Việt Nam nhìn rộn ràng tấp nập, nhất là vườn hoa trước mặt chợ Lion trên đường Tully bày các bó hoa Huệ, hoa Thược Dược tươi sáng, những chậu Cam Quật, chậu Mai nở nụ bông xinh xắn. Bên trong gian hàng bánh mứt hình như dàn rộng thêm đủ các loại bánh Tét, bánh Chưng, mứt Gừng, mứt Dừa, bánh In, bánh Bía... bánh Bông Lan trông thật mát mắt.
Luôn tiện tôi ghé nơi nhận chuyển tiền về VN, gởi quà Tết người thân và dĩ nhiên danh sách luôn có phần anh Trọng. Lòng dấy lên niềm vui phấn khởi, tôi nhớ những sinh hoạt vừa qua của hội HO, nghĩ đến anh Trọng nói riêng và các anh Thương Phế Binh nói chung. Tôi cầu chúc các anh có được ngày Tết ấm lòng nơi quê hương thân yêu còn khổ đau bởi bọn giặc cộng sản
Minh Thúy
Tháng 1/ 2020
Cám ơn tác giả Minh Thuý đã kể lại câu truyện này về một người lính quân đội VNCH, những người con yêu của miền Nam. Ký ức về họ không bao giờ phai được trong tâm trí, và trái tim của đồng bào miền Nam VN.
Nguyễn Thị Xuân, MN
Dưới đây là một phần của bài viết của Người Lính Già NLG73 Lê Phú Nhuận trả lời đảng Cộng sản như sau:
"Chúng tôi không hề tiến quân ra Bắc. Chúng tôi chỉ muốn sống trong thanh bình trên vùng đất của chúng tôi , nhưng không có cách nào khác là phải cầm súng tự vệ, chống lại kẻ xâm lăng .
"Khẩu súng của người tự vệ khác với khẩu súng của quân xâm lược. Viên đạn của chúng tôi là chỉ muốn đẩy lui quân xâm lược. Vì thế, bất cứ sự chết chóc đau thương nào xảy ra trên mảnh đất bị xâm lược này là xuất phát từ quân xâm lược. Cái chết của quân xâm lược không thể đổ lỗi cho ai ngoài cấp lãnh đạo của chúng. Xương máu của chúng tôi đổ ra là cái giá phải trả của người tự vệ để gìn giữ mảnh đất của chúng tôi, và là tội ác của quân xâm lược. Tội ác ấy của cộng sản Việt nam chồng chất suốt bao nhiêu năm trời. . .
"Và thời thế đã đưa đẩy chúng tôi vào một bàn cờ oan nghiệt , kết thúc vào ngày 30-4-1975 . Bao nhiêu đồng bào và chiến hữu của chúng tôi đã chôn vùi tuổi trẻ trong núi xương , biển máu ấy".
Nhân Lễ Kỷ Niệm Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại New Orleans, Louisiana vào năm 1987, Đại Tướng Westmoreland đã tuyên bố, "Thay mặt cho quân đội Hoa Kỳ, tôi xin lỗi các bạn cựu quân nhân của Quân Lực Miền Nam Việt Nam vì chúng tôi đã bỏ rơi các bạn."
Nhân Lễ Kỷ Niệm Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại New Orleans, Louisiana vào năm 1987, Đại Tướng Westmoreland đã tuyên bố, "Thay mặt cho quân đội Hoa Kỳ, tôi xin lỗi các bạn cựu quân nhân của Quân Lực Miền Nam Việt Nam vì chúng tôi đã bỏ rơi các bạn."
Bảo Trâm
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân
Bên nguời yêu tật nguyền chai đá
.....
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anhh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen
Cố quên đi một lần trăn trối... Em ơi!