Hôm nay,  

Bà Hàng Xóm

24/01/202000:00:00(Xem: 9409)

Nguyễn Văn Tới
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019  Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.

***
                                                                      

Ba Hang Xom
Trưa thứ Bảy, sau một tuần lễ đi huấn nghiệp xa nhà, tôi lái xe về, vừa quẹo vô khoảng sân cul-de-sac trước nhà, tôi thấy lố nhố mấy chiếc xe và nhiều người đứng bàn tán ngay trên sân trước của bà hàng xóm kế bên phải của nhà tôi, tôi hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra. Một người hàng xóm tiến về phía tôi và cho hay bà BJ mới được xe cấp cứu chở đi nhà thương trong tình trạng gần như bất tỉnh. Tôi không ngạc nhiên chút nào vì đã biết trước thế nào cũng có ngày này vì bà BJ đã già yếu và bệnh hoạn triền miên xem chừng khó có thể sống lâu được nữa.

Sẽ có người nói chuyện hàng xóm thì xưa như trái đất, ở đâu cũng vậy, có người khó tính không thể chịu nổi, có người dễ thương, hiền lành, dễ hòa đồng. Đúng vậy, xóm tôi cũng giống như mọi khu xóm khác, nhưng tôi muốn kể bạn nghe về một người phụ nữ hàng xóm độc thân của tôi, người này không thuộc loại nào trong hai loại đó. Bà không phải là cô “láng giềng ơi” của nhạc sĩ Hoàng Quý, hoặc cô thôn nữ nhà bên với vẻ e ấp, nên thơ, và sầu muộn như nhà thơ Nguyễn Bính tả: Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh dờn.

Tám năm trước đây, bà BJ và tôi mua hai căn nhà gần kề nhau cùng một lúc. Chúng tôi chào nhau, tự giới thiệu tên tuổi thật nhanh, rồi ai lo việc người đó. Tháng sau, tôi dọn vô, nhìn qua thấy căn kế bên đang còn sửa chữa và sơn mới lại. Vài tháng sau đó, một chiếc U-Haul thật lớn mang bảng số New-York cũng lăn bánh vào sân.  Bà BJ run run bước xuống xe. Những người khuân vác làm việc cật lực mang vô nhà rất nhiều thùng giấy được dán băng keo cẩn thận, phải nói là quá nhiều đồ vật. Tôi hơi thắc mắc chồng con bà đâu mà không thấy một ai. Bán anh em xa, mua láng giềng gần, nên tôi thỉnh thoảng qua giúp bà khuân vác và treo những tranh ảnh trên tường mà vẫn không thấy bóng dáng chồng con của bà.  

BJ là một người đàn bà da trắng, tóc bạc phơ, trạc 70 tuổi, vóc dáng nhỏ bé, da nhăn nheo, gầy guộc, lưng hơi còng, nhưng khuôn mặt rất sắc sảo, đặc biệt đôi mắt lạnh lùng tạo cho người đối diện một cảm giác e dè, khó thân thiện. Thoạt nhìn, tôi không mấy thiện cảm, nhưng tình hàng xóm cũng nảy nở dần theo thời gian. Bà cho biết chồng bỏ đi từ lâu lắm rồi, lúc bà còn trẻ, cả hai không có con cái gì nên chia tay dễ dàng. Trong giọng nói bà có vẻ khinh bỉ ông chồng bằng cách buông thõng một câu “he was a useless guy, I kicked him out”, một kẻ vô tích sự, trước khi kết thúc câu chuyện.

Tôi hỏi đùa bà có buồn khi sống một mình không? Bà nói bà không cần có chồng mà vẫn sống vui vẻ, thoải mái, muốn làm gì thì làm, khỏi vướng víu chân tay. Tôi đùa rằng bà phải rất tự hào vì cả mấy chục năm nay chưa một người đàn ông nào được hân hạnh nắm bàn tay của bà. Bà đáp anh nói rất đúng, tôi thấy không cần thiết phải có người đàn ông.

