Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Bố, Bố Tôi

10/06/201400:00:00(Xem: 12295)

Tác giả: Nguyễn Trung Tây
Bài số 4246-14-29646vb3061014

blank
Cuối tuần này sẽ là Father’s Day. Trân trọng mời đọc Nguyễn Trung Tây, tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu.

* * *

Tháng 5 năm 1985 Bố tôi mất!

Tôi mất luôn niềm vui rộn ràng Ngày Lễ Bố!

!!!

Quay lại trước thời điểm đó một năm, khi đó tháng 4 năm 1984, tôi đặt chân tới Thung Lũng Hoa Vàng, tôi ngơ ngác với văn hóa mới, lạ lùng với hàng xóm khác màu, lạc loài với ngôn ngữ lạ. Nhưng bởi được trời cao và trần gian ban tặng trời mới, đất mới, cơ hội mới, tôi quyết định bước tới trường West Valley College. Hoa Kỳ trở thành hiện tại và tương lai! Việt Nam biến thành quá khứ, nhưng nơi đó vẫn còn Bố Mẹ và người thân!

Hoa Kỳ và Việt Nam thập niên 80 nhìn nhau như hai kẻ lạ mặt. Thư từ và điện thoại giữa hai quốc gia: hai món hàng xa xỉ và hiếm hoi! Nhưng tôi vẫn hy vọng! Tôi chờ đợi giây phút, ơn trời tuôn đổ, gặp lại Bố Mẹ và gia đình.

Thời gian trôi qua.

Tháng 11 năm 1985, lá thư người anh con ông Bác ruột từ vùng đất đỏ Long Khánh dừng một bước chân tại hộp thư vùng thung lũng San Jose. Tôi mở lá thư giấy đen xỉn ra đọc... Ngày viết tháng 6... Tôi đọc tiếp, "Hôm Chú mất, anh đại diện em mặc áo tang cho Bố..."

!!!???

Tôi yên lặng không nói chi! Tôi không nói với ai (có lẽ ngay cả với chính mình) về giây phút nhận được tin đại tang Bố.

Một khoảng thời gian dài tôi như bôi xóa sự hiện hữu của một lá thư...

Mãi cho tới năm 2011 tại sa mạc Úc Châu, lần đầu tiên tôi viết xuống những hàng chữ diễn tả lại giây phút,

"...Tôi đã lạc (lost) khi nhận được tin Bố trút hơi thở cuối đời tại Việt Nam, trong khi mình đang lang thang tại xứ người hơn một năm rồi. Một phần hồn của tôi đã chết, một góc tim bị xé rách toang, không bao giờ còn khả năng bình phục kể từ giây phút đó!!!..."

Tôi nói với cha Linh Hướng, "Khi nhận được tin từ trời rớt xuống, đôi mắt con khô khốc, không một giọt nước mắt!". Ngài đăm chiêu nhìn tôi, khuyên tôi nên quay về một khoảng trời quá khứ. Tôi ngạc nhiên nhìn ngài, và ngài nói giọng rất nhẹ nhưng rõ, "Để gặp Bố con...".

Cuối cùng, tôi quay về vùng đất quá khứ, đứng trước mộ Bố. Mới nói được mấy câu xin lỗi Bố, tôi nghẹn cổ, giọng khản đặc! Lần đầu tiên những giọt nước mắt từ hai khóe mắt con trai đầy tràn rồi bật tung bởi tang Bố. Lần đầu tiên những hạt nước mắt của một góc hồn (đã vỡ vụn bởi đại tang) rớt xuống đụng nắp mộ huyệt lạnh ngắt của Bố. Đá mài xanh xanh lấp lánh tia nắng mặt trời nhiệt đới sáng hôm đó nở tung mở lớn những hạt nước mắt con trai đứng giữa trời khóc, khóc Bố!

Hạt nước đầu tiên xuyên thủng tâm hồn chai cứng, kể từ giây phút đó nước mắt cứ thế nối tiếp vào những giây phút tư riêng và thiêng liêng... Tháng 1 năm 2012, trong bầu không khí nóng hừng hực thiêu đốt thủ đô Nam Vang, tại quán nước, tôi kể chuyện Bố với bạn thân. Tới đoạn, "...khi đứng trước mộ Bố," tôi lại bật khóc, bạn tôi ngồi phía đối diện, khóc theo! Tháng 5 năm 2013, ngày giỗ 28 năm của Bố, tôi dâng thánh lễ cầu hồn tại sa mạc Central Australia. Giữa ngôi giáo đường đá đỏ rộng thênh thanh của phố Alice Springs, trước con mắt của bao nhiêu tín đồ thân thương, tôi cúi đầu chào, "Kính thưa Cộng đồng Dân Chúa! Hôm nay giỗ Bố tôi, 28 năm..." Tới đó, tôi phải dừng lại, cũng lại bởi những hạt nước mắt. Tôi đứng đó, cạnh bàn thờ sa mạc, vỡ òa... Những hạt nước mắt rớt xuống, gặp nền đá lạnh màu đỏ, lại vẫn nở tung những đóa hoa.

Những hạt nước mắt khóc Bố nhắc nhở kỷ niệm, tôi nhớ sớm nhất với Bố. Lần đó Bố con đón xe đò lên Biên Hòa ăn đám cưới. Tôi khoảng 6 tuổi, nhỏ lắm. Ngồi cạnh bên Bố ăn tiệc cưới xong, tôi mắt nhắm lại, ngủ thẳng một giấc. Mở mắt ra, tôi vẫn nhớ những tia nắng chiếu xiên xiên ngang qua khung cửa soi rõ tôi nằm bơ vơ một mình trên giường trải chiếu cói. Tôi ngơ ngác nhìn chung quanh!? Sao toàn những khuôn mặt lạ! Bố tôi biến mất! Tôi hét lớn, "Bố ơi!", rồi ngồi bật dậy, òa khóc đòi Bố! Bà chị vội chạy sang nhà hàng xóm gọi, "Chú ơi!". Bố chạy về bế tôi lên, ôm vào lòng, tay đập nhè nhẹ vào lưng con trai! Tôi gục mặt vào vai Bố, nước mắt nước mũi chảy xuống ướt một khoảng lưng áo Bố. Cảm giác lạc loài, bơ vơ và nhói đau của một khúc ruột (hay trái tim? dạ dày?) bởi không có Bố ở bên cạnh vẫn còn hiện diện trong hồn cho đến bây giờ. Chuyện thời xa xưa, nhưng sao lạ, vẫn như chuyện mới, mới xảy ra trưa hôm qua.

Mới tinh khôi như giây phút tôi sinh ra tại bệnh viện Hùng Vương, Chợ Quán. Những tháng ngày cuối của chín tháng mười ngày, Bố tôi ở trên Đà Lạt về không kịp. Mấy ngày liền, những cô y tá thấy chỉ có Mẹ và tôi (bơ vơ?) trong bảo sanh viện. Có lẽ mấy cô tiên áo trắng gọi, họp, bàn, và đoán: chắc cái cô (Bắc kỳ) này một lần (lầm) lỡ... "Hội đồng" họp, hội đồng quyết nghị! Cuối cùng một cô áo trắng, đại diện hội đồng, cầm tờ giấy Khai Sinh của tôi trịnh trọng mang vào phòng tặng Mẹ và tôi... Trên tờ khai sinh trắng tinh có con mộc đỏ chói, tên Bố để trống (đương nhiên). Tên Mẹ ghi rõ họ và tên: Hà... Tôi sinh ra tại bệnh viện Hùng Vương. Tên đầy đủ trên giấy Khai Sinh viết rõ: Hà Hùng Vương.

Cũng như bao nhiêu người khác, tôi bước vào đời với một nỗi sợ tiềm ẩn sâu thăm thẳm trong hồn. Có người sợ bóng đêm, có người sợ độ cao! Tôi, tôi sợ bơ vơ không có Bố!...

Bố tôi cũng đã từng bơ vơ nơi đất khách quê người sau một lần bỏ làng Sài Thị, Hưng Yên xuôi Nam bởi biến cố 54. Bố, con trai thứ hai. Họ Nguyễn mấy đời rồi chỉ sinh ra liên tục ba người con trai. Như có một lời nguyền nào đó (tôi không rõ) vận vào họ Nguyễn (?), bên nội con trai út bỏ đi rất sớm, khoảng năm 20 tuổi; con trai lớn nhất bỏ đi theo khoảng năm 50; còn lại người con trai giữa sống còn để tiếp nối một chu kỳ liên tục ba người con trai. Chẳng lạ chi họ hàng làng Sài Thị hay chế diễu họ Nguyễn nhà tôi, "Khúc đầu khúc đuôi bỏ đi, còn lại khúc giữa!". Bố tôi nói anh và em trai của Ông Nội tôi đều chết ở khoảng tuổi 50 và 20. Bác và chú tôi, nối gót, cũng thay phiên nhau bỏ đi cùng một chu kỳ 50 và 20. Bố tôi sống sót với ba người con trai, tôi là út. Không biết có phải bởi muốn phá hủy một lời nguyền hay gỡ bỏ một vận xám, hồi nhỏ nằm ngủ với Bố, tôi nhớ Bố tay cầm quạt cói quạt cho tôi mát, tay kia gãi gãi lưng tôi, và Bố nói, "Con đừng có lấy vợ! Khổ lắm! Đi tu đi." Lời ru âm Bắc trầm trầm êm đềm ru tôi chìm sâu vào giấc ngủ đêm hè.


Bố đi đâu, tôi cũng hay được đi theo (chắc Bố biết nỗi sợ sâu thẳm của tôi). Đi vô Thành Ông Năm (Hốc Môn) thăm Cô (em ruột Bố), tôi được đi xe lam với Bố. Xuống tới Bến Tre thăm Bác (chị ruột Bố), tôi được ngồi cạnh Bố trên xe đò bon bon lăn những vòng bánh to tròn xuống tới tỉnh Kiến Hòa. Tôi nhổ cẳng lớn lên dưới bóng râm cổ thụ của Bố cho tới ngày bỏ nước ra đi, tháng 10 năm 82...

Sáng sớm tinh mơ ngày hôm đó, tôi chào Bố, ruột nhói đau. Nếu thuyền gỗ tới bến, tôi sẽ không còn Bố!?... Khi tôi bước ra khỏi nhà, Bố vẫn ngồi yên lặng trước bàn thờ Chúa, tay lần những tràng chuỗi kinh Mân Côi. Những lời kinh sáng sớm bay cao tới thiên đàng; bởi thế sau những vật lộn với sóng biển và hải tặc, thuyền gỗ PB 706 khập khễnh mang tôi tới bờ cát trắng phố Marang, Mã Lai.

Tại đảo Pulau Bidong, tôi nhận được thư Bố nhắn: nhớ mua thuốc tây gửi về cho Bố...

Đi khám tổng quát, phần lịch sử bệnh tật gia đình, tôi khai: Suyễn! Bác sĩ hỏi ai vậy! Tôi nói, "Bố tôi bệnh suyễn, rồi chết cũng vì bệnh suyễn." Đốc tờ, ai cũng vậy, đều ngạc nhiên, phản ứng ngay, "Suyễn thì làm sao mà chết cho được!". Đương nhiên! Làm sao mà chết cho được bởi bệnh suyễn. Nhưng bác sĩ phương Tây đâu sinh ra làm người Việt Nam giữa thập niên 70 để mà hiểu về một thời; thời đôi dép để trước cửa nhà, dép nhựa cũ mòn bốc hơi biến vào đôi quang gánh người bán ve chai; thời phơi áo trong sân, áo bay lên cao biến vô chợ trời; thời Sài Gòn phố vắng tênh, thênh thang trống vắng ngay cả xe đạp; thời một viên thuốc con nhộng Penicilline tôi lấy (trộm) của Mẹ, đưa thằng bạn thân nhờ người mang bán chợ trời, hai đứa cầm một đống tiền bán viên thuốc trụ sinh ăn no nê mấy tô Phở và uống đã đời mấy ly càfe có hũ đường cát trắng tinh.

Biến cố 75 như cơn sóng thần cao ngất đổ xuống. Phố phường đổi thay! Dòng thời gian tiếp nối những vòng xoay tròn dẫn tới một đêm, tôi giật mình mở mắt thấy Bố vật mình lăn lộn trên giường; khi đó mới biết Bố bị suyễn. Có thuốc, cơn suyễn hạ; không thuốc, cơn suyễn hành Bố vật vã...

Thuốc tây của những cuối năm 70 và đầu năm 80 tại Việt Nam hiếm hoi lạng vàng!

Năm 84, đặt chân tới Mỹ, tôi gửi thuốc Suyễn và ống xịt về Việt Nam biếu Bố.

Ngày và tháng bình thản trôi qua tại thung lũng San Jose với những chờ đợi và hy vọng vào một ngày, ngày đoàn tụ, ngày của Bố và con.

Ngày rồi cũng tới (không như mong đợi), ngày tôi quay về nơi đã từng bỏ đi để gặp Bố, nói cho chính xác, mộ của Bố. Tôi đứng đó, đốt những nén nhang khói trắng ngào ngạt bốc cao tưởng nhớ linh hồn Bố. Tôi nhìn mộ bia khắc hình Bố, tên Bố, ngày tháng năm sinh... Tôi biết đó là giây phút đoàn tụ của Bố và con.

Chuyện đoàn tụ chưa chấm hết. Mấy tuần sau, tôi gặp hài cốt của Bố, từ dưới mộ sâu đưa lên (gia đình tôi quyết định cải mộ). Sau những thước đất đen, áo quan dần dần lộ dạng. Nắp quan bật tung mở ra nguyên vẹn hình hài của Bố nằm gọn bên trong. Tôi gặp lại Bố bằng xương, nhưng thịt đã hóa thành đất đen! Cả hai người chị và tôi cùng bật tung nước mắt, "Bố ơi!". Chị tôi khóc, "Bố ơi, giờ sao chỉ còn xương!!!". Xương cốt Bố gom lại, lò thiêu Bình Hưng Hòa đốt thành tro, đặt trong lọ sành. Hồi xưa tôi 6 tuổi, Bố ôm tôi vào lòng, tôi dựa đầu lơ thơ tóc tơ vào vai bố. Lần này tôi thôi thơ ấu, tôi ôm Bố vào lòng. Tôi trịnh trọng mang Bố về đặt trong nhà thờ giáo xứ. Kể từ giây phút ôm lại được Bố vào lòng, tôi biết một phần hồn bắt đầu thôi không mưng mủ, đã chịu lên da non!

Người Do Thái có một câu nổi tiếng, "Dưới vòm trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Một thời để sinh ra và một thời để chết đi."

Bố tôi cũng như tất cả mọi người đã tới cuộc đời này, sau cùng Bố bỏ đi về cõi vĩnh hằng, để lại trên cõi đời này xương cốt, và hiện giờ là bụi tro trong hũ sành đặt tại nguyện đường Phục Sinh của giáo xứ Lộc Hưng, Sài Gòn.

Bố, thể xác không còn, nhưng anh linh hiển hiện trong cõi muôn trùng. Vào những giây phút đen tối của cuộc đời hoặc những lúc bơ vơ không chỗ nương tựa, tôi vẫn hướng về trời gọi, "Bố ơi!". Vẫn như thuả tôi ấu thơ, Bố lại về trong tâm thức! Tôi vẫn dựa vào vai Bố, Bố vẫn giơ tay đập nhè nhè vào lưng tôi, ru tôi bớt đi những nỗi phiền muộn nhọc nhằn!

"...Tựa như chuyện cổ tích ngọt ngào mùi cơm thơm, Bố làm Bụt hiện ra gọi chim trời từng đàn bay xuống nhặt đậu xanh đậu đỏ cho con! Bởi có thể phách anh linh của Bố, con lại thêm một lần vượt qua những giây phút tuyệt vọng với đời, với người và với con. Bố vẫn ở với con, như một chuyện bình thường!".

Lời Kết Phụ:

Không biết có phải bởi lời Bố ru ngủ vào những đêm hè xa xưa thấm sâu vào hồn, tôi giờ tu sĩ bình bát, lang thang đó đây sống giữa và sống với những đời sống bên lề xã hội. Không biết có phải bởi thế, lời nguyền (?) của dòng họ Nguyễn bốc hơi biến mất; tôi, con trai út và ông anh lớn nhất vẫn còn hiện hữu trong cuộc đời mặc dù anh và tôi đều đã vượt qua con mốc số 50 và 20. Người anh thứ hai không sinh ra liên tục ba người con trai như một vận lệ (ước lệ? thông lệ?) đã kéo dài mấy đời, nhưng một cô công chúa (thiên hạ vẫn nói nhìn giống chú Út). Khuôn mặt cả ba anh em, ít hay nhiều, đều mang đậm những nét riêng biệt, nhắc nhở trần gian đã có một thời Bố tôi tới cõi đời này để Ông Trời ban tặng riêng cho chín người con, trong đó, tôi thứ tám.

Có một lần, tôi gặp bà chị họ, sinh ra và lớn lên cùng thời với Bố. Giữa bầu trời lạnh giá tuyết rơi của tiểu bang New York ngày hôm đó, chị ngạc nhiên, gần như rú lên, "Cậu! Cậu giống Bố như lột!".

Tôi ngỡ ngàng, "Em? Em giống Bố em?"

Chị gật đầu xác nhận, "Chứ còn gì nữa! Giống y như tạc!".

Vâng! Cám ơn chị! Tạ ơn thiên đàng! Tôi biết Bố vẫn ở với tôi, ngay trong tôi!

Bố ơi!

Nguyễn Trung Tây

Ngày Lễ Bố, 2014

Ý kiến bạn đọc
29/11/201704:27:44
Khách
Bơ vơ... lạc loài... như thuở hồn nhiên, bé dại xưa!
11/06/201423:20:26
Khách
Bài linhmục viết cảm dộng và chân tình quá...Ai trong đời cũng có lần trải qua những giây phút xúc động chảy nứớc mắt ràn rụa vì thưong cha không còn nữa......vì mất một chỗ tựa tinh thần không ai có thể thay thế đựoc..... như vậy..
11/06/201405:19:30
Khách
Bài sâu sắc và cảm động quá!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 840,599,600
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.