Hôm nay,  

Cơn Bão Ngoài Trời, Cơn Bão Trong Lòng

15/03/201900:00:00(Xem: 11949)
Người viết: Pha Lê

Bài số  5641-20-31447-vb6031519

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên,  học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần  6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ tư của bà.

 
***
 

 Ông John nhìn sững trên màn ảnh TV, hớp nốt ngụm beer còn lại, ông bóp nát lon beer trong tay và bực dọc ném mạnh vào thùng rác nơi góc bếp. Cơn bão Harvey bất ngờ đổ ập đến làm hỏng hết dự tính ông đã sắp đặt suốt 3 tháng trời.

Để tiến hành dự tính này, ông John đã phải tìm kiếm những dữ kiện, chỉ dẫn trên internet, nhưng ông phải vào thư viện, vào những quán cà phê để sử dụng máy computer của họ vì ông không thể dùng máy của ông được. Ngay cả cuộn dây thừng, tấm bạt nylon, cuộn băng keo, ông cũng phải lái xe ra khỏi thành phố, đến nhưng tiệm hardware nhỏ của địa phương  để mua. Đặc biệt đôi găng tay, ông đã phải đi ba bốn tiệm  mới tìm đươc một đôi vừa  ý.

Nhưng John dự tính gì mà cần chuẩn bị quá kỹ lưỡng đến vậy? Ông phải tính toán, hoạch định từng chi tiết nhỏ để sẽ không có một sơ hở, một lỗi lầm nào trong lúc ông thực hiện công việc này, bởi chỉ một chút sơ sẩy, cái giá ông phải trả chính là mạng sống của ông! Đúng vậy, bởi vì ông ta đang âm mưu “giết vợ!”

 Ông John, một người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan trên 60 tuổi, là một tài xế lái xe truck xuyên bang. Ông đã thất nghiệp hơn nửa năm nay. Hai vợ chồng ông lấy nhau hơn 30 năm,  bà John làm quản thủ thư viện của thành phố hơn 20 năm. Ccó lẽ vì công việc ở thư viện ngồi nhiều hơn phải đi nên bà John thuộc hạng người "ăn gì to lớn đẫy đà làm sao", nhưng bà rất hiền lành, bình dị và nói cho cùng, vóc dáng của bà cũng vẫn tương xứng với  thân hình hộ pháp của ông, 6ft 9 và nặng  hơn 250lb!

John còn nhớ cách đây hơn 4 tháng, khi ông mới thất nghiệp, trong một lần trà dư tửu hậu, một ông bạn già vợ vừa mất, bạn bè ngỏ lời chia buồn, nhưng ông ta  chỉ cười cười vì ông vừa "ẵm" gần 250 ngàn đô tiền bảo hiểm nhân thọ cùa bà vợ quá cố. Câu chuyện đó đã ám ảnh ông John mãi.

Thật ra, dù không còn yêu vợ, ông John chẳng bao giờ dám có ý nghĩ đen tối như vậy, nhưng thất nghiệp, ngày ngày đi ra  đi vào,  cuộc sống ông John dần dần đi đến chỗ bế tắc. Nợ nhà, nợ xe, nợ thẻ tín dụng, đủ thứ nợ dồn dập mỗi tháng khiến ông muốn ngộp thở, đã thế, lâu lâu lại nghe tin ông bạn vợ vừa mất nay đi du lịch nước này, mai đi thưởng ngoạn  bãi biển kia khiến ông John càng nôn nóng, và ông quyết định phải thanh toán bà vợ hơn 30 năm đầu ấp tay gối này!

Ông bắt đầu suy tính kế hoạch, ông nhớ nhiều lần coi những phim cảnh sát điều tra tội ác, người đàn ông giết vợ mà tỉnh bơ đi mua sắm những vật dụng cần thiết cho âm mưu đen tối của mình tại một cửa tiệm gần nhà, xài thẻ tín dụng, lại còn cà kê dê ngỗng một hồi với người bán hàng. Khi bị bắt, hình ảnh ông ta trên camera của tiệm hiện ra rõ mồn một, hết đường chạy tội!

Có bà thuốc cho chồng chết và khai người chồng bị ngộ độc, khi bị điều tra, cảnh sát tìm ra trên computer của bà, bà đã  nghiên cứu tìm tòi trên internet các loại độc dược, cách sử dụng, công hiệu v.v..., hết cách chối tội!  Toàn những bộ óc kém thông minh, lạy ông tôi ở bụi này, ông John thầm nghĩ.

Cho nên ông đã phác họa một phương án vô cùng toàn hảo cho âm mưu của ông. Đôi găng tay ông sẽ xiết cổ bà vợ, gói bà vào tấm bạt nylon, cột thật chặt bằng hai cuộn dây thừng, mang xác bà tới một khu rừng vắng và với 10 gallons xăng, ông sẽ đốt và phi tang xác bà một cách dễ dàng.

Ông đã cẩn thận cất dấu  tất cả những "vật liệu" này trên căn gác  của nhà kho sau vườn. Một điều thuận lợi hơn nữa là nhà ông nằm cuối cùng của khu phố, bên trái là  một khoảng đất trống, còn người hàng xóm bên phải là hai vợ chồng già VN trên 80 tuổi,  ông bà Phan, họ sống rất khép kín. Cho nên ông John rất yên tâm không ai có thể nhận ra sự vắng mặt của vợ ông.

 Nhưng người tính không bằng trời tính! Nhiều lần ông đã định ra tay, nhưng cứ trật vuột hoài, có lúc thì bà John lái xe về thăm cha mẹ ở thành phố khác cả tuần, khi thì chị ông ghé qua thăm  rồi ở chơi vài ngày, và lần này còn thê thảm hơn, mưa gió bão bùng lụt lội như thế này, làm sao ông vô rừng "đốt" được cái xác!

Ông John ngồi thừ người suy nghĩ, trên TV dự  báo thời tiết cơn bão sẽ tiến vào đất liền nội trong ngày mai. Quá mệt mỏi, ông John ngả người trên sofa và chìm vào giấc ngủ một cách khó nhọc.

Tiếng sấm và làn chớp sáng lòa ngoài cửa sổ khiến ông John giật mình bừng tỉnh. Ông ngơ ngác vài giây, căn nhà tối đen vì cúp điện, chỉ có một ngọn nến leo lét trong nhà bếp. Với tay cầm chiếc cell phone lên, ông giật mình vì đã hơn 3 giờ sáng. Ngoài trời gió bắt đầu mạnh hơn,và mưa cũng đang rơi xối xả. Đặt chân xuống đất, ông  John hốt hoảng vì ông vừa dẵm lên phần thảm ướt nhẹp,  trong nhà ông, nước đã ngập ngang qua bực thềm của lò sưởi. Tiếng bà John cất lên sau lưng khiến ông John giật bắn mình:

- Nhà mình nước ngập như thế này, nhà ông bà Phan chắc còn tệ hơn, tôi nhìn sang thấy tối thui.

Ông John bực mình ngắt lời bà:

- Cúp điện, bà không thấy sao,nhà nào mà chẳng tối.

Giọng bà John bỗng trở nên khẩn khoản :

- Ngày mai ông thử chạy sang xem sao, tội hai vợ chồng già, con cái lại ở xa.

- Ừ, để mai rồi tính!

 Ông John hứa đại với bà cho xong chứ chính bản thân  ông cũng chưa biết ngày mai sẽ ra sao.

Hôm sau, tiếng bà John  cùng cái lay nhẹ trên vai khiến ông John bừng tỉnh, đã gần 9 giờ sáng mà bầu trời vẫn xám xịt và cơn mưa mỗi lúc càng nặng hạt hơn. Nhớ tới đôi vợ chồng già hàng xóm bên cạnh, ông John tất tả bước ra ngoài, mực nước bây giờ đã dâng ngang đầu gối ông. Biết không thể nào vào nhà bằng cửa trước được, ông John đành phải phá cửa sổ  vừa trèo vào,vừa lớn tiếng kêu gọi ông Phan, từ trong phòng ngủ một giọng nói yếu ớt vang lên  :

- Chúng tôi ở trong phòng ngủ, cái phòng cuối cùng.

Cố lội nhanh về hướng đó, và khi ánh đèn pin rọi vào góc phòng, một hình ảnh khiến ông John sững người cảm động, trên chiếc giường, ông Phan đang ngồi ôm vợ. mặt bà Phan xám ngắt và đôi mắt bà vẫn nhắm nghiền, nhìn thấy ông John, ông Phan mừng rỡ nói :

- Lạy Chúa tôi, cám ơn ông đã đến, suốt đêm qua tôi cứ phải luôn trấn an vợ tôi, tôi chỉ lo bà ấy sợ quá rồi ngất xỉu thì thật tôi không biết phải làm sao. Có cái cell phone thì tôi lại đánh rơi xuống nước, giờ không gọi được nữa.

 Rồi ông Phan quay sang nhìn bà vợ với ánh mắt thương yêu, ông dịu dàng nói:

- Có tôi đây, bà không phải lo gì hết.

 Chợt chuông điện thoại của ông John réo vang, nhìn qua số phone, ông John mừng rỡ vì đó là  mục sư William. Ông mục sư cho biết hội trường nhà thờ xây trên một khu đất cao, chắc chắn sẽ không bị lụt, ông muốn tất cả giáo dân nếu chưa kịp di tản, hãy đến trú ngụ tạm tại nơi đây cho qua cơn bão táp. Ông John vắn tắt nói ý đó với ông Phan và dặn ông bà hãy sửa soạn một ít quần áo và vật dụng cá nhân, ông sẽ quay lại.

 Lội bì bõm qua mảnh sân để về nhà, từ xa ông đã nhìn thấy bóng bà John đang đứng lo lắng nhìn về cuối đường. Bước vào nhà, ông nhắc lại ý của mục sư Wiliam và thúc dục bà mau thu xếp ít đồ dùng cá nhân để kịp tới hội trường nhà thờ trước khi cơn bão trở nên  dữ dằn hơn. Nhìn bà lật đật, lúng túng thu dọn, lòng  ông John  chợt xốn xang, và ông cảm thấy  bà rất đáng thương, ông buột miệng lập lại câu nói của ông Phan ;

- Có tôi đây, bà không phải lo gì hết!

Hơi ngạc nhiên từ  câu nói nhẹ nhàng hiếm có của chồng, nhưng bà John chỉ khẽ mỉm cười. Ông John cũng chợt nhớ ra suốt 2 ngày nay, ông đã gần như quên cả ý định đưa bà sang bên kia thế giới!

 

*

Bây giờ thì mọi người đã tề tựu trong hội trường của nhà thờ. Có tất cả 38 người. Mục sư William chào mừng và cầu chúc mọi người được bình an qua cơn bão táp phong ba này. Rồi ông buồn bã lo lắng nói:

- Vì không chuẩn bị trước nên chúng ta chỉ có đủ xăng  chạy máy phát điện đến 2 giờ đêm, sau đó chúng ta chỉ còn đèn cầy mà thôi, và với tình trạng này, chẳng có một cây xăng nào mở cửa.

 Bỗng một giọng nói vang lên từ cuối hội trường:

- Tôi có xăng, tôi còn xăng dự trữ ở nhà.

Mọi người cùng quay lại và nhận ra đó là ông John. Mục sư William vui mừng nhưng ông vẫn dè dặt hỏi lại :

- Ông không cần giữ lại phần xăng đó để làm gì sao?

 - Thưa không, số xăng đó bây giờ tôi không cần đến nữa!

Ông John đưa Mục sư William về nhà kho của ông. Hai cậu trai tình nguyện viên của nhà thờ đang mò mẫm trên căn gác xép nơi ông John cất dấu thùng xăng, chợt một cậu lên tiếng:


- Trời ơi có cả một cuộn dây thừng, tấm bạt nylon, 2 cuộn băng keo, tất cả đều còn mới nguyên trong bọc. Nhà thờ đang cần những thứ này, chúng tôi mang xuống hết được  không?

 Ông John choáng váng gần như á khẩu, mục Sư William vẫn kiên nhẫn đứng yên chờ đợi. Thở một hơi dài,ông John cố gắng nói,nhưng ông chợt cảm thấy tiếng nói của ông như từ một nơi xa xăm nào đó vọng lại:

- Thưa vâng, mang về nhà thờ đi. Tất cả mấy thứ này bây giờ không cần cho công việc của tôi nữa.

Nắm chặt đôi tay của ông John, mục sư William vừa ra dấu  biết ơn, vừa ngỏ ý:

- Nhưng công việc đó là công việc gì, ông có cần  chúng tôi giúp một tay không?

 Đến lúc này ông John không thể chịu đựng được nữa, ông cảm thấy nghẹt thở và tim ông đập những nhịp đập không bình thường, ông đành bước ra ngoài xe ngồi chờ mọi người.

Đêm hôm đó, nhờ số xăng của ông John, hội trường có đèn sáng suốt đêm. Tấm bạt nylon được dùng để che một góc sau hội trường cho các bà nấu nướng. Những cuộn dây thừng dùng để cột những nhánh cây to để khi gió thổi mạnh, chúng không  quật  ngược lại hội trường, có thể làm sập mái nhà.  Cuộn băng keo dùng để dán những cửa số bằng kính xung quanh hội trường.

 Bây giờ mọi người cảm thấy bình tĩnh và an tâm hơn sau khi mỗi người được một chén soup nóng. Không  gian trong hội trường thật êm ả, bình an dù bên ngoài cơn bão  cấp 3 đang tiến dần vào thành phố. Mục sư William ngỏ ý muốn cử hành một thánh lễ ngắn gọn vừa để tạ ơn Thiên Chúa, vừa cầu xin Người che chở cho mọi người trong những ngày mưa gió sắp tới.

Đứng trên bục  giảng, mục sư William thật cảm động khi nhìn xuống giáo dân đang thành tâm khấn nguyện. Các bà với khuôn mặt đầm đìa nước mắt, ngay cả những các ông đôi mắt cũng rưng rưng. Mục sư cũng nhắc nhở tên ông John nhiều lần vớùi lời tri ân trang trọng và thắm thiết.

Quỳ bên cạnh vợ, khuôn mặt ông John cũng ràn rụa nước mắt. Nhìn ông khóc, mọi người càng thương cảm và quý mến ông hơn. "Ông ta đúng là thiên thần hộ mệnh do Thiên Chúa sai xuống để giúp đỡ, che chở  cho chúng ta trong cơn hoạn nạn thương đau này, những giọt nước mắt kia thật quý giá," một số người đã nghĩ như thế về ông.

Nhưng dĩ nhiên không một ai, kể cả mục sư William và ngay cả bà John đang quỳ bên cạnh, có thể hiểu rõ ý nghĩa thật sự của những giọt nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt ông John. Đó chính là những giọt lệ vừa ăn năn  thống hối, vừa vui mừng,  hạnh phúc vì ông đã không thực hiện âm mưu đen tối, không nhúng tay vào tội ác tày trời.

Đối với mọi người, cơn bão Harvey là sự tàn phá, mất mát, và đau thương, nhưng đối với riêng ông, cơn bão này đã giúp ông rời xa cái vực thẳm tội ác, biến đổi ông thành một con ngưới mới, biết yêu thương, tha thứ và quảng đại.

 Sau thánh lễ, dù trời đã khuya, và bên ngoài gió vẫn thổi phần phật lẫn  trong tiếng mưa xối xả, nhưng mọi người quây quần thành từng nhóm. Ông John cố tránh tiếp xúc với mọi người vì ông thật khổ sở với những câu cám ơn, những cái xiết tay, những ánh mắt ngưỡng mộ.

Bước về phía cuối phòng, ông John  ngồi xuống cạnh những ông bạn già. Một ông đang kể về những trận bão, giọng ông thật hài hước:

- Cơn bão Harvey này là tên đàn ông nên không đáng lo ngại lắm. Cơn bão tên đàn bà mới là cả một vấn đề, như bão Katrina năm nào, khi "nàng" lên cơn, sức tàn phá thật khủng khiếp, và khi ra đi, "nàng" cuốn theo hết cả sinh mạng lẫn nhà cửa, tài sản...

 Ông ngừng vài giây, chỉ vào ngực mình và nói tiếp :

- Như tôi đây, từng là nạn nhân của nàng Katrina, nay chỉ còn tay trắng mà thôi!

 Nói xong ông phá lên cười khoái trá. Ông John cũng muốn cười to vì tính cách khôi hài của câu chuyện, nhưng chỉ dám cười nho nhỏ vì ông không muốn ai biết ông đang ngồi đây.

Khẽ dựa lưng vào góc tường, ông John đưa mắt nhìn quanh. Nơi góc phòng, cạnh cửa sổ, ông bà Phan đang ngồi trên một tấm nệm mỏng trải tạm cho ông bà. Khuôn mặt bà Phan đã hồng hào và tươi tỉnh hơn trước. Với chiếc quạt giấy trên tay, bà khe khẽ quạt nhè nhẹ cho ông Phan.

Ngồi cạnh vơ, ông Phan chợt nhớ lại cảnh tượng hãi hùng đêm qua. Hơn 50 năm lấy nhau, trải qua bao tháng ngày cực khổ, nghèo đói nơi quê nhà. Trải ra bao  tủi nhục đắng cay nơi trại cải tạo, rồi thêm một cuộc vượt biên thập tử nhất sinh. Đã hết đâu, còn những năm tháng lao động cật lưc mưu sinh trên đất nước này để nuôi dạy đàn con 4 đứa. Bây giờ mọi việc đã xong xuôi, con cái ông bà đã trưởng thành, ông bà bắt đầu an hưởng tuổi già, chẳng lẽ ông bà lại chết vì trận bão "lãng xẹt" này hay sao! Ông Phan nói lại cho bà nghe ý nghĩ đó, bà chỉ nhìn ông móm mém cười đôn hậu. Nhìn nụ cười đó cùng với những sợi tóc bạc lơ thơ trên vầng trán già nua nhăn nheo của vợ, ông Phan xúc động  đọc cho bà vài câu trong bài thơ  "Tình  Già " của Phan Khôi :

   Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa

   Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,

   Hai mái đầu xanh kề nhau than thở...

 Ông bỗng bật cười vì 3 chữ  "mái đầu xanh", có lẽ phải đổi "mái đầu... grey" mới đúng!

 

*

 Rồi cơn bão cũng đi qua. Mọi người lục đục sửa soạn trở về xem  lại nhà cửa. Ông bà Phan và vài gia đình được con cái hay người thân đón về tam trú tại nhà họ nơi các thành phố khác. Mục sư William đứng trước cửa hội trường bắt tay, chúc bình an cho từng người. Tới phiên ông John, với cái xiết tay thật chặt, mục sư William thành khẩn tri ân ông và nguyện xin ơn trên trả công bội hậu cho ông.

Suốt mấy ngày nay ông John đã  khổ sở  "bị " nghe những câu nói như thế, không đủ can đảm đứng nghe thêm , ông vội vã cáo từ mục sư và cùng vợ hối hả bước ra xe.

 Ngồi trên xe truck lái về nhà, chung quanh ông cảnh tượng thật hoang tàng đổ nát. Bà John ngồi im lìm nhưng trên khuôn mặt bà hiện lên nhiều nét đau thương, rồi bỗng bà nói:

- Nhà cửa, xe cộ, tài sản mất hết thì vẫn còn có thể kiếm lại được, nhưng không biết trong những ngôi nhà kia, gia đình có còn đầy đủ mọi người hay không, cơn bão Harvey này thật tàn khốc !

 Ông John khẽ liếc nhìn vợ, ông cảm thông những điều bà vừa nói, nhưng bà làm sao biết được mấy ngày vừa qua, chính ông cũng bị một cơn bão, mạnh gấp trăm lần cơn bão ngoài trời kia, "quậy" phá khiến ông xơ xác tiều tụy. Đó chính là cơn bão trong lòng ông!

Đẩy cửa bước vào nhà, dù đã đoán trước cảnh tượng sẽ rất tiêu điều, ông bà John cũng dội ngược vì mùi ẩm mốc bay lên. Nhìn vợ ngẩn ngơ trước những đổ vỡ, mất mát, ông John dặn vợ đừng đụng vào đồ vật trong nhà, rồi ông đẩy cửa bước ra sau nhà.

Bên ngoài cây cối ngã rạp, hàng rào nghiêng đổ, bỗng chân ông vấp phải một vật gì, nhìn xuống, ông nhận ra đó là bình đựng xăng mà ông mua dư cho " dự tính" của ông. Vẩn vơ suy nghĩ, chợt ông tìm ra được một điều khá lý thú, những thứ ông mua: xăng, cuộn dây thừng, tấm bạt nylon, cuộn băng keo với một mục đích kết liễu một mạng người, nhưng ngẫu nhiên nó lại được dùng để cứu giúp cho những người khác trong cơn  hoạn nạn, nguy khốn.

 Nhìn lên bầu trời xanh ngắt  lãng đãng những cụm mây trắng. ông John chợt ngộ ra một điều rằng trong cõi vũ trụ huyền vi vô thường kia, chắc chắn phải có một đấng tạo hóa tài năng vô song đã sắp xếp tất cả mọi chuyện xảy ra một cách tuần tự, lớp lang cho cõi trần gian ô trọc và đầy hệ lụy này! Dù xung quanh ông John cảnh tượng thật hoang tàng, đổ nát, nhưng lòng ông bỗng cảm thấy thật thanh thản, bình an.

 Bước vào nhà, ông John thấy vợ đang ngồi qua lưng về phía ông, chẳng lẽ bà đang nhặt lại những đồ vật không bị hư hỏng vì cơn bão hay sao, ông John tự hỏi, thay vì gắt gỏng như mọi khi, ông John chỉ nhẹ nhàng nói:

- Tôi đã dặn bà đừng đụng tay vào đồ vật trong nhà, những vi khuẩn mốc meo có thể sẽ làm bà bịnh đó.

 Bà  John quay lại mỉm cười nói:

- Tôi biết, nhưng tôi tìm được đôi găng tay còn mới nguyên trong bao, đôi bao tay thật dầy, lại có lớp cao su bên ngoài.

 Nói xong bà đưa hai tay lên, ông John nhìn thấy bà đang đeo đôi bao tay vàng mà vài tháng trước ông đã phải lặn lội đi khắp nhiều tiệm để tìm mua, ông choáng váng á khẩu. bà John lại nói tiếp:

- Mấy ngày ở hội trường nhà thờ, mấy bà cứ tấm tắc khen ông là người biết lo xa. Có bà còn đùa nói tôi thật có phước mới lấy được ông!

 Bây giờ thì ông John không chịu đựng được nữa, ông cảm thấy như có một bàn tay ai đang chẹn cổ khiến ông không thở nổi, nếu ông còn đứng đây nghe những lời thương yêu của vợ, chắc ông sẽ đứng tim mất thôi. Ông đành gật đầu và đẩy cửa bước vội ra sân.

  Rất may cho ông John vì vợ chồng  ông là người Mỹ, chứ nếu là người Việt, biết đâu trong một giây phút cảm động  nào đó, bà sẽ  rưng rưng hát tặng ông câu hát từ bài ca một thời được ưa thích:

"...May mà có Ông, Đời còn dễ thương.”

Pha Lê

Ý kiến bạn đọc
14/05/201913:45:39
Khách
Cam on Co^ Pha Le, con that la thich loi viet vua hay vua di dom cua Co, chuc Co^ va GD luon luon duoc manh khoe va hanh phuc.
10/05/201904:40:43
Khách
Tôi đọc hàng ngày mục VVNM của bốn báo , có chuyện rất hay đọc vô cùng xúc động , có chuyện... tàm tạm , có chuyện ... nhạt như nước ốc , có chuyện tựa một đàng nhưng nội dung câu chuyện một nẻo ...
Chuyện của tác giả Pha Lê có một bố cục rõ ràng , lại được viết với giọng văn khá tinh nghịch , chút hài hước ( giống như lời chú giải của tác giả về bút hiệu của mình ! ,), Cho nên người đọc cảm thấy khá thích thú khi đọc chuyện của Pha Lê ...
Xin cảm ơn tác giả , hy vọng sẽ được thưởng thức thêm nhiều chuyện của cô , chúc cô luôn giữ được tình lạc quan ( yêu đời ???), luôn là niềm vui cho mọi người vì cô là Pha Lê.
19/03/201903:27:32
Khách
Truyện hay lắm, rất cảm động!
15/03/201918:19:30
Khách
Chuyen John , nhan vat hu* ca^u' lo^ng` vao` co*n bao? Harvey va` ong ba` Phan that y' nghia~ nhu* mot truyen` thuyet' day. con nguoi` ve` tinh` yeu & su so^ng' .
Xin cam on tac' gia?
Kim Ho
15/03/201915:34:25
Khách
Bài viết hay lắm! Xin cám ơn tác giả.
15/03/201909:57:04
Khách
"Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho băo tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy
Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em "
Lời bài hát Niệm Khúc Cuối của Ngô Thụy Miên
Cảm ơn tác giả đã viết một chuyện tình,một chuyện tình già nhưng rất dễ thương.Chuyện tình thì bao giờ cũng đẹp ,tình đầu và tình cuối và cả tính dang dở
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,117,942
Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới kể về khu phố Việt ở Massachusetts, giống như Little Saigon ở California.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới, với lời ghi của tác giả:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Nhạc sĩ Cung Tiến