Hôm nay,  

Mùa Kỷ Niệm

20/12/201800:00:00(Xem: 14211)
Tác giả: Minh Thúy

Bài số 5577-20-31383-vb5122018

 
Tác giả lần đầu dự VVNM từ tháng 11 và đây là bài viết thứ hai của bà. Sinh năm 1955, qua Mỹ năm 1985, tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý, người của sông Hương núi Ngự. Hiên nay còn làm việc và đang cư ngụ tại thành phố Hayward thuộc miền Bắc Cali. Xin lưu ý: Bút hiệu Minh Thúy có thể lầm với tác giả đã dự VVNM từ 2005: Minh Thùy (dấu huyền). Mong tác giả tiếp tục viết.
 

***
 

Hôm nay nhân dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc bề bộn, Thi đem tập albums ra lau bụi và nhân đó xem lại.

Lật từng trang hình, ký ức thênh thang bỗng về như đang xem phim. Mỗi mùa Noel tới là nhắc nhở kỷ niệm ngày đặt chân đến xứ tự do, nên trong lòng thấy nao nao lạ thường. Chuyện như in trong đầu dù đã mấy chục năm qua...

Trước khi qua Mỹ, lúc đang còn ở trại tỵ nạn, chị em bạn gái thường nhắc nhau: “Phải may nhiều bộ áo dài đem qua đó để đi dự tiệc, dân Á Đông mình không mấy cao, nên sắm thêm giày cao gót nữa...”

Thi cũng không ngoại lệ khi ai nấy đều vẽ vời, tưởng tượng về cảnh thiên đàng trước mắt trên đất Mỹ. Lúc nhận được tiền chồng gửi qua trại, Thi cũng nhờ người mua dùm 4 xấp vải đẹp, 2 màu nhạt đi tiệc ban ngày và 2 màu đậm dùng cho tiệc ban đêm. Chưa hết… vì lo chiều cao khiêm nhường của mình, lo không ai làm giày cao gót ở nước Mỹ, vì dân Mỹ đã cao rồi, Thi tậu thêm đôi giày cao gót cho ăn chắc

Bước chân đến đất nước Hoa Kỳ (tiểu bang California), Thi chỉ mặc bộ lụa mỏng, lạnh run, mẹ chồng hối ông xã Thi chở đi sắm đồ ấm. Chàng ghé nhà bank kéo máy ATM, tờ receipt nhảy ra kèm tiền, chàng nói rất nhỏ lúc nhìn giấy nhưng Thi cũng nghe được “balance zero”, Thi chẳng hiểu gì và cũng không thắc mắc, chỉ muốn đến shop xem ra sao thôi, để được mở lớn mắt nhìn nơi mua bán rực rỡ hoa lệ xứ người thôi

Ở nhà 2 hôm để lo thủ tục giấy tờ xong, thì vợ chồng người em nhờ Thi lên tiệm bánh phụ giúp vì công việc khá nhiều, Thi sẽ đi theo xe họ và lệ thuộc giờ giấc luôn.

Ngày đầu đi làm, Thi dậy sớm 4 giờ sáng, bết một mặt phấn son, mặc áo tém thùng rất lịch sự cho ra vẻ dân Mỹ quốc

Công việc đầu tiên là rửa hai sink chén bát, dụng cụ làm bánh, kế tiếp roll bánh croissant, làm Sandwich và các loại bánh ngọt khác

Thi làm tháng 30 ngày luôn theo sự cần thiết của người em, ra đi trời còn tối, trở về trời còn tối hơn ...rồi thì mặt mày cũng tái mét, hết xanh đỏ, áo không còn tém quần nữa, khi ấy Thi có chút hiểu mấy áo dài mình bị...ế là phải

Tháng kế, xe chồng Thi bị hư để ở nhà, Thi hỏi, mới biết không có tiền sửa, Thi mở trí óc ra thêm chút nữa về cuộc sống ở Hoa Kỳ. Chồng vất vả vừa làm vừa học, vậy mà lúc ở đảo, Thi cứ nghĩ chuyện qua Mỹ để đi dự tiệc, ăn, hưởng. Chưa hết, lần đầu tiên lãnh lương, Thi gởi trọn về VN, nhưng VN cũng không hiểu như Thi trước đây, nên trách móc phân bì đủ điều. Thi bắt đầu thức tỉnh, ngưng bớt chuyện VN để dồn tiền mua xe trả góp.

Tại tiệm, có anh Đô ngày làm việc cho hãng điện tử, chiều đến tiệm làm partime. Trước 75, anh là lính VNCH, cấp bậc Trung úy. Thấy mọi người quở anh làm nhiều, anh thường cười nói:

-“Vì tên tui là Đô, nên qua đây tui mê đô la quá, nếu mỗi tháng có 35 ngày chắc tui cũng đu theo làm, buông không được mấy chị ơi...”

Vậy là từ đó anh được thăng chức “Thiếu tá Đô”, và Thi cũng đạp theo chân thiếu tá Đô luôn, nhưng sau thì được biết sở dĩ anh cố làm việc nhiều như thế là để lo vợ con và cha mẹ già bệnh nặng nơi quê nhà

Khoảng 3 tháng sau, gia đình có cô em đám cưới, gặp ngay ngày có khách đặt bánh nhiều, cố gắng nhanh tay đến mấy thì 7 giờ tối vợ chồng người em và Thi mới ra khỏi tiệm.

Sực nhớ Thi chưa có quần áo mặc dự đám cưới, gia tài được mấy áo dài tối qua về thử lại thì bị chật, sẵn có tiệm K Mart nằm khu đó, 2 người chờ Thi ghé mua, Thi vội vã chọn áo đầm màu xanh size L với vẻ hớn hở được làm bà đầm ...quý phái tối nay

Về nhà vắng vẻ, mọi người đã đi đâu hết, Thi thay đồ rồi chạy sang phòng mấy cô em ở chung tìm ít thứ trang điểm (phấn son mua ở đảo Thi đã để lạc đâu mất sau thời gian lâu không dùng). Trên bàn bày tùm lum, gấp gáp quá, Thi chụp ống son tô lên thấy môi đỏ chót màu bã trầu khi soi gương thiệt giống...mấy mệ quá:  “ Kệ ...không còn thì giờ nữa”, vừa nghĩ vừa lấy sợi dây hột nhựa dài lòng thòng đeo vào cổ, lấy đôi bông tai to đeo lên nhưng một chấu phía sau không có, Thi tự nghĩ “cứ mắc vô tai, kệ không rớt mô ...” rồi lật đật chạy khi nghe tiếng người em réo gọi “ Lẹ lên chị Thi ...trễ quá rồi ...”

Đến nơi, ông xã Thi ra đón, vài cặp đẹp sang đến chào, nhiều tiếng gọi chồng Thi “Văn! giới thiệu bà xã đi...”

Thi được dẫn đi chào các bà con, bạn bè của chồng, chợt một anh bạn vội phản ứng đưa tay hứng vật gì khi Thi cúi đầu chào và thốt lên: “ui...cái chi mới rớt...”, Thi rờ tai hiểu ngay một chiếc bông tai rớt nên vừa cúi xuống mò lượm vừa trấn an “Dạ...không có chi mô...” rồi Thi tiếp tục móc vào tai và đi chào vòng vòng.

Cuộc sống cứ trôi lăn đều, Thi vẫn tiếp tục công việc với sự mê mẩn ...đếm tiền, gởi tiền cho cha mẹ. Quần áo cũ ai cho thì mặc, chẳng hề nghĩ đến chuyện sắm đồ mới, thậm chí có lần ông xã Thi đến chơi nhà ông anh họ bán chợ trời, thấy ông thải đồ vất bớt, đã giữ lại vài áo nói:

- “Cho em đem về Thi mặc vì thấy chưa đến nỗi cũ”.

Thời gian sau, bạn thân chồng Thi từ Pháp qua chơi, họ là đôi bạn chí thân từ thời trung học, và anh này còn chơi thân với cả mấy em của Văn nữa

 Lên đại học, chồng Thi vô sư phạm Toán, còn anh này du học Pháp theo ngành kinh tế. Anh có lối xưng hô rất Huế, thẳng tính không sợ mất lòng ai, và nói chuyện như các mệ xưa. Anh bạn đợi Thi đi làm về để gặp chào, chồng Thi đem hình ra xem chung, tự nhiên anh bạn buột miệng

-  “Mụ ni bậy quá, đi ăn cưới mà mặc đồ ngủ”

Thi trố mắt hỏi lại

- “Mô phải đồ ngủ, anh có lộn không?”

Anh ta chỉ bưc ảnh nói giọng làm đày :

- “Mụ xem kỹ lại đi... có đúng đầm ngủ không?”

Thi nhìn ngắm kỹ càng ...áo đầm mấy lớp bèo nhiều tầng, giữa eo có sợi dây cột thắt lại, Thi nghĩ “Ông này thuộc con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi, ăn mặc sang trọng, lại ở bên Pháp thì chắc nhận xét... đúng”, may anh ta chưa thốt lên “Đại sến, hết sức sến, vô cùng sến.” vậy là Thi chỉ biết ngậm mà nghe cho qua chuyện


Năm năm sau nhu cầu cạnh tranh thương mại khó khăn nên tiệm bakery giảm bớt việc, Thi cũng phải tìm việc khác.

Thi được người quen đưa vô Kayden Company’s, với cô Boss trẻ tuổi, chính gốc người Mỹ trắng, tốt nghiệp ngành Design. Trong hãng có vài em sinh viên VN vừa học vừa làm, có những việc khó khăn mà người Mỹ nói nhanh như gió, các em vẫn thường giúp thông dịch lại.

Cô chủ thường đi xa tham dự các show lớn quảng cáo hàng hóa và chào hàng, để những khách hàng đến xem, hay ký hợp đồng lâu dài mua hàng về bán lẻ tại tiệm.

Rất thích thú khi Thi được huấn luyên đủ việc, khi thì mài metal, form, nhìn mẫu làm theo, hoặc có khi tự chọn màu, sắp đặt để chủ duyệt qua rồi nối ráp các mặt hàng như Earing, Necklace, Nightlight,  Sun Catchers, Purse hooks, Key Finder, Magnifier chain, Bookmarks, Photo Locket, Ruler, Letter Open, Ornament, Switch Plates, Whistles, Magnetic Paper clips, Jewelry Box ...v...v....ngoài ra còn nhiều mẫu hàng nữa do chính cô chủ thiết kế hơn 600 mẫu.

Khi các em sinh viên VN ra trường, không còn làm ở đó nữa, Thi rất lo sợ khi phải nói chuyện với người Mỹ, mếu cũng không xong mà run cũng không ngừng, nhìn lui nhìn tới chỉ còn vài người VN… ù ù…cạc cạc....như Thi.

Vậy mà cô chủ không thải người Việt nào hết.  Trong công ty, ngoài những nhân viên người Mỹ còn có Đại Hàn, Nhật, Mễ... họ rất dễ thương, nói chậm và luôn chịu khó nghe đám này diễn dịch đủ kiểu, nhiều lúc nhóm VN thường đùa nói như thuyết nhà Phật “Chắc kiếp trước cô chủ có nợ mình, nên kiếp này vui vẻ trả …hi...hi...”

Công việc mạ vàng và vẽ vải khó đến toát mồ hôi, Thi bị bắt lên đoạn đầu đài khi không còn ai phụ trách. Rồi cũng phải làm được, vải silk căng khung, các màu phẩm được nghiên cứu trên quyển sách dày về công thức dạy pha màu, cộng trừ hoá chất, mày mò rồi cũng vẫn làm xong, thế mới biết “Mộ bia không ghi ai chết vì làm không được” cả.

Có lần cô chủ đi xa về, xuống hỏi Thi về công việc 3 câu, câu nào Thi cũng trả lời “I don’t know”, lúc bà đi rồi, cô cháu ngồi cạnh bàn kề tai nói nhỏ:

“Đi làm cho người ta mà hỏi chi cũng không biết...”

Lúc đó Thi mới giật mình thấy câu trả lời quá ư là ngố.

Một lần khác, sau lễ Noel nghỉ suốt tuần, khi gặp mặt đầu năm, Boss xuống xã giao vài câu, lại đến hỏi Thi

- “What do you enjoy in the Holidays?"

Thi bày đặt kể lể:

-  “I sleep, watching TV, go to shopping, and after that go to restroom”.

Boss:

- “Oh...that fine...that good”.

Ui chao! chuyến đó làm bao nhiêu bạn cùng làm ôm bụng cười rung người, làm Thi sực tỉnh là...đã nói lộn chữ “restaurant “, thiệt là muốn độn thổ luôn.

Cũng trôi nổi theo thị trường, hãng có lúc xuống mà cũng có khi lên ào ạt, Boss chuyển đổi nhiều mặt hàng, hiện nay công ty tự sản xuất và mua bán nhiều mặt hàng trang trí đồ điện, có cả ngàn loại hàng với mã số khác nhau. Thế là Thi lại mày mò học bấm Tablet, tìm tên sản phẩm theo mã số, xác định vị trí, lấy hàng, kiểm hàng theo mã số trong hóa đơn, cũng làm Thi long cái đầu.

“An cư mới lạc nghiệp”, đến lúc vợ chồng Thi tính đến chuyện mua nhà, khi cả hai đều có công ăn việc làm, và thế là theo chân theo người Mỹ để vướng mắc vòng nợ nần nhà xe.

Có lúc chồng thất nghiệp, Thi tái mặt vì lo vấn đề bảo hiểm sức khoẻ. Rồi Thi kiếm thêm việc và cày 3 job. Việc chính từ sáng đến 4 giờ chiều về thẳng tiệm Bakery, lúc tới sớm được thì tấp dưới gốc cây chập chờn đôi phút cho tỉnh táo trước khi vào gói bánh 5 tiếng. 2 ngày cuối tuần đứng bấm máy bán hàng trong siêu thị, bản thân chẳng ham gì ngoài thèm ngủ.

Thời gian như mũi tên bay… mới đó đã hơn 30 năm trên đất khách. Bây giờ cuộc sống rất yên tâm, chồng Thi đã retire. Thi cũng có thì giờ đến Chùa mỗi Chủ Nhật, được ngồi nghe tiếng chim hót nơi vườn Quan Âm, được phơi chút ánh nắng ban mai nghe tâm tĩnh lặng với tiếng chuông Chùa.

Mỗi sáng sớm lái xe đi làm dưới ánh mặt trời lấp ló trên núi đồi Freeway 580, đôi khi gặp sương mù giăng ngập lối, cảm giác Thi lâng lâng như đang đi vào cõi mộng, rồi những chiều nắng lưng chừng đồi với các loài hoa dại, với những đám bông lau là đà theo cơn gió ...Thi thấy yêu con đường này vô cùng, yêu cuộc sống tràn đầy niềm tươi sáng

Điều vui nhất là mỗi Noel, Chủ cho bonus khá lớn, bao người làm hãng khác đều ngạc nhiên, phân bì và so sánh.

Thấm thoát mà đã hơn 26 năm làm hãng này, tiếng Mỹ vừa đủ để nghe và nói, công việc thì được học hỏi rất nhiều đầy thích thú. Thỉnh thoảng Thi cũng bày tỏ chút lòng biết ơn nấu bún bò và hoành thánh mì đãi, là hai món gia đình cô chủ thích lắm.

Bắt tay làm việc, tự kiếm đồng tiền với những giọt mồ hôi, vất vả, nhưng rất hãnh diện để sử dụng những việc hữu ích một cách xứng đáng.

Thi được nghe chồng kể thời gian trước khi Thi qua, anh em họ cùng thuê căn nhà với tiêu chuẩn chỉ được ở 5 người, nhưng có đến 9 mạng, nên mỗi lần chủ nhà tới, vài người phải nhảy trốn vườn sau. Anh em đang vừa đi làm, vừa đi học nghèo xơ nghèo xác, cơm cháo thất thường, có buổi không còn thức ăn, chẳng còn tiền, một vài người phải đi mượn rồi mua mấy gói mì chia nhau.

Giờ đây các em cũng đều đã học thành công, ra trường, nhà cửa khang trang, nhưng mỗi năm đến lễ Noel vẫn gởi thiệp, gọi thăm nhau, khi người này lên chơi, khi người kia có mặt dự tiệc, rồi cùng ôn chuyện năm xưa, chuyện lúc đói rách và cười ha hả.

Chỉ còn tuần lễ nữa là lễ Giáng Sinh, Thi thấy nôn nao, hớn hở theo mùa vui. Ngoài đường nhà nhà trang trí ánh đèn xanh, đỏ, vàng, tím trên mái, các khung cửa hoặc trên ngọn cây rất đẹp mắt.

Người người tấp nập mua sắm, các mặt hàng quảng cáo giảm giá rầm rộ. Tivi nhạc Noel vang ca vui nhộn. Mọi người như được bừng lửa, chuyền hơi ấm, chuyền tình thương với hồng ân của Thiên Chúa

Thi cũng sẽ mua sắm quà cáp, mua thêm thức ăn đầy tủ lạnh để chuẩn bị đón khách (các em họ) từ các nơi về như mọi năm.

Đã ổn định cuộc sống khi cố gắng chăm chỉ làm việc, cần kiệm tạo dựng cuộc sống mới trên xứ người, được hít thở không khí tự do. Thi cảm thấy thật hạnh phúc, và có lẽ sẽ không bao giờ quên nhiều kỷ niệm vui, nhất là lúc đặt chân đến xứ Mỹ với thời tiết lạnh giá của mùa lễ Giáng Sinh năm nào.

Mùa Giáng Sinh 2018

Minh Thúy

Ý kiến bạn đọc
27/12/201817:20:44
Khách
Bài Văn hay của Nhà Thơ Minh Thúy. Bài viết rất thực về thơi ngơ ngáo khi mới qua Mỹ, ai cũng trãi qua trong mấy năm đầu.
Mong MT sẽ viết tiếp, Chị PH quả có tài khuyến khích đàn em tham gia Viết Về Nước Mỹ.
24/12/201807:00:30
Khách
Dạ cám ơn chị PH ( nhà thơ kiêm nhà văn nổi tiếng )
, hội thơ Đường bài xướng dày đặc như khu rừng rậm , bị thơ đè ngộp luôn không kịp hoạ
Hi...hi..ước chi có thì giờ rảnh , môn nào cũng mê cũng muốn nghiên bút hết
21/12/201814:42:11
Khách
Bài Viết mượt mà lắm! Tiếp tục đi Mình Thuý ơi! Thơ hay thì văn phải hay rồi!

P.Hoa
21/12/201810:01:06
Khách
Rất cám ơn các bạn đã khích lệ tinh thần MT , sở trường MT là làm thơ , mới đây có chị bạn tên Phương Hoa tốt bụng hay khuyến khích viết văn , nên MT mới tập sự đó thôi
Chúc các bạn mùa lễ an vui nhé
20/12/201819:09:47
Khách
Hạnh phúc hôm nay được xây bằng những gian truân ngày qua. Chuyện hay.
20/12/201811:46:44
Khách
Bài viết dìu dịu, ngạt ngào hương bình an mùa Giáng Sinh!
Mộng đời như giấc Nam-kha...

Em thích lối viết này của chị.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,252,157
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng 12.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của tác giả viết về mùa giáng sinh.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết mới của bà được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ hai của bà
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Sau đây, thêm mợt bài viết mới cho mùa Giáng Sinh đang tới.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài mới của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Lần trước, là cửa hàng bi da. Bài mới, làm Shop May Công Nghiệp, thêm phần mở trung tâm giải trí.
Ngày Thứ Hai 5 tháng 12, 2018 là Ngày Quốc Tang của nước Mỹ để tưởng nhớ vị Tổng Thống thứ 41 George H W Bush. Bài sau đây được viết trong tinh thần tưởng nhớ. Người viết, Bà Nguyễn Kim Nên hiện là Hội Trưởng Hội Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trường Trịnh Hoài Đức - Bình Dương, đang làm việc trong ngành thẩm mỹ tại Houston, Texas. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả, kể về người bạn đời của bà là Ông Nguyễn Duy Huynh, một tị nạn Việt, làm việc tại Houston Club và trở thành người đấm bóp tin cậy của Tổng Thống Bush và gia đình ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến