Hôm nay,  

Chỉ Vì Anh Không Làm Di Chúc

12/10/201800:00:00(Xem: 10592)
Tác giả: Minh Nguyệt Graves

Bài số 5520-20-31327-vb6101218

 
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.

 
***
 

Trong bài viết gần đây, “Nên Làm Di Chúc” tôi đã kể chuyện về ông anh lớn trong gia đình chúng tôi. Sau khi anh từ trần, còn nhiều chuyện trăn trở trong gia đình chúng tôi, xin phép được kể tiếp.

Nhớ lần cuối gặp anh, chỉ mới tháng trước thôi, lúc qua Cali nhận giải thưởng của Việt Báo, tôi nói: “Cậu nhớ đi để chụp hình cho mụ O nhọn mồm ni nghe! Nhớ đi sớm, để chụp được nhiều hình.” Anh cười hiền lành, đùa dí dỏm “chọc quê” tôi, nói: “Đi chơ, mụ O nhà văn “có sức viết giản dị và mạnh mẽ,” phải đi để cỗ vũ chơ.”

Rồi hôm sau, hai vợ chồng anh ghé chơi, thì anh lại nói: “Hôm qua, ham chụp hình, quên ăn món mình ưa thích nhứt!”

 “Món chi rứa? Bé chị không ăn chi được cả tề! Ham “rạng rầu” theo phần thưởng với ưỡn ẹo, làm duyên làm dáng cho người ta chụp hình, chẳng thấy đói nơi!” Tôi đùa.

 “Món Vịt Bắc kinh ăn với bánh bao, anh thích món nớ lắm.” Anh nói.

Suốt mấy ngày gia đình tôi ở Downey (nhà anh thứ nhì,) hôm nào hai vợ chồng anh cả cũng xuống chơi.

Buổi tối hôm trước khi tôi về lại Austin, cả nhà quây quần, vừa ăn uống vừa nói chuyện. “Chừ Ba còn nhớ chi về Sấm Trạng Trình, thì đọc để tụi con ghi âm.” Anh nói, "Ba đọc vanh vách một hơi, công nhận trí nhớ ông tốt thiệt.” Trước khi ra về, đi ngang qua “góc cà phê”, là nơi chị dâu thứ nhì luôn pha sẵn mấy ly cà phê buổi tối, để sáng mai chồng uống trước khi đi làm, tôi nghe anh tấm tắc khen, “Quá giỏi, chi thì chưa biết, chơ cái vụ lo cho chồng ri là mấy mụ O nhọn mồm phải lo mà học hỏi đi hấy!”

Trong lúc anh mang giày vào, tôi nói, “Cám ơn anh chị đã xuống chơi. Khi mô con bé Vy đám hỏi, đám cưới cậu mợ nhớ qua dự và chụp hình cho tụi hắn luôn nghe! Chào tạm biệt."

Anh cười, “Ơ, chào tạm biệt mà không “Hug" (ôm) hả?” Nói rồi anh ôm choàng lấy tôi, như người Mỹ thường làm.

Mới đó, vậy mà rồi anh từ giã cuộc đời. Chỉ vì anh không  để lại một di chúc rõ ràng, nên những người thân yêu đã không thể quyết định rút dây, rút ống trợ sinh, cho đến nay anh vẫn chưa có nơi yên nghỉ.

Sau đây là chuyện kể tiếp theo của người em gái.

. . .

 Ngày thứ 16.

Vẫn hôn mê sâu. Dự định sau khi làm Tracyotomy, sẽ chuyển về nursing home, nhưng chưa chuyển được vì cần theo dõi cơ thể phản ứng như thế nào với việc thở qua ống đặt ở cổ, thay vào đó, người ta chuyển qua DOU, (Definitive Observation Unit). Chỗ này dành cho bệnh nhân không còn “cấp cứu” như ICU (Intensive Care Unit), là nơi vẫn phải để ý tới bệnh nhân kỹ nhưng, bệnh viện đã vô phương cứu chữa rồi, không còn hy vọng nữa, chỉ kéo dài sự sống bằng máy thôi.

 
Ngày thứ 17.

Mí mắt bắt đầu mở, nhưng hai mắt đục ngầu, ngây dại, vô hồn.

Em trai kế vào thăm, nhìn anh mà nước mắt chảy hai hàng, nói với chị dâu,

“Chị dâu ơi! Khi còn sống, anh ấy thường nói là khi về già ảnh không bao giờ muốn sống trong nhà dưỡng lão, càng ghét cuộc sống mà không có thú vui, giải trí, đi đây đi đó, được làm điều mình yêu thích! Có mấy ngày mổ vai, không lái xe, cầm máy hình được, ảnh rên hơn đàn bà đau đẻ! Ảnh nói, "Ngày nào mà anh không lái xe đi chụp hình chỗ này chỗ nọ, hay hẹn “Em” này “Em” khác tới mấy chỗ đẹp, lãng mạn hữu tình, uốn qua ẹo về, để chụp ảnh nghệ thuật, rồi đưa lên Instergram hay Facebook, là ảnh “rầu máu" hơn chi nữa! (Đàn ông ai cũng vậy thôi! Em xin tự giác giơ tay!) Có bữa ngồi nhậu, tự nhiên ai nhắc tới chuyện hậu sự cho ba, ảnh còn nói: “Anh không thích chôn đâu, trong nghĩa trang lạnh lẽo lắm, anh thích thiêu, rồi đem rải tro bên mộ mạ, còn lại thì đem thờ trong nhà, “Cho vui, vì khi mô cũng được ngắm vợ mình!” Em còn đùa, “Lỡ vợ mình đi lấy chồng lại, thì ai cho mình ngắm?” Ảnh cười: “Ai không biết, chơ chị dâu em thì không có chuyện lấy chồng lại đâu! Anh biết bả thương anh lắm!” Nhìn anh ấy, sống đời sống thực vật như thế này, em đau lòng quá. Chị có chắc là anh ấy muốn “sống” như thế này không? Ngày mai em muốn lên chùa, gặp thầy trụ trì, xin thầy một lời khuyên.”

- “Ai muốn làm gì cho anh thì làm, nhưng mình không muốn nghe điều tiêu cực đâu, mình vẫn hy vọng nhiều anh sẽ hồi phục!” Chị cương quyết.

 
Ngày thứ 18.

 Mí mắt mở to hơn, nhưng không có sự di chuyển của con ngươi, không có ánh sáng trong đôi mắt. (Có phải vì vậy mà người ta nói, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn không nhỉ? Tâm hồn đóng lại rồi, cửa sổ cũng khép luôn!) Hôm nay người ta đặt ống đưa thức ăn vô thẳng bao tử.

  Chị dâu kể: “Bác sĩ trực, và mấy người bà con trong gia đình cũng là bác sĩ tới thăm, có nói chuyện, giải thích rằng, anh sẽ không bao giờ trở lại được như xưa. Có "7 Never" (7 điều không bao giờ anh có thể làm được, cho dù anh có sống lại):

- Không tự đi tiêu tiểu được!

- Không nói được!

- Không nhìn được!

- Không nghe được!

- Không cảm nhận được!

- Không suy nghĩ được!

- Không cử động chân tay được!

 
Ngày thứ 19.

Lâu lâu lại nghiến răng “trèo trẹo”!

Con gái trực đêm với bố, sáng dậy gởi hình, và video clip của bố vào trong nhóm để cô chú ở xa có thể nhìn thấy người bệnh.

“Hôm qua bố có feeding tube (ống đưa thực phẩm vào thẳng dạ dày,) ói cả đêm. Mở mắt rất to khi muốn ho hay là đau, mình không biết!”

Em trai thứ coi hình và video clip mà nghẹn ngào, nước mắt trào ra, trả lời lại,

- “Cháu à, chú có một đề nghị. Từ rày về sau, xin đừng đưa hình của bố trong đời sống thực vật như thế này nữa. Chỉ đăng cái gì nghiêm trọng, nguy cấp thôi. Chúng ta phải tôn trọng bố, vì không bao giờ bố muốn người khác nhìn thấy bố như lúc này đâu. Bố con lúc nào cũng muốn ăn mặc đẹp, “good looking”, trẻ trung gọn gàng, năng động. Đây không phải là cuộc sống mà bố con muốn, chú dám cam đoan với con như vậy. Chú tin rằng mọi người ai cũng sẽ đồng ý với chú thôi. Chú không cách chi cầm được nước mắt, con à. Chú biết đời sống thực vật thì cũng như cây cỏ, mà cây cỏ thì làm chi có linh hồn, phải không con?"

- “Chú nói đúng lắm! Cháu đồng tình với chú. Cháu tin rằng linh hồn bố đang ở một nơi rất tốt đẹp, còn hình hài nằm đây, trong đời sống thưc vật này, chắc chắn không phải là điều bố muốn, phải không chú?” Cháu đáp.

Tôi, trong lúc tra cứu Google để tìm hiểu thêm về bệnh trạng của anh mình, đã tìm ra một bài nghiên cứu hay, vì thấy rất giống trường hợp của anh mình, nên đã gởi cho cả nhà cùng đọc, phần để trau dồi kiến thức, phần hy vọng chị dâu sẽ hiểu những diễn biến bệnh trạng của người bệnh trong tương lai.

Họ viết rằng,

“Sau một vài ngày hay vài tuần bị hôn mê sâu, người bệnh (chưa thực sự chết) thường “tỉnh dậy” và hai mí mắt mở ra.

- Nếu bệnh nhân chỉ bị hôn mê vài ngày, thì có có thể "tỉnh dậy” với đầy đủ nhận thức, chỉ ảnh hưởng chút ít thôi (vì rất ít tế bào não bị hư hại.)

- Nhưng nếu bệnh nhân bị tổn thương não nghiêm trọng, thì họ sẽ chuyển từ hôn mê qua tình trạng thực vật hoặc có sự nhận thức nhưng rất ít ỏi.

Tình trạng sống thực vật thì bệnh nhân hoàn toàn không ý thức gì được. Họ không biết gì về bản thân mình cũng như mọi thứ chung quanh họ.

Sự khác biệt chính giữa hôn mê và đời sống thực vật là, trong đời sống thực vật sẽ có một lúc nào đó, mí mắt của người bệnh sẽ mở ra và cũng có nhiều lần giống như họ thức dậy vậy. Họ có thể cử động một vài bộ phận của cơ thể, nhưng những cử động này không phải là “phản xạ tự nhiên,” mà thật ra chỉ là sự co giật mà thôi.

Những cử động đó bao gồm, “Nghiến răng, quằn quại dữ dội, còn các cơ ở mặt thì chuyển động, giống như "ngáp, mỉm cười, hay nhăn lại vì đau." Họ cũng có thể làm những cử động nhanh bất ngờ, giống như phản xạ bởi tiếng động lớn, hay giựt mạnh cánh tay khỏi cái gì làm họ bị đau. Họ cũng có thể gây ra âm thanh như thở phì phò nặng nhọc hay rên rỉ, hoặc thậm chí thỉnh thoảng phát ra thành âm từ.

Sau 4 tuần, người bệnh được gọi là "tình trạng thực vật kéo dài." Còn nếu bệnh nhân sống sót nhiều tháng sau khi bị tổn thương nặng do não thiếu oxygen, (ví dụ như do bị nhồi máu cơ tim,) hoặc sau một năm bởi tổn thương não nặng (do tai nạn xe, bị té hay bị đánh đập,) thì cơ hội hồi phục nhận thức là rất thấp, và họ được gọi là “tình trạng thực vật vĩnh viễn."

Chị dâu đọc xong, gởi lời nhắn, “Thấy anh nhúc nhích nhiều, chưa biết khi nào họ chuyển viện. Không biết có nghe có hiểu gì không, nhưng mình vẫn luôn cầu mong cho anh mau biết. Bài hay quá, nhưng mình vẫn tin là anh sẽ sống lại!"

Em trai nghe chị nói mà lắc đầu: "Thấy chị có vẻ phấn khởi về hoạt động "thân xác" anh mà mình không dám nói thêm về “tình trạng ý thức” của Não!”

 
Ngày thứ 20.

Chị dâu kể: "Thỉnh thoảng có ngừơi quen, họ hàng xa gần tới thăm anh, ai cũng khen, “Nhìn anh mạnh khoẻ quá, đẹp trai, giống như đang ngủ!”

 
Ngày thứ 21.

Suốt ngày, chị dâu ngồi bên anh, xoa bóp tay chân, vuốt tóc, nói chuyện thủ thỉ thù thì.

Hôm nay có cô em gái út qua thăm, cô đùa, “Chà, ngày ni mở mắt to ghê luôn, mắt đảo qua đảo về nữa chơ! Râu mới thấy cạo bữa trước, chừ ra lún phún lại rồi tề. Thôi, chừ dậy uống cà phê nè? Hay muốn đi uống cà phê Lú với mấy ôn đờn ôn hơn?”

Chị dâu, vừa lau mặt cho anh, vừa nói,

“Anh có nhìn thấy em không? Hồi đêm ngủ có ngon không? Giờ có muốn uống cà phê không nè? Uống đá thôi, chứ anh đâu có uống sửa được!

 
Ngày thứ 22.

Tay chân có khi giựt đột ngột.

 
Ngày thứ 23.

Lâu lâu mặt nhăn như bị đau, rồi thở dài, có khi lại nghe như rên rỉ nhè nhẹ.

 
Ngày thứ 24.

Không một cảm nhận, không một dấu hiệu nào cho thấy anh nghe hay hiểu bac sĩ nói cả.

 
*

Leo Tolstoy nói, “Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau. Còn những gia đình bất hạnh thì lại hoàn toàn khác nhau."

Ba tôi thường hay bảo: “Mỗi khi gia đình có đám tang, chuyện buồn phiền, thì giống như có ám khí bao phủ, gây xung đột anh em, gia đình bất hoà. Âu đó cũng là điều dễ hiểu, bởi vì sự đau thương mất mát, khiến người ta quẫn trí, và phải tìm một cách gì đó để giải toả nỗi ưu phiền, chỉ có điều, khi tâm trí bất định, bất minh, thì khó mà làm điều gì cho tốt được.”

Chuyện anh tôi, ngoài việc cần phải có người ở bên cạnh anh, thì còn nhiều việc khác phải lo lắm.

Thật may anh có bảo hiểm sức khoẻ do đã từng làm việc cho tiểu bang. Vậy thì bảo hiểm sẽ chi trả như thế nào?

Tuỳ loại bảo hiểm mà bệnh nhân đã mua, riêng trong trường hợp anh tôi, thì theo tôi được biết, Kaiser HMO chỉ trả tối đa trong vòng 100 ngày. Sau đó, nếu muốn ở nursing home thì mỗi ngày phải trả trên 500 đồng!

Anh em, con cháu trong nhà, thương yêu lo lắng, những ngày đầu ở bệnh viện, thay nhau túc trực 24/24 phụ giúp chị dâu. Nhưng về lâu dài, ai cũng có cuộc sống riêng, cũng có “nỗi lòng” riêng theo “Cơm áo gạo tiền”, nên có thăm viếng thì cũng thưa dần đi, (dù muốn thăm hoài cũng không thể!), đó là chưa kể, mỗi lần nhìn người bệnh, lòng buồn bã, chán nản, ủ ê.

Tôi, ở cách anh mấy ngàn dặm, gần 4 giờ bay, mà thấy buồn tê tái, nhếch mép không lên! Bạn bè người quen nghe tin, nhắn hỏi, tôi chẳng buồn trả lời! Facebook tôi cũng chẳng ngó ngàng tới. Người lúc nào cũng thấy mệt mỏi, buổi sáng ráng “lết” tới tiệm, loay hoay tới chiều “lết” về. Ông chồng tôi lo lắng nói: “Tôi thật sự không hiểu vì sao chị dâu cứ muốn kéo dài cuộc sống thực vật cho anh? Được gì đâu? Chỉ kéo dài thêm đau đớn về thể xác, rồi chưa kể, là một thằng đàn ông, tôi không muốn ai nhìn thấy mình như vậy đâu! Không nghe người ta nói đó à, “Cái xác không hồn”! Tôi tin chắc anh ấy cũng muốn giống tôi thôi. Đó không phải là cuộc sống, hay sự sống, mà là sự kéo dài vô nghĩa, làm đau lòng tất cả những người còn sống quanh ổng. Chị ấy không sáng suốt để nhìn nhận sự việc, lắng nghe lời khuyên của bác sĩ, y tá, những người được đào tạo thành chuyên viên trong lãnh vực đó, để quyết định cho ảnh ra đi nhẹ nhàng hồi tuần đầu khi đang bị hôn mê sâu!”

Tôi ngồi im lặng nghe ông chồng nói, đợi cho ổng “thuyết giảng" một hồi, thì tôi mới nói: “Tôi đồng ý với ông. Nhưng tôi cũng hiểu chị dâu. Chuyện xảy ra đột ngột quá! Hãy cho chị thời gian để chấp nhận sự thật, cũng như thời gian được chăm sóc anh, người mà chị yêu thương suốt cả đời. Khi người ta mất tất cả, thì bám víu được cái gì, người ta sẽ bám thôi. Bây giờ chị đang còn hy vọng, hãy để cho chị hy vọng. Đến một ngày nào đó, chị mệt mỏi, đuối, xuôi tay, không chăm lo cho anh được nữa thì thôi. Ít nhứt lương tâm của chị được thanh thản. Bởi vì nghĩ cho cùng, ai nói chi thì nói, họ cũng về nhà họ. Chỉ có chị mới sống cùng anh thôi!”

 
Ngày thứ 24.

Chuyển qua nursing home, “Chỗ này một phòng có 2 người, hầu hết là người già, chỉ có mình anh là trẻ thôi," Chị dâu kể.

   . . .

Thêm nhiều ngày đã qua. Không có gì khá hơn. Do không có di chúc, (Còn gọi là Will hay Living Trust,) nên anh tôi đang “sống" đời sống thực vật, theo yêu cầu của gia đình. Gọi là “Sống” nhưng người bệnh không nhận thức được điều gì, không có thể: nghe, thấy, đi lại, ăn uống, tự đi tiêu tiểu, hay ngồi dậy mà chỉ nằm "trơ trơ" thôi. Tuy hình hài thì vẫn còn đó, nhưng không còn là người của ngày xưa nữa rồi.

Vậy, có bao giờ bạn tự hỏi, đó có phải là sự Sống mà họ mong muốn không?

Sau khi bảo hiểm ngừng trả chi phí, liệu gia đình có kham nỗi hay không?

Một người anh đã phân tích cho tôi hiểu,

"Đứng về mặt y khoa, “Lương y như từ mẫu, cứu người cho tới hơi thở cuối cùng, vì nhân đạo.”

Đứng về tâm linh, “Hồi đầu, 1, 2 tuần, khi đang hôn mê (coma) cơ thể bất động, thì dễ dàng quyết định rút ống. Chứ bây giờ, cơ thể “nhúc nhích” dù chỉ là sự co giãn của bắp thịt, cũng khiến cho thân nhân rất khó quyết định, vì ai nỡ để người đang “chưa chết” phải chết ngay?"

Đứng về thực tế, “Thật là vô nghĩa khi kéo dài sự sống qua máy móc, sống đời thực vật, để được gì?"

Những câu hỏi đó sẽ dằn vặt chúng ta, là những người thân của bệnh nhân phải sống đời sống thực vật, trong một thời gian dài, rất dài!

Khi tôi viết loạt bài này, không gì hơn, chỉ mong mọi người nên làm như người bạn Mỹ Trady đã khuyên tôi mười năm về trước, “Hãy làm di chúc, (Will hay Living Trust,) để lỡ, nói “hui miệng hui mồm”, chơ mà xui xẻo xảy ra cho mình, ít nhất người thân cũng dễ dàng quyết định, không phải kéo dài những chuỗi ngày gian nan, vất vả vô ích!

Phần tôi, nếu một mai tôi phải ra đi, thì điều tôi muốn cho người ở lại là gì? Tôi muốn họ được thanh thản, vui vẻ sống tiếp cuộc đời còn lại của họ.

Trong câu chuyện này, còn có một điều cứ làm tôi suy nghĩ mãi. Đó là tình yêu của chị dành cho anh.

Chị yêu anh hơn 20 năm, cưới nhau được 10 năm, chị cương quyết duy trì sự sống cho chồng (dù đó chỉ là sự sống bằng máy móc), dù chị phải tất tả ngược xuôi, theo anh từ bệnh viện này qua bệnh viện khác (3 bệnh viện cả thảy, trước khi chuyển về nursing home!) Chị chăm sóc cho anh từng ngày, bỏ cả công việc, với hy vọng có ngày anh tỉnh lại, bất chấp những lời khuyên của bác sĩ, chuyên gia về Stroke, những người họ hàng bà con làm nghề Y...

Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta phải đối diện với những vấn đề rất nan giải, khó khăn, bên lý bên tình, bên nào cũng nặng cả! Chắc gì mình đã làm được như chị? Theo tôi, đó là tình yêu thật sự!

Nhưng mà tôi cũng nghe người ta nói, “When it’s over, leave. Don’t continue watering a dead flower.” Tạm dịch, “Khi mọi chuyện chấm dứt, hãy đi đi. Đừng tiếp tục tưới nước cho một cành hoa đã chết!”

*

Ngoài kia nắng đã lên quá ngọn mấy cây cau già. Mảnh sân nhỏ trước nhà lúc anh mới mua, trông thưa thớt, thì giờ đã có rất nhiều cây, nhiều loại chen chân nhau mọc.

Góc trái vườn, có chiếc ghế dài bằng đá đẹp, được đặt trên hai cái đôn gọn gàng như mời gọi người đang ngắm nhìn khu vườn, dừng chân ghé lại cùng ngồi thưởng thức vẻ đẹp của một ngày mới đang lên.

Dưới mái hiên, chiếc xích đu màu xanh lá cây, đong đưa nhè nhẹ theo làn gió thoảng.

Giàn hoa Ti gôn phía trên của băng ghế đá, đang nở rộ, rực rỡ muôn vàn bông hoa hình trái tim bé xíu màu hồng cánh sen thắm, xinh xắn thật đáng yêu...

Tất cả vẫn còn đây... Nhưng không biết chủ nhân của nó đang “phiêu bạt" nơi nao?

Tháng 9/2018, Austin, Texas

Minh Nguyệt Graves

Ý kiến bạn đọc
13/10/201815:50:45
Khách
Hữu sinh, hữu tử, hữu luân hồi
Vô sinh, vô tử, vô khứ lai.
Có người may mắn ra đi rất nhẹ nhàng. Người không may mắn phải trải qua một thời gian dài. Tác giả cũng nên nghe lời khuyên của người em không nên viết quá nhiều và quá chi tiết về đời sống thực vật:
“Cháu à, chú có một đề nghị. Từ rày về sau, xin đừng đưa hình của bố trong đời sống thực vật như thế này nữa. Chỉ đăng cái gì nghiêm trọng, nguy cấp thôi. Chúng ta phải tôn trọng bố, vì không bao giờ bố muốn người khác nhìn thấy bố như lúc này đâu”.
Xin được chia sẽ những mất mát của tác giả và gia quyến.
13/10/201809:43:47
Khách
Bài viết rất thiết thực! Chúng ta phải rút kinh nghiệm làm living will trước khi xảy ra điều không may vì gia đình rất khó quyết định chấm dứt sự sống của thân nhân. Cám ơn tác giả và xin chia buồn với gia đình!
12/10/201814:20:50
Khách
Xin chia buồn cùng gia quyến ❤️🙏
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,641,340
Mừng năm mới 2019, mời gặp lại một tác giả thân quen. Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Bài mới, bắt đầu phần “dựng nghiệp”.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Năm Mậu Tuất sắp hết, mời đọc bài viết với nhiều nụ cười, tiễn chân chó cưng.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là tự truyện về mùa Giáng Sinh 1975.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới, tác giả viết cho mùa Giáng Sinh.
Tác giả lần đầu dự VVNM từ tháng 11 và đây là bài viết thứ hai của bà. Sinh năm 1955, qua Mỹ năm 1985, tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý, người của sông Hương núi Ngự. Hiên nay còn làm việc và đang cư ngụ tại thành phố Hayward thuộc miền Bắc Cali. Xin lưu ý: Bút hiệu Minh Thúy có thể lầm với tác giả đã dự VVNM từ 2005: Minh Thùy (dấu huyền). Mong tác giả tiếp tục viết.