Hôm nay,  

Sau Cơn Mưa Trời Lại Sáng!

10/01/202000:00:00(Xem: 12462)
 
Tac Gia Thanh Mai
Từ trái, tác giả VVNM Thanh Mai.

Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài mới nhất của cô.

***

Mùa xuân đã tới. Nắng ấm. Chim hót rộn ràng. Những chiếc lá xanh mơn mởn lấp lánh nhảy nhót trên cành. Cảnh vật vô cùng xanh tươi, tưng bừng và đầy sức sống. Dường như ông trời cũng cùng chia vui ngày lễ tốt nghiệp Đại học đứa con Út của chúng tôi. Vui là thế nhưng khi nhìn con được dẫn lên khán đài lãnh bằng mà tôi không sao cầm được nước mắt vì xúc động. Chắc ông xã đang đứng đâu đó quay phim cũng có cùng tâm trạng như tôi.

 

Đứa con này của chúng tôi bị kém thị lực đã 13 lần mổ mắt. Con còn bị bịnh tự kỷ và bị rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder). Nuôi con từ ngày còn trứng nước cho đến nay biết bao gian truân và công khó nhưng cũng tạ ơn trời là con qua được nước Mỹ để được một nền y học gần như tiên tiến nhất thế giới chữa trị để không bị mù hẳn, cũng như được những tấm lòng thương người nhiệt tình giúp đỡ từ bác sĩ, thầy cô, gia đình và bạn bè nên con được thành đạt như ngày hôm nay. Nhưng phần chính là nhờ sự cố gắng, chăm chỉ muốn vươn lên của chính con – Trần Lộc.

 

Năm 2008 tôi có viết bài “Ép con học hành quá sức” để nói về đứa con bịnh tật của mình (https://vvnm.vietbao.com/a164005/ep-con-hoc-hanh-qua-suc) gởi cho mục Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo và may mắn được giải Vinh Danh Tác Giả. Sau đó viết thêm bài “Có tật có tài” (https://vvnm.vietbao.com/a164853/co-tat-co-tai) đăng trong Việt Báo năm 2010. Nhưng nay cũng xin nhắc lại sơ qua về Lộc. 

 

Lộc rất có năng khiếu về âm nhạc, toán số học, và có trí nhớ tuyệt vời. Tuy nhiên vì bịnh tự kỷ và thị lực yếu nên Lộc có những hạn chế trong giao tiếp, học tập nhất là những môn học đòi hỏi thị lực như toán hình học, đọc sách, v.v…

 

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông 12 năm, Lộc phải học chương trình chuyển tiếp sau trung học dành cho học sinh bị tự kỷ và tiếp đó phải vào nội trú dành cho người kém thị lực để học cách tự sinh hoạt và tự sống độc lập. Mỗi tuần Lộc được về nhà vào chiều thứ Sáu và vào lại trường chiều Chủ Nhật. Trường cách nhà gần 2 giờ lái xe nên Lộc theo xe đưa rước của trường. Mỗi lần đưa Lộc ra bến xe, nhìn con lủi thủi vác ba lô lên xe bus thấy thương và lo vô cùng vì lâu nay Lộc được sống dưới sự chăm nom đùm bọc của gia đình. Chúng tôi lo cho con từng ly từng tí cứ mãi xem con như một em bé nhỏ dại mặc dù con đã 18 tuổi đầu cao lớn còn hơn cha mẹ nữa. Nay cũng là lúc nên để con học cách sống tự lập vì mình đâu có thể sống đời mà lo cho con được. Biết vậy nhưng lòng sao cứ quyến luyến không muốn rời và cứ thấy tội nghiệp con sao đó.

 

Thời gian đầu Lộc được cho ở chung phòng với 3 học sinh khác cũng kém thị lực nhưng trong một ký túc xá chung. Từ từ những năm sau tách ra dần và cuối cùng là ở nhà riêng tự lo dọn dẹp, hút bụi, chùi cầu, nấu ăn, rửa chén. Họ cũng dạy Lộc biết kêu xe taxi hay xe Metro Mobility dành riêng cho người khuyết tật để đi đây đi đó. Nói chung là sau 3 năm ở trường Lộc biết tự lo cho mình rất nhiều từ việc tự đi khám bác sĩ, đi học, đi chơi, tự lo thuốc men, lo vệ sinh phòng ốc, nhà cửa, v.v…

 

Cứ vài tháng là trường tổ chức cho phụ huynh được gặp các thầy cô, nhân viên về tự kỷ, cố vấn tâm lý, và nhân viên hội người mù phụ trách cho Lộc. Họp để thông báo về những tiến triển cũng như những mục tiêu huấn luyện tiếp theo, gia đình cần gì hoặc có ý kiến gì thêm cho cháu. Chúng tôi đòi hỏi họ phải cho Lộc học thêm về văn hóa để sau khi hoàn tất huấn luyện ở đây sẽ tiếp tục học lên đại học nhưng người cố vấn và một vài cô giáo đều bảo Lộc không có khả năng học tiếp Đại học mà cần phải được đào tạo về những công việc dành cho người kém thị lực có thể làm được trong xã hội.

 

Không biết có phải công việc và mục tiêu của những người này là phải giúp đỡ cho những người khiếm khuyết như Lộc có công ăn việc làm để khỏi là gánh nặng của xã hội? Hoặc có thể họ không hiểu rõ khả năng của Lộc chăng? Chúng tôi biết con mình có năng khiếu âm nhạc, trí nhớ tốt và nhất là rất cần cù, chăm chỉ, chịu khó tìm hiểu. Nếu không học chữ được thì chí ít cũng phải đi theo ngành âm nhạc càng cao càng tốt nên yêu cầu nhà trường kiếm một trường college trong khu vực ghi danh cho Lộc học thử vài lớp để có thêm kiến thức và trau giồi trí óc không bị mai một. Sau đó họ cũng tìm được trường college và ghi danh cho Lộc vào lớp College Algebra.

 

Nghe giáo viên lớp này cho biết Lộc vô cùng xuất sắc. Thầy vừa giảng vừa trình bày trên bảng, chưa viết xong thì Lộc đã tính ra đáp số mặc dù không nhìn lên bảng. Thầy hỏi gì nó đều trả lời vanh vách và đều chính xác. Trả lời nhanh và nhiều quá đến nổi thầy phải nói Lộc nên bớt cho đáp số để các bạn suy nghĩ ..

 

Chẳng biết mấy giáo viên và người cố vấn cho Lộc có thay đổi quan điểm khi nghe chuyện đó không. Nhưng sau ba năm tốt nghiệp trường huấn luyện này Lộc được trở về nhà ghi  danh và thi đậu vào một trường college chuyên về âm nhạc. 

 

Tôi kể cho con nghe chuyện Lưu Bình Dương Lễ ngày xưa. Dương lễ và Lưu Bình là hai người bạn rất thân. Dương Lễ là con nhà nghèo, rất chăm học. Còn Lưu Bình nhà giàu, thông minh nhưng biếng học. Lưu Bình thường giúp bạn tiền để mua sách vở học hành. Đến kỳ kinh đô mở khoa thi, chỉ một mình Dương Lễ thi đậu và được ra làm quan. Lưu Bình thi rớt, bất đắc chí càng ăn tiêu phung phí nhiều hơn nên tài sản cạn dần trở thành nghèo khó. Đến khi túng thiếu quá Lưu Bình tới nhà Dương Lễ nghĩ là bạn sẽ giúp đỡ lại cho mình nhưng Dương Lễ tiếp bạn một cách thờ ơ và ra vẻ khinh bỉ coi thường. Lưu Bình bỏ về lòng rất tức giận, quyết học hành đỗ đạc ra làm quan cho bạn biết tay. Nhưng nay muốn học lại không có tiền để theo đuổi việc học, Lưu Bình đang buồn rầu không biết suy tính ra sao thì tình cờ gặp được một cô gái tên Châu Long muốn giúp đỡ. Châu Long dọn đến kế nhà Lưu Bình ở, ngày đêm dệt lụa nuôi chàng ăn học. Lưu Bình rất cảm động và biết ơn ân nhân, quyết tâm ngày đêm học hành chăm chỉ. Đến khoa thi kỳ này chàng được đậu cao và được làm quan. Ngày vinh quang trở về làng, Lưu Bình không thấy Châu Long còn ở đó nữa, nàng đã hoàn toàn biến mất. Để cho Dương Lễ biết mình không phải là đồ bỏ đi, Lưu Bình mặc áo quan và dẫn theo vài người lính tới nhà thăm Dương Lễ. Lần này Dương Lễ đón tiếp Lưu Bình rất niềm nỡ, long trọng và còn kêu vợ ra chào. Lưu Bình ngạc nhiên và hiểu ra tất cả vì vợ của Dương Lễ chính là Châu Long. Dương Lễ đã làm cho chàng tự ái và sau đó để vợ sang giúp chàng học hành mới được như ngày nay. Từ đó hai nhà trở thành thân thiết!

