Hôm nay,  

Bến Đục, Bến Trong

26/12/201800:00:00(Xem: 19651)
Tác giả: Tố Nguyễn

Bài số 5582-20-31388-vb4122618

 
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017,  tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài,  cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles,  thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng,  tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây,  thêm một bài viết mới.

 
***
 

Cali những buổi sáng cuối năm trời se se lạnh, mẹ tôi lại theo ra đóng cổng cho tôi đi làm, cười tươi chào bà hàng xóm đang vui vẻ dắt chó đi qua. Mẹ hay than: “Hàng xóm Mỹ mà, cười thôi chứ có biết nói gì đâu!”. Quiet -“im lặng là vàng" ở những khu nhà trên xứ cờ hoa, khác xa với cái xóm chợ ồn ào của tôi khi xưa ở Việt Nam.

Nếu theo câu "thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu”, thì hầu hết đàn bà trong xóm nhỏ của tôi ở Việt Nam dường như “tấp” phải vào bến đục. Những năm 80, đời sống khổ nghèo, các bà vợ ai cũng vất vả ngược xuôi buôn bán, nhưng đến chiều về là bị các ông chồng say xỉn vác cây rượt chạy vòng vòng,  náo động cả xóm. Chỉ có hai nhà không có cảnh bà vợ “vừa chạy vừa la”, là nhà tôi và nhà sát vách.

Nhưng hai người đàn bà không bị cảnh chồng đánh đập lại có hai phận đời hoàn toàn trái ngược nhau. Ở sát nhà tôi là nhà  ông "cán bộ" làm về đất đai nên lúc nào cũng tấp nập khách khứa đến "nhờ vả". Bà vợ ông chỉ ra vô sửa soạn áo quần, nhà cửa chờ đến chiều chiều là khách mang quà tới. Ông chồng đi làm về là ngồi trên bàn nhậu với đủ món "sơn hào hải vị" cùng khách đến khuya, nên không còn giờ đâu mà rượt đánh vợ.

Nhà “cán bộ” có cậu con trai lớn hơn tôi ba tuổi, thường rủ tôi chui hàng rào qua chơi trốn kiếm, tạt lon. Có một lần, tôi sang chơi  và rất ngạc nhiên thấy bà vợ ông ngồi khóc. Thấy tôi cứ đứng nhìn lấm lét, cậu bạn lật đật kéo tôi ra sau nhà nói nhỏ vào tai "Đừng nói ai nghe vụ ba tao có vợ bé nghe chưa!"

Còn nhà tôi, một nhà "phó thường dân"  làm quần quật từ sáng đến tối, chỉ có ông ngoại tôi là người đàn ông duy nhất trong gia đình. Ông tôi rất cưng bà ngoại và mẹ, lại hay đi làm xa nên không có chuyện say sưa đày đoạ vợ con. Tôi thấy thật xót xa cho những thân phận đàn bà  khác trong xóm, dù là lam lũ hay sung sướng thảnh thơi, dù là khóc một mình hay khóc cho cả làng cùng nghe thấy.

Sau tháng 4 năm 1975, mẹ tôi không còn được học ở Sài Gòn, phải trở về quê xin đi dạy học. Ba tôi đi vượt biên, mất liên lạc, rồi có gia đình mới. Bà ngoại có một tiệm tạp hoá ngoài chợ, sáng sáng là cả nhà ra dọn hàng để bán. Mẹ tôi sau khi dọn hàng xong là phải tất tả đến trường, xong giờ lên lớp thì chạy thẳng ra ngoài hàng cho bà ngoại tôi về nhà. Hôm nào đắt hàng hay mưa bão thì bà ngoại lại trở ra chợ mà phụ mẹ cho đến chiều tối mịt.

Thời ấy, các ông "cán bộ" thấy những người gọi là "bà goá" như mẹ tôi thì cứ thích vờn quanh. Nhiều người cùng trang lứa với mẹ tôi đã xiêu ngã, làm "vợ bé" cho những ông lắm của nhiều tiền, con cái của họ cũng được hưởng lây. Khi tôi cọc cạch chiếc xe đạp cũ đến trường, thì chúng đã có những chiếc xe mới tinh còn thơm mùi sơn bóng loáng...

Năm tháng trôi qua, mẹ tôi vẫn không có một bến đậu nào, khi xã hội loạn lạc nhiễu nhương, xung quanh là những người đàn ông hoặc là “bụng béo” kiêu căng hợm hĩnh, hay những người thất chí đói rách làm quần quật còn không đủ nuôi sống bản thân. Cái bến trong mơ của mẹ tôi theo tuổi tác cứ  càng ngày càng xa vời vợi.  Tôi còn quá ngây ngô để hiểu được nỗi buồn của người đàn bà không có một cái bến, dù là "bến đục" để tựa nương,  chỉ thấy mẹ may mắn không có chồng nên không bị rượt đánh hay ghen tương tức tưởi.

Tôi đi học về thì hay mang cơm ngoại nấu ra ngoài hàng cho mẹ. Hàng bên cạnh là của 4 mẹ con, người mẹ cũng trạc tuổi mẹ tôi, chồng cũng đi vượt biên rồi mất tích ngoài biển. Hàng giữa chợ là  dãy dù che vá víu của một bà người Cam Bốt tên Sari.

Bà Sari cũng goá chồng, có một đứa con gái cũng ốm tong teo như bà vậy. Khi tôi mang cơm ra thì hai mẹ con bà Sari đã ngồi sẵn đó, bày bán đủ thứ từ cây chổi rơm đến những trái dừa khô, cốm dẹp… Bữa trưa của hai mẹ con bà Sari cũng đạm bạc như những manh áo quần nhăn nheo sờn mép mà họ mặc trên người,  thường chỉ là thố cơm khô khốc cùng miếng dưa mắm cong queo.

Tôi nhớ có những ngày mưa bão dầm dề, dãy cống trong chợ bị rác chèn nghẹt cứng, nước không chảy được nên dâng lên cao đến  đầu gối, mọi người phải đội áo mưa mà dọn, che hàng cho khỏi ướt. Những lúc ấy, mẹ và bà ngoại tôi vẫn không cho tôi ra ngoài mưa. Mẹ mặc cho tôi thêm áo lạnh, bà ngoại còn quấn luôn cho tôi chiếc áo mưa mỏng bên ngoài. Lũ trẻ hàng bên cạnh và con gái bà Sari không được may mắn như tôi, dù  đứa nào cũng ốm yếu nhỏ con, phải lao ra ngoài mưa cùng mẹ chúng để che chắn, bưng những thùng hàng bên dưới chất vào trong.

Tôi ngồi co ro giữa quầy hàng, nhìn những giọt nước mưa lăn dài trên tóc, trên má  những người đàn bà, trẻ thơ lam lũ, khi bên dưới là dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy, tự hỏi lòng mình, bao giờ thì mẹ tôi, mẹ chúng mới thoát khỏi cái "bến đục" hẩm hiu này?

Khi mẹ con tôi đùm bọc nhau chống chọi giông bão chợ đời, bên kia bờ đại dương, giữa nước Mỹ mênh mông tưởng như vừa "hoàn hồn" sau cuộc chiến Việt Nam, Becky, bà chủ của tôi, cũng trải qua những ngày tháng lao đao...

 

*

Becky tỉnh dậy sau giấc ngủ chập chờn, nhìn mưa tuyết rơi ngoài cửa sổ, mùa đông Washington như xát thêm muối vào vết thương lòng của người goá phụ mới 24 tuổi đời. Becky nhắm mắt lại, những ngày tháng đau buồn như cuốn phim quay ngược, lần lượt hiện về.

 Becky thấy mình ngồi trên xe, tay ôm chặt hai em, cổ ngoái lại  nhìn những cánh đồng quê Bakersfield yên ả, nơi Becky và 2 em sống cùng bà ngoại suốt 6 năm qua, từ từ khuất dần sau màn sương lạnh. Hôm nay mẹ Becky trở về, rước 3 chị em và bà ngoại về Los Angeles để sống cùng người cha kế.

Mẹ Becky sanh thêm 3 đứa em. Kể từ ngày về Los Angeles, Becky phải làm đủ mọi việc của một người có con mọn, giúp bà ngoại trông nom và chăm sóc ăn uống, vệ sinh cho lũ em 5 đứa khi mẹ Becky và cha kế phải quần quật đi làm. Sau giờ học, Becky một tay bế, một tay dắt em tha thẩn chơi trong con ngõ hẹp đầy vỏ chai bia và tàn thuốc hút, khi  cách đó không xa là Hollywood sang trọng phồn hoa.

Không có tiền đi xe bus, trong khi school bus lại chẳng tiện đường, Becky vẫn vui vẻ ca hát líu lo cuốc bộ hơn 3 dặm đường cả đi lẫn về để đến trường.  Bà hẹn hò với  Gabriel, chàng trai cao to với nụ cười thật tươi  học ngay lớp bên cạnh. Rồi một đám cưới đơn sơ kết nối hai người giữa những tháng ngày sôi sục của cuộc chiến Việt Nam.

Chẳng bao lâu sau ngày cưới, Gabriel từ giã Becky lên đường đến vùng khói lửa. Mỗi ngày sau giờ làm việc ở tiệm ăn nhanh, Becky đều ghé lại nhà thờ cầu nguyện cho chồng trong lo âu, khi ngày ngày đón thêm nhiều tin xấu từ bên kia bờ Thái Bình Dương.

Mỹ rút quân khỏi  Việt Nam,  ngày đón Gabriel trở về, Becky bỗng có cảm giác thật là kỳ lạ. Ngoài những vết cắt trên thân thể, Gabriel vẫn còn cao to vạm vỡ, nhưng dường như hồn đã để lại nơi đâu. Gabriel hay trầm ngâm nhìn về khoảng không vô định, thỉnh thoảng lại lẩm bẩm "thật là khủng khiếp, thật là khủng khiếp".

Nghe kể lại đoàn hành quân trúng phải ổ phục kích, những đồng đội ngã chết, những mảnh thân thể văng tung toé trước mặt Gabriel. Ông tỉnh dậy trong bệnh viện với những vết thương khắp người, may mắn sao không có vết nào nguy hiểm tính mạng. Nhưng sau khi đó, Gabriel không thể nào ngủ được nữa, khi nhắm mắt, Gabriel lại thấy máu, thấy những mảnh xương thịt từ thân thể người bạn vừa khoe hình đứa con trai đầu lòng bay bay trước mặt.


 

Gabriel cứ tìm mọi cách mua thật nhiều thuốc an thần, càng uống, tâm trí ông càng bị rối loạn, lúc thì vui thật là vui, lúc thì ngồi im lặng buồn bã một mình. Rồi Gabriel bắt đầu tìm quên bằng những cuộc tiệc tùng chè chén say sưa ở những quán bar, nơi cộng đồng người Mễ Tây Cơ thường hay tụ tập.

Becky không uống rượu, Gabriel một mình đi bar, tụ tập hút cần sa, gặp gỡ và đùa giỡn với những cô gái trẻ, và dần dần bị cuốn hút vào những cuộc chơi tội lỗi, tưởng như quên mất người vợ hiền. Becky luôn tha thứ khi ông khật khưỡng trở về sau cơn say và khóc nức nở dưới chân bà.

Với vốn sống ít ỏi của một cô gái Mễ nghèo, Becky loay hoay không biết phải làm sao. Cho đến ngày Gabriel và Becky đón đứa con trai đầu lòng, bà càng thấy mình cần Gabriel mỗi khi ngắm con. Bé giống cha y hệt, từ ánh mắt đến nụ cười.

Có bé ra đời, Gabriel tạm xa dần những quán bar, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Có đêm tiếng chuông điện thoại nhà đổ vang, Becky nhấc máy và rụng rời nghe lời mắng té tát của một người ông xa lạ: "Bà là Becky, Mẹ của tên Gabriel? Mau ra mà gọi con trai bà về, không thì tôi sẽ bắn nát đầu nó vì tội dụ dỗ con gái 16 tuổi của tôi!"

Sáng hôm sau, bà lại thêm một lần quỵ ngã khi được bác sĩ cho biết rằng mình nhiễm bệnh STD, bệnh lây qua đường tình dục do sự phóng túng của Gabriel. Becky khóc như mưa như gió,  trách cuộc chiến Việt Nam đã lấy mất của bà người chồng hiền lành tốt tính, giao cho bà một ông Gabriel hoàn toàn xa lạ,  biến cuộc sống bà thành địa ngục giữa trần gian.

Gabriel lại khóc lóc xin tha thứ, Becky lại mềm lòng đón nhận khi nhìn đứa con trai bé bỏng gọi "ba ba".  Rồi mọi việc lại tiếp diễn, Becky lại vào ra cấp cứu nhiều lần trong bệnh viện vì những bệnh tình vừa chữa xong thì tái lại do sự hoang đàng của Gabriel.

Một ngày hè, Becky vừa ra khỏi bệnh viện trong sau một  cuộc điều trị 5 ngày, thì một tốp cảnh sát tiến đến trước mặt bà. Họ báo tin Gabriel vừa bị bắn chết, không rõ nguyên nhân! Becky đón nhận tin chồng mất mà như tê dại cả người.  Cảnh sát cho biết Becky phải gấp rút rời khỏi Los Angeles vì sự an toàn. Bà một mình bồng con về tiểu bang Washington ở nhờ nhà người anh họ.

Mới đây thôi mà Becky ở Washington đã được 6 tháng rồi…

Chuông điện thoại reo vang, cắt ngang dòng phim đau buồn của Becky. Bà nhấc máy thật nhanh, không muốn chuông reo lâu làm thằng bé con tỉnh giấc. Cảnh sát báo tin đã điều tra xong vụ giết Gabriel, bà có thể trở lại Cali.

Becky bồng con về lại khu phố nghèo phía tây Los Angeles. Khu xóm vẫn nhếch nhác như ngày nào, vỏ chai bia và tàn thuốc vương vãi khắp nơi. Becky nhìn những tia nắng đầu xuân vờn trên khóm hoa dâm bụt trước nhà, bà chợt như bừng tỉnh dậy sau một giấc ngủ mê. . .

Becky tìm việc làm, bà gửi cậu bé đi học và trở lại trường lấy  những lớp học còn dang dở. Mỗi ngày chở bé con lên xuống con dốc cao để đến trường rồi tất tả chạy vào chỗ làm cho kịp giờ. Suốt sáu năm liền chạy ngược chạy xuôi, Becky vẫn giữ ý chí phải học cho xong mảnh bằng đại học. Becky nhất định phải đưa con trai mình ra khỏi khu xóm đầy những người đàn ông say sưa với rượu chè và hơi khói cần sa.

Một ngày kia, chiếc xe cũ kỹ bỗng giở chứng giữa con đường  không một bóng người. Becky loay hoay đề máy và tự sửa như mọi lần, nhưng lần này nó thật là “phản chủ”, cứ nằm im phăng phắc. Mồ hồi chảy ròng ròng, tóc tai rũ rượi, Becky bỗng nghe một giọng nói ấm áp vang lên phía sau lưng: "Becky, để tôi xem có giúp được gì không!" Becky giật mình quay lại, thì ra là John, người bạn từng sống gần nhà cũ của bà.

Không hề trông mong gặp lại ông bạn láng giềng cũ trong cảnh "thê thảm"như vầy, Becky ngượng ngùng hỏi: "Lâu rồi không gặp, John khoẻ không?"John cười hiền hậu, ánh nắng lung linh trên đôi gò má đỏ hồng của chàng trai Mỹ trắng làm Becky bỗng e thẹn quay đi. John loay hoay một hồi thì chiếc xe chạy được, nhưng ông có vẻ rất lo lắng, hỏi xin địa chỉ của Becky vì cần phải thay một số phần trong xe để chắc chắn nó sẽ không "nằm đường" nữa.

Sau lần sửa xe đó, John lui tới nhà Becky thường xuyên, lần nào cũng mua theo quà  cho cậu con trai nhỏ,  tìm sửa những món lặt vặt trong nhà khi Becky ngồi học bài bên cửa sổ. Cậu bé ngày nào cũng nhắc: "Hôm nay bác John có tới không mẹ?" Nhìn John dìu thằng bé tập những vòng xe đạp đầu tiên, Becky chợt nghĩ "Uớc gì con mình có một người cha như John!”

Rồi một ngày mùa thu, John đến nhà Becky, mang theo một bó hoa hồng cùng chiếc xe đạp mới. Khi John ngượng ngùng luống cuống ngỏ lời cầu hôn, Becky ngỡ ngàng, không dám tin vào sự thật, ái ngại nhìn John: "Anh chưa từng có vợ con,  anh cũng biết em không thể sinh con được nữa vì bệnh STD, anh không ngại thật sao?"

John khẽ vuốt tóc Becky, hướng mắt về thằng bé đang tung tăng với chiếc xe đạp mới ngoài sân: "Anh không ngại, mình đã có con trai kia rồi, chúng ta cùng nhau nuôi dạy con, chúng ta sẽ là một gia đình!"

Có nằm mơ Becky cũng không nghĩ mình sẽ được mặc áo cô dâu lần hai bước vào lễ đường bên người đàn ông thật tốt như John. Thằng bé con Becky còn vui hơn cả mẹ, chạy tới lui, cười reo tíu tít.

Trao chiếc nhẫn cưới cho Becky, John rưng rưng nói lời thề nguyện: "Trọn cuộc đời này, dù sướng khổ buồn vui, anh sẽ luôn bên mẹ con em!" Sau màn lệ nhoà cả lớp khăn voan cô dâu, Becky lại thấy những tia nắng mùa xuân nhảy múa rộn ràng trên khóm hoa dâm bụt ngoài sân trước nhà thờ.

John luôn giữ lời thề, ông và Becky đã ở bên nhau hơn 30 năm, nuôi dưỡng con trai khôn lớn thành người. Có những lúc suy trầm kinh tế, nhà Becky cũng lao đao, nhưng họ vẫn chăm chỉ, cần cù làm việc và nương tựa vào nhau. Những ngày tháng lam lũ nơi khu xóm Mễ Tây Cơ đã lùi thật xa, giờ gia đình Becky đã sống trong một khu bình yên trên vùng đồi núi Santa Clarita đầy nắng.

 

*

Becky hay nói, bà vẫn may mắn hơn bao nhiêu người đàn bà ở bên kia bờ Thái Bình Dương sau cuộc chiến Việt Nam, nơi mà  cơ hội "đổi đời" chỉ được dành riêng cho một số ít người. Như mẹ tôi,  mẹ vẫn là cô giáo nghèo lẻ bóng đi về, cho đến ngày được đặt chân sang Mỹ với mái tóc pha sương.

Becky tìm được một bến nước trong, mẹ tôi cũng may mắn rời khỏi dòng nước đục nơi xóm chợ mưa gió ngày xưa để cùng sống với con cháu trên xứ cờ hoa. Thằng cháu ngoại bây giờ là "người đàn ông bé nhỏ" của bà, "bến nước" trong trẻo này chỉ làm bà rơi nước mắt vì hạnh phúc mà thôi.

Năm tháng trôi qua, bà vợ "cán bộ" bên cạnh nhà tôi ở Việt Nam đã không còn khóc nữa, mà dốc sức vào nuôi chồng bị bệnh thận bệnh gan. Ông bị mất chức, "về vườn" trước tuổi hưu với đủ thứ bệnh, hậu quả của một thời "ăn trên ngồi trước". Còn bao nhiêu người đàn bà lam lũ ngoài xóm chợ xưa kia,  tôi chạnh lòng tự hỏi bao giờ thì họ mới tìm được bến nước trong giữa dòng đời bon chen nơi xứ "thiên đường"?

Như bao bạn bè trang lứa, tôi không phải lệ thuộc nhiều vào "bến nước" của đời mình, càng thấy mình may mắn và ngưỡng mộ Mẹ tôi và bà Becky.

Mẹ đã không bị  xa hoa cám dỗ, không gật đầu làm "vợ bé" của những ông "cán bộ", chấp nhận sống cảnh đời mưa gió cơ cực bên tôi và ông bà ngoại, cho tôi luôn ngẩng cao đầu tự hào “nghèo cho sạch, rách cho thơm”.

Becky, bà chủ của tôi, cũng vượt qua bao nhiêu đau khổ, cố gắng làm lụng học hành để ra khỏi khu xóm nghèo nàn đầy tội phạm, vươn lên gặp John, bến nước trong veo của đời bà.

Một mùa xuân nữa lại sắp về trên quê mới, nắng lại lung linh trên khóm hoa dâm bụt trước nhà tôi. Xin cầu nguyện cho mẹ tôi, bà Becky và cho tất cả những người mẹ trên thế gian này luôn có được một “bến nước” bình yên phẳng lặng, dù là muộn màng trong buổi hoàng hôn.

Tố Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
28/12/201803:15:02
Khách
A Tố cám ơn bác Van Tran, Cô Iris và anh Từ Huy thật nhiều.

A Tố học được rất nhiều điều từ ngày tham gia VVNM. Tố được gặp gỡ,kết bạn cùng những tác giả mà A Tố đã thầm ngưỡng mộ,Tố nhận được những lời khuyến khích chia sẻ ưu ái từ những độc giả như bác Van Tran,anh Từ Huy...Những "bạn văn,khách thơ" và những bài trong mục VVNM đã giúp Tố nhận ra "chân thiện mỹ" mà cuộc sống bộn bề làm Tố lãng quên đi.
Tố mến chúc Bác,Cô và Anh cùng quý độc giả VVNM "thân tâm luôn an lạc",cùng đón một mùa xuân thật tươi thật đẹp bên những người thân thương yêu dấu của mình.
27/12/201818:30:05
Khách
Một bài viết hay cả về nội dung lẫn lời văn !

Duyên số cả ! Nếu bị các sao Cô Thần, Quả Tú ám thì không nên vợ, nên chồng được với ai. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng . Có duyên, chân trời góc biển cũng sẽ gặp người chồng hay vợ tương lai. Vô duyên trước mặt cũng như không. Có câu chuyện thực rằng một cô gái bị mù chẳng có nhan sắc ở tuốt bên Việt nam, tưởng rằng suốt đời rồi sẽ sống cô đơn. Rốt cuộc, được một anh chàng mắt xanh, da trắng, đẹp trai ở mãi bên trời Âu ngỏ lời cầu hôn, và kết thành vợ chồng - Họ biết đươc nhau qua internet.

Lại nữa là "Phận gái 12 bến nước: Trong nhờ - đục chịu ". Tất cả đều là hên, sui !

Có người thì nghe theo lời khuyên "lấy chồng nên theo tiếng gọi của trái tim". Thế nhưng không ít người đã " yêu lầm tướng cướp".

Có người thì cân đo đong đếm , suy nghĩ ngày đêm trước khi quyết định lấy chàng. Thế nhưng con người ta có lúc vầy lúc khác, tính tình lòng dạ thay đổi theo thời gian. Sau đám cưới, anh chàng " quý hóa " ngày nào nay sanh tính nghiện bia rượu giở đòn vũ phu đánh vợ sưng mặt , hoặc lăn vào sòng bạc có bao nhiêu tiền thì nướng sạch, hay sa vào những cuộc tình trăng gió , v...v...

Dù gì đi chăng nữa, trong mục Ann Landers, Dear Abby trên các báo Mỹ, họ khuyên chớ nên " Yêu nhau chín bỏ làm mười ", đừng tha ông chồng về những lỗi lầm nghiêm trọng hết lần này đến lần khác, mà nên ly dị ngay đi là hơn.

Những người có số sống độc thân-" bến vắng" - đừng nên lấy thế làm buồn. Vì người ta thường nói " Hôn nhân như cái nhà vệ sinh". Người bên ngoài thì rất muốn vào nhanh. Còn người bên trong lại rất muốn ra nhanh.
27/12/201808:06:39
Khách
Cô chờ mãi mới thấy A Tố viết về mẹ. Hay! Viết nữa đi Tố.
26/12/201810:02:18
Khách
A Tố, bài viết thật hay! Cho anh những rung động dịu dàng, những lắng đọng bình an trong mùa vinh danh tình yêu này.
Tâm hồn thiện lương, chính trực trong cảnh đời mưa gió cơ cực xưa của mẹ A Tố, của Becky đã được đáp đền với hậu vận thái lai.
Mùa thanh bình của nhân loại và năm mới đang đến, anh thân mến chúc A Tố và những người A Tố gần gũi thương yêu mãi luôn triền miên hạnh phúc!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,304,522
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài tiếp.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới, về chương trình Hospice cung cấp cho người bệnh trong tình trạng chờ mãn phần, không phân biệt tuổi tác, tình trạng gia đình hay lợi tức.
Tê Hát I Cờ Rét là bút hiệu của Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Tên do Cụ bà Trùng Quang gọi chàng theo lối đánh vần kiểu Bắc kỳ cũ. Sau đây là bài viết thứ tư của chàng, sau 5 năm biến mất. Viết tiếp!
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹthứ hai của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông tiếp tục làm thơ và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên.
Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O1. năm 1990, hiện đã về hưu, an cư tại Westminster. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2008, đã góp nhiều bài viết giá trị, từng nhận giải đặc biệt. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến