Hôm nay,  

Chuyện Ở Viện Dưỡng Lão The Virginian

28/12/201800:00:00(Xem: 18534)
Người viết: Võ Phú

Bài số 5583-20-31389-vb5122718

 
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.

 
  ***
 

Tôi quen biết Mai trong lớp học Anh Văn đêm, tại trường trung học Woodson.

Như một thói quen, mỗi lần vào lớp học mới tôi đều nhìn quanh xem thử có đồng hương hay không.  Cũng may, trong lớp Anh Văn này có Mai.  Chúng tôi là đồng hương, nên vừa gặp nhau lại nói chuyện với nhau rất thân như quen biết từ trước.  Chúng tôi cùng qua Mỹ được vài năm và phải chạy đua với thời gian để học thêm Anh Văn cho đủ điểm để tốt nghiệp trung học.  Mai sinh ra tại Bến Tre, dáng người nho nhỏ, mái tóc đen và dài.  Gia đình Mai được người dì bảo lãnh qua Mỹ gần bốn năm trước và hiện tại Mai đang theo học trường trung học JEB Stuart.  Còn tôi học trung học Annandale, cách nhau cũng khá xa.

Trong lớp Anh Văn này, mỗi tuần chúng tôi học hai buổi, mỗi buổi một tiếng rưỡi đồng hồ.  Sau khi học được nửa giờ hoặc bốn lăm phút, cô giáo thường cho nghỉ giải lao.  Thường trong lúc nghỉ, chúng tôi hay nói chuyện cùng nhau.  Được nghe và nói tiếng Việt thích lắm, nên chúng tôi cứ nói chuyện suốt cho đến giờ học.  Ngoài chuyện học ra, chúng tôi còn nói đủ chuyện trên trời dưới đất, những chuyện thời xa xưa khi chúng tôi còn chưa đến đất nước này.

Qua những buổi học thêm, tôi mới biết ngoài học ra Mai còn đi làm thêm ở một viện dưỡng lão.  Một buổi, Mai hỏi tôi:

- Ngoài đi học ra, Pete có làm gì thêm không?

- À... Lúc trước Pete có làm bên tem thư.  Pete bỏ thư từ quảng cáo vào phong bì rồi dán lại cho người ta đó mà.  Nhưng lúc này hết việc, họ cho nghỉ, nên giờ làm bảy nghề...hihihi... Nói chơi với Mai thôi, chứ cuối tuần Pete đi cắt cỏ dạo quanh xóm.

- Pete có muốn làm ở The Virginian, chỗ Mai làm không? Họ đang cần người giúp đó.  Nếu thích, ngày mốt Mai đem đơn đến cho Pete.

- Vậy à ... Cám ơn Mai nhé.  À nè, ở đó làm những gì vậy Mai? Pete không có kinh nghiệm gì hết và chưa bao giờ apply xin việc.

- The Virginian là viện dưỡng lão cho người giàu.  Dễ lắm, mình chỉ làm waiter và waitress thôi.  Nói nôm na là bưng thức ăn cho người già, không cần kinh nghiệm gì đâu.  Ủa chứ lúc trước Pete làm bên tem thư không apply xin việc gì hay sao?

- À, Pete làm chui.  Pete giúp chú người Việt kia làm lãnh tiền mặt đó mà.

- Ừa, Mai hiểu rồi.  Vậy để thứ Năm Mai đem đơn cho Pete nhé.

- Cám ơn Mai....

- Không có chi.  Thứ Năm Pete đến sớm được không?  Mai sẽ giúp Pete điền đơn rồi đem nộp cho Pete luôn, khỏi mất công Pete chạy lại nộp.

- Được chứ.  Vậy thì tốt quá   Cám ơn Mai nhiều lắm.

- Không có chi, bạn bè mà. Thôi tới giờ học rồi, cô vô kìa.

Ngày thứ Năm, sau khi tan trường, tôi đạp xe từ trường trung học của mình đến trường Woodson để học Anh Văn và chờ Mai.  Sau hơn một giờ đạp xe, tôi đến trường Woodson. Giờ này, trường học vắng tanh, học sinh đã ra về hết.  Chỉ có bác lao công giúp nhà trường dọn dẹp.  Thấy tôi, bác lao công hỏi:

- Trường đóng cửa rồi, sao cậu chưa về nhà?

- Dạ, tôi học lớp đêm, thưa ông.

- Ồ, vậy à.  Lớp đêm sáu giờ lận, giờ chỉ hơn bốn giờ.  Cậu đến sớm quá.

- Dạ, tôi đạp xe đạp thẳng từ trường Annadale đến đây.  Ông cứ làm việc của ông đi.  Tôi ngồi ở trước lớp học chờ cũng được.

- Cậu có cần vô lớp ngồi không? Tôi mở cửa cho cậu.

- Dạ được, nếu không phiền ông.

Bác lao công mở cửa lớp học giúp tôi.  Tôi ngồi xuống bàn học của mình và mở cặp ra làm bài tập.  Tôi làm xong bài tập lới lịch sử Nước Mỹ xong và tiếp tục làm toán.  Trong lúc chăm chú giải bài toán khó, Mai đến.

- Chào Pete.  Pete đến sớm vậy.

- Chào Mai.  Vâng, Pete đi từ trường mình qua đây luôn.

- Trời, sao không về nhà nghỉ ngơi rồi mới đi học lại?

- Chạy qua, chạy lại mất thời giờ, nên Pete qua đây luôn.

- Xe Pete đậu ở đâu sao Mai hổng thấy?

- Pete đi xe đạp đến.

- Wow... Từ Annandale mà đạp qua đây sao? Hèn gì Mai không thấy xe đậu ngoài parking.  Mai tưởng đâu Pete quên.

- Ừa... Hi.... hi... Hẹn với Mai rồi mà sao quên được chứ   À, Pete đạp xe hoài nên quen, không thấy xa nữa.

- Ủa xe Pete đâu sao không đi mà đạp xe đạp vậy?

- Pete không có xe, mấy lần trước Pete mượn xe của ông anh, nhưng hôm nay anh Pete cần dùng nên đạp xe coi như tập thể dục luôn.

- Pete nè, Mai đem đơn cho Pete đây.  Pete điền vào đi, chỗ nào không hiểu Pete hỏi Mai nhé. Còn references thì Pete để thêm tên một người nữa là đủ.  Mai đã để hai cái references kia cho Pete rồi.

- Man Le là ai vậy Mai?

- Là ba Mai đó.  Ba Mai cũng làm trong viện dưỡng lão The Virginian, Mai để vào họ sẽ nhận Pete liền.

- Wow... Vậy tốt quá.  Mà trong viện dưỡng lão có người Việt làm nhiều không Mai?

- Nhiều lắm, mai mốt Pete vào sẽ biết.  Hầu hết là người Việt mình làm bên khâu dinning đó.

Mai giúp tôi điền đơn xin việc xong và nói:

- Ngay ngày mai Mai sẽ nộp đơn giùm Pete, chắc tuần tới là Pete có thể làm được rồi.

- Cám ơn Mai nhiều lắm nhé.

- Không có chi mà.

Thứ Hai, ngày đầu tuần, tôi nhận được điện thoại của viện dưỡng lão gọi.  Họ hẹn tôi đến để phỏng vấn vào hôm sau.  Tôi đem việc này nói với Ba Mẹ và anh trai.  Anh trai tôi hỏi:

- Mày đi làm rồi sao đi học?    

- Dạ em chỉ làm buổi chiều sau giờ học và những ngày cuối tuần.

- Xe đâu mày đi?

- Anh cho em mượn đỡ xe của anh nha?  Khi nào anh cần dùng xe thì em đi xe đạp  

- Ừa thôi cũng được. Tao đi làm chung với ba, cũng không dùng xe, cho mày mượn vậy.

Ngày thứ ba, sau khi đi học về, tôi vào nhà hỏi anh trai:

- Anh cho em mượn xe đi phỏng vấn việc làm nhé?

- Ừa, nhớ lái cẩn thận đó.  Mày không có mua bảo hiểm đó.

- Dạ em biết rồi.

- À, mà mày xin việc ở đâu?

- Dạ ở viện dưỡng lão The Virginian trên đường 50 đó.

- Xa vậy à?

- Dạ.

- Thôi mày đi đi.  Good luck nha.

- Dạ, bye anh.

Tôi lái xe đến viện dưỡng lão The Virginian.  Viện dưỡng lão nằm trên đường Arlington, thuộc thành phố Fairfax, tiểu bang Virginia.  Viện dưỡng lão này rất rộng, sạch đẹp, và thoáng mát.  Sau khi đậu xe ở bãi đậu xong, tôi đi dọc theo hành lang để đến cổng chính của viện dưỡng lão.  Bây giờ là đầu mùa thu, gió hiu hiu thổi, mát rượi.  Trước khi đến đây, tôi cứ ngỡ đâu rằng viện dưỡng lão là một nơi buồn chán, một nơi toàn là người già bệnh đau, kêu la như ở bệnh viện.  Nhưng không, ở đây thật sạch sẽ, yên tịnh và thoáng mát giống như một khách sạn lớn.  Tôi thấy một vài ông bà cụ đang đọc sách, đi dạo quanh vườn hoa của viện dưỡng lão.  Thấy tôi, một cụ già đưa tay lên chào.  Tôi đưa tay chào lại.  Vào bên trong, đến bàn thư ký, tôi hỏi:

- Xin lỗi cô, tôi có hẹn với cô Lynn Rountree, cô có thể giúp tôi báo cho cô ấy biết.

- Ồ được rồi.  Cậu lại bên kia ngồi, chờ tôi gọi cô ấy nhé.

- Vâng, cám ơn cô.

Tôi đến dãy ghế mà cô thư ký chỉ, rồi ngồi xuống.  Tôi hồi hộp chờ đợi.  Chỉ hơn mười phút mà tôi có cảm giác như một ngày chập chạp trôi qua.  Một người phụ nữ trẻ, mặc áo hoa và váy đen đến bên tôi, đưa tay ra và tự giới thiệu:

- Chào, tôi tên là Lynn Rountree, rất hân hạnh được gặp cậu.

- Dạ chào cô, tôi tên là Pete Vo.  Cũng rất hân hạnh được gặp cô.

- Cậu đi theo tôi vào văn phòng tôi nhé.

- Dạ cám ơn cô.

Cô Rountree dẫn tôi đi qua hành lang lớn và đến một căn phòng, cô mở cửa, chỉ vào chiếc ghế và nói:

- Cậu ngồi đây.

- Dạ cám ơn cô.

- Cậu học thế nào? Có vui không?

- Dạ cám ơn cô.  Mọi việc đều tốt.

- Tôi đã xem xong đơn xin việc của cậu.  Tí nữa bà Evelyn Janes sẽ có vài điều muốn hỏi về cậu.  Cậu chờ tí nhé.

- Dạ vâng.

- Cậu học chung với Mai à?

- Dạ chúng tôi học chung với Anh Văn vào buổi tối ở trường Woodson.

- Trường Woodson à?  Con trai tôi cũng học ở trường đó.

- Vậy à?  Tôi học ở Annandale, nhưng tôi cần học thêm Anh Văn, nên đã học thêm.

Tiếng gõ cửa vang lên, một người phụ nữ chừng năm mươi tuổi, dáng nhỏ con và thấp.  Bà có mái tóc bạch kim, mặt mày hồng hào, đôi mắt hơi lớn, đi vào.  Bà chào chúng tôi.

- Hi Lyn.  Hello there...

- Dạ chào bà.

- Cậu là Pete do Mai giới thiệu phải không?

- Dạ phải.

- Cô bé dễ thương đó giới thiệu chắc là tốt rồi.  Chào mừng bạn đã đến với The Virginian.  Cậu khi nào thì có thể đi làm được?

- Dạ càng sớm càng tốt.           

- Vậy thứ Bảy nhé?  Sáng thứ Bảy có được không?    

- Dạ được thưa bà.

- Ừa, vậy tốt.  Cậu nhớ mặc áo trắng quần tây đen lúc đi làm nhé.  Bây giờ cậu hãy đi theo tôi để tôi nói sơ qua công việc ở đây cho cậu rõ.

- Dạ vâng cám ơn bà.

Bà quay sang bên cô Rountree và nói:

- Bye Lyn nhé.  Tôi dẫn cậu ấy đi xem phòng ăn và nhà bếp.

- Vâng, chào Evelyn, chào Pete.  Chúc may mắn Pete nhé.

- Dạ vâng, cám ơn cô Rountree.  Chào cô.

Bà Evelyn Janes dẫn tôi đến nhà bếp và phòng ăn (dinning hall) giới thiệu sơ qua nơi này và giải thích cho tôi những việc mà tôi cần làm.  Sau đó bà vào phía sau nhà bếp có một căn phòng nhỏ, có lẽ là phòng làm việc của bà, bà Janes lấy một cái áo yếm màu đỏ bầm đưa cho tôi và nói:

- Đây là đồng phục của cậu.  Cậu sẽ choàng cái áo này lên trước khi đi làm.  Tôi sẽ nói với Lyn làm cho cậu thẻ nhân viên trước thứ Bảy này.  Cậu có thắc mắc gì muốn hỏi không?

- Dạ tôi có thể làm mấy ngày một tuần ạ?

- Chuyện này cũng còn tùy.  Chúng tôi ưu tiên cho những nhân viên toàn thời gian trong các ngày thường.  Nhưng hai ngày cuối tuần, cậu có thể làm cả hai suất trưa và tối.  À, lương của cậu là $7.25 một giờ.  Buổi trưa làm từ chín giờ đến một giờ.  Còn buổi tối thì từ bốn giờ đến tám giờ. Một điều quan trọng tôi nhắc với cậu là không được nhận tiền boa của những người ở đây.  Ở đây không phải là nhà hàng, nên chúng ta không thể nhận tiền boa nhé.  Nếu các cụ tặng tiền cho cậu, cậu hãy nhã nhặn từ chối và nói rằng nơi đây chúng ta không được nhận tiền boa vì đó là quy định của viện dưỡng lão The Virginian.  Cậu nhớ nhé.

- Dạ vâng, tôi nhớ rồi.

- Cậu còn gì để hỏi nữa không?

- Dạ không, cám ơn bà.           

Bà Janes đưa tay nhìn đồng hồ và nói:

- Cậu đi theo tôi đến phòng ăn dành cho nhân viên.  Tôi sẽ chỉ cậu nơi nhân viên phục vụ ăn uống sau giờ làm việc.  Và giờ này có thể Mai và mọi người cũng đã đến.  Hôm nay cô ấy đi làm.  Nếu cậu có thắc mắc gì thì có thể hỏi Mai giúp.

- Dạ cám ơn bà.

- Kìa, Mai đến kia kìa ... Chào Mai, cô bé khỏe không?

- Dạ chào bà Janes.  Chào Pete.

- Chào bà Janes... Chào bà Janes... Chào bà Janes....

Khoảng năm sáu người nhân viên mặc áo yếm màu đỏ bầm trước ngực chào bà Janes.  Tôi nhìn thấy họ, họ nhìn tôi, chúng tôi gật đầu chào nhau.  Trong số những người mới đến có hai người da mầu, còn lại là người gốc Á, tôi nghĩ chắc là người Việt.  Bà Janes chào mọi người xong, rồi quay qua Mai nói:

- Tôi giờ bận việc rồi.  Giờ cũng còn sớm, Mai giúp tôi giải thích cho Pete hiểu công việc của cậu ấy nhé.  Cám ơn Mai.

- Vâng chào bà Janes.

- Chào bà Janes.  Rất cám ơn bà.  Hẹn gặp lại bà thứ Bảy.

Bà Evelyn Janes đi rồi, tôi quay qua nói chuyện với Mai:

- Cám ơn Mai nhé.  Thứ Bảy này Pete chính thức làm việc ở đây.

- Chúc mừng Pete nha.

- Ê Mai, có người mới hả em?

Một người phụ nữ chừng hơn ba mươi hỏi Mai.

- Dạ chào chị Hà.  Đây là Pete, bạn của em.  Pete rồi sẽ làm ở đây thứ Bảy này.

- Chào em.

- Dạ chào chị.  

Mai nhìn tôi giải thích:

- Ở đây, sau khi mình đến nơi, mình sẽ bấm giờ vô.  Sau khi bấm giờ xong, mình lên lầu trải khăn bàn, xếp khan lau, tách trà, muỗng, nĩa và dao trên bàn.  Mỗi một người lo một section riêng.  Mỗi section khoảng chừng bốn, năm bàn gì đó.  Mình chỉ lấy thức ăn theo menu thôi.  Sau khi mọi người ăn xong, mình dọn chén dĩa xuống cho người ta rửa.  Sau đó dọn dẹp là xong.  Chỉ vậy thôi.  Thứ Bảy này Mai không đi làm, nhưng nếu Pete cần hỏi gì thì có chị Hà hoặc anh Mẫn giúp.  Vậy nhé.

- Sau khi dọn dẹp xong, mình về hả Mai.

- Không, sau khi dọn dẹp xong, mình đi ăn tối xong mới ra bấm giờ và về.

- Vậy cũng okay.  Chắc Pete không thành vấn đề.

- Ừa dễ lắm.  Đừng có bận tâm.  Pete còn thắc mắc gì không?

- Không.  Cám ơn Mai giúp nhé.

- Không có chi mà.  Bye Pete nhé.  Gặp Pete ở lớp học thứ Năm nha.

- Ừa, cám ơn Mai.  Chào Mai.

Tôi chào tạm biệt Mai và ra về.  Ra khỏi phòng ăn của nhân viên trong viện dưỡng lão, tôi thấy những cụ già vừa đi vừa nói chuyện đi đến phòng ăn. Nắng chiều cũng vừa tắt.  Tôi lái xe trở về nhà và thầm  hẹn gặp lại ngày thứ Bảy cuối tuần.

 

Tám giờ sáng, chuông đồng hồ báo thức reng.  Tôi ngồi bật dậy như chiếc lò xo.  Anh trai của tôi cằn nhằn:

- Hôm nay thứ bảy mà đứa nào để chuông đồng hồ chi vậy?

- Dạ, em phải đi làm hôm nay.  Anh quên rồi sao?

- Ờ... Ờ.... Nhớ rồi... Thôi tắt đi để cho tao ngủ thêm chút coi.

- Dạ.... Anh cho em mượn chiếc xe của anh đi làm được không?

- Không được, tí nữa tao phải đi Eden gởi tiền về Việt Nam rồi.  Mày qua hỏi ba thử đi.

- Thôi, vậy em đi xe đạp cũng được.

Tôi đánh răng rửa mặt xong, thay đồ và ra lấy xe đạp đi làm. Buổi sáng cuối tuần, đường xá vắng hoe.  Lâu lâu mới có một chiếc xe chạy vụt qua.  Tôi thong thả đạp xe đến nơi làm.  Con đường từ chung cư tôi ở đến viện dưỡng lão The Virginia cũng hơn một giờ đồng hồ đạp xe, nên tôi phải đi sớm gần hai giờ đồng hồ để kịp giờ làm.  Hôm nay là ngày đầu tiên tôi làm việc.

Đến viện dưỡng lão, tôi đi đến phòng làm việc của bà Janes, người supervisor, để chào hỏi cũng như nhận thẻ nhân viên.  Thấy tôi, bà Janes niềm nở:

- Chào buổi sáng cậu Pete.  Cậu đến sớm nhỉ!

- Dạ chào bà Janes.  Vì ngày đầu đến làm việc, nên tôi đến hơi sớm để tìm hiểu thêm công việc đó mà.

- Tốt lắm.  Đây là thẻ nhân viên của cậu.

- Dạ cám ơn bà.

- Cậu đi theo tôi xuống phòng nhân viên thử cái thẻ này xem nó có đọc được chưa nhé.

- Vâng ạ.

Chúng tôi rời khỏi phòng làm việc của bà Janes, đi đến cuối hành lang, xuống tầng lầu, nơi phòng ăn của nhân viên.  Bên ngoài phòng ăn là hai cái máy để đọc dữ liệu nhân viên và giờ làm việc của họ.  Bà Janes nói:

- Cậu thử đưa cái thẻ qua cho máy đọc.

- Dạ vâng.

Một tiếng tít vang lên, trên màn hình nhỏ của chiếc máy, tôi thấy tên của mình và ba số không (số giờ mà nhân viên làm trong một tuần).  Bà Janes nói:

- Mọi thứ đã ổn thoả.  Cậu vào bên trong phòng chờ cô Hà đến nhé.  Hôm qua tôi có nhờ cô ấy giúp cậu ngày hôm nay.  Cậu sẽ đi theo cô Hà làm việc.  Nếu cậu có gì thắc mắc hãy hỏi Hà nhé. À, mà cậu đã gặp cô Hà chưa?

- Dạ tôi có gặp hôm phỏng vấn, thưa bà.

- Ồ vậy thì tốt.  Cậu ở đây nhé.

- Dạ chào bà.

Tôi ngồi ở phòng cho nhân viên chừng vài phút là chị Hà và mọi người đến.  Sau khi bấm thẻ xong, tôi theo chị Hà và mọi người đến phòng ăn của viện dưỡng lão để chuẩn bị cho buổi cơm trưa.  Phòng ăn rất rộng, dưới sàn trải thảm hoa màu đỏ rất đẹp.  Bên trong với hơn ba mươi bàn tròn, mỗi bàn mười chổ ngồi.  Tôi đi theo chị Hà qua khỏi phòng ăn, qua khu nhà bếp rồi đến phòng làm việc của bà Janes.  Trước cửa phòng là cái hộp nhỏ treo trên tường, cạnh cửa sổ, chị lấy sơ đồ phòng ăn ra và giải thích cho tôi hiểu:

- Mỗi ngày sau khi clock in rồi, mình lại đây lấy cái sơ đồ này để biết mình làm bàn nào.  Thường thì mỗi người phụ trách bốn đến năm bàn.  Hôm nay chắc có em phụ, nên bà Janes chia cho hai chị em mình tới sáu bàn.  Sau khi có sơ đồ chia bàn rồi, mình đi vào nhà kho lấy khăn trải bàn, khăn lau miệng, silverware, tách trà, và ly uống nước sắp xếp trên bàn như thế này.  Mỗi bàn là mười bộ em nhé.  Một bộ gồm có một con dao, hai cái muỗng và hai cái nĩa.  Ngoài ra, mình cũng phải xếp dĩa trên bàn nữa.  Một bộ gồm ba cái, gồm một cái main entry, một cho salad, và một cho dessert.  Em coi chị làm xong rồi xếp bàn bên kia giúp chị nhé.

- Dạ cám ơn chị.

- Ừa em làm đi, xong sớm, chị sẽ chỉ em cách xếp khăn lau miệng cho đẹp.  Ở đây có bốn kiểu xếp, mình phải biết để xếp cho đúng.

- Dạ.

Tôi trải khăn bàn và sắp xếp ly, muỗng, nĩa như chị Hà chỉ dẫn.  Sắp xếp xong, tôi nhìn đồng hồ chỉ mười một giờ.  Còn đến nửa tiếng mới đến giờ cơm trưa của viện dưỡng lão.  Tôi hỏi chị Hà:

- Chị Hà ơi, mình xong rồi giờ làm gì?

- Để chị chỉ em cách gấp khăn lau miệng.

Những chiếc khăn lau miệng màu đỏ xậm (màu của The Virginian) hình vuông, chị Hà chỉ tôi gấp.  Từ nhỏ tôi rất mê gấp hình giấy Nhật Bản, nên chị Hà chỉ qua một lần là tôi biết xếp ngay.  Xếp khăn xong, tôi hỏi chị:

-  Mình xong rồi giờ làm gì nữa chị?

- Thì mình chờ tới mười một rưỡi lấy thức ăn cho họ thôi.  Hay là em có thể phụ giúp mấy anh chị, bạn khác sắp xếp hay chuẩn bị nước trà, cranberry...  Hôm nay Mẫn phụ trách thêm phần nước.  Em có thể hỏi Mẫn có cần phụ gì không nhé.  Em có biết Mẫn chưa?

- Dạ hôm trước em có nghe Mai nói.

- Ừa, Mẫn đằng kia đang pha nước cranberry đó, em hỏi Mẫn đi.

- Dạ, để em hỏi anh Mẫn sao.

Tôi đi đến bên anh Mẫn và chào:

- Chào anh Mẫn.  Em là Phú, hôm nay là ngày đầu em làm việc ở đây.  Em phụ chị Hà, nhưng xong rồi, em qua hỏi thử anh có cần em giúp gì không?

- Ồ... Welcome em.  Rất hân hạnh.  Anh làm được, nhưng nếu em muốn thì đi theo anh, anh giải thích cho hiểu thêm về việc ở đây.

- Dạ cám ơn anh.

Anh Mẫn lớn hơn tôi bốn tuổi.  Anh hiện đang là sinh viên năm nhất ở trường đại học George Mason.  Anh làm việc ở The Virginian này cũng gần ba năm rồi. Anh biết làm tất cả mọi khâu trong viện dưỡng lão từ rửa chén, múc thức ăn đóng hộp cho những người đi lại khó khăn, cho đến bồi bàn như chúng tôi.  Anh biết và nhớ tên hầu hết những người sống ở viện dưỡng lão và biết họ ăn được hay dị ứng với thức ăn loại nào.

Ở viện dưỡng lão The Virginia, những ông cụ bà cụ có thể tự đi xuống phòng ăn hoặc nhờ nhân viên mang thức ăn đến.  Hầu hết những người còn khoẻ mạnh đều tự  đi đến phòng ăn.  Số còn lại có nhân viên đưa đến tận phòng. Phần ăn của các cụ chia làm ba loại: bình thường, mềm, xay nhuyễn (puree).  Cụ nào dị ứng hoặc không thích ăn món nào đều có trong danh sách.  Thực đơn mỗi ngày mỗi khác trong vòng hai tuần.  Thức ăn rất phong phú có đầy đủ thịt, cá, trái cây, rau sống, bánh ngọt, nước uống.

Nhân viên phục vụ những bữa ăn của các cụ cũng gần hai mươi người cho mỗi lần.  Một người nấu thức ăn chính, hai người phụ bếp, vài ba người làm rau trộn, bánh và nước.  Bốn đến sáu người múc thức ăn, đóng hộp, kiểm tra lại trước khi giao cho ba người khác để đưa những bữa ăn này đến các cụ không đi được.  Còn những cụ đi đến phòng ăn, chúng tôi có đến sáu người phục vụ lấy thức ăn bưng ra tận bàn, hai người múc thức ăn và người supervise đi vòng để xem các cụ cần giúp gì thêm không.

Ngày đầu tôi theo chị Hà làm việc ở viện dưỡng lão để cho quen dần.  Sang ngày thứ hai, tôi phải làm riêng khu của mình, nên khá vụng về, may mà nhờ có anh Mẫn phụ giúp nên tôi không bị các cụ than phiền chậm chạp như những người bồi bàn trong viện dưỡng lão khác.  Sau vài tháng, tôi thành thạo và được bà Janes cho tăng lương.

Trong các cụ sống ở viện dưỡng lão có một cụ hơi khó tánh tên là Pamela Houston, bàn số 15.  Mỗi lần chúng tôi lấy sơ đồ làm việc mà gặp bàn 15 là chúng tôi thường hay nói đùa là hôm nay phải phục vụ bà Bâm Heo. Bà Houston khoảng bảy mươi, da dẻ hồng hào, mái tóc uốn quăn bồng bềnh và bạc trắng như cước.  Bà hiếm khi nói cười như những người ở viện dưỡng lão.  Bà không thích ăn cà rốt và dưa leo, thích uống nước trà pha với cranberry thêm đá lạnh và hai lát chanh vàng. Những người phục vụ trong viện dưỡng lão này đều không thích bà vì bà hay than phiền rằng chúng tôi chậm chạp và không pha nước theo ý của bà.  Trong số những người phục vụ chỉ có anh Mẫn là hiểu bà.  Anh Mẫn đã chỉ tôi cách pha nước để vừa lòng bà.  Ly nước bà uống phải là hai phần cranberry, một phần trà ngọt, một muỗng đá và hai lát chanh vàng.  Sau khi bà uống hết, phải đổi ly mới cho bà chứ không được dùng ly cũ rồi châm thêm như những cụ khác trong viện dưỡng lão được. Thường ngày bà Houston đến ăn rất đúng giờ và chỉ đi một mình.

Hôm đó, bà Houston không ngồi ở bàn số 15 như thường ngày, mà bà ngồi bàn riêng cho khách thăm viếng (reserved tables) của viện dưỡng lão.  Ở viện dưỡng lão The Virginian gia đình có thể đến thăm và dùng bữa với các cụ trong những ngày đặc biệt nếu có thông báo trước.  Tôi nhận được sơ đồ phục vụ những bàn khách thăm viếng hôm đó. Có lẽ do có con cháu và gia đình đến thăm, nên bà vui vẻ và nói chuyện với những người chung quanh.  Sau khi lấy thức ăn và nước uống cho tất cả các bàn xong, bà Janes supervisor gọi nhỏ tôi lại, nói:

- Hôm nay là sinh nhật của cụ Pamela Houston, nên con cháu cụ đến thăm.  Tí nữa sau khi ăn xong, cậu vào phòng lạnh lấy cái bánh coconnut cream-pie chúng ta hát Happy Birthday mừng sinh nhật cụ nhé?

- Ồ... Hôm nay là sinh nhật cụ à? Hèn gì tôi thấy cụ vui hơn thường ngày.  Vâng, tôi biết rồi thưa bà Janes.

- Thôi cậu tiếp tục làm việc đi.  Khoảng hai mươi phút nữa, nhớ nhé.

- Dạ vâng ạ.

Chúng tôi, sáu người phục vụ gồm có: Mai, chị Hà, anh Mẫn, cô Thắm, cô Hương, và Tiffany cùng bà Janes bước đến bàn của cụ Houston hát bài mừng ngày sinh nhật.  Cụ Houston cười tươi và cám ơn chúng tôi.  Sau bữa ăn hôm đó, một người đàn ông trung niên khoảng bốn mươi tuổi, có thể là con trai cụ, gọi tôi lại đưa cho tôi tờ giấy một trăm đô và nói:

- Tặng cho cậu.  Cám ơn cậu đã phục vụ cho mẹ tôi ở đây.  Bà ấy vui lắm, bà ấy rất thích cậu.  Cậu lấy giúp cho tôi vui nhé?

Tôi nhớ lại lời dặn của bà Janes trong ngày phỏng vấn là không được lấy tiền típ của khách, nên tôi đã nói lại với ông ấy:

- Tôi rất cám ơn ông.  Được phục vụ cho bà và mọi người ở đây là niềm vui của chúng tôi.  Nhưng tôi không thể nhận số tiền này vì luật lệ của viện dưỡng lão này không cho nhân viên nhận tiền típ.  Rất cám ơn ông và xin ông hãy cất lại số tiền này.

Người trung niên nghe tôi giải thích xong, ngần ngừ đôi phút rồi cất tiền vào ví. Sau đó ông ta tìm đến bà Janes và nói gì đó với bà.

Kể từ hôm sinh nhật bà Pamela Houston cho đến sau này, bữa ăn nào của tôi cũng được bà Janes dành cho những đĩa bánh ngọt sau mỗi bữa.  Ở viện dưỡng lão, có luật là sau khi phục vụ cho những người sống ở đây ăn xong, nhân viên mới được quyền lấy thức ăn và cất vào ngăn tủ dành cho nhân viên.  Sau khi làm việc và dọn dẹp xong, nhân viên mới được mang thức ăn về phòng ăn mới được dùng.  Nhân viên phục vụ chỉ được ăn những món chính, còn bánh ngọt khi nào có dư lại mới được dùng.  Nhiều lần, tuy đã hết bánh dư (những miếng bánh đã cắt sẵn để trong dĩa) nhưng bà Janes vẫn cắt bánh mới cho tôi.

Hôm đó tối thứ Tư, tôi vẫn làm việc ở The Virginian như thường lệ.  Sau khi dọn dẹp ly tách, bát đĩa xong, chúng tôi cuộn hết tất cả khăn trải bàn và khăn lau miệng cho vào những chiếc bao lớn để giặt sấy.  Rồi vào tủ lấy thức ăn đem xuống phòng ăn của nhân viên để ăn tối.

Trong lúc chúng tôi đang ăn tối, bà Janes đến.  Trên tay bà là một chiếc bánh cà rốt hạt hạnh nhân, trên có một ngọn nến đang lung linh cháy.  Bà Janes đem đến để trên bàn ăn của nhân viên trong phòng chúng tôi và bắt đầu hát bài mừng sinh nhật. Mọi người cùng nhau hát bài hát mừng sinh nhật.  Một vài người nhìn quanh rồi hỏi bà Janes:

- Mrs. Janes, hôm nay là sinh nhật ai trong phòng này vậy?

Bà Janes chỉ qua tôi, nói:

- Sinh nhật của Pete .

Tôi tròn mắt ngạc nhiên và nói:

- Hôm nay đâu phải sinh nhật của tôi.  Sinh nhật tôi đã qua hai ngày rồi mà.

Chị Hà đánh vào tay tôi một cái.  Chị nhìn tôi cười và nói:

- Vậy đúng là sinh nhật của em rồi.  Thứ Hai vừa rồi em đâu có đi làm. Mừng sinh nhật trễ một hai ngày đâu có sao.  Thôi em hãy cầu nguyện và thổi nến đi để mọi người chờ.  Happy Birthday em nhé!

- Dạ em cám ơn chị.  Em ngạc nhiên lắm đó...

Mai, anh Mẫn, cô Thắm, cô Hương và mọi người trong viện dưỡng lão đều tới chúc mừng sinh nhật tôi.

Lần đầu tiên trong đời tôi được mừng sinh nhật, nên tôi đứng lớ ngớ không biết làm gì.  Khi còn ở Việt Nam, gia đình tôi cơm không đủ ăn lấy đâu mà mua bánh mừng sinh nhật.  Thậm chí ngày sinh của tôi hay của bất kỳ ai trong nhà cũng là ngày bình thường như mọi ngày.  Những năm sau này khi chúng tôi đến Mỹ, mặc dầu đầy đủ vật chất, nhưng gia đình ai cũng bận rộn và cũng không bao giờ mừng sinh nhật, nên chúng tôi dường như quên hẳn đi ngày sinh của mình.  Thấy tôi đứng im như pho tượng, mọi người trong phòng cổ vũ:

- Hãy cầu nguyện.... Hãy cầu nguyện....

Tôi đứng trước chiếc bánh sinh nhật, nhìn ngọn nến đang lung linh cháy, tôi chẳng biết mình có ước mơ hay cầu nguyện gì.  Tôi xúc động, hạnh phúc muốn rơi lệ.  Tôi nhìn qua bà Janes và nói:

- Tôi rất cảm động và muốn khóc bà Janes ạ.  Cám ơn bà.  Cám ơn mọi người đã mừng sinh nhật cho tôi.

Nói rồi tôi thổi nến sinh nhật mà không cầu nguyện điều gì cả.  Thổi nến xong, mọi người vỗ tay và chúc mừng sinh nhật tôi lần nữa.  Bà Janes đưa cho tôi con dao, nói:

- Happy birthday to you, again.  Cậu hãy cắt bánh và chia cho mọi người ăn cùng.  Phần còn lại cậu có thể đem về.

- Dạ, cám ơn bà.  Bà Janes ạ.

Sau khi chia bánh cho mọi ở The Virginian ăn bánh xong, trên bàn còn hơn phân nửa.  Chị Hà giúp tôi bỏ phần còn lại của cái bánh vào cái hộp giấy và đưa cho tôi.  Đó là lần đầu trong gia đình tôi ăn bánh sinh nhật của mình.

Làm việc ở viện dưỡng lão The Virginian được gần hai năm, cũng là lúc tôi tốt nghiệp trung học.  Tôi đã nộp đơn đi đại học xa nhà và cũng báo tin cho bà Janes biết là tôi sẽ không làm việc ở đây nữa.  Bà Janes nghe tôi chuẩn bị đi học, bà ấy vui lắm và chúc mừng cho tôi.

Hết mùa hè năm đó, tôi chào từ biệt bà Janes, Mai, anh Mẫn, cô Thắm, cô Hương cùng tất cả mọi người ở The Virginian để tiếp tục cuộc hành trình tìm tương lai cho chính mình.  Tôi nghĩ mình sẽ luôn nhớ mãi những người bạn, những anh chị làm chung.  Bạn Mai, người giúp tôi nhận công việc đầu tiên trên đất Mỹ. Bà Janes, người supervise thật dễ thương.

Mỗi năm cứ đến ngày sinh nhật của mình, đứng trước chiếc bánh và ngọn nến lung linh cháy, tôi lại nhớ đến cảm giác hạnh phúc gần như muốn khóc của mình trong lần đầu mừng sinh nhật năm mười bảy tuổi ở The Virginian.  Tôi biết mình sẽ còn nhớ mãi  mùi vị thơm ngọt của chiếc bánh cà rốt hạnh nhân năm nào.

Võ Phú

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,285,468
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Mùa hè, 16 tháng 9, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là hồi kết bài viết mới nhất của ông về những mùa hè khó quên.
Mùa hè, 19 tháng 6, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Đây là bài viết mới nhân mùa bóng đá.
Tác giả Phan là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giảviết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau đây là bài viết thứ hai của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng, sinh năm 1975, qua Mỹ định cư năm 1992. Từ năm 2000-2005 hành nghề dược sĩ (Consultant Pharmacist), sau đó trở lại học và tốt nghiệp Y Khoa. Nghề nghiệp hiện tại là Physician tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois.
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín - gồm những bài viết được phổ biến trên nhật báo Việt Báo và trên vietbao.com từ ngày 1 tháng Bẩy 2017 tới 30 tháng Sáu 2018 - đã được quyết định tổ chức vào Chủ Nhật 12 Tháng Tám 2018, và 20 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Nhạc sĩ Cung Tiến