Hôm nay,  

Chị Em Trung Học Nữ Thành Nội

06/01/201900:00:00(Xem: 11544)
Người viết: Minh Thúy

Bài số 5590-20-31396-vb7010519

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn  mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và   tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy,  một  thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz,  Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.

 
viet ve nuoc My  (1)viet ve nuoc My  (2)

Nữ trung học Thành nôi họp mặt.
 
 ***
 

Từ những ngày đầu Xuân năm 2014, khi bông hoa còn e ấp trên cành cây, lá xanh đang đâm chồi nẩy lộc, tôi thường nhận nhiều email từ người có cái tên Xuân Ba rất lạ, sau tìm hiểu thì tôi được biết đó là một cựu nữ sinh trường Nữ Trung Học Thành Nội- Huế.

 Trường Nữ Thành Nội trước 1975 là chi nhánh của trường Đồng Khánh và khi mới thành lập, chỉ có đệ nhất cấp, tức là từ Đệ Thất tới Đệ Tứ. 

Trường Nữ Đồng Khánh toạ lạc ở bờ nam sông Hương. Năm 1964, vì con số học sinh càng ngày càng đông, lớp học không đủ, nên trường 1 trường Nữ được thành lập ở trong Thành nội, bờ bắc sông Hương. Học sinh đang học Đồng Khánh (đệ nhất cấp) được chuyển về học tại trường mới, cùng với những ai ở trong thành thì cũng học trường Nữ Thành Nội. Chị tôi cũng nằm trong số chuyển về học trường này, nhưng năm sau phải chuyển trở lại Đồng Khánh vì NTN chưa có lớp cho đệ nhị cấp, vài năm sau thì đầy đủ. 

Từ khi trường thành lập năm 1964, Hiệu Trưởng đầu tiên và duy nhất của trường cho tới năm 1975 là Cô Tôn Nữ Tiểu Bích. Thầy Cô giáo của những năm đầu tiên gồm có Thầy Đinh Cường dạy vẽ, cô Tuyết Nhung (vợ thầy ĐC), cô Diệu Lan dạy môn Anh Văn, cô Nga, cô Mộng Hà, cô Như Quý, thầy Bổn, thầy Dật môn Việt Văn, thầy Tân môn Sử Địa, thầy Nhuận môn nhạc, thầy Phùng, cô Nhàn môn Toán, cô Trâm, cô Bùi ngọc Mỹ, cô Ngọc Lan, cô Phan kim Ngọc môn Vạn Vật, thầy Các môn Lý Hoá, ngoài ra trường cũng có mời thêm các Thầy khác từ trường ĐK hay Nguyễn Tri Phương như thầy Dương (văn), thầy Hạnh (Anh Văn) thầy Hiển (công dân) đến dạy. Hiện nay thì thầy Nhuận và thầy Đinh Cường đã qua đời,

Trở lại chuyện chị Xuân Ba, sau thời gian liên lạc qua lại, chị đã tâm tình:

 - “Từ khi định cư tại Mỹ, chị tham dự họp mặt các trường không biết bao nhiêu lần, nhiều đêm chị nằm suy nghĩ ...nhớ về ngôi trường Thành Nội, nhớ cô hiệu trưởng Tiểu Bích tài sắc vẹn toàn và tấm lòng đầy bác ái thương học trò nghèo. Có một lần chị nhớ mùa mưa lạnh, mọi người đều mặc áo ấm ngoại trừ mình chị ngồi co ro mé cửa, tình cờ cô đi ngang nhìn và dừng lại bảo “Giờ tan trường lên văn phòng gặp Cô". Và chị không ngờ Cô đã tặng 1 áo len (hình như Cô mới đan xong).

 Vậy đó ...món ân tình dù đã mấy chục năm trôi qua đầy gió bụi phong ba, nhưng món quà của Cô vẫn là hành trang của sự nhân ái thương yêu ấp ủ theo chị hoài. Giờ đây nơi xứ người ...chị tự hỏi tại sao trường mình lại không có lần họp mặt như các trường khác vẫn thường tổ chức, chị nghĩ tuổi Cô nay đã lớn, ắt hẳn ít nhiều Cô cũng tham dự trường khác, sao học trò không tặng đến Cô niềm vui cuối đời.

 Lời tâm sự có lý có tình đã đánh thức, khơi dậy những kỷ niệm của thời áo trắng, lòng tôi ước ao được trở về đằm mình với dòng sông ký niệm, với thời hoa mộng, với bạn bè. 

 Nhớ câu “Bạn bè hiền như thỏ, đêm đêm về gặm cỏ dưới ánh trăng thanh” lời văn của Mai Trang thật dễ thương đã cho tôi cảm giác dễ chịu xoa dịu bớt phần nào sự mệt nhọc lúc đó.

 Từ đó chị em giữ liên lạc với nhau. Chị XB thăm dò đủ nơi xin email, đi đâu gặp người Huế đồng trang lứa cũng hỏi “Có học trường NTN không?”, rồi nhờ quý thầy cô, chị em cung cấp thêm email, thế là sự liên hệ lan rộng từ từ. 

Chị nói: 

- “Không ai lì bằng chị đâu, mỗi ngày vẫn gởi đi gởi lại thông báo nhiều lần, cho đến khi nhận được email mới yên tâm, mỗi đêm nằm thấp thỏm nghe tiếng máy “keng” là tỉnh ngủ nhào tới mở xem ..., chị chờ đợi NTN hơn đợi người yêu nữa ...” 

Kết quả những việc làm của chị XB và những bạn bè tiếp theo đã thành công và buổi họp mặt đầu tiên vào năm 2014 được tổ chức ở Santa Ana. 

Đó là ngày thật trọng đại sau gần 40 năm xa quê Thầy - Trò được gặp lại, hội tụ từ VN, Pháp, Australia…, các tiểu bang xa như Florida, New York, Colorado, Texas, và các vùng lân cận Sacramento, San Diego, San Jose, thuộc tiểu bang Cali, Cũng là nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường Nữ Thành Nội.

 Điều rất cảm động là khi đã gom các thành viên NTN gần lại với nhau, thì cách đối xử thật cởi mở, chân tinh dù rằng khác lớp, khác niên khoá học về Santa Ana, ngôi nhà anh Tân, Dạ Điểm đã mở cánh cửa thật rộng với nồi bún bò lớn, với thau chè to, chào đón các chị em 4 phương đến do anh Tân đón về từ phi trường. 

Đêm đó tập trung rất đông tại nhà anh Tân, được xem live show tranh thơ do anh Bảo Trâm làm, chuẩn bị cho buổi trình diễn ngày chính.

 Kể không xuể khi Tuyết Hạnh từ Việt Nam đem tranh ảnh, quà cáp, Bích Thuỷ đem khăn choàng, vợ chồng Ngọc Quỳnh, anh Địch ủng hộ tiền làm băng rôn, chị Xuân Ba mời các business trương quảng cáo ..v...v...tất cả để gây quỹ và rồi kết quả có số tiền lớn chuyển về thủ quỹ Sài Gòn cũng như về Huế cho việc giúp quý Thầy Cô bệnh hoạn và cựu học sinh nghèo.

 Chị em huyên thuyên chuyện trò, thăm hỏi Thầy Cô, chụp hình lưu niệm. Nét mặt Cô Tiểu Bích vui tươi rạng rỡ, chỉ có đôi tay nhưng Cô cứ muốn ôm hết tất cả học trò vào lòng với nụ cười sung sướng trên môi.

 Không thể kể hết niềm vui khi gặp lại Thầy Cô và bạn học sau gần 40 năm, và có người còn lâu hơn nữa, được gặp nhau trên xứ người.

 Năm kế tiếp cuộc họp mặt được tổ chức trên vùng Bắc Cali.

 Chị Hồ Thị Tơ thuộc lớp đàn chị, tuổi lớn nhất, được xem là con chim đầu đàn, hướng dẫn chị em tập dợt văn nghệ, tất cà chị em tuy trên dưới 60 nhưng hình như tâm hồn mọi người đều trẻ lại, tập múa, tập hát, say sưa hàng tuần, chúng tôi rất phấn khởi khi có Diệu Hường, Quỳnh Hoa, chị Sửu... hò Huế rất hay.

 Thời gian này có vợ chồng Như Ý, anh chị Tơ Dụng, Tịnh Thuỷ, Tịnh Thu thường cho mượn nhà, chăm lo những khay thức ăn được đặt trước, hay nấu nồi phở, nồi bún, nồi chè free phục vụ chị em sau giờ tập dợt.

 Chúng tôi cũng hân hạnh có được Cô giáo Đạm Tuyết, tuy cô dạy những niên khoá sau nhưng ở San Jose, chúng tôi xem Cô như bóng mát che chở cho những buổi gặp nhau, để lấy thêm sức mạnh đoàn kết của đại gia đình NTN. Cô là mái ấm đời học sinh. Nên dù hướng Đông hay phương Bắc ngược đường, các cựu nữ sinh NTN Hồ Lê, Thắng hoặc Hồng Vân chẳng quản ngại chi vẫn đến chở Cô dự họp.

 Trước ngày họp mặt quý chị em dọn dẹp, sửa soạn nhà cửa để chuẩn bị đón NTN từ xa về. Thanh Xuân luôn nhắc nhở các bạn:

- “Có bao nhiêu người về hết nhà TX nằm ...sắp cá...cũng được, chứ đừng ra khách sạn mà tốn tiền ...”. 

Quý hóa thay khi chị Mễ Khuê, chị Công, Hoàng Yến tuy ở tiểu bang xa nhưng luôn có mặt trên từng cây số, và cả cô Trương Hoa, Ngọc Mỹ, thầy Phố, thầyTạo, các chị bạn như Đặng Nga, Thúy Vi, Tuyết Hạnh từ VN cũng không từ nan đường xa tốn kém nhiều.

 Còn nhớ năm 2017, chị em từ Bắc Cali và Sacramento đi xe đò Hoàng về Nam Cali dự hội ngộ NTN. Chị Hảo tuy bận rộn công việc mua bán, nhưng vẫn sắp xếp thời gian để ra bến xe đón từng đợt người về nhà thết đãi bánh bèo. Sau đó anh Phước (chồng chị Thí) và Mai Trang đến rước. Mai Trang mua các khay thức ăn đầy ngập nào mít trộn, bánh ướt, gỏi, miến xào cua, chưa kể nhờ chị dâu nấu nồi bánh canh ăn 3 ngày chưa hết. Từng lớp người đến sau được Dung (em Hảo) rước về nhà tá túc. Chị em lần này yên tâm với MC Kim Xuân ăn nói rất hay điều khiển chương trình. 

Chúng tôi rộn ràng đùa giỡn, tập dợt văn nghệ với vở kịch “Hội Nghị Diên Hồng,” được ngồi ăn chung bữa cơm với cá kho, canh bầu, mướp xào thiệt là mê tơi. Chưa hết ...chị em còn “bị” Dạ Điểm, anh Tân réo gọi về ăn mắm tôm chua, dưa giá, thịt heo luộc ...những món gợi nhớ quê hương trên xứ người trong tình nghĩa đậm đà của gia đình NTN. 

Chiều đó vợ chồng anh Tân, Dạ Dểm đi dự sinh nhật bạn, nên giao nhà chúng tôi nói: 

- “Cứ việc ăn thong thả, khi muốn về lock cửa lại là xong.”

 Còn nỗi cảm động nào hơn khi mà vợ chồng anh Tân đã xem chị em như ruột thịt, cùng một Mạ Tiểu Bích sinh ra, nên thân mật tin yêu tới cỡ đó.

Năm nay do ý kiến của Mai Trang và Chanh muốn tổ chức đi cruise, Thầy Trò hớn hở vui mừng đồng ý, thế là Chanh ra sức đảm nhiệm việc này. Đồng thời vẫn có ngày họp mặt tại nhà chị Thí anh Phước.

 Làm răng nói hết sự cảm động đối với tấm lòng anh chị, mọi người đòi hùn trong việc tổ chức, nhưng chị khoát tay không nhận. - “Chẳng bao nhiêu hết, chị em đến đây là hạnh phúc lớn rồi”.

  Anh chị đã thay phiên nhau đi đón nhiều giờ giấc khác nhau trong 2 ngày trước đó, từ phi trường và bến xe khi thời tiết hơn 100 độ, nhưng nét mặt anh chị vẫn tươi vui rạng rỡ, rồi chúng tôi được ở khách sạn free (nhà anh chị Thí) gần 20 người với thức ăn thức uống ê hề. 

Hôm sau, sau buổi họp mặt tại nhà chị Thí thì chúng tôi lên đường đi Cruise. Khỏi nói Thầy Trò có không gian, thời gian trên chuyến Cruise Carnival quá tuyệt vời, luôn xúm xít gần nhau từ bữa ăn tối ở nhà hàng hay loanh quanh cả ban ngày. Khi được học trò ngồi quây quần, Cô Tiểu Bích thường cười nói tếu: 

-“Mấy con thấy có ai được sung sướng hạnh phúc như Mạ không, Mạ...quen nhiều người nên chừ có con đông đủ giòng họ từ Nguyễn, Trần, Đinh, Lê, Hoàng v... v… và cũng có cả họ Hồ nữa, luôn quanh quẩn bện Mạ, đi mô là kéo một “rờ mọt” dài. 

Sau khi NTN thành lập group, chúng tôi càng thân mật gắn bó hơn, vì sự liên lạc với nhau nhanh chóng và thuận tiện. Bắc Cali nhờ sự hướng dẫn của chị Tơ, thỉnh thoảng tổ chức những tiệc sinh nhật chung, tuy nhà chị nhỏ nhưng tấm lòng chị đầy tình nghĩa. Có tin buồn từ gia đình chị em, chị báo tin rồi tất cả hẹn nhau đủ mặt thăm viếng tại nhà quàn. Thầy Rạng trong thời kỳ chữa bệnh, thầy Nhuận qua đời, chị kêu gọi quyên góp và gởi về chia sẻ nỗi đau. Mỗi khi có Thầy Cô hay các bạn từ VN sang chơi, dù bận rộn cỡ nào chị em cũng cố gắng thu xếp thì giờ để vui chơi ăn uống thân mật. Tình cảm bao la nhất là cô Hiệu trưởng Tiểu Bích, tuy sống vùng Sacramento nhưng ai ở VN qua San Jose, Cô đều biết hết. Có lần Nguyên (nay con mắt đã bị mờ) đến nhà tôi, Cô gọi phone không biết bao nhiêu lần muốn gặp mặt Nguyên. Lo nghĩ Cô nay đã xấp xỉ 80 tuổi hạc, nên Kim Cúc tuy đang về thăm nhà con gái dưới vùng Cô ở, nhưng cũng chạy lên đón tôi và Nguyên về lại nhà Cô vui chơi một ngày, Cô muốn chúng tôi ở lại nhà Cô, nhưng sau cũng thông cảm khi chúng tôi tường tình bao nhiêu thứ gia duyên ràng buộc.

 Lần khác bạn Tuân qua cũng vậy, Cô cũng ao ước được gặp...và rồi cũng lại Kim Cúc đón chở chúng tôi về quãng đường xa gần 3 tiếng đồng hồ cho Cô vui, còn tình cảm nào thấm đậm như vậy nữa giữa tình Thầy Trò của ngôi trường nho nhỏ, xinh xinh nằm trong Nội Thành hơn mấy chục năm về trước.

 Sau những lần họp mặt, nhờ sự ủng hộ đóng góp nên dư được số tiền khá lớn, trưởng ban tổ chức Xuân Ba cũng chuyển về ban liên lạc VN để giúp Thầy Cô già bệnh và quà cáp ngày Tết, ngoài ra thỉnh thoảng chị em cũng đóng góp mỗi khi có hoàn cảnh cấp bách cần thiết. Sẽ thiếu sót nếu không kể đến các ông rể quá tốt bụng như như rể Vinh, rể Tân đã ủng hộ số tiền lớn trong các buổi tổ chức, các rể khác Đăng Anh, Lộc Lê, Hoàng Lương cũng công góp sức đáng kể như đưa đón từng người đến, dàn dựng sân khấu, lo kỹ thuật v v…

Thêm điều may mắn nữa là chị Xuân Ba có quen anh Bảo Trâm chuyên làm tranh thơ, nên NTN đã có được trang tranh thơ tuyệt đẹp.

Đây là NTN ở hải ngoại, còn trong nước tôi cũng thấy được những hình ảnh thật đáng quý đáng trân trọng như bài học Phật pháp. Đặc San và Thơ NTN do thầy Tần Hoài Dạ Vũ khởi xướng.

 Chung một mái trường, khi lớn lên mỗi người mỗi thân phận ...kẻ cắp rổ bán bánh bột lọc, người làm bác sĩ, có bạn đã bị liệt ngồi xe lăn, có bạn nay mù đôi mắt ...nhưng không phân biệt sang hèn hay địa vị danh vọng, họ vẫn thường quyên góp giúp mọi hoàn cảnh của bạn. Có lần chúng tôi chuyển về chút đỉnh, một sáng, sau buổi uống cà phê cùng nhau, họ lên Kim Long tìm đến ngôi nhà xiêu vẹo tăm tối để thăm và giao tiền, họ ngồi xoay quanh chiếc xe lăn của bạn chụp hình gởi tôi xem ... Một bức hình thật đẹp, thật ý nghĩa trong cuộc đời. Tấm hình giá trị của tình bạn, của chân lý yêu thương giữa thế gian này NTN tại Sài Gòn thì luôn tay xách, tay mang thực phẩm và tiền bạc lặn lội tìm về các vùng xa hẻo lánh thăm Cô Thầy nghèo do Thanh Thu làm trưởng nhóm, thể hiện tinh thần “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” của lớp học trò biết Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. NTN.

Ở Huế có Chị Nhuỵ và Mai B “ăn cơm nhà vác ngà voi” lo đủ chuyện đau ốm của Cô Thầy già, những hoàn cảnh khó khăn chị em NTN, ôi những tâm hồn thật cao quý và kiên trì.

 Từ ngày có sự liên kết, tôi như thêm nguồn sinh lực, thêm sức sống, thêm niềm vui có được bóng mát của tâm linh, xoa dịu sự cằn cỗi đi dần tới tuổi già. Bạn là người dìu dắt tôi trở về với màu hoa Phượng trong sân trường, với buổi chiều vàng đang xuống ...giọng thầy Hạnh đọc trầm đều, ấm áp đoạn văn của William Shakespeare về tác phẩm “Othello”, hay khi gió Thu reo ngoài khung cửa, tiếng cô Nga thì thầm gởi hồn theo Lưu trọng Lư:

 

 “Em không nghe mùa 

Thu Dưới Trăng mờ thổn thức 

Em không nghe rạo rực

 Hình ảnh kẻ chinh phu 

Em không nghe rừng Thu

 Lá Thu rơi xào xạc 

Con Nai vàng ngơ ngác 

Đạp trên lá vàng khô” 

 

Tôi thấy bạn từ khung trời cũ ...mỗi buổi tan trường trên con Đường Phượng Bay, hồn nhiên thánh thiện với mái tóc thề buông xõa, với ánh mắt chứa đựng mộng mơ của thời con gái Huế.

 Ký ức lùa về một ngày đẹp trời, khi hoạ sĩ Đinh Cường (thầy dạy vẽ) dẫn nhà văn Duyên Anh đến trường với lời giới thiệu: - Về thăm ngôi trường nhỏ có cái tên dễ thương “Nữ Thành Nội”, bạn sẽ thấy:

 

 “Mơ khách đường xa khách đường xa 

Áo em trắng quá nhìn không ra 

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà”.

(Hàn Mặc Tử) 

 

Và rồi các lớp ban C được lên hội trường nghe Duyên Anh  nói về nghệ thuật viết văn. Còn nhớ lúc ấy nhà văn mặc chiếc áo sơ mi vàng đang thao thao bất tuyệt về đề tài này, rồi nhà văn hỏi ai có thắc mắc gì thì nêu lên câu hỏi.

 

Từng nhóm xì xầm bàn tán rồi có một bạn đem lên mảnh giấy và đọc:

- “Nguyên Sa có câu Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc” Vậy thì chúng tôi có nên về yêu hoa Cúc khi thấy người văn sĩ đang mặc chiếc áo vàng ngồi trước mặt chúng tôi không? (Đúng là học trò quỷ) 

Nhà văn bối rối vài giây và sau đó lên tiếng chậm rãi: 

- “Cứ yêu, với điều kiện chỉ yêu chiếc áo vàng này thôi, vì

 

“Không gian như có dây tơ

Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu” (Xuân Diệu)

 

Đó, một thuở thiên đàng của tuổi ngọc mà có lúc đã bị lãng quên theo đời cơm áo...

 Hôm nay nhắc về ngôi trường, về Thầy Cô, về công lao khó nhọc tìm kiếm của chị Xuân Ba, về cách cư xử của bạn bè, tôi thật cảm kích và quý trọng mọi người, biết đặt tình nghĩa lên trên tất cả, đó là tinh hoa tâm hồn làm đẹp, làm sáng điều nhân nghĩa trên thế gian, mà tôi đã thấy ở ...chị em TH Nữ Thành Nội.

 Bên ngoài ngọn nắng vẫn vươn cao dù mùa đông lạnh lẽo đang đến.

 Đã 43 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông xoay vần trôi qua, sự đời biết bao thăng trầm, ngôi trường Thành Nội giờ đã đổi tên, chỉ còn hình ảnh trong hoài niệm, nhưng tình cảm chị em NTN ngày xưa, đến bây giờ vẫn ...tràn đầy. 

 

Tháng 12 năm 2018

 Minh Thúy

Ý kiến bạn đọc
18/01/201905:56:38
Khách
Bài đăng đợt trước có lẽ vì lý do kỹ thuật nên bị mất đoạn kết , , hôm nay đầy đủ bài . Rất cảm ơn Toà soạn đã chỉnh sửa
MT cám ơn tất cả những lời nhận xét , để cố gắng học hỏi tránh những khiém khuyết về sau
Kính chúc quý bạn sức khoẻ và an lành
17/01/201915:18:32
Khách
Cảm ơn Việt Báo và tác giả Minh Thúy
Bài viết ngắn nhưng diển tả được lòng Tôn Sư Trọng Đạo của Cựu Nữ Sinh Việt Nam Cộng Hòa, được giáo dục trong một môi trường đạo dức của Văn Hóa Việt Nam
Dù những Cựu Nữ Sinh này đã luống tuổi, nhưng vẫn kính trọng khi gặp lại Thầy Cô trên dất người, nhũng Thầy Cô, dù còn sáng suốt hay yếu kém đi vì tuổi dời. Không những thể, họ còn muốn họp lại để có dịp bày tỏ lòng biết ơn của họ với Cô Thầy một cách thiết thực hợn.
Trong bài viết , tác giả Minh Thúy kể chuyện cựu Nữ Sinh của trường Nữ Trung Học Thành Nội trước 1975 ở Huế, Nay gặp lại Cô Hiệu trưởng cùng nhiều Cô Thầy khác...và rất đặc biệt, hiện nay, Cô Hiệu Trưởng, đoán chừng đã trên 80 và những cựu Nữ Sinh đã trên dưới 60 vận tung tăng vui vẽ, rất ấm áp và thân tình đền nỗi Cô Hiệu Trưởng tự hào xem các Cựu Nữ Sinh ấy như chính đàn con của mình, đản con của rất nhiều họ.
Tác giả MT kể những chuyện vui hiện nay va cũng hồi tưởng lại những chuyện vui trong lớp học ngày xưa trước 1975.
Những chuyện không khác gì sự chọc phá của những học trỏ quỷ ma khác nhung rât tế nhị và ý nhị trong môi trường học đường lễ nghĩa làm đầu. Dù là Thầy, dù là bạn của Thầy, cac cựu Nũ Sinh có muốn tạo một chuyện vui, cũng là chuyện trong vòng đạo đức, lễ nghĩa của học trò đối với Thầy.
Cảm ơn tác giả Minh Thúy dã vẽ lên cảnh học đường xưa của VNCH và cũng vẽ lện được tinh thần của học sinh thuộc chế độ VNCH, khi đã được dạy dỗ, thì tinh thần đó thấm nhập đển khi đã là bà nội bà Ngoại thì vẫn là những cưu học sinh vui tươi nhí nhảnh quanh Cô Thấy, và trên hêt là lòng kính yêu Cô Thầy đã dạy mình.
Cảm ơn nước Mỹ đã cưu mang chúng tôi, để người VNCH chúng tôi có được sư tư do tiêp tục nuôi dưỡng nền văn hoa của một dất nước từng xây dựng trên nền tảng Văn Hóa Việt Nam và văn hóa tiến bộ của Thế Giới. Nền Văn hóa chỉ có được trong nền giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Và tìếc thay, đau thương thay, nước VNCH vốn là nước nhược tiểu, nên đã thành vật hy sinh cho mưu đồ của các nước lớn.
Dù gì, những bài Viết Vể Nước Mỹ do Việt Báo khuyền khích thực hiện như bài viết này cùa tác giả Minh Thúy, đã chứng minh, nền giáo dục của Việt Nam Công Hoà sẽ còn bền vững mãi cho đến ngày chúng ta trở lại quê hương, tái xây dựng lại nền giáo dục một thời huy hoàng này
Cảm ơn Việt Báo đã tạo cơ hội và một lần nữa cảm ơn tác giả Minh Thúy.
Bảo Trâm Minnesota
10/01/201907:10:23
Khách
Bạn Le M. Giang,
Biết thì thốt không biết dựa cột mà nghe nhé! Dù bạn vẽ ngoẳn ngoèo như giun bò, tôi cũng thấy tội nghiệp công bạn mày mò vô đây viết lời bình nên đoán dùm bạn và trả lời thay tác giả nè:
Chuyện xảy ra trên nước Mỹ, kể chuyện tình nghĩa thầy trò cảm động thân thương như vậy, tôn sư trọng đạo như vậy, cho thấy đạo đức Việt Nam trên đất Mỹ mà bạn chê là không phải Viết Về Nước Mỹ là sao? Bạn ... ngon lành vậy thì viết thử một bài đi!

Một độc giả
10/01/201903:03:31
Khách
Có người không biết viết chữ Việt mà cũng lên đây phê bình nhỉ?
08/01/201913:48:34
Khách
“Tôi thấy bạn từ khung trời cũ...”
Ừ, bài viết mềm mại, nhẹ nhàng như kéo cả thiên thu lại với nhau. Chuyện nửa thế kỷ có lẻ mà đọc cứ ngỡ như mới hôm qua, đậm nồng những mật, những ngọt, những yêu, những thương.

Vẫn ý cũ. Em thích lối viết của chị. Thật dịu dàng. Thật tình cảm đọng đầy.
08/01/201905:19:31
Khách
Bai2 nay2 cha3 co1 lien quan gi d9e71n Vie6t1 Ve62 Nu7o71c My4v ca3.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,117,039
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây là bài viết đầu năm mới Kỷ Hợi của bà.
Chương trình America's Got Talent (AGT) trên truyền hình NBC, ra mắt từ tháng Sáu 2006, tới nay đã trụ được 13 mùa, tiếp tục làm mê mẩn 12 triệu khán giả hàng tuần. Simon Cowell, nhà sản xuất của AGT, vào danh sách báo Time bình chọn 100 nhân vật thế giới tạo nhiều ảnh hưởng nhất. Sang năm 2019. Simon 60 tuổi. Show chung kết AGT The Champions mùa thứ 13, gồm những màn trình diễn hấp dẫn của các tài năng đã thắng giải từ khắp thế giới, được sắp xếp thành 7 chương trình TV, trình chiếu đúng dịp Tết Kỷ Hợi. Riêng chương trình cuối, công bố kết quả AGT 2019, sẽ chiếu ngày Thứ Hai 18/02/19. Sau đây là bài viết của Tố Nguyễn, tác giả lần đầu viết về nước Mỹ và đã nhận giải đặc biệt 2018.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết đầu năm của tác giả.
Thứ Năm tuần này là Ngày Tình Yêu / Velentine Day 2019, đánh dấu đúng 750 năm ngày 14 tháng Hai năm 269, khi Giám mục Valentine bị hoàng đế La Mã Claudius Đệ Nhị cho lệnh chặt đầu, vì làm phép kết hợp các đôi lứa theo nghi thức nhà thờ. Nhân ngày đặc biệt này, mời đọc bài viết thứ ba của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, cựu nữ sinh Trưng Vương, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân Lafayette, Louisiana. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la!
Iris Đinh là tác giả đã nhận giải Chung Kết 2017, với hai bài "Chuyện Góc Bếp," và “Con Bé Nổi Loạn,” hai tự sự về mẹ và con gái trong một gia đình đổ vỡ. Sau 13 năm trở lại trường học và thực tập, mẹ trở thành một thạc sĩ về y tế tâm thần. Cô con gái từng nổi loạn thì trở thành Tiến sĩ Anne Q. Phan tại đại học UC Irvine và UC San Diego, người xác định được gene gây đột biến giúp sinh vật mọc thêm tay chân, mà báo O.C. Register đã đăng tin ngày 5 tháng Tư 2013. Sau đây là bài mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới về Tết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới sau đây kể về lớp dạy văn chương Việt tại UC Irvine.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài ông viết đầu năm mới Kỷ Hợi.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến