Hôm nay,  

Những Giọt Lệ Từ Xa Cho Ó Đen Lý Tống

03/05/201900:00:00(Xem: 11622)
Tác giả: Phương Hoa
Bài số  5679-20-31486-vb6050319
 
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài tác giả mới viết sau đám tang của Ó Đen Lý Tống.

***

Tháng Ba vừa rồi, vợ chồng tôi đi xa hết mười mấy ngày.  Mới về mở cửa bước vô nhà thì có điện thoại Việt Nam gọi. Đó là T., người em bà con của nhà tôi hiện đang sống ở Sài Gòn. Tôi vừa mở máy lên cậu ta đã hớt hơ hớt hải:

– Anh chị đi đâu mà tắt điện thoại lâu quá vậy? Em gọi mãi không được! Điện thoại nhà cũng chẳng ai trả lời luôn!

Tôi cho cậu ta biết, là chúng tôi bận làm thiện nguyện cho khóa thiền nên phải tắt hết điện thoại, vì không muốn làm xáo động các thiền sinh đang cần sự yên lặng để tĩnh tâm. Nếu người nhà muốn liên lạc thì có thể gọi cho trung tâm họ sẽ chuyển lại. Nghe giọng nói cậu ta khá nghiêm trang tôi cũng hơi giật mình, không biết có chuyện gì xảy ra bên đó. Nhưng tôi chưa kịp hỏi thì cậu đã vội vã nói, giọng run run như muốn khóc:

– Nghe tin anh Lý Tống nằm viện vì bịnh rất nặng, và người ta đang tính chuyện rút ông thở để anh ra đi. Chuyện đó có thật hay không? Rồi anh tự trả lời luôn: – Mong đó chỉ là lời đồn của bọn xấu, như trước đây họ từng làm. Người như Lý Tống không thể nào chết dễ như thế được!

Tôi giật mình, không ngờ mười mấy ngày qua vắng nhà mà ở Cali đã xảy ra “chuyện lớn” mình không hề hay biết. Nhà tôi cũng tỏ vẻ sửng sốt vì quan tâm về tình hình sức khỏe của chiến sĩ Lý Tống không kém người bên kia đầu dây. Tôi liền trao máy cho họ nói chuyện với nhau.

Sau đó vợ chồng tôi ngày nào cũng quên ăn bỏ ngủ để dõi theo tin tức về “Ó Đen” từ San Diego. Chúng tôi buồn não ruột khi nghe tin gia đình chuẩn bị rút ống để anh nhẹ nhàng ra đi. Lý Tống rất kiên cường kia mà. Rồi đến hôm Thứ Sáu, 22 Tháng Ba, tôi mừng vì nghe tin Lý Tống đã tỉnh lại và có phản ứng, sau khi được Ni Sư Hạnh Như chùa Quan  Âm, San Diego, đến tụng kinh cầu an sám hối cho anh. Gia đình và đồng đội Không Quân của Lý Tống đã quyết định không rút ống và tiếp tục nhờ bác sĩ chữa trị cho anh.

Nhưng rồi nỗi mừng không trụ được bao lâu. Dù biết trước sau gì anh cũng phải ra đi, cái tin người hùng Lý Tống từ trần ngày 5/4/2019 tại San Diego, vẫn làm cho tôi bàng hoàng. Ông chồng tôi cũng từng là một chiến sĩ Không Quân VNCH nên rất hâm mộ Lý Tống. Vì ở xa nên chúng tôi không thể đến chào vĩnh biệt, bỏ một cành hoa hay nắm đất tiễn đưa lần cuối, tôi viết đôi dòng này để tưởng nhớ và tiễn biệt thần tượng của gia đình chúng tôi sau khi xem những buổi lễ tưởng niệm và an táng Lý Tống từ các Live Stream trên mạng internet.

Thật không thể dùng đủ bút mực ghi lại những chiến công để vinh danh người anh hùng kiệt xuất

này, cũng như không đủ lời lẽ để ngợi khen những tấm lòng của bạn bè, thân hữu, và cộng đồng Việt đã lo lắng cho Lý Tống. Tôi rất hảnh diện thấy cộng đồng Việt mình ở San Diego và Nam Bắc Cali đã cùng nhau lo cho chung sự của Lý Tống liên tiếp mấy ngày một cách rất quy mô, hùng tráng.  Nhiều buổi lễ tưởng niệm đã diễn ra, từ San Diego đến Westminster, thực hiện bởi hai tôn giáo lớn nhất của người Việt là Công Giáo và Phật Giáo. Tôi đã căng mắt nhìn chiếc máy bay lượn trên bầu trời kéo theo cái băng rôn có hàng chữ lớn “SPIRIT LY TONG FOREVER” và “Lý Tống Bất Diệt” mà thấy lòng xúc động. Quả là môt ý tưởng độc đáo của tỷ phú Hoàng Kiều, ông Cù Thái Hòa cùng các đồng đội Không Quân San Diego của anh Lý Tống. Từ trước tới giờ tôi chưa hề thấy có đám tang nào dùng cách này để vinh danh người quá vãng.

Chưa hết, nhà văn Giao Chỉ ở San Jose miền Bắc California vừa gửi thông báo, “Tháng 5-2019. Lễ tưởng niệm Lý Tống quy mô sẽ tổ chức ngay tại San Jose City Hall nơi 2012 Lý Tống  đã tuyệt thực cùng hàng ngàn đồng bào tranh đấu cho danh hiệu Little Sai Gon. Dự trù sẽ có phi cơ bay trên không phận thị xã San Jose, thả những truyền đơn năm 2000 Lý Tống từng thả 50 ngàn lá xuống Sai gon.”

Nhìn trên Live Stream, đám tang được dẫn đầu bằng một đoàn xe mô tô cảnh sát, đoàn xe zeep thật đông với các chiến binh mặc quân phục quân đội VNCH trước đây và cờ VNCH rực rỡ hộ tống xe tang, cùng đoàn xe dài ngoằn đủ loại không thể nào đếm xuể của bà con đưa tiễn chạy sau xe chở quan tài Lý Tống. Trên đại lộ Bolsa, dày đặc cả rừng người Việt cầm cờ Vàng ứng trực dọc đại lộ Bolsa phía trước tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ đã hô vang “Lý Tống muôn năm” khi đoàn xe chạy qua. Và một rừng người đông hơn nữa đưa linh cữu đến tận nghĩa trang, tranh nhau nhận mấy nghìn đóa hoa hồng trắng để bỏ xuống huyệt mộ tiễn biệt Lý Tống trong giờ hạ huyệt. Nhìn rừng người đưa tiễn, có lẽ người Mỹ và dân địa phương cũng phải khâm phục vì cái đám tang của một “phó thường dân” tị nạn Việt Nam mà rầm rộ và trang nghiêm như thế.

Nghe nói bởi vì ban tổ chức thay đổi chương trình, sợ thời tiết nắng nóng nên đã thực hiện sớm đến mấy tiếng đồng hồ.  Nếu họ chờ tổ chức đúng như giờ đã thông báo trước đó, chắc chắn sẽ còn rất nhiều bà con đến đưa tang cho anh.  Hiện tại trên mạng internet có đăng tràn ngập các YouTube về đám tang người hùng Lý Tống, nên tôi không cần phải kể ra nhiều ở đây.

Sau khi xem xong lễ hạ huyệt của Lý Tống, ông chồng tôi chợt nhớ đến T. người bà con thường quan tâm đến tình hình sức khỏe của Ó Đen nên gọi về Việt Nam, định chuyển cái YouTube buổi lễ cho cậu ấy xem. Không ngờ bên đó cậu ta cũng vừa mới xem xong. Thế là hai người lại nói chuyện râm ran, bàn tán không ngừng về Ó Đen Lý Tống. Anh chàng T. này từng là sĩ quan Thủ Đức, sau 75 cũng bị bắt đi “học tập cải tạo” nhưng vì khi ấy còn trẻ, sĩ quan mới ra trường nên ở tù chưa đủ ba năm, không đủ điều kiện đi được diện HO sang Mỹ. Về sau chạy hết chỗ này đến chỗ kia tìm mối vượt biên, rồi lớp bi lộ, lớp bị gạt, mất hết cả tiền bạc mà vẫn không đi được, phải đành ở lại đối mặt với sự ngược đãi và tù đày. Nhiều lúc tôi nghĩ cũng tiếc dùm cậu ta. Nghe có người nói nguyên cái giấy ra trại ba năm họ còn mua được huống chi chỉ thiếu có vài tháng thì nhằm nhò gì? Nhưng cậu ta là một con người ngay thật nên đã không tìm cách chạy chọt kiểu này, đành phải ở lại sống lây lất qua ngày.

