Hôm nay,  

Cái Lạnh Chết Người

26/01/201900:00:00(Xem: 11573)
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương

Bài số 5603-20-31409-vb7012619

 
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.

 
* * *
 

Nóng quá cũng chết mà lạnh quá cũng chết, nhưng báo đăng những nạn nhân thường là người già, người vô gia cư không có một mái nhà trên đầu khi mùa Đông đến, tuyết rơi nhiều như ở thành phố Seattle nơi tôi đang sống.

 Sau khi sang tiệm giặt quần áo Laundromat xong, tôi xin vào hãng để làm.

An cư thì mới lạc nghiệp. Tiền down nhà đã có rồi nhưng tiền trả hàng tháng thì làm sao có đủ, khi mà lương của tôi lúc đó chỉ có $10 một giờ và được thêm 35 cents cho làm ca đêm.

 Biết tính sao đây, không lẽ nhờ con?

Không được, vì chúng đều  đã quá vất vả khi vừa học vừa làm.  Tôi rất may mắn khi có ba đứa con, nhưng tụi nó tự mượn tiền học và lo trả chứ không nhờ tới mẹ hay bố.

Thằng con lớn đang làm full time, dù chân tay nó không bình thường. Vậy mà nó đã không cần mẹ trả tiền học giùm thì làm mẹ ai lại nỡ. Bây giờ nó đã mướn nhà ở riêng để cho tiện việc làm và học. Đứa con gái thì ở với bố chỉ còn thằng thứ hai ở với tôi. Nhưng nó cũng vừa học vừa làm và cộng thêm volunteer job để lấy kinh nghiệm, hầu có thể xin vào trường cảnh sát thì đâu còn thời gian để phụ cắt chỉ và bỏ bọc giùm cho mẹ.

Như vậy thì tôi phải cố gắng, làm 12 tiếng một ngày, về nhà vẫn may thêm hàng như cũ.

May áo gối bằng vải nỉ rất bụi, nếu đặt máy may trên nhà thì chịu sao thấu? Vậy là phải đem xuống garage, nhưng nhà tôi garage lại không liền với nhà ở, nên phải đi ra ngoài rồi mới vào được garage để mà may.

Mùa hè thì không sao, nhưng mùa đông đến thì ôi thôi.

Tôi vẫn nghe bài hát cuả Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có câu ”Không bao giờ, không bao giờ giữa mùa hè tuyết rơi...” vậy mà có đó. Ở tiểu bang Washington này nè, trên Mountain Rainier lúc nào mà không có tuyết. Nhiều khi gió lớn thổi mạnh nên tuyết bị gió cuốn bay theo, có khi rơi lất phất xuống con đường khách du lịch đang đi, ai không tin đi lên trển coi thử.

Mùa hè ngồi trong garage may còn đỡ, mùa đông thì tía má ơi, lạnh thấu xương vì không có heat nên phải mặc nhiều quần áo cho ấm. Nói dại ngồi may một mình ”Mỉ đeng” nó mà bắt, lột xong "guầng áo người đẹp" mệt quá nó táng cho một cái thì vêu mõm.

Đó là chỉ có mưa và gió thôi nha. Năm 2006 không biết ông Trời ổng hờn ai mà cuối tháng mười đã có tuyết rồi, nhưng chỉ ít tiếng rồi thôi.

Vậy mà tới tháng mười hai một trận tuyết lịch sử, có một không hai trong mấy thập niên qua ở tiểu bang Washington này đã cướp đi 5 mạng người VN trong một gia đình.

Anh chị đó là người cùng quê, nhưng khác kênh với gia đình tôi. Con trai út của anh chị là bạn thân với con trai lớn của tôi. Chị hơn tôi có hai tuổi thôi mà đứa con út của chị bằng tuổi với đứa con lớn của tôi, nghĩa là chị phải lập gia đình sớm lắm.

Do con của chị và con tôi học chung trường nên hai đứa trở thành bạn thân, vì vậy hai bà mẹ cũng thân thiết và cũng nghe chị tâm sự sơ về cuộc sống ở quê nhà, khi thời con gái, qua cảnh làm dâu làm vợ và thời gian làm mẹ.

Không cần nói thì ai cũng biết sau năm 75 có mấy ai được sung sướng và no đủ, nên anh chị đã quyết định vượt biên để tìm tương lai tươi sáng hơn cho các con vào năm 80.

 Ở trại tị nạn rồi được định cư ở Mỹ nhưng là tiểu bang khác, trong một lần đến thăm người bà con sống ở thành phố Seattle này, anh chị cảm thấy nơi đây là đất lành cho gia đình nên đã đưa các con về đây lập nghiệp. Cuộc sống ban đầu tuy cũng khó khăn vì không có thân nhân mà chỉ nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè, dần dần ổn định và cũng đã mua được căn nhà để cho các con mỗi đứa 1 phòng riêng cho thoải mái, nhưng bao dự định của anh chị chỉ sau một đêm bỗng tan tành theo mây khói.

Bão tuyết ập tới, nhiều gia đình bị cúp điện tới mấy ngày, không máy sưởi cũng chẳng nấu ăn được và cũng chẳng có nước nóng để tắm rửa, trong số này thì có gia đình anh chị.

Chịu không nổi cái lạnh nên anh đã đi mua một  máy phát điện để gia đình dùng tạm. Có lẽ anh không nghĩ tới khói của cái máy này độc hại nếu hít  nhiều, và sợ tiếng máy nổ lớn trong đêm khuya thì hàng xóm khó ngủ sẽ phiền nên đã mang vào garage cho máy chạy, vì vậy tai nạn thương tâm mới xảy ra từ ống khói xả ra.

Anh chị có bốn người con trai. Đứa lớn đã về VN cưới vợ nhưng chưa kịp đưa qua, còn ba đứa đang đi học, một đứa áp út thì học ở University Of Washington, tuy khá xa nhà nhưng nó đi về mỗi ngày chứ không ở lại trong trường. Bữa đó bị bão tuyết nên gọi phone báo cho gia đình biết là nó không về được. Chị nói với nó là đừng về vì nhà đã bị cúp điện nên lạnh lắm, nhưng phải giữ gìn sức khỏe.

 Không ngờ rằng đó là lời nhắn nhủ cuối cùng mà nó được nghe. Nó ở lại trong trường nên thoát nạn.

Đêm định mệnh đó xảy đến khi gia đình anh chị ngủ, thán khí đã thải ra làm cho anh khó thở nên tính đi ra garage để tắt máy, nhưng chưa tới nơi thì anh ngã gục. Chị và hai đứa con ở trong phòng bị khói độc làm mê man rồi lịm chết..  Đứa con trai lớn đi làm ca đêm về, vào phòng ngủ cảm thấy ngột ngạt nên mới mở hé cửa sổ ra cho thoáng rồi nằm ngủ.

Một người thân ở tiểu bang khác có việc cần, gọi phone nhưng không liên lạc được với anh chị, nên nhờ người quen tới nhà xem có chuyện gì xảy ra không. Khi tới nhà, nhòm qua màn cửa người ấy đã vội vàng gọi số 911. Lính cứu hỏa tới đập cửa sổ để mở cửa vào nhà thì thấy anh đã tắt thở ngay chân cầu thang đi xuống garage. Xét các phòng ở dưới lầu người ta thấy chị cùng hai đứa con trai cũng theo anh về bên kia thế giới.

Đứa con trai lớn nhờ về trễ và cảm thấy thiếu không khí trong phòng nên mở hé cửa sổ để ngủ, nhờ vậy nên không phải đi theo với ba má và hai em trong đêm đó, nhưng nó đã mê man không biết gì nữa. Khi ngủ nó lại nằm đè lên cánh tay nên máu không lưu thông được, phải cưa mất một cánh tay. Cho dù được các bác sĩ chẩn đoán là não đã bị chết vì ngửi phải khí độc lâu quá, nhưng họ nghĩ là “còn nước thì cứ tát”.


Thật là tình cảm của người Mỹ quá tuyệt vời, vì họ nghĩ là khi bệnh nhân tỉnh lại không có người săn sóc, nên vợ (đã cưới ở VN mấy năm rồi) được đặc cách cho nhập cảnh vào Mỹ để săn sóc chồng, với điều kiện là cô  phải để lại đứa con chưa đầy tuổi ở bên đó.

Ai cũng nghĩ đi cùng với anh chị về bên kia thế giới 2 người con thôi, còn lại 2 đứa thì một đang nằm trong bệnh viện.

 Khi cử hành tang lễ trong nhà thờ, tất cả mọi người không ai cầm được nước mắt khi thấy một đứa con trai 20 tuổi, mặc đồ tang, sầu khổ ngồi kế bên 4 quan tài cầu nguyện cho ba má, anh và em của mình.

Sau thánh lễ, bốn chiếc xe màu tang đen rời nhà thờ, theo sau là thân nhân cùng những người cảm thương cho gia đình anh chị, trong một ngày lạnh giá tuyết  phủ trắng đường, tiễn đưa anh chị một đoạn cuối của cuộc đời.

Đoàn xe cảnh sát chạy trước một cách long trọng để dẫn đường.

Tuyết đã được cào gọn vào hai bên đường, nằm im lìm như biết mình là thủ phạm gây ra cảnh thương tâm này.

Như tội nghiệp cho đứa con trai áp út vì còn nhỏ quá mà phải săn sóc cho người anh bây giờ trở thành người thực vật, nên một tháng sau anh chị cũng đã dắt thằng con lớn đi theo, để lại người vợ trẻ và đứa con trai chưa kịp thấy mặt cha.

Vậy là cơn bão tuyết của năm 2006 đã đưa gia đình anh chị tổng cộng năm người nằm cùng một ngôi mộ và chung một tấm bia.

Cái lạnh năm đó vẫn chưa hết, điện nhiều nhà vẫn chưa có, trong những nhà này có nhà của bố của các con tôi. Cái gương trước mắt cho thấy là dùng máy chạy điện nguy hiểm nên có người mới mất mạng, bố của các con tôi rút kinh nghiệm, mua than về đốt cho ấm, nhưng không biết cách sử dụng nên kêu thằng con thứ hai của tôi qua làm giùm. Cả tiếng đồng hồ thì thấy nó quay về mà mặt thì không được vui, ngồi ở nhà một lúc nó lại chạy xe đi cho đến ngày hôm sau mới về và nó nói:

-Nhà ba không có điện, lạnh chịu không được,  ba đi mua than về để sưởi cho ấm nhưng ba mang vào nhà đốt nên con không chịu, con bắt phải mang ra ngoài con mới hướng dẫn cho cách sử dụng. Ba đem ra ngoài rồi con mới đi về, nhưng không yên tâm con lại chạy qua xem như thế nào, thì thấy ba đã đưa cái lò than vào nhà rồi. Con phải dọa là gọi cảnh sát ba  mới chịu mang ra. Thiệt là điếc không sợ súng.

Sau một đám tang quá lớn, người chết đã yên phận, nhưng người sống thì lại buồn thương và lo lắng, buồn vì mất đi người thân ruột thịt, thương cho những đứa trẻ mồ côi. Lo lắng vì thấy sau đám tang này thân nhân của anh chị phải trả một số tiền hơn 60 ngàn, một con số quá lớn khi phải trả trong một lần.

Sau đại nạn của gia đình anh chị thì căn nhà để trống không ai ở. Người con dâu và đứa con áp út của anh chị không dám ở. Có lẽ nhìn cảnh nhớ người nên đã để trống cả hơn một năm, rồi kinh tế nhà đất đi xuống nên thân nhân của anh chị treo bảng bán, cho dù nhà ngay mặt đường lớn và kế khu buôn bán, nhưng cả mấy năm trời mỗi lần chạy xe ngang tôi đều thấy cửa đóng im lìm.

Nhìn người rồi nghĩ đến ta.

Vì sợ lỡ có chuyện gì xấu xảy đến cho tôi thì các con phải  trả một chi phí quá lớn khi có chuyện không hay, nên tôi đã quyết định mua một miếng đất ngoài nghĩa trang mà họ cho trả góp gồm bốn huyệt mộ giá 20 ngàn trong vòng 5 năm. Vì đâu có ai biết được ngày mai mình sẽ như thế nào, và tại sao lại phải để người sống lo cho kẻ chết nhiều quá, trong khi người sống vì cơm áo đã phải bươn chải từng giờ?

Trong khi người chết là hết, không phải lo toan cho cuộc sống, nằm đó với đôi mắt nhắm kín để cho người sống khóc thương và lo hoàn tất những gánh nặng của người chết để lại.

Mua đất xong tôi lại lo xa hơn, lỡ mình không may mà tắt thở, tội nghiệp cho các con vì đã mất mẹ mà còn phải lo một khoản tiền để đưa mẹ đến căn nhà mới, mà khi sống không ai muốn ở, nên tôi mua bảo hiểm nhân thọ để khi hữu sự con tôi có tiền mà xoay sở.

Lúc mua đâu để ý là giòng họ mình có gien di truyền là sống dai đâu, vì vậy tôi mua loại trả trong một thời gian nhất định, rồi sau đó không phải trả nữa nhưng phải "Thăng thiên" trước 98 tuổi cơ, nếu sống thêm họ không đền đồng nào, mà Ngoại tôi hồi đó sống thọ gần trăm tuổi lận.

Chắc lại phải nghêu ngao câu hát “Thôi rồi con chi đâu em ơi”.

Tiểu bang Washington mưa nhiều hơn nắng, nên mùa đông có khi tháng Ba vẫn còn tuyết rơi. Sau trận bão tuyết, trời nắng lên làm đường sá bị đóng băng chạy xe rất nguy hiểm, nên đứa con trai thứ hai phải ở trong chỗ làm không về nhà mỗi ngày nữa. Rồi dư âm của cơn bão tuyết vẫn còn nên tuyết rơi dày hơn gang tay.

Chưa trả xong nợ đời nên hơi có phần sợ chết vì vậy tôi không đi làm, nghỉ ở nhà hai ngày thì hãng gọi về kêu phải vào làm. Trùi ui, xe thì bị tuyết phủ kín không thấy gì thì làm sao chạy. Con trai không có ở nhà ai cào tuyết cho? Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, tôi chuẩn bị cơm nước rồi ra xe lấy cái muỗng  bự khoét một lỗ chỉ đủ để nhìn thấy đường phía trước mà lái, ngoại trừ 4 bánh xe và một lỗ to bằng miệng chén ngay trước mặt người cầm lái là không có tuyết thôi, vậy mà cũng chạy được tới nơi đúng giờ để vào làm. Đến hãng ai nhìn thấy xe cũng lắc đầu kêu trời nói bà này liều quá, mà cũng may Police không nhìn thấy bà.

 Giờ break, ba bốn thanh niên mạnh khỏe ra giúp cào sạch tuyết chung quanh xe, có lẽ vì cái chết của một gia đình 5 người vì bão tuyết nên mọi người sợ lại có người thứ sáu sẽ bị tử vong sau bão tuyết nữa nên mới ra tay nghĩa hiệp.

Trận tuyết lịch sử đã đi qua 12 cái "December”nhưng cứ mỗi mùa lạnh tới làm tôi nhớ lại chuyện xảy ra năm đó, để ngậm ngùi thương tiếc cho anh chị ra đi khi tuổi còn đang được gọi là "Hưởng Dương" và chưa có được ngày nào an nhàn trên đất nước này.

Thỉnh thoảng có dịp đi ra nghĩa trang, đi ngang phần mộ của gia đình anh chị kế đường đi, mặt bia nhìn ra hướng bờ hồ có hàng cây rũ cành đong đưa theo gió, tôi đứng lại và thầm nói với anh chị rằng: ”Hẹn gặp lại anh chị nơi Thiên Quốc nhé”.

Nguyễn Thị Thu Hương

Ý kiến bạn đọc
25/03/201904:44:17
Khách
Đọc bài viết thật cảm động, cám ơn Chị Hương đã cho nhiều người nhận ra cuộc đời có rất nhiều hoàn cảnh và sự việc xảy đến không ai biết trước. Chúng ta sống từng ngày cho thật ý nghĩa.
18/02/201916:51:42
Khách
Than Chao Chi Thu-Huong,
Toi rat phuc Chi, mac du toi den my 1975, homeless 5 thang (7/75 den 11/75). Toi thay doi cach suy nghi, VN minh cung co so nguoi, da den My thi phai chien dau den cung (minh tu hao la dan toc VN). Thay vi di xin tien ngheo (den thoi diem nay, toi khong gap nguoi Nhat va Nam Han lanh tien ngheo) ma goi do la tien GIA (ca nha bao cung goi do la tien GIA), den luc nay sau 43 nam o xu nguoi, chung ta nen noi su that, de the he mai sau duoc tieng len (ra khoi My di du lich khong qua 30 ngay phai tro vao MY, con khong phai mat tien ngheo.....).
Chi Thu-Huong than men, Chi that su la nguoi VN, toi rat kinh phuc.
Than chao Chi,
Hung
07/02/201913:05:10
Khách
Hương Nguyễn xin cảm ơn tất cả mọi người đã đọc bài của Hương Nguyễn viết. Đây là một khích lệ rất lớn đối với Hương Nguyễn,cho Hương Nguyễn có thêm can đảm để viết lên những gì Hương Nguyễn đã được học hỏi từ mọi người và cảm nhận được những thay đổi của vạn vật và vũ trụ
Hương Nguyễn xin kính chúc mọi người bước sang năm 2019 may mắn an lành
01/02/201900:26:57
Khách
Cảm ơn tác gỉa về bài viết vô cùng bổ ích này.
Tui đang tạm cư ở Vancouver, Canada và cũng là láng giềng của Seattle, bang WA, thỉnh thoảng cũng có lái xe hay đi xe bus Greyhound qua thăm con cháu và bạn bè cùng học ở Đại học Đà lạt trước 1975. Thiệt ra ở vùng nông thôn Nhựt Bổn, nhứt là ở tỉnh Bắc Hải Đạo(Hokkaido) một số gia đình vẫn dùng than đá hay củi khô để sưởi ấm, nhưng phải thiết lập ống khói để khí độc CO2 thóat ra ngoài, còn nếu xài lò sưởi bằng dầu hỏa(oil stove)thì thỉnh thoảng nên mở quạt thông gió hay hé mở cửa sổ cho mùi dầu thoát ra ngoài.
27/01/201916:30:07
Khách
Câu chuyện quá thương tâm, cầu cho cháu trai còn sống sót được phù hộ cho tình thần yên ổn để sống. Và người vợ trẻ và cháu bé chưa hề gặp cha...

Người Việt chúng ta tới từ xứ nhiệt đới, quen với cửa trước, sau, cửa sổ luôn mở toang, nhà xây không kín như ở đây nên không biết nhưng về những sự ngộ độc do thán khí.

Do đó tôi thấy một việc làm rất cần thiết cho những hội người Việt là nên thường xuyên có những bài viết về sự nguy hiểm chết người này. Một việc đơn giản như dùng lò sưởi đốt bằng gỗ mà không hé mở cửa sổ một chút cũng có thể gây chết người, có khi còn xảy ra cho ngay cả bản xứ vô ý. Đôi khi chúng ta đã biết nhưng lại vô ý, lại do sự sợ lạnh nên cứ đóng kín cửa sổ nên thỉnh thoảng cần duoc nhắc nhở. Bài viết của chỉ là sự nhắc nhở rất hữu hiệu tuy qua câu chuyện rất buồn.

Nơi tôi ở, Canada, chỉ hơn một giờ bay từ Seatle, mỗi lần có dịp hội họp cộng đồng, ban tổ chức có mời những nhân viên đến từ sở cứu hỏa, sở cảnh sát để nói chuyện về những vấn đề về an toàn trong đời sống và những sự ngăn ngừa. Họ có những nhân viên chuyên đến những trường học để trình bày những vấn đề này cho những học sinh tiểu học, những lớp học ESL và những dịp sinh hoạt bất cứ cộng đồng nào. Bên Seatle dĩ nhiên là cũng có.
Bài viết của chị đã giúp cho việc phổ biến những điều tối quan trọng.
Cám ơn chị nhé.

TB: Chị than mùa đông ở Seatle? Một thành phố đẹp nổi tiếng! Muốn đổi không? Haha. Qua Alberta đi sẽ thấy tuyết ở Seatle không đáng kể. Lạnh nhưng đất lành, người tốt, xứ thanh bình, tự do chị nhỉ! Mình tiếp tục học hỏi để có những kiến thức, có cách "trị" cái lạnh này để còn thấy "specchless" về những cảnh đẹp như trong những tấm thiếp Giáng Sinh khắp nơi, ngay bên ngoài cửa sổ nhà...
À nghe, tui gần 64 rồi đó vẫn cào tuyết đều đều, mà tuyết ở Alberta à nha.
Chúc chị một mùa đông an lành, ...ấm áp, ngủ ngon để không bị "Sleepless in Seatle"!
Chúc Mừng Năm Mới chị và gia đình!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,116,188
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả kể về khóa Thiền Vipassanna 10 ngày mà bà đã tham dự. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư ông viết: Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.
Chỉ còn hai tuần nữa là Tết Kỷ Dậu 2019, mời đọc bài viết mới của Chu Kim Long. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến