Hôm nay,  

Hoa Hồng Thôi Đỏ Trên Áo Con!

09/09/201900:00:00(Xem: 10708)

Tác giả: Triều Phong (TPN)

Bài số: 5783-20-31589-vb2090919

 

Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio. Bài viết mới và hình ảnh là tác giả kể về Lễ Vu Lan năm nay tại Dayton, Ohio.

 

Trieu Phong_Vu Lan

 1 Vu Lan Ohio

 ***

Lễ Vu Lan bâng khuâng nhớ Cha, ơn dưỡng dục

Mùa Báo Hiếu ngậm ngùi thương Mẹ, đức cù lao

           

 

Ai cũng biết Vu Lan là “mùa báo ân, báo hiếu” công ơn của hai đấng sinh thành đã cực khổ nuôi nấng chúng ta nên người do đó hàng năm vào những tháng ngày cuối hè người ta lại thấy các Chùa chiền Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới tất bật chuẩn bị cho ngày lễ này.

Với ý nghiã thiêng liêng cao cả ấy, ngày Chủ Nhật, 25 tháng 08 năm 2019, Chùa Quan  Âm tại Dayton, Ohio, đã long trọng cử hành Đại Lễ Vu Lan nhằm vinh danh công đức cha mẹ và cũng là dịp để những người con Phật có cơ hội bày tỏ tình yêu thương của mình đến với mẹ cha.   

Dưới “ánh đạo vàng”của Đức Phật từ bi, một số Phật tử thuộc Gia Đình Phật Tử ở những tiểu bang xa xôi như Illinois, Iowa, Wiscosin đã không quản đường xa vạn dặm, lần lượt về đây vào ngày hôm trước và ngay từ sáng sớm hôm sau khi hơi sương còn đọng trên nhành cây, ngọn cỏ của ngày đầu chớm thu mọi người đã cùng nhau tề tựu đông đảo dưới Phật Đài, bên hông sân chùa quang đãng, đẹp đẽ, để cùng chiêm ngưỡng công trình mà từ những ngày tháng trước Thầy Trụ Trì Thích Phước Trí đã cùng các phật tử của chùa như anh Phú, anh Hùng, anh Từ Anh, anh Huy, anh Nguyên, anh Sứ… ngày đêm tận lực xây dựng thêm một nhà vệ sinh ngoài sân chùa, tái tạo vườn hoa của Hoàng Hậu Maya và đặc biệt là công đức của anh Bình đến từ Chicago đã đổ ra hơn cả tuần lễ để cố gắng hoàn thành Tượng Phật Nằm (nhập Niết Bàn) nhằm chuẩn bị cho “Vu Lan Thắng Hội “.       

Buổi lễ được khai mạc vào lúc 10 giờ sáng do anh Từ Anh đảm trách phần điều hợp chương trình.   Mở đầu là ba hồi Chuông Trống Bát Nhã để Ban Cung Thỉnh thỉnh Chư Tôn Thượng Tọa, Chư Đại Đức Tăng Ni quang lâm Chánh Điện. Sau khi mọi người đã an vị thì như thông lệ tất cả đều đứng lên để trang nghiêm chào cờ Hoa Kỳ, cờ VNCH và cờ Phật Giáo theo đúng nghi thức. Kế đến là một phút mặc niệm để tưởng nhớ anh linh của các đấng tiền nhân Việt Nam đã có công dựng nước, anh linh của những anh hùng chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để gìn giữ bờ cõi, tự do cho dân chúng Nam Việt Nam, của các quân dân cán chính đã bỏ mình trong ngục tù cộng sản, của những đồng bào đã hy sinh trong rừng sâu núi thẳm hay gửi thân mình lại nơi đáy biển chân trời trên bước đường vượt biên tìm tự do, của các oan hồn uổng tử đã chết oan ức vì một lý do nào đó và năm nay đặc biệt còn có một phút mặc niệm cho chín nạn nhân mới bị thảm sát ở thành phố Dayton vừa qua.    