 

Lộc nghe chuyện rất tâm đắc nói:

 

- Con sẽ cố gắng học lên để mấy cô thấy! 

 

Tôi bàn:

 

- Năm đầu tiên con học part time cho quen dần nhé. Có đà rồi năm sau lấy full time.

 

Cũng vì học part time nên không xin được học bỗng phải è cổ ra đóng cho mùa đầu tiên. Vì là trường tư nên học phí rất cao, lấy có 7 credits mà học phí đến 7 ngàn đô một mùa. Lộc vừa học vừa thi đậu cho một số lớp khác cũng được 12 credits và transfer 5 credits lấy từ trung học để khỏi cần học sau này. Coi như năm đầu học part time nhưng cũng như full time.

 

Lộc học những lớp chuyên âm nhạc có vẻ rất dễ dàng nên năm sau chúng tôi cho Lộc lấy full time. Nhà trường xét cho học bỗng được 4 ngàn mỗi mùa chúng tôi “chỉ” còn đóng thêm 22 ngàn một năm điếc con ráy. Thôi kệ ráng mà lo cho con! 

 

Lộc được các thầy âm nhạc thương lắm vì sự ngây thơ và tài năng của mình. Những môn ngoài âm nhạc như đọc và viết Lộc không khá nhưng nó chịu khó làm bài và đi hỏi thầy cô giúp đỡ nên cũng được điểm khá cao. Cu cậu nhớ tới chuyện tôi kể từ hồi còn nhỏ về người nông dân hẹn ngày mai mới đi xịt thuốc sâu vườn cải ai ngờ hôm sau thì vườn rau bị sâu ăn sạch. Chuyện gì làm được ngay thì nên làm chứ đừng hẹn ngày mai! Cu cậu   tâm đắc lắm nên có bài vở là học và làm ngay. Cũng tội là thị lực yếu nên nó phải mất thời gian để đọc gấp đôi, gấp ba người thường.

 

Qua năm thứ ba, tôi liên lạc lại với cơ quan lo cho người mù của Minnesota là SSB xin giúp đỡ. Lần này thật may là gặp được ông xếp. Sau khi nghe tôi trình bày về trường hợp của Lộc đã chỉ định một cô rất nhiệt tình đứng ra lo cho Lộc. Lộc được SSB tài trợ mỗi mùa học 6 ngàn đô và tiền mua sách vở cùng tiền xe bus. Mỗi mùa tôi chỉ đóng thêm 5 ngàn thôi đỡ khổ.  SSB cũng giúp cho người tập cho Lộc scan bài vào computer hoặc phone rồi đọc bằng software nên nhanh hơn một tí. 

 

May mắn là trường chỉ cách nhà cỡ 25 phút lái xe. Nhưng đó là xe nhà chở đi chứ Lộc đi xe Metro Mobility thì có khi phải mất hơn 1 giờ vì xe phải đưa đón nhiều người. Tài xế xe Metro Mobility này phải đưa và dắt người khách đến tận cửa nhà nên rất an tâm Lộc không phải một mình băng qua đường. Cứ đầu mỗi mùa học khi có thời khoá biểu, chị dâu của Lộc là Tracy lo liên lạc và làm lịch hẹn nguyên mùa cho xe Metro Mobility đưa đón. Lộc chỉ gọi xe đưa đón trong tuần lễ đầu hoặc những ngày lịch học thay đổi thôi. Nhờ hệ thống xe Metro Mobility mà Lộc tự đi học suốt cả 4 năm đại học!

 

Đến năm cuối thì SSB cắt bớt tiền còn giúp có 3 ngàn mỗi mùa vì kinh phí tiểu bang bị cắt giảm. Nhưng được vậy cũng mừng rồi. Lộc tốt nghiệp với điểm trung bình 3.73. Thầy Gary là một ông thầy nổi tiếng khó tính, ít học sinh lấy lớp của ông vì ông rất hiếm cho điểm A. Lớp đầu tiên Lộc học thầy bị điểm B trong khi các lớp khác đều điểm A. Mùa sau các bạn Lộc lấy lớp đều tránh ông thầy này. Tôi nói với con:

 

- Thầy khó như vậy thì con càng nên theo vì khi con được thầy cho điểm A mới chứng tỏ là con giỏi.

 

Lộc nghe lời mẹ. Sau đó nó đều được điểm A lớp của thầy Gary và là trò cưng của thầy. Khi thấy Lộc dự định sẽ học tiếp chương trình master thầy Gary hứa sẽ là người hướng dẫn cho Lộc  nhưng người tính không bằng trời tính. Trường Mc.Nally Smith College of Music thình lình bị đóng cửa vì không đủ kinh phí, thầy trò phải chia tay nhau.

 

Lộc tốt nghiệp âm nhạc 4 năm ngành trình diễn piano nhưng chỉ đi làm được 2 việc part time đánh đàn có lương 4 giờ một tuần và 2 việc part time không lương tình nguyện đánh đàn cho người già và người bịnh. Ngoài ra Lộc còn làm cho tiệm Walgreens gần nhà kiểm tra hàng hoá hết hạn. Có lần tôi ghé vào xem con làm việc thế nào thấy cu cậu rất chăm chỉ, vừa làm vừa suy nghĩ chuyện gì đó mà cười tủm tỉm hí hửng vui vẻ lắm!

 

Tuy không kiếm được việc làm nhiều tiền lương khá với mảnh bằng đại học nhưng đường đời còn dài đâu biết được. Miễn sao con không biếng nhác, chịu khó làm việc, học hỏi và yêu đời, lạc quan mà sống là tốt rồi.

 

Người quen nghe Lộc ra trường đại học đều chúc mừng và khen Lộc có chí, đồng thời cũng khen Ba Mẹ Lộc khéo Lộc khéo lo cho con. Nhưng họ có biết đâu chuyện hai năm sau....

 

2019

 

15 năm trước Lộc bị bịnh rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder), phải uống thuốc Depakok một thời gian rất dài nhưng bác sĩ cho giảm thuốc dần và ngưng uống được 3 năm nay. Bỗng dưng năm nay sau khi đi chơi CA về được nửa tháng Lộc trở bệnh mất ngủ và mất...trí! Tâm thần hoảng loạn, nói năng lộn xộn và khóc đó cười đó theo từng tâm trạng xẹt qua trong đầu. 

 

Vì là ngày cuối tuần nên chúng tôi không thể liên lạc được với bác sĩ thần kinh của Lộc ngày xưa, phải ráng chờ đến thứ Hai  ngày đầu tuần. Đêm thứ Sáu, thứ Bảy và cả Chủ Nhật Lộc không ngủ được. Nhìn con trằn trọc ráng dỗ giấc ngủ nhưng miệng thì nói tầm xàm chuyện nọ xọ chuyện kia mà thương quá. Rồi Lộc khóc rưng rức nói với tôi:

 

  • Lộc rất lẻ loi. Gia đình ai cũng thương nhưng không hiểu Lộc. 
  • Sao lại không? Ai cũng lo và dành thời giờ nói chuyện với Lộc mà.
  • Má là người mẹ tốt nhất thế giới nhưng Má đặt mấy mục tiêu cho Lộc làm Lộc mệt mỏi và bất mãn. Má muốn cho Lộc tốt hơn nhưng Má không biết cách khuyên răn. Và Má không kiên nhẫn cũng như không có đủ tiếng Anh để hiểu những gì Lộc diễn tả nên Má cứ nói Lộc nói chuyện rườm rà dài dòng khó hiểu!

 

Chết chưa! Thằng con nhận xét mẹ sao mà...đúng quá. Mà trong lúc đầu óc không tỉnh táo sao nó lại nói lên được những điều như thế nhỉ? Lâu nay thấy Lộc được bác sĩ cho khỏi uống thuốc bệnh rối loạn lưỡng cực, lại học xong đại học tôi “quên” con mình dù sao cũng là bịnh tật nên đúng là có áp đặt cho Lộc thật. 

 

Tôi không thích Lộc làm ra những bài nhạc rap bậy bạ kỳ cục với ngôn ngữ chửi thề vô văn hóa nên thường chê bai và muốn Lộc sáng tác nhạc cổ điển hoặc Jazz! Tôi cũng hay làm thơ vui bậy bạ chứ có đàng hoàng nghiêm chỉnh đâu mà bắt Lộc phải làm nhạc cổ điển tuổi trẻ con không hợp? Con có di truyền máu “quậy và tếu” của cha mẹ mà lại đi phản đối chê bai là không đúng rồi.

 

Tôi còn hay góp ý thẳng về cách ăn uống hay bộ điệu của Lộc làm thằng con buồn lòng, tự ái. Lộc rất nhạy cảm về âm thanh và ngôn ngữ. Dùng chữ hơi “nặng” là cu cậu khó chịu, góp ý và “chỉnh” ngay nên tôi phải ăn nói cẩn thận, lịch sự với con. Cái tính tôi thường ăn ngay nói thẳng không thích màu mè lấp lửng nên đôi khi làm buồn lòng bạn bè, con cái. Thôi thì cũng phải học ăn học nói lại cũng tốt thôi.

 

Còn những khi hai mẹ con bàn nhau về những vấn đề liên quan đến tâm lý thì tôi thường kêu trời vì nó dẫn giải chi tiết nghe mệt ơi là mệt! Lộc là một con người ngây thơ nhưng rất sâu sắc trong một vài lãnh vực, trong khi tôi thiên về cảm tính và suy nghĩ đơn giản hơn nên thường là hai mẹ con chấm dứt đối thoại với giải pháp “hồn ai nấy giữ”. Chẳng ai đồng ý với ai!

 

Ngoài tôi ra, Lộc còn nhận xét về những người khác trong gia đình như ba, anh, cô chú lâu nay đối với nó ra sao. Đúng là Lộc bị cô đơn lẻ loi thật. Trong những sinh hoạt họp mặt gia đình, bạn bè ai cũng lo tụm năm tụm ba cười đùa tán dóc trong khi Lộc lủi thủi một mình với cái phone. Anh chị em họ cùng lứa tuổi cũng ít nói chuyện vì Lộc không hoạt bát và không cùng một thế giới với họ. Ngay cả tôi là mẹ chỉ lo lấy đồ ăn cho con rồi đi tán dóc với người khác. Nghĩ lại thấy giận mình và thương con hết sức! 

 

Tôi có chị bạn trong nhóm Việt Bút là Annie. Lần vừa rồi dẫn Lộc đến nhà chị ở CA để họp mặt nhóm vậy mà chỉ đã rất chu đáo cử cậu con trai là Quân theo giúp đỡ và tiếp đãi nói chuyện với Lộc nên Lộc rất vui và mến anh Quân. Đến nay Quân vẫn chịu khó giữ liên lạc và quan tâm đến Lộc! Cám ơn anh chị Annie và Quân rất nhiều!

 

Kỳ trở bịnh này Lộc phải vào bệnh viện tâm thần chữa trị hơn 10 ngày. Chúng tôi cũng yêu cầu họ được vào bệnh viện ở với con như hồi Lộc còn nhỏ. Lúc đầu nhân viên bệnh viện từ chối vì họ bảo bệnh viện dành cho người lớn lâu nay không cho thân nhân người bệnh vào ở chung. Chúng tôi lấy lý do thị lực của Lộc kém cần người phụ giúp trong sinh hoạt nên cuối cùng họ chấp nhận và gia đình tôi được một phòng riêng thay nhau vào ở để lo cho con như mười mấy năm trước.

 

Phải công nhận những bác sĩ cũng như y tá và nhân viên làm ở đây đều rất kiên nhẫn và có tấm lòng rất tốt với bệnh nhân. Họ sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi từng ly từng tí bất cứ giờ nào và bất cứ chuyện gì mình yêu cầu. Muốn gặp bác sĩ là họ đưa bác sĩ đến gặp mình ngay và bác sĩ vui vẻ trả lời những thắc mắc...v.v

 

Chỉ có một cái khổ cho bệnh nhân là không được ra khỏi khu vực trị liệu này cứ như bị nhốt trong tù. Không được ra ngoài trời đi dạo, chơi bóng rổ, đi tắm hồ như sinh hoạt hàng ngày nên Lộc khó chịu lắm! Nhưng cũng may là lần bệnh này bác sĩ đã biết tiền sử bịnh của Lộc nên cho lại loại thuốc uống như ngày xưa và thêm một loại an thần nhẹ nên sau một tuần Lộc lần lần ngủ lại được. 

 

Có điều không biết tại sao lượng đường trong máu Lộc rất cao bác sĩ phải tiêm insulin liên tục để làm giảm lượng đường trong máu. Lộc là người ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên, lại còn trẻ mà lại vướng tiểu đường loại 2 xui thật. 

 

Đúng 10 ngày “tù” trị liệu Lộc được xuất viện. Cu cậu mừng lắm. Được trở về nhà tự do thoải mái muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Chỉ khác xưa là phải uống thêm nhiều thứ thuốc để chữa bệnh. Bác sĩ cũng giới thiệu nhiều tổ chức để giúp đỡ cho Lộc hòa nhập thêm vào xã hội, sinh hoạt rộng hơn để không còn cảm thấy cô đơn, lẻ loi.

 

Nuôi một đứa con như Lộc chúng tôi phải để ý theo dõi những diễn biến tâm lý và quan tâm đến những thay đổi để kịp thời giúp con. Vậy mà vẫn để con cảm thấy lẻ loi thì quá là tệ.  Các cô chú, dì dượng cũng tự trách khi biết được Lộc “lẻ loi”, và ai cũng tự hứa sẽ quan tâm nói chuyện với Lộc nhiều hơn. 

 

Qua cơn mưa trời lại sáng! Hy vọng Lộc sẽ có cuộc sống mới nhiều bạn bè và không còn lẻ loi trên trái đất đầy người này!

 

Ý kiến bạn đọc
06/08/202014:22:31
Khách
"Đứa con này của chúng tôi bị kém thị lực đã 13 lần mổ mắt. Con còn bị bịnh tự kỷ và bị rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder). Nuôi con từ ngày còn trứng nước cho đến nay biết bao gian truân và công khó nhưng cũng tạ ơn trời là con qua được nước Mỹ để được một nền y học gần như tiên tiến nhất thế giới chữa trị để không bị mù hẳn, cũng như được những tấm lòng thương người nhiệt tình giúp đỡ từ bác sĩ, thầy cô, gia đình và bạn bè nên con được thành đạt như ngày hôm nay. Nhưng phần chính là nhờ sự cố gắng, chăm chỉ muốn vươn lên của chính con – Trần Lộc."
Đọc những hàng trên không ai là không cầm được nước mắt.
Sau khi đọc bài "Duyên Trời Định" tôi tìm đọc thêm các bài khác của chị Thanh Mai để hiểu thêm về Lộc.
Trong khi văn hoá VN thường ác độc cho rằng một đứa con khuyết tật, đồng tính ... là một "quả báo", văn hoá Mỹ không những bao dung hơn mà còn mang tính tích cực vươn lên. Nhiều bậc cha mẹ còn coi có con khuyết tật là một niềm tự hào chính đáng và hãnh diện tự gọi mình rất thành thật là "proud parent of an autistic child, a blind child, a gay son, a disabled child".
Có vợ hoặc chồng, có cha có mẹ, có anh chị em khuyết tật cũng là một niềm tự hào chân chính như proud wife of a blind person, proud son of a disabled person...
Thậm chí nhiều người còn thật lòng coi một người thân khuyết tật là điều quý giá nhất trên đời khi nói "I wouldn't trade you for the world".
Tôi thường gặp nhiều người Mỹ rất hãnh diện và tự nói về những người thân khuyết tật.
Dĩ nhiên không ai muốn lâm vào tình trạng không may này.
Nhưng trong hoàn cảnh không ai muốn này nếu nhìn ra và thi hành một cách bằng lòng Ý Trời, coi đó là thiên mệnh của đời mình, thì người đó cũng trở thành một ngọn nến, một ngọn hải đăng của Đèn Trời soi chiếu cho thế gian.
Những cuộc đời làm theo Ý Trời bao giờ cũng nghiệm ra "sau cơn mưa Trời lại sáng" và nhất là "sau cuộc đời tạm này, Trời sẽ ban cho hạnh phúc thiên thu.
18/01/202004:06:34
Khách
Cám ơn các bạn Phao.N, Nam Lê, Đoàn Thị, Nguyễn Bảo, Daniel Huỳnh, Vinh, chị Kim Dung, mmnguyen và Lê Như Đức đọc bài và viết lời khen tặng. Lộc và cha mẹ được may mắn qua được xứ tự do và nhân bản này nên mới có cơ hội và điều kiện để Lộc chữa bệnh, học hành và phát triển tài năng. Nghĩ lại thật biết ơn nước Mỹ vô cùng.
17/01/202013:03:46
Khách
Thay baby Loc phai trai qua nhieu cuoc giai phau, toi xot xa cho Loc. Nhat la o Vietnam giai phau thieu thuoc me thieu thuoc giam dau den noi be so hai benh vien bac si that dau long. Cung khen ngoi cha me biet thuong con hy sinh tat ca. Tu vung nang am California ho don nha qua vung gia lanh Minnesota de Loc duoc chua tri o Mayo Clinic, that la mot su hy sinh to lon.
13/01/202017:46:53
Khách
Một câu chuyện về tấm gương tranh đấu là đây. Những cố gắng để khắc phục bao nỗi gian nan trong cuộc sống hàng ngày của Lộc và bố mẹ thật đáng thán phục .

Một bài viết hay cả nội dung lẫn lời văn
11/01/202004:37:48
Khách
Xin chúc gia đình tác giả luôn được bình an và hạnh phúc.
11/01/202002:02:10
Khách
Câu chuyện của chị nói lên được tình thương yêu của gia đình đối với cháu Lộc..Chỉ có tình thương yêu mới đem lại sự nhẫn nại và lòng hy sinh ko bờ bến của cha mẹ đối với con cái. Xin ơn trên ban cho Chị và gia đình niềm tin , nghị lực , kiên nhẫn và nhất là tình yêu thương bởi vì chỉ có tình yêu thương mới đem lại hạnh phúc cho chính mình và mọi người chung quanh.
10/01/202021:30:27
Khách
Đọc câu chuyện của chị Mai, tôi chỉ biết nói lên lòng ngưỡng mộ ở cả hai phía: tình cha mẹ bao la và trí phấn đấu mãnh liệt của người con. Bao nhiêu cái ấy, dù trời có bất ngờ chuyển mưa cũng không làm cho đời sống gia đình của chị bi quan bởi vì năng lượng từ bi, lạc quan nằm ở bên trong tâm thức rất sáng của mỗi người. Mến chúc cháu Lộc và gia đình nhiều may mắn trong năm mới 2020.
10/01/202020:43:25
Khách
Chào Thanh Mai,
Chúc mừng gia đình Thanh Mai, chúc mừng sự thành công của cháu Lộc.
Cháu Lộc rất giỏi, có tài và thật có phước, được cha mẹ lo cho từng ly từng tí. Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi, dù trong hoàn cảnh nào, lòng cha mẹ lúc nào cũng hy sinh và thương yêu con vô bờ bến. Nhất là cháu Lộc được sự chăm sóc và tình yêu của người mẹ tuyệt vời. Cảm ơn nền Y Khoa tiên tiến bậc nhất thế giới của nước Mỹ đã chữa trị cho cháu Lộc.
Tác giả chọn đầu đề cho bài viết thật hay, thật đúng "Sau cơn mưa trời lại sáng".
Xin ơn trên thương ban cho cháu Lộc được như vầy mãi nhé.
Ptkd
10/01/202019:57:04
Khách
Anh Lê Như Đức ơi, Thanh Mai cũng nghe nói nhiều người khi có con bị khuyết tật cũng bị nhiều áp lực và chọn cách trốn tránh trách nhiệm như vậy. Dù với lý do gì đều là quá tệ không chấp nhận được. Cũng mừng cho cô con gái mất mẹ nhưng được tình thương của ông bà nội và xã hội giúp đỡ nên cuộc đời được tốt đẹp.
10/01/202019:09:37
Khách
Thanh Mai mến,
Dù có đọc nhiều bài về Lộc, nhưng lần này mình thật cảm động chỉ vì thương con theo suy nghĩ của riêng mình làm Lộc tủi thân. Nuôi con nên người không dễ, TM & ông xã đã quá vất vả nên Lộc mới được như hôm nay, rồi Lộc sẽ hiểu mọi người đều thương em.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,116,388
Chương trình America's Got Talent (AGT) trên truyền hình NBC, ra mắt từ tháng Sáu 2006, tới nay đã trụ được 13 mùa, tiếp tục làm mê mẩn 12 triệu khán giả hàng tuần. Simon Cowell, nhà sản xuất của AGT, vào danh sách báo Time bình chọn 100 nhân vật thế giới tạo nhiều ảnh hưởng nhất. Sang năm 2019. Simon 60 tuổi. Show chung kết AGT The Champions mùa thứ 13, gồm những màn trình diễn hấp dẫn của các tài năng đã thắng giải từ khắp thế giới, được sắp xếp thành 7 chương trình TV, trình chiếu đúng dịp Tết Kỷ Hợi. Riêng chương trình cuối, công bố kết quả AGT 2019, sẽ chiếu ngày Thứ Hai 18/02/19. Sau đây là bài viết của Tố Nguyễn, tác giả lần đầu viết về nước Mỹ và đã nhận giải đặc biệt 2018.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết đầu năm của tác giả.
Thứ Năm tuần này là Ngày Tình Yêu / Velentine Day 2019, đánh dấu đúng 750 năm ngày 14 tháng Hai năm 269, khi Giám mục Valentine bị hoàng đế La Mã Claudius Đệ Nhị cho lệnh chặt đầu, vì làm phép kết hợp các đôi lứa theo nghi thức nhà thờ. Nhân ngày đặc biệt này, mời đọc bài viết thứ ba của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, cựu nữ sinh Trưng Vương, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân Lafayette, Louisiana. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la!
Iris Đinh là tác giả đã nhận giải Chung Kết 2017, với hai bài "Chuyện Góc Bếp," và “Con Bé Nổi Loạn,” hai tự sự về mẹ và con gái trong một gia đình đổ vỡ. Sau 13 năm trở lại trường học và thực tập, mẹ trở thành một thạc sĩ về y tế tâm thần. Cô con gái từng nổi loạn thì trở thành Tiến sĩ Anne Q. Phan tại đại học UC Irvine và UC San Diego, người xác định được gene gây đột biến giúp sinh vật mọc thêm tay chân, mà báo O.C. Register đã đăng tin ngày 5 tháng Tư 2013. Sau đây là bài mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới về Tết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới sau đây kể về lớp dạy văn chương Việt tại UC Irvine.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài ông viết đầu năm mới Kỷ Hợi.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.
Nhạc sĩ Cung Tiến