Hôm nay,  

Dựng Nghiệp

31/12/201800:00:00(Xem: 19019)
Tác giả: Hồ Nguyễn

Bài số 5585-20-31391-vb8123018

 
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.  Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Bài mới, bắt đầu phần “dựng nghiệp”.
 

***
 

Biết bao nhiêu chuyện phải làm khi muốn dời nhà từ miền Tây sang Đông với khoảng cách gần 3 ngàn dặm. Trước hết là hoàn tất thủ tục mua căn tiệm bên thành phố Buffalo, tiền đã vậy còn cần thời gian để hoàn tất giấy tờ thủ tục. Sau đó mới trở lại Seattle để bán các cơ sở thương mại bên đó.

Nghe tin tôi di chuyển đi nơi khác, một ông bạn thân bàn rằng: Chuyện làm ăn thì có khi này khi khác, lúc khó lúc dễ, hãy cố chịu đựng để chờ thời cơ mới. Bây giờ cậu bỏ Seattle mà đi xa như vậy thì thật khó thành công!

Mà khó thật.

*

Đầu thế kỷ trước Buffalo là một trong 10 thành phố lớn nhất nước Hoa Kỳ với hơn 1 triệu dân. Rồi không biết vì ảnh hưởng khí hậu hay sự quản lý yếu kém của chính quyền mà dân số cứ sụt giảm dần.

Năm 1999 chỉ còn khoảng 300 ngàn người. Nhà cửa, các cơ sở thương mại bị bỏ trống nhiều. Nhà thờ, trường học cùng chung số phận. Vì vậy tất cả con em các di dân đều được tập trung vào học trường 45, còn có tên gọi là International school. Ở đây có các thầy cô giáo đủ mọi sắc dân, riêng Việt Nam cũng gần chục người.

Nhôi nhai dọn nhà mất vài tháng mọi việc mới xong. Tôi định ngày 1-1-1999 thì khai trương cửa tiệm,  là 99 FAST FOOD RESTAURANT.

Cái thực đơn đầu tiên của chúng tôi có hơn 40 món ăn. Món ăn Việt thì quanh đi quẩn lại cũng bún- cơm- phở làm căn bản, rồi biến chế thay đổi qua lại. Phở thì có:  Tái, nạm, gầu, gân, sách, bò viên... rồi cộng qua cộng lại cũng được cả chục món rồi.. Bún cũng thế, thêm mấy món cơm chiên. Món ăn Nhật thì có mấy món gà, heo, bò...nấu kiểu nướng, rim và xào với các loại rau, mà món nào cũng có loại sauce teriyaki nghe cho nó giống mấy anh Nhật.

Vị trí của tiệm ăn này có thể nói là đắc địa, vừa nằm sát freeway 90 bắt đầu từ Seattle là cực tây lên đến đầu Boston là cực đông, rất tiện đường cho khách xa đi qua. Lại nằm ngày đầu đường Niagara St (số 93) được coi là một trục lộ chính của Buffalo. Quan trọng nhất là đối diện với City Hall, nơi có vài ngàn công- tư chức đến làm việc mỗi ngày. Một điểm nữa là gần trung tâm phố (down town)... Mà có lẽ bất cứ nơi đâu, cứ ở trung tâm phố là chỗ đông người sẽ bán đồ ăn được.

Vậy mà khi tiệm khai trương chẳng có mấy người khách ngoại quốc ghé thăm! Lâu lâu mới có vài người ngồi lại ăn thử. Khách chính hàng ngày chỉ có người Việt, mà dân số Việt Nam ở Buffalo cũng có đâu chừng trên dưới ngàn người mà thôi. Vì vậy muốn sống được chúng tôi phải xin license bán bia (lại bia nữa), cho các chú đồng hương cuối tuần đến vui vẻ.

Rất may, gần downtown có một hãng may khá lớn với mấy trăm công nhân, chuyên may nón cho các đội baseball, cả cho trường Đại học lẫn chuyên nghiệp. Người Đông Nam Á làm công nhân ở đây cả trăm người. Mỗi ngày họ đặt vài ba chục phần và chúng tôi phải đem giao vào buổi trưa.

Rồi chúng tôi cũng mua được nhà. Như trên đã nói, vì dân số Buffalo cứ giảm dần nên, có quá nhiều nhà trống mà ít người ở nên giá nhà rẻ rề, rẻ và cũ. Mặc, ở căn nhà cũ cũng được và chẳng ai muốn sửa chữa nhiều, có chăng cũng đôi chút trông cho sạch sẽ, kín đáo là được.

Căn nhà tôi mua hai tầng, chừng trăm tuổi, phía trên có 2 chung cư, một cái 3 phòng ngủ một cái 2. Phía dưới trước đây là cái chợ rộng chừng 3,000sqf, có các loại tủ lạnh, kệ chất hàng và nhà kho... nay đã đóng cửa. Mua xong tôi dọn dẹp lại phần trên cho các cháu có chỗ chui ra chui vào.

Chỗ ở vừa ổn định, chú tâm hơn vào cửa tiệm. Rồi một chiều cuối tuần bỗng thấy khách tấp nập kéo đến,  càng lúc càng đông. Tôi phải gọi thêm người làm đang nghỉ ở nhà ra phụ tiếp mà vẫn không kịp, khách còn xếp hàng dài dài chờ ở ngoài.

Hỏi ra mới biết là bà phóng viên chuyên viết về món ăn ở Buffalo News tên Janise Orken mới có bài tường trình và giới thiệu về món ăn Việt Nam ở nhà hàng của chúng tôi trên tờ báo. Bài viết nhiều chi tiết về gỏi cuốn, chả giò, phở, thịt nướng... còn khen món bún bò xào là món bà ấy thích nhất nữa.

Thực ra sau một thời gian mở cửa, nhiều người đến ăn thử rồi chuyền miệng nhau nên quán mỗi ngày mỗi đông hơn, nhưng chưa bao giờ khách phải xếp hàng.

Cũng từ ngày ấy mỗi buổi trưa chúng tôi phải chuẩn bị giao đồ ăn cho hãng may sớm, để sau đó chuẩn bị cho giờ ăn trưa mỗi ngày vài trăm khách. Hầu hết là luật sư, nhân viên chính phủ ở ngay City Hall và các toà building lớn xung quanh, cứ buổi trưa là họ kéo đến ăn.

Sau này thỉnh thoảng các tờ báo nhỏ ở địa phương như Buffalo Beat cũng đăng các bài viết về món ăn Việt Nam mới xuất hiện như một hình thức nhắc nhở khách hàng. Đến một ngày cô phóng viên của đài truyền hình NBC tại Buffalo ghé quán ăn, order một ly sinh tố bơ, cô uống rồi khen tíu tít, bảo vừa tươi ngon vừa đầy dinh dưỡng (healthy). Hỏi thăm biết nó được làm từ trái bơ tươi, đường, sữa, nước đá... xay chung. Cô đề nghị xin quay phim đưa lên chương trình "Uniqe Food" của đài được trình chiếu mỗi đầu tháng. Trong chương trình ấy lúc quay không chỉ có cách làm ly sinh tố mà nhân cơ hội được lên đài tôi giới thiệu luôn các món ăn khác.

Rồi mạng internet phát triển nhanh chóng, người ta kể chuyện giao lưu trên đó hàng ngày, khen chê đủ mọi chuyện. Quán ăn cũng vậy, ai thích thì khen ai không thích thì chê. Tôi cũng vào google, đọc các lời khen chê của khách hàng, cái nào được khen thì cố làm tốt hơn, lúc bị phê phán chê bai thì phải coi lại, cái nào sửa được thì sửa. món nào đổi được thì đổi, với ước mong khách hàng sẽ hài lòng hơn. Từ đó quán ăn của chúng tôi càng ngày càng đông khách hơn.

Như trên đã nói, tầng dưới của căn nhà chúng tôi đang ở trước đây là cái chợ bị đóng cửa, các thiết bị dù cũ nhưng vẫn còn nằm đó. Tôi gọi thợ đến định giá để tân trang lại, xin phép làm thêm hệ thống bếp nữa rồi mở thành cái chợ Á Đông. Hàng tạp hóa tôi order thẳng từ California của An Hing, Vĩnh Sanh... nên thật rẻ so với các công ty khác tại New York. Chợ chúng tôi lại có cá phi, cá bông lau sống, có thể mua, làm sạch và chiên luôn tại tiệm. Những thành phố đông người Việt, có các siêu thị lớn thì dịch vụ này rất bình thường, nhưng ở Buffalo thì đây là một dịch vụ mới, thức ăn tươi, nóng cung cấp tiện lợi cho không chỉ người Á đông mà các sắc dân khác cũng rất thích.

Buffalo nằm sát biên giới Canada. Từ đây qua Missasuga, Toronto chỉ hơn 1 giờ lái xe. Năm 2001 thì 1 Mỹ kim đổi ra được hơn 1.6 Canada kim, mà một ổ bánh mì thịt ở Canada giá có 1.00; một tô mì vịt, hay cháo cá ở những nhà hàng Tàu có 3.00 - 4.00 mà thôi. Đơn cử một vài thí dụ để biết du khách Mỹ rất thích sang Canada mua sắm, chi tiêu.

Toronto cũng là nơi cư dân Việt-Tàu đông thứ 2 sau California. Đặc biệt về các loại trái cây ở vùng Đông nam Á như: Sầu riêng, vú sữa, na, nhãn, măng cụt, mận chuông... được nhập vào Canada dễ dàng, nên vừa ngon vừa nhiều. Du khách Á châu đến China town của hai thành phố trên rất đông đảo, vừa được ăn đồ ăn rẻ, vừa được thưởng thức nhiều loại cây trái quê mình.

Tuần 2 lần tôi lái xe sang Toronto mua những thứ cần thiết về bán. Xin mách một mẹo nhỏ cho bà con mình khi ghé thăm bên đó, rồi muốn mua chút ít trái cây về làm quà cho người ở nhà, (vì luật lệ ở Mỹ không cho đem trái cây từ nước ngoài vào). Hãy lột hết vỏ rồi bỏ vào các hộp bằng foam, loại đựng đồ ăn to go. Nếu các kiểm soát viên có hỏi thì cứ bảo đó là desert, sẽ cho đi, họ mà thấy còn hình thù trái cây thì tất cả sẽ vào thùng rác.

Ai cũng biết ở Hoa Kỳ thì trên có luật liên bang, mỗi tiểu bang hay thành phố có những bộ luật riêng. Những bộ luật địa phương sẽ không trái với luật liên bang là được. Thí dụ tiêu chuẩn (code) xây nhà của NY sẽ khác với FL, vì NY là xứ lạnh, FL là xứ nóng...

Cũng vậy các hàng hoá về lương thực được bày bán ở NY đôi khi những kiểm soát viên đòi hỏi khắt khe kiểu khác, không giống những tiêu chuẩn ở California. Tôi biết được điều này thì đã muộn. Một năm đôi lần các kiểm soát viên (inspector) ghé thăm, lôi ra nhiều mặt hàng không có con dấu (stamp) của NY rồi phàn nàn không đủ tiêu chuẩn bày bán, yêu cầu lấy xuống khỏi kệ. Rồi càng ngày càng bị chuyện này nhiều hơn, có khi bị phạt tiền nữa.

Tôi tham khảo luật sư rồi khởi kiện. Lý do là hàng hoá đã được kiểm soát bởi chính phủ liên bang khi nhập vào Hoa Kỳ rồi thì không có lý do gì bị từ chối rồi bị phạt tại NY. Đại diện của FDA tại NY không đủ bằng chứng nên bị xử thua kiện. Quan Tòa còn tuyên bố: ông không muốn nhìn thấy việc này xảy ra tại tòa lần nữa. Các giấy phạt bị hủy bỏ. Ông còn mỉm cười bảo tôi: "Chú" cứ về tiếp tục làm ăn.

Độ một tháng sau, trên FDA gửi xuống không phải một người mà 6 người. Họ đi coi từng cái hộp, từng gói bún, quẹt ngón tay tìm bụi... mà tôi gọi là bới lông tìm vết. Những đồ ở Canada mua về thì 1-2-3 vô thùng rác trước. Sau đó hàng tuần có ông hay bà ghé lại trông chừng, áp dụng rất kỹ những tiêu chuẩn của NY. Tôi chán quá nên kêu bán lại hàng hoá rồi đóng cửa chợ. Cái dại lần này là: Dám chống lại các cơ quan công quyền.

Cho chừa cái tật con kiến (đầu đen) mà kiện củ khoai.

 
Một ngày đẹp trời vào cuối năm 2002 tôi nhận được thư của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết: Họ sẽ lấy nguyên block đường, trong đó có tiệm ăn của tôi để xây tòa án liên bang tại đó.

Trong số khách hàng ghé tiệm mỗi tuần vài lần có ông Steven là chủ của một tập đoàn luật sư chuyên về địa ốc (The Real Estate Law Firm). Ông và nhóm nhân viên rất thích đồ ăn ở nhà hàng. Trước đây có những việc liên quan đến bất động sản ông đứng ra giúp đỡ mà không tính tiền, chỉ cười bảo: để nhân viên công ty luật của ông đến ăn rồi trừ dần.

Tôi đem việc Federal gửi thư đòi lấy tiệm ra hỏi thì ông trả lời rằng: Hết cách vì đó là luật, chính phủ liên bang họ có quyền trưng mua bất cứ chỗ nào họ muốn. Bây giờ chúng ta chỉ tìm cách bán được giá nào thôi. Ông bảo deal với chính phủ liên bang thì đòi hỏi một luật sư đặc biệt và hứa sẽ giới thiệu cho tôi một công ty luật chuyên trách về vụ này.

Một thời gian ngắn sau liên bang gửi thư trả giá (offer) căn tiệm chúng tôi 125 ngàn, với điều kiện chúng tôi phải có luật sư đại diện, phía chính quyền sẽ không thương lượng (deal) trực tiếp với khổ chủ (owner) huhu.. Trong khi bốn năm trước tôi mua nó 250 ngàn, cộng với tiền sửa chữa và xây dựng thành nhà hàng tốn phi thêm cả trăm ngàn nữa. Rồi bao nhiêu công sức bỏ ra mới có ngày nay, vậy mà...


Khi nghe tin này dư luận xôn xao phản ứng. Hội đồng thành phố Buffalo gửi thư cho Thượng nghị sĩ liên bang Chuck Schumer, đại diện của ông gọi điện thoại trao đổi, sau đó ông gửi một lá thư hứa sẽ can thiệp để việc mua lại tài sản của chúng tôi được công bằng.

Báo Buffalo News, đài truyền hinh cùng loan tin rồi phàn nàn là chính quyền liên bang làm như vậy là không công bằng... Thậm chí có một cha (linh mục) người Mỹ ghé đến tiệm, ông cầm một cái bao thư đưa cho tôi rồi chia sẻ rằng:

- Tôi nghe tin ông bị nạn thật buồn mà không biết làm sao được. Đời linh mục tôi không có nhiều tiền, chỉ có chút đỉnh đây để giúp gia đình ông vượt qua lúc khó khăn này. Tôi trả lời:

- Con cám ơn cha, nhưng chúng con có thể tự lo được. Con nghĩ cứ từ từ rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy.

Ngài nhất định gửi cho tôi cái phong bì rồi ra về. Suy nghĩ vài ngày, tôi muốn dùng số tiền 500 đô này gửi về cho cha Chu, một LM gốc Kinh 5 quê tôi, Ngài đang phục vụ một xứ đạo rất nghèo ở Hòn Chông gần cuối nước VN. Tôi ngỏ ý này với cha người Mỹ và Ngài đồng ý. Sau đó cha Chu nhận được và cũng đã biên thư cảm ơn cha Mỹ bên này.

