Hôm nay,  

BÁC DÂU XỨ HUẾ CỦA TÔI

02/12/201913:25:00(Xem: 11313)
Phạm Thị Kim Dung
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.

****

Trời đã vào Thu với ngàn vạn ánh nắng vàng nhạt phản chiếu, như những sợi pha lê lấp lánh trên những ngọn cây đang khua xào xạc trong gió, để đưa muôn loài về hưởng mùa lễ Tạ Ơn.  Mùa lễ mà khởi nguồn từ nước Mỹ, và đã trở thành ngày truyền thống tạ ơn hàng năm vào ngày thứ năm, trong tuần lễ thứ tư của tháng mười một, để tỏ lòng tri ân với người đã ban ơn cho mình, như người Việt có câu “Ăn quả, nhớ kẻ trồng cây”.  

Cứ mỗi năm đến mùa Tạ Ơn, là lòng tôi bâng khuâng tiếc nhớ đến ngày bác dâu của tôi đã ra đi đúng vào ngày lễ Thanksgiving năm 1998.  Ngày đau buồn ấy, cả gia tộc bàng hoàng thương nhớ khôn nguôi.  Và nhớ lắm mùa lễ Tạ Ơn đầu tiên đến Mỹ, chúng tôi đã được quây quần bên gia đình hai bác, hưởng một mùa lễ hạnh phúc đầm ấm nhất trong đời tha phương, có con gà tây hấp dẫn thơm lừng vừa lấy ra khỏi lò nướng, rồi bắp hột trộn với bơ, khoai tây tán nhuyễn ăn với nước sauce grayvy và cranberry jam, cùng nhiều món ăn khác của người bản xứ ngon tuyệt vời.
Nhớ nhiều những ngày xưa thân ái, vào đầu năm 1959.  Ba tôi được nhiệm sở cũ là Sư Đoàn 2 Bộ Binh ở Đà Nẵng, gởi đi học tu nghiệp khoá tiếp liệu 9 tháng ở Texas, Hoa Kỳ. Ba đã thu xếp gởi Mẹ tôi và các em về quê ngoại ở Sài Gòn, chỉ còn mình tôi ở lại trong trường nội trú Saint Paul Đà Nẵng, năm ấy tôi đang học Tiểu Học với các bà sơ cả Tây lẫn Việt.

Mỗi cuối tuần, tôi đều được bác Huyên là anh của Mẹ tôi, cùng với bạn gái của bác lại trường đón tôi đi chơi, cho ăn uống rồi chiều lại trả về trường.  Bác Huyên cũng thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh, khi nào bác bận phải dẫn Đại Đội của bác đi đi hành quân, thì bác lại nhờ bạn gái đến trường đón tôi đi chơi, cho nên tình cảm giữa tôi và cô bạn gái của bác trở nên thân thiết hơn.  Thời đầu mới quen với cô, bác Huyên mời cô lại nhà Ba Mẹ tôi chơi. Tôi còn nhớ rất rõ, hôm ấy cô Thanh Hồng mặc áo dài lụa màu tim tím, và khoác ở ngoài cái áo len trắng kiểu vạt tròn phía trước, những làn bông len tủa ra thật mềm mại như nhung, trông thật đẹp và kiêu sa.  Mẹ tôi thấy đẹp quá thì trầm trồ khen: “Chị mặc áo len này nhìn đẹp và sang quá!” Cô vui cười nhã nhặn cởi áo len ra trao tặng cho Mẹ tôi ngay, nhưng Mẹ tôi đưa cái áo lại cho cô, cám ơn rồi nói: “Chị mặc áo này đi chơi với anh cho đẹp, em có con nhỏ mặc qua loa cái gì cũng xong mà”.