Trước đây bà là giám đốc tiếp thị, Marketing Director của hãng General Electric và về hưu đã hơn 10 năm nay, bà đưa tôi xem một số hình ảnh khi còn tại chức, trong đó có bức hình chụp chung với nhiều giám đốc khác ở chỗ làm, một mình bà, thấp và nhỏ con nhất, với nét mặt kiêu hãnh, đứng giữa hai bên là những đấng nam nhi, tai to mặt lớn, áo vét thẳng nếp, cao hơn bà cả cái đầu. Như một bông hoa lạc giữa rừng gươm, bà vẫn ngẩng cao đầu với khuôn mặt tự tin không kém cạnh một ai.

Về hưu, bà sống ở New-York, đồng thời coi sóc và cho thuê một nhà kho lớn (warehouse) ở đó mà bà là người chủ duy nhất. Hơn 70 mùa lá rụng với những mùa đông lạnh lẽo dài lê thê, một bầu trời xám xịt, những làn gió buốt giá, và sự cô đơn kéo về, bà muốn kiếm một miền đất ấm áp chan hòa ánh nắng nên bà chọn Arizona để gởi gắm cuộc đời còn lại.

Lai lịch của bà gây cho tôi một ấn tượng mạnh rằng đây là một người đàn bà thép, không phải thân liễu yếu đào tơ, chân yếu tay mềm cần một bờ vai để tựa đầu. Bà không thích giao tiếp nhiều với hàng xóm. Đôi khi tôi có cảm giác bà bất đắc dĩ phải giao tiếp với tôi vì hai nhà ở sát cạnh nhau. Vì vậy, kính nhi viễn chi là thái độ tôi chọn để giao tiếp với bà. Bề ngoài, tôi vẫn vui vẻ, lịch sự khi nói chuyện với bà, nhưng vẫn giữ một khoảng cách cần thiết. Tôi luôn nhấn mạnh rằng nếu bà cần chi, cứ cho biết, tôi sẽ giúp nếu có thể.

Tất cả những người hàng xóm khác cũng đến chào hỏi thăm và làm quen với bà như thông lệ, bà cũng đáp lại một cách xã giao, có phần lạnh nhạt khiến họ khá phật lòng. Họ nói chắc tôi đặc biệt lắm nên bà mới làm bạn với tôi. Tôi đoán có lẽ tôi là người Á Châu duy nhất ở đây nên bà đối xử khác thường chăng? Mấy đứa con nít hàng xóm lỡ chơi skateboard trên sân nhà bà sẽ bị mắng xối xả nên chúng cũng tránh né không dám đến gần. Nói chung hàng xóm không mấy ai muốn kết thân với bà bà trừ gia đình chúng tôi và một gia đình hàng xóm khác ở bên trái nhà tôi.

Gia đình này là một cặp vợ chồng trung niên và một đứa con trai trạc tuổi con trai tôi. Người chồng đi làm tối ngày, nhưng người vợ chỉ ở nhà ăn không ngồi rồi nên hay lê la lắm chuyện. Mỗi khi bà bắt chuyện với ai thì người đó nên kiếm một cái ghế và ngồi xuống vì đôi của môi bà sẽ không bao giờ kịp ăn da non. Vì nói nhiều và nói khéo nên bà từ từ có được cảm tình của bà già hàng xóm. Tôi đặt cho bà này biệt danh cô môi mỏng.

Vì thái độ không thân thiện và bẳn gắt nên hầu hết người trong xóm không hiểu bà là người như thế nào, giàu nghèo ra sao, trước đây làm gì. Tôi và cô môi mỏng là hai người duy nhất biết một chút về quá khứ của bà. Tôi đoán cô môi mỏng mà biết thì chẳng bao lâu cả xóm đều biết.

Mùa Giáng Sinh năm ấy, bà tự tay giăng đèn, trang trí sân trước với những con nai, máng cỏ Chúa Hài Đồng, và vô số các hình tượng có đèn xanh đỏ rực rỡ. Bà bắc thang trèo lên cao để mắc những giây đèn màu ven theo mái nhà. Nhìn bà run rẩy trèo lên bước xuống thang mà tôi thấy ái ngại, nhưng bà vẫn cương quyết làm cho xong.  Bà cho tôi coi một cái trống đồng Đông Sơn cổ của Việt Nam khiến tôi vô cùng ngạc nhiên và hỏi ở đâu mà bà có? Bà chỉ cười nói đó là 1 trong những đổ cổ bà sưu tập. Tôi không phải người chơi đồ cổ nên không chắc đây là đồ thật hay chỉ là 1 cái trống đồng làm nhái (replica) mà thôi.

Qua những đồ vật trang trí trong nhà, tôi biết bà rất giàu có nhưng hà tiện. Bà tự làm lấy những việc quanh nhà dù đó là những việc nặng nhọc. Nhìn bà đi lại khó khăn với cái lưng còng mà thấy tội nghiệp. Tôi tự hỏi sao bà không thuê người làm thay cho đỡ cực thân. Thỉnh thoảng bà lại đi bệnh viện để mổ, nắn lại cái xương sống lưng, không phải 1 lần, mà rất nhiều lần. Bà nuôi hy vọng bà có thể đứng thẳng lưng được như lời bác sĩ hứa. Sau mỗi lần mổ, sức khỏe bà xuống dốc nặng nề, bà bước đi còn nghiêng ngả hơn trước mà cái lưng còn còng hơn trước. Tôi có khuyên bà nếu không cần thiết thì đừng mổ nữa vì tuổi đã cao và cuộc giải phẫu không có vẻ gì là giúp cho lưng bà thẳng lên được. Bà chỉ im lặng không nói gì.

Bà khoe có nhiều bất động sản ở New York, nhiều quỹ hưu trí, nhiều đồ cổ sưu tập trong nhà. Nhưng cách sống của bà thì rất keo kiệt và chi li đến từng đồng. Đặc biệt, bà ta rất cứng đầu, không bao giờ nghe lời và không tin ai cả. Cái gì bà đã quyết là làm tới cùng. Bà tự làm lấy những công việc như cắt tỉa cây cối sân trước sân sau mà không bao giờ chịu mướn người làm thay. Bà nhờ tôi mua máy thổi lá cây và tự làm lấy một mình. Đôi khi tôi phải chạy sang làm giúp bà vì thấy dáng run rẩy. đi đứng khó khăn của bà sau những lần mổ xương sống, càng làm cho bà thêm đau đớn và khó tính hơn.

Một lần tôi mướn thợ cắt cành của 2 cây Meskite ở sân trước vì chúng chạm vào mái nhà. Nghe tiếng cưa máy nên bà bước ra sân nhìn. Bà hỏi tôi trả bao nhiêu tiền. Tôi cho bà biết số tiền tôi trả công anh thợ. Bà nhờ tôi hỏi người thợ cắt luôn cho cây Palo Verde to lớn của nhà bà. Anh thợ qua nói chuyện giá cả trực tiếp với bà. Hôm sau, khi xong việc, anh thợ về nhà; bà sang ngay bên tôi và trách sao anh ta đòi tiền mắc quá. Tôi đoán có lẽ cây nhà bà to hơn nên anh ta đòi tiền thêm. Bà tỏ vẻ bực mình và ngúng nguẩy bỏ về nhà không nói với tôi thêm lời nào.

Tuần sau, bà bắc cái thang và mua 1 cái cưa điện mới tinh để tự mình cắt cành cây. Lui cui làm sao, cành cây rớt xuống trên đầu bà, làm cái thang và cả bà lật ngang một bên, té xuống cái sân sỏi đá khiến bà xây xước, chân tay rướm máu vì gai góc đâm vào da thịt vốn đã xương xẩu của bà. Hàng xóm không ai hay cho đến khi mấy đứa con nít bấm chuông cửa nhà tôi và nhờ ra coi bà có bị gì không. Tôi chạy vội ra gỡ cành cây, đỡ bà ngồi dậy, và dìu bà vào nhà. Khuôn mặt bà hầm hầm và tức giận một cách lầm lỳ. Trước đây, tôi có nhắc bà nên mua một loại dụng cụ đeo vào cổ (medical alert system) như giây chuyền, nếu té ngã, nạn nhân chỉ cần bấm 1 cái nút trên đó, nó sẽ phát tín hiệu cầu cứu vì bà đã cao tuổi và ở một mình. Bà nói tốn tiền. Tôi cố thuyết phục chỉ 30 đô la một tháng. Bà nhất quyết không nghe.

Thời gian ngắn sau đó, sau khi các vết thương lành hẳn, bà nhờ tôi coi nhà giùm và tưới cây cảnh trong khi bà đi xa. Rồi bà trở về với một người đàn ông to béo khoảng 50 tuổi lái 1 chiếc U-Haul khá lớn, chất đầy đồ đạc. Ông ta phải khuân vác tất cả những thùng giấy vô nhà, bà nói với tôi đây là chuyến cuối cùng chở tất cả đồ đạc về đây. Bà kể lể và than phiền về cuộc hành trình mệt mỏi, dằn xóc, từ New York đi bằng chiếc xe dọn nhà quỷ quái này. Bà và người đàn ông, ngày lái, đêm ngủ motel, mất gần 4 ngày mới về đến đây. Tôi phải lắc đầu chịu thua sự cứng cỏi của bà.

Bà nói anh này là “gay”, dân đồng tính, nó thiếu nợ bà nhiều tiền lắm nên bà bắt nó theo bà về đây làm  việc để trừ nợ, nếu làm tốt, bà sẽ cho một số tiền để nó trở về New York làm đám cưới với “vợ” của nó. Một hôm anh này qua nhà tôi nhờ scan dùm mấy tài liệu riêng tư và gởi qua điện thư email cho vợ sắp cưới của anh ta vì bà già không có máy in (printer). Tôi làm dùm rồi để hắn dùng địa chỉ email tôi gởi đi, nhưng tôi hoàn toàn không để ý là giấy tờ gì.

Một tuần sau, bà BJ qua nhà tôi than thở rằng “thằng gay” ăn cắp đồ nhà bả và tuồn ra một chỗ nào đó, rồi sau đó ghé qua lấy, đoạn lái chiếc U-Haul thẳng về New York. Giờ hắn đổi địa chỉ nên bà không biết nó ở đâu để thưa cảnh sát. Tôi coi lại email và máy scan mới tìm được địa chỉ của cặp “vợ chồng” này trong 1 tài liệu. Tôi in ra và đưa cho bà già. Bà nhờ luật sư gởi giấy đến địa chỉ và đòi bồi thường, nếu không bà sẽ thưa chúng ra tòa. Bà cười một cách khoái trá và khoe với tôi là vợ chồng 2 thằng đồng tính đó phải trả giá vì dám ăn cắp đồ của bà.

Ngày tháng trôi đi, tôi bắt đầu đi làm ở nước ngoài nhiều, ít có dịp qua giúp đỡ bà BJ. Thỉnh thoảng về, tôi ghé hỏi thăm, có vẻ như bà không còn thân thiện như xưa. Tôi để ý thấy đôi mắt mờ đục của bà nhìn tôi như xa lạ. Hàng xóm nói hình như bà bị Amnesia, một căn bệnh tuổi già khiến trí nhớ kém dần đi. Một lần bà chợt hỏi:

-Anh từ đâu đến?

Tôi biết trí nhớ của bà giờ lãng đãng rồi, bà ở kế nhà tôi đã mấy năm rồi mà vẫn không nhớ mình là ai. Tôi khẽ đáp:

-Tôi là người Việt Nam.

-Tôi ghét người Đại Hàn và món ăn của họ. Bà chợt xa xầm nét mặt.

-Vậy bà có ghét người Việt Nam và cuộc chiến Việt Nam không? Tôi hỏi.

 -Không, không, tôi không chưa bao giờ đến Việt Nam nên không có dịp tiếp xúc với người Việt.

Bà kể khi còn làm việc với GE, bà hay qua Nam Hàn gặp gỡ khách hàng bên đó. Bà không thích người Đại Hàn vì họ thô lỗ lắm. Đồ ăn của họ, cái gì cũng có 1 chút xíu, trong cái chén cũng bé tí teo mà mùi thì nặng nề, khó ngửi. Xứ sở gì đâu mà kỳ cục. Tôi nhận ra trí nhớ của bà bắt đầu có vấn đề.

Cô môi mỏng bên trái nhà tôi cho biết trong lúc tôi đi làm xa, có đứa cháu trai từ New York ghé thăm bà và ở lại một thời gian ngắn. Ông này khoảng gần 60 tuổi, thân hình mập quá khổ, dễ chừng đến gần 350 pounds, mỗi lần đi đứng rất khó khăn và thở rất mệt nhọc. Ông nhờ chúng tôi để ý coi chừng có ai lạ đến thăm bà không. Anh nói đến một số tiền khá lớn của bà hình như bị ai đó lừa lọc và chiếm đoạt cách nào đó mà không ai rõ.

Cô môi mỏng tiết lộ rằng hình như bà BJ bị lừa mất một số tiền rất lớn qua mạng. Cô cho biết bà BJ khoe có quen với một người đàn ông ở Nigeria, Châu Phi. Ông này hứa sẽ bay qua Mỹ cưới bà. Hiện bà BJ vẫn gởi tiền đều đều cho tên lừa đảo này bằng nhiều cách. Tôi hỏi sao cô biết? Cô không trả lời mà chỉ khẽ suỵt ra dấu im lặng. Cô còn cho hay tuần này, gã người tình ảo hứa sẽ lái xe đến trước cửa nhà đón bà đi du lịch. Bà đã chuẩn bị sẵn hai cái suite-cases với quần áo, passport, và tiền bạc đầy đủ để đợi người tình không chân dung của bà.

Cô nói đã báo cảnh sát và FBI, họ đang âm thầm theo dõi vụ lừa đảo này. Họ yêu cầu phải có đơn thưa gởi từ bà BJ thì họ mới có cơ sở để tiến hành vụ này. Nhưng mỗi lần cô môi mỏng khuyên nhủ BJ, bà ta chỉ ậm ừ cho qua, rồi đâu vẫn hoàn đó. Sau đó, bà đóng cửa nhà và đóng cả cửa lòng với hàng xóm. Bà ít ra khỏi nhà, chỉ ra lấy thư từ khi rất cần thiết. Bà dành thời giờ để “chat” với người tình ảo Phi Châu.

Sáng thứ Hai, trước khi tôi lái xe ra khỏi nhà để đến phi trường, tôi thấy bà đứng trước cửa nhà để xe với một khuôn mặt xanh xao, gầy gò đến tội nghiệp. Bà đứng im lặng, mắt nhìn xa xăm mà như không nhìn thấy gì khi tôi vẫy tay chào bà. Hôm nay thứ Bảy, tôi trở về thì hay tin bà nằm nhà thương cấp cứu. Cô môi mỏng cho hay mấy ngày nay không thấy bà ra lấy thư nên cô nghi ngờ có chuyện gì xảy ra. Cô đến và mở hộp thơ của bà, thùng thơ đầy như không còn chỗ chứa. Cô bèn gọi sở cứu hỏa, nhưng nhân viên cứu hỏa nói họ không có quyền phá cửa vô nhà khi chưa có bằng chứng rõ ràng rằng chủ nhà đã chết.

Sau cùng cô phải gọi cảnh sát và họ phá cửa vô nhà. Bà nằm xõng xoài trên nền gạch giữa những vũng chất thải, không biết đã mấy ngày, còn thở thoi thóp. Nghe kể lại, bà BJ không còn nhận ra ai, hơi thở yếu lắm, chỉ khò khè qua cổ họng. Bà như cái xác không hồn khi họ đưa bà ra khỏi nhà. Tôi hỏi cô sao không khuyên bà mua medical alert đeo ở cổ, cô nói có khuyên nhủ nhưng bà không nghe. Bà nói bà còn khỏe lắm, không cần những thứ này.

Ngay chiều hôm đó, cô môi mỏng báo tin bà BJ đã qua đời tại bệnh viện. Chúng tôi lấy gỗ đóng niêm phong cánh cửa mà họ đã phá để vào nhà sáng nay. Là hàng xóm kế bên, tôi phải làm người canh gác nhà bất đắc dĩ cho bà.

Vài ngày sau, người cháu trai bay từ New York qua, đi với một người luật sư và một người cảnh sát, họ đậu xe trước sân nhà. Cô môi mỏng cũng là một trong những người có mặt ở đó. Họ mở cửa vào nhà, liệt kê và niêm phong tài sản. Họ ở tại một khách sạn và đi lại trong vòng mấy ngày liền. Bây giờ mới hay cô hàng xóm môi mỏng là người có giấy Power of Attorney để quản lý và phân chia tất cả số tiền của bà. Phần căn nhà căn nhà và tài sản bên trong sẽ được để lại cho người cháu trai của bà BJ. Cả xóm đoán già đoán non rằng cô môi mỏng lợi dụng bà BJ bị lãng trí nên thuyết phục được bà gìa để lại toàn bộ tài sản cho cô. Tôi không biết sự thật ra sao, nhưng tôi đã từng gặp những người có tài mồm miệng đỡ tay chân.

Sau mấy ngày làm việc, cô môi mỏng cho tôi hay cô chính thức là người thừa hành trên tài sản cùa bà BJ ngoại trừ căn nhà. Mọi người khám phá ra bà BJ đã cho người tình ảo khoảng hơn 3 triệu đô la tiền mặt qua các chứng từ giấy tờ và cả những thẻ cạo gift-cards. Bốn, năm cọc gift-cards được buộc lại bằng dây thun, mỗi cọc dày khoảng 8 inches, và mỗi thẻ là 7,500 đô la đã được cạo. Họ coi ngày tháng mới hay bà BJ gởi $15,000/ 1 tuần cho người tình ảo trong vòng nhiều năm. Tổng số tiền bà có trong ngân hàng là 187 triệu đô la gồm cả stocks và bonds. Đồ cổ khoảng 2 triệu, chưa kể một nhà kho khổng lồ ở New York.

Nói về sự lừa lọc (scam) qua mạng hay qua điện thoại. Báo chí có đăng và cho biết nhiều nguời ở khắp thế giới đã từngbị lừa. Nhưng tôi không ngờ một trong số đó lại là bà BJ, bà hàng xóm lạ kỳ của tôi, mà số tiền lên đến hơn 3 triệu đô la. Không ngờ trong trái tim sắt đá của bà đầm thép, với khuôn mặt lạnh lùng không ưa đàn ông, vẫn còn có chỗ trống cho một mối tình, dù chỉ là tình ảo. Ông cảnh sát cho hay, bọn lừa đảo này chuyên đi sưu tầm tên tuổi, địa chỉ tất cả các bà góa và những người già cô đơn. Chúng sẽ tìm mọi cách liên lạc và dụ dỗ. Những người già là những người cô đơn, hụt hẫng khi chồng hoặc vợ qua đời, họ dễ dàng rơi vào cạm bẫy ngọt ngào của bọn này. Cô môi mỏng chỉ vào hai cái suitcases vẫn còn nằm trong garage, mà người tình của bà đã và sẽ không bao giờ đến đón.

Tôi biết bà BJ giàu, nhưng chỉ dám đoán bà có trên dưới chừng 10 triệu, không ngờ bà có số tiền gần gấp 20 lần tôi phỏng đoán. Ông luật sư cho cô môi mỏng hay, tất cả số tiền trong ngân hàng sẽ được chia đều cho các hội từ thiện đã được bà nêu tên trong di chúc. Bà không để lại tiền cho người cháu trai hay bất cứ cá nhân nào, kể cả cô môi mỏng, dù là một xu. Cô môi mỏng kể tôi nghe với giọng điệu khá cay cú, cố giấu đi sự thất vọng não nề vì cô chỉ là người thừa hành (executive) để làm công việc phân chia tiền cho những hội đoàn có tên trong di chúc, dưới sự chứng nhận của luật sư.

Tôi an ủi cô môi mỏng dầu sao bà BJ cũng đã coi cô như con gái trong nhà nên mới bỏ tên cô vào trong di chúc, cô là người tốt đáng tin cậy và giờ đây cô là triệu phú rồi vì có trong tay gần 200 triệu đô la. Và cô cũng là người vinh dự được bà trao cho nhiệm vụ rải tro cốt của bà xuống lòng biển Thái Bình Dương theo di chúc để lại. Sống ở Mỹ khá lâu, đôi khi tôi vẫn không hiểu tại sao có những người rất giàu, lúc sống họ ky cóp từng xu, khi chết họ chẳng đem theo được bất cứ một thứ gì, nhưng nay tôi thầm ngưỡng mộ bà hàng xóm của tôi, khi chết đi, bà không mang theo được gì, nhưng di sản bà để lại là một tấm lòng vàng cho những người nghèo.

Khi tôi đang viết những giòng chữ này, tôi vẫn là người canh chừng bất đắc dĩ ngôi nhà của bà BJ vì giấy tờ luật sư vẫn đang tiến hành, và vì giấy chủ quyền nhà vẫn chưa tìm ra. Nhà vẫn cửa đóng then cài với vài ngọn đèn sáng bên trong. Sân sau, cái thác nước nhân tạo nhỏ của bà BJ không còn chảy róc rách như lúc bà còn sống; những bộ bàn ghế sân vườn được phủ bạt không ai ngồi, đã bám bụi, và những chậu cảnh đang chết dần vì không ai tưới. Tôi muốn tưới cũng không dám vì tôi sẽ vi phạm luật nếu bước vào sân nhà bà. Tôi chợt nhìn lại cái xã hội mình đang sống và tự hỏi rồi mình sẽ ra sao trong những ngày tháng khi cuộc đời về chiều.      

Nguyễn Văn Tới. 1/2020.

 

 

Ý kiến bạn đọc
13/02/202011:52:45
Khách
Hôm nay đọc bài mới của Nguyễn Văn Tới, đúng là "Tới thật" đã viết là chinh phục độc giả không thể lùi.
Chờ bài mới nhe chú em.
07/02/202017:41:10
Khách
vậy cô môi mỏng có được 200 triệu đô la không?. Cho tiền từ thiện là giống như đạo Phật thôi. Bố thí, cúng dường, nguyên nhân giàu nghèo là do bố thí từ kiếp trước hay không. Không có gì thắc mắc hết. Xứ mỹ tiền công mắc lắm phải tự làm hết nếu không làm sao còn duy trì số tiền lớn.
06/02/202015:31:46
Khách
Bài nào tác giả viết cũng linh động và sâu sắc! Mong được đọc nhiều bài nữa.
Thịnh Hương
05/02/202009:07:10
Khách
Cám ơn tất cả mọi người đã thích thú ghé đọc và cho lời bình: Anh/chị Độc giả, Leslie, chị HC Uyên, Ng Văn và chị Dung. Thưa anh Ng. Văn, cô môi mỏng chẳng được đồng nào vì lời tôi nói chỉ là lời an ủi. Nói theo kiểu VN mình là đãi bôi, nói cho cô môi mỏng khỏi mất mặt.
05/02/202006:27:57
Khách
Văn phong của Nguyễn Văn Tới, bài nào cũng hay, dí dỏm và sống động.
Riêng bài này thì đọc thấy sao mà mau hết thế? Đặt biệt danh cho "cô môi mỏng", nghe cũng hay hay, là lạ!!
Cám ơn Tác Giả cho đọc một bài hữu ích vui..vui...
Ptkd
04/02/202015:19:56
Khách
"Ông luật sư cho cô môi mỏng hay, tất cả số tiền trong ngân hàng sẽ được chia đều cho các hội từ thiện … Bà không để lại tiền cho người cháu trai hay bất cứ cá nhân nào, kể cả cô môi mỏng… Tôi an ủi cô môi mỏng …giờ đây cô là triệu phú rồi vì có trong tay gần 200 triệu đô la ". Trích .

Vậy là sao, kết cuộc cô môi mỏng có được hưởng thừa kế gì không ?
04/02/202004:38:32
Khách
@Leslie Nguyen Occipinti: Xin mạn phép hỏi thăm Leslie có trong gia đình của Barbara Oocipinti, John và Mary Banick (sống ở Milpitas, vừa qua đời khoảng tháng 10, 11 vừa rồi hay không?).
04/02/202004:34:46
Khách
Văn phong của Nguyễn Văn Tới lúc nào cũng dí dỏm, độc đáo. Hình ảnh bà cụ hàng xóm cũng là mẫu người tiêu biểu của nhiều người Mỹ cổ điển mà ta thường hay gặp thấp thoáng trong các bản tin hàng ngày: tiết kiệm cho bản thân, nhưng để lại hết tài sản cho các hội từ thiện (đáng tiếc là tay Sở Khanh thời @ đã cuỗm mất một số khá lớn trong khoản tiền bác ái này!).
03/02/202023:41:31
Khách
Cám ơn Tác giả ve bài viết hay, nhất la lối hành văn thi thật tuyệt vời!
03/02/202020:04:38
Khách
Văn phong hấp dẫn, đọc một mạch từ đầu tới cuối . Cám ơn tác giả .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,671,133
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville, California, đã từng tham gia VVNM năm 2018.
Sau lưng chiếc quan tài, một vách tường đá rêu phong, ánh sáng trắng như ánh sáng thiên nhiên từ trên trần cao dịu dàng tỏa xuống. Tiếng nước chảy róc rách quanh những tảng đá rồi nhẹ nhàng rơi xuống mặt hồ. Xung quanh chỗ Tuyết Minh nằm đầy hoa. Căn phòng đầy hoa. Những vòng hoa huệ tây màu tím chen lẫn những bông hồng, cúc… trắng, tím nhẹ, phớt hồng. Tuyết Minh yêu màu tím. Em nằm gọn gàng trong chiếc áo dài màu hoa cà, mái tóc buông xõa, đôi mắt khép lại bình yên. Dáng em nằm thanh thản, êm đềm như nàng công chúa ngủ trong rừng của những truyện cổ tích thần tiên.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông.
Thằng con lớn tuy là nó nhỏ người nhưng tự ái của nó rất to, có thể nó bị mặc cảm vì hai chân của nó không đều nhau nên nó làm nhiều cái khác với người ta. Khi mới qua Mỹ được một năm, bác Hai là chị ruột của má tôi từ Úc qua Cali dự đám cưới, có ghé Seattle để thăm hai chị em tôi. Khi bác ghé chơi, có mang cho ba anh em nó một món đồ chơi bằng pin là con Pakichu, nó rất thích món quà này nên cầm chơi hoài, hai đứa em không được chơi nên tới méc để tôi phân xử.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Huntsville, AL. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Bao Giờ Trời Sáng” một du ký nhiều ý nghĩa khi thăm viếng Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington,. Đây là bài mới nhất của Ông.
Hôm ấy, ngày giữa tuần mà đường phố vắng tanh, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe lướt vội trên đường nhựa đen loáng nắng. Tôi rẽ vào khu chung cư im lìm, đeo chiếc mạng che tới ngang mũi, xỏ vào đôi bao tay, quất thêm cặp mắt kính, rồi mới bước xuống xe, dáo dác nhìn quanh. Từ trên ban công của căn nhà trước mặt, một người vóc dáng nhỏ nhắn, cũng che mặt kín mít, vừa vẫy vừa gọi tôi. Cô thòng xuống một sợi dây thừng ở đầu buộc một cái xô, trong xô có một gói lớn. Tôi bước đến, nhấc cái gói ra. Trọng lượng nặng chịch của nó làm tôi bất ngờ. Thì ra hai trăm cái mặt nạ may ba lớp là một khối to và nặng như vậy đó! Tôi ngước lên nhìn người đàn bà đang nắm đầu kia của sợi dây và chợt nảy ra ý xin lên chụp một tấm hình nơi Cô tạo ra những tấm mạng che mặt đang được phân phát đi khắp nơi trên nước Mỹ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Ngày đầu tiên (15 tháng Sáu, 2020) buổi sáng thức dậy đi làm tôi bắt đầu cảm thấy uể oải nhưng chỉ đơn giản nghĩ là do đêm trước bị mất ngủ. Chiều tối về nhà bắt đầu thấy mệt hơn nhưng tôi không ho và không sốt nên cũng đỡ lo. Dù sao để chắc ăn sáng hôm sau tôi gọi vào hãng để báo nghỉ. Suốt ngày thứ hai tình trạng cũng không khá lên nhưng cũng không xấu đi.Đến chiều cảm thấy có đỡ một chút nhưng để chắc ăn tôi đã text cho xếp báo xin nghỉ thêm một ngày nữa.