Tập đoàn luật sư Barklay do ông Steven giới thiệu đã liên lạc và đặt điều kiện rằng. Họ sẽ đại diện chúng tôi tranh đấu để lấy được càng nhiều tiền càng tốt. Nhưng bất cứ khoản tiền nào trên 125 ngàn (là giá của chính phủ offer ban đầu) họ sẽ lấy 33%. Tôi không đồng ý và nói lại với ông Steven. Hai người bàn bạc rồi sau đó đổi lại. Barklay Law firm sẽ lấy 15% số tiền từ 125 đến 250 ngàn và 33% nếu đòi được hơn 250 ngàn. Đường nào cũng khốn, cũng khổ, không thấy đường nào lắm mỡ, béo bở!

Tiếp đó tôi mua được cái building ở số 295 đường Niagara St nghĩa là chỉ cách tiệm cũ hai block đường. Chuyện xảy ra như sau:

Chắc nhiều người cũng biết đấu giá là việc mua bán một số mặt hàng mà người sở hữu khó bán trên thị trường, hoặc không chắc chắn được giá trị của tài sản mà mình có, thì họ đem nó giao cho các công ty bán đấu giá. Tiếng anh gọi là Auctioneer. Đây là một dịch vụ mà người đứng làm trung gian mua bán, các Auctioneers kiếm khá nhiều tiền.

Ở Buffalo vì nhà cửa ế ẩm nên công ty Cash Auctioneer còn bán cả các căn nhà mà ngành địa ốc không bán được nữa. Ông Cash là chủ của công ty này, trước đây từng là lính chiến tại Việt Nam, có vợ người Việt và sanh được 2 con. Tôi đi mua đồ auction tại công ty ông nhiều lần nên quen biết.

Lúc ấy khoảng năm 2002, đọc báo thấy công ty Cash Auctioneer sẽ bán đấu giá cái building lớn gần downtown. Tôi đang cần chỗ để di dời nhà hàng của mình nên đến tham dự, nhưng trong lòng không hy vọng sẽ mua được nó, cai building 5 tầng thật lớn nằm trên đường Niagara st ngay lối vào từ freeway 90 là địa điểm tốt, chắc phải trả giá cao lắm mới mua được.

Khi tôi đến nơi đã có khá đông người chờ đợi bên ngoài, sau đó được biết khách hàng và cả ông Cash cũng đang chờ người đại diện bên chủ building đem chìa khóa đến mở cửa,  tiếng anh gọi là preview, coi rồi mới biết mà mua, mà đấu chứ!

Đã qua thời gian ấn định mà chờ hoài không thấy người cầm chìa khóa đến, ông Cash bực bội tuyên bố huỷ bỏ cuộc đấu giá hôm nay.

Mọi người thất vọng lần lượt kéo nhau ra về. Tôi đến khều ông Cash đề nghị:

- Hay là ông bán cho tôi đi?

- Chú em muốn mua hả? Được thôi, chú muốn trả bao nhiêu?

Tôi nhún vai cười:

- Tôi không biết, nhưng phải rẻ.

- 35 ngàn OK? Đồng ý thì theo anh về văn phòng ký giấy tờ.

Mỗi công ty auction có điều lệ (policy) khác nhau, nhưng có một điểm chung là sẽ bán hàng cho người trả giá cao nhất. Khi ký hợp đồng với người bán cũng vậy, người bán phải đồng ý bán cho người trả giá cao nhất, nếu không thì bị phạt, phạt thế nào thì tùy hai bên cam kết lúc ký hợp đồng.

Tôi lái xe theo ông đến văn phòng trên đường Main St cách đó độ 20 phút, trong lòng hồi hộp không biết còn chuyện gì xảy ra nữa không?

Độ tuần lễ sau ông Cash gọi tôi:

- Họ không chịu bán chú em ơi! Nói rẻ qúa.

- Rồi sao? Bác. (So what is next? Brother)

- Chú trả thêm chút nữa được không?

- Nhiêu?

- Thêm 10K nữa, anh sẽ bắt chúng phải bán, nếu không anh hủy hợp đồng và họ phải bồi thường.

- Ok.

Vài ngày sau thì ông Cash gọi cho hay họ đã ký giấy bán. Hãy đem tiền cọc 10% lên bỏ vào escrow rồi kêu luật sư tiến hành thủ tục.

Tôi liên lạc với văn phòng Steven Law Firm và ông Ron Zackem cũng là cựu binh Việt Nam phụ trách case này. Ông hỏi tôi:

- Sao chú mua được giá rẻ vậy? Cái Buiding này theo biểu thuế của thành phố, mỗi năm phải đóng hơn 18 ngàn... tức giá trị của nó phải 6-7 trăm ngàn. Mà giá trị ngoài thị trường lúc nào cũng cao hơn mức định giá của chính phủ?

Hỏi vậy nhưng ông đâu cần câu trả lời, mà tôi cũng ú ớ chả biết trả lời ra sao cho xuôi.

Sau này khi đã hoàn thành giấy chủ quyền, tôi mở cửa đi một vòng. Thì ra chỗ này trước đây là kho lưu trữ các hồ sơ, giấy tờ của thành phố. Bây giờ dân số ít đi, nhu cầu lưu trữ cũng giảm nên công ty chủ di chuyển đi chỗ khác. Bên trong 5 tầng lầu mỗi tầng hơn 10 ngàn sqf, còn nguyên các kệ sắt (shelvers) để xếp hồ sơ. Với hàng ngàn các kệ này thôi nếu phải mua mới cũng tốn cả trăm ngàn.

Một bữa ông Mark là nghị viên thành phố ghé tiệm ăn. Tôi rề đến than thở về tiền thuế nhà đất của cái building này. Tôi mua có bằng đó, định sẽ di dời cái nhà hàng này về chỗ mới, mà sao thành phố tính thuế nhiều vậy. Ông nói:

- Ừ, sao kỳ! Đúng ra thành phố phải giúp chú em chứ. Rồi ông chỉ tôi sang City Hall gặp bà Nancy là nhân viên của ông. Bà ấy sẽ giúp tôi điền đơn, rồi ông ấy sẽ đem ra hội đồng thành phố trong phiên họp tới để giám định, xem xét lại.

Vài tháng sau ông Mark lại đến ăn và cho hay:

- Rồi, bây giờ đã giảm xuống, gia trị cái building (asset value) đó chỉ còn có 250 ngàn thôi.

- Nhưng mà tôi mua nó có 45 ngàn! (Cười cười).

- Hết cỡ rồi chú em. Như vậy mỗi năm chú đóng khoảng 6 ngàn tiền thuế, có 1/3 so với trước đây.

Tôi kêu kiến trúc sư đo đạc, tính toán để dời nhà hàng về đây. Nhưng sau khi achitech vẽ bản blue print thì bên xây dựng đòi cả nửa triệu để biến nó thành nhà hàng. Thấy tốn kém nhiều quá nên tôi lại đi tìm và mua được ở số 3396 đường Bailey một cái building khác nhỏ thôi, lại không có parking, nhưng vì nó là cái nhà hàng cũ nên tiền tân trang sẽ tốn phí ít hơn rất nhiều. Chỗ này theo tôi nghĩ có tiềm năng vì gần cả hai trường đại học North va South Buffalo.

Khi lên xin phép xây dựng tôi đã được sự quan tâm đặc biệt của hội đồng thành phố Buffalo, giám đốc Cơ quan xây dựng (Contruction Dept), giám đốc Sở cứu hỏa (Fire Dept)... Những người này vừa là khách hàng quen biết trong nhà hàng gần City Hall, vừa (có lẽ) cảm thương cho số phận long đong, lận đận của tôi nên chỉ thị cho các nhân viên dưới quyền giúp đỡ tận tình để việc tân trang được dễ dàng và mau chóng.

Đầu tháng 3 năm 2003 tôi khai trương nhà hàng này, trong khi cái nhà hàng trên phố vẫn còn hoạt động đến cuối năm 2003 mới phải giao lại cho chính quyền liên bang.

Khi cả hai nhà hàng hoạt động thì lại vất vả hơn. Phải kiếm thêm người làm, mình thì chạy tới chạy lui hai chỗ. Tiền bán được nhiều hơn chút đỉnh nhưng chi phí cũng nhiều gấp bội nên tính ra tiền lời lại ít đi.

Có điều an ủi là mấy thầy giáo trẻ và các em sinh viên người Á châu đến thăm tiệm ăn, thấy tôi thì chào hỏi chúc mừng: "Congraturation. You made it, man. We will be here everyday". Mà họ kéo đến ăn gần như mỗi ngày thật.

Chuyện căn nhà  làm  cửa tiệm của tôi bị đòi trưng mua với giá rẻ đơn từ qua lại hoài không xong.

Khoảng tháng 9 năm 2002, BUFFALO SPREE là một nguyệt san khá nổi tiếng, bìa rất nhiều màu và bên trong được in trên giấy láng, phát hành khắp nước Mỹ, có đăng một phần chuyện gia đình tôi.

Có thể câu chuyện của tờ báo ảnh hưởng phần nào đến những người quyết định về giá trị tài sản mà họ sắp trưng mua.

Cuối tháng 10 năm 2003 họ đồng ý trả tôi 250 ngàn. Nếu muốn thêm thì phải đi xuống Albany hầu tòa để được phân xử. Tòa án cách 4 tiếng lái xe. Ông luật sư đề nghị tôi nhận số tiền ấy.

Từ ngày đóng cửa tiệm trên phố, khách trên đó yêu cầu chúng tôi giao (delivery) đồ ăn cho họ, nhưng vì khách dưới này càng ngày càng đông. Một phần mình không giao thì họ cũng vẫn xuống ăn, thay vì trước đây 1 tuần 2 lần còn bây giờ 2 tuần một lần. Thầy cô giáo, các sinh viên, y sĩ ở các bịnh viện, luật sư ở khắp nơi trong thành phố.. đến ăn rất đều. Họ phải đậu xe ở hai bên đường rồi lội bộ đến, có khi đi xa đến ba block đường. Mùa thi tốt nghiệp không chỉ các em sinh viên mà gia đình từ các nơi đến tham dự, tất cả cùng đến thăm quán của chúng tôi.

Phía sau nhà hàng có căn nhà rách nát treo bảng bán. Tôi hỏi mua rồi sửa sơ sơ lại, xong dọn về đó ở. Vợ chồng tôi đi về chỗ làm cho gần gũi, còn các cháu sắp sửa vào đại học đến trường cũng thuận tiện. Tiện nhất là sau mỗi buổi trưa đi bộ về nhà ngơi một giấc trước khi tiếp tục công việc bận rộn vào bữa ăn tối. Điều không tiện là mùa Đông phải chạy máy thổi tuyết từ nhà ra tiệm chừng 50 mét. Một tháng đôi lần lái xe qua Toronto một buổi, ăn uống và mua sắm rồi gần tối chạy về.

Ở Buffalo có thác Niagara Fall là thắng cảnh nổi tiếng, nhưng chỉ vào mùa Hè thôi, mùa Đông vừa lạnh vừa nhiều tuyết đâu có du khách tới nên buồn lắm.

Rồi một hôm có ông khách đến tìm, hỏi mua căn building lớn gần trên phố, cái mà tôi mua được từ auction mấy năm trước. Tôi hỏi:

- Sao bạn biết tôi ở đây?

- Tôi là broker địa ốc kiêm về nhà kho chứa (storage). Tôi phải biết tìm người chủ ở đâu. Hơn nữa nhà hàng 99 FAST FOOD rất nổi tiếng. Muốn tìm là có người chỉ ngay.

Trở lại việc cái building trên phố, tôi trả lời chưa muốn bán. Ông ấy dặn khi nào muốn bán thì gọi cho ông.

Thời gian ngắn sau lại có người gọi hỏi mua. Tôi hẹn cả hai ông dẫn đi coi bên trong rồi về ăn trưa tại nhà hàng và cho biết: Nếu ông nào trả giá cao thì tôi bán. Kết quả:

- Ông gọi sau offer 450 ngàn tiền mặt.

- Ông gọi trước offer 485 ngàn nhưng chỉ có 100 ngàn down payment, phần còn lại sẽ chia làm 10 năm với lãi suất 9.5%. Nhưng phải trả off trong 3 năm. Tôi chọn ông này rồi giao cho ông luật sư Ron Zackem làm thủ tục mua bán và giao kèo nợ nần.

Tháng 10 năm 2006 Buffalo bị một con bão tuyết sớm, gây lụt lội, cúp điện và nhiều thảm họa khác cho vùng này. Xin đọc bài Bão Tuyết ở Buffalo tôi đã tường trình vào năm ấy.

Giáng Sinh năm 2007 chúng tôi đóng cửa tiệm nghỉ Đông và xuôi Nam một chuyến. Cả gia đình đi NY, Washington DC rồi ghé Atlanta và Orlando. Mùa này ở Buffalo thì tuyết rơi lạnh lẽo, đi lại bất tiện khó khăn, vậy mà ở Orlando trời đẹp vì nắng ấm, cây cỏ tốt tươi. Ở khách sạn các cháu xuống hồ bơi tắm cả tiếng không thấy lạnh lẽo gì.

Nhà tôi mắc bịnh suyễn, ở xứ lạnh lâu nay cứ bị tức ngực khó thở hoài. Thế là chúng tôi tìm đường về sống tại Orlando.

Hồ Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
07/02/201922:25:19
Khách
Kimdung , nhan xet cua ban hoi qua . Theo toi , TG la nguoi nhanh nhay , biet nam bat thoi co , cong voi phuoc loc doi truoc de lai nen viec mua ban moi de dang thuan loi . Toi co chu em ut , do cung tuoi Ngo voi me toi , mang nam o Nhat Canh Dien - he dinh vao dien tho la may man , thu duoc loi nhuan de dang - con nguoi khac nhieu von ma van tray trat moi kiem ra tien .
Xin chuc mung TG va G/D da toi mien nang am , Toi that su quy trong va ne phuc nhung vat va kho khan cua Ong va G/D tu khi khoi nghiep - Good luck !
22/01/201918:39:05
Khách
Ong nay that dang khen, khac voi mot so nguoi A chau tron thue, buon lau hang bi cam, ong co gang theo luat le hop phap, dung he thong phap ly cua My de thanh cong.
15/01/201920:55:41
Khách
Toi lai thay ong nay lem' linh qua cho nen moi mua duoc can building tri gia 5,6 tram ngan voi gia co 45k ngan thoi !
02/01/201917:27:44
Khách
tac gia gioi va hay qua. Than phuc ong.
31/12/201816:00:22
Khách
Rat la tuyet voi!! Tac Gia la Nunmber One!!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,302,658
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Sau đây, thêm một bài bài mới viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của Phan, viết cho mùa Giáng Sinh đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên với nhiều bút hiệu: Capvanto, Philato... Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Bài mới ông góp không phải để dự giải mà chỉ để ghi lại một sinh hoạt đặc biệt của buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngôi trường được mang danh Petrus Ký.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài viết mới nhất kể về một chuyện tình đẹp.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My năm 2018. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển từ Rạch Giá đến Thái Lan trong tháng Giêng/1987. Đến Mỹ tháng 8/1987 và định cư tại Utah, làm việc cho First Security Bank, Accounting Depart-ment. Đã từng giữ chức vụ Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Utah trongnhiều nhiệm kỳ. Hiện đã về hưu. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy, một thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz, Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến