Hôm nay,  

Phòng BREAK

01/01/201909:41:00(Xem: 16040)

Tác giả: Nguyễn Bích Thủy
Bài số 5586-20-31392-vb3010119

Mừng năm mới 2019, mời gặp lại một tác giả thân quen. Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.

***

Gần mười chín năm qua cuộc đời tôi đã gắn liền với cái phòng Break của hãng với biết bao buồn vui không sao kể hết cho được!
Nếu còn sống và làm việc tại Việt Nam thì chắc tôi không làm sao biết được cái phòng nghỉ giải lao ở Mỹ là như thế nào.
Thuở còn là sinh viên của trường Mỹ Thuật ở Việt Nam sau 1975, tôi đã từng có dịp “đi thực tế” tại các nhà máy nên cũng hiểu được ít nhiều các sinh hoạt trong phòng ăn của công nhân vào thời bao cấp ở Việt Nam. Nhưng lúc đó tôi chỉ là một người khách chỉ đến “ở trọ” vài tháng nên không thể nào sống trọn vẹn với cái cảm giác “nghỉ break” sau những giờ làm việc mệt nhoài của họ! Tôi chỉ biết Căn-Tin (từ chỉ phòng ăn ở các hãng xưởng) là nơi mà những người công nhân đến đây để được phục vụ một bữa cơm miễn phí mà thường chỉ là “canh toàn quốc” và “thịt mỡ bao la”!
Sau đó tôi ra trường được phân công về một Xí Nghiệp Bao Bì Giấy ở gần nhà, mỗi buổi trưa tôi thường đạp xe về ăn cơm của mẹ nấu nên cũng không cảm nhận được hết về cái “phòng Break” tại đây! Cho mãi đến 1993 tôi đã xin được những công việc khác tại Quận Nhất, Quận Ba và cuối cùng là làm việc tại tầng 14 của một cao ốc ngay trung tâm Sàigòn trên đường Nguyễn Huệ. Đây là một văn phòng đại diện của một Công ty Quảng Cáo của Nhật với lối thiết kế hết sức trang nhã nhưng lại không có phòng Break cho nhân viên! Đến giờ nghỉ trưa Sếp thì được tài xế đón đến các nhà hàng sang trọng để dùng bữa, còn bọn chúng tôi thì thường rủ nhau đi kiếm gì để “bỏ bụng”!
Chung quanh chỗ tôi làm có rất nhiều quán xá, nhà hàng phục vụ bữa cơm trưa cho nhân-viên-văn-phòng. Các bạn đồng nghiệp của tôi cũng thường hay “săn lùng” các hàng quán nổi tiếng gần đó để cả đám kéo đến ăn vào giờ nghỉ trưa. Hơn hai mươi năm về trước ở Việt Nam không nghe ai nói đến gạo giả, thịt độc, rau cải bị phun thuốc trừ sâu như bây giờ nên bọn chúng tôi cứ thoải mái ăn uống ở bên ngoài!

*
Tôi đến Mỹ chỉ vài tháng sau là đi làm cho đúng một cái hãng đến bây giờ, nhưng lại ở hai nơi khác nhau, do chuyển công tác từ PA xuống TX!
Hãng tôi có khoảng gần 1.000 người tại chi nhánh Dallas-Texas, nơi tôi đang làm việc, cộng thêm khoảng hơn 10.000 nhân viên ở khắp nơi trong và ngoài nước Mỹ như: Anh quốc, Argentina, Brasil, Mexico, Canada… Công việc ở nơi nào cũng giống nhau nhưng phòng Break ở mỗi nơi thì có khác! Khác vì con người, vì không gian và cả thời gian!
Nếu phòng Break ở trên miền Bắc đa phần là Mỹ trắng chiếm 80% thì ở miền Nam này người Mễ chiếm trên 50%, Mỹ đen là 20%, phần còn lại là Mỹ trắng và dân nhập cư từ các nước khác đến! Hãng tôi sản xuất những những mặt hàng phục vụ cho các tiệm bán thức ăn nhanh trên khắp nước Mỹ như: McDonald, Chick Fil A, Wingstop, Jack In The Box, Whataburger, Sonic… Các sản phẩm ly, chén, hộp… cũng được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như: foam, nhựa, giấy và khá đa dạng về kích cỡ. Có nhiều cái ly to đến 60oz “cả làng” uống mới hết, nhưng cũng có loại chén nhỏ xíu chỉ 4oz vừa đủ để chứa các nước chấm trong các nhà hàng. Về màu sắc thì vô cùng bắt mắt, nhiều sản phẩm của Sonic hay McDonald rất phong phú mẫu mã vì họ thay đổi chiến lược theo từng mùa! Bên cạnh đấy rất nhiều người Mỹ có nhu cầu tiệc tùng, họp mặt vào cuối tuần nhưng lại không thích rửa chén bát nhiều nên tại: Sams, Costco, Walmart, Target, HEB, Kroger, Dollar General ... cũng đã có bán đầy những mặt hàng kể trên! Chúng trông cũng khá đẹp và phù hợp với túi tiền của mọi tầng lớp trong xã hội. Trong vài năm gần đây hãng tôi đã mua lại toàn bộ nhà xưởng, thương hiệu của một đối thủ cạnh tranh trên thị trường và đã trở thành “gã khổng lồ” đứng hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất bao bì đựng thức ăn nhanh tại Mỹ.
Cũng chính vì sự đa dụng và phổ biến kể trên nên hãng tôi ngày một phát triển không ngừng! Tại chi nhánh này, khi mới thành lập vào năm 1972, họ chỉ sản xuất mẫu ly trơn để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sau đó hãng đã cho ra đời những sản phẩm ly in đầu tiên để làm phong phú cho mặt hàng của mình. Vào cuối năm 2004 họ có hai khu sản xuất và 42 máy in ly và tính đến thời điểm hiện nay là ba khu sản xuất và 74 máy cùng những dãy nhà kho thật đồ sộ không sao tính xuể!
Hãng tôi đã trở thành một nơi thu hút nhiều lao động nhất trong vùng và những khu vực phụ cận. Có người chỉ lái xe khoảng 3 hay 4 phút nhưng cũng có kẻ phải vượt qua một đoạn đường dài cả 30 đến 40 phút hay hơn nữa mới đến hãng. Điều thú vị nhất là hãng tôi có nhiều đại gia đình cùng làm việc chung bao gồm: hai vợ chồng và cha mẹ, anh chị em, của cả hai bên vợ lẫn chồng; cũng không ít trường hợp nhiều gia đình có ba thế hệ cùng làm chung tại đây. Do vậy, mỗi ngày đi làm họ sẽ có cơ hội gặp người thân của mình ngay tại phòng Break! Điều này đối với tôi thật sự không biết là nên vui hay nên buồn?! Thêm một điều khác cũng không biết nên buồn hay nên vui là cách đây hơn một thập niên giờ break thường ồn ào như cái chợ, do ai cũng có khuynh hướng muốn nói nhiều để “xả stress” sau những giờ phút tập trung làm việc; còn hiện nay thì thường im lặng như tờ vì ai cũng bận “chat” với “friend” của mình mà chẳng còn buồn để ý đến mọi người chung quanh! Tình đồng nghiệp có lẽ vì thế cũng nhạt dần trong thời đại @!
Hãng tôi không trả lương cao như nhiều nơi khác nhưng chúng tôi “tương đối đủ sống”, cộng thêm quỹ 401K và những khoản phúc lợi xã hội khác thì cũng “tương đối ổn”. Trong cuộc sống khó khăn hiện nay, để tìm cho mình một nơi làm việc với những điều kiện như trên chắc cũng… “tương đối không dễ”! Do vậy mà có nhiều người sau khi nghỉ việc, dọn sang tiểu bang khác hay xin được job khác nhưng vài năm sau tôi thấy họ “xuất hiện” trở lại trong phòng Break! Yếu tố tích cực nhất là hãng tôi còn có “tương đối khá” overtime! Theo quy định trong hãng mấy năm trước mỗi người có thể làm phụ trội tối đa 24 tiếng/tuần, nhưng sau này để bảo đảm sức khỏe và an toàn lao động cho nhân viên nên họ giảm xuống còn 20 tiếng/tuần. Với ngần ấy giờ nhân lên gấp một rưỡi thì đó là một khoảng “tương đối không nhỏ” đối với những ai đang cần tiền để trang trải cuộc sống!
Mặt khác hãng tôi cũng có thêm lịch làm việc 12 tiếng vào cuối tuần từ 7:30am - 7:30pm và 7:30pm - 7:30am. Nhiều gia đình đơn chiếc nên các bà nội trợ phải ở nhà chăm con cho chồng đi làm nên đã chọn giải pháp này để có thể làm full-time với full-benefit. Giới sinh viên, cũng đặc biệt thích lịch làm việc cuối tuần vì vừa có thu nhập vừa có Bảo Hiểm Sức Khỏe. Còn vào mùa hè các học sinh thường chọn “Summer job” để kiếm tiền tiêu xài cho cả năm học mà không phải xin cha mẹ!
Nhưng công việc không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió” cả đâu! Hãng chúng tôi đã trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 cũng khá cam go và nhiều thử thách nhưng điều may mắn nhất là hãng tôi không nằm trong “danh sách đen” của nhiều doanh nghiệp bị phá sản tại Mỹ. Tuy nhiên, lúc bấy giờ do kinh tế bị tuột dốc nên nhà nhà đều thắt lưng buộc bụng, bớt tiêu xài, bớt tiệc tùng; vì thế mà đơn đặt hàng đã bị cắt giảm đáng kể! Kết quả là chúng tôi lãnh lương không đủ 40 tiếng một tuần! Mỗi ngày vô phòng Break mọi người đều nhìn nhau với ánh mắt đầy nặng trĩu lo âu! Cũng may mà gam màu u ám đó đã nhanh chóng đi qua khi nền kinh tế của Hoa Kỳ được khôi phục trở lại!

*
Phòng Break còn là nơi mà người ta hay tụ tập lại để ca thán về những luật lệ mới đưa ra ngày càng khắt khe nhằm mục đích nâng cao an toàn lao động và vệ sinh thực phẩm! Thoạt tiên không ai đồng tình, nhưng chỉ sau một vài ngày thì đâu lại vào đấy: phải thi hành thôi! Vì đó không chỉ là lợi ích của cộng đồng mà còn là sinh kế nữa. Nhưng! Cũng có đôi khi quy định mới đưa ra rất ư là “bất khả thi” ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân viên thì sẽ bị mọi người phản đối kịch liệt. Các Sếp phải báo cáo về “Tổng hành dinh” để kịp thời điều chỉnh lại cho hợp lý. Thế mới biết “Ý dân là ý Trời” thật không sai!!!


Phòng Break của hãng chúng tôi thường tổ chức những buổi tiệc mừng Thanksgiving, Christmas và những buổi trao thưởng cho nhân viên nào hóa trang ấn tượng nhất trong lễ hội Halloween hàng năm! Thêm vào đó là những buổi bán thức ăn gây quỹ giúp đỡ cộng đồng cũng diễn ra khá thường xuyên tại đây. Cách vài tuần là chúng tôi lại có những buổi tiệc kỷ niệm 20, 25, 25, 30, 35 thậm chí là 40 năm cho những ai đã có thâm niên phục vụ hãng. Nhiều người đã về hưu, nhiều người vẫn tiếp tục làm việc và có rất nhiều người đang nộp đơn chờ cứu xét để xin vào! Chúng tôi như những người diễn viên đến đây để diễn những vai tuồng lớn nhỏ khác nhau, dài ngắn khác nhau, hay dở khác nhau…. nhưng dù lớn hay nhỏ, dù ngắn hay dài, dù hay hay dở thì đến một ngày chúng tôi cũng phải ra đi để nhường sàn diễn lại cho lớp trẻ. Cứ như thế, cái phòng Break này chưa bao giờ ngừng nghỉ trong suốt gần 45 năm qua!!
Phòng Break còn là “nhân chứng” cho biết bao chuyện tình trong hãng! Họ quen nhau tại đây, yêu nhau, cưới nhau rồi có con với nhau để mỗi ngày cùng đến, cùng về, cùng cho một kết cục có hậu!
Nhưng cũng có lắm cuộc tình đầy nước mắt: họ quen nhau, cưới nhau chia tay nhau rồi lại đi tiếp với người khác cũng ngay trong hãng! Cái chỗ mà ngày nào chàng và nàng hay ngồi trao cho nhau những nụ hôn, những ánh mắt đầy yêu thương giờ đã có người khác thay thế. Anh chồng cũ vẫn phải ngày ngày chứng kiến vợ của mình trong tay kẻ khác ngay cái chỗ của-mình-hồi-đó mà không khỏi đắng lòng! Rồi thì chuyện những người bạn thân, mới hôm qua tưởng như là tri kỷ nhưng hôm nay đã thành người xa lạ như không hề quen biết!
Phòng Break như là một xã hội thu nhỏ với biết bao thế thái nhân tình vẫn liên tục xảy ra từng ngày!
Tôi vẫn nhớ mãi về Ricky, một người thợ máy “lão làng” của hãng, ông độ khoảng ngoài 60 nhưng trông già hơn tuổi rất nhiều! Ricky nằm trong đội ngũ thợ bảo trì và lắp ráp nên không phải lo việc sửa máy, chỉ khi nào máy in bị “nằm liệt” do các thợ máy khác đã “bó tay” thì Sếp mới gọi ông giúp. Đó là những lần ít ỏi mà chúng tôi có dịp trau đổi với nhau và cũng thật hiếm hoi để thấy được những nụ cười hiền lành của ông! Tôi được biết Ricky sống một mình, đứa con trai duy nhất còn đang phục vụ trong quân ngũ nên ông chỉ biết tìm vui bên chú chó cưng của mình. Ricky không chỉ nổi tiếng là một thợ máy giỏi mà còn là một người sống hết sức có trách nhiệm; vào những ngày nghỉ nếu máy hư không ai sửa được, nhưng hãng cần giao hàng gấp thì ông sẵn sàng vào giúp! Trong mắt của chúng tôi Ricky không khác gì một vị “cứu tinh” nên ai cũng yêu mến ông!
Rồi một hôm đi làm tôi đọc được mẫu tin “Cáo phó” dán tại phòng Break thông báo Ricky đã qua đời mà không khỏi bàng hoàng! Mới cách đó vài tuần tôi còn thấy ông đây mà! Mọi người cho biết những ngày cuối cùng mặc dù đang chiến đấu với bệnh tật nhưng ông vẫn cố đi làm để giúp hãng lắp ráp cho xong các công đoạn cuối cùng của một máy in! Ngày đến tiễn Ricky, nhìn ông trong cái video clip tôi thật xúc động làm sao! Những hình ảnh cứ quay đi quay lại như kể về câu chuyện đời của cậu bé Ricky: từ lúc bụ bẫm mới sinh cho đến lúc tuổi biết đi, biết chạy trông thật kháu khỉnh; rồi khi lớn lên ở tuổi thiếu niên Ricky đã trở thành một chàng trai với mái tóc nâu dài lãng tử với chiếc quần hippie ống loe của thập niên 70! Tôi cũng thấy được những ngày vui đầm ấm của Ricky bên gia đình, vợ con và những năm tháng tuổi già cô đơn bên con chó trung thành của ông mà không khỏi nghẹn lời! Kiếp người sao thật phù du và ngắn ngủi! Ricky đang nằm kia, trông thật thanh thản và bình an! Giờ đây ông không còn phải bận tâm về những chuyện vui buồn của thế gian và nhất là không còn phải lo cho những cái máy ở hãng có chạy tốt hay không nữa!!!
Tôi đã thì thầm:
- Tạm biệt Ricky! Chúa luôn chờ đón ông ở cửa thiên đàng!
Mãi mãi tôi sẽ không bao giờ quên được người đồng nghiệp đáng kính của mình!!!

*
Từ cái phòng Break này tôi đã hiểu hơn về cái đất nước và những con người đang sống chung quanh mình. Ai cũng bảo nước Mỹ là cực thịnh, là phồn vinh nhưng đâu ai ngờ nhiều người Mỹ cho đến già cũng chỉ ở nhà thuê hay cả đời họ chưa một lần nào biết đi máy bay là gì và có không ít người chưa từng đặt chân ra khỏi tiểu bang Texas này!!! Ai nào biết được có những bà mẹ đơn thân trong hãng tôi luôn cật lực làm overtime để kiếm tiền lo cho đàn con nheo nhóc không cha của mình. Ai nào thấu hiểu cho hoàn cảnh của rất nhiều người chung quanh tôi đang “đi cày” mỗi ngày để có tiền gửi về lo cho gia đình họ ở một đất nước xa xôi nào đó trên bề mặt quả địa cầu này! Từ đó, tôi thấy thương tôi, thương họ và thương cho những ai đang tất tả ngược xuôi để mưu cầu miếng ăn biết là bao nhiêu!!!
Cuộc đời tôi đã trôi qua cái phòng Break của hãng suốt gần 19 năm và nếu không có gì thay đổi tôi sẽ còn gắn bó thêm 11 năm nữa tại nơi này. Mỗi ngày tôi đến đây trung bình tổng cộng từ 45 - 50 phút cho ba lần nghỉ break; đây là thời gian để tôi nghỉ ngơi, ăn uống, đọc sách, xem TV hay trò chuyện cùng mọi người! Nhìn quanh, tôi thấy nhiều người ngày nào còn tràn đầy sức sống mà giờ đây đi đứng đã xiêu vẹo. Bạn già hay hỏi thăm nhau để biết tin người này đang trong Viện dưỡng lão, người kia đang nằm nhà điều trị, người nọ đã về với Chúa! Ngồi cạnh tôi là nhỏ Dianna ngày nào xinh tươi như hoa hậu mà giờ lúc nào cũng “đầu bù tóc rối” luôn bận bịu chuyện chồng con. Bà Tina ngồi đàng kia, chân tay thường xuyên bị đau nhức vậy mà vẫn còn tiếp tục làm việc dù tuổi đã ngoài 70 và bà luôn than rằng ở nhà một mình chắc sẽ bị chết vì buồn mất! Hai cậu con trai của Bob nhớ hôm nào còn bé xíu, hay theo cha mẹ chúng đi chợ Walmart mà giờ đã thành đồng nghiệp của tôi! Lớp trẻ ở Mỹ bây giờ thực tế lắm, nhiều người vừa mới tốt nghiệp trung học xong đã xin vào hãng tôi làm ngay vì họ chưa định hướng được tương lai cho mình. Chính vì vậy mà có lần đến đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) và Harvard tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy trong khuôn viên của trường đa số là sinh viên Châu Á!? Quả thật vậy, theo đài BBC cho biết trong năm học 2017 số sinh viên gốc Á tại hai ngôi trường danh giá nhất hành tinh này đã chiếm 22.2% trong khi gốc Phi là 14, 6%; gốc Tây Ban Nha, Châu Mỹ La Tinh là 11% và người Mỹ trắng chỉ còn là 2,5%!!!
Cuộc đời quả là kỳ diệu đã đưa tôi từ nửa vòng trái đất đến đây để mỗi ngày tôi có dịp học hỏi từ những con người không cùng màu da và tiếng nói với mình về biết bao điều! Tôi học nơi họ tính tha thứ, buông bỏ và sự tương trợ lẫn nhau không phân biệt màu da hay chủng tộc. Một vài lần trong lúc làm việc tôi và cô nọ, bà kia có nhiều mâu thuẫn; chúng tôi đi ra đi vào không nói chuyện với nhau nhưng đến vài hôm sau thì họ quên mất, gặp tôi cứ “say hello” cười nói tỉnh bơ như chưa hề có chuyện gì xảy ra; trong khi đó tôi vẫn còn khư khư “ôm” cục giận trong lòng. Trông thật chẳng giống ai! Từ đó tôi quyết định “quẳng” hết mọi bức bối sau giờ làm việc, để mỗi ngày tôi có thể vừa ngồi nhâm nhi cà-phê trong phòng Break vừa xem TV và thỉnh thoảng cười một mình. Thế có phải hạnh phúc hơn không?!
Tôi bây giờ đã khác với tôi của gần hai thập niên xưa rất nhiều! Từ một người suy nghĩ nhanh, làm việc nhanh giờ đây tôi đã biết sống chậm lại! Suy nghĩ chậm do tôi đã biết lắng nghe nhiều hơn và làm việc chậm lại do cơ thể đã “đồng điệu” với tuổi tác! Mỗi ngày đến đây tôi ngắm nhìn mọi người và nhìn lại chính mình! Tôi thấy tôi và họ chỉ khác nhau về màu da, màu tóc, màu mắt và tiếng nói; nhưng tất cả chúng tôi đều như đang trôi theo cái dòng đời từ từ chảy về phía trước. Tuyệt nhiên, không một ai có thể dừng lại hay lội ngược dòng được! Chắc chắn một ngày kia chúng tôi rồi cũng sẽ trôi đến cái bờ bến riêng của mình, chỉ là nhanh hay chậm, sớm hay muộn mà thôi! Và ở cái bến bờ sẽ đến đó biết có vui hay buồn, hạnh phúc hay khổ đau hơn cái nơi mà chúng tôi vừa mới bỏ lại sau lưng hay không? Đó hoàn toàn là một ẩn số, không ai có thể tiên đoán được! Do vậy, tôi vẫn luôn tự khuyên mình hãy tập suy nghĩ tích cực, làm những việc tích cực để được sống có ý nghĩa hơn trong đoạn đường không còn dài nữa của đời mình!
Tôi đã lấy nước Mỹ làm quê hương thứ hai, lấy công việc làm niềm vui, lấy đồng nghiệp làm bạn bè và lấy cái phòng Break này làm một đại gia đình tại hãng của mình. Nếu một ngày nào phải xa rời nó, chắc tôi sẽ nhớ vô cùng!
Nguyễn Bích Thủy

Ý kiến bạn đọc
29/03/202401:45:15
Khách
Chào cô Bích Thuy .
tôi hiện nay đã về hưu và hiện nay tôi đng ở Garden Grove , CA
Thời gian rảnh tôi hay đọc sách báo va thấy bài viết của cô rất hay nhưng ví bài viết không có links để share . nếu cô cho phép tôi dẽ copy toàn bộ và share trên Facebook .
nếu đồng ý xin cô hồi âm cho tôi biết.
chúc cô những ngày vui vẻ và hạnh phúc nơi đất khách quê người .
22/01/201923:11:52
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào Cô Bích Thủy
Bài cháu viết văn phong liên tục êm ái từ đầu tới cuối và cũng nói lên sự chuyển biến tâm hồn của cháu dần dần chậm lại theo số tuổi của cháu.Thiệt hay!
Cháu viết tiếp đi nhé.Mến
07/01/201921:08:48
Khách
Cam on tac gia, mot bai viet that la hay va phan anh cuoc song cua nhung nguoi lam hang o My~
04/01/201902:04:07
Khách
Hay và ý nghĩa ❤️👍🤗
02/01/201916:59:00
Khách
theo nhu ban viet, thi toi chac la ban se nho no vo cung..Toi thich van cua ban.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,283,273
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018, hiện đang phát hành khắp nơi. Đây là tự sự của một tôn nữ thời đổi đời: Làm tài xế Taxi tại Huế. Định cư, kết hôn với người Mỹ.
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Iris Đinh là tác giả đã nhận giải Chung Kết 2017, với hai bài "Chuyện Góc Bếp," và “Con Bé Nổi Loạn,” hai tự sự về mẹ và con gái trong một gia đình đổ vỡ. Sau 13 năm trở lại trường học và thực tập, mẹ trở thành một thạc sĩ về y tế tâm thần. Cô con gái từng nổi loạn thì trở thành Tiến sĩ Anne Q. Phan tại đại học UC Irvine và UC San Diego, người xác định được gene gây đột biến giúp sinh vật mọc thêm tay chân, mà báo O.C. Register đã đăng tin ngày 5 tháng Tư 2013. Sau đây là bài mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất, đang phát hành khắp nơi.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, là bài viết bài viết mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016, thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Sau đây là bài mới của tác giả, về trận cháy rừng dữ dội nhất ở Nam Cali, có tên là “Thomas Fire Ventura”.
Báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất đã phát hành. Sau đây là một chuyện tình dài của Phan, trích từ báo xuân. Là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo tạp chí ở Dallas. Phan cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ từng nhận giải và có nhiều bài trên dưới một triệu lượt gõ để đọc bài. Bài đăng hai kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến