Hôm nay,  

Chuyện Kỳ Diệu Trong Đêm Trừ Tịch

03/01/201900:00:00(Xem: 12648)
Tác giả: Thảo Lan

Bài số 5587-20-31393-vb4010219

 
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.

 
***


Ngày xưa khi còn ở Việt Nam tôi được xem một truyện ngắn kể về một người đàn ông bị ám hại nhốt trên sân thuợng của một tòa cao ốc ở New York vào đêm giao thừa giá lạnh. Để thoát cảnh hiểm nghèo người đàn ông đó đã nghĩ ra được một cách thật hay để báo cho người khác biết và lên cứu ông. Hôm nay, trong giờ phút đón chào năm mới trong thời tiết giá lạnh hơi khác thường so với mọi năm, tôi bỗng nhớ đến mẩu truyện ngắn ngày xưa và đã viết lên câu chuyện này.

 
*

Lân run rẩy đứng trong cơn gió lạnh buốt da của đêm cuối năm trên sân thuợng của một tòa nhà cao ốc ở Chicago. Chỉ còn một ít phút nữa thôi là sẽ bước qua năm mới. Trong khi ở khắp nơi trên thế giới mọi người tưng bừng chuẩn bị tiệc tùng và đếm từng giây đến giờ khắc giao mùa thì Lân đứng cô đơn lạnh lẽo một mình ở một góc sân thuợng của căn cao ốc 13 tầng nơi anh ở tại quê hương thứ hai. Trời thật lạnh. Nhiệt độ lúc này có lẽ chỉ còn chừng 5 hay 6 độ F cộng thêm gió khiến nhiệt độ tụt xuống dưới độ âm nhiều lắm. Lân khum hai tay trước mặt để hà hơi vào cho ấm. Mặc dù anh mặc hai lớp áo bên trong cộng thêm chiếc áo khoác dầy trùm đầu nhưng ngần ấy thứ không thể giúp anh chống lại được cái lạnh mùa đông trên sân thuợng ở thành phố được mệnh danh là Windy City này. Nhất là đôi tay trần không găng giờ đây đã gần như mất cảm giác. Lân lo lắm bởi vì giờ này mọi nhà đều ồn ào party để mừng năm mới cộng thêm tiếng pháo bông bắn khắp nơi thì làm sao có ai nghe được tiếng kêu cứu của anh. Giờ này thì còn có ai chịu khó leo lên sân thuợng này để đón cái lạnh như Lân để có thể tình cờ giúp được anh.

Cách đây hơn một tiếng trong khi mọi người tất bật vui nhộn chuẩn bị đón mừng năm mới thì với tâm trạng buồn phiền, chán nản Lân đã ngồi một mình trong căn apartment của mình và rót rượu ra uống. Năm nay doanh số của nhà in nơi Lân làm không được khá nên cuối năm nhân viên không còn được bonus như những năm trước. Mọi năm từ tuần lễ cuối trước khi nghỉ Noel Lân đã nhận được tờ check bonus, có năm khá thì trên ngàn đô la còn thuờng thì cũng vài trăm. Năm nay chờ cho đến ngày chót vẫn chưa có gì. Lân hỏi các bạn đồng nghiệp thì ai cũng như nhau. Ngày cuối trước khi đóng cửa nghỉ lễ, ông giám đốc có họp tất cả nhân viên lại và buồn rầu thông báo:

- Tôi xin lỗi phải thông báo một tin không vui cho các bạn. Như các bạn đã biết tình hình của nhà in chúng ta trong năm qua không được khả quan lắm. Trước giờ chúng ta chủ yếu dựa vào những hợp đồng in sách báo, tiểu thuyết mà với tình hình mọi người ngày càng ít quan tâm đến sách báo như hiện nay và nếu có thì họ chỉ thích lên mạng internet để đọc nên số lượng sách báo được in ra đã giảm sút rõ rệt. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, ban giám đốc chúng tôi đã cố gắng duy trì số lượng nhân viên như hiện nay thay vì cắt giảm bớt nhân lực. Vì lý do đó, năm nay nhà in chúng ta đã không đủ khả năng tài chánh để có quỹ bonus cho nhân viên như mọi năm. Thay mặt ban giám đốc tôi thành thật xin lỗi và hy vọng rằng sang năm mới mọi việc sẽ sáng sủa hơn. Tôi xin chúc tất cả một mùa Giáng Sinh an lành và năm mới hạnh phúc.

Sau khi người giám đốc dứt lời và rời khỏi phòng họp Lân cùng các nhân viên uể oải quay trở về làm nốt công việc của mình trước khi chuẩn bị ra về. Ai nấy đều buồn thiu khi nghĩ đến viễn cảnh phải trả các bill mua sắm cho ngày lễ nhưng lại không có thêm nguồn tài chánh hỗ trợ như mọi năm. Cũng như các bạn đồng nghiêp, ngoài việc thiếu tiền bonus cho ngày lễ Lân còn lo lắng cho tương lai công việc của anh vào năm mới. Liệu nhà in có còn khả năng duy trì được số nhân viên như hiện tại hay sẽ bắt đầu cắt giảm bớt số nhân viên. Lân làm ở nhà in này đã được 10 năm. Vì đây là một nhà in nhỏ với số nhân viên chỉ chừng 30 người nên so với đại đa số nhân viên anh vẫn thuộc vào hàng ít thâm niên nhất. Cả nhà in có lẽ chỉ có chừng 6, 7 người vào làm sau anh.

Sau khi rời nhà in, Lân về thẳng nhà và không còn giữ ý định ra phố cùng mọi người đón mừng năm mới như mọi năm. Lân cũng chẳng buồn ăn uống gì anh cứ mở TV xem tin tức mà đầu óc cũng để ở một nơi nào khác. Cứ để TV chạy mà Lân vẫn nghĩ miên man về cuộc sống của mình. Ba mẹ, anh chị đều ở những tiểu bang xa lắc xa lơ chỉ còn mình Lân trơ trọi sống ở thành phố nhộn nhịp này. Đã nhiều lần ba mẹ hay các anh chị gọi anh về kiếm việc ở cùng tiểu bang họ ở nhưng Lân vẫn từ chối. Lý do chính là Lân đã làm quen việc ở nhà máy in này nơi có các bạn đồng nghiệp thân thiện. Một lý do nữa là Lân hơi tự ái do mặc cảm thua kém các anh chị trong nhà. Các anh chị của Lân người thì bác sĩ, người thì nha sĩ, luật sư hoặc làm chủ các chuỗi nhà hàng. Trong khi Lân chỉ là một anh thợ chạy máy không bằng cấp. Giờ nếu bỏ việc ở đây để dọn về nơi khác thì dễ gì Lân có thể kiếm được một công việc như hiện nay. Cứ nghĩ miên man như thế một lúc thì Lân chợt nhớ có chai rượu Whisky mà một người bạn học cũ đã cho anh vài tuần trước khi anh ta có dịp ghé ngang Chicago. Chai rượu mà Lân và người bạn mới chỉ uống hết chừng non nửa.

Lân lấy ly và rót rượu ngồi uống một mình. Cứ hết ly này đến ly khác đến khi gần hết chai rượu thì đầu anh bắt đầu lảo đảo. Nhìn đồng hồ đã chỉ 11 giờ đêm. Chỉ còn một tiếng nữa là đến năm mới, pháo bông sẽ bắn, mọi người sẽ già đi một tuổi. Chả biết năm mới sẽ ra sao biết đâu sẽ lại sáng sủa hơn. Nghĩ đến đây bỗng Lân cảm thấy phấn khởi và đứng lên choàng vội chiếc áo khoác để ra ngoài. Lân quyết định sẽ leo lên sân thuợng của tòa nhà để nhìn xuống đường phố nhộn nhịp và hy vọng sẽ được nhìn thấy pháo bông bắn chào đón giao thừa. Lân bỗng nhớ đến những năm xưa khi còn ở Việt Nam cứ dịp này là còi tàu ở bến cảng hụ inh ỏi và pháo bông cũng được bắn lên.

Căn apartment của Lân ở tầng trên cùng nên anh chỉ cần leo một thang lầu để lên tầng thuợng. Hơi chếnh choáng vì men rượu Lân phải vịn vào lan can cầu thang để leo lên cho vững. Mở cửa bước ra ngoài Lân đón ngay luồng gió lạnh của mùa Đông Chicago. Ngay lúc đó cánh cửa bước ra sân thuợng đóng sập lại sau lưng. Lân hốt hoảng quay lại xoay nắm đấm để mở cửa nhưng cánh cửa đã khóa. Lúc này thì mặc dù gió bên ngoài khiến nhiệt độ có thể tụt xuống dưới 0 độ F nhưng bên trong người Lân đã toát mồ hôi khi nhận ra lúc bước ra khỏi căn apartment anh chỉ khoác vội chiếc áo lạnh mà quên không đem theo chùm chìa khóa mà trong đó ngoài chìa khóa xe, khóa của căn apartment còn có chiếc chìa khóa để mở các cánh cửa chung của tòa nhà này.

Lân vội vàng thò tay vào túi kiếm chiếc phone nhưng hai túi áo và cả túi quần đều trống rỗng. Lúc này Lân mới nhớ ra là ban chiều khi về nhà từ nơi làm việc, anh đã thảy chùm chìa khóa và chiếc cell phone lên bàn ăn. Lúc này Lân mới thấy ân hận vì đã để những ly rượu Whiskey lúc chiều che lấp mất lý trí vì bình thuờng anh là người rất cẩn thận. Việc bỏ quên khóa nhà, khóa xe, hay để lạc mất phone hay các đồ đạc khác là điều hầu như chưa từng xảy ra đối với anh. Một việc tai hại khác là khi ra khỏi nhà Lân đã không đem theo cả đôi bao tay nên giờ đây sau một vài phút cố gắng lay đập cửa để hy vọng có người bên dưới nghe thấy, hai tay anh đã lạnh cóng nên Lân phải đút ngay vào túi áo.

Khi nghĩ đến việc khó có ai có thể nghe được tiếng đập cửa trên sân thuợng, Lân chỉ còn hy vọng vào những người ở các tòa nhà gần đó. Nghĩ đến đây Lân vội vàng chạy ra sát vách tường nhìn ra xung quanh. Tiếc thay các tòa nhà gần building anh ở đều thấp hơn và những building cao hơn thì lại ở xa quá nên với mắt thường Lân cũng không rõ có ai ở trong đó hay không. Mặc kệ có người hay không Lân vẫn quơ tay làm hiệu. Chỉ được một lát hai bàn tay lạnh cóng như ngâm nước đá khiến Lân phải bỏ ý định tiếp tục làm hiệu.

Lân rời mép tường để nép thật sát vào vách cửa để tránh các cơn gió lạnh thổi lùa đến. Hồi chiều dự báo thời tiết có cho hay nhiệt độ đêm nay sẽ chỉ vào khoảng 5 hay 6 độ F nhưng ảnh hưởng của gió sẽ khiến nhiệt độ tụt xuống có thể đến mức âm từ 5 đến 10 độ F. Với một chiếc áo khoác và hai lớp áo trong Lân lo sợ anh sẽ khó có thể cầm cự được lâu hơn. Chất cồn trong những ly Whiskey chỉ giúp ích được phần nào cho anh trong một thời gian ngắn. Lân khum hai tay trước mặt để hà hơi vừa cho ấm tay mà lại vừa để cản bớt gió lạnh hít vô phổi. Sau một lúc hốt hoảng tìm cách cầu cứu giờ đây dường như hơi men lại ngấm vào mạch máu anh, Lân thấy hai chân như rã rời, đầu óc quay cuồng nên anh ngồi bệt xuống dựa lưng vào vách tường ngay cạnh cửa ra vào của sân thuợng.

Lân run rẩy đút hai tay trở lại vô túi áo và cố chống chọi với cơn buồn ngủ đưa đến. Lân biết rằng nếu anh ngủ thiếp đi sẽ có rất nhiều khả năng anh sẽ chết cóng trước khi có người phát hiện ra anh. Cố chống chọi với cơn buồn ngủ và cơn gió lạnh, Lân cố gắng suy nghĩ tìm cách để có thể thoát khỏi tình trạng hiểm nghèo này. Anh nhớ đến ngày xưa có được xem một truyện ngắn của Mỹ đại khái kể về một người cũng bị kẹt ở trên sân thuợng mà hình như của tòa nhà nổi tiếng Empire State Building ở New York thì phải. Truyện xem được đã rất lâu nên Lân chỉ nhớ mang máng bối cảnh câu chuyện có lẽ cũng xảy ra vào đêm cuối năm như tình trạng của anh lúc này. Chỉ có khác là nhân vật chính trong truyện bị kẹt trên sân thuợng là do bị ám hại chứ không tự đóng cửa một cách ngu ngốc như Lân đã làm. Và trong truyện đó nhân vật chính đã nghĩ ra cách leo lên cột ăng ten TV để lay. Chính nhờ sự sáng suốt đó đã cứu sống ông vì ở các căn phòng bên dưới mọi người đang tập trung xem chương trình TV đón năm mới, khi sóng TV bị nhập nhòe không rõ họ đã leo lên sân thuợng để kiểm tra ăng ten. Nhờ thế mà ông ta đã được cứu sống.

Khi nghĩ đến đây Lân lại bùng lên một tia hy vọng. Anh cố gắng đứng lên đi rảo quanh sân thuợng để tìm một cái cột ăng ten TV. Tiếc thay truyện ngày xưa anh được đọc có lẽ được viết vào những năm 60 của thế kỷ trước còn giờ đây đã là thế kỷ 21, khi mà đa số các nhà đều dùng cable hoặc vệ tinh. Sau khi đảo mắt xung quanh mà chẳng thấy một cột ăng ten nào, Lân thất vọng chán nản quay về ngồi bệt xuống đất. Lúc này hai mắt anh đã trĩu nặng. Lân cố gắng chống chọi với cơn buồn ngủ bằng cách co duỗi hai chân như thể đang tập thể dục. Sức lực hiện thời chỉ còn đủ để cho Lân làm những động tác đó vì hai chân anh không còn đủ sức để chống chọi với sức nặng của toàn thân nữa. Anh không hiểu đây là kết quả của mấy ly rượu Whiskey ban nãy hay chính là ảnh hưởng của cơn lạnh đã bào mòn sức lực anh.

Lúc này vài hạt bông tuyết đã bắt đầu bay lất phất. Dự báo thời tiết cho biết có thể vào lúc gần giờ giao thừa sẽ đổ một trận tuyết. Nhìn những bông tuyết bay nhè nhẹ trong gió Lân tưởng tượng như mình là một nhân vật trong bộ phim anh đã được xem ngày xưa. Bộ phim có anh chàng tên Edward với hai bàn tay là hai chiếc kéo. Trong phim anh Edward dùng đôi tay kéo của mình để tỉa những tảng đá thành những hình thù đẹp đẽ đồng thời tạo ra những bông tuyết bay khắp mọi nơi. Lân hy vọng nếu tuyết đổ xuống thì trời sẽ ấm hơn nhưng mặc dù tuyết đổ xuống ngày càng nhiều nhưng cơn giá lạnh vẫn bao quanh anh. Đến lúc này thì Lân lại thấy mình như cô bé bán diêm trong truyện cổ của Andersen. Chỉ có điều anh không được may mắn như cô bé vì không có một que diêm nào để đánh lên sưởi ấm đồng thời xua tan màn đêm tăm tối đang vây quanh anh. Mắt anh đang trĩu nặng xuống thì đột nhiên có tiếng động mạnh và cánh cửa ra sân thuợng bật mở ra.

 

Duyên năm nay 30 tuổi và hiện làm chủ một shop bán hoa trong thành phố. Mẹ Duyên mất từ khi cô còn học lớp 10, ba cô tục huyền với người đàn bà chỉ hơn Duyên chừng 10 tuổi. Không hợp với người mẹ kế nên Duyên đã bỏ nhà sống tự lập từ khi rời ghế nhà trường trung học.

Nhờ thông minh, tháo vát cộng thêm chăm chỉ nên Duyên đã được đền bù bằng cuộc sống êm đềm sung túc cho suốt mười mấy năm bươn chải vừa qua. Nhưng bù lại là cô đã để tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình qua đi hồi nào không hay. Ba mươi vẫn còn trẻ chán nhưng vì bận rộn với cửa hàng Duyên không có nhiều thì giờ để hưởng thụ cuộc sống như những thanh niên đồng trang lứa.

Giờ đây khi bao nhiêu người ở lứa tuổi cô đổ xô ra đường hoặc tụ tập với nhau để mở party đón mừng năm mới thì Duyên ngồi một mình trong nhà trước màn hình máy vi tính vừa nhâm nhi ly sô cô la nóng bên lò sưởi điện ấm áp để gõ tiếp những trang truyện mà cô đang sáng tác dở dang.

Sở thích của Duyên bên cạnh nghề cắm hoa là viết lách, từ tùy bút đến những truyện ngắn. Duyên đã viết được một số truyện và đã gửi đăng trên các trang báo điện tử. Ước mơ của cô là hoàn thành một cuốn truyện dài và in thành sách để giữ làm kỷ niệm. Cuốn truyện Duyên đang viết dở dang kể về một nhân vật nữ mà tính cách, đặc điểm có nhiều phần giống với bản thân cô.

Nhân vật nữ của Duyên cũng có cá tính mạnh mẽ và tháo vát, không đẹp nhưng duyên dáng, khó tính nhưng tốt bụng. Nhân vật nữ của cô cũng sống cô đơn khép kín trong một tòa chung cư ở một thành phố lớn. Ngồi trước màn hình máy tính, Duyên phân vân chưa biết sẽ cho chuyện tình cảm của nhân vật trong truyện mở đầu và kết thúc ra sao vì chính bản thân cô chưa hề có chút kinh nghiệm gì trong việc này ngoài những gán ghép vớ vẩn với các bạn trai khi còn ở high school. Công việc của shop hoa chỉ giúp Duyên có dịp tiếp xúc với khách hàng. Mà khách hàng đến trực tiếp với cô thuờng chỉ nằm trong hai trường hợp chính. Thứ nhất là những người đến đặt vòng hoa cho tám tang bạn bè, người thân. Thứ hai là những anh thanh niên, những người đàn ông hay đôi khi là các cô gái đến mua hoa để tặng người yêu hay vợ chồng mình nhân một dịp đặc biệt nào đó. Còn lại thì chỉ là những cú điện thoại gọi đến để order. Những khách hàng như thế đâu mấy ai để ý đến cô chủ shop còn độc thân.

Duyên chỉ mướn có một người giúp việc duy nhất tên Linh. Linh lớn hơn Duyên cỡ 10 tuổi và đã có gia đình và hai con. Duyên mướn Linh từ khi cô mới mở shop bán hoa khi ấy Linh cũng chỉ vừa từ ở Việt Nam qua Mỹ định cư. Cùng là người đồng hương, Linh lại lanh lẹ tháo vát nên cả hai rất thân với nhau. Chỉ có điều với cách sống khép kín của Duyên cả hai ít có dịp giao tiếp với nhau ngoài thời gian ở trong shop.

Mặc dù lớn tuổi hơn nhiều nhưng Linh rất coi trọng Duyên vì ngoài tư cách là người chủ, Duyên còn là ân nhân giúp đỡ Linh trong thời gian cô vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ. Trong những lúc rảnh rỗi vắng khách Linh vẫn thỉnh thoảng làm cố vấn tình duyên cho Duyên. Linh biết xem tử vi và cả bói bài nên thuờng xem và phán đoán tương lai cho cô chủ của mình.

Duyên nhớ lời Linh thuờng nói tử vi là dùng để xem tổng quát cho tương lai hoặc để chiêm nghiệm những việc đã xảy ra trong quá khứ còn bài tây là dùng để đoán những việc sắp xảy ra ngay trước mắt. Duyên cũng chả tin lắm nhưng đôi khi cô cũng thấy những gì Linh đoán về cô rất chính xác. Giờ đây Duyên đang cố gắng nhớ về những gì Linh tiên đoán về con đường tình duyên của mình dựa theo lá số tử vi để áp dụng cho nhân vật nữ chính trong truyện cô đang viết. Cô sẽ cho nhân vật chính được gặp người chồng tương lai của mình một cách thật ngẫu nhiên. Khi đang gõ những chi tiết này để đưa vào cốt truyện Duyên bỗng nhớ đến những lời đối thoại giữa cô và Linh lúc ban chiều.

Buổi chiều cuối năm thưa khách trong lúc chờ đến giờ đóng cửa, Linh đã lôi bộ bài ra bói cho Duyên. Trước đây Linh đã từng xem tử vi và tuyên bố Duyên sẽ có tin mừng về đường tình duyên trước năm 30 tuổi. Thế mà giờ đây chỉ còn một ít phút nữa là bước qua năm mới và cô sẽ rời xa tuổi 30 của mình mà Duyên vẫn còn một mình lẻ bóng.

Sau khi xem những lá bài do Duyên rút, Linh trầm ngâm một lát rồi vui vẻ nói.

- Theo như những lá bài này thì Duyên sẽ gặp được hoàng tử bạch mã của mình ngay đêm nay. Bài chỉ ra rõ ràng lắm. Mà là gặp một cách tình cờ như một điều kỳ diệu.

Nói đến đây Linh vỗ tay cười nói tiếp.

- Đây đúng là điều kỳ diệu của đêm trừ tịch.

Duyên lắc đầu tỏ vẻ không tin.

- Em không tin, làm gì mà có chuyện kỳ diệu gì xảy ra được hả chị. Hơn nữa làm gì mà có chuyện đêm trừ tịch ở đây vì đâu đã là giao thừa đâu chị.

Linh trả lời.

- Không đâu em, trừ tịch là thời khắc giao mùa giữa năm mới và năm cũ. Khi xưa mình ở Việt Nam thì trừ tịch là giờ khắc giao thừa của Tết Nguyên Đán mình. Còn giờ mình ở Mỹ thì đêm nay là đêm trừ tịch của mình rồi. Lá bài chỉ rõ lắm em ơi, nhất định khi nghỉ lễ xong quay lại nhớ kể chuyện vui cho chị nghe nhe.

Duyên cũng vẫn quả quyết.

- Đóng cửa shop xong thì em về nhà ăn rồi nằm ngủ khoèo một giấc. Chả lẽ có anh nào tự động gõ cửa nhà em để đem điều kỳ diệu đến sao chị.

Nói đến đây Duyên mới thấy mình lỡ lời vì lo Linh sẽ giận vì cho rằng mình không tin vào khả năng bói bài của Linh nhưng Linh không để ý mà vẫn dán mắt vào những lá bài trên mặt bàn. Linh nói tiếp.

- Trừ khi chị đoán sai thôi chứ theo đúng như quẻ bài này thì chắc chắn em gặp người trong mộng. Bởi vậy chị mới gọi là điều kỳ diệu chứ em.

Giờ đây ngồi bên ly sô cô la nóng trước màn hình computer để sáng tác truyện, Duyên bất giác nhìn vào đồng hồ và thấy đã 11 giờ 40. Chỉ còn 20 phút nữa thôi là bước qua năm mới. Nhớ đến lời Linh lúc chiều Duyên bỗng thấy vui vui khi nghĩ đến điều kỳ diệu nào đó xảy đến cho mình.

Duyên để chiếc laptop qua một bên và cầm ly sô cô la đến bên cửa sổ nhìn ra. Bên ngoài tuyết đã rơi từ lúc nào. Những bông tuyết bay lất phất trong gió như những xác pháo bay trong đêm 30 Tết khiến cô cảm thấy ấm cúng trong lòng. Hớp nốt ngụm sô cô la trong ly cô quyết định đón giờ khắc giao mùa trong những bông tuyết. Biết đâu những bông tuyết rơi xuống sẽ đem đến điều kỳ diệu cho cô.

Nghĩ đến đây Duyên tự cười một mình rồi khoác vội chiếc áo lạnh trùm đầu, đeo găng tay và còn cẩn thận quấn thêm khăn vào cổ trước khi bước ra ngoài hành lang tiến đến cửa thang máy.

Duyên ở tầng hai của tòa nhà nên ít khi nào có dịp đi lên những tầng phía trên. Cô vào thang máy bấm lên tầng trên cùng là tầng thứ 13. Duyên biết nhiều cao ốc hay khách sạn kiêng con số 13 này nên thuờng từ tầng 12 sẽ nhảy đến tầng 14. Có lẽ chủ nhân cao ốc này không tin dị đoan nên vẫn giữ con số 13.

Cửa thang máy mở ra, Duyên tiến đến cầu thang bộ để đi lên tầng thuợng của tòa nhà. Từ ngày dọn đến đây dường như Duyên chưa từng đi lên sân thuợng này bao giờ. Hôm nay là một ngày đặc biệt cũng là một dịp đặc biệt để đánh dấu cái thời khắc cô xa rời cái tuổi 30 của mình. Cái tuổi mà trước giờ Duyên vẫn tin duyên phận sẽ đến với cô theo như lá số tử vi của cô định đoạt như thế. Duyên cũng nhớ tới lời Linh đề cập đến chuyện số phận là một phần, phần còn lại cũng phải do con người định đoạt. Nếu muốn tìm kiếm tình duyên cô không thể cứ ngồi một chỗ mà thành.

Nghĩ đến đây Duyên lại bật cười với chính mình vì vào giờ khắc của đêm trừ tịch này, việc leo lên sân thuợng của tòa nhà 13 tầng thì làm sao có thể giúp cô kiếm được tình duyên. Vì chưa lên đến đây bao giờ nên Duyên hơi lúng túng khi tìm cách mở cánh cửa sắt to dẫn ra sân thượng. Loay hoay một lát Duyên cũng đẩy được cánh cửa ra. Cửa vừa mở thì luồng gió lạnh và tuyết cứ thế ùa vào mặt khiến Duyên hoảng hốt tính đóng sập cửa lại và bỏ ý định đón năm mới trong hoa tuyết. Ngay ở cái khoảng khắc Duyên dự tính đóng cửa thì cô giât mình khi thấy có một người đang ngồi dựa lưng vào vách tường ngay cạnh cửa ra vào. Cô vội lên tiếng hỏi.

- Are you OK?

Người thanh niên lúc này như bừng tỉnh sau cơn mê ngủ nhưng chỉ mấp máy môi không phát ra thành tiếng. Tuyết đã phủ trắng trên chiếc nón trùm đầu của anh. Duyên vội vàng cúi xuống lay vai người thanh niên và lục tìm chiếc điện thoại để gọi cấp cứu. Lúc này người thanh niên đã có vẻ tỉnh táo hơn và lên tiếng trả lời và gượng đứng dậy.

- I’m OK. Thank you.

Thấy vậy Duyên vội cất lại chiếc phone vô túi để rảnh tay phụ đỡ người thanh niên đứng lên đưa vào bên trong. Sau khi khép cánh cửa sân thuợng lại không khí ấm cúng đã làm người thanh niên tỉnh táo hơn mặc dù sắc mặt và đôi môi còn tím ngắt. Duyên hỏi tiếp

- Do you need an ambulance?

Người thanh niên lắc đầu rồi nói

- I’m OK. I just need something hot to drink.

Nói đến đây người thanh niên nhìn vào mặt Duyên rồi hỏi, giọng vẫn còn run vì lạnh.

- Are you Chinese?

- No I’m Vietnamese. Are you ... Duyên trả lời và dò xét để đoán xem nét mặt người thanh niên này là sắc dân Á châu nào.

- Tôi cũng người Việt Nam. Tôi tên Lân. Cám ơn chị.

- Oh, thế mà nãy giờ tôi không biết. Duyên trả lời rồi tự giới thiệu tên mình.

Lúc này Lân vẫn còn yếu nên cả hai vẫn chưa đi thang bộ xuống tầng dưới. Duyên hỏi.

- Làm sao mà anh bị mắc kẹt ở trên này. May ghê nếu Duyên không ghé lên thì không biết sẽ ra sao.

Lân lần lượt kể cho Duyên nghe lý do vì sao anh leo lên đây trong lúc Duyên đỡ Lân đi xuống lầu dưới.

- Giờ là mấy giờ rồi chị? Lân hỏi.

- Lúc tôi rời phòng của mình là 11 giờ 45 nên hiện thời chắc cũng gần qua năm mới rồi đó. Duyên đáp.

Lân thở phào.

- Như vậy là tôi bị kẹt ngoài sân thuợng cũng gần một tiếng rồi. May mà có chị chứ chắc là chết quá.

Đến trước cửa thang máy Duyên hỏi.

- Anh ở phòng tầng nào để Duyên đưa về.

Lân trả lời.

- Tôi ở ngay tầng 13 này nhưng đã bỏ quên chùm chìa khóa ở bên trong rồi. Chị cũng ở khu này chứ hả. Nếu tiện cho tôi xin một ly trà hay cà phê nóng cho ấm người thì tốt quá. Sau đó nhờ chị gọi dùm cho văn phòng để người trực mở cửa phòng cho tôi vào. Phone tôi cũng bỏ quên trong nhà luôn rồi.

- Được, để Duyên đưa anh về phòng của Duyên ở dưới tầng 2. Duyên ít khi nào lên những tầng trên có lẽ vì vậy mà chưa từng gặp anh.

- Hình như tôi có gặp chị đôi ba lần vào buổi sáng ở trong thang máy trước giờ đi làm nhưng cứ nghĩ chị là Tàu hay Đại Hàn gì đó mà thôi.

- Ồ vậy hả. Thế mà Duyên không để ý. Mà thôi anh cứ gọi Duyên bằng tên được rồi. Đừng gọi chị nghe già lắm.

Nói đến đây thì cả hai đã đến trước cửa căn apartment của Duyên. Duyên mở cửa mời Lân ngồi vào chiếc sofa rồi chạy đi pha cà phê. Lân lúc này mới thật sự cảm thấy đỡ run nhưng vẫn cảm thấy còn mệt lắm. Nãy giờ anh vẫn làm ra vẻ khỏe mạnh để nói chuyện với Duyên vì một chút tự ái cỏn con của người đàn ông Việt Nam đối với người đồng hương khác phái. Ngồi trong căn phòng ấm cúng bày biện gọn gàng sạch sẽ chứ không như cái ổ chuột của anh đã khiến Lân cảm thấy khỏe khoắn tỉnh táo hơn lúc nãy đôi chút. Trong lúc Lân ngồi ngả người ra ghế cho đỡ mệt và đưa mắt nhìn xung quanh căn phòng của Duyên thì ở bên trong, Duyên cũng vừa pha cà phê vừa kín đáo quan sát Lân.

Anh thanh niên Việt Nam này chắc cũng chỉ cỡ tuổi Duyên hoặc hơn một vài tuổi là cùng, mặt mũi thuộc loại thư sinh trắng trẻo. Giờ đây sau khi gỡ bỏ chiếc hood trùm đầu dưới ánh đèn sáng đã để lộ khuôn mặt cương nghị với bóng xanh xám của hàm râu bó cằm và hai bên má. Cái thứ mà người Mỹ gọi là bóng râm của 5 giờ chiều (5 o’clock shadow) đó đã tạo nên vẻ nam tính trên khuôn mặt của Lân. Có một điều Duyên có thể khẳng định là anh ta có vẻ đàng hoàng và có lòng tự trọng khá cao. Điển hình là anh ta đã cố gắng không dựa vào người Duyên khi đi xuống cầu thang mặc dù Duyên biết chắc sau gần một tiếng kẹt trong giá lạnh sức khỏe anh ta chắc chắn sa sút rất nhiều.

Đến đây Duyên chợt nghĩ đến chuyện kỳ diệu mà quẻ bài tây đã chỉ ra cho cô hồi chiều. Điều kỳ diệu đã xảy đến đúng ra không phải cho cô mà là cho Lân. Giả sử nếu cô không nghĩ đến chuyện tìm kiếm điều kỳ diệu trước năm mới thì cô đã không rời bỏ tháp ngà của mình để lên sân thuợng vào lúc mưa tuyết lạnh lẽo như thế. Nếu cô không đi lên đó thì làm sao có thể cứu được một mạng người trong đêm trừ tịch lạnh lẽo này. Duyên bỗng thấy vui vì cô tưởng tượng ra cuộc đời mình như một bàn puzzle mà nay đã lần lượt tìm được những mảnh thích hợp để ráp nối.

 
*

Đúng một năm sau cũng vào một ngày cuối năm, những bông tuyết rơi rắc trên đường thay cho xác pháo tiễn Duyên lên xe hoa về nhà chồng.

Viết như thế cho đúng phong tục truyền thống Việt Nam chứ thật ra thì Duyên và Lân chỉ tổ chức một đám cưới đơn giản với sự hiện diện của một số ít họ hàng và bạn bè thân thuộc. Không có xe hoa rước dâu vì chú rể chỉ cần đưa cô dâu vào thang máy bấm nút lên tầng 13. Căn apartment này của Lân nay đã được dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ,  không còn như cái ổ chuột của anh thanh niên độc thân ngày xưa.

Duyên vẫn làm chủ shop bán hoa như ngày nào. Linh vẫn là người giúp việc đắc lực cho cô và đồng thời thỉnh thoảnh vẫn kiêm thêm chức vụ cố vấn tương lai bất đắc dĩ qua các lá bài bói toán. Lân vẫn làm ở nhà máy in. Mặc dù những hợp đồng từ các nhà xuất bản lớn không còn được như xưa nhưng giờ đây có xu hướng xuất hiện những tay viết tài tử như Duyên thuờng xuyên tự xuất bản sách truyện của mình nên thu nhập của nhà máy in cũng không đến nỗi tệ.

Về phần Duyên, cô đã đạt được ước muốn là cho ra đời quyển truyện dài đầu tay của mình với tựa đề “Chuyện Kỳ Diệu Trong Đêm Trừ Tịch”.

Thảo Lan

Ý kiến bạn đọc
04/01/201907:49:59
Khách
BOI BAI DOI KHI CUNG TRUNG. BANG CHUNG LA TAC GIA.CHUC MUNG!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,116,188
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây là bài viết đầu năm mới Kỷ Hợi của bà.
Chương trình America's Got Talent (AGT) trên truyền hình NBC, ra mắt từ tháng Sáu 2006, tới nay đã trụ được 13 mùa, tiếp tục làm mê mẩn 12 triệu khán giả hàng tuần. Simon Cowell, nhà sản xuất của AGT, vào danh sách báo Time bình chọn 100 nhân vật thế giới tạo nhiều ảnh hưởng nhất. Sang năm 2019. Simon 60 tuổi. Show chung kết AGT The Champions mùa thứ 13, gồm những màn trình diễn hấp dẫn của các tài năng đã thắng giải từ khắp thế giới, được sắp xếp thành 7 chương trình TV, trình chiếu đúng dịp Tết Kỷ Hợi. Riêng chương trình cuối, công bố kết quả AGT 2019, sẽ chiếu ngày Thứ Hai 18/02/19. Sau đây là bài viết của Tố Nguyễn, tác giả lần đầu viết về nước Mỹ và đã nhận giải đặc biệt 2018.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết đầu năm của tác giả.
Thứ Năm tuần này là Ngày Tình Yêu / Velentine Day 2019, đánh dấu đúng 750 năm ngày 14 tháng Hai năm 269, khi Giám mục Valentine bị hoàng đế La Mã Claudius Đệ Nhị cho lệnh chặt đầu, vì làm phép kết hợp các đôi lứa theo nghi thức nhà thờ. Nhân ngày đặc biệt này, mời đọc bài viết thứ ba của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, cựu nữ sinh Trưng Vương, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân Lafayette, Louisiana. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la!
Iris Đinh là tác giả đã nhận giải Chung Kết 2017, với hai bài "Chuyện Góc Bếp," và “Con Bé Nổi Loạn,” hai tự sự về mẹ và con gái trong một gia đình đổ vỡ. Sau 13 năm trở lại trường học và thực tập, mẹ trở thành một thạc sĩ về y tế tâm thần. Cô con gái từng nổi loạn thì trở thành Tiến sĩ Anne Q. Phan tại đại học UC Irvine và UC San Diego, người xác định được gene gây đột biến giúp sinh vật mọc thêm tay chân, mà báo O.C. Register đã đăng tin ngày 5 tháng Tư 2013. Sau đây là bài mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới về Tết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới sau đây kể về lớp dạy văn chương Việt tại UC Irvine.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài ông viết đầu năm mới Kỷ Hợi.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến