Hôm nay,  

Cũng Một Cuộc Đời

03/03/201900:00:00(Xem: 11439)
Tác giả: Trần C. Trí

Bài số  5630-20-31436-vb8030419

 
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018.  Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và  thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.

 
***
 

Thỉnh thoảng, trong một vài lớp tôi dạy ở đại học, có một hai em học trò làm tôi chú ý ngay trong ngày đầu tiên vì lý do này hay lý do khác. Cách đây vài học kỳ, Lisa là người học trò đó. Em nổi bật hơn tất cả những em sinh viên còn lại vì trông em lớn tuổi hơn cả.

Mặt khác, trong lúc các em khác, tuổi độ mười tám, mười chín, đang nói cười hồn nhiên với nhau trong ngày đầu năm học, Lisa nhìn có vẻ mỏi mệt, nét mặt tư lự, mái tóc dường như biếng chải, quần áo xuề xoà. Em ngồi tận cuối lớp, ở một góc, như muốn tự ngăn cách mình với những người bạn cùng lớp vong niên còn lại.

Danh sách sinh viên trong hệ thống điện toán ở trường tôi có kèm cả hình của từng em khi dùng con chuột nhấn vào tên họ của các em đó. Hình của Lisa hoàn toàn không giống em chút nào. Đó là chân dung của một em sinh viên nào lạ hoắc, nhìn hoàn toàn cùng trang lứa với hình của các em khác trong lớp. Tôi lấy làm thắc mắc nhưng chưa tiện hỏi Lisa ngay. Chỉ trong vài lớp học đầu, tôi có thể đánh giá khái quát khả năng tiếng Việt của từng em. Trong số đó, Lisa tỏ ra sành sõi tiếng Việt hơn cả, mặc dù trình độ của lớp tôi đang dạy là trình độ thấp nhất của chương trình. Tuy vậy, khi có dịp nói chuyện với Lisa sau giờ học, tôi nhận thấy em nói sõi nhưng cách dùng chữ nghĩa cho thấy là em chỉ được học nói trong gia đình chứ chưa từng qua lớp tiếng Việt chính thống nào ở trường cả.

Sau khi thầy trò đã tạm quen nhau một chút, tôi hỏi Lisa về tấm hình của em trong danh sách sinh viên. Lisa cười và trả lời tôi:

- Hình đó em chụp cách đây cả chục năm rồi thầy à, lúc em mới vào trường này.

Rồi em nói tiếp:

- Sẵn đây em xin lỗi thầy vì thường đi học trễ. Em không có xe nên phải cuốc bộ khoảng một tiếng mới tới trường. May là má em có xe chở giùm con em đi học.

Tôi chưa kịp hỏi thì em đã nói luôn:

- Hồi đó em cũng lấy lớp của thầy rồi mà thầy không nhớ đó thôi. Lý do là em học chỉ có vài buổi đầu rồi em drop luôn, thầy chưa kịp nhớ mặt em. Sau lớp của thầy thì em thôi học luôn, ở nhà, lấy chồng, sinh con, rồi làm đủ thứ việc khác nhau, cho tới bây giờ.

Tôi nhìn Lisa:

- Tôi dạy ở trường này gần cả hai chục năm rồi, hồi giờ mới thấy một trường hợp như em. Thường thường ít có ai bỏ học cả chục năm trời mà còn trở lại được như em, ít nhất là trong những lớp tôi đã dạy qua. Như vậy là em có chí lắm.

Lisa mỉm cười nhẹ:

- Có chí hay không thì em không biết, nhưng qua bao nhiêu năm đi làm mà không có bằng cấp gì, em mới thấm thía là có được một mảnh bằng, có kiến thức vẫn hơn, đỡ bị người khác ăn hiếp, thầy à.

Từ hôm đó, tôi để ý đến Lisa nhiều hơn một chút. Mà không để ý cũng không được, vì em rất thường đi học trễ. Mỗi lần như vậy, Lisa thường vào lớp, dáng điệu hớt ha hớt hải, len lén không dám nhìn tôi mà đi thật nhanh vào cuối lớp. Khi đã yên vị vào chỗ, em thường nhìn lên bảng với một cặp mắt gần như thất thần, như đang suy nghĩ đâu đâu hay đang bận tâm về một điều gì đó quan trọng lắm.

Hầu như lần nào em cũng vội vã, tóc tai, quần áo không là điều em để ý đến. Tuy nhiên, cũng có vài ba buổi Lisa đến lớp đúng giờ, không hấp ta hấp tấp như mọi lần, mặt mày trang điểm cẩn thận, áo quần cũng tươm tất hơn, và tôi còn thấy em có dư chút thì giờ để ghé mua ly cà-phê mang vào lớp nữa. Bài vở trong lớp của em cũng không được đồng đều, lâu lâu Lisa lại quên làm bài để nộp cho tôi. Nói theo kiểu bình dân là bữa đực bữa cái. Điểm thi của Lisa không thấp lắm, mà cũng chẳng cao như một số em khác trong lớp.

Một hôm, tôi đang ngồi trong văn phòng soạn bài vở thì Lisa đến, dắt theo một bé gái khoảng 9, 10 tuổi. Lúc đó là giờ chính thức tôi dành cho sinh viên nên Lisa đến mà không cần báo trước. Tôi mời Lisa ngồi và kéo thêm một cái ghế nữa cho cô bé ngồi xuống theo. Lisa liến thoắng nói:

- Thầy, đây là con gái em. Em dắt nó tới chào thầy.

Con gái của Lisa là một đứa bé lai. Tóc nó vàng và hai mắt xanh biếc, gương mặt thật xinh. Tôi hỏi cháu:

- Con tên gì?

Con bé trả lời trống không:

- Ariel.

Lisa đỡ lời cho con:

Nó hiểu tiếng Việt chút chút chứ nói thì không được, thầy ơi. Em đặt nó tên Ariel vì hồi con gái em mê phim The Little Mermaid của Disney lắm.

Tôi dùng một thành ngữ trong tiếng Anh để hỏi Lisa cho nghe khỏi sống sượng:

- Is her dad in the picture?

Lisa lắc đầu nguầy nguậy:

- Tụi em bỏ nhau lâu rồi thầy.

- Rồi anh chàng đó có trách nhiệm gì không?

- Dạ có. Ariel đi qua đi lại với tụi em vào cuối tuần, hết đứa này tới phiên đứa kia giữ nó.

Sau hôm đó thì thầy trò lại thấy gần gũi với nhau hơn một chút nữa. Khi tôi dạy xong lớp, Lisa thường đi ra chung với tôi và hỏi tôi đủ thứ về việc học, hay kể cho tôi nghe chuyện của em. Lisa nói:

- Em đã thay đổi nhiều lắm, từ lúc học với thầy lần đầu cho tới bây giờ. Nhưng thầy cũng thay đổi nhiều không kém.

Tôi bật cười:

- Tôi già đi nhiều phải không? Thì nhất định phải là như vậy rồi.

Lisa lắc đầu:

- Già thì ai cũng phải già, nhưng ý em nói là cách dạy của thầy cũng khác đi nhiều lắm. Em nhớ hồi đó thầy nghiêm hơn nhiều. Thầy ít khi cười, còn bây giờ thầy cười nhiều hơn và hay pha trò trong khi giảng bài nữa.

Tôi gật gù:

- Em nói đúng. Hồi đó tôi mới ra trường nên hay “gồng mình” lắm, cứ nghĩ là làm thầy thì phải đạo mạo, nghiêm nghị. Lâu ngày tôi mới “dãn” ra từ từ, lấy sự vui vẻ làm động lực để dạy và học.

Khi Lisa nhắc đến chuyện già nua, tuổi tác, tôi thấy chính em cũng già đi nhiều. Không phải em già đi vì cả chục năm đã qua, mà còn có vẻ già hơn cả những người cùng tuổi là khác. Em độ ba mươi mấy mà tóc đã nhiều sợi bạc, ánh mắt không vui, nụ cười ít khi trọn vẹn. Em cho tôi biết là hiện giờ hai mẹ con đang tá túc với mẹ của em, tức là bà ngoại của Ariel. Bà ngoại rất thương cháu, nhưng giữa mẹ và con thì lại không được êm đẹp. Lisa bảo đó là vì cách dạy con, dạy cháu của mẹ và bà không giống nhau nên thường sinh ra mâu thuẫn. Chẳng hạn như nếu Ariel chưa làm xong bài ở nhà, Lisa bắt con phải thức khuya để làm cho hết, thì bà ngoại lại xót cháu, bảo nó phải đi ngủ. Cứ vì chuyện này đến chuyện khác, hai mẹ con thường xuyên cắng đắng với nhau. Lắm khi sinh ra cả xô xát, không người này cũng người kia gọi cảnh sát đến giải quyết.

Sau khi kể lại một chuyện không hay ở nhà cho tôi nghe, Lisa bặm môi bảo:

- Em hận mẹ em lắm, thầy. Em nghĩ mẹ em cũng ghét em lắm. Em đã từng dắt con ra ở shelter vì không chịu nổi bà. Rồi ở đó cứ bị mất đồ đạc hoài, em lại chạy về với mẹ em. Cứ vậy hoài, thầy ạ.

Khi không tôi phải làm counselor bất bắt dĩ. Tôi nhẹ nhàng khuyên Lisa:

- Tôi không hiểu hết ngọn ngành, nhưng cũng có thể hiểu em cảm thấy tự ái khi phải nhờ vả mẹ em về chỗ ở hay những chuyện khác. Tuy nhiên, tôi không nghĩ là mẹ em ghét em. Có thể là tình thương mẹ em dành cho em bị lấp dưới những nỗi lo âu, bực dọc, giận dữ, không có dịp để bà tỏ ra. Em nghĩ coi, mẹ em thương Ariel chính là vì cháu là con của em, phải không?

Lisa có vẻ nghĩ ngợi về những lời tôi nói. Bẵng đi mấy hôm, một ngày nọ, Lisa tới lớp trễ như mọi lần. Lần này trễ lắm, vì chỉ còn có năm mười phút nữa là lớp chấm dứt. Nhìn nét mặt Lisa hầm hầm, tôi đoán là ở nhà em lại có chuyện gì nữa đây. Vài phút sau, có người gõ cửa lớp học. Tôi bước ra mở cửa, thấy một người đàn bà vừa thở hào hển, vừa nói:

- Chào thầy, cho tôi gặp Lisa một chút.

Lisa vội vàng bước ra khỏi lớp. Tôi bước ra ngoài theo, khép cánh cửa lại cho học trò trong lớp khỏi phải chứng kiến một cảnh có thể không vui chút nào. Lisa trừng mắt nhìn mẹ, nói bằng giọng rất hỗn:

- Má tới đây làm gì? Con đã nói với má là con không có giữ cái chìa khoá xe mà! Má đi về đi! Chỗ này là chỗ người ta học hành, không phải chỗ của má.

Nói rồi, Lisa vùng vằng quay vào lớp. Người đàn bà nói thật nhanh với tôi:

- Thưa thầy, thầy cho tôi vài phút để tôi nói chuyện với thầy được không? Tôi khổ tâm lắm. Chắc con Lisa đã kể xấu về tôi với thầy nhiều rồi. Thầy cho tôi phân trần một chút nghe thầy.


Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt mệt mỏi của bà ta. Tôi nén xúc động, nói thật nhanh với bà:

- Cám ơn bà đã tin tưởng tôi mà muốn nói cho tôi nghe chuyện nhà. Nhưng tôi phải xin lỗi bà, tôi phải trở vào dạy tiếp. Hôm nào khác có dịp, tôi sẽ nói chuyện với bà nhé.

Nói xong, tôi quày quả trở vào lớp thật nhanh, như sợ người đàn bà đau khổ đó sẽ níu tôi lại mà kể lể thêm gì đó. Tuy nhiên, từ đó trở về sau tôi không thấy bà ta trở lại trường một lần nào nữa.

Mùa học đó cũng lặng lẽ trôi qua, với Lisa hôm thì vui, hôm thì buồn, hôm thì dửng dưng với cặp mắt vô hồn. Phần tôi bị cuốn hút với bao nhiêu công việc bề bộn, cũng ít có dịp nói chuyện với Lisa sau giờ học như trước. Lisa học xong khoá học với một số điểm rất khiêm nhường, mà riêng tôi cũng cố gắng thông cảm lắm mới giúp em nâng  lên được tới chừng đó.

Bẵng đi một hai học kỳ sau, một hôm, lúc mở cửa bước vào văn phòng, tôi thấy một bao thư nhỏ nằm dưới đất. Chắc ai đó nhét vào qua khe cửa. Tôi nhặt lên, mở ra và thấy một cái Starbucks gift card, ký tên Lisa. Tôi vừa vui vừa ngại, vì tôi biết Lisa ngoài giờ đi học còn đi làm part-time, kiếm chắc đâu đủ thiếu gì mà còn phải nhín tiền ra mua thẻ này cho tôi.

Trong phong bì, Lisa còn kèm theo một mẩu giấy nhỏ viết cho tôi biết là em mới đổi qua một job khác, Ariel bị ở lại lớp vì điểm thấp và phải chuyển trường. Trong đó, Lisa cũng cho tôi biết trước là em sẽ ghi danh học thêm một lớp ngôn ngữ học của tôi để đủ tín chỉ ra trường. Đọc tới chỗ này, tôi thoáng ngao ngán vì tưởng tượng ra những cảnh cũ sắp được lặp lại: Lisa đi học trễ, kể đủ thứ chuyện không vui cho tôi nghe, cuối mùa tôi lại phải “nâng đỡ” cho em.

Trái với dự đoán của tôi, trong lớp học lần này, Lisa đi học đều đặn và hầu như không trễ như trước nữa. Tôi mừng thầm trong bụng, nghĩ rằng mọi việc ở nhà chắc cũng đỡ hơn nhiều. Chỉ có một hôm, Lisa lại trễ, và lại còn lếch thếch dắt theo con bé Ariel hãy còn ngái ngủ, ý chừng mới bị mẹ lôi ra khỏi giường để cùng chạy đến lớp cho kịp giờ học.

Về cuối học kỳ, tình trạng cũ bắt đầu tái diễn. Lisa lại đi trễ như mùa trước. Rồi đến một hôm, em nghỉ luôn hai ba lớp liên tiếp. Tôi ái ngại thầm tiếc giùm cho em sắp học xong mà phải bỏ cuộc lúc gần cuối như thế này. Thế rồi một ngày nọ, khi tôi cùng học trò lục tục bắt đầu buổi học thì Lisa lại ào vào lớp như một cơn gió. Em không cầm sách vở trên tay mà lại xách một bịch ni-lông lớn đựng đồ lỉnh kỉnh trong đó. Mặt mũi em phờ phạc, đầu bù tóc rối. Em giương cặp mắt đỏ ngầu như vì thiếu ngủ ra và nói với tôi, thật ngắn gọn:

- Thầy, em mới ở tù ra!

Tôi ngớ cả người, nhưng sau đó lấy ngay lại bình tĩnh và bảo Lisa:

- Em về chỗ đi. Học xong em gặp tôi bên ngoài rồi cho tôi biết đầu đuôi ra sao nhé.

Khi lớp học chấm dứt, tôi ra hiệu cho Lisa ra ngoài và hai thầy trò cùng ngồi xuống tại một cái bàn tròn trong khoảng sân rộng mát nằm giữa hai toà nhà cao lớn trong khuôn viên đại học. Lisa rút trong bao ni-lông ra một cái bánh nhỏ, mời tôi cho có lệ rồi bắt đầu ăn ngấu nghiến. Chờ em ăn xong, tôi hỏi:

-Chuyện gì xảy ra vậy?

Lisa nhìn thẳng tôi, nước mắt đoanh tròng:

- Má em và em cãi nhau về Ariel. Con Ariel nó hỗn với em. Em tát cho nó mấy bạt tai. Má em kêu cảnh sát tới bắt em. Em ở trong trạm cảnh sát ba ngày, mới vừa ra cách đây mấy tiếng đồng hồ.

Tôi thở dài, chưa biết nói gì. Lisa lại nói tiếp:

- Bây giờ họ cấm em không được tới gần Ariel cho tới ngày em ra toà về tội hành hung con cái.

- Em ở với má em mà không được tới gần Arriel, vậy bây giờ em ở đâu?

- Em cũng chưa biết. Em có con bạn người Phi cũng khá thân. Em sẽ gọi nó xin ở nhờ nhà nó vài ba bữa rồi tính sau.

Rồi Lisa nhìn tôi, khẩn khoản:

- Em phải học cho xong lớp của thầy mới mong ra trường được. Em còn nợ nhà trường vài lớp nữa là hết. Thầy cho em nộp homework mấy hôm nay trễ một chút nha thầy.

Tôi nghiêm nghị nhìn Lisa:

- Chuyện học là quan trọng, nhưng chuyện gia đình em còn quan trọng hơn. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì em sẽ không tâm trí đâu mà học được. Bây giờ chuyện đã xảy ra rồi, em nói cho tôi nghe việc em cãi vã với má em và đánh con em có phải không?

Lisa thở hắt ra:

- Giận mất khôn, thầy ạ. Em biết là nếu em bình tĩnh một chút thì sẽ không ra nông nỗi này.

Tôi gõ gõ mấy ngón tay lên bàn:

- Tôi hiểu. Ai cũng vậy, tôi hay em hay bất cứ người nào mà giận thì khó kiểm soát được lời nói hay hành động. Mình phải cố gắng thôi em à. Về phần em, tôi nghĩ là em phải cố hoá giải mối hiềm khích lâu ngày với má em trước đã, rồi mới từ từ giải quyết những chuyện khác. Em thấy đó, con em hỗn với em, em tức mình đánh nó. Vậy thì em có bao giờ tự hỏi má em cảm thấy thế nào mỗi lần em hỗn với má em không? Hôm bữa má em tới lớp gặp em, tôi chỉ cần nghe cách em nói với má em một chút thôi là tôi đủ hiểu lâu nay em đối xử với má em như thế nào rồi. Em nghĩ coi như vậy có công bằng không?

Lisa cúi đầu, tránh ánh mắt của tôi:

- Thầy nói đúng. Má em nóng, mà em cũng nóng quá. Em sẽ nghe lời thầy rán tập bớt nóng nảy.

Tôi hỏi:

- Ba của Lisa có biết vụ này không?

- Dạ có. Ảnh nhân chuyện này muốn giữ luôn Ariel, không cho em giữ chung con với ảnh nữa.

- Em thấy không, như vậy là anh ta cũng biết thương con. Tôi cũng hiểu em thương Ariel không kém. Nhưng tôi khuyên em hãy thực tế hơn trong giai đoạn này. Bây giờ, em nên tập trung vô học cho hết đi rồi tính chuyện con cái. Cái bằng cử nhân mà em muốn lấy đã làm em tốn hơn cả chục năm trời nay. Em học vất vả thì chớ, lại phải lo kiếm tiền nuôi con, nay lại gặp cảnh này. Chi bằng em cứ để cho ba Ariel lo cho cháu đi. Dù sao thì anh ta cũng có công việc đàng hoàng. Em có thể yên tâm học cho xong trước đã.

Tôi nói chưa hết thì đã thấy gương mặt của Lisa tràn trề nước mắt. Hai thầy trò ngồi thật lâu, không còn nói với nhau lời nào nữa. Nắng buổi sáng trong khuôn viên đại học lên cao, hực hỡ. Lác đác một vài nhóm sinh viên đi qua đi lại gần chỗ chúng tôi đang ngồi, nói cười rôm rả. Lisa đưa mắt nhìn quanh ngoại cảnh, con người mà như không hồn. Rõ ràng là giữa em và đám học trò cùng trường có một khoảng cách nào vô cùng mênh mông, to lớn.

Tôi chợt nghĩ đến hai chữ số mạng. Tại sao có những người lúc nào cũng gặp may mắn, và cũng có những người dù đã cố vuon lên khỏi nghịch cảnh vẫn còn bị bao điều không may đeo đuổi mãi?

Ở trong cảnh của Lisa, chắc cũng có nhiều người chọn những con đường khác không tốt đẹp gì để sống còn, để tìm hạnh phúc. Lisa đã chọn quay trở lại học trường sau cả chục năm bỏ quên sách vở. Tôi cho đó là một sự can đảm, một ý chí sắt thép mà không phải ai cũng có được.

Chọn con đường này, Lisa tiếp tục phải sống trong cảnh thiếu thốn về tài chánh, phải nương nhờ người mẹ, phải chịu áp lực của việc học hành, và cả những xung đột thường xuyên giữa hai mẹ con về việc nuôi dạy con cháu. Có thật nghịch cảnh của Lisa là do em tạo ra, hay đó chỉ là điều mà một quyền lực tối cao huyền bí nào đã định trước? Những bạn bè cùng lứa với em đã ra trường từ lâu, nhiều người học lên lấy bằng cao học, tiến sĩ, trở thành bác sĩ, kỹ sư, luật sư; nhiều người chắc đã yên bề gia thất, con cái đề huề, việc làm yên ổn, thậm chí có cả nhà cao cửa rộng. Còn Lisa, mới ba mươi mấy tuổi mà tóc đã bạc, đôi mắt vẩn đục vì dường như chẳng còn tin yêu vào một điều gì nữa trong cuộc sống. Tôi nghĩ em cũng khó mà tìm được một người bạn, một người có thể yêu thương em và sẵn lòng bảo bọc cho em và con gái trong hoàn cảnh này. Vậy đó là số mạng của riêng em hay do những quyết định không đúng đắn của em mà ra?

Nắng đã lên cao lắm rồi. Lisa thẫn thờ nhấc cái túi ni-lông đựng một bộ quần áo, bàn chải đánh răng, và vài món lỉnh kỉnh khác lên. Em lí nhí chào tôi và quay bước đi. Tôi cũng đứng lên, nói với theo:

- Thứ Năm gặp em trong lớp nhé. Sắp thi rồi đó!

Không nhìn lại tôi, Lisa khẽ gật đầu. Em đi lững thững về phía công viên nằm chính giữa khuôn viên đại học, nơi có nhiều những cây thông cao vút và những khóm hoa đủ màu đang nở rộ dưới ánh nắng vàng óng của mùa xuân. Em đi lẫn vào những nhóm sinh viên đi cùng chiều hay ngược chiều với mình. Nhưng tôi thấy Lisa không lẫn vào với ai được cả. Dáng người gầy gò, xiêu vẹo của em như nổi bật hẳn lên trong một bức tranh thiên nhiên tươi vui, bình thản của trời đất vô tình.

Trần Ch. Trí

Ý kiến bạn đọc
03/03/201923:00:02
Khách
Anh Lê Như Đức viết rất đúng và trích dẫn câu nói của Bill Gates lại càng làm sáng tỏ thêm những gì anh nhận xét về những thăng trầm của cuộc đời . Tôi không bằng cấp , không tiếng Anh , không vốn liếng mang theo khi đến Mỹ 30 năm về trước . Tôi chỉ là một người tỵ nạn nhưng tôi quyết tâm làm cái điều mà ông bà mình hay nói " Đại phú do Thiên , tiểu phú do cần " cho nên bây giờ tôi đã có tất cả những gì mình mơ ước khi mới đặt chân đến đất Mỹ . Tôi nghĩ nếu ai cũng cày 3 jobs , sáng đi bỏ báo , ban ngày đi làm hãng xưởng , tối đi clean và hút bụt , lau chùi các văn phòng , rảng thì học Anh văn , cố nghe radio và xem TV để luyện khà năng nghe , nói thì không sớm thì muộn cũng có nhà có xe
03/03/201914:34:37
Khách
Trích: “Tôi chợt nghĩ đến hai chữ số mạng. Tại sao có những người lúc nào cũng gặp may mắn, và cũng có những người dù đã cố vươn lên khỏi nghịch cảnh vẫn còn bị bao điều không may đeo đuổi mãi?”
Số mạng một phần nhưng theo tôi thì ở con người đa phần.
Nếu một người sinh ra bị tàn tật thì đó là số mạng, khó mà tránh khỏi nghèo đói hay bệnh tật.
Nếu một người bình thường nhưng không biết tính toán chỉ lo lêu lổng ăn chơi sau này hối hận cũng khó mà vươn lên được lắm vì thời gian đã qua không thể vặn đồng hồ quay ngược lại.
“Đại phú do Thiên, tiểu phú do cần”. Tôi đã thấy nhiều người VN qua đây không biết chữ, không bằng cấp nhưng sau một thời gian cần kiệm làm việc trở nên khá giả. Ngược lại, hơn 30 năm đi làm, tôi cũng gặp rất nhiều người VN học lực cao, ăn nói rất giỏi nhưng cú cà chớn hết bài bạc, rồi đến rượu chè, trai gái đưa đến ly dị. Bằng cấp treo đầy tường nhưng ngu tới nỗi nói với tôi một câu thật vô cùng tối nghĩa: “Mày thật lucky”. Tôi tính trả lời: “Nếu tao ăn chơi, bồ bịch, bài bạc như mày thì vợ tao cũng bỏ tao, bank tao cũng sạch tiền như mày”. Nhưng thấy y ngu quá nên cũng ậm ừ cho xong: “Ừ, tao cũng may mắn thiệt”.
Bill Gates có câu nói rất chí lý: “Bạn sinh ra trong nghèo đói không phải lỗi tại bạn. Bạn chết trong nghèo đói đó là lỗi tại bạn”.
Thăm anh.
03/03/201913:11:47
Khách
"- Ba của Lisa có biết vụ này không?"
Tui nghĩ :"Ba của Ariel" trong câu này thay vì "Ba của Lisa", mới hợp với câu chuyện tác giả đang kể!
hai trầu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,115,727
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn và Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô từng góp nhiều bài và nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới kể về khu phố Việt ở Massachusetts, giống như Little Saigon ở California.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới, với lời ghi của tác giả:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Nhạc sĩ Cung Tiến