Hôm nay,  

Xuân Trên Đất Mỹ, Nhớ Tết Mậu Thân

09/02/201900:00:00(Xem: 7909)
Tác giả: Trần C. Trí

Bài số  5612-20-31418-vb7020919

 
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018.  Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và  thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới sau đây kể về lớp dạy văn chương Việt tại UC Irvine.

 


Lớp học, từ trái: Tác giả Nhã Ca, Giáo sư Trần C. Trí và một sinh viên đặt câu hỏi.

Nha Ca_UCI

Các sinh viên và nhà văn.

 

 ***
 

Mấy ai trong chúng ta, những người lớn lên và sống ở miền Nam Việt Nam, lại không có ít nhiều hồi ức về những ngày Tết Mậu Thân tang thương năm 1968, dưới hình thức này hay hình thức khác.

Đối với tôi, một cậu bé tuổi mới lớn vào thuở đó, trước hết, những ngày Tết Mậu Thân là lần đầu tiên tôi thực sự chứng kiến cuộc chiến huynh đệ tương tàn ở thành phố Nha Trang nơi tôi cư ngụ.

Trước đó, chiến tranh Việt Nam đối với tôi chỉ là một khái niệm, chỉ là những tin tức trên báo chí, truyền hình hay nghe qua người lớn nói chuyện với nhau. Tôi chỉ biết chiến tranh Việt Nam đang xảy ra ở một nơi nào khác, từ chỗ địa đầu giới tuyến hay những vùng quê hẻo lánh nào đó. Chiến tranh chưa hề về đến thành phố Nha Trang muôn đời hiền hoà của tôi.

Thế nhưng từ đêm giao thừa đến rạng sáng Tết Mậu Thân, lần thứ nhất trong đời tôi được nghe tiếng súng đạn, tiếng bom pháo kích hoà lẫn với tiếng pháo mừng xuân vang rền  nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Rất nhiều điều về chiến tranh tôi đã chứng kiến lần đầu trong những ngày Tết đau buồn và đáng nhớ này. Ba má tôi, các cậu dì của tôi đem những bao cát nhỏ vào nhà ngang của ông bà ngoại cất thành một cái hầm trú ẩn dã chiến. Đêm đêm, bọn nhỏ chúng tôi bị dựng đầu dậy, lùa vào hầm khi tiếng đạn bom vang ầm trong thành phố. Sau nhà tôi, có những người đàn ông lạ mặt, ăn mặc nhếch nhác, mặt mày ngơ ngác, đến xin thức ăn. Sau này tôi mới biết đó là những tên cộng quân nằm vùng hay bộ đội chính quy Bắc Việt bị lạc loài trong thành phố vì họ bị cấp chỉ huy bỏ rơi trong những trận đánh.

Ký ức mạnh mẽ nhất của tôi về Mậu Thân, tuy vậy, lại là cái chết bất ngờ của một vị đại tá làm ở Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận và cũng là một trong những người sống trong cư xá sĩ quan nơi gia đình tôi cư ngụ. Ông bị cộng quân sát hại trong khi đang đứng nhô đầu lên từ một chiếc xe tăng chạy trong thành phố.

Và như thế, vào dịp Tết Mậu Thân, chiến tranh Việt Nam đã thực sự lan tràn đến mọi hang cùng ngõ hẽm ở miền Nam Việt Nam tự do. Từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ! Bao nhiêu người dân miền Nam, dù ở lại trên quê hương hay đang tị nạn cộng sản ở nước ngoài, mỗi người, mỗi gia đình, cứ mỗi độ xuân về lại canh cánh những nỗi niềm riêng tư về những ngày Tết đẫm máu xưa.

Tại hải ngoại, người Việt tự do hằng năm vẫn tổ chức những sinh hoạt tưởng nhớ đến cái Tết không thể nào quên đó. Riêng tôi, trong một dịp rất tình cờ, đã có cơ hội làm sống lại những ký ức Mậu Thân qua một lớp học tôi giảng dạy tại trường University of California, Irvine.

Cách đây không lâu, một trong những lớp tiếng Việt tôi phụ trách trong một học kỳ là lớp Vietnamese 150 mà chủ đề là “Văn chương Việt Nam qua bản dịch bằng tiếng Anh”. Để hướng dẫn lớp học đó, tôi chọn một cuốn tuyển tập truyện ngắn của dịch giả người Mỹ James Banerian. Cuốn sách đó có nhan đề giản dị bằng tiếng Anh là “Vietnamese Short Stories”. James Banerian là một dịch giả có một kiến thức sâu rộng về tiếng Việt và văn hoá Việt, đã dịch nhiều tiểu thuyết bằng tiếng Việt khác qua Anh ngữ. Trong cuốn “Vietnamese Short Stories”, ông giới thiệu 11 truyện ngắn của 10 tác giả, từ thời tiền chiến như Nhất Linh, Khái Hưng, đến cận đại như Nhã Ca, Nhật Tiến, Duyên Anh, Lê Tất Điều.

Là một người làm nghề dạy học, lúc nào tôi cũng tâm niệm “dạy tức là học”, y như động từ “dạy học” luôn luôn nhắc nhở người thầy về quan niệm đó. Trước khi lớp học bắt đầu, tôi đã chuẩn bị hết sức kỹ càng để có đủ kiến thức và tự tin để giảng dạy lớp đó. Ngôn ngữ để giảng bài trong lớp là tiếng Anh, vì lớp bao gồm những sinh viên từ nhiều gốc gác khác nhau như Mỹ, Việt, Mễ, Hoa, Nhật, Đại Hàn, Phi Luật Tân và cả Á Rập nữa.

Trước hết, vì một học kỳ mười tuần là một thời gian khá bị giới hạn, tôi chỉ có thể chọn ra tám trong số mười một truyện ngắn trong cuốn sách để giới thiệu với các sinh viên của tôi. Chọn truyện xong rồi, tôi bắt đầu nghiền ngẫm hết tám truyện đó bằng tiếng Anh. Đọc xong phần tiếng Anh, tôi đi tìm các nguyên bản tiếng Việt để đọc lại và so sánh với phần dịch thuật. Một số nhà văn có truyện tôi chọn để giảng dạy vẫn còn sống và cư ngụ trong vùng Orange County. Tôi quyết định thử liên lạc với ít nhất là một vị để mời đến lớp tôi trình bày về truyện ngắn của mình. Tôi háo hức nghĩ đến lúc sinh viên của tôi được tiếp xúc với một nhà văn bằng xương bằng thịt đứng trước mặt các em để tha hồ mà hỏi tác giả về nhiều chi tiết trong truyện mà các em học. Cuối cùng, nhà văn mà tôi hân hạnh mời được không ai khác hơn là nhà văn Nhã Ca của tờ Việt Báo mà quý vị đang đọc đây!

Điều đáng nói ở đây là truyện của nhà văn Nhã Ca trong tuyển tập dịch thuật này có nhan đề là “Truyện cho những tình nhân” (mà James Banerian chuyển dịch thành “A Story for Lovers”). Độc giả thưởng thức truyện ngắn này, cho đến tận kết cuộc của câu chuyện, mới nhận ra được rằng nhan đề của nó đã dùng một trong những mỹ từ pháp để lột tả nội dung, đó là sự mỉa mai đến đau lòng. Bởi chưng câu chuyện nói về sự chia lìa xé lòng của một cặp tình nhân mà cũng là nạn nhân của những ngày xuân đẫm máu ở Huế vào dịp Tết Mậu Thân. Đó cũng là cơ duyên của riêng tôi được có dịp tìm hiểu sâu xa hơn về nỗi đau khổ không gì tả xiết được của đồng bào Huế trong cuộc tổng tấn công của cộng quân vào miền Nam, giết chết không biết bao nhiêu thường dân vô tội.

Buổi thảo luận về truyện ngắn “Truyện cho những tình nhân” trong lớp dạy văn chương Việt của tôi hôm đó phải nói là một thành công ngoài sức tưởng tượng của tôi. Các em sinh viên nghe nhà văn Nhã Ca tâm sự về những kinh nghiệm và cảm xúc của bà khi viết nên câu chuyện thương tâm đó. Nhà văn cũng nhắn nhủ đến thế hệ trẻ của các em phải nghĩ đến và cố gắng làm những gì có tính cách xây dựng để thế giới mà các em đang sống có thể tránh được những cuộc chiến tàn khốc như đã được mô tả trong truyện của bà và trong nhiều tác phẩm nghệ thuật của những tác giả khác.

Đáp lại lời nhà văn, cả lớp sinh động hẳn lên qua những câu hỏi về hình thức và nội dung của truyện ngắn của bà. Các em đặc biệt chú ý đến chi tiết chiếc nhẫn hứa hôn đeo trên ngón tay của nhân vật nữ, cuối cùng lại được tìm ra trong dạ dày của chính cô sau cái chết tức tưởi của mình.

Đối với riêng tôi, những ký ức của mình cộng với những điều mới mẻ mà tôi vừa học hỏi thêm về Tết Mậu Thân đã làm cho nhận thức và cảm xúc của mình trở nên sống động và thấm thía hơn bao giờ hết. Sau buổi học, tôi còn được dịp nói chuyện với nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ qua tách cà-phê thân mật, lại càng hiểu biết thêm nhiều chi tiết về Tết Mậu Thân ngày nào.

Cũng nhân dịp này, tôi có cơ duyên được biết thêm hai nhà văn khác có truyện ngắn giới thiệu trong lớp học đó. Nhà văn thứ nhất là Lê Tất Điều (hiện cư ngụ ở San Diego). Truyện ngắn “Một phần sáu mươi” (James Banerian dịch là “One-Sixtieth”) là truyện mà tôi không tìm thấy ở bất cứ thư viện hay tiệm sách nào trong vùng. Qua sự giới thiệu ân cần của giáo sư-nhà văn Quyên Di, tôi có địa chỉ liên lạc với nhà văn Lê Tất Điều. Điều lý thú là ông cũng không có được bản in của truyện này mà lại còn giữ nguyên bản thảo viết tay của nó! Ông đã ưu ái gởi bản thảo qua bưu điện cho tôi. Tôi chụp lại bản thảo và gởi trả về cho nhà văn đáng mến này. Những ai mê đọc văn dành cho thiếu nhi thời Việt Nam Cộng Hoà không thể nào bỏ qua truyện dài “Những giọt mực” của nhà văn này, đồng thời cũng là nhà thơ Cao Tần trong giới thi sĩ.

Vị thứ hai là nhà văn Nhật Tiến, mà tôi được hân hạnh gặp gỡ chỉ mới tuần trước! Truyện ngắn của nhà văn mà các em sinh viên của tôi đọc là “Nồi cháo thịt” (James Banerian dịch thành “A Pot of Gruel”). Tôi được đến với nhà văn Nhật Tiến qua một cách gián tiếp, khởi đầu là một cuộc gặp gỡ với phu nhân của nhà văn là bà Đỗ Phương Khanh. Bà đã giới thiệu tôi với nhà văn Nhật Tiến và ông đã sốt sắng cho phép tôi đến thăm.

Tại tư gia của ông ở thành phố Garden Grove, nhà văn đã tiếp đón tôi rất ân cần và tặng tôi một số tác phẩm nổi tiếng của ông. Ông tỏ ra rất vui khi biết truyện ngắn bằng tiếng Anh của ông đã được giảng dạy trong lớp của tôi tại UC Irvine. Ông cho tôi xem một tấm thiệp Giáng sinh vừa qua của dịch giả James Banerian gởi cho ông. Ông cẩn thận ghi lại một số chi tiết về lớp học này của tôi để lần tới viết thư cho ông Banerian sẽ đề cập đến.

Tôi đã dạy lớp văn chương Việt Nam bằng tiếng Anh này hai học kỳ, nhưng đến lần sau nó mới trở thành một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời đi dạy của tôi. Trong những truyện tôi giới thiệu với sinh viên, cố nhiên, “Truyện cho những tình nhân” là đáng nhớ nhất. Bởi vì tác giả của truyện ngắn này đã đến thăm lớp học lần thứ hai của tôi và làm cho truyện của bà trở nên sống động hơn bao giờ hết.

Truyện ngắn này chứa đựng một nội dung mà không những đối với riêng tôi, còn với biết bao nhiêu người Việt quốc gia tha hương khác, không thể nào phai mờ trong trí nhớ mỗi độ xuân về trên đất khách.

Trần C. Trí

Ý kiến bạn đọc
11/02/201913:22:52
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào Ông Trí
Bài Ông viết ngắn mà hay.Tôi mượn cớ thăm Ông để bạn tôi biết tôi còn ở trên cõi đời này và còn cười vui vẻ.
Thăm Ông khỏe.
Trân trọng
09/02/201917:53:59
Khách
Với lời văn vừa nhẹ nhàng, vừa trong sáng, tác giả không những là nhà giáo có tấm lòng quảng đại truyền bá văn hóa cho thế hệ đàn em, lại có trái tim nồng ấm hướng về quê hương dân tộc.
PS. Tôi thường hay trả lời các ông xếp câu hỏi “anh có thích huấn luyện những kỹ sư trẻ mới ra trường không?” mỗi khi đi phỏng vấn xin việc:
Tôi trả lời tựa như anh viết “huần luyện tức là học”.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,576,429
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây là bài viết đầu năm mới Kỷ Hợi của bà.
Chương trình America's Got Talent (AGT) trên truyền hình NBC, ra mắt từ tháng Sáu 2006, tới nay đã trụ được 13 mùa, tiếp tục làm mê mẩn 12 triệu khán giả hàng tuần. Simon Cowell, nhà sản xuất của AGT, vào danh sách báo Time bình chọn 100 nhân vật thế giới tạo nhiều ảnh hưởng nhất. Sang năm 2019. Simon 60 tuổi. Show chung kết AGT The Champions mùa thứ 13, gồm những màn trình diễn hấp dẫn của các tài năng đã thắng giải từ khắp thế giới, được sắp xếp thành 7 chương trình TV, trình chiếu đúng dịp Tết Kỷ Hợi. Riêng chương trình cuối, công bố kết quả AGT 2019, sẽ chiếu ngày Thứ Hai 18/02/19. Sau đây là bài viết của Tố Nguyễn, tác giả lần đầu viết về nước Mỹ và đã nhận giải đặc biệt 2018.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết đầu năm của tác giả.
Thứ Năm tuần này là Ngày Tình Yêu / Velentine Day 2019, đánh dấu đúng 750 năm ngày 14 tháng Hai năm 269, khi Giám mục Valentine bị hoàng đế La Mã Claudius Đệ Nhị cho lệnh chặt đầu, vì làm phép kết hợp các đôi lứa theo nghi thức nhà thờ. Nhân ngày đặc biệt này, mời đọc bài viết thứ ba của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, cựu nữ sinh Trưng Vương, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân Lafayette, Louisiana. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la!
Iris Đinh là tác giả đã nhận giải Chung Kết 2017, với hai bài "Chuyện Góc Bếp," và “Con Bé Nổi Loạn,” hai tự sự về mẹ và con gái trong một gia đình đổ vỡ. Sau 13 năm trở lại trường học và thực tập, mẹ trở thành một thạc sĩ về y tế tâm thần. Cô con gái từng nổi loạn thì trở thành Tiến sĩ Anne Q. Phan tại đại học UC Irvine và UC San Diego, người xác định được gene gây đột biến giúp sinh vật mọc thêm tay chân, mà báo O.C. Register đã đăng tin ngày 5 tháng Tư 2013. Sau đây là bài mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới về Tết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài ông viết đầu năm mới Kỷ Hợi.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.