Kế tiếp là phần giới thiệu quan khách gồm có Thượng Tọa Thích Phước Trí; Thầy Trụ Trì Chùa Quan  m, cùng một số Tăng, Ni, từ các nơi vân tập về chứng minh như Thầy Banta Sumara ở Chùa Sri Lanka, Cincinnati; Thầy Achan Samae, Thầy Achan Samack, Thai Meditation, Dayton; Thầy Thích Trí Đạo Trụ Trì Chùa Kỳ Viên ở IA; Thầy Thích Trí Đăng, Thầy Thích Trí Định, Tăng Thân Tu Viện Pháp Lâm, Sư Cô Viên Quang Tăng Ni Tu Viện Pháp Lâm, Nữ Tu Sơn Huệ Tu Viện Pháp Lâm, Chicago, Il, cùng rất nhiều Phật tử ở Dayton và các vùng phụ cận về dự lễ.  Đoạn các vị Chư Tôn Đức Tăng, Ni và Phật tử đã niệm hương bái Phật, đãnh lễ Tam Bảo.   Trong không khí trang nghiêm, Chánh Điện được bày trí tươm tất, hoa trái thơm tươi, Phật tử chan hòa tình lân mẫn của ngày Đại Lễ Vu Lan, anh MC Từ Anh đã đọc diễn văn chào mừng quan khách cùng đồng bào Phật tử đến từ khắp nơi cũng như nói lên ý nghĩa trọng đại của ngày Lễ Vu Lan báo hiếu. 

Và để tôn vinh Mẹ, chương trình được tiếp nối qua một ca khúc Vu Lan kinh điển “Bông hồng cài áo” do chị Viên Giác, Phật tử Chùa Pháp Lâm, IL, trình bày bằng cả tấm lòng của người con thương mẹ với giọng ca trầm bổng cùng phần phụ đệm bởi tiếng đàn Organ điêu luyện của anh Hoạt đã khiến mọi người cảm động và lắng lòng nhớ về người mẹ hiền yêu dấu của mình.  Riêng tôi thì không nén khỏi nỗi bùi ngùi, vì mất cả mẹ lẫn cha trong vòng sáu tháng!  Còn nỗi đau nào hơn?

 

Nhắc chiếc phone lên, bỗng lặng người

Giọng buồn hơn hẳn tiếng mưa rơi

Ví mà tôi đổi thời gian được

Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười

 

Đó là nỗi niềm, là tâm sự, là mơ ước mà Nhà thơ Trần Trung Đạo đã một lần thổn thức khi nói về mẹ mình.  Trong ý niệm chung về tình mẹ cao cả, Chùa Quan  Âm đã tiến hành nghi thức “cài hoa” cho đồng bào Phật tử hiện diện nơi Chánh Điện.  Những ánh mắt buồn đau xa vắng, những giọt nước mắt chực chờ rơi của những người con mất mẹ, không phân biệt già trẻ lớn bé đều long lanh ngấn lệ lúc nhớ về người mẹ một đời tần tảo đã khuất của mình khi nhận “hoa hồng trắng.”  Bên cạnh đó cũng lắm hình ảnh cảm động của những trẻ thơ được cài một “hoa hồng đỏ” và ôm chầm lấy mẹ mình hôn thắm thiết trong niềm hạnh phúc vô biên cùng ánh mắt dịu hiền, rạng ngời tình mẫu tử của các bà mẹ không quản nắng mưa để nuôi con nên người!  Cùng thời gian đó thì các bậc Chư Tăng, Ni, cũng được anh Phật tử Viên Quang cài “hoa hồng vàng” trên ngực trái cho từng vị như để bày tỏ lòng “kính Phật, trọng Tăng,” tri ân quý Chư Tăng, Ni, đã hy sinh đời mình cho Phật pháp, cứu độ chúng sinh! 

Sau phần cài hoa, các bậc phụ mẫu tuổi từ bảy mươi lăm trở lên được mời tới ngồi trên hai hàng ghế đặt sẳn, dọc hai bên hông Chánh Điện để một số anh chị em trong gia đình thay mặt Phật tử tặng quà và hoa hồng đỏ như một biểu tượng của sự hiếu thảo.

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào…” Câu ca, tiếng nhạc bài “Lòng mẹ” của Nhạc Sĩ Y Vân được cất lên từ cuối Chánh Điện qua giọng ca truyền cảm, của Chị Lan; một Phật tử, một ca sĩ địa phương, đã đưa mọi người về một cõi riêng của mẹ, một cõi tình mẫu tử bao la với muôn vàn khổ đau chịu đựng vì thương con.

Ai cũng biết tình phụ, mẫu, thì to lớn và muôn đời bất diệt, sự hy sinh của cha mẹ cho con thì bao la vô tận như mới đây đã xảy ra câu chuyện đau thương nhất trong vụ thảm sát tại El Paso là vào ngày 03 tháng 08 năm 2019 ở Texas khi chị Jordan Anchondo; một bà mẹ trẻ hai mươi lăm tuổi đã lấy thân làm khiên che đạn cho đứa con trai hai tháng tuổi của mình và chồng thì lấy cả người che chở cho hai mẹ con.  Cả hai vợ chồng đều đã chết!  Họ đã cho con đời mình để con được sống! 

Câu chuyên thương tâm trên đã lay động trái tim mọi người, làm ai cũng xót xa thương cảm cho tình yêu con vĩ đại của họ.  Để nói lên tấm lòng tri ân của người con đối với Mẹ, Cha, anh MC Từ Anh đã mời Phật tử Viên Quang có đôi lời “cảm niệm” cùng cử tọa.  Giọng anh lúc đều đều hay khi trầm khi bổng nhắc đến sự hy sinh vô bờ bến của mẹ đã khiến tôi đã chìm về quá khứ mênh mông của đời mình qua hình ảnh mẹ.

Mẹ, tiếng kêu đầu đời của người con nghe sao thiết tha trìu mến! Tình mẹ thương con qua bao đời được ví như biển rộng, như đồng luá rì rào mênh mông xanh ngát!   Ôi, mẹ là dòng suối mát, là con sông hiền hòa mỗi khi chúng ta nghĩ về!

Mẹ, còn là tiếng kêu của nhọc nhằn, cam chịu, nhất là đối với các bà mẹ Việt Nam; những bà mẹ của chiến tranh, của thời Miền Nam sau năm 1975 khi bị cộng sảm cưỡng chiếm!  Đó là hình ảnh của những bà mẹ một đời vất vã hy sinh tuổi thanh xuân, hy sinh cuộc đời của riêng mình để thay chồng nuôi con khôn lớn khi chồng lâm cảnh tù đày!

Riêng tôi ngày trước, cứ mỗi độ hè qua thu tới trên cái đất nước Mỹ này vào cuối tháng tám đầu tháng chín là lòng tôi lại da diết không nguôi lúc nghĩ tới cha mẹ mình còn lại bên nhà. 

Nhớ năm xưa khi mẹ tôi “lặn lội thân cò” lên tận núi rừng Đồng Phú, còn cha thì gồng gánh tay xách nách mang các giỏ đồ ăn để thăm tôi.  Hôm ấy, mọi tù nhân có tên gọi tất tả đi nhanh ra “Nhà thăm nuôi” để mong sớm gặp người thân trong khi tôi lê từng bước chân đau nhói, cố lết theo sau.  Và tôi đã nhìn thấy cái dáng dấp sốt ruột ngóng trông tôi, trên đỉnh đồi của ông bà.  Rồi khi tôi lên đến nơi, mẹ tôi đã khóc hết nước mắt khi thấy thân hình đầy ghẻ chóc, lở lói, quá bi thảm của tôi.  Bà đã nghẹn ngào lúc tôi không cầm được cả cái muỗng khi hai bàn tay cứng đơ vì mưng mủ!  Còn cha thì im lặng nuốt đắng cay, thống khổ hiện trong ánh mắt. 

Cha mẹ đã lo lắng nuôi tôi khi tôi tù tội thế mà lúc mẹ cha già yếu tôi chẳng phụng dưỡng.   Có lẽ chẳng có sự bất hạnh nào lớn hơn được cái đau của đứa con không chăm sóc được hai đấng sinh thành lúc bóng xế chiều tà, của đứa con xa không bới được bát cơm, rót được ly nước, khi mẹ cha đói khát?  Cái nỗi dằn vặt khốn khổ ấy lại càng  sâu sắc hơn khi nghĩ tới cảnh mẹ già, cha yếu nằm chèo queo mà mình không mang cho hai người được viên thuốc khiến tôi bần thần sớm tối.  Bây giờ thì tất cả đều đã qua bởi vì cha mẹ đã xa!

Và đúng 11 giờ 30 thì Thầy Thích Phước Trí đã kéo tôi về với hiện tại khi Thầy khai mở hồi Pháp Thọai về chữ “hiếu,” một trong “Tứ  ân” của đạo Phật, chủ đề chính của Lễ Vu Lan năm nay.  Rồi sau khi sơ lược lại điển tích “Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ” xong, qua đó Thầy kêu gọi người con hãy bày tỏ tình thương tới cha mẹ mình không chỉ bằng lời nói mà còn nên bằng cả hành động cụ thể, ngay trong đời này, kiếp này chớ không cần phải đợi đến kiếp sau hay kiếp nào khác.  Rồi Thầy kêu gọi các người con đang có mặt hãy đứng dậy ôm và nói lời yêu thương tha thiết nhất với cha mẹ mình, vì:

Dẫu con đi suốt cuộc đời,

Vẫn không đi hết những lời mẹ ru.

Cuối cùng, mọi người cùng quý Thầy bắt đầu tụng kinh Vu Lan Bồn, Chú Đại Bi, Kinh Báo Hiếu… đọan quý Tăng, Ni ra sân làm lễ tri hành khất thực, để tất cả người lớn đặc biệt là các em nhỏ sanh đẻ tại Hoa Kỳ hiểu thêm một biểu pháp trong phép tu khổ hạnh của Phật Giáo Việt Nam ngày trước. 

Hình ảnh quý Chư Tăng, Ni, tay bưng bình bát bước thong dong dưới ánh nắng chói chang, tâm tĩnh lặng, thực hành sự “sống đủ, biết đủ” là một biểu pháp đặc biệt thâm sâu của giáo lý Phật giáo về ý nghĩa cuộc đời đối với Phật tử.   Đây cũng là một hình ảnh đẹp và là một nhân duyên để Phật tử cúng dường tài, vật. 

Buổi lễ chấm dứt lúc một giờ chiều sau khi đại diện Phật tử đọc lời Tác Bạch cảm tạ quý Chư, Tăng, Ni.  Mọi người hoan hỷ ra sân chụp hình, xuống hậu điện dùng bữa trong lúc các Thầy, và Sư Cô, thọ trai trên Chánh Điện.

Tôi trở về trong nắng chiều gay gắt, lòng miên man thổn thức:

“Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ Mẹ, kính Cha.  Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con!”

Dayton, OH, Vu Lan 2019

 

Triều Phong (TPN)

Ý kiến bạn đọc
16/09/201918:45:37
Khách
Chào Chị Kim Dung,

Cám ơn chị. Chúc chị được nhiều vui vẻ, bình an.

TP
13/09/201922:44:12
Khách
Bai viet cam dong qua. Cam on tac gia da chia xe !
10/09/201912:23:02
Khách
Chào các bạn,

Cám ơn sự đồng cảm của chị Hồng Hoa và anh Từ Huy trong bài viết về tình mẹ này cùng hảo ý mà quý vị dành cho Phong. Xin bảo trọng!

Hello Đức, lâu quá không nghe tin và cũng không thấy mày viết lách gì. Mừng là mày và vợ con mày đều mạnh giỏi. Tao và gia đình tao cũng OK. Nguyễn Thượng Ánh thỉnh thoảng cũng nhắc mày, mới hôm nào gặp nhau ở Fl mà nay đã gần 5 năm rồi. Cám ơn mày thăm hỏi. Take good care!
10/09/201901:43:42
Khách
Lâu quá mới thấy hình mày lại, Ngôn à. Năm xưa tao đẹp trai hơn mày, giờ mày đẹp lão hơn tao.
Gia đình mày vẫn thường? Các con tao trở lại trường, vợ thì bận chấm bài, tối nay rảnh, tao mở hình mày ra ngắm rồi so đo.
Thăm mày,
09/09/201917:41:50
Khách
Nghe một chút buồn, một chút xót xa!

“Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”.

Anh Triều Phong, lâu quá!
Chắc cũng có nhiều người... mong anh...
09/09/201915:50:55
Khách
Cám ơn Triều Phong. Bài viết nào về tình mẹ, nghĩa cha cũng đều mang lại cảm xúc nhất định. Chúc tác giả luôn an mạnh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,563,250
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả kể về khóa Thiền Vipassanna 10 ngày mà bà đã tham dự. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư ông viết: Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.
Chỉ còn hai tuần nữa là Tết Kỷ Dậu 2019, mời đọc bài viết mới của Chu Kim Long. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.