Hôm nay,  

Chuyện Chị Bích và Mùa Giáng Sinh

10/12/201800:00:00(Xem: 10674)
Tác giả: Minh Nguyệt Graves

Bài số 5568-20-31374-vb2121018

 
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Sau đây, thêm mợt bài viết mới cho mùa Giáng Sinh đang tới.

 
 ***
 

Tôi quen chị Bích cũng tình cờ thôi.

Khoảng 5 năm về trước, chị bước vào tiệm và nói: “Tôi muốn làm facial."

Tôi hơi ngạc nhiên, sợ mình nghe lầm nên hỏi lại cho chắc: “Chị muốn làm facial?”

Chị gật đầu.

À, tôi quên nói, chị hỏi tôi bằng tiếng Việt. Có thể đó là lý do khiến tôi ngạc nhiên chăng, vì cả 17 năm làm nghề này, khách người Việt, tôi có thể đếm trên đầu ngón tay. Còn khách người Việt làm facial (làm da mặt) thì hình như tôi không có!

Tôi hỏi:

“Sao chị biết tôi người Việt vậy? Lỡ tôi là người Hoa, hay Lào, Thái Lan thì sao?”

Chị cười:

“Tôi ở gần đây, hay tới tiệm giặt đồ phía sau, tôi thấy chị thường đi lấy thư, nên đoán vậy mà. Tôi biết chút ít tiếng Anh, nghe thì được, chứ nói thì dở lắm, mặc dù tôi ở Mỹ gần 20 năm rồi.”

Sau lần đó, chị Bích có tới làm thêm 2 lần nữa, thấy chị cởi mở, tôi mới thật lòng khuyên:

“Sao chị không làm móng tay hay móng chân để ngó cho đẹp, mà làm mặt chi tốn tiền? Hay chị có người yêu mới hả?"

Chị lại cười:

- “Làm gì có! Tôi nghe chị bạn làm chung hãng nói là đàn bà lớn tuổi phải chăm sóc da mặt, chứ chỗ tôi làm, người ta đâu có cho làm móng tay, còn chân thì phải mang ủng có ai thấy móng vuốt gì mà khoe!”

Rồi sau đó mấy tháng, một buổi trưa, chị phóng xe cái ào vào chỗ đậu xe, vội vã bước vô tiệm:

“Chị Minh ơi, cho tôi gọi nhờ điện thoại được không?” (Chị Bích không dùng cell phone.)

Tôi đáp:

- “Được chứ. Chị gọi cho ai, gọi có việc chi mà ngó gấp gáp vậy? Gọi trong tiểu bang thì được, mà sao không về nhà, dùng phone để bàn?”

Vừa nói, tôi vừa đưa cái phone bàn cho chị.

Chị Bích bảo:

- “Ở nhà cũng không có phone. Số đây nè, chị bấm dùm tôi luôn đi, số ngay thành phố Austin này đó. Cám ơn chị.”

Chuông đổ mấy hồi, nhưng không ai trả lời cả. Tôi mới hỏi lại:

- “Có chuyện gì quan trọng không?”

“Cũng không quan trọng lắm, đó là số của người muốn cho mướn nhà, tôi lấy ở chợ Mỹ Thành.”

- “À, giờ thì tôi hiểu rồi. Chị cần tìm phòng để share phải không? Người ta tính chị bao nhiêu? Vì nhà tôi cũng dư phòng đó, chị ghé coi có thích không thì thuê dùm tôi, để ba tôi cũng có bạn nói chuyện ban ngày cho vui.”

Tôi nói nhanh, mặc dù chưa hỏi ý kiến ông chồng, bởi vì tôi nghĩ đến ba tôi; lúc đó đang ở chung nhà.

Thời gian này, bé Vy cũng đang ở nhà để đi học ở "University of Texas at Austin," nhưng nó đi suốt ngày, không có giờ để nói chuyện với ai cả. Bé Sa thì dọn xuống San Antonio để đi học, cho nên nhà dư một phòng.

Chị Bích nghe vậy, có vẻ lưỡng lự:

“Nhà chị ở đâu? Có gần đây không? Chị cho tôi coi phòng được không? Chỗ tôi đang thuê, người ta lấy tôi 400 đô một tháng, cho nấu nướng, giặt giũ, miễn dùng xong thì dọn sạch sẽ cho họ là được.”

Lúc đó vắng khách, nên tôi chở chi Bích về nhà cho chị coi phòng. Nhà tôi không xa chỗ tôi làm, chỉ khoảng 10 phút lái xe, cũng không cần phải chạy xa lộ (freeway) chỉ cần chạy đường trong (local).

Tôi rất muốn có người Việt ở nhà để ba tôi có người chuyện trò, nên tôi nói điều đó với chị Bích, và hứa bớt tiền cho chị:

“Nếu chị thuê, tôi chỉ lấy 350 đô thôi.”

Chị đồng ý ngay:

“Đầu tháng tôi dọn vô nghe. Tôi không có bàn ghế giường tủ gì cả, chỉ ít đồ dùng cá nhân và soong nồi nấu ăn thôi.”

Phòng dành cho chị Bích, không có giường chỉ có bộ nệm gồm cái khung ở dưới và tấm nệm nằm trên. Lý do là vì khi bé Sa dọn đi, nó thích cái giường, nhưng không thích bộ nệm! Ngoài ra trong phòng còn có cái cái tủ có gương, ở đây quen gọi là “Dresser”, với nhiều ngăn kéo nhỏ ở dưới, và một tủ xây sẵn trong phòng để móc áo quần.

Vì lúc đó nhà tôi đã có 3 xe: Xe tôi và xe ông chồng đậu ở Driveway (chỗ sân trước cửa garage), bé Vy đi về thất thường thì đậu xe ngoài lề đường, nên tôi dặn ch Bích:

“Chị đậu xe ngoài lề đường, đừng đậu trong sân, mà lỡ ông chồng tôi về, phải đánh xe ra, xe vô mệt lắm."

Nhà có hai tủ lạnh, một cái to để trong bếp, và cái nhỏ ở ngoài garage, chủ yếu cho ông chồng tôi ướp lạnh bia uống vì ổng làm biếng vào bếp, còn tôi thì mỗi khi chợ có thức ăn đông lạnh hạ giá, cũng mua trữ trong ngăn đá. Giờ có chị Bích, cũng không ảnh hưởng chi.

Chị Bích dọn vào nhà tôi thật đơn giản, đúng như chị nói. Buổi chiều đi làm về, thấy cửa phòng chị khép hờ, tò mò tôi liếc vào bên trong, thì thấy chị trải một tấm ny lông trên sàn nhà bằng thảm, có mấy trái táo, chuối, ba gói mì của Korea, cái chén với đôi đũa. Trên giường có cái gối, mền mỏng. Một thùng giấy carton nhỏ để đầu giường, mà tôi đoán là áo quần của chị Bích.

Một lát sau, thấy chị Bích về, tôi mới hỏi:

“Nè, sao chị không ra ngoài bàn mà ăn, lại ăn chi trong phòng, ngồi dưới đất cho khổ vậy?”

Chị cười:

“Ăn một mình, ngồi đâu cũng vậy thôi mà.”

Buổi sáng, chị Bích đi ra khỏi nhà rất sớm. Chị có bảo là nghỉ hưu rồi, thích đi mấy chợ tìm mua đồ linh tinh.

Cả ngày tôi đi làm, thức ăn nấu sẵn để trên bàn cho ông ngoại. Khi nào ăn, ông bỏ vào microwave hâm cho nóng. Thỉnh thoảng chị em gái và chị em dâu, ai nấu món chi ngon cũng đem qua biếu ông. Buổi chiều nọ, em gái gọi cho tôi:

“Rứa ngày qua đem Cà-ri gà qua, ông ngoại với dì ăn có ngon không?”

“Cà-ri chi hè? Có nghe ba nói chi mô? Cũng không thấy hộp đựng đồ ăn chi lạ cả, rứa đem qua khi mô, để chỗ mô? Hay mấy con chó với con mèo ăn sạch rồi! Uổng chưa nờ!”

Em gái nói:

“Đem qua để trên bàn, lấy cái lồng bàn đậy lại đàng hoàng, có dặn Ba nữa mà!”

Tối đi làm về, tôi hỏi ông ngoại, “Rứa ba ăn Cà-ri rồi để chén đọi chỗ mô, không bỏ ngoài bồn rửa chén?”

Ông ngoại trả lời tỉnh bơ:

“Ba cho chị Bích cả hộp luôn. Nhà mình thiếu chi đồ ăn, thấy chị nghèo tội. Con ngày mô cũng nấu, thức ăn ê hề.”

Tôi hơi bực:

“Ba! Con đi làm cả ngày, tối về loay hoay nấu vì không muốn ba ăn đồ nguội tội nghiệp. Mấy chị em gái trong nhà cũng muốn giúp một tay, nên thỉnh thoảng đem thức ăn qua. Ba không ăn thì để cho con ăn, chơ răng đem cho hết cả rứa? Chị Bích giàu nghèo chi thì con không biết, nhưng chị hơn con có 5 tuổi à, lại nghỉ hưu không đi làm, thử hỏi ai cực hơn?”

Ba tôi nghe tôi “la” thì im lặng, không nói chi thêm.

Chủ nhật nghỉ làm ở nhà, tôi thường nấu bún bò Huế, miến gà, cháo Vịt… cho ông ngoại ăn, lúc nào ông cũng nhắc tôi phải mời chị Bích ra ăn chung:

“Ăn có người ăn chung mới vui, thêm chén thêm đũa, chứ có gì khó đâu,” Ông ngoại nói.

Buổi chiều tôi đi làm về sớm, cả 3 cùng đi bộ quanh xóm cũng vui. Thật ra, từ ngày có chị Bích ở trong nhà, ba tôi có vẻ vui hơn vì luôn có người chuyện trò. Chị Bích cũng tốt bụng, ban ngày ở nhà loay hoay nấu ăn, hay hỏi han và mời ba tôi ăn cùng chị. Tôi đi làm cả ngày, thấy yên tâm hẳn.

Một hôm ông ngoại nói:

“Gần lễ Giáng Sinh rồi, ba có để dành ít tiền, ba nhờ con đo chân chị Bích rồi đặt cho chị đôi giày để chị đi cho thẳng, chơ đàn bà con gái mà đi khập khiễng thấy tội nghiệp quá. Con hỏi dùm ba hết mấy tiền để làm đôi giày nghe.”

Tôi đoán đại:

“Chắc cũng hai, ba trăm. Vì phải đo chân, làm riêng một đôi nên hơi mắc.”

Ba tôi, do không đi làm ở Mỹ nên không có tiền hưu trí, chỉ sống nhờ tiền trợ cấp của nhà nước, và mấy anh chị em mỗi tháng gởi thêm mấy trăm để ông chi tiêu riêng, ông để dành rồi gởi cho bà con nghèo ở Việt nam, hay cúng chùa. Tính ông hay thương người, tôi biết.

Tôi đem ý của ông ngoại hỏi chị Bích:

“Chị đồng ý không?”

“Cám ơn ông nhưng con không cần đâu. Không phải vì con không có tiền mua giày, mà vì con thấy không cần thôi. Con đi vậy quen rồi, giờ có đôi giày kiểu đó, chắc gì thấy thoải mái.” Chị Bích đáp.

Có lần tôi hỏi:

“Thế chị không lập lại gia đình hả? Khi qua đây chị đang còn trẻ lắm mà.”

Chị mới kể cho tôi nghe chuyện đời của mình.

 

*

Chị Bích và anh Bân là hai bạn học từ thuở bé thơ. Hai người học cùng lớp, đứa theo Phật giáo, đứa theo Công giáo. Ngày đó, những năm tháng sau chiến tranh, nghèo đói, đi học lúc nào cũng đói meo mốc, tuổi dậy thì mà đứa nào cũng ốm tong teo. Nhớ năm học lớp 10, ngày Giáng sinh, chị Bích nghỉ học. Cuối tuần giờ họp lớp, thầy chủ nhiệm la: “Vì sao nghỉ học không xin phép?”

Chị Bích lí nhí: “Dạ, Giáng Sinh nên Cha mẹ con cho con nghỉ học để đi lễ, mừng Chúa ra đời.”

Thầy la tiếp:

“Không cần biết ai sinh ra đời, muốn nghỉ học thì phải xin phép. Lấy giấy viết ra làm kiểm điểm.”

Chị Bích phần sợ thầy la, phần sợ bị điểm hạnh kiểm xấu, vừa viết vừa khóc thút thít.

Thằng Bân ngồi bên, thấy thương, viết mấy câu an ủi trong miếng giấy mới xé toạc từ cuốn vở:

“Nín đi, khóc chi mà khóc. Không phải học sinh giỏi thì răng? Tau cho mi giỏi hơn tau đó, được chưa?”

Lớn lên chút nữa, cuộc sống cũng có phần thoải mái hơn. Cứ mỗi mùa Giáng Sinh về, Huế hay có mưa phùn và lạnh, hai đứa lại chở nhau bằng chiếc xe đạp lên đồi Thiên An, cắt trộm nhánh thông, về ngồi trước hiên nhà mà tưởng tượng ở nơi nào đó trên thế giới người ta tưng bừng ăn mừng lễ bên cây thông to như cái nhà, trang hoàng bằng nhiều bóng đèn màu và đồ trang trí.

Học xong trung học, thì Bân và chị Bích yêu nhau, mặc dù hai gia đình không ai thích cả. Nhà Bân thì sợ Bân bỏ Phật để theo Chúa. Nhà chị Bích thì sợ con mình đi làm dâu, không được thờ Chúa.

Chị Bích không đi học tiếp mà ra chợ Đông ba phụ mẹ bán hàng trái cây.

Bân học tiếp trung cấp kế toán. Ra trường, bị đưa lên Kontum, Pleiku làm việc gần ba năm, cuộc sống khổ quá nên Bân bỏ việc, trở về Huế lại.

Thời đó, người Hoa chưa đi Mỹ theo diện bán chính thức, họ còn ở lại Huế khá đông, sống chủ yếu ở ngoài phố Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu, Chi Lăng. Họ giỏi về mua bán, và mở nhiều tiệm bánh nổi tiếng như tiệm Thuận Hưng, Hoa Phát. Dọc theo bờ hồ phía sau đường Phan Đăng Lưu thì nhiều người Hoa mở lò làm bánh tại nhà. Họ làm nhiều loại, như “cháo quẩy”, bánh cam, bánh trung thu, bánh dừa, bánh sâu, bánh tiêu… Sở thuế cử nhân viên về tận nhà, bắt mỗi chủ cơ sở phải ghi sổ sách, nên Bân xin vào làm kế toán cho lò bánh của hai vợ chồng chú Khìn và cô Hà. Họ không có tiệm mà chủ yếu bỏ mối cho các tủ bán lẻ trong thành phố Huế, và cả ngoài chợ Đông ba nữa.

Bân ban ngày đi làm, công việc nhẹ nhàng, buổi chiều tụ tập bạn bè chén chú chén anh. Chính mấy năm sống trên Kontum, đã khiến Bân biết uống rượu. Ban đầu cứ nghĩ chỉ là uống giải sầu, uống với bạn bè cùng cơ quan cho vui, đến khi về Huế, thấy Hân chiều nào cũng uống thì mẹ Bân la, "Vui đâu không thấy, chỉ thấy không uống là buồn, coi chừng mà nghiện ngập là khổ cả đời đó con à.”

Cuối năm 1983 thì chị Bích theo gia đình vào Nam.

Kể từ đó, họ xa nhau...

 
*

Vào Nam được mấy tháng, chị Bích và hai vợ chồng người chị gái được mẹ cho đi vượt biên. Tàu đi từ Cà Mau, mới ra được hai ngày thì bị hải tặc Thái Lan chiếm tàu. Bọn chúng rất hung dữ, tay cầm dao, súng, măt mũi nhiều vết sẹo dài, da dẻ khô queo, tóc dài rối bù, trông rất kinh khiếp. Chúng bất ngờ áp sát chiếc tàu vượt biên, bắn súng inh ỏi doạ dẫm. Mà tụi nó thiệt là đông, chúng trèo nhanh qua các thang dây được ném lên tàu, rồi bọn chúng la hét để áp đảo tinh thần, khiến ai nấy sợ khiếp đảm. Sau khi lên được tàu rồi, việc đầu tiên là bọn chúng chiếm phòng lái, và gom người lại. Đàn ông thì bị tụi nó chém không thương tiếc, rồi chúng quăng xuống biển, trẻ con bọn chúng nhốt dưới tàu, phụ nữ thì chúng hãm hiếp tập thể. Bọn chúng bắt tất cả cởi trần để lấy mọi tư trang vàng bạc, thức ăn nước uống dự trữ thì tụi nó phần lấy đi, phần đem vứt xuống biển.

Chị Bích cũng không thoát! Trong lúc chị vùng vẫy chống cự, bị tụi nó đánh vào cẳng chân, đau quá chị ngất xỉu.

Không biết tụi cướp hoành hành trong bao lâu, bỏ đi lúc nào, chỉ biết khi chị Bích tỉnh lại thì trời tối đen, con tàu không người lái trôi lênh đênh giữa biển cả mênh mông, rất may là trời có mưa nhẹ, chính những giọt nước mưa đã đánh thức chị dậy. Nhìn quanh, người nằm la liệt, rên rỉ.

 

Trong những nạn nhân bị bọn hải tặc bỏ ;lại tre76n tàu, chị Bích nhận ra người chị của chị đã chết, không một dấu hiệu của sự sống trên con người chị ấy. Chân chị Bích đau và bắt đầu sưng, chị đoán chắc là bị gãy xương, nhưng mà chị nhớ mẹ chị hay nói, gãy xương thì đau lắm, chịu chi nỗi.

Chị nằm đó, bất lực, chỉ biết cầu nguyện Chúa xót thương.

Con tàu không người lái vẫn tiếp tục lênh đênh. Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày, ơn may có chiếc tàu của Hải quân Úc đi ngang, đã kéo chiếc tàu của chị Bích vào Philippine. Chị mừng quá! Người ta cho chị nằm trên cáng, rồi đưa vào bệnh viện, do bị mấy ngày nên vết thương bị nhiễm trùng, may mắn là không phải cắt bỏ chân, nhưng người ta nói rằng, chị sẽ phải đi khập khiễng suốt đời, không còn cách nào khác.

Và bác sĩ có hỏi, do chị bị hãm hiếp trên tàu, chị có nghĩ tới khả năng chị có thai không? Và nếu có thì chị muốn giữ hay phá?

Chị Bích không biết và không thể suy nghĩ gì cả, đối với chị, tất cả giống như một giấc mơ, và chị cứ chập chờn giữa mộng và thực…

Mà đúng là chị Bích có thai thật! Với một thằng cướp biển mà chị không biết tên và cũng không thể nào nhớ mặt, vì chị bị hiếp tập thể. Thời gian này chị vẫn đang còn ở trại tỵ nạn. Có những ngày chị thấy chán nản tột cùng, cuộc sống ở trại tù túng, anh rể và chị gái đều chết, chỉ còn một mình chị, không biết cách chi để báo tin cho mẹ ở quê nữa.

Chân chị lành, nhưng giờ chị đi nghiêng bên trái, và không đi nhanh được. Cái thai ngày càng lớn, đôi lúc nghĩ sao mình không bỏ nó quách! Nhưng chị không nỡ.

Chị được qua Mỹ, tiểu bang ở vùng phía bắc, lạnh lắm. Nhà thờ đã đứng ra bảo trợ và giúp đỡ cho chị tìm nhà để ở, tìm việc làm và sinh em bé. Đó là môt bé gái, mặt mày xinh xắn. Cuộc sống cứ như vậy trôi qua, chị Bích đi làm hãng, công việc cũng nhẹ nhàng, khi con bé lớn một chút thì chị làm thêm giờ kiếm cũng đủ tiền trang trải cuộc sống của hai mẹ con. Chị không hề nghĩ đến chuyện tìm người bạn đời cho mình. Mấy năm sau, chị nhờ Cha nhà thờ giúp làm giấy tờ bảo lãnh mẹ và em trai út qua.

Giấy tờ xong xuôi, chị Bích quay về Việt nam để giúp đưa mẹ và em qua Mỹ. Mẹ chị muốn ra Huế thăm mồ mả, “Gởi người trông coi hương khói cả tội vong linh của ba." Ba chị mất vì bệnh chỉ một thời gian ngắn sau khi chị đi vượt biên.

Nhớ Bân, chị tìm tới nhà hỏi thăm, cũng gần 10 năm rồi chứ ít đâu. Mừng rỡ vì gặp lại nhau, hai đứa qua “Sẹc" uống cà phê, nhắc lại kỷ niệm Giáng Sinh hai đứa đi ăn trộm cây thông trên đồi Thiên An, nhắc chuyện buổi tối đi học thêm Anh Văn, chuyện Tết mấy đứa chụm nhau nấu ăn, và những buổi trưa thỉnh thoảng lại hẹn nhau đi mua bánh mì chiên bơ, chè bột lọc đậu xanh ăn.

Chị Bích kể cho Bân nghe gian truân của chuyện mình đi vượt biên, và đứa con gái nhỏ. Cả hai lặng thinh không nói gì thêm.

Trước ngày tạm biệt, Bân hỏi:

“Hồi xưa, hai đứa mình thương nhau, nhưng nhà mình không ưa vì sợ Bích không chịu bỏ đạo. Rồi Bích vào nam, nên xa nhau thôi. Giờ, mình vẫn độc thân, vẫn thương Bích. Bích nghĩ thế nào?”

Chị Bích nhìn người yêu cũ nghẹn ngào:

“Nhưng giờ Bích bị tật nguyền, lại có thêm đứa con không cha, mặc cảm dữ lắm. Để mình suy nghĩ thêm nghe. Chuyện Đạo thì mình thấy bên Mỹ, người ta thoáng hơn bên mình nhiều. Đạo ai nấy giữ, có sao đâu? Miễn là người tốt thì Chúa hay Phật cũng phù hộ, nâng đỡ cho."

Đầu năm 1994 họ lấy nhau, rồi chị Bích có thai, và sinh em bé một mình ở Mỹ, vì mãi tới Giáng sinh năm 1995, Bân mới được bảo lãnh đi Mỹ.

Cứ tưởng cuộc đời cứ vậy mà trôi đi, ai dè…

Trước khi cưới nhau, chị Bích có nghe người quen nói xa nói gần là Bân ghiền uống rượu, nhưng chị không tin. Đàn ông từ Mỹ cho tới Việt nam, ai mà chẳng uống rượu bia?

Đi làm hàng ngày, buổi chiều về, chồng vừa uống bia, rượu, vừa trông con. Chị không lấy đó làm điều phiền lòng. Hai vợ chồng làm 2 việc khác nhau để còn có giờ coi ngó con cái. Chồng chị làm hãng từ 6 giờ sáng tới 3 giờ chiều về. Còn chị Bích làm tóc, buổi sáng sau khi lo cho con cái đi học, thì 10 giờ tới chỗ làm, tới 8 giờ chiều mới về nhà. Thứ Bảy, chủ nhật chị đi làm, Bân ở nhà với con, đỡ tốn tiền giữ trẻ.

Dần dà, bọn trẻ lớn lên, không cần người lớn ở nhà với chúng, thì Bân thích ra ngoài uống với bạn bè hơn, đợi tới gần giờ vợ đi làm về mới chịu về nhà. Ngà ngà say, hễ vợ im lặng vui vẻ thì không sao, còn như chỉ cần một lời cằn nhằn, cau có là Bân bực mình, nóng mặt nóng mày, lớn tiếng la vợ, “Vợ con kiểu chi mà mặt sưng mày xỉa, xấu xí!”, hay “Đàn bà con gái mà không lo nấu ăn cho chồng con!” Đến một ngày chi Bích không nhịn nỗi, cãi lại thì “Bốp, bốp, bốp!!!” Bân tát liên tục vào mặt chị, xây xẩm mặt mày, chị té xuống. Bân càng được thế đạp chị một cái, đá tiếp cái nữa. Chị Bích quay 2 vòng liên tiếp, rớt xuống bậc cấp trong nhà, (từ nhà dưới lên nhà trên có 2 bậc cấp,) đau điếng. Thằng con trai, (bé lớn đã dọn ra khỏi nhà từ mấy năm trước, sau khi học xong trung học,) nghe cha mẹ gây nhau, hoảng sợ bấm số gọi cảnh sát. Tối hôm đó, Bân phải ngủ trong trại tạm giam vì tội xâm phạm thân thể người khác.

Hôm sau, chị Bích hối hận vì để chồng bị vào trại giam, đã ký giấy bãi nại cho chồng được tha. Hai vợ chồng vui vẻ trở lại. Một buổi tối, chị Bích không thấy chồng về nhà, gọi điện cũng không ai trả lời, cứ nghĩ ổng say nên ngủ quên nhà bạn. Hôm sau, mới nhận được phone từ trại giam, Bân bị bắt vì tội uống rượu lái xe (DUI= Drink under influence).

Nộp một số tiền phạt lớn, chị Bích buồn trong bụng, nhưng không dám phàn nàn, chỉ nhẹ nhàng khuyên Bân cẩn thận, vì nếu bị bắt lần thứ hai nữa thì phải ngồi tù.

Chứng nào tật nấy, ba tháng sau, Bân bị bắt lần hai. Lần này, chị Bích thuê luật sư hết 30 ngàn, để xoá giấy phạt, không phải ngồi tù, để về đi làm. Việc của chị Bích là việc làm không có bảo hiểm sức khoẻ, lương hưu. Việc của Bân có các quyền lợi đó, nên tính lui tính tới, chị thấy không còn cách nào tốt hơn.

Trong thời gian 2 tuần Bân ở trong trại giam, chị Bích dọn dẹp ngoài xưởng nơi ổng làm việc riêng ở nhà. Chị tìm ra một đống vỏ chai rượu, từ trong góc tủ, trong túi đựng đồ nghề, dưới đống đồ cũ, trên nóc nhà, nói chung nơi đâu chị tìm cũng có vỏ chai rượu. Mà loại rượu nặng mắc tiền chứ không chỉ là loại rẻ tiền đâu. Từ XO, tới Hennessy, tới Martin… một chai vài trăm bạc đó! Chị chất thành một đống ở giữa nhà, rồi chị khóc. Chị khóc vì tiếc tiền, chị khóc vì thấy mình không hiểu gì về chồng, người mình yêu thương, chị cũng khóc vì không biết phải làm gì tiếp theo. Rồi cuộc đời mình sẽ thế nào nếu mình muốn thay đổi?

Hai vợ chồng nói chuyện, chị muốn anh Bân bỏ uống, hay ít nhất cố gắng thử để bỏ. Chị nghe người bạn, có ông chồng Mỹ, uống bia nhiều đã vào Rehab (Trung tâm cai nghiện) để bỏ uống rượu trong hai tuần, bảo hiểm trả hết, mình không phải tốn tiền. Mặc chị Bích nói, anh Bân không bận tâm. Đàn bà hay lo, hay nói lung tung, chứ xui xẻo thôi, có ai mà không uống bia rượu? Đúng chưa. Còn tự nhiên đang sống vui vẻ, tự nhiên bắt ông vô mấy trung tâm cai nghiện, giống như ở tù, chán lắm.

Hai vợ chồng ngày càng xa nhau, việc ai nấy làm, suốt ngày không ai nói với ai tiếng nào cả. Chị bàn với Bân nên ly thân, chị sẽ dọn qua cái nhà họ đang cho thuê. Bân ở lại ngôi nhà chính, bởi vì ngoài ngôi nhà ở, còn có xưởng làm việc của Bân trong đó.

Buổi chiều chủ nhật, thấy Bân rủ mấy người bạn về ăn uống, hát hò, chị Bích nổi cơn oán hận, chạy qua gây sự. Trong lúc ngà ngà say, đã xảy ra sây sát. Cảnh sát được gọi tới, và lần này, chị Bích là người bị còng tay, về trạm cảnh sát ở lại, đến hôm sau mới được tha về, sau khi Bân tới ký giấy tờ bãi nại.

Lần này, họ đồng ý ly dị, con trai chị Bích đã lớn nên không ai phải trả tiền phụ giúp nuôi con cả.

Đó là lý do vì sao chị Bích tới thuê nhà tôi.

Được hai năm, chị dọn lên Dallas, cho gần mẹ, em trai, và gia đình cô con gái lớn. Thằng con trai út, giờ đã lớn được chị cho ở ngôi nhà chị được chia phần sau khi ly dị.

Tháng 12 năm ngoái, trong lúc đang làm cho khách, tôi nghe trên tivi, chương trình tin địa phương, nói về tai nạn chết người ngày hôm qua trên Dallas, cái tên nghe quen quen. Vì đang làm nên tôi không kịp ngoái nhìn lên màn hình để coi họ viết tên của nạn nhân là chi. Hai hôm sau, cũng trên tivi nói lại vụ tai nạn đó, sau khi cảnh sát đã làm báo cáo đầy đủ, tôi mới nói với người khách:

- “Sao mà tên của nạn nhân nghe quen quá, tôi nghe giống như người Việt Nam.”

Một tuần sau, buổi sáng sớm mới mở cửa, cô khách bước vào cửa, miệng mỉm cười dịu dàng, ánh mắt nhìn tôi trìu mến, hỏi: “Bà có phải là Minne không?”

Tôi cười đáp: “Đúng rồi, tôi giúp gì được cô không?”

“Tôi muốn làm lông mày.”

Sau khi đưa cô ấy vào ghế ngồi, vừa làm tôi vừa hỏi, “Đây là lần đầu tiên cô tới đây, đúng chưa? Cô biết tên tôi rồi đó, thế cô tên gì? Ai giới thiệu cô tới đây vậy?”

“Dạ đúng rồi, con tên là Annie.” Cô đáp.

“Mà sao tôi nhìn cô thấy quen lắm luôn, nhất là cặp mắt của cô. Tôi cố gắng nhớ, mà không làm sao nhớ ra được! Chắc tôi già rồi. Hay cô giống ai mà tôi quen?” Tôi đùa.

“Bà không nhầm đâu, bà có trí nhớ rất tốt, và nhìn nét mặt rất tài. Đúng là lần đầu tiên con tới đây, nhưng mẹ con thì lại là bạn của bà đó. Theo lời mẹ con thì bà là bạn thân của mẹ con nữa đó.” Cô ấy tiếp.

Tôi hơi ngạc nhiên:

“Mẹ cô là ai vậy?”

“Dạ mẹ con tên Bích, mẹ con mới bị tai nạn xe, mất tuần rồi. Con nghĩ bà không biết nên muốn tới đây tin cho bà hay.”

Nói rồi cô ấy khóc.

Tôi sững sờ. Nhìn kỹ lại, tôi mới thấy đúng là Annie giống chị Bích lắm. Vì chúng tôi nói với nhau tiếng Mỹ, hơn nữa Annie trông giống người Mễ hơn là người Việt, vì cô hơi lớn con, lại thêm trang điểm nhiều, tôi không đoán được cô là người Việt Nam.

Annie kể, chị Bích dọn lên Dallas để tránh xa Bân là lý do chính, chứ tuy có mẹ, em trai và gia đình con gái, nhưng suốt mấy chục năm chị sống ở Austin, làm việc dưới này, lên đó thấy buồn lắm. Buổi chiều chị cùng người bạn đi chơi, chỉ mấy phút trước khi tai nạn xảy ra, chị Bích còn nói với ông ấy:

“Trời đẹp quá luôn! Cuộc đời này thật đáng sống, đáng yêu!” Và Rầm! Rầm! Rầm!

Chiếc xe quay mấy vòng lật qua bên lề đường, úp đầu xuống đất. Chiếc xe truck nhỏ chị Bích lái đã cũ, không có túi khí, sau khi bị hất tung lên trời mấy vòng, chị Bích nằm bất động trên xe, người bạn văng ra ngoài bãi cỏ. Còn hai người trên chiếc xe kia đã bỏ trốn, vứt xe lại. Cũng mất mấy phút, một chiếc xe tình cờ chạy ngang qua đã gọi cảnh sát và cấp cứu. Nhân viên y tế bảo rằng chị Bích đã chết ngay tại hiện trường, trực thăng tới đưa người bạn vô bệnh viện.

Sau khi cảnh sát bắt được hai người tông xe chị Bích, và khám nghiệm hiện trường, người ta gởi cho gia đình bản báo cáo. Chiếc xe tải nhỏ của chị Bích đi thẳng hướng bắc nam, chiếc xe thể thao đi theo hướng ngược lại, do có uống rượu say, lạc tay lái, đã tông trực diện vào xe chị Bích với tốc độ rất lớn. Đoạn đường đó, vận tốc giới hạn là 45 miles/hour, nhưng họ đã lái 100 miles/ hour, rồi khi tai nạn xảy ra, họ hoảng sợ, đã bỏ chạy, không cứu giúp người bị tai nạn. Chắc chắn khi ra toà, họ sẽ phải chịu một mức án rất nặng, còn gia đình chị Bích đươc công ty bảo hiểm bồi thường số tiền rất lớn, sau khi lo chi phí đám tang, phần còn lại chia đều cho hai người con.

Tôi hỏi:

“Ngày nào đám tang, để cô lên thăm mẹ.”

Annie khóc:

“Do tai nạn quá nặng, gương mặt mẹ bị biến dạng, nên chúng con sẽ không mở nắp hòm cho người quen đến viếng, thay vào đó sẽ đóng nắp hòm lại bà à. Và tụi con cũng chỉ muốn làm trong gia đình thôi, xa xôi quá, bà không cần phải đi đâu. Con chỉ muốn tin cho bà biết, vì mẹ con nhắc tới bà hoài à.”

Trước khi ra về, ôm tôi Annie khóc:

“Con cứ thắc mắc, vì sao mẹ con là một người rất ghét rượu bia, vậy mà cả đời khổ vì người ghiền rượu bia, và cuối cùng lại chết bởi những kẻ uống rượu bia? Mà lại đúng vào mùa Giáng Sinh nữa chứ, mùa mà mẹ con rất yêu thích! Vì sao hả bà?’

Tôi cứ băn khoăn mãi về câu hỏi của con gái chị Bích, nhưng tôi không biết cách gì để trả lời cho nó cả. Người theo Phật Giáo như tôi sẽ giải thích theo cách của giáo lý nhà Phật, mà tôi tin chắc là nó sẽ không hiểu và cũng không đồng ý, cho nên tôi chọn cách im lặng. Có phải mỗi tôn giáo sẽ lý giải những uẩn khúc của cuộc đời theo một cách khác nhau không?

Chị Bích là người rất thích mùa Giáng Sinh, chị bảo đi nhà thờ, học hát những bài thánh ca, trang trí đèn, thấy lòng mình hân hoan, vui vẻ. Chị thường kể với tôi rằng, suốt năm, hễ chị thấy cái gì đẹp là chị mua để dành làm quà Giáng sinh cho con và cho cháu, mỗi đứa phải có ít nhất là 10 món quà. Mà không chỉ có quà cho con cháu đâu, chị còn tặng quà cho các tổ chức thiện nguyện, hoặc đi làm giúp các người vô gia cư nữa.

Kể từ khi quen tôi, năm nào chị cũng gởi thiệp mừng, vì chị biết tôi cũng rất yêu mùa Giáng Sinh, có năm chị còn đặt trong trang Amazon cho tôi một cuốn Kinh thánh bằng tiếng Anh và tiếng Việt nữa đó.

Hôm qua, Annie gọi điện thoại cho tôi vì giáp năm ngày mất của chị Bích. Tôi an ủi nó:

“Cô nghe người ta nói, God just takes the best- Chúa chỉ lấy đi những gì tốt nhất, phải không con?"

Austin, Texas. Những ngày cận Giáng Sinh 2018.

Minh Nguyệt Graves

Ý kiến bạn đọc
11/12/201804:38:27
Khách
Theo tôi thấy thì đàn ông VN ít dính tới ma túy, xì ke, nhưng lại thường dính tới đánh bạc, có bà hai và nhậu.
Có bà hai là các ông thường về VN lấy cớ thăm cha mẹ già, nhớ quê hương, thương bạn bè rồi có con luôn với em gái hậu phương.
Dính tới đánh bạc thường dính luôn tới nhậu. “Nam vô tửu như kỳ vô phong”
Uống quá nên bị phong, bị gout nên ngứa đau, gãi cả ngày. Gãi chưa đã lại bị bà vợ cằn nhằng nên nổi hung thọi cho vài cái xong lăn đùng ra ngủ.
Ngủ dậy mới thấy mình sai, nhưng cứ chơi cái tình lơ. Chả chút gì hối hận cả.
Vài ba tuần sau, mấy thằng bạn gọi đi nhậu tiếp. Và cứ thế làm hoài.
Đàn bà VN bị cái tính cứ phải nhịn vì con cái, vì hạnh phúc gia đình.
Tên Bân trong chuyện không biết mình có hạnh phúc, cứ lo nhậu phá gia đình.
Có bà lại ngược lại, có hạnh phúc lấy chồng không dính vào tứ đổ tường thì không chịu giữ cứ cà ỏng, cà eo, gây chuyện thường xuyên.
VN mình có câu: vợ chồng như đôi đũa lệch. Được chồng thì mất vợ, được vợ thì mất chồng.
10/12/201819:03:44
Khách
"Sinh, lão, bệnh, tử" là những cái khổ căn bản. Động đất, cháy nhà, bão lụt . . . gây ra loại khổ khác. Người ta làm khổ nhau như chiến tranh, bắn người bừa bãi, hiếp dâm, lừa đảo . . . là loại khổ khác nữa. Trong quyển "Women Victims of Wars" tả nhiều nỗi khổ của nữ giới. Tong đó truyện "Women Victims of the Pirates" tả những hành động tàn nhẫn cuả hải tặc trên thuyền và những cô gái bị chúng bắt đi và nhốt trên vài đảo nhỏ . . ." Đọc truyên cô Bích thật đáng thương thương tâm.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,251,619
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001. Tuy từ 10 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, tác giả vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển và định cư tại Salt Lake City, Utah từ tháng 8 năm 1987 đến nay. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Tuần lễ Halloween bắt đầu, mời đọc chuyện sợ ma. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015.Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Sang năm 2018 nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của bà là chuyện về một gia đình H.O. có các con trên 21 tuổi từng bị từ chối cho đi theo cha mẹ. Nhờ Tu Chính Án của Thượng Nghị Sĩ John McCain, mà họ đã có thể đoàn tụ từ sau năm 1995.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây, thêm một bài mới của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ năm của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến