Hôm nay,  

Sống Với Lão Thử…

24/01/202000:00:00(Xem: 7607)

rat and people

 

1.

 

Cho đến nay con người cũng không biết chắc được loài chuột có mặt trên hành tinh này từ bao giờ, vì những cuộc khảo cổ với phương tiện khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại hơn cứ tiếp tục tìm ra những bằng chứng về loài chuột có tuổi ngày càng cao hơn những khám phá trước đó. Theo giới khoa học thì loài chuột đã có mặt trên địa cầu của chúng ta cách nay tới năm mươi triệu năm! Nói “địa cầu của chúng ta”, nghe thấy thẹn khi loài người có mặt trên địa cầu mới được khoảng hai triệu năm nay. Câu trả lời cho câu hỏi: Con người từ đâu đến và đến từ bao giờ? Các nhà khoa học chỉ có trong tay khám phá mới nhất về lịch sử con người qua việc phát hiện được hai bộ xương trong những hang động cổ thuộc Nam Phi vào năm 2008. Sau thời gian xét nghiệm mấy năm, các nhà khảo cổ cho biết: Cấu trúc của hai bộ xương ấy có niên đại gần hai triệu năm. Điều quan trọng là hai bộ xương rất giống với bộ xương của con người ngày nay. Các nhà khoa học đặt tên cho chúng là đôi “dã nhân phương nam - southern apes” vì chúng có những đặc tính khác với những giả thuyết tiến hoá được đưa ra trước đây về nguồn gốc loài người. Vậy phải chăng đây mới chính là tổ tiên của chúng ta với lịch sử hai triệu năm trước nhưng cấu trúc xương bàn tay của người nữ không khác gì xương bàn tay của người nữ hôm nay. Các nhà khoa học còn cho biết đôi tay người nữ hai triệu năm trước đã có thể làm được những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác như may vá… Bộ xương nữ được ước tính có độ tuổi từ hai tới ba mươi tuổi, còn bộ xương nam chỉ chừng mười tuổi. Đọc qua báo khoa học, tôi hình dung ra hai mẹ con đã chết vì lý do thiên tai như động đất chẳng hạn. Nhưng nhớ có nhà khoa học khôi hài đã trò chuyện với báo chí, “Giá họ có độ tuổi ngang nhau thì không chừng đây là ông Adam và bà Eva…” Dù sao thì lịch sử loài người nguyên thủy cũng đã ăn lông ở lỗ, nghĩa là hái lượm và ăn tươi nuốt sống hoang thú săn bắt được khoảng một triệu rưỡi năm trước, sau đó nấu chín thịt để ăn chừng năm trăm ngàn năm trở lại đây khi con người biết dùng lửa. Dẫn tới kết luận đầu tiên có thể chấp nhận được là từ “lão thử” vì tuổi đời của con người thì gọi con chuột bằng lão là phải. Nhưng con người lại được tạo hoá sinh ra để làm chúa tể muôn loài nên lão thử tiền bối không bỏ qua mà thành cuộc sống với lão thử của con người trên trái đất trở nên nhiêu khê suốt hai triệu năm lịch sử nhân loại.

   Trước hết. Lão thử có thể sinh sôi nảy nở ở bất cứ đâu trên địa cầu nên đâu đâu cũng là miền đất hứa của lão thử. Lão tung hoành khắp địa cầu bốn mươi tám triệu năm trước không vất vả như từ khi loài người xuất hiện, vì khi môi trường sống xuất hiện thêm một sinh vật thì cuộc đấu tranh sinh tồn cũng xuất hiện thêm một mối nguy nan, đặc biệt đầy rủi ro với sự xuất hiện của con người trong bối cảnh lão thử là loài động vật có vú nhỏ nhất thì con người to lớn hơn nhiều, lại có bộ óc siêu việt nhất trong các loài động vật có vú. Dẫn tới cuộc chiến sinh tồn khốc liệt giữa con người và loài chuột không hề ngưng nghỉ suốt hai triệu năm qua. Oái oăm là khi loài người mới xuất hiện thì lão thử đã bốn mươi tám triệu tuổi đời, lão bèn giết người từ trứng nước để trừ hậu hoạn như: gặm nhấm hết lương thực tích trữ cho con người chết đói, con người chết rét khi lão kéo hết dòng tộc nhà thử đi cắn phá hang ổ của người tiền sử, sau này là nhà ở của con người; lão truyền bệnh dịch là cách giết người hàng loạt nhất… Lão thử đích thị là kẻ thù không đội trời chung với loài người. Dù lão không thành công trong việc tiêu diệt con người như con người đã từng tiêu diệt dòng tộc nhà lão thử từ thời sơ khai đến nay cũng không thành công.

   Từ đó nhìn lại xã hội cộng sinh của muôn loài vật khác trong thiên nhiên thì những loài cây thấp núp bóng cây cao mà sống sót qua giông to gió lớn, giây leo không cao hơn cây cổ thụ. Luật tự nhiên của thực vật từ thời hồng hoang tới bây giờ nhờ thế mà yên ổn hơn động vật từ khai thiên lập địa đã tàn khốc với nhau là: giết hay bị giết. Con thú không săn mồi thì chết đói, không tấn công kẻ lấn chiếm địa bàn thì không còn lãnh địa để săn mồi, không còn nơi trú ẩn an toàn cho bản thân và duy trì nòi giống khi có kẻ lạ mặt xuất hiện trong vùng sinh sống… Chỉ riêng con người với loài chuột thì khác! Sự sống cùng lão thử của con người là một đặc tính khác lạ hơn hết so với muôn loài còn lại ngoài con chuột. Con người sau thời kỳ sống bầy đàn thì sống du mục, cuối cùng là định canh định cư. Tổ tiên loài người đã thuần hoá trâu rừng, bò rừng, lợn rừng, gà rừng, chó hoang… thành gia súc cho tới ngày nay. Nhưng lịch sử con người chưa bao giờ thuần hoá chuột. Dĩ nhiên con người đủ thông minh để biết việc thuần hoá nhà chuột không mang lại lợi ích kinh tế; đồng thời con người cũng biết việc thuần hoá chuột sẽ chận đứng được sự thất thoát lương thực do chúng ngày đêm trộm cắp, sự phá hoại do chúng ngày đêm gặm nhấm mọi thứ, sự lây truyền bệnh dịch do chúng là người hàng xóm ăn ở mất vệ sinh của con người… Nhưng sao con người cũng không làm công vìệc thuần hoá chuột, mà lịch sử nhân loại chỉ gắn liền với lịch sử chạm trán cùng lão thử? Làm như đôi bên có thù từ ngoài vũ trụ vô biên nên khi được tạo hoá sắp đặt về chung hành tinh này thì loài người không đi bắt chuột một mình, không bắt một con; mà kéo cả bầy người nguyên thủy, văn minh lên thì kéo cả làng ra đồng bắt chuột; bắt sạch, giết tận mấy đời nhà chuột ngụ cư trên một cánh đồng, trong một cái gò. Chuột trả thù cũng bên tám lạng đằng nửa cân với con người; đã ăn thì kéo cả tông ti họ hàng nhà thử đến ăn sạch bồ lúa cho con người chết đói cả nhà, ăn no rồi thì chia quân thử lên cắn phá mái nhà, lớp đào hang chằng chịt dưới nền nhà làm cho con người khốn đốn với nơi ở, hồi nhà thử truyền bệnh dịch thì giết chết cả làng của con người. Sự đối kháng giữa chuột và người khi nhìn lại thật khủng khiếp. Nhưng chuột không có bộ óc siêu việt đến mức có thể sáng tạo ra ngôn ngữ, chữ viết, hình thành nên những nền văn minh, văn hoá, tôn giáo như con người… nên chuột không thờ người. Ngược lại con người là động vật siêu đẳng nhất trong muôn loài lại đi thờ chuột ở nhiều vùng miền trên hành tinh, nhiều dân tộc khác nhau tới xa lạ nhưng chung cùng sự kính nể, thậm chí có nơi còn tôn thờ lão thử.

   Năm chuột Canh Tý 2020 đã về. Thử ngồi xuống tính sổ với họ nhà chuột xem ân oán thâm thù giữa con người và lão thử có cách gì hoá giải được không sau hai triệu năm con người xuất hiện trên trái đất này, hậu duệ của con người đã khác xa khác lạ với tổ tiên, còn loài chuột thì vẫn vậy. Vậy hai triệu năm tiến hoá của loài người sẽ đi về đâu với vũ khí nguyên tử do con người chế tạo ra, có thể làm nổ tung quả địa cầu bất cứ lúc nào. Tận thế. Loài người biến mất trên hành tinh nhưng vẫn chưa bao giờ thắng nổi họ nhà chuột nhỏ nhoi lại nhỏ mọn từ đầu với con người. Có thể nhân loại cần thêm bốn mươi tám triệu năm nữa để biết những nền văn minh, những sự tiến bộ… sẽ đưa con người về đâu; còn vẫn vậy như họ nhà thử mới là sự hội nhập văn minh với vũ trụ vô biên này…

 

2.

 

Ngày xuân xa xứ, trở về cố hương qua ký ức mịt mù như sương sa tuyết lạnh xứ người. Lần theo văn hoá Việt, tổ tiên ta sống với ruộng bậc thang ở miền cao, cây lúa nước ở miền xuôi, thì ở đâu có lúa là ở đó có chuột. Mô hình làng xã của ông bà ta đã không ngừng cùng nhau diệt chuột để bảo toàn lương thực, nhưng cuộc chiến ấy vẫn không thắng nổi loài chuột, bằng chứng là lão vẫn sống tới hôm nay. Con người có bộ óc siêu việt nên có ngôn ngữ, phát triển thành văn hoá mỗi dân tộc; ngôn ngữ là phương tiện truyền tải và lưu truyền văn hoá, tinh hoa tích lũy được cho đời sau… nên kẻ thù không đội trời chung của tổ tiên ta đã đi thẳng vào văn hoá Việt như lời cảnh tỉnh của tiền nhân cho con cháu là phải cảnh giác với lão thử. Ông bà ta đã chọn lão thử là biểu tượng của sự xấu xa trong văn hoá Việt, cứ cái gì xấu xa trong xã hội thì ví với, gán cho lão thử. Văn hoá truyền miệng khi chưa có chữ viết đã khắc hoạ hình ảnh chuột qua tục ngữ ca dao Việt rất phong phú, nhưng chỉ rặt là xấu xa, dị hợm…

   Đâu phải ngẫu nhiên tục ngữ có câu “Bụng chuột ruột gà”. Đã bé như con chuột thì bụng nó có bao nhiêu to, ngắn như ruột gà thì ăn được bao nhiêu mà sợ? Nhưng con gà thức dậy là đào bới, nhặt nhạnh, tới quáng gà mới thôi. Con chuột thức dậy là gặm nhấm cho tới khi đi ngủ. Nghĩa rộng là trong đời sống, nên tránh giao tiếp loại người ham hố đến vô độ… Rồi, “Chuột chạy cùng sào” là chạy đến cuối cây sào, là hết đường… chịu chết. Con người ăn ở với nhau sao cho hết tình cũng còn có nghĩa, đừng như chuột chạy cùng sào, cạn tàu ráo máng với nhau thì khi bế tắc, không lối thoát, nhìn lại không còn ai bạn cùng như con chuột chạy cùng sào… Sống ở trên đời không thể không giúp đỡ đồng loại khi hoạn nạn, nhưng tuyệt nhiên phải xa lánh loại người ăn cháo đái bát. Loại người thọ ơn không đền mà còn quay mặt hại người ban ơn thì khác nào “chuột cắn dây buộc mèo”. Cuộc sống không thiếu loại người ấy, nên sống phải biết phân biệt người tốt kẻ xấu cho phân minh. Thế giới hôm nay không thể thả những tên khủng bố đã bắt được ra khỏi nhà tù vì làm thế khác nào chuột cắn dây buộc mèo cho chúng tiếp tục gieo rắc tai hoạ mà thôi. Sống ở trên đời phải biết sông có khúc người có lúc, qua cơn bỉ cực tới hồi thái lai, sau cơn mưa trời lại sáng… thuận thiên kính địa mà sống, dĩ hoà vi quý với mọi người mà sống, đừng học thói trưởng giả học làm sang cho hợm hĩnh như “chuột chê xó bếp chẳng ăn, chó chê nhà dột ra nằm bụi tre”. Tính ẩn dụ trong tục ngữ ca dao là sự sống mãi với thời gian của loại hình văn hoá độc đáo của người Việt; tính đặc trưng của dân tộc Việt là nói nhẹ mà đau, nói xa mà gần, nói như không nói mới gọi là nói. Ai nhịn được cười khi nghe con chuột chê xó bếp không ăn, chẳng lẽ nơi ăn của chuột là chốn cung đình với cao lương mỹ vị? Con chó chê nhà dột càng nực cười; đúng là ngu như chó! Chỉ có kẻ ngu như chó mới bỏ nhà dột ra nằm bụi tre. Đúng là chửi như không chửi mới gọi là chửi. Phận làm con chớ chê cha mẹ nghèo, gia cảnh khó khăn, vì tình máu mủ mới đáng trân quý, giữ gìn; miếng ăn quá khẩu thì tàn, người ta ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Con chê cha mẹ nghèo, bỏ nhà đi hoang thì chỉ thành kẻ vô gia cư, không thân thích, loại người không rõ lai lịch trong xã hội chẳng được ai hoan ghênh. Sống, phải biết mình là ai, đua đòi chỉ làm cho người khác xem như con “chuột chù đeo đạc”. Chuột chù đã xấu xí, hôi hám lại đi khua mõ (đạc) khắp làng cho người ta trông vào thì khác nào tự bạch sự ngu dốt, không biết xấu hổ.

   Rồi người ta nghĩ gì khi “chim chích mà đậu cành sồi, chuột chù trong cống đòi soi gương Tàu”. Bên trời tây có truyện: Con gà mái hỏi đại bàng, “Tôi có thể đậu trên ngọn cây sồi như bác không?” Đại bàng nói, “Được chứ, chỉ cần chị giảm béo!” Gà mái bớt ăn cho nhẹ ký để leo trèo. Cuối cùng cũng tới được ngọn cây sồi cao. Nhưng người nhìn thấy sự kiêu hãnh đầu tiên của gà mái là ông chủ nông trang. Ông lầm bầm không vui, “Đồ gà mái…” Ông vô nhà lấy súng ra nổ: bùm. Gà mái vô nồi súp với khoai tây, cà rốt trong bữa chiều của nông trại. Bài học an phận đơn giản thế mà truyền kiếp con người cứ mắc sai lầm. Như người xưa chỉ thấy được dung nhan mình trong giếng nước nên mơ có được cái gương Tàu để soi, là miếng đồng lá sáng loáng cho những cung tần mỹ nữ soi gương trang điểm. Nhưng trong gương soi quý giá lại hiện ra gương mặt chuột chù thì ông vua tự tử chết cho rồi. Cuộc sống không nhất thiết phải thế này hay thế khác, không cần bằng chị bằng em. Điều thực sự cần là phù hợp để làm nên nét độc đáo riêng của mỗi cá thể. Người này không thể có ưu điểm của người khác, nên cách tốt nhất là khai thác ưu điểm của mình để cạnh tranh thay vì bắt chước cho dị hợm, học đòi cho khó coi... Cũng đừng sống khoe khoang, khoác lác quá độ như “chuột chù lại có xạ hương”. Tên khủng bố thì làm sao có ánh hào quang quanh thánh thể như Chúa Phật được? Đừng nói quá về mình đến thiên hạ phải thốt lên câu ấy thì độn thổ không kịp... Sống ôn nhu với mọi người, đừng chê bai tất cả trong thiên hạ nhân bất thập toàn để người ta lại ví von “chuột chù chê khỉ rằng hôi, khỉ mới trả lời: cả họ mày thơm?” Thật là độn thổ không kịp. Cũng đừng ra vẻ ta đây biethet.com, cái gì cũng lên mặt dạy đời thì đời dạy cho “chuột chù nếm dấm”… Người biết một không biết mười, kẻ biết một không biết hai trong thiên hạ thì nhiều, nên đáng quý người biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe vì kiến thức của nhân loại là vô biên trong khả năng tiếp thu hữu hạn của con người nên khiêm tốn là cần thiết trong trời đất cao nhân tất hữu cao nhân trị, núi cao có núi cao hơn. Học hỏi thì tốt chứ học lỏi đời cười. Sống phải chân thành, không che giấu bản chất như “chuột đội vỏ trứng”. Truyện “ông quan thanh liêm” thì ai học trường làng ở quê nhà đều biết. Có ông quan huyện nọ nổi tiếng thanh liêm. Ông càng nổi tiếng thanh liêm khi xử thắng kiện cho vợ chồng người nông dân nghèo trong làng, xử phú ông nọ thua kiện vì ỷ giàu hiếp nghèo. Vợ người nông dân nghèo tỉ tê với bà huyện để hỏi tuổi ông quan thanh liêm. Đâu ngờ có hôm bà huyện đưa cho ông huyện xem một con chuột bằng vàng, và bảo: Vợ chồng thằng nông dân nghèo rất kính ngưỡng ông. Chúng hỏi mãi là ông tuổi gì? Tôi bảo ông tuổi Tý. Thế là chúng nó tặng ông con chuột bằng vàng để tỏ lòng biết ơn ông đã xử thắng kiện cho chúng.” Ông quan thanh liêm thở dài, bảo vợ, “Sao bà không nói tôi tuổi Sửu!” Ấy là hạng người chuột đội vỏ trứng, đạo đức giả, không được coi trọng trong xã hội, thậm chí còn bị những người có tri thức xa lánh... Người chính trực nhìn ngay, nói thẳng, không “lấm lét như chuột ngày”. Người khôn ngoan sống không làm càn, làm liều như “chuột gặm chân mèo” để chuốc hoạ vào thân.  Khi may mắn đến trong đời như “chuột sa chĩnh nếp” cũng đừng vung tay quá trán vì may nay mai rủi là chuyện thường tình. Hôm nay huy hoàng không có gì bảo đảm ngày mai không điêu tàn như “chuột chù phải khói”. Tự lượng sức mình, không làm việc “mèo nhỏ bắt chuột to” vì chuyện rủi ro ở đời cũng thường tình như chuột sa chĩnh nếp thì “chuột sa cũi mèo” cũng bất tử xảy ra. Sống phải có hậu, chừa cái hậu cho bất trắc. Không sống gian xảo, sẵn lòng hại người như bọn “mặt dơi tai chuột”, không đạo đức giả đến trơ trẽn như “mèo già khóc chuột”, không “nói dơi nói chuột” cho người ta chê cười. Đừng hành xử tiểu nhân, ném đá giấu tay để khi “cháy nhà ra mặt chuột” rất khó coi. Làm việc gì cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng, tự lượng sức mình để tránh chuyện “đầu voi đuôi chuột” cho thiên hạ chê cười. Không nên đối nhân xử thế một cách bất thường như chuột, “con mèo trèo lên cây cau/ hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ chú chuột đi chợ đường xa/ mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”. Đúng là xấu xí từ dung mạo tới tính tình nhà thử, có làm chuyện tốt thì thiên hạ vẫn xem như trò đểu. Dù hơi oan cho chuột trong ca dao này là tiền nhân ta chỉ mượn hình ảnh chuột như người dân hạ tiện để chửi mèo như quan lại thời xưa.

    Không ai biết hết ca dao tục ngữ về chuột trong dân gian Việt nam, nhưng tựu chung nói về chuột bao nhiêu là bấy nhiêu sự khinh rẻ, chế giễu, nhằm cho người đời sau tránh đi những thói hư tật xấu trên đường đời, trong đối nhân xử thế… nhưng sao ông bà ta không mượn hình ảnh của con gì khác để ngụ ngôn dạy bảo đời sau mà cứ nhắm vô loài chuột? Càng rõ thâm thù vì tới chuyện chim chuột cũng phải nhớ đừng lén lút như chuột, “chuột kêu chít chít trong rương/ anh đi cho khéo đụng giường má em”. Không biết người ta còn gì để bêu rếu, nhiếc móc lão thử đến chuyện duy trì nòi giống thì loài nào chả lựa nơi chỉ có đôi ta để nhiệt tình vào cho đời sau mạnh giỏi, không sợ loài khác tấn công bất tử khi hưng phấn, mất cảnh giác, nhưng chỉ con chuột mang tiếng lén lút nên thành thành ngữ “chim chuột” để nói tới việc mèo mả gà đồng của tự nhiên và con người… Rồi đời tha hương theo vận nước nổi trôi, khi ngộ cố tri được vài người đồng hương lúc xuân về thì cũng lại nhiếc móc nhau, xiên xỏ những người lấy vợ Mỹ là “đuôi chuột khuấy lỗ cống”. Hết ý.

 

3.

 

Rõ là quan hệ con người với lão thử khác lạ với muôn loài khác, vẫn song hành trong cuộc sinh nhai với nhau nên không thể nói là lạ lùng mà phải nói rõ là không hiểu vì sao tổ tiên rồi tới ông bà ta ghét chuột như kẻ thù là vậy, song vẫn chấp nhận loài vật này trong mười hai con giáp để tính tuổi người? Mà chuột lại hiên ngang chiếm vị trí đầu tiên. Nhiều lý giải theo dòng lịch sử dân tộc nhưng tựu chung vẫn là giai thoại, truyền thuyết, không có tính thuyết phục cao cho đến ngày nay. Nếu chọn một truyền thuyết cho vui trang báo Xuân đã về thì có lẽ câu chuyện dân gian đủ vui, mang nhiều ý nghĩa và triết lý dân gian nhất là truyền thuyết: Ngọc Hoàng gọi muông thú về chầu thiên đình để lập bảng địa chi thì bác Sửu bản chất siêng năng nên dậy sớm đi sớm nhất trong muôn loài. Chuột nhà ta nhỏ con nhưng lanh lợi, thông minh thiếu giáo dục hay còn gọi là láu cá, đã phóng ngay lên đầu bác Sửu để ca hát, làm trò cho đỡ buồn bác Sửu thật thà, thức khuya dậy sớm, đường chầu lại xa… đợi khi tới cửa nhà trời, chuột nhanh chân phóng vào chầu Ngọc Hoàng trước cả bác Sửu nên chuột đứng đầu bảng thập nhị địa chi.

   Có lẽ truyền thuyết bắt nguồn từ sự lanh lợi, khôn ngoan của chuột cùng với sự sinh sôi nảy nở vô biên của chuột mà tiền nhân ta thêu dệt nên những truyền thuyết xung quanh lão thử. Lịch sử gần có các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ đã lấy ý từ quan hệ tự nhiên giữa chuột và mèo để mô tả quan hệ xã hội phong kiến xa xưa trong bức tranh “Đám cưới chuột” đầy ý nghĩa. Những con chuột thấp hèn nhưng cũng quần dài áo thụng, lộng che xum xoe, xênh xang hai họ rùm beng cách mấy thì cũng có con mèo già cản đường vinh tông bái tổ. Muốn gì cũng mãi lộ trước mới được hanh thông để về một nhà. Xã hội của giai cấp thống trị và giai cấp bị trị thời phong kiến là thế.



NTRUNG12
Hình minh họa: Nguyễn Trung

   Sau cuộc nam tiến đưa cha ông ta vào miền nam, hình thành những người Việt mới, phóng khoáng như phong thổ địa dư của đồng bằng sông Cửu Long thì người miền nam cũng không ưa gì chuột. Dù miền nam phong thổ giàu tôm cá, cây trái đầy vườn, lúa nổi trồng chơi mà ăn thiệt nên cuộc sống ấm no, nhưng cứ vẫn ghét chuột như một đặc tính di truyền; trả thù chuột tinh vi hơn tiền nhân gấp bội. Mùa nước nổi, người miền tây đi quăng chà (là cành cây tạp ở rừng nước mặn) lên những cái gò cho chuột rúc lên gò trú ngụ suốt mùa nước nổi. Người ta còn đem lúa gạo, ngô khoai ra gò cho chuột ăn cho chúng mập ú. Rồi về canh con nước là cả một kinh nghiệm của những người lớn tuổi trong xóm làng, khi nước bắt đậu giựt tới đúng mức (không sớm không muộn) thì cả xóm kéo nhau đi giỡ chuột, là giỡ chà ngoài gò, mang theo chó săn để con lớn cùng người bắt sạch sành sanh lũ chuột, chó nhỏ tập săn chuột con cho quen. Những con chuột mập ú mập u đem về như chiến lợi phẩm sau một trận càn quét ngoài đồng; cả làng cả xóm vui nhộn ăn nhậu thịt chuột, không hết thì xẻ khô để dành ăn dần. Tiêu diệt chuột để bảo vệ mùa màng, nhưng đồng thời thịt chuột cũng là nguồn thực phẩm tươi sống, giàu dinh dưỡng và ngon miệng của người nam bộ. Bằng chứng có ca dao, “Cần chi cá lóc cá trê, thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều”. Diệt chuột như một bản năng sinh tồn của dân tộc sống nhờ cây lúa, nhưng tiền nhân phương nam ta lại tin rằng tiếng chuột kêu quanh nhà trong đêm giao thừa là điềm báo một năm mới sung túc, mùa màng bội thu. Gút mắt giữa con người và lão thử xem ra như trận thư hùng bất phân thắng bại từ đời tổ tiên ta tới nay, ghét nhau thì cứ ghét, nhổ cỏ nhổ tận gốc là yếu tố sống còn cho cả đôi bên, nhưng chả bên nào mất gốc là sức sống mãnh liệt của con người và lão thử, hình thành sự cộng sinh không khoan nhượng nhưng vẫn chấp nhận nhau như tạo hoá có bàn tay sáu ngón. Ngài chẳng bao giờ muốn nhìn ngón tay thứ sáu vừa xấu xí, vừa khó coi, nhưng không có ý nghĩ chặt bỏ cái dù gì cũng là một phần thân thể của ngài. Con cháu ngài ghét chuột truyền đời vì lẽ sinh tồn, nhưng chấp nhận chuột như một nghịch cảnh trong cuộc sinh tồn vì cuộc sinh tồn sẽ mất sức, kỹ năng chiến đấu khi không có nghịch cảnh.

   Rồi thì đâu chỉ dân tộc ta ghét nhà thử mà sao đối xử trái ngược với sự ghét một cách khó hiểu vậy? Đi vòng quanh trái đất với bác Google một chuyến du Xuân xem sao? Hoá ra nhiều dân tộc Đông Nam Á khác, vốn cũng sống với cây lúa như tiền nhân ta. Họ cũng ghét chuột, nhưng đối xử với chuột cũng hệt ông bà ta. Nhiều sự đời rải rác trên hành tinh này giống nhau đến không ngờ nếu không có xa lộ thông tin bây giờ thì khó biết người dân ở miền bắc Thái Lan vẫn tin rằng: Chuột trúc đã báo hiệu cho hai anh em nhà nọ về cơn đại hồng thủy đang tới. Hai anh em nọ thoát chết nhờ được chuột báo tin. Sau đó họ kết hôn với nhau để tái sinh nhân loại vì không còn ai sống sót trên địa cầu sau cơn đại hồng thủy. Bên Ấn Độ thì chuột không được tôn sùng lên hàng thánh đến thế, nhưng vẫn có mặt trong mười hai con giáp của xứ cà ri cùng với những con vật quen thuộc trong đời sống như trâu, sư tử, dê, khỉ… Trong thần phả Hindu, chuột là vật cưỡi của thần Ganesha, nên có tượng chuột thần trong các ngôi đền Ấn độ. Chuột được thờ trong đền thờ nữ thần Karni Mata ở Deshnoke bên Ấn độ do truyền thuyết kể rằng: Vị tổ mẫu thần bí Karni Mata là hoá thân của Durga (Nữ thần Sức mạnh và Chiến thắng), vì muốn đưa những đứa trẻ trong dòng tộc mình đã chết trở lại dương thế nên đã thương lượng với Thần chết Yama. Từ sau thoả thuận được, tất cả mọi người trong bộ lạc của bà sẽ tái sinh làm chuột cho đến khi được sinh ra một lần nữa trong dòng tộc. Nên loài chuột tại đây được thờ phụng huy hoàng, cho ăn tử tế, và ai giẫm phải chuột lền khênh ở những ngôi đền đều bị phạt vạ. Trong khi người dân vùng Nam Ấn lại hay ăn thịt chuột đồng. Trên Youtube có cảnh người bên Ấn độ đi săn bắt chuột rồi xỏ xâu đem ra chợ bán như người đi soi nhái bên quê ta. Người Indonesia ngày nay vẫn tin con chuột báo hiệu lũ lụt dâng cao cho con người tìm nơi trú ẩn cao hơn mực nước dâng, nên chuột là ân nhân cứu mạng con người. Những người tin truyền thuyết ắt sẽ đối xử khá hơn với chuột, còn lại vẫn xơi thịt chuột ngon lành.

   Dân tộc gắn bó với loài chuột đa phương diện nhất là người Trung Hoa theo dòng lịch sử của họ. Người Tàu sống du mục trên thảo nguyên với nghề chăn nuôi gia súc, làm rẫy ở miền trung du và trồng lúa nước ở miền nam Trung Hoa. Văn hóa trải dài trên đất nước rộng lớn và nền văn hoá lâu đời vào bậc nhất châu Á của người Tàu thì đâu đâu cũng có dấu ấn của lão thử. Họ giải thích về vị trí đầu bảng trong thập nhị địa chi của chuột y như người Việt. Điều này cho thấy văn hoá Việt ảnh hưởng văn hoá Tàu trong quá khứ rất đậm với “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu”. Người Hán bên Tàu làm nên vẻ vang dân tộc Hán với câu “nam tử Hán đại trượng phu” như một chuẩn mực về người đàn ông bên Tàu thì phải sống hào khí ngất trời như người đàn ông Hán. Nhưng hảo Hán lại xem chuột là biểu tượng của sự trung thực, cầu tiến và hào phóng. Chuột với hảo Hán có vấn đề gì đó trong tương quan thì chờ nghiên cứu chứ không có lời giải thích.

   Người Nhật, Đại Hàn cũng chọn chuột đứng đầu dãy Hoàng đạo của những nước này. Người Hàn có truyện cổ dân gian kể rằng: Lũ chuột nhắt và một con chuột già sống quanh kho lúa có một con mèo canh giữ. Lũ chuột lớp ăn lớp phá nên kho lúa hụt dần. Chú mèo đuổi bắt chúng không xuể. Thế mà bọn chuột nhắt lại còn lén cột vào cổ mèo một cái chuông to khi mèo ngủ để chúng không phải chạy mất mật khi mèo thình lình đuổi bắt, vì mèo chưa tới thì tiếng chuông đã leng keng báo hiệu. Chỉ mỗi lão chuột già cho đó là việc làm ngu ngốc. Lão khuyên bảo không được con cháu thì bỏ vào rừng. Tai hoạ từ chiếc chuông cột vào cổ mèo là đã báo động cho người chủ kho lúa biết được sự có mặt của lũ chuột nhắt. Người chủ kho tiêu diệt lũ chuột dễ dàng khi lần theo tiếng chuông ở cổ mèo. Chỉ mỗi lão chuột già còn giữ được mạng trong rừng. Câu chuyện này giống với - nhưng hơi ngược với truyện thơ ngụ ngôn “Hội đồng chuột” của Lafontaine. Có lẽ chuột già bên tây lú lẫn nên xui đàn chuột con cột chuông vào cổ mèo chứ không nhìn xa trông rộng như chuột già phương đông cản lại con cháu đừng làm chuyện dại mà mất mạng. Truyện thơ ấy rằng: Chuột thừa được lúc thảnh thơi/ Họp nhau bàn việc kim-thời nguy nan/ Chú chuột già ra bàn ngay trước/ Liệu mau mau trong bước hiểm nghèo/ Đem chuông mà buộc cổ mèo/ Để cho khi hắn leo trèo tìm ta/ Leng keng nghe hiệu là ta chạy/ Ai cũng khen mà lạy cụ trùm…

   Người Nhật cũng góp chuyện “Chiếc bánh gạo” vào kho truyện về lão thử. Truyện kể: Chiếc bánh gạo vô tình rơi vô hang chuột, lão nhân phát hiện ra cả dòng họ chuột, nhưng lão để chúng ăn mà không làm gì cả. Nên khi ăn xong chiếc bánh, lũ chuột cảm ơn ông lão, bày một buổi tiệc linh đình và còn tặng ông lão một món bảo vật. Câu chuyện mang triết lý đặc thù Phù Tang. Y hình biến tướng từ câu truyện cổ nổi tiếng bên Nhật về đạo sĩ nọ biết nhà có trộm mỗi ngày ghé thăm nhưng không bắt trộm. Hôm cuối cùng không còn gì trong nhà thì đạo sĩ nửa đường đi giảng đạo đã quay về nhà. “Ta trở về nhà không để bắt ngươi mà để xin lỗi ngươi hôm nay ta không còn gì cho người lấy!” Tên trộm về sám hối và hôm sau đem trả đạo sĩ tất cả những gì hắn đã lấy trước đó!

    Sang thăm Trung Đông với bác Google mới biết chuột đã có mặt trong nền văn minh Lưỡng Hà, cũng vẫn là hiểm hoạ cho con người, và cũng vẫn được con người kiêng nể chừng mực. Người Do Thái thì đưa chuột vào kinh Cựu Ước rằng: “Nghiêm cấm ăn thịt chuột”. Còn người Hồi giáo thì coi chuột là dơ bẩn, con người phải tránh xa. Vòng qua Nam Mỹ thì chuột vẫn mang ý nghĩa phá hoại những cánh đồng bắp. Xuống Nam Mỹ, người Inca cổ cho rằng con người là hậu duệ của loài vật, do vậy họ đưa tượng chuột vào thờ chung trong các đền thờ thần Mặt Trời và xem chuột là loài vật không được ăn. Một số dân tộc khác cũng liệt chuột vào loài cấm kỵ như người Peru, người Bolivia. Song, thổ dân vùng Amazon ngày nay vẫn thường săn chuột cho các bữa ăn hàng ngày. Bên cựu lục địa, chuột mang ý nghĩa là kẻ phá hoại, kẻ cướp, kẻ gieo rắc bệnh tật. Tín ngưỡng thờ chuột được cho là ra đời ở Hy Lạp từ thế kỷ mười lăm trước công nguyên. Tương truyền trong lịch sử châu Âu có một con chuột bạch linh thiêng từng sống dưới bàn thờ thần y Apollo. Nên trong điêu khắc, thần Apollo thường được thể hiện trên thân một con chuột. Và cũng từ đó, chuột thần có tên gọi là Apollo Smintheus, được nhiều người thờ. Dù người châu Âu còn nhớ những trận đại dịch làm chết nhiều người trong lịch sử, đặc biệt là vào thế kỷ mười bốn, một phần ba dân số cựu lục địa đã chết vì dịch hạch. Nên từ đó con chuột là vật thí nghiệm trong các phòng thí nghiệm về khoa học, các ngành sinh học, hoá học, y học… Chắc người cựu lục địa không đến nỗi trả thù nhỏ nhen với loài chuột đến vậy, chẳng qua là chúng có bộ gien di truyền gần giống với con người nhất trong các loài động vật hiện sống trên địa cầu nên phù hợp nhất để làm thí nghiệm.

   Nhưng nhân loại nhìn chung trong quan hệ với gia tộc lão thử gồm mười mấy loài từ chuột trũi đui mù, sống trong tăm tối cả đời dưới hang sâu. Đến chuột chù xấu xí, hôi hám; chuột cống ranh ma, chuột đồng ranh mãnh, chuột nhắt phá phách số một, chuột lùn chỉ nặng bằng hạt ngô… nhưng dân số chuột cũng đáng nể vì họ nhà chuột chiếm tới 40% động vật có mặt trên địa cầu. Cứ hình dung ra lượng lương thực nuôi sống khoảng sáu tỉ con chuột mỗi ngày, sức phá hoại của sáu tỉ bộ răng gặm nhấm, sức truyền bệnh dịch của sáu tỉ ổ vi trùng thì thật là khủng khiếp, thật đe doạ sự an nguy của con người trong sự cộng sinh đầy bất trắc khi ta nghĩ tới lão thử.

 

4.

 

Chính vì mối nguy hiểm cho con người từ loài chuột mà nhiều nghiên cứu đã chỉ ra cách sống, thói quen sinh hoạt của loài chuột để con người kịp thời cảnh giác khi chúng phát triển quá mức ở một vùng miền trên địa cầu. Chuột không sống vô tổ chức như nhiều người nghĩ mà xã hội chuột khá giai cấp, phân biệt đối xử như người. Các nhà nghiên cứu thói quen động vật đặt tên cho ba loại chuột tiêu biểu là chuột Anpha, Beta và Omega. Chuột Anpha là chuột quý tộc, to lớn bởi đủ ăn nên lông mịn, được quyền lấy nhiều vợ. Chúng chỉ làm mỗi việc bảo vệ nguồn thức ăn và nhiều chuột vợ, bảo vệ lãnh địa riêng cùng đám vợ con ngay trong lãnh địa chung của bầy chuột. Chúng đối xử không công bằng với chuột Beta và chuột Omega vì thường bắt hai bọn này làm việc cho chúng như đào rộng hang ra theo phát triển dân số trong gia đình chúng, đi kiếm thức ăn về cho chúng. Bọn này nhỏ bé hơn vì không đủ ăn, lại quần quật cả ngày nên sinh trưởng chậm chạm và đầu óc ngu hơn chuột Anpha bởi thần kinh căng thẳng liên tục do lũ Anpha khủng bố tinh thần chúng ngày đêm. Chuột Beta và Omega thường độc thân vì ốm đói nên lông xấu xí xù xì, gái không mê, nếu có vợ theo nhu cầu sinh lý thì cũng không nuôi nổi đàn con sinh ra. Lũ trẻ tự đi kiếm ăn khi chưa cứng cáp thì đa phần thành mồi ngon cho mèo, các loài chim ăn thịt.

   Sinh hoạt của xã hội chuột là những con chuột đực trẻ trung trong đàn thường đi lùng sục khắp nơi để tìm thức ăn. Khi yên tâm là ăn được và không nguy hiểm mới về báo cho cả ổ để cùng đi phá hoại loài người. No nê rồi thì đi tán gái, phát ra những bản tình ca của chuột để rù quến bạn tình như chuột kêu chít chít trong rương… Khi đã thành đôi lứa xứng đôi mà chuột chồng đi chợ đường xa, chuột vợ ở nhà xóc dằm chuột lạ thì chuột chồng về sẽ phát hiện ra ngay mùi lạ của gã qua đường. Chuột chồng sẽ xé xác mụ vợ ngoại tình cho đến khi mùi lạ ấy tan đi mới thôi. Vì thế có đêm người ngủ không được vì chuột quấy quá, chúng chẳng phải đói mà đánh nhau giành ăn, chúng ghen vì yêu quá đi mất rồi, đấy! Chuột rất hay nhận diện thành viên trong bầy đàn, biết phân biệt hàng xóm hay người nhà cùng huyết thống nên chuột không bao giờ loạn luân. Dù khả năng sinh sản nói lên nhu cầu sinh lý của chuột cũng thuộc bậc thầy. Chỉ cần ba tháng kể từ khi chào đời là chuột con đã trưởng thành, đã bắt đầu chim chuột với nhau, cứ ba tháng vợ chồng chuột lại cho ra đời một lứa chuột con từ mười tới mười hai con. Nếu chuột con không chết con nào thì chỉ một năm, một đôi chuột sẽ sản sinh theo cấp số nhân ra thành hai mươi triệu con chuột!

   Theo các nhà nghiên cứu thì khả năng thích ứng môi trường và biến đổi gien của chuột thuộc bậc thầy. Nên các loại thuốc diệt chuột hầu như chỉ có tác dụng một lần vì giả dụ như bầy chuột bị thuốc chết đến chín mươi phần trăm vì chuột thám thính nhầm lẫn thứ ăn được và thứ không ăn được, thì mười phần trăm còn lại sẽ ăn thứ khác, đẻ lứa mới; và lứa chuột con sau đại nạn của dòng tộc sẽ miễn nhiễm với loại thuốc độc trong thức ăn mà cha ông chúng đã tử nạn chín mươi phần trăm. Mặt khác, lứa chuột con đã có trong cơ thể loại kháng thể chống độc dược mà cha ông chúng đã chết vì bị con người lừa gạt. Đặc biệt thế hệ mới này có sức sinh sản khủng khiếp như thiên nhiên bù lại số lượng chuột đã gặp kiếp nạn. Số liệu thống kê cho biết, sau mỗi đợt diệt chuột, số lượng của chúng thường tăng lên thêm ba phần trăm/ năm vì chúng có khả năng hình thành gien mới để xoá bỏ độc tính của thuốc chuột. Thậm chí, khi con người dùng thuốc chống đông máu Warfarin trong thuốc diệt chuột để chúng chết vì một xây xước nhỏ nhưng sẽ chảy máu hoài mà chết, thì chúng hoá giải bằng cách đi tìm các thức ăn giàu Vitamin K để ăn, để tạo chất đông máu cho cơ thể. Con người thán phục lão thử quá sức nên bắt chước chuột chiêu này để chế ra thuốc điều trị chứng xuất huyết bao tử!

   Chuột giỏi đủ điều: thông minh, lanh lợi, gian trá, thần y… nhưng cũng tạo nên xã hội chuột nhiều bất công, áp bức, xa hoa và phù phiếm như xã hội người. Nên Lafontaine đã ví “Hội đồng chuột” trong thơ ngụ ngôn của ông như Hội đồng thành phố: “Té ra cuộc luận bàn thật hão/ Có lạ gì bàn láo xưa nay/ Chẳng là việc chuột thế này/ Việc dân việc nước cũng hay bàn xằng…”

 

5.

 

Nếu nói rằng, đi giáp vòng thiên địa cũng chỉ thấy chuột biểu tượng cho sự xấu xa thì không hẳn vì qua cơ thể học, xã hội học…, con chuột gần với con người hơn hết những loài động vật khác. Dù tìm kiếm hình ảnh con chuột dễ thương hơn cũng hơi khó, nhưng vẫn có. Truyện dân gian xưa có kể về “Trinh thử” để nhắn nhủ những goá phụ cô đơn trong cõi người là con chuột goá chồng nọ, nhưng một mực giữ trinh tiết, từ chối hết mọi ve vãn của những lão chuột cô đơn. Cuối cùng chuột goá đã thắng những cám dỗ. Trên màn ảnh nhỏ có chú chuột Mickey và cô bạn gái Minnie. Thống kê cho thấy có tới một trăm hai mươi tám phim về Mickey đã ra đời, làm say mê bao thế hệ trẻ em. Từ năm 1940, chuột Jerry xuất hiện trong phim hoạt hình “Tom & Jerry” làm say mê cả người lớn về các cuộc đuổi bắt và đấu trí ngoạn mục giữa hai kẻ thù truyền kiếp là mèo Tom và chuột Jerry. Những bộ phim này đã bảy lần đoạt được giải Oscar.

   Chuột cũng không tệ với người khi mang trong hình hài nhỏ bé, xấu xí một bộ gien giống đến chín mươi phần trăm với bộ gien con người. Trở thành sự đóng góp đáng kể trong nghiên cứu y học của con người. Chuột không chỉ có những giống chuột xấu xí hôi hám vì vẫn đem lại niềm vui cho con người qua sự trắng muốt của chú chuột bạch ngây thơ, chuột lang dễ thương. Não chuột được dùng để sản xuất ra một số vaccine phòng bệnh cho người. Các nhà khoa học còn nhân bản vô tính chuột, biến đổi gien chuột để nghiên cứu cách chữa trị cho các bệnh di truyền, bệnh ung thư và nhiều bệnh liên quan đến hệ gien của con người. Bằng cách gây đột biến gien hay ghép gien, con người mong tạo ra giống chuột có sức mạnh phi thường hơn loài chuột để thử nghiệm nâng cao thành tích thể thao hoặc dùng vào những mục đích khác của con người.

   Nhìn lại sự cộng sinh giữa chuột và người không quá thiên vị nơi tạo hoá vì chuột cũng cống hiến lại cho người nhiều việc khó tới phải hy sinh tính mạng trong phòng thí nghiệm, trên chảo xào lăn, khìa nước dừa, làm khô để dành lai rai ba sợi khi trời mưa, mùa lũ về, mùa nước nổi mênh mông trên con thuyền không bến… Có con gì trên đời thủy chung chung thủy với con người vô điều kiện như lão thử? Người đời ca tụng sự trung thành của con chó, nhưng dồn chó vô chân tường thì chó xực lại chủ. Khi ấy mới biết thương lão thử dồn lá sả nướng trên than hồng, lão tùng xẻo mỡ bụng, mỡ đùi giúp vui như nhạc lễ cho mối lương duyên của con người hoà quyện với đất trời bên chung rượu lạt… hát câu vọng cổ, gõ nhịp song lang, xuống câu xề ngọt như lão thử nướng than rồi mới hề hà kể cho con cháu nghe câu chuyện giống nhất giữa người và chuột là truyện tranh ba con chuột và hũ mỡ cạn. Truyện rằng: Ba con chuột rủ nhau đi ăn đêm, chúng phát hiện được hũ mỡ quên đậy nắp trong nhà bếp. Vốn là loài “thông minh” nên chúng nghĩ ra được cách con này cắn đuôi con kia thì con thứ nhất mới thả mình xuống được tới đáy hũ mỡ cạn. Nhưng “tính tham” bản chất nên con thứ nhất cứ ăn mãi mà không chịu thay phiên cho hai con sau. Chúng càng giống con người trong xã hội siêu động vật là hai con sau nhả đuôi con thứ nhất ra… để cùng ăn. Nên sáng ra, bà nội trợ nọ chỉ còn mỗi việc đậy nắp hũ chuột ba con, vứt vô thùng rác. Truyện tranh ngắn gọn cho trẻ em dễ hiểu nhưng con nít sống lâu năm cũng vẫn chết chung, chết chùm, chết cả lũ như chuột đã hai triệu năm nay.

   Năm chuột lại về như người thân xa vắng nay thỏa nhớ mong. Cớ gì không quên đi những hận thù truyền kiếp để chung sống như chưa bao giờ, phải không lão thử?

 

 

Ý kiến bạn đọc
25/01/202015:28:22
Khách
Bài viết dài đọc mệt nghỉ, nhưng quả là hay. Tác giả bỏ nhiều công nghiên cứu và dùng lời văn dễ hiểu khiến cho người đọc say mê đọc luôn một lèo.
25/01/202005:50:34
Khách
Chiều 30 Tết đọc bài viết "Sống Với Lão Thử" của Phan, ba lần mới hết vì đang đọc lại có khách. Bận rộn nhưng bài viết lôi cuốn người đọc quá, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, rất hay và y nghĩa, cám ơn tác giả.
Chúc Phan và gia đình một cái Tết Canh Tý vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,670,675
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền già. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết mới nhất của bà.
T. Thiên Thu là cư dân Phoenix AZ, tốt nghiệp ngành Nursing tại Texas năm 1974 và làm việc cho St. Joseph’s hospital Phoenix, AZ gần 40 năm, nay đã về hưu,vui thú điền viên.
Chúng ta đang ở những ngày đầu của tháng Tư. Thời điểm này, bỗng nhắc nhớ trong tôi miền ký ức khó phai của hai mươi tám năm về trước. Ngày này, 07/4/1992, gia đình tôi đang ở New York City đúng mười ngày đầu tiên, đang ngơ ngác trước khung trời tự do rộng mở dù vẫn còn dầy đặc nỗi lo âu cho một tương lai chưa định trước. Thành phố New York là “thành phố lớn không bao giờ ngủ” (New York, the big city is not asleep), người ta hay nói vậy thật không sai chút nào.
Trần Như Nguyện, là phóng viên của một số báo Việt và đài truyền hình tại Hoa Kỳ. Hiện đang cư ngụ tại thành phố Houston - Texas. Tác giả từng được nhận giải đặc biệt " Viết Về Nước Mỹ " vào 2018 với tác phẩm " Mẹ Lúa chạy bão Harvey ". Đây là bài viết trở lại sau thời gian vắng bóng.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài viết mới.
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân: "Thế và Tôi." Sau đây là bài mới nhất
Tháng tư vùng Hoa Thịnh Đốn cỏ hoa, khí hậu tuyệt vời, cuộc sống vật chất đầy đủ tiện nghi làm Vân bùi ngùi nhớ lại tháng 4 hãi hùng, đau thương cách đây 45 năm, nhớ họ hàng bà con ở quê hương VN xa xôi mà Vân không có cơ hội găp lại.Sau tháng 4 /75 nhiều gia đinh ly tán, trẻ con nheo nhóc, vợ trẻ xa chồng, mẹ già mòn mõi ngóng tin con. Nhiều người đang nhà cao cửa rộng phải đi ở nhờ ở đậu. Có người liều vượt biên, làm mồi cho cá nơi biển cả hay nạn nhân bọn cướp biển, phụ nữ bi hãm hiếp… Gia đình bạn Vân gồm 2 vợ chồng và 3 con vượt biên cùng 28 người họ hàng bị bão chìm tàu. Chỉ 8 người sống sót. Người bạn sống nhưng vợ và 3 con chìm trong lòng biển cả mênh mông. Nhắc mà đau lòng, xót xa cho cảnh chia ly tang tóc. Sau cuộc đổi đời vào tháng 4/ 1975, miền Nam trước kia sung túc lúa gạo dư thừa còn xuất cảng nước khác mà năm ấy một số dân Saigon phải ăn độn bo bo. Một hoc trò Vân cho biết sau khi cha em đi tù cải tạo ít lâu gia đình em “khoái ăn sang”.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.
Thoạt tiên, khi đại dịch khởi phát từ Vũ Hán, người ta liền đặt cho nó ngay một cái tên cho dễ nhớ Coronavirus Wuhan. Rất dễ hiểu vì nó xuất phát từ bên Tàu nên có người còn gọi là “cúm Tàu”. Tiếp theo đó, Coronavirus đã theo bước chân con người đến tàn phá ở các quốc gia: Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Phi châu... và những vùng đất xa xôi nhất mà người ta ít dịp nghe nói đến trên hành tinh. Hàng loạt các cuộc tấn công, miệt thị người gốc Á đã xảy ra nơi công cộng ở nhiều nơi trên thế giới để “trả thù dân tộc” từ khi mới bắt đầu đại dịch cho đến bây giờ; người gốc Việt không nằm ngoại lệ nên cũng bị vạ lây!!! Các nước bắt đầu ra lệnh đóng cửa biên giới để giữ an toàn cho vùng lãnh thổ của mình. Làn sóng kỳ thị lại đổ dồn về những nơi diễn ra tâm dịch, nhất là đối với những người đến từ vùng dịch. Những sinh viên, người lao động bao ngày đi du học, đi làm ở nước ngoài giờ ùn ùn kéo về Việt Nam hàng loạt!