Ông xã tôi vì tai nghe có chút khó khăn (đã lên hàng “lão” rồi thì cái máy trợ thính dù là máy “xịn” ma-de-in-USA đàng hoàng chứ hỏng phải China, nó cũng chẳng thèm…quớt!), cho nên mỗi lần gọi điện thoại ông ấy thường mở “speaker phone” lên để nghe cho rõ. Nhờ vậy, dù tôi đang nấu ăn trong bếp nhưng vẫn “nghe ké” được câu chuyện của hai người đàn ông.


Đến giờ tôi mới biết, sau tháng Tư năm 1975, T. đã từng ở tù chung trong trại tập trung “Lam  Sơn” (thuộc Dục Mỹ từ Đồng Đế Nha Trang đi lên) cùng Lý Tống. Cậu ta thì đi “trình diện” rồi họ nhốt luôn ở đó chờ chuyển đi trại khác, còn Lý Tống thì bị bắt đưa vào vì máy bay của anh bị bắn rơi.  

Sau khi đoàn quân VNCH cùng dân chúng chạy loạn di tản khỏi Cam Ranh, anh được lệnh bay trở lại thả bom phá sập cầu CR để ngăn chặn đường tiến của quân Bắc Việt.  Khi ấy Lý Tống nhìn xuống thấy đồng bào mình bên dưới quá đông, chần chừ không nỡ ném bom phá cầu rồi bay đi ngay theo như lệnh, mà anh đã lượn qua lượn lại mấy vòng nên máy bay của anh mới bị bắn rớt.

Tôi nghe mà lạnh cả mình, sởn cả tóc gáy. Cái ngày cầu Cam Ranh sắp bị ném bom là ngày mà cả gia đình mười mấy người của ông anh con bác ruột tôi, người tôi yêu quý nhất, làm trưởng chi của một bộ phận trong chính phủ VNCH đang dắt díu nhau chạy dọc Quốc Lộ 1A cùng đoàn quân di tản vô Sai Gòn. Vì không kịp theo đoàn quân nên đến Cam Ranh anh phải đành mang vợ con trở lại nhà tôi ở Nha Trang, rồi sau đó về quê trình diện và đi tù. Sau này anh kể lại, thời điểm đó gia đình anh đã di chuyển đến gần cây cầu CR nơi Lý Tống được lệnh bỏ bom phá hủy. Nếu anh Lý Tống không vì lòng nhân mà do dự, thì không chừng gia đình ông anh tôi cũng đã tiêu cả rồi.

T. còn kể, trong trại Lam Sơn thời gian ấy cậu gặp Lý Tống hầu như thường xuyên trên đường vô rừng làm việc.  Láng trại của cậu nhốt những sĩ quan cấp thiếu úy, còn láng trại anh Lý Tống bên phía đối diện dành cho cấp trung úy. Ngày nào cai tù cũng đày đọa, hét hò, bắt họ đi làm công tác trong rừng, thực hiện cho đủ những chỉ tiêu “Tranh, Tre, Kè, Củi.”

Nghe những “chỉ tiêu lạ hoắc” như thế, ông xã tôi tròn mắt chưa kịp nói câu nào, tôi chạy lại hỏi:

– Chỉ tiêu gì kỳ cục vậy?

– Là nhà tù đặt ra đó! Mỗi ngày họ phân chia, đội thì đi cắt tranh về để lợp mái, đội chặt tre để cất sườn trại, đội thì cắt lá kè để che vách, và đội chặt củi đem về nấu nướng. T. bỗng dừng lại và thở mạnh, như đang hồi tưởng về cái thời kỳ khốn khổ đó. – Mọi người phải chặt cho đủ “chỉ tiêu” nếu ai vì sức khỏe hay đau yếu không làm được thì sẽ bị phạt nặng.

Tôi nghe mà thấy rất tội nghiệp, phần thì thương, phần thì cảm phục những vị cựu tù, những người còn sống sót trở về. Đã chịu sự vất vả như thế nhưng họ vẫn cố mà tồn tại thì biết sức chịu đựng của họ bền bỉ tới cơ nào.

Một câu chuyện về Lý Tống do T. kể lại làm chúng tôi lặng người luôn. Khi Lý Tống vượt ngục đã thoát được trại Lam Sơn, trên đường di chuyển anh bị chận bắt lại ở Khánh Dương đem trở về lại trại thì anh bị đánh đập tàn bạo. Câu nói bất hủ của anh hùng Lý Tống mà những tù nhân trong trại Lam Sơn ngày ấy xầm xì chuyền tai nhau, là khi bọn cai tù bắt anh quỳ nhận tội vì đã vượt ngục thì Lý Tống dõng dạt trả lời:

“Tôi chỉ quỳ để nhận lon thôi! Ngoài ra không quỳ với ai hết!”

Thế là họ dùng báng súng đánh Lý Tống đến hộc máu, nhưng anh vẫn nhất quyết không chịu cúi đầu. Và họ đem cùm tay chân anh rồi nhốt biệt giam trong “cô nét” một thời gian dài. T. còn kể, có người kia ở chung khu trại khi ấy đã nói, nếu ông là Lý Tống chắc là ổng quỳ đại cho rồi, để qua cơn nguy và khỏi bị đánh đập.

Nghe nhà tôi luôn miệng xuýt xoa thương xót và cảm phục Lý Tống, T. nói tiếp:

– Chưa hết đâu anh ơi, Lý Tống gan lỳ lắm! Đã vậy mà sau khi thoát khỏi nhà tù và ra nước ngoài định cư, anh ấy còn uy hiếp một phi công bay trở lại SaiGon để thả truyền đơn nữa chứ! Về sau đọc thông tin trên internet em mới biết đó là phi công Việt Nam lái chiếc phi cơ cũng của Việt Nam. Chính em đã lượm được những tờ truyền đơn và đọc nó trên đường 3 Tháng 2 vào một buổi sáng sớm tháng 9 hình như là năm 1992.  

Tôi đang xắt bắp cải, nghe thế tôi quẳng cả con dao và chạy lại giành lấy chiếc điện thoại trên tay ông xã:

– Trời đất ơi! Tôi nghe mà tay dựng cả chân lông đây nè! Chính chú là người đã lượm được truyền đơn của Lý Tống năm ấy? Khi đó anh của chú vừa mới được định cư Mỹ, ở bên nhà tôi thường mở nghe lén đài BBC và đài VOA, và tôi có nghe tin về chuyện một Việt Kiều Mỹ đã khóng chế ép một máy bay Việt Nam bay trên vùng trời Sàigon để anh ta thả truyền đơn. Không ngờ chú là người đã gặp những truyền đơn đó! Sao trước giờ không nghe chú nói?

– Làm sao em dám nói chứ! Có mà đi tù lần nữa!

– Tôi hiểu rồi. Vậy thì trên mấy tờ truyền đơn đó viết gì?

– Không phải mấy tờ mà là nhiều vô số kể, dày đặt, trắng rợp cả con đường 3 Tháng 2 luôn! T. nói.  – Những tờ giấy chỉ nhỏ bàn bàn tay thôi, nhưng đọc xong em run đến muốn khóc luôn chị ơi! Và em lật đật ngó trước nhìn sau xem có ai thấy mình lượm nó hay không, rồi mới dám bỏ xuống đường như cũ, sợ rủi có ai thấy họ tưởng mình rải thì nguy. Đến trưa em đi về lại đường này thì mọi thứ đã được dọn dẹp sạch sẽ hết rồi.

– Chú có còn nhớ là trong đó viết những gì không? Nhà tôi hỏi.

– Làm sao quên được! Ngoài những dòng chữ kêu gọi “tổng nổi dậy” mà em đã quên chi tiết, thì cái câu cuối cùng em còn nhớ như in cho tới tận bây giờ đó là:

“Tư Lịnh Lực Lượng Tổng Nổi Dậy Đã Ký: Lý Tống.”

Nghe đến đây tôi chợt nhớ lại bài thơ của anh ruột Lý Tống, cựu Thiếu Tá VNCH Lê Xuân Nhuận đã đọc trong buổi lễ hạ huyệt để tiển biệt em trai lên đường. Ông đọc bài thơ do chính ông sáng tác bằng một giọng run run xúc động, làm tôi cũng muốn chảy nước mắt theo:

Em đã tung hoành thỏa chí trai
Trọn đời nợ nước trĩu hai vai
Xông pha nguy hiểm liều thân sống
Đảm lược trên đời dễ mấy ai...”

Quả đúng Lý Tống là một người vô cùng đảm lượt.  Anh đã thành công xuất sắc trên con đường binh nghiệp bảo vệ tổ quốc; anh đã thành công trong những lần vượt ngục, vượt biên đầy nguy hiểm gian nan; anh đã thành công trong các phi vụ kêu gọi tự do dân chủ cho quê hương Việt Nam; trong “trận chiến” tuyệt thực tranh đấu cho danh hiệu Sài Gòn nhỏ (Little SaiGon) ở San Jose; anh còn giúp kêu gọi tự do dân chủ cho các dân tộc trên thế giới như Cuba, Bắc Hàn... từng được các báo chí nổi tiếng trên toàn cầu biết đến và ca ngợi; đặc biệt, được cố tổng thống Mỹ Ronald Reagan ngợi khen về sự can trường và bất khuất của anh.

Thật hãnh diện vì một người hùng của dân tộc Việt Nam đã được bốn bể năm châu biết đến.

Kính gửi đến hương linh Ó Đen Lý Tống vài giọt lệ khóc thương anh từ xa của T., của những đồng bào yêu quý anh, và của cả chúng tôi. Nợ trần đã dứt, nguyện cầu cho anh ra đi thanh thản.

“Ó Đen” Lý Tống thăng thiên
Anh đi rũ sạch ưu phiền thế gian
Hùng danh lưu mãi sử vàng
Làm gương con cháu Hồng Bàng nước Nam

Miền Bắc Caifornia, 29 Tháng Tư 2019
Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
09/05/201914:35:51
Khách
Lý Tống mà chết, là báo hiệu mở đầu cho giai đoạn tà quyền của lũ khỉ đột chăn trâu, lũ ăn cướp culi thất học, lũ bần cố nông khát máu, bọn khỉ đột bắc cầy 1975 răng hô mỏ nhọn, bầy quỉ đỏ CSVN, tất cả bầy đàn súc vật chúng nó sắp sửa giẫy đành đạch chết nhe hàm răng hô, chế độ CS sẽ sụp đổ và từng thằng một, từng con một, từng đứa một sẽ hui nhị tì, sẽ xuống Âm ti, gặp Diêm Vương, sẽ được đoàn tụ với mấy con quỉ đỏ CS như con quỉ Hồ chó Minh, con quỉ đỏ ngoại bang Cắc Mác, con quỉ đỏ ngoại bang Lê nin, chúng nó tất cả sẽ đều GO TO HELL !!!
06/05/201902:53:09
Khách
Chào quý độc giả Minh, Hesus Kite, và Van Tran,
Cám ơn quý bạn đọc đã đọc bài viết và còn bỏ thời gian ghi cảm tưởng, ủng hộ tác giả. Ý kiến của độc giả Hesus Kite thật...vui, "Dân mình phải dựng một bộ phim vĩ đại gọi là James Tong..." Đúng vậy, nếu mình làm được thế thì tuyệt biết mấy! Độc giả van Tran thì viêt, "cuộc đời ngoại hạng của Man of Action Lý Tống..." và đọc giả Minh cũng cho biết mình là, "Nguoi Viet hai ngoai khg cs the he thu 2..." Thật là thú vị, các bạn mỗi người một ý nghĩ, nhưng tựu trong cũng là ủng hộ anh hùng Lý Tống. Chắc Ó Đen nếu hiển linh cũng vui lắm nới chín suối.
Chúc các bạn và gia đình luôn vui...
P.Hoa
04/05/201913:32:11
Khách
Một bài viết hay về cuộc đời ngoại hạng của Man of Action Lý Tống .

"Khi ấy Lý Tống nhìn xuống thấy đồng bào mình bên dưới quá đông, chần chừ không nỡ ném bom phá cầu rồi bay đi ngay theo như lệnh, mà anh đã lượn qua lượn lại mấy vòng nên máy bay của anh mới bị bắn rớt ". Tác giả Phương Hoa.

Cám ơn tác giả đã cho biết trong trường hợp nào mà phi cơ của anh Lý Tống đã bị bắn rơi ở khu vực cầu Cam Ranh.Trên một trang mạng nọ, khi có một độc giả viết rằng " Ngày 5/4/1975, Lý Tống bay phi vụ cuối dội bom phá một cây cầu để cản đường tiến quân của cs Bắc Việt".Thì một độc giả khác viết rằng " Lý Tống không đánh sập một cây cầu nào , vừa lên là bị ăn Hoả tiền tầm nhiệt SA7 chiếc A 37 đứt đuôi ".
03/05/201919:25:12
Khách
Mỹ gọi Lý Tống là Vietnam James Bond. Dân mình phải dựng một bộ phim vĩ đại gọi là James Tong. Cho Mỹ nó sợ.
03/05/201916:20:51
Khách
Cam on tac gia, nho co dam tang nguoi hung Ly Tong moi thay duoc nguoi Viet hai ngoai con rat rat nhieu nguoi chong cong hoac khong thich cong san...
Nguoi Viet hai ngoai khg cs the he thu 2.
03/05/201915:48:11
Khách
Cám ơn độc giả Hà Nội đã đọc và đồng cảm về anh hùng Lý Tống. Ó Đen rất xứng đang được tôn vinh. Nếu nước mình có nhiều "Lý Tống" như vậy thì chắc dân mình không phải khổ sở bị Tàu tràn vô bức hiếp như bây giờ.
Chúc đọc giả và gia đình luôn an khang..
P.Hoa
03/05/201914:43:59
Khách
Những lời tác giả kể về hành động và thành tích của Lý Tống làm tôi rơi nước mắt cảm phục và chắc nhiều độc giả khác cũng cảm thấy như vậy.
Chần chừ khi phải thả bom nơi đông dân chúng nên máy bay bị bắn rớt, không quỳ gối cúi đầu trước giặc thù dù bị đánh đập dã man và nhốt biệt giam, vượt ngục vượt biên gian nan nguy hiểm, thả truyền đơn ngay tại Saigon kêu gọi tổng nổi dậy, kêu gọi tự do dân chủ cho các dân tộc trên thế giới như Cuba, Bắc Hàn…
Một người hùng Việt Nam với tấm lòng nhân, đã được năm châu bốn bể biết đến và khâm phục, nay đã ra đi, cầu nguyện cho anh được an lạc nơi vĩnh hằng.
Cám ơn tác giả đã viết một bài thật hay và cảm động.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,118,123
Chương trình America's Got Talent (AGT) trên truyền hình NBC, ra mắt từ tháng Sáu 2006, tới nay đã trụ được 13 mùa, tiếp tục làm mê mẩn 12 triệu khán giả hàng tuần. Simon Cowell, nhà sản xuất của AGT, vào danh sách báo Time bình chọn 100 nhân vật thế giới tạo nhiều ảnh hưởng nhất. Sang năm 2019. Simon 60 tuổi. Show chung kết AGT The Champions mùa thứ 13, gồm những màn trình diễn hấp dẫn của các tài năng đã thắng giải từ khắp thế giới, được sắp xếp thành 7 chương trình TV, trình chiếu đúng dịp Tết Kỷ Hợi. Riêng chương trình cuối, công bố kết quả AGT 2019, sẽ chiếu ngày Thứ Hai 18/02/19. Sau đây là bài viết của Tố Nguyễn, tác giả lần đầu viết về nước Mỹ và đã nhận giải đặc biệt 2018.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết đầu năm của tác giả.
Thứ Năm tuần này là Ngày Tình Yêu / Velentine Day 2019, đánh dấu đúng 750 năm ngày 14 tháng Hai năm 269, khi Giám mục Valentine bị hoàng đế La Mã Claudius Đệ Nhị cho lệnh chặt đầu, vì làm phép kết hợp các đôi lứa theo nghi thức nhà thờ. Nhân ngày đặc biệt này, mời đọc bài viết thứ ba của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, cựu nữ sinh Trưng Vương, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân Lafayette, Louisiana. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la!
Iris Đinh là tác giả đã nhận giải Chung Kết 2017, với hai bài "Chuyện Góc Bếp," và “Con Bé Nổi Loạn,” hai tự sự về mẹ và con gái trong một gia đình đổ vỡ. Sau 13 năm trở lại trường học và thực tập, mẹ trở thành một thạc sĩ về y tế tâm thần. Cô con gái từng nổi loạn thì trở thành Tiến sĩ Anne Q. Phan tại đại học UC Irvine và UC San Diego, người xác định được gene gây đột biến giúp sinh vật mọc thêm tay chân, mà báo O.C. Register đã đăng tin ngày 5 tháng Tư 2013. Sau đây là bài mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới về Tết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới sau đây kể về lớp dạy văn chương Việt tại UC Irvine.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài ông viết đầu năm mới Kỷ Hợi.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.
Nhạc sĩ Cung Tiến