Một Chuyến Bay Đêm
Tác giả: Phan
Bài số: 5772-20-31579-vb7082419
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
***
Chuyến bay đêm cất cánh từ phi trường Los Angeles về Dallas chật cứng người ta.
Ngay từ khi mọi người còn chờ đợi ngoài cổng lên máy bay, tôi đã thấy được nhiều gương mặt mệt mỏi của hành khách. Dù là đi hay về Dallas thì cũng đã trải qua hai ngày cuối tuần ở Calif, là tiểu bang chộn rộn đủ thứ chuyện trên nước Mỹ. Phải đến lúc vào nhà vệ sinh tôi mới thấy được tôi trên tấm gương, cũng bèo nhèo như họ; chắc phải bỏ tật ham vui là ham về Calif để bù khú với bạn bè…
Rồi thì tôi không thích chũi mũi vào chuyện của người khác, nhưng cứ bị một gia đình người Việt nam quấy rầy. Gia đình nọ gồm hai vợ chồng còn trẻ, với một đứa trẻ còn ẵm ngửa, vác vai, và chắc là bé gái. Tôi thấy nhiều người rời đi chỗ khác vì tiếng khóc lanh lảnh của cháu bé làm họ khó chịu, trong khi còn phải chờ đợi chuyến bay hơn nửa tiếng nữa mới cho hành khách lên phi cơ.
Nhưng cháu bé khóc cũng không làm phiền mọi người bằng hai thằng anh của nó; một đứa chừng năm tuổi, đứa lớn hơn độ bảy tuổi. Hai đứa bé trai gầy, da ngăm ngăm nắng, nhếch nhác cái áo thun cũ, quần cộc và đôi dép kẹp mòn vẹt như nhau. Chắc là trẻ Việt ở Calif vì chúng nói tiếng Anh với nhau lưu loát đã đành, nghe chúng nói tiếng Việt với nhau mới hết hồn. Hết hồn đây là hết hồn người nghe, chứ chúng rất bình thản bảo nhau, “mày không chơi nữa thì đưa máy game cho ông ngoại giữ. Mày để đó… giang hồ đua bây giờ!” Thằng em mới chừng năm tuổi đời mà tuổi giang hồ đã cỡ năm mươi. Nó trả lời thằng anh gọn lỏn, “Chuyện nhỏ… như con thỏ.” Rồi nó ném cái máy chơi game vào lòng ông ngoại nó như vứt rác vào thùng rác.
Mà ông ngoại nó cũng giống cái thùng rác thật, đôi mắt ông chứa hết rác rưởi của trần gian mà ông đã đi qua. Một ông già ốm yếu xanh xao, quần áo nhếch nhác không kém hai thằng cháu, người ông nhỏ thó nhưng mang trên cổ một cái đầu quá khổ như cá lóc mùa nắng, mái tóc bạc trên đầu ông còn mệt mỏi hơn ông vì chắc đã quá lâu không chải, quên đi tiệm cắt tóc. Ông làm nhiệm vụ trông chừng hai đứa cháu trai, và giữ cái giỏ xách cũ kỹ được tận dụng từ tiệm bánh mì, bánh ngọt nào đó ở Calif với chữ mất chữ còn; nhưng cái giỏ thần thánh ấy lại chứa đựng sự sống của cả gia đình ba thế hệ. Vì hai đứa cháu trai đòi uống nước thì ông lôi ra chai nước, chúng đòi ăn thì ông lôi ra bánh kẹo, đòi chơi thì ông lôi ra máy game… Cha tụi nó đòi sữa cho em bé mà anh vác đòng đòng trên vai thì ông ngoại lôi ra chai sữa, đưa cho con rể; nhìn cáu bẩn đóng trên chai sữa, phần nào nói lên được tính chất đặc biệt của tiếng khóc cháu bé. Tôi nghĩ là tã của em bé cũng nằm sẵn trong cái giỏ thần thánh đó; và thật không ngờ là con gái ông đòi cà phê, thì ông già lôi ra chai cà phê Starbucks pha sẵn cho con gái ông. Cô ấy đi chung với cha, với chồng và ba con; nhưng bọn họ là thế giới thật, trong khi cô ấy là người của thế giới ảo nên cô ấy miệt mài, cười tươi, nhăn mặt… với cái iPhone, say sưa “phây” với hồn ma bóng quế trong thế giới ảo của cô ấy.
