Hôm nay,  

BÁC DÂU XỨ HUẾ CỦA TÔI

02/12/201913:25:00(Xem: 11315)
Phạm Thị Kim Dung
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.

****

Trời đã vào Thu với ngàn vạn ánh nắng vàng nhạt phản chiếu, như những sợi pha lê lấp lánh trên những ngọn cây đang khua xào xạc trong gió, để đưa muôn loài về hưởng mùa lễ Tạ Ơn.  Mùa lễ mà khởi nguồn từ nước Mỹ, và đã trở thành ngày truyền thống tạ ơn hàng năm vào ngày thứ năm, trong tuần lễ thứ tư của tháng mười một, để tỏ lòng tri ân với người đã ban ơn cho mình, như người Việt có câu “Ăn quả, nhớ kẻ trồng cây”.  

Cứ mỗi năm đến mùa Tạ Ơn, là lòng tôi bâng khuâng tiếc nhớ đến ngày bác dâu của tôi đã ra đi đúng vào ngày lễ Thanksgiving năm 1998.  Ngày đau buồn ấy, cả gia tộc bàng hoàng thương nhớ khôn nguôi.  Và nhớ lắm mùa lễ Tạ Ơn đầu tiên đến Mỹ, chúng tôi đã được quây quần bên gia đình hai bác, hưởng một mùa lễ hạnh phúc đầm ấm nhất trong đời tha phương, có con gà tây hấp dẫn thơm lừng vừa lấy ra khỏi lò nướng, rồi bắp hột trộn với bơ, khoai tây tán nhuyễn ăn với nước sauce grayvy và cranberry jam, cùng nhiều món ăn khác của người bản xứ ngon tuyệt vời.
Nhớ nhiều những ngày xưa thân ái, vào đầu năm 1959.  Ba tôi được nhiệm sở cũ là Sư Đoàn 2 Bộ Binh ở Đà Nẵng, gởi đi học tu nghiệp khoá tiếp liệu 9 tháng ở Texas, Hoa Kỳ. Ba đã thu xếp gởi Mẹ tôi và các em về quê ngoại ở Sài Gòn, chỉ còn mình tôi ở lại trong trường nội trú Saint Paul Đà Nẵng, năm ấy tôi đang học Tiểu Học với các bà sơ cả Tây lẫn Việt.

Mỗi cuối tuần, tôi đều được bác Huyên là anh của Mẹ tôi, cùng với bạn gái của bác lại trường đón tôi đi chơi, cho ăn uống rồi chiều lại trả về trường.  Bác Huyên cũng thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh, khi nào bác bận phải dẫn Đại Đội của bác đi đi hành quân, thì bác lại nhờ bạn gái đến trường đón tôi đi chơi, cho nên tình cảm giữa tôi và cô bạn gái của bác trở nên thân thiết hơn.  Thời đầu mới quen với cô, bác Huyên mời cô lại nhà Ba Mẹ tôi chơi. Tôi còn nhớ rất rõ, hôm ấy cô Thanh Hồng mặc áo dài lụa màu tim tím, và khoác ở ngoài cái áo len trắng kiểu vạt tròn phía trước, những làn bông len tủa ra thật mềm mại như nhung, trông thật đẹp và kiêu sa.  Mẹ tôi thấy đẹp quá thì trầm trồ khen: “Chị mặc áo len này nhìn đẹp và sang quá!” Cô vui cười nhã nhặn cởi áo len ra trao tặng cho Mẹ tôi ngay, nhưng Mẹ tôi đưa cái áo lại cho cô, cám ơn rồi nói: “Chị mặc áo này đi chơi với anh cho đẹp, em có con nhỏ mặc qua loa cái gì cũng xong mà”.

Một loài hoa nở trong vườn yêu đã từ lâu, loài hoa ấy mang sắc màu rực rỡ ngát hương, đã đến như huyền thoại một loài hoa không vỡ.  Đó là chính là cô Thanh Hồng, người mà ông ngoại tôi và các anh của bác đã đến thăm Cố Đô Huế để xin hỏi cưới cho bác Huyên. Đám cưới tổ chức linh đình tại Huế và “Đám Cưới Nhà Binh” tại câu lạc bộ Sĩ Quan của Sư Đoàn 2 Bộ Binh ở Đà Nẵng đầy đủ bá quan khoảng hơn hai trăm người.  Vừa cưới vợ vài tháng, bác Huyên được thăng chức Đại Uý, và được bổ nhiệm về kiêm thêm chức vụ Quận Trưởng nơi bác đang cư ngụ. Đôi vợ chồng mới kết hôn sống bên nhau đằm thắm, hạnh phúc chan hoà kết toả những cô công chúa diễm kiều chào đời bằng nguồn vui đầy ắp tiếng cười trong mái ấm.
Ngày 26 tháng tư năm 1975, Toà Đại Sứ Hoa Kỳ đã đem bác gái và các chị đi di tản ra Hạm Đội Hoa Kỳ và đã đến trại chuyển tiếp bằng an.  Về phần bác Huyên phải ở lại để tiếp tục làm việc, trách nhiệm và bổn phận đã được giao phó. Chức vụ cuối cùng của bác Huyên là Trung Tá Việt Nam Cộng Hoà.  Ngày cuối cùng, bác cùng đi di tản với người của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, bác đã rời xa Quê Hương yêu dấu năm giờ đồng hồ trước giờ lịch sử.  Lòng bác Huyên bồi hồi đau đớn như vừa đánh mất vật gì trân quý lắm, những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán bác cứ rơi hoà chung với hai hàng nước mắt tuôn trào xót xa cho giờ phút lâm nguy của đất nước.
Chúng tôi thật có duyên với hai bác Huyên, khi vượt thoát khỏi xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đến được đảo Pulau Bidong, chúng tôi đã khai với phái đoàn Hoa Kỳ là có gia đình hai bác ở tiểu bang California, và đã viết thư báo tin vui cho hai bác biết là chúng tôi đã đến đảo bình yên, và nhờ bác Huyên bảo lãnh chúng tôi về nơi bác đang cư ngụ.
Ngày song thập năm 1980, gia đình chúng tôi đã hân hoan vui mừng được đi định cư tại Mỹ, giấc mơ mà nhiều người hằng mong ước.  Chiếc phi cơ DC-10 đã đem đoàn người tị nạn từ phi trường Kuala Lumpur Malaysia đến phi trường Oakland USA, họ đã cho ăn một bữa thật no nê ngon miệng, được thưởng thức rất nhiều loại trái cây của xứ Mỹ, và đã ngủ ở nhà trọ đêm đó. Sáng hôm sau lại được lên chiếc phi cơ Cessna để về Thành Phố Salinas, California, chỉ mất khoảng mười phút đồng hồ để đến nơi gia đình hai bác bảo trợ của chúng tôi.
Cả gia đình hai bác ra tận phi trường đón chúng tôi với nét khả ái vui cười. Chúng tôi đã được lên xe hơi cùng đi về nhà hai bác. Chúng tôi còn được thưởng thức món bún bò Huế do chính tay bác gái nấu và chả giò cùng rất nhiều món ăn khác đã nấu sẵn ở nhà, mà tôi không còn nhớ rõ là những món gì.
Trong thời gian tạm trú nơi đây, hai bác đã nhường cho chúng tôi một phòng ngủ của căn nhà có ba phòng ngủ. Ba cô con gái của hai bác đã phải ở chung một phòng.  Cô Út thì ngủ chung với cha mẹ.  Cô con gái đầu lòng đã lập gia đình, đang cư ngụ ở tiểu bang khác.
Bác gái rất mau mắn và vui vẻ giúp đỡ chúng tôi, không hề quản ngại vất vả để chở chúng tôi đi đến những nơi cần thiết.  Ngay sáng hôm sau, bác gái đã chở chúng tôi đi đến Hội Thiện Nguyện USCC để xin hội giúp đỡ.  Họ làm thủ tục lập hồ sơ cho gia đình chúng tôi và hẹn ngày trở lại.  Một tuần sau, chúng tôi đã trở lại Hội USCC để nhận số tiền họ cho mỗi đầu người là $300 USD, như vậy gia đình chúng tôi có bốn người thì được lãnh $1,200 USD (vợ chồng tôi, cháu gái bốn tuổi, và cháu trai hai tuổi rưỡi).
Nhận được số tiền cho quá lớn, chúng tôi cảm động lắm.  Chúng tôi đã bày tỏ sự biết ơn Hội Thiện Nguyện USCC và đã hứa với họ, khi nào xin được việc đi làm, chúng tôi sẽ xin hoàn trả lại Hội số tiền mà họ đã ứng ra để mua vé tàu bay cho gia đình tôi đi định cư ở Mỹ.  Những ngày kế đó thì bác gái dẫn chúng tôi đi làm Thẻ An Sinh Xã Hội, đi xin tiền Trợ Cấp Xã Hội, chúng tôi được lãnh ngân phiếu, và cả tiền giấy chỉ dùng để mua thực phẩm.  Ở xứ Mỹ này, họ rất quý con nít nhỏ, nên chúng tôi được lãnh phiếu bông sữa cho cháu bé hơn hai tuổi. Bác gái còn dẫn chúng tôi đi khám sức khoẻ, và chích ngừa thêm những loại khác cần thiết nữa.
Đến mỗi đầu tháng, Sở Xã Hội đã gởi cho chúng tôi ngân phiếu để chi tiêu, và phiếu mua thực phẩm.  Ba mẹ con tôi được bác gái dẫn đi chợ để tự chọn những món mà hai đứa con của tôi thích ăn, để khi ra ở riêng biết mà đi mua.  Vào thời gian đó thứ gì cũng rẻ, chẳng hạn như táo Washington Delicious, một đồng được mười trái, tha hồ ăn thoả thích, cá nục và gà đùi giá khoảng 40 cents cho 1 pound.
Bác Huyên hướng dẫn nhà tôi lấy bài ở DMV để thi viết, và tập xe cho để thi lấy bằng lái xe.  Bác còn chỉ giúp cho nhà tôi mua một cái xe hơi cũ hiệu Datsun B210 để làm phương tiện di chuyển.  Từ thuở bé đến bây giờ mới được sở hữu một cái xe hơi, ngày ngày cả gia đình tôi cứ ra ngoài sân để lau chùi cái xe cho thật sạch bóng loáng, lại còn ngồi vào trong xe để thưởng thức cái xe quý của mình nữa chứ.  Lạ thay, hình như trời đã tính sẵn cho chúng tôi, giá tiền của cái xe ấy vừa đúng y chang số tiền mà Hội USCC đã cho chúng tôi.  Cả là một gia tài lớn vào thời gian đó, bởi vì chúng tôi vẫn còn nhẩm tính con số ấy đổi sang tiền Việt của mình.
Chúng tôi đã ở nhà với gia đình hai bác bảo trợ được khoảng hai tháng rưỡi, thì được anh chị bạn thân quen từ hồi xưa khi còn ở quê nhà, đã gởi vé xe Bus Greyhound mời chúng tôi qua Orange Texas họp mặt với gia đình anh chị, nhân tiện thăm cho biết Texas để so sánh chọn nơi an cư lạc nghiệp của mình.  Sau hai tuần lễ họp mặt vui vẻ, hàn huyên và chia sẻ những kinh nghiệm sống trên đất Mỹ, nhà tôi đã quyết định trở lại Salinas để chuẩn bị tìm nơi cư ngụ mới, hầu định liệu phương hướng tương lai cho gia đình.  
Cũng may nhờ có người quen giúp đỡ, chỉ dùm nơi văn phòng Housing để chúng tôi
nộp đơn thuê nhà, với giá rẻ do chương trình của chính phủ tài trợ cho người có lợi tức thấp (low income), nên chúng tôi đã thuê được một căn chung cư hai phòng ngủ ở Thành Phố San Jose, với giá $125 USD một tháng.  Hồi đó, căn chung cư ấy chỉ bằng một phần ba số tiền so với giá tư nhân cho mướn.

Chúng tôi luôn trân quý, ghi nhớ ơn của hai bác ân nhân đã hy sinh thời giờ quý báu để bảo trợ cho gia đình chúng tôi, cho ở nhà miễn phí thời gian đầu, chỉ bảo và giúp đỡ cho chúng tôi rất nhiều thứ cần, để chúng tôi có thể hội nhập với đời sống Mỹ mau lẹ. Chúng tôi ước ao, muốn dọn về Thung Lũng Hoa Vàng San Jose, miền Bắc California (cách xa Salinas hơn một giờ đồng hồ lái xe), khí hậu ấm áp dễ chịu, có nhiều người đồng hương Việt Nam, có chợ bán thực phẩm Việt Nam, và cũng là nơi nổi tiếng khắp năm châu về kỹ nghệ điện tử, hãng xưởng mọc lên như nấm.  Vào thời gian này rất dễ kiếm việc làm và thuận tiện cho việc học hành của cả gia đình chúng tôi.
Hôm nay ngồi đây để viết những dòng chữ này tưởng nhớ về bác gái.  Cầu xin cho Linh Hồn bác Maria Theresa được hưởng phúc vĩnh cửu trên nước Thiên Đàng.  Tuy bác ra đi đã lâu, nhưng tôi cảm thấy đôi khi bác vẫn quanh quẩn đâu đây, và rất gần với chúng tôi vào những ngày lễ Tết họp mặt, với niềm quý mến còn đầy trong lòng mọi người thân yêu.  Nhân ngày lễ Thanksgiving năm nay 2019, chúng tôi một lần nữa xin tạ ơn hai bác đã giúp đỡ chúng tôi những ngày đầu bỡ ngỡ mới đến Mỹ.  Nhất là bác gái luôn tươi cười, vui vẻ khi giúp chở chúng tôi đi làm giấy tờ, đi xin tiền hội và tiền trợ cấp hàng tháng của chính phủ giúp đỡ, chở đi chợ, và chỉ cho cách nấu nướng những món ăn cho thích hợp với đời sống mới ở Mỹ, nhờ vậy mà chúng tôi mau chóng vượt qua những khó khăn lúc ban đầu, để hoà nhập vào dòng sống Mỹ nhanh hơn.  
“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” tôi may mắn đã học được gương sáng từ 
bác gái.  Tuy tôi không thể trả ơn này cho bác được, nhưng khi có điều kiện tôi đã
giúp đỡ những người thân quen khác:  Cho ở nhà miễn phí, dẫn đi xin việc làm, chở đi xin tiền trợ cấp và những điều nho nhỏ khác trong khả năng của tôi, như một lời tạ ơn bác gái, và phần nào đền đáp ân tình của nước Mỹ, nơi đã rộng lòng cưu mang gia đình tôi sinh sống ở vùng đất tự do này.
Hồi tưởng những kỷ niệm ngày bác dâu xứ Huế còn tại thế.  Xin gởi về bác Maria Theresa ngàn nén hương mến yêu.  Cảm tạ ơn trên đã cho bác tôi một người bạn đường nhẫn nhục, cần kiệm, lại hết mực phục tòng.  Nàng nhẫn nại, ân cần chăm sóc, vén khéo trong ngoài cho chồng con được thanh nhàn êm ấm, vuông tròn đề huề là nàng yên vui. Hiện tại bác Huyên tôi còn lại là niềm vui tuổi thọ với đàn con, cùng cháu chắt quý yêu, bác thầm nghe rì rào trong cõi mù sương, có một loài hoa chợt mỉm cười sung sướng, mãn nguyện nơi cuối chân trời thẳm xa vời vợi...
Đường ai đi giăng đầy cỏ lá úa
Lối ta về ngập ngừng ánh trăng soi
Không lưu luyến sao lòng ta se sắt
Vết thương sầu theo từng cánh hoa rơi
San Jose,
Mùa lễ Tạ Ơn 2019
Phạm Thị Kim Dung 

Ý kiến bạn đọc
09/12/201916:03:39
Khách
Cám ơn tác giả Phạm Thị Kim Dung - người thường quan tâm đến ý kiến của các độc giả.

Nếu độc giả nào có ý kiến về cách trình bày mới của Việt Báo, xin vui lòng lên tiếng. Với kiểu trình bày mới, phần Tin Tức nay chỉ có lèo tèo vài bản tin. Với kiểu trình bày cũ, có cả tin quốc nội lẫn quốc ngoại - tuy rằng lời văn viết lủng củng. Quá tệ !
09/12/201907:28:36
Khách
Chào độc giả Nguyễn Sang,
Xin chân thành cám ơn độc giả Nguyễn Sang đã đọc bài viết của KD.
Lời khen khích lệ của NS làm tôi xúc động quá.
Chúc độc giả Nguyễn Sang được nhiều sức khoẻ và vạn an.

Ps. Độc giả Nguyễn Sang có những câu hỏi trên đây, xin nhấn vào trang nhất, sẽ thấy số điện thoại và email của toà soạn Việt Báo để liên lạc nhé.
09/12/201904:22:07
Khách
Tôi thích đọc văn của tác giả Phạm Thị Kim Dung .

Không rõ có phải trang mạng Việt Báo mới thay đổi cách trình bày hay không, tôi dùng Google, Firefox và Opera để thử tìm lại cách trình bày cũ đều không thành công .

Trang mạng mới này tệ quá ! Bấm vào mục Tin Tức thì chỉ thấy lèo tèo 5, 7 bản tin ! Còn muốn tìm xem các bài viết khác - thí dụ như của tác giả Tưởng Năng Tiến- thì đành bó tay , tìm không thấy ! Quá tệ !

Tôi dùng thử computer của thư viện, nhưng cũng không tìm được cách trình bày cũ !
06/12/201919:49:45
Khách
Chị Kim Dung,
Gần lắm. Không thể gần hơn được nữa 🤓‼️
Ừ, chị nhắc em mới nhớ tháng sau là Tết rồi heng! Tự dưng chị làm em nhớ chuyện gói bánh chưng hồi ở Việt Nam. Mỗi năm em đều mê chuyện phụ châm củi cho nồi bánh chưng từ chiều. Biết phận mình mỏng dòn non yếu, năm nào em cũng nằn nì nhà. Khi nào vớt bánh nếu con có ngủ quên nhớ đánh thức con. Mỗi sáng sớm hôm sau em đều thức dậy ở trên giường, lật đật chạy ào xuống sân thì bánh đã được vớt ra và ép từ lúc nào!

Ước gì em có thể quay ngược lại thời gian, em sẽ rán cố gắng thức...
Và... chắc lại cũng được bồng đặt lên trên giường một lúc nào đó khoảng nửa đêm, trước khi bánh được vớt ra 🤓
Tuổi thơ của tui ơi!
05/12/201902:10:03
Khách
Chào em độc giả Từ Huy,
Cảm ơn em Từ Huy đã đọc bài này của chị KD. Lại còn cho những lời chúc thân thương cả mùa Giáng Sinh nữa. Dạ vâng, đại gia đình chị đã định ngày tụ họp lại rồi, còn Mẹ là còn tất cả...xum vầy nhiều! Cho chị xin hỏi, em có ở gần cha mẹ không vậy? Cứ mỗi mùa Lễ Giáng Sinh về là chị KD nhớ Ba của chị lắm! Hồi còn nhỏ ở Sài Gòn, đến ngày lễ là được ăn ngon lắm, ăn từ chiều đến tối, đi lễ đêm về lại ăn thêm nữa rồi được mở quà mà Ba chị nói là của ông già Noel cho đứa nào giỏi. Nhớ như in mãi như thế đó...hihi!!
Chị xin chúc em Từ Huy được khoẻ mạnh, được nhiều ân sủng Mùa Giáng Sinh, có nhiều niềm vui và luôn may mắn. Nhất là tụ họp quây quần nhiều với gia đình của em nhé. Sau lễ Giáng Sinh, thì lại đến Tết Nguyên Đán nữa chứ?
Ptkd
04/12/201915:51:47
Khách
Kính thưa tác giả Kim Dung,
Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả bài viết chủ này. Tôi rất xúc động khi đọc bài viết "nhắc nhở" thật chân tình này, muôn vàn cảm tạ KD và quý độc giả đã bao dung cho tôi, tôi rút kinh nghiệm để sẽ viết bài chủ hoặc góp ý sau này. Khi ở tù sư phụ tôi thường nhắc nhở tôi là IQ của con thì trung bình, nhưng EQ của con thì hơi "bị" cao một chút, cho nên khi tôi đọc bài viết nào có gợi nhớ đến ký ức của tôi thì tôi lại thấy vui buồn y như là ...Lâm Đại Ngọc , chẳng hạn khi đọc bài viết về hoa anh đào Dalat thì tôi ngồi khóc như trẻ nít vậy đó, vì bài viết nhắc tôi về ký ức thời niên thiếu sung sướng hạnh phúc không thể tả hết....Cho nên lỡ tôi có bị "việt vị" khi góp ý thì nghe được tiếng "còi" của tác giả hoặc bạn đọc thì tôi vô cùng biết ơn. Khi tham gia mục VVNM này là tôi đã tự nhủ như vầy :
Tác giả bài viết chủ có quyền "thổi còi" giống như trong trận đá banh vậy đó, thấy độc giả đọc bài viết của mình mà vì hăng say đi từ góp ý cho bài chủ rồi sau đó lại góp ý với các độc giả khác nữa, rồi nhiều khi vì bài viết chủ quá hấp dẫn khiến các bạn đọc góp ý qua lại rồi quên mất là đã bị "việt vị", lúc đó là cần có trọng tài "thổi còi" mới biết "lỗi" của mình.
Một bài viết chủ, hay dở, đúng sai là do quan điểm của từng cá nhân, mỗi người có cái nhìn khác nhau, người thì nghiêm trang đạo mạo, người thì thấy bi quan, người thì thấy lạc quan ...v.v. Riêng tôi thì nhìn nó qua cái vui và "tếu" cho nên đôi khi góp ý thường là vui nhộn, mong quý vị bao dung, thành thật xin quý vị lượng thứ vì tôi không có ý châm chọc ai đâu.
Chúng ta bình luận là bàn bạc để tìm ra cái "chân thiện mỹ", tức là tìm chân lý, chúng ta không phải là chân lý, xin nhắc lại là chúng ta đang đi tìm chân lý. Cho nên tránh sao khỏi va chạm ít nhiều !?. Tôi xin mạn phép quý vị nhắc lại hai từ ngữ mà chúng ta cần tránh khi viết bài hoặc đọc bài, hoặc góp ý, tất cả chúng ta ai cũng đã hiểu nghĩa của hai từ này :
CỰC ĐOAN : Ý nghĩ, lời nói của mình là đúng, của người khác là sai.
QUÁ KHÍCH : Dùng lời nói hoặc việc làm của mình để gây sự với kẻ khác khiến đi đến đánh nhau và hơn nữa....
"Tiên lễ, hậu văn", chúng ta là bạn, không phải là thù, khi chúng ta viết ra đây sẽ có vô số độc giả khắp thế giới đọc và nhận xét, sung sướng vì chúng ta được tự do ngôn luận và ngôn luận tự do.
Một lần nữa vô cùng biết ơn tác giả Kim Dung, quý vị và đặc biệt là bạn Lê Như Đức đã đọc bài viết này, nếu có gì chưa đủ, kính mong quý vị thêm vào cho hoàn chỉnh để cùng nhau sống vui sống khỏe ....ĐVH cẩn bút.
04/12/201907:39:18
Khách
Chị,
Mùa Tạ Ơn rồi lại gần đến “mùa thanh bình nhân loại”. Đọc câu chuyện của chị mà thấy hồn nhẹ như mây. Đúng là mùa đất trời giao hoà.
Từ đây đến Noel có thể em sẽ không được đọc bài mới của chị. Vậy sẵn đây em xin chúc gia đình chị và mẹ chị lời chúc sức khoẻ và bình an trong mùa Giáng Sinh.
Mỗi mùa trọng đại như vầy là ân sủng của Thượng Đế tặng ban. Sướng nhất là khi còn có mẹ chị ha! Hãy tận hưởng chị nha!
Em.
04/12/201906:43:54
Khách
Kính gởi quý nhị vị độc giả:
Anh Đinh Văn Hoà và Tác Giả Lê Như Đức,
Tôi xin chân thành cám ơn sự góp ý và chia sẻ của quý nhị vị.
Thưa quý nhị vị, tôi nhân danh là Tác Giả bài viết chủ, cho tôi xin mua đứt những sự hiểu lầm đi nhé. Tôi hiểu rằng quý nhị vị là người tốt, chỉ muốn góp ý cho những bài viết của những Tác Giả mục VVNM cho thật hoàn hảo thôi, nhưng chỉ vì sự hiểu lầm mới ra nông nổi, chấp nhất nhau như vậy. Vậy thôi nhé, xin nhị vị châm trước cho nhau, để từ nay trở đi chúng ta sẽ có nhiều nguồn vui hơn là buồn phiền nhau. Hãy nhẹ nhàng, mềm mỏng với nhau nhé! Vì lời nói, không mất tiền mua.....
Mong lắm thay quý bạn của tôi ơi! Tôi chỉ muốn quý nhị vị cùng được
WIN và WIN::))
Trân Trọng,
Ptkd
04/12/201906:19:58
Khách
Kính anh độc giả Đinh Văn Hoà,
Xin chân thành cám ơn anh ĐVH đã đọc bài viết này của tôi.
*Trích lời của ĐVH: "Thưa quý vị, tôi đọc hằng trăm bài VVNM, trong đó có nhiều bài viết chủ nhận được góp ý là như thế này như thế nọ thì mới biết đường mà rút kinh nghiệm"
Dạ vâng, KD xin hoàn toàn đồng ý.
Thiển ý của tôi, khi bài viết của mình được chọn đăng trên diễn đàn VB, là để cho mọi người được tự do góp ý, chia sẻ và có khi sửa sai nữa. Dù muốn hay không cũng phải chấp nhận. Nếu độc giả sửa sai đúng thì cám ơn, còn sửa sai không đúng thì phải giải thích cho rõ ràng, lý do tại sao. Phải không?
Xin thưa, riêng cá nhân KD, tôi rất trân trọng sự góp ý, sửa sai của tất cả quý độc giả. Bởi vì, có khi mình sơ xuất "làm lỗi" mà mình không hề biết, mà có người chỉ vẽ cho mình, như thế còn chi bằng?
Kính chúc anh ĐVH được nhiều sức khoẻ và bình yên.
04/12/201905:16:03
Khách
Chào độc giả/tác giả Lê Như Đức,
Xin chân thành cám ơn LNĐ đã đọc bài của tôi nhé.
Chúc Lê Như Đức và gia đình được nhiều sức khoẻ, nhiều niềm vui.
PS. Tôi đã đọc bài của tác giả LNĐ, văn phong rất vững vàng và hữu ích.
Mong được đọc thêm những bài viết mới của LNĐ.
Trân trọng,
Ptkd
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,528,814
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả kể về khóa Thiền Vipassanna 10 ngày mà bà đã tham dự. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư ông viết: Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.
Chỉ còn hai tuần nữa là Tết Kỷ Dậu 2019, mời đọc bài viết mới của Chu Kim Long. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.