Một loài hoa nở trong vườn yêu đã từ lâu, loài hoa ấy mang sắc màu rực rỡ ngát hương, đã đến như huyền thoại một loài hoa không vỡ.  Đó là chính là cô Thanh Hồng, người mà ông ngoại tôi và các anh của bác đã đến thăm Cố Đô Huế để xin hỏi cưới cho bác Huyên. Đám cưới tổ chức linh đình tại Huế và “Đám Cưới Nhà Binh” tại câu lạc bộ Sĩ Quan của Sư Đoàn 2 Bộ Binh ở Đà Nẵng đầy đủ bá quan khoảng hơn hai trăm người.  Vừa cưới vợ vài tháng, bác Huyên được thăng chức Đại Uý, và được bổ nhiệm về kiêm thêm chức vụ Quận Trưởng nơi bác đang cư ngụ. Đôi vợ chồng mới kết hôn sống bên nhau đằm thắm, hạnh phúc chan hoà kết toả những cô công chúa diễm kiều chào đời bằng nguồn vui đầy ắp tiếng cười trong mái ấm.
Ngày 26 tháng tư năm 1975, Toà Đại Sứ Hoa Kỳ đã đem bác gái và các chị đi di tản ra Hạm Đội Hoa Kỳ và đã đến trại chuyển tiếp bằng an.  Về phần bác Huyên phải ở lại để tiếp tục làm việc, trách nhiệm và bổn phận đã được giao phó. Chức vụ cuối cùng của bác Huyên là Trung Tá Việt Nam Cộng Hoà.  Ngày cuối cùng, bác cùng đi di tản với người của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, bác đã rời xa Quê Hương yêu dấu năm giờ đồng hồ trước giờ lịch sử.  Lòng bác Huyên bồi hồi đau đớn như vừa đánh mất vật gì trân quý lắm, những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán bác cứ rơi hoà chung với hai hàng nước mắt tuôn trào xót xa cho giờ phút lâm nguy của đất nước.
Chúng tôi thật có duyên với hai bác Huyên, khi vượt thoát khỏi xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đến được đảo Pulau Bidong, chúng tôi đã khai với phái đoàn Hoa Kỳ là có gia đình hai bác ở tiểu bang California, và đã viết thư báo tin vui cho hai bác biết là chúng tôi đã đến đảo bình yên, và nhờ bác Huyên bảo lãnh chúng tôi về nơi bác đang cư ngụ.
Ngày song thập năm 1980, gia đình chúng tôi đã hân hoan vui mừng được đi định cư tại Mỹ, giấc mơ mà nhiều người hằng mong ước.  Chiếc phi cơ DC-10 đã đem đoàn người tị nạn từ phi trường Kuala Lumpur Malaysia đến phi trường Oakland USA, họ đã cho ăn một bữa thật no nê ngon miệng, được thưởng thức rất nhiều loại trái cây của xứ Mỹ, và đã ngủ ở nhà trọ đêm đó. Sáng hôm sau lại được lên chiếc phi cơ Cessna để về Thành Phố Salinas, California, chỉ mất khoảng mười phút đồng hồ để đến nơi gia đình hai bác bảo trợ của chúng tôi.
Cả gia đình hai bác ra tận phi trường đón chúng tôi với nét khả ái vui cười. Chúng tôi đã được lên xe hơi cùng đi về nhà hai bác. Chúng tôi còn được thưởng thức món bún bò Huế do chính tay bác gái nấu và chả giò cùng rất nhiều món ăn khác đã nấu sẵn ở nhà, mà tôi không còn nhớ rõ là những món gì.
Trong thời gian tạm trú nơi đây, hai bác đã nhường cho chúng tôi một phòng ngủ của căn nhà có ba phòng ngủ. Ba cô con gái của hai bác đã phải ở chung một phòng.  Cô Út thì ngủ chung với cha mẹ.  Cô con gái đầu lòng đã lập gia đình, đang cư ngụ ở tiểu bang khác.
Bác gái rất mau mắn và vui vẻ giúp đỡ chúng tôi, không hề quản ngại vất vả để chở chúng tôi đi đến những nơi cần thiết.  Ngay sáng hôm sau, bác gái đã chở chúng tôi đi đến Hội Thiện Nguyện USCC để xin hội giúp đỡ.  Họ làm thủ tục lập hồ sơ cho gia đình chúng tôi và hẹn ngày trở lại.  Một tuần sau, chúng tôi đã trở lại Hội USCC để nhận số tiền họ cho mỗi đầu người là $300 USD, như vậy gia đình chúng tôi có bốn người thì được lãnh $1,200 USD (vợ chồng tôi, cháu gái bốn tuổi, và cháu trai hai tuổi rưỡi).
Nhận được số tiền cho quá lớn, chúng tôi cảm động lắm.  Chúng tôi đã bày tỏ sự biết ơn Hội Thiện Nguyện USCC và đã hứa với họ, khi nào xin được việc đi làm, chúng tôi sẽ xin hoàn trả lại Hội số tiền mà họ đã ứng ra để mua vé tàu bay cho gia đình tôi đi định cư ở Mỹ.  Những ngày kế đó thì bác gái dẫn chúng tôi đi làm Thẻ An Sinh Xã Hội, đi xin tiền Trợ Cấp Xã Hội, chúng tôi được lãnh ngân phiếu, và cả tiền giấy chỉ dùng để mua thực phẩm.  Ở xứ Mỹ này, họ rất quý con nít nhỏ, nên chúng tôi được lãnh phiếu bông sữa cho cháu bé hơn hai tuổi. Bác gái còn dẫn chúng tôi đi khám sức khoẻ, và chích ngừa thêm những loại khác cần thiết nữa.
Đến mỗi đầu tháng, Sở Xã Hội đã gởi cho chúng tôi ngân phiếu để chi tiêu, và phiếu mua thực phẩm.  Ba mẹ con tôi được bác gái dẫn đi chợ để tự chọn những món mà hai đứa con của tôi thích ăn, để khi ra ở riêng biết mà đi mua.  Vào thời gian đó thứ gì cũng rẻ, chẳng hạn như táo Washington Delicious, một đồng được mười trái, tha hồ ăn thoả thích, cá nục và gà đùi giá khoảng 40 cents cho 1 pound.
Bác Huyên hướng dẫn nhà tôi lấy bài ở DMV để thi viết, và tập xe cho để thi lấy bằng lái xe.  Bác còn chỉ giúp cho nhà tôi mua một cái xe hơi cũ hiệu Datsun B210 để làm phương tiện di chuyển.  Từ thuở bé đến bây giờ mới được sở hữu một cái xe hơi, ngày ngày cả gia đình tôi cứ ra ngoài sân để lau chùi cái xe cho thật sạch bóng loáng, lại còn ngồi vào trong xe để thưởng thức cái xe quý của mình nữa chứ.  Lạ thay, hình như trời đã tính sẵn cho chúng tôi, giá tiền của cái xe ấy vừa đúng y chang số tiền mà Hội USCC đã cho chúng tôi.  Cả là một gia tài lớn vào thời gian đó, bởi vì chúng tôi vẫn còn nhẩm tính con số ấy đổi sang tiền Việt của mình.
Chúng tôi đã ở nhà với gia đình hai bác bảo trợ được khoảng hai tháng rưỡi, thì được anh chị bạn thân quen từ hồi xưa khi còn ở quê nhà, đã gởi vé xe Bus Greyhound mời chúng tôi qua Orange Texas họp mặt với gia đình anh chị, nhân tiện thăm cho biết Texas để so sánh chọn nơi an cư lạc nghiệp của mình.  Sau hai tuần lễ họp mặt vui vẻ, hàn huyên và chia sẻ những kinh nghiệm sống trên đất Mỹ, nhà tôi đã quyết định trở lại Salinas để chuẩn bị tìm nơi cư ngụ mới, hầu định liệu phương hướng tương lai cho gia đình.  
Cũng may nhờ có người quen giúp đỡ, chỉ dùm nơi văn phòng Housing để chúng tôi
nộp đơn thuê nhà, với giá rẻ do chương trình của chính phủ tài trợ cho người có lợi tức thấp (low income), nên chúng tôi đã thuê được một căn chung cư hai phòng ngủ ở Thành Phố San Jose, với giá $125 USD một tháng.  Hồi đó, căn chung cư ấy chỉ bằng một phần ba số tiền so với giá tư nhân cho mướn.

Chúng tôi luôn trân quý, ghi nhớ ơn của hai bác ân nhân đã hy sinh thời giờ quý báu để bảo trợ cho gia đình chúng tôi, cho ở nhà miễn phí thời gian đầu, chỉ bảo và giúp đỡ cho chúng tôi rất nhiều thứ cần, để chúng tôi có thể hội nhập với đời sống Mỹ mau lẹ. Chúng tôi ước ao, muốn dọn về Thung Lũng Hoa Vàng San Jose, miền Bắc California (cách xa Salinas hơn một giờ đồng hồ lái xe), khí hậu ấm áp dễ chịu, có nhiều người đồng hương Việt Nam, có chợ bán thực phẩm Việt Nam, và cũng là nơi nổi tiếng khắp năm châu về kỹ nghệ điện tử, hãng xưởng mọc lên như nấm.  Vào thời gian này rất dễ kiếm việc làm và thuận tiện cho việc học hành của cả gia đình chúng tôi.
Hôm nay ngồi đây để viết những dòng chữ này tưởng nhớ về bác gái.  Cầu xin cho Linh Hồn bác Maria Theresa được hưởng phúc vĩnh cửu trên nước Thiên Đàng.  Tuy bác ra đi đã lâu, nhưng tôi cảm thấy đôi khi bác vẫn quanh quẩn đâu đây, và rất gần với chúng tôi vào những ngày lễ Tết họp mặt, với niềm quý mến còn đầy trong lòng mọi người thân yêu.  Nhân ngày lễ Thanksgiving năm nay 2019, chúng tôi một lần nữa xin tạ ơn hai bác đã giúp đỡ chúng tôi những ngày đầu bỡ ngỡ mới đến Mỹ.  Nhất là bác gái luôn tươi cười, vui vẻ khi giúp chở chúng tôi đi làm giấy tờ, đi xin tiền hội và tiền trợ cấp hàng tháng của chính phủ giúp đỡ, chở đi chợ, và chỉ cho cách nấu nướng những món ăn cho thích hợp với đời sống mới ở Mỹ, nhờ vậy mà chúng tôi mau chóng vượt qua những khó khăn lúc ban đầu, để hoà nhập vào dòng sống Mỹ nhanh hơn.  
“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” tôi may mắn đã học được gương sáng từ 
bác gái.  Tuy tôi không thể trả ơn này cho bác được, nhưng khi có điều kiện tôi đã
giúp đỡ những người thân quen khác:  Cho ở nhà miễn phí, dẫn đi xin việc làm, chở đi xin tiền trợ cấp và những điều nho nhỏ khác trong khả năng của tôi, như một lời tạ ơn bác gái, và phần nào đền đáp ân tình của nước Mỹ, nơi đã rộng lòng cưu mang gia đình tôi sinh sống ở vùng đất tự do này.
Hồi tưởng những kỷ niệm ngày bác dâu xứ Huế còn tại thế.  Xin gởi về bác Maria Theresa ngàn nén hương mến yêu.  Cảm tạ ơn trên đã cho bác tôi một người bạn đường nhẫn nhục, cần kiệm, lại hết mực phục tòng.  Nàng nhẫn nại, ân cần chăm sóc, vén khéo trong ngoài cho chồng con được thanh nhàn êm ấm, vuông tròn đề huề là nàng yên vui. Hiện tại bác Huyên tôi còn lại là niềm vui tuổi thọ với đàn con, cùng cháu chắt quý yêu, bác thầm nghe rì rào trong cõi mù sương, có một loài hoa chợt mỉm cười sung sướng, mãn nguyện nơi cuối chân trời thẳm xa vời vợi...
Đường ai đi giăng đầy cỏ lá úa
Lối ta về ngập ngừng ánh trăng soi
Không lưu luyến sao lòng ta se sắt
Vết thương sầu theo từng cánh hoa rơi
San Jose,
Mùa lễ Tạ Ơn 2019
Phạm Thị Kim Dung 

Ý kiến bạn đọc
04/12/201905:06:01
Khách
Chào em độc giả Nguyễn Văn Tới,
Xin chân thành cám ơn những lời góp ý và chia sẻ của em. Được em quý mến khích lệ dịu dàng như vậy, chị KD vui lắm. Chị thầm nghĩ, sự cố gắng chăm chuốt cho bài viết của mình, được quý độc giả hài lòng thì người viết còn mong gì hơn nữa?
Tới em à, tuy em không có ai giúp lúc ban đầu mới qua Mỹ, nhưng nhìn vào sự thành công của em trong hiện tại, thì em quá giỏi. Em có vợ xinh đẹp, có con ngoan, và có nghề nghiệp tốt để lo cho gia đình là có phước rồi? Hãy cố quên đi những điều buồn tủi phận trong quá khứ đi nhé. Vì trong cuộc đời này, mấy ai hài lòng với những gì mình đang có, dẫu rằng mình đã được phước hơn nhiều người?
Chúc em và gia đình được nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và vạn an nhé.
Ptkd
04/12/201903:06:09
Khách
Thưa tác giả bài viết chủ, thưa quý bạn độc giả mục VVNM, tôi xin thưa quý vị như vầy :
Cách nay hơn một tuần lễ bản thân tôi có viết mấy bài góp ý dựa theo mấy bài viết chủ, trong mấy bài góp ý đó tôi đã xin tác giả bài viết chủ và quý độc giả đọc những bài đó, nếu thấy có gì sai sót thì xin chỉ cho tôi biết để tôi sửa chữa, tôi rất biết ơn, ngay bây giờ sau bài viết ngắn này cũng vậy, quý vị thấy có gì sai sót cứ chỉ rõ cho tôi, muôn vàn cảm ơn quý vị. Chứ nếu quý vị cứ nói là rác thì tôi chả biết sai chỗ nào mà sửa.Tôi tự hỏi như vầy :
1 .-Trong một trận đá banh mà cầu thủ lại bỏ banh đá người thì có phải là trân đá banh nữa không ?!. (Vì sợ thua cho nên thay vì đá banh thì bỏ banh đá người !?)
2 .- Chim đại bàng bay trên trời cao, thấy chim cun cút bay là là trên mặt cỏ thì tự nhủ : Cun cút là loại chim ngu xuẩn, cứ bay là là trên mặt cỏ thì làm sao mà biết thế nào là trời cao đất rộng, như ta đây mới là đúng. Chim cun cút đứng dưới đất nhìn lên thấy chim đại bàng đang bay lượn trên trời cao thì tự nhủ : Đại bàng là loại chim ngu xuẩn, bay trên cao gió bão rất mạnh, rất nguy hiểm, như ta đây cứ bay là là trên mặt cỏ thì được an toàn, vậy mới đúng.
"Bỏ banh đá người là đúng hay sai ?). Chim đại bàng đúng hay chim cun cút đúng, hay cả hai đều đúng, đều sai ?. Cảm ơn quý vị đã giúp tôi giải đáp.
Nếu quý vị thấy tôi sai ở điểm nào thì chỉ rõ để tôi sửa sai, chứ sau khi đọc bài quý vị cứ mắng tôi là : ngu xuẩn, rác rưởi...v.v. thì tôi biết làm gì bây giờ ?.
Thưa quý vị, tôi đọc hằng trăm bài VVNM, trong đó có nhiều bài viết chủ nhận được góp ý là như thế này như thế nọ thì mới biết đường mà rút kinh nghiệm, chứ sau khi đọc bài viết của quý vị mà gọi là rác rưởi thì làm sao biết hay dở ?.
Riêng tôi khi đọc bài viết cúa quý vị nếu không thích lắm hoặc thấy không có gì liên quan đến ký ức của tôi thì tôi đâu có dám kết luận đúng sai, hay dở.
Một lần nữa cám ơn tác giả bài viết chủ, VVNM và quý độc giả, Nếu có gì sai sót xin chỉ giáo thêm, chân thành cảm ơn quý vị. ĐVH cẩn bút.
03/12/201921:11:40
Khách
Giọng văn của chị tràn đầy cảm xúc chất thơ, dạt dào tình nhân ái và lòng biết ơn. Đọc mà thấy thấm nhè nhẹ vào tâm hồn, nhất là vào mùa Holy Season cuối năm. Em không có ai giúp những bước ban đầu nên không cảm nhận được tình thương ấy. Mùa Thanksgiving đầu tiên, lang thang khu chung cư nghèo, thấy 1 cặp vợ chồng già, bắc ghế ngồi trước hiên, với hai cái mền nhỏ phủ xuống chân, mắt xa xăm hình như mong ngóng con về. Nhìn lại mình, sao buồn quá! Mỗi mùa lễ Tạ Ơn về, lòng nao nao những cảm giác năm cũ.
03/12/201918:53:48
Khách
Một ngày qua rồi, mừng cho chị không bị xả rác.
03/12/201905:45:02
Khách
Chào chị Năng Khiếu,
Em vui lắm, khi được chị đọc bài mới của em vừa được Việt Báo chọn đăng.
Cảm ơn sự chia sẻ cảm nghĩ của chị khi đọc bài này, mà chạnh nhớ đến cái thuở ban đầu bỡ ngỡ mới đặt chân đến Mỹ. Nghĩ lại thì mình quá may mắn, phải không cơ?
KD xin chúc chị và quý quyến được mọi điều an lành, hạnh phúc và nhiều sức khoẻ nhé.
Ptkd
03/12/201905:24:25
Khách
Chào chị LN Hằng,
Cám ơn chị Hằng đã đọc bài này của em. Những lời góp ý thật nồng ấm của chị là liều thuốc bổ khích lệ tinh thần em nhiều lắm. Lời chị nói quả không sai, bác dâu của em đảm đang và năng động, hai bác của em là người đầu cầu, chúng em là người được hai bác bảo lãnh đầu tiên, và sau đó còn nhiều gia đình hai bên nội, ngoại đã phải nhờ cậy hai bác bảo trợ nữa. Bác em thì lo những việc chính, phần còn lại thì bác gái vui vẻ bao thầu hết. Hai bác của em thương anh em và con cháu lắm chị ơi!
Em xin chúc chị Hằng và gia đình được nhiều sức khoẻ, hạnh phúc bình yên, và luôn quây quần bên nhau trong những ngày lễ Tết cuối năm.
Ptkd
02/12/201923:12:51
Khách
Cám ơn tác giả với bài viết chân tình và biết ơn. Làm tôi nhớ đến những người đã giúp đỡ mình lúc bỡ ngỡ mới đặt chân đến Mỹ. Chúc PT Kim Dung và gia đình luôn bình an và hạnh phúc.
02/12/201922:50:44
Khách
Bác dâu của tác giả quả là một phụ nữ vừa đẹp người vừa đẹp nết.
Thật là quý hóa có một bác dâu biết thương yêu và chăm sóc gia đình của em chồng như vậy lúc còn ở Việt Nam cũng như khi sang đến Hoa Kỳ, nhất là giúp đỡ gia đình tác giả lúc mới đến Mỹ một cách chu đáo.
Nhân dịp lễ Tạ Ơn, chúc tác giả và gia đình được mọi sự an lành, hạnh phúc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,528,450
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới về cuộc diễn hành được coi là đẹp nhất của nước My. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.