Hai đứa bé trai nói lớn, cười to, rượt đuổi nhau làm ngã đổ hành lý của vài người khác. Rồi chúng xô đẩy nhau vào cái ba lô của tôi. Tôi không sợ gãy cổ tượng Phật bằng đá khá nặng của tôi trong ba lô mà sợ chúng bể đầu, rồi lại ách giữa đàng đi quàng vào cổ. Đành đưa ông Phật đi tị nạn dưới gầm bàn cà phê cho chắc.
Vậy mà chúng cũng không dừng rượt đuổi nhau sau khi làm ngã té một bé gái người Mỹ trắng chừng ba tuổi. Gương mặt giận dữ và khinh bỉ của mẹ bé là hình ảnh khó quên. Cô đỡ con cô dậy, dỗ cháu nín khóc, rồi dắt cháu đi tị nạn chỗ khác như nhiều người, cô ném lại cho gia đình nọ một ánh mắt rợn người. Tôi thấy may mắn vì đứa bé ngã té không có cha nó đi cùng, bởi đàn ông Mỹ trắng thường rất lịch sự nơi công cộng, nhưng khi họ điên tiết lên thì có án mạng không chừng!
Tôi ngồi thu mình lại vào một góc quán cà phê trong phi trường, hòng tìm vài phút chợp mắt sau hai đêm khó ngủ bên Calif. Cái vali quần áo mang theo và quà cáp mang về không quan trọng, nhưng cái ba lô chứa tượng Phật nằm dưới gầm bàn cà phê cứ áy náy lòng tôi về sự thiếu tử tế với thần linh. Nghĩ đến sự tử tế trong đời sống bây giờ rất khó về cả hai mặt: Mong cầu được đối xử tử tế rất khó vì sự tử tế ngày càng bị người ta từ chối là một đức tính, nét văn hoá, sự văn minh mà ai cũng cần gìn giữ và vun đắp cho mỗi người.
Ba người lớn trong gia đình nọ dường như không có khái niệm về sự tử tế cần thiết đối với người khác nơi công cộng, nên họ chẳng la rầy hay răn đe hai đứa bé trai lấy một tiếng. Khi mấy cháu bé làm đổ hành lý người khác, đã không xin lỗi người ta lại còn cãi lại khi người ta quở trách. Thế là người mong cầu được đối xử tử tế trong đời sống hôm nay chỉ còn biết cắn răng chịu đựng cho tới khi tức nước vỡ bờ. Mà người ta thì thường giận quá mất khôn, mất lý trí khi hết chịu đựng nổi ngay trong cái xã hội ngày càng văn minh, hiện đại với khoa học kỹ thuật, nên chểnh mảng cũng nhiều về khoa học nhân văn…
Tôi ngồi hình dung lại cuộc trò chuyện giữa tôi và một người lớn tuổi bên Calif vào tối ngày hôm trước, bác trai Nguyễn Hữu Thời cứ hỏi tôi mỗi một câu, “sao bây giờ có quá nhiều vụ giết người hàng loạt xảy ra? Mà lại là khủng bố nội địa mới khó chống đỡ…”
Tôi chỉ trò chuyện với bác trai thôi vì tôi không trả lời nổi câu hỏi ấy khi nước Mỹ bước vào thế kỷ 21 như bước vào thế kỷ chống khủng bố toàn cầu. Chính phủ Mỹ hiện đang làm việc ấy rất nghiêm túc nên không thấy xảy ra những vụ tấn công vào nước Mỹ từ những tổ chức khủng bố quốc tế. Nhưng những vụ nổ súng nơi công cộng, những vụ giết người hàng loạt vẫn xảy ra trong nội địa Mỹ. Những con sói lẻ loi hành động khó lường vì họ xuất xứ từ xã hội Mỹ, từng yêu thương, đóng góp cho xã hội này; sao lại, rồi bỗng quay lưng giết hại đồng loại một cách bất ngờ, nơi vô định trước… khiến lực lượng chống khủng bố rất khó khăn đối phó kịp thời.
Tin tức tôi đọc trong lúc chờ lên phi cơ là hai vụ xả súng vào đám đông liên tiếp làm rúng động nước Mỹ trong suốt tuần qua. Tại El Paso, Texas, tay giết người xả súng vào một cửa tiệm Walmart vào sáng thứ bảy 3 tháng 8, làm chết 22 người và 24 bị thương. Vụ khủng bố nội địa có nguồn gốc thù hận này dựa trên lời khai cũng như bản tuyên bố để lại trên mạng của hung thủ. Y là một người da trắng, và thú nhận là đã cố tình nhắm vào những người châu Mỹ La tinh.
Sau đó 13 tiếng đồng hồ tại Dayton, Ohio, một tay súng khác đến hiện trường là khu thương mại cùng cô em gái. Hắn ra tay giết 8 nạn nhân và cả em gái mình là nạn nhân thứ 9, thêm 27 người khác bị thương. Hung thủ đã bị cảnh sát bắn chết tại hiện trường.
Hai vụ xả súng trên và một số vụ xả súng khác trong thời gian gần đây đều do khủng bố nội địa ra tay. Theo FBI, các vụ xả súng do những người da trắng gây ra được kích thích bởi ý thức hệ cực đoan đã góp một phần lớn trong số những trường hợp khủng bố nội địa đang ngày càng gia tăng. Với khoảng 850 vụ khủng bố nội địa hiện thời, 40% trong số đó có liên quan đến tư tưởng cực đoan bạo động do động cơ phân biệt chủng tộc và đa số những trường hợp trên liên quan đến nhóm người có tư tưởng da trắng thượng tôn (white supremacists).
Bằng chứng ư? Hung thủ của vụ tấn công tại El Paso là một thanh niên da trắng 21 tuổi, y đã để lại trên mạng một bản tuyên bố mang đậm tư tưởng quốc gia cực đoan da trắng và chống lại di dân. Hung thủ trong những vụ tấn công khác gần đây, trong đó có hai vụ tấn công vào đền thờ Do Thái tại Pittsburgh và Poway - California, cũng là những người ủng hộ tư tưởng quốc gia cực đoan da trắng.
Bản tin tôi đọc cho biết thêm, các chuyên gia nghiên cứu về tội ác cho biết những thanh niên da trắng thực hiện các vụ xả súng gần đây thường không nằm trong danh sách kiểm soát và theo dõi của hệ thống an ninh quốc gia Hoa Kỳ, bởi họ không là phần tử thuộc bất kỳ tổ chức cực đoan nào, những thanh niên này thường sử dụng một số trang mạng xã hội mang tính chất mờ ám như 8chan để bày tỏ những tư tưởng cực đoan của họ… Rồi bất ngờ ra tay ở một nơi mà chính họ cũng không định trước thì làm sao lực lượng chống khủng bố biết trước được để ngăn chận kịp thời.
Nhìn quanh nước Mỹ, nhìn ra thế giới sẽ thấy rõ vấn nạn di dân và hệ quả cực đoan đã tạo ra nhiều vụ giết người hàng loạt. Chắc chắn là kẻ giết người hàng loạt không được hoan nghênh, nhưng trong sâu xa mỗi người vẫn tiềm ẩn thú tính động vật bản chất, nhưng bị kềm hãm bởi luật pháp và văn minh. Sự xấu xa ấy không biến mất mà sẽ trỗi dậy bất thường và bất ngờ vào một lúc nào đó sự ích kỷ bẩm sinh, lòng thù hận hoang dã trong bản năng gốc của người ta trỗi dậy.
Tôi không quên được cái chết đêm Giáng sinh của hai mẹ con người Việt ở Nashville - Tennessee vào năm 2015. Vụ án ám ảnh tôi, hay những tư tưởng khác lạ trong tôi không chịu quên lãng? Tôi nhớ đó là buổi sáng ngày 25 tháng 12 năm 2015. Tôi thức dậy ở nhà người bạn là hoạ sĩ, anh đưa tôi ra quán cà phê sau khi đã gọi điện thoại và hẹn một người bạn khác nữa là kỹ sư điện toán, cùng đi uống cà phê.
Buổi sáng nhiều sương mù và gió lạnh ở Nashville. Tôi ngồi trong xe anh bạn hoạ sĩ đang cầm lái, tôi nói điện thoại với anh bạn khác ở San Jose đang thăm hỏi và chúc mừng Giáng sinh cho tôi… Nashville có núi cao với những rừng cây thông rất đẹp vào mùa đông, nhưng đẹp đến não lòng người khách lạ là hình ảnh một cô gái Mỹ trắng cao gầy, có gương mặt rất đẹp, mái tóc vàng óng ả của tuổi đôi mươi… thế mà cô là người homeless cô đơn ở ngã tư đường vào một sáng Giáng sinh lạnh lẽo…
Anh bạn hiểu tôi đang nghĩ gì với hình ảnh đẹp nhưng quá buồn đang đập vào mắt tôi, nên anh tự nói với tôi, “Khu vực này là trường đại học, nên ông thấy homeless trẻ măng vì họ là những sinh viên, nhưng dính vào xì ke ma túy mà ra vậy!”
Anh nghĩ ngợi rồi nói thêm, “Nếu là con cái người Việt thì còn có thể lê lết về nhà để cầu cứu cha mẹ. Nhưng là người Mỹ thì không thể trở về nhà với thân tàn ma dại như vầy…”
Sau đó anh lái xe ngang qua một khu nhà ở để “minh hoạ” cho tin tức địa phương mà anh mới cho tôi hay sáng sớm nay trước khi chúng tôi rời nhà đi uống cà phê.
Chuyện vụ án đau lòng.
Hiện trường vụ án trước mắt tôi là khoảng bốn năm căn nhà xoay quanh cái thung lũng nhỏ. Đứng ở sân sau nhà này có thể thấy hết sân sau những nhà hàng xóm do thế đất lòng chảo… Nơi đó có một người đàn ông Mỹ trắng sống một mình. Và có lẽ anh đã hết chịu đựng nổi hai mẹ con người Việt hàng xóm là dường như bất cứ lúc nào anh mở cửa patio nhà anh để bước ra sân sau nhà thì dường như anh đều phải thấy cái nhìn sợ hãi hay nghi ngại; khinh bỉ hay cảnh giác… thật không biết lý do vì sao mà hai mẹ con người Việt ở đâu lưng nhà anh cứ nhìn lom lom vào anh, vào nhà anh mỗi khi anh ta ra sân sau.
Nên mới vào đêm qua. Đêm Chúa sinh ra đời. Cả nhân loại hân hoan đón mừng Đấng Cứu Thế thì ở một góc trời lưu lạc của người Việt nam, có một người đàn ông bản xứ là người Mỹ trắng đã sang thăm gia đình người hàng xóm Việt nam vào tối Giáng sinh với một lưỡi dao dài trong tay. Anh đâm chết cô gái trẻ ngay sau khi cô ấy mở cửa trước nhà. Anh đâm chết tiếp là người mẹ của cô ta. Nhà không còn ai ngoài những vách tường nhuốm máu phân biệt, thù hận… anh trở về nhà mình và ngồi chờ cảnh sát đến bắt anh.
Khi cô bạn học của cô gái đến rước cô ấy đi chơi đêm Giáng sinh. Người bạn này thấy cửa trước nhà đang mở nên bước luôn vào nhà và phát hiện ra hai xác chết. Cô ấy gọi báo cảnh sát…
Tôi nhìn những giải băng keo vàng của cảnh sát khoanh vùng hiện trường để điều tra như những sợi dây trói lại con đường sống của di dân trên xứ sở này. Tôi nghĩ đến ai có thể cởi trói? Không ai có thể ngoài bản thân, tự thân người di dân.
Những chương trình nhân đạo của chính phủ nước sở tại dành cho di dân chỉ cùng lắm giúp người di dân có được nơi ăn chốn ở, việc làm, con cái được đi học, trợ giúp y tế của chính phủ cho người mới định cư, người già và trẻ em, v.v… Sự giúp đỡ nhân đạo ấy đã vô cùng to lớn trên bình diện quốc gia Hoa Kỳ rộng lớn với di dân từ khắp nơi trên thế giới đổ về miền đất hứa, nhưng cũng lắm gió tanh mưa máu này. Nên sự giúp đỡ hội nhập phải tự thân người di dân lo thân. Người di dân phải tập quan sát cuộc sống bản địa, phong tục tập quán của người bản xứ để hiểu biết. Đồng thời cũng phải thay đổi những thói quen xuất phát từ phong tục tập quán của mình cho phù hợp để hoà đồng…
Nói sao cũng không khỏi đau lòng vào một sáng mùa đông ở Nashville với cô gái người bản xứ thì ném đời vào xì ke ma túy để tự hủy hoại mình. Nhưng hàng ngày cô vẫn nhận được sự thương cảm của người qua đường để tồn tại - dù không biết tồn tại để làm gì với cuộc đời chưa kịp đóng góp đã làm cho xã hội băng hoại thêm. Còn cô gái Việt cũng ném đời vào một cuộc mông lung là rời khỏi quê hương để mưu cầu hạnh phúc ở một nơi xa lạ, và phải chết thảm vì hoà nhập không trọn vẹn với cố tật ưa nhìn…
Ra đến quán cà phê. Hai người bạn tôi đã trút cơn thịnh nộ với hết lời nguyền rủa tên sát nhân. Nên tôi giấu nhẹm đi suy nghĩ của mình từ đó và trở thành ám ảnh tới hôm nay khi tư duy tôi lỡ nhìn vụ án từ một góc độ không bình thường là lên án, là nguyền rủa kẻ sát nhân.
Tôi nhìn vụ án bằng pháp lý thì luật pháp Mỹ đã quá rõ ràng về tội ác và trừng phạt. Nhưng nhìn vụ án bằng tâm lý thì nạn nhân là nguyên nhân, nhưng hung thủ cũng chỉ là một loại nạn nhân khác. Dĩ nhiên tôi không dám nói ra trước cơn thịnh nộ của hai người bạn khi đồng hương mình bị sát hại một cách lãng nhách và rất đau lòng.
Tôi bị ám ảnh đến bây giờ khi nhớ tới vụ án, khi hình dung ra ánh mắt soi mói vào đời tư của người khác mà người Việt ưa nhìn. Người Việt không xấu tính trong tình nhân loại nhưng phải nói là một số người thường có cái nhìn vô cớ. Không quen biết nên không chào hỏi, vậy thì nhìn người ta làm gì cho khó chịu thiên hạ. Rồi tôi tưởng tượng ra sự uất ức của anh chàng người Mỹ khi bị người khác nhìn, mà rất dễ hiểu lầm là nhìn soi mói vào đời tư của anh ta như một thách thức. Đó là chưa nói tới xuất xứ của đôi bên bờ rào, ít nhiều cũng có sự phân biệt bản xứ với di dân. Ngay người Việt với nhau mà người định cư lâu cũng đã phân biệt với người mới qua; người nào cũng biệt xứ nhưng di dân từ Sài gòn thì thường có cái nhìn khác thường với di dân từ Hải phòng, Hà nội…
Vụ án đêm Giáng sinh sẽ còn mãi trong tôi, ít nhất là suy nghĩ về mặt tâm lý khi nhìn vào một vụ án; thì nay thêm sợ hãi khi đi cùng chuyến bay với đồng hương mà không giúp được gì ngoài chịu đựng và sợ hãi khi chuyến bay đêm nên tắt đèn, nhưng hai đứa bé trai không chịu yên lặng cho mọi người yên ổn; người mẹ chúng thì nhất định giành cho được một ghế trống, dù chỉ để gác chân cho thư giãn trong khi chuyến bay cũng không hiểu vì sao mà thiếu ghế ngồi cho hành khách. Không biết đứa bé mà cha nó vác trên vai có phải mua vé máy bay không mà mẹ nó nhất định giành ghế cho con mình; Chỉ thấy tiếp viên đưa người hành khách cuối cùng nên bị thiếu ghế ngồi; cô ấy phải xuống ngồi ghế phụ của những tiếp viên trên máy bay. Họ yêu cầu cha đứa bé gái hãy ngồi xuống ghế đến mấy lần, nhưng anh ta cứ vác con trên vai đi tới đi lui trong máy bay đang bay như khoe tiếng khóc hơn người của con mình…
Tôi tạ ơn trên khi bước chân ra khỏi máy bay bình an, không phải chứng kiến thêm một chuyện đau lòng, một vụ xả súng vì điên tiết…
Dallas về sáng đã hoàn thành một chuyến bay đêm trong tình thương yêu của Đấng KiTô. Tôi nói vui để tạm biệt người đồng hành bên cạnh là một đồng hương trẻ.
Phan
Good point. Immigration should have some video clips for the new comers.
>Ngay người Việt với nhau mà người định cư lâu cũng đã phân biệt với người mới qua;
It is funny. I have new Viets in the neighborhood, they spent million to buy houses, boat on trailer, jet ski, ...but they have a bad habit of “xả rác bừa bãi” but not in front of their houses. So I had to talk to them directly (in english) to their faces. I will report to the police (I set up camera around the house) if .....
I Agree
???!!! ???!!!
Cảm ơn bài viết hay.