Hôm nay,  

Mùa Giáng Sinh & Cái Thùng Rác Của Tôi

05/12/201800:00:00(Xem: 11481)
Tác giả: Phan

Bài số 5564-20-31370-vb4120518

 
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của Phan, viết cho mùa Giáng Sinh đang tới.

 
Hoa Dau Bap
Tranh vẽ hoa đậu bắp.
 

***

1.

Tôi có người bạn quen biết từ bức điện thư anh gởi về toà soạn và nhờ chuyển cho tôi. Chúng tôi cùng trạc tuổi với nhau nên người đọc và người viết cùng thời có phần dễ gần nhau hơn. Rồi tình thân theo thời gian thân tình giữa người viết và người vẽ khi tôi biết ra anh là hoạ sĩ.

Tranh của anh bàng bạc nỗi lòng người xa quê trong không gian sống hiện đại và hối hả ở Mỹ là điều tôi cảm nhận được qua màu sắc, nét cọ… như anh vẽ một góc trường đại học ở Mỹ từ góc nhìn của người quét dọn hành lang.

Những thầy cô và sinh viên người Mỹ trong trường rất thích cảnh mùa thu về trường của họ qua nét cọ của anh, riêng tôi chỉ thấy những nhát chổi trong mùa thay lá nhuốm mồ hôi của người quét dọn muốn quét đi quá khứ đời mình, nhưng ký ức của người vẽ đã vô thức bàng bạc gởi trong màu sắc một vùng quê thương nhớ đã mù khơi. Tôi cũng thường gởi đến anh những tùy bút bất chợt một cảm xúc, những đoản văn không có bắt đầu nên không có kết thúc như tôi đứng xem duyệt binh ngày quân lực Pháp bên Paris, tiếng trống quân, tiếng kèn trận, tiếng giày đinh rầm rập trên đại lộ Champs Elysée tiến về Khải Hoàn Môn làm tôi thấy vua Quang Trung trên mình voi cao với ba quân tướng sĩ tung hoành oanh liệt. Khi những chiếc máy bay bay trên trời Paris thả khói màu, người dân đứng xem hai bên đường trầm trồ, hãnh diện, tôi lại thấy cụm mây trắng như chiến bào bị ánh nắng mặt trời xuyên qua làm đỏ hoe màu máu, Nữ tướng Bùi thị Xuân vừa trúng một đao. Tử mạng. Cây trường thương xuyên qua lồng ngực tôi chỉ là tia nắng xuyên qua được cụm mây nhưng là cả lịch sử chống ngoại xâm anh dũng của tiền nhân chỉ còn lại kẻ hậu thế lang bạt chân trời góc biển…

Trời ơi! Ai mà hiểu cho chữ nghĩa hoang hoải của người biệt xứ ngoài người quét dọn hành lang thường nói với tôi, “thỉnh thoảng tôi đọc lại sử Việt nam ông ơi! Sống bên Mỹ này riết, chỉ biết đời tổng thống nào rồi tới tổng thống nào của Mỹ. Trong khi đời vua nào tới đời vua nào trong lịch sử Việt nam thì chúng ta quên tiệt!” Cứ thế, hai người bạn chưa bao giờ gặp nhau mà chia sẻ vui buồn cuộc sống hải ngoại, tâm tư tình cảm qua điện thư, điện thoại những hôm cuối tuần, thậm chí cuối ngày có chuyện vui hay kém vui mà có thời giờ thì cũng kể lể nhau nghe cho khuây khoả…

Chúng tôi vẫn đùa giỡn với nhau khi gọi nhau là “cái thùng rác của tôi”. Nghĩa là nơi để trút bỏ những phiền muộn trong cuộc sống. Từ anh, tôi cảm nhận ra đời sống gia đình và xã hội thì dường như ai cũng như nhau với những lo toan cơm áo gạo tiền, tương lai con cái, bất đồng vợ chồng vì mỗi người di dân tiếp nhận đời sống mới khác nhau. Nhưng có một người bạn lắng nghe và chia sẻ cũng làm cho phiền muộn trong lòng vơi đi nhiều. Như khi nghe đầu dây bên kia tức giận gọi tôi, “Ông rảnh không? Tui đổ ông mớ rác. Tức quá!”

Khi tôi trả lời: “rảnh” thì anh giận dữ chuyện con anh không nghe lời cha, vợ lại bênh con chứ không đứng về phía chồng để dạy con cái lớn rồi, sống phải biết tiết kiệm, có trách nhiệm. Thời gian rảnh ở trường thì đi giúp đỡ cho người già trong viện dưỡng lão, hay đi dạy học cho trẻ em chậm phát triển; chứ đừng có rảnh là lo đi chơi, sung sướng bản thân…”

Nhưng giọng anh đã dịu xuống, bớt giận dữ khi nghe tôi phân tích chuyện mẹ nào chẳng thương con, muốn con được nghỉ ngơi, vui chơi sau đợt học thi mờ mắt, thiếu ngủ trầm trọng.

Vấn đề cần ở anh sự nhỏ nhẹ, khuyên giải thì anh lại nóng giận…”

Từ anh bạn chưa bao giờ gặp mặt nhưng qua trò chuyện với nhau. Tâm lý người đàn ông trong nhà mình không còn cảm giác ốc đảo cô đơn vì không ai thấu hiểu! Chúng tôi là cái thùng rác của nhau chẳng tốn kém gì ngoài ít thời gian lắng nghe và chia sẻ mà lại trút bỏ được những bực bội khó nói, muộn phiền khó nuốt ngay trong gia đình mình, ở chỗ làm, ngoài cộng đồng, trong xã hội…

 
2.

Nhưng khi tôi đến thăm anh thì quen biết thêm người bạn hàng xóm với anh là một kỹ sư người Việt. Anh hàng xóm đồng hương này ngang tuổi với chúng tôi nên rất dễ gần mà anh lại vui vẻ, tốt bụng. Một tấm lòng đáng qúy khi nghe anh tâm sự những trăn trở về quê nhà trong lòng đứa bé biệt xứ từ nhỏ khi theo gia đình di tản từ năm 1975.

 Anh học trường Mỹ, chơi toàn bạn Mỹ, và làm việc cho Mỹ vì anh sinh sống ở Bắc Mỹ nên ít người Việt để tiếp xúc. Không ngờ người bạn còn rất Việt trong tâm tư, dù rất Mỹ trong đời sống hằng ngày lại phản đối tôi với anh họa sĩ, anh không đồng ý cho bạn bè sao lại gọi nhau là, “cái thùng rác của tôi”. Bạn bè phải gọi nhau là chai rượu qúy, bình trà thơm của nhau mới phải chứ?!

Tôi rất qúy mến hai người bạn đồng hương xa xôi này vì gặp họ như gặp lại chính mình ngày xưa vô tư với bạn học, nên vui cười thoả thích, cả ngày rong chơi với nhau đi thăm thú nhiều nơi, xem viện bảo tàng, vô dinh thống đốc tiểu bang cho biết cái phòng thống đốc tiếp người dân thường khi có việc phải gặp ngài thống đốc ở tiểu bang Tennessee nó ra làm sao? Trời ơi! Ở cái xứ tôi phải bỏ nước ra đi thì ba trăm năm nữa không biết nơi công quyền mới có cái phòng tiếp dân này hay ba ngàn năm nữa vẫn chỉ có trại giam cho người bất đồng chính kiến!

Hưng phấn với tự do dân chủ không phải là cái bánh vẽ ở quê người nên chúng tôi đi uống bia nghe nhạc ngoài đường phố thật thích thú, những nhạc công, nhạc sĩ hè phố không xin tiền, không xin ai thương xót họ mà xin mọi người thương xót nhau qua âm nhạc không biên giới, không tôn giáo, màu da, chủng tộc…

Chiều tối, chúng tôi về nhà nấu ăn, cụng ly rôm rả…  

Một kỳ nghỉ lễ Giáng sinh thật ý nghĩa đối với tôi từ khi sang Mỹ đã mấy mươi năm chỉ biết vác máy ảnh đi chụp hình ở nhà thờ, đêm thánh vô cùng trở về nhà thường lặng lẽ một mình ngồi viết bài phóng sự địa phương cho báo nhà. Sự chia sẻ với độc giả muôn phương từ cảm nghĩ đến tâm tư người viết bài, niềm tin ơn trên lẫn lời thì thầm cầu nguyện cho mọi người được sống an vui trong tình thương yêu vô biên của thượng đế… Tất cả đều có thể trải lòng trên trang viết nhưng những muộn phiền trong tâm tư riêng mang thật không biết chia sẻ cùng ai để vơi đi những khắc khoải trong lòng người viễn xứ trước thời cuộc, quê nhà…

Tôi nhớ lắm kỳ nghỉ lễ Giáng sinh năm ấy vì hôm chia tay thật đáng nhớ trong đời chia xa nhiều hơn sum họp. Các bạn tặng tôi từ laptop để viết lách, tới mũ, áo, quà lưu niệm đã mua trong lúc rong chơi, tới đôi giày đang mang trong chân anh kỹ sư cũng cởi ra cho luôn vì tôi khen đôi giày đẹp, nhờ hai bạn chở tôi đi mua một đôi thì lại gặp hôm tiệm giày đóng cửa nghỉ lễ. Bạn đàn ông với nhau mà anh kỹ sư còn mua cả vòng vàng, dây chuyền làm quà gởi tặng cho hiền nội nhà tôi… Nói chung, trên đường ta bà rong chơi cuối năm của ba tên không tổ quốc, anh kỹ sư thấy tôi để mắt đến món gì thì anh nghĩ là tôi thích món đó, nhưng túi tiền nhà báo chỉ đủ mua vé vào xem những nơi triển lãm là cùng. Nghĩ đến tấm lòng của anh mà thành nợ ân tình vì đang vui chơi ở đâu đó, anh lại có việc riêng phải đi lo công việc một chút… về sau mới biết là anh đi mua những món tôi để mắt tới để làm quà cho tôi và gia đình. Cảm ơn anh thật nhiều và cả bữa ăn thân tình xa quê của chị nhà đã khoản đãi người viết tiếng Việt này dù chị không đọc được tiếng Việt vì sang Mỹ từ khi cai sữa nên chỉ biết tiếng Anh.


Anh hoạ sĩ tặng tôi mấy bức tranh thật nhiều kỷ niệm vì hôm trò chuyện với nhau qua điện thoại, tôi ví cuộc đời bọn mình như cánh vạc bay, gặp gỡ quen biết nhau trong đời như đêm may có vầng trăng bầu bạn với cánh vạc cô đơn nơi xứ lạ quê người. Mai nắng lên. Trăng lặn. Nhưng trăng lại mọc giữa trời đêm để bầu bạn với những cánh vạc đã lạc mất quê nhà… Rồi thì tôi lại gọi thăm anh, sang chơi với anh khi có thể... Và điều mong muốn qua phôn là thực tế, “Đừng làm tôi khó xử đến không dám sang thăm hai ông nữa! Làm ơn cất lại số tiền mà ông cứ nhất định cho tôi để mua vé máy bay, bay sang đây chơi…”

 Tôi nhận quà hào phóng từ người bạn khá giả bởi hai vợ chồng cùng là kỹ sư lâu năm, mỗi năm họ làm ra được mấy trăm ngàn nên chẳng áy náy gì hết khi đã xem nhau là bạn bè. Nhưng đồng lương giờ ít ỏi của anh bạn họa sĩ phải làm hai việc làm cùng ngày để giúp con học dược sĩ thì không thể nhận những đồng đô la mồ hôi, tóc bạc da mồi trước tuổi đời của bạn nghèo. Nhưng tôi nhận bức vẽ cánh vạc bay đêm trăng để làm kỷ niệm cho hôm uống bia qua điện thoại với nhau tới trời về sáng mới tạm biệt. Hôm khác, cuối tuần, lúc tôi đang tưới mấy gốc đậu bắp sau nhà. Vừa lúc anh gọi uống cà phê sáng cuối tuần qua điện thoại, nên tôi tả màu vàng kiêu sa của hoa đậu bắp trong nắng sớm. Anh bảo tôi chụp tấm hình hoa đập bắp gởi cho anh xem có thật đẹp như tôi tả hay không? Không ngờ anh vẽ tặng tôi bức tranh “hoa đậu bắp nhà bạn” thật ý nghĩa…

Tôi cứ lưu luyến ân tình của ba người bạn đã sống hơn nửa đời mới gặp nhau, lại gặp ở nơi xa tít quê nhà nên chỉ ngồi nhâm nhi lại ký ức của thằng nhỏ người Phú Yên, hai thằng con nhà người bắc di cư nên ký ức càng xa mù với những chuyện kể về nguyên quán của cha mẹ ... Ơn trên cho chúng gặp nhau thật lòng qua món quê anh, món quê tôi… để tôi làm! Món nào cũng dở hơi như những thằng người lạc mất quê hương từ tuổi nhỏ nên món nhớ quê nào cũng mặn khan, nên văn bằng, danh tiếng ở quê người lạt thếch đến đũa không buồn gắp, sao gắp hoài không hết hoài niệm về quê xa khi đầu đã bạc. Sự thật tình đối xử với nhau là của hiếm trong đời sống thân quen với giả dối, đãi bôi, nói ra câu thật lòng chỉ để cho người ta cười mình. Sống trong xã hội không thật đến quen miệng nói láo vì nói láo người khác lại dễ tin mình hơn là nói thật! Câu chuyện của anh họa sĩ lúc nửa đêm mà hai anh em còn đánh bóng bàn với nhau trên lầu nhà anh làm bằng chứng cho thời đại chúng tôi đang sống! Bà Hội trưởng Hội phụ nữ nơi anh ở đã hỏi họa sĩ nghĩ gì với chiếc áo dài mùa xuân của bà mới mặc lần đầu? Anh chỉ thấy cây chả lụa mới ra lò căng cứng trong lá gói. Nhưng lại được bà hội trưởng hết lời khen là anh hoạ sĩ khéo ăn nói như nét cọ của anh! Vì anh đã trả lời bà Hội trưởng, “Năm nào chị cũng làm lu mờ hết đám cháu gái trong cộng đồng người Việt của mình với những chiếc áo dài độc đáo của chị…” Anh thà để đám cháu gái trong cộng đồng chê cười mắt nghệ thuật của chú hoạ sĩ đồng hương vì bà Hội trưởng Hội phụ nữ cũng đã chân trên đời kém cỏi hơn chân dưới mồ vì tuổi tác! Thôi thì cứ nói một lời hổ thẹn với mình thay cho lời chia buồn cùng tang quyến của người dồng hương cũng chả sao…!


3.

Từ những người bạn đã quá nửa đời người mới gặp nhau. Biết bao giờ gặp lại khi mùa lễ lại về mà tôi đã đặt vé máy bay cho kỳ nghỉ Giáng sinh năm nay để đi thăm những người bạn cũng chưa bao giờ gặp mặt. Lại thêm một năm lỗi hẹn với hai người bạn chân thành hiếm có. Sáng nay tôi ngồi nhìn hai bức tranh “cánh vạc bay”, và “hoa đậu bắp nhà bạn”… sau khi đặt vé máy bay bay về bờ tây nước Mỹ chứ không qua bờ đông. Lòng riêng tạ lỗi thất hứa với bạn bè nhưng hiểu được trong mối quan hệ giữa người với người, việc tranh luận không thể tránh khỏi, nhưng việc có thể là tránh hơn thua. Anh kỹ sư có lý do riêng để tôn trọng, thương mến bạn bè như chai rượu qúy, bình trà thơm. Tôi với họa sĩ có lý do riêng khi gọi nhau là “cái thùng rác của tôi”. Khi nghĩ về hai người bạn thương mến mình không hết, tôi luôn tự thú nhận với mình là ta đã sai. Cãi nhau, những người trong cuộc đều thất bại, chỉ khác nhau ở mức độ thất bại mà thôi. Khi xảy ra tranh luận, bản năng tranh thắng lấn át, người ta dùng hết khả năng lý luận của lý trí. Trong khi cốt lõi của tình cảm, tình bạn, tình người là sự khiêm nhường và lòng độ lượng. Trong khi tranh luận là cuộc chiến của lý trí, cuộc công kích đối phương để bảo vệ lập trường, đến mức độ nhất định, người ta không còn cãi nhau để phân biệt đúng sai nữa mà chỉ hướng đến chiến thắng. Nhưng khi bình tâm, chúng ta phân tích khách quan ra mới thấy mình bị chính cảm xúc của mình lừa bịp, xỏ mũi. Từ đó hiểu ra cảm xúc của bản thân là tên bịp bợm khôn lường, kẻ thù thực sự khi chúng ta tranh luận không phải là đối thủ, bạn bè, mà chính là cảm xúc của chúng ta. Bản năng giành thắng dù không biết để làm gì sau đó nên hối hận. Suy ra, bản chất của cãi nhau là dùng sai trật của người khác và cố chấp của mình để trừng phạt bản thân. Không có người thắng trong mọi cuộc tranh luận mà chỉ thua ở mức độ khác nhau vì nét riêng, sự độc đáo, đặc biệt của mỗi người không chỉ là bề ngoài mà chính ở nội tâm khác biệt. Chỉ cần trong tâm luôn suy nghĩ lương thiện, tự nhiên, chúng ta sẽ trở nên đẹp đẽ hơn tranh luận vì sự chân thành của con người không đến từ những lời lẽ hoa mỹ, lý luận logic, mà là từ tâm hồn thuần khiết. Thiện ác chỉ cách nhau ở một niệm nhưng khác biệt vạn dặm.

Sống ở đời không cầu hư danh, chỉ cần không thẹn. Không hám lợi để còn tâm an để thanh thản, tự tại… lời nói sẽ thiện, việc làm sẽ lành. Vậy tại sao chúng ta tranh luận với người dưng đã không tốt. Thế mà đôi khi tranh luận cả với người thương qúy mình?! Giữa người với người, ngôn ngữ không phải là phương cách duy nhất để biểu đạt. Đôi khi chỉ cần một ánh mắt thiện ý, một nụ cười bao dung, một hành động khiêm nhường… đều có thể khiến nhân tâm đôi đàng ấm áp. Hà cớ phải tranh luận? Cần gì quan tâm tới đánh giá của người khác để xảy ra những cuộc tranh luận vô vị. Lời văn hay nhất là vô tự, lời nói ý nghĩa nhất là vô ngôn sẽ không bao giờ làm tổn thương người khác. Đời sống có lý lẽ cao cả là không so đo để tránh làm tổn thương cảm xúc, không tranh luận, tránh được họa vào thân, giữ được hoà khí…

Dẫu không có điều gì đáng tiếc xảy ra ngoài cuộc tranh luận mang tính kỷ niệm nhiều hơn giận hờn. Nên lần sau sang thăm hai người bạn, tôi sẽ nhường nhịn hơn để tránh những hối hận không đáng có. Tranh luận vô vị, tựa như hai người đổ rác vào nhau, khiến tinh thần hao tổn. Tôi sẽ gọi anh kỹ sư là chai rượu ngon, bình trà qúy… Nhưng họa sĩ mãi là cái thùng rác của tôi vì từ đầu tôi đã là thùng rác của anh.

Cuộc sống rất đơn giản khi ta sống cho giây phút hiện tại vì sang phút sau, giây phút trước đã mãi mãi là quá khứ, chỉ tồn tại trong ký ức mà không thể vãn hồi. Buông bỏ và độ lượng, bao dung bạn bè là thương mình.

Chúc Giáng sinh vui vẻ.

Mùa Giáng sinh 2018

Phan

Ý kiến bạn đọc
05/12/201818:22:08
Khách
Đọc bài này thấy lòng mang mang thấm thía quá đi Phan. Còn được là chai rượu, bình trà và thùng rác của nhau là còn hạnh phúc đó Phan à.
Cám ơn Phan đã cho một bài viết thật hay và cảm động.
Chúc Phan và gia đình một mùa lễ an bình và hạnh phúc.
05/12/201816:05:11
Khách
Phan ơi! Cám ơn “chàng lãng tử” cho bài viết thật dễ thương. Giọng Văn của Phan lúc nào cũng mềm mại ngọt lừ ke cả lúc muốn phản đối điều gì đó. Còn nữa, tình cảm ray rức về quê hương của Phan đọc mà như thấy được những giọt lệ nghẹn ngào ẩn hiện trong từng chữ từng lời:
“...Món nào cũng dở hơi như những thằng người lạc mất quê hương từ tuổi nhỏ nên món nhớ quê nào cũng mặn khan, nên văn bằng, danh tiếng ở quê người lạt thếch đến đũa không buồn gắp, sao gắp hoài không hết hoài niệm về quê xa khi đầu đã bạc...”
Chúc Phan thân tâm an lạc ...
PHoa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,251,884
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001. Tuy từ 10 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, tác giả vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển và định cư tại Salt Lake City, Utah từ tháng 8 năm 1987 đến nay. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Tuần lễ Halloween bắt đầu, mời đọc chuyện sợ ma. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015.Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Sang năm 2018 nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của bà là chuyện về một gia đình H.O. có các con trên 21 tuổi từng bị từ chối cho đi theo cha mẹ. Nhờ Tu Chính Án của Thượng Nghị Sĩ John McCain, mà họ đã có thể đoàn tụ từ sau năm 1995.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây, thêm một bài mới của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ năm của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến