Tuổi Hồi Xuân
Tác giả: Minh Thành
Bài số 3031-28331-vb2110110
Tác giả sống tại Ottawa, Ontario, Canada từ 1980. Bút hiệu là tên trường học nơi người viết đã dạy môn Sinh - Hoá từ cuối thập niên 70. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Minh Thành kể chuyện gia đình "Người Mỹ Hàng Xóm"; Hai bài gần đây là "Người Việt Gốc Hoa Vượt Biển" và “Cô Dâu Mỹ”. Sau đây là bài viết mới nhất.
***
Khi chị đang ở giai đoạn sung mãn nhất của tuổi hồi xuân thì hãng điện tử nơi anh chị cùng làm việc gần ba chục năm gửi giấy báo cho biết anh bị laid offf! Thực ra, cái vụ laid off này không còn là điều mới mẻ. Nó đã diễn ra lải rải từ đầu năm ngoái khi khủng hoảng kinh tế chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà ngược lại. Các hãng điện tử đang đua nhau di chuyển hãng xưởng tới những nước kém phát triển để giảm bớt tiền lương phải trả so với lương trả cho công nhân ở các nước tiên tiến nên công việc ngày càng bị thu hẹp lại kéo theo sự giảm bớt nhân viên trong hãng.
Gần ba chục năm làm việc liên tục, qua bao nhiêu lần hãng, xưởng cắt giảm biên chế. Anh chị vẫn trụ vững như những cây cổ thụ nhờ đức tính cần cù, chịu khó, khéo tay ... Bỗng dưng tới lúc phải cầm tờ giấy laid off trong tay, cả hai đều thấy chới với, hụt hẫng không tin vào thực tế lạnh lùng, tàn nhẫn được ghi rõ ràng trên giấy trắng mực đen! Đành rằng hơn năm nay, cái việc laid off đã xảy ra thường xuyên ở nơi anh chị đang làm việc. Đã xảy ra với những người thân, người bạn của mình trong hãng ... nhưng chưa bao giờ họ nghĩ nó sẽ xảy ra với họ dù trong thâm tâm, họ cũng hồi hộp lo lắng mỗi khi có những rỉ tai từ đồng nghiệp: "Hình như hãng đang chuẩn bị laid off"!
Kể ra, gần ba mươi năm cần mẫn làm việc và chi tiêu chừng mực. Anh chị cũng chẳng có điều gì phải lo lắng về mặt kinh tế. Chi tiêu hàng tháng cũng chỉ chiếm hết phân nửa số tiền làm ra. Phần còn lại, bỏ ngân hàng, mua bond, GIC ... Lãi xuất hiện tai tuy không cao nhưng vẫn đều đều có thêm một khoản tiền thặng dư hàng tháng. Cái nhà trả hết mortgage từ lâu. Các con đã lớn. Đứa con đầu tốt nghiệp đại học, đang đi làm với số lương hơn hẳn cha mẹ. Lương lĩnh hàng tháng về chỉ cần trích một phần dùng chi tiêu cho nhu cầu riêng của nó. Khoản ăn uống, nhà cửa đã có bố mẹ lo. Số dư thừa được mẹ khuyên bỏ vào ngân hàng dành mua nhà riêng sau này khi chúng lập gia đình. Đứa nhỏ, cũng gần xong đại học nhưng anh chị không phải băn khoăn về tiền học hoặc chi tiêu lặt vặt vì nó được học bổng lại làm co-op nên mang tiếng là sinh viên mà trong ngân hàng vẫn có tiền rủng rỉnh .
Thực sự mà nói, tin anh bị laid off làm cho chị chới với, hụt hẫng hơn anh! Phần lớn người vợ thường hay lo lắng cho kinh tế gia đình nhiều hơn người chồng !. Chính vì lo xa nên những lúc công việc xuôi chảy, tiền vào đều đều, chị vẫn không hề phung phí, tiêu pha bừa bãi. Gần ba chục năm mà anh chị cũng mới đi du lịch vài nơi gần nhất như nước cộng hòa Dominican, Cuba ... theo nhóm bạn cùng hãng tổ chức đi theo đoàn. Cả hai vợ chồng đều chịu khó, không cờ bạc, rượu chè... nên kinh tế gia đình rất ổn định. Không đến nỗi phải lo lắng nếu như chẳng may, anh bị laid off vĩnh viễn thì cái khoản tiền bù cũng như số ngày vacations còn rất nhiều của anh cũng đủ kéo dần đến lúc anh hưởng lương hưu. Cùng lắm, đành lấy hưu non! Mà điều đó rất khó xảy ra vì dù sao, chị vẫn còn đang làm việc. Hình như, cái lợi của hai vợ chồng cùng làm chung hãng là ít khi nào cả hai cùng bị laid off. Không biết đó là luật bù trừ của thượng đế hay tính toán của lương tâm con người " Dù sao chăng nữa, những lo xa từ trước của chị đã giúp anh chị giảm bớt lo lắng về kinh tế bị ảnh hưởng bởi sự rủi ro này.
Về lý thì có vẻ ổn nhưng chị vẫn bần thần nghĩ ngợi. Giờ nghỉ trưa, mấy Mít cùng chung hãng lại tụ tập ngồi gần nhau tả oán. Tới gần một nửa bị "dính" không vợ thì chồng! Tuy nhiên, công bằng mà nói, các sắc dân khác cùng làm còn bị laid off nhiều hơn Mít nhà ta. Có thể Mít chịu khó, hoặc may mắn hơn, đang làm ở những bộ phận còn cần người ... Không biết tin nào chính xác cả. Mỗi người đoán một ý. Người bị laid off hôm nay thì rầu rĩ còn người chưa bị lại phâp phồng dự đoán tương lai của mình, của hãng xưởng, mà tương lai thì: "Whatever will be will be" !
Mấy tuần đầu sau khi anh bị laid off. Chị đi làm về đến nhà đều thấy anh có vẻ bồn chồn chờ đợi. Anh cũng hớn hở vào vai người nội trợ đảm. Dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa tối sẵn sàng. Trước kia, khi cùng nhau về nhà sau buổi làm, anh cũng lăng xăng dưới bếp phụ chị nấu ăn bữa tối nhưng anh chúa vụng, nhặt hộ mớ rau cũng không sạch. Thái thịt bò miếng dày miếng mỏng...chỉ làm vướng tay. Thường thường, chị đuổi khéo anh lên phòng khách xem TV để chị tự làm cho nhanh. Chị vốn thích nấu ăn nên chịu khó học hỏi các món ăn lạ, ngon từ bạn bè hoặc sách vở. Nấu ăn đối với chị như là thú tiêu khiển nên chị vào bếp chỉ "múa" (từ anh thường dùng để tự hào cái nhanh nhẹn, đảm đang của vợ hiền ) một lúc là cơm canh nóng hổi đủ canh đủ rau cùng thịt cá. Anh xem TV nhưng cũng thỉnh thoảng chạy xuống bếp "nịnh đầm" vài câu. Có vẻ như anh áy náy khi thấy chị nấu nướng trong bếp một mình sau tám tiếng miệt mài làm việc ở hãng như anh! Bây giờ, anh vào vai chính nấu bữa tối cho cả gia đình để "chuộc tội" bị laid off nằm nhà cho nữ nhi ra trận. Thấy anh háo hức chờ cả nhà thưởng thức và bình phẩm món ăn do anh đạo diễn. Chị không nỡ nói thẳng nhận xét mà chỉ gật gù "Ăn cũng được"! Hoặc "ngon quá nhưng hôm nay em không đói nên ăn ít"... cho anh khỏi tủi thân! Bọn trẻ con thì miễn bình luận! Ăn không được chúng gọi pizza tráng miệng "dinner" thay cơm.
Rồi chị cũng khéo léo viện cớ để anh "nhường" phần nấu ăn cho mình. Chị đâu biết chị đã bước đầu tạo cho anh thói quen ỷ lại cùng với thời gian rảnh rỗi quá nhiều không biết làm gì nên anh phải tìm thú tiêu khiển cho mình để giết thì giờ. Dĩ nhiên anh không đi casino vì anh thừa biết "cờ bạc là bác thằng bần"! Trong ba thú có hại nhưng người đàn ông lại đam mê theo cụ Tú Xương nhận định: "Một trà, một rượu, một đàn bà" anh cũng đủ cả ba theo mức độ khác nhau. Trà là thứ anh nghiện nhất, nhưng uống trà đâu có hại " Rượu, anh chỉ nhấp môi khi có bạn. Đàn bà dĩ nhiên không thể thiếu trong cuộc đời nhưng anh thích ăn cơm nhà hơn ăn phở! Muôn đời cơm là món ăn ngon lành, bổ dưỡng với anh. Tóm lại, anh không đi casino nướng tiền, không say sưa tửu quán, không gái gú bên ngoài mà chung thủy với người vợ đã mấy chục năm chia sẻ buồn vui. Nghe ra, anh là người đàn ông hoàn toàn, chẳng có gì khiến cho chị phải phiền lòng.Vậy mà chị lại phiền lòng về một thú tiêu khiển khác của anh. Rất ư là phiền lòng . Chị phiền đến độ có lúc chị chán đời, thấy đời là vô nghĩa. Chị đã nghĩ đến giải pháp ly dị để trút bỏ nỗi muộn phiền này. Nếu như không nghĩ về những đứa con ngoan ngoãn lúc nào cũng cần có đầy đủ cha mẹ, chị chẳng còn thiết tha với cuộc sống!