Hôm nay,  

Đi Bơi Ở Sông Hương và Ở Austin

03/09/201800:00:00(Xem: 8688)
Tác giả: Minh Nguyệt Grave

Bài số 5485-20-31292-vb2090318

 
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.

 
***
 

Tôi sinh ra ở thành phố Huế, nơi có con sông Hương nổi tiếng trong xanh, đã có lần được đưa vào chương trình Jeopardy (Đố vui để học), câu hỏi là “Con sông nào ở châu Á, đổ ra biển Đông, có mùi hương thơm ngát?”

Con sông không lớn chia cắt thành phố thành hai vùng bắc nam, và dĩ nhiên đã có sông thì phải có những chiếc cầu nối liền hai bên.

Nhưng hôm nay tôi không muốn nói về vẻ đẹp của con sông, hay những cây cầu vì tôi nghĩ bạn có thể tra Google là ra thôi. Thay vào đó tôi xin kể những kỷ niệm về những buổi tắm trên sông Hương.

Học xong lớp 12, không được đi học tiếp, tôi ở nhà đan móc giỏ bán và tự học để thi lại đại học, sư phạm Anh Văn. Mỗi buổi sáng, khoảng 5 giờ, khi cái loa công cộng ngay góc đường Đặng Thái Thân và Đoàn thị Điểm bắt đầu phát ra âm thanh ồn ào là lúc tôi cùng mấy đứa bạn hàng xóm đạp xe qua bến Toà Đại Biểu để bơi.

Thật ra, dọc theo hai bờ sông Hương, có khá nhiều bến để tắm như bến Me, bến toà Khâm, bến toà Tỉnh, bến cầu Ga, bến Tượng… nhưng tôi chỉ đi tắm có duy nhất bến Toà Đại Biểu thôi.

Bến này ở bờ Nam sông Hương, gần cầu Ga (đi qua cầu là thấy ga tàu lửa nên được đặt tên như vậy). Còn nếu đi từ Nam Giao về thì cứ trực chỉ bờ sông sau khi đổ dốc Nam Giao là chính nó đó.

Từ ngoài đường Lê Lợi, sau khi rẽ phải từ cầu Trường Tiền hay cầu Mới, tiếp tục rẽ phải vào một con đường đất nhỏ, hai bên lau sậy um tùm. Bên phải là trụ sở của công ty chi thì chừ tui quên rồi, nhưng bên trái là toà Đại Biểu (có hồi trước 1975, do vậy mới được gọi là bến Toà Đại Biểu) còn lúc tôi đi bơi là văn phòng của trường Tổng Hợp thì phải. Góc đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ trước khi tới cầu Ga, có một công viên nho nhỏ, bên kia là khu cư xá Đại học, mà có lần Tết, bọn học trò lớp 6/2 chúng tôi đã đi bộ từ trong thành qua thăm cô chủ nhiệm là cô Như Quý, vợ của bác sĩ Tự.

Con đường nhỏ dẫn ra bờ sông ngắn thôi, khoảng 200 mét là cùng, tôi nhớ rất rõ là ở đó có một gia đình chuyên trồng trọt ven sông, buổi sáng người cha dẫn 5 bé gái ra tưới rau rồi sau đó tập bơi.

Thường thì bọn tôi đi bơi buổi sáng, lúc trời còn tối, bơi một lát thì trời sáng dần lên. Đây là nơi tôi được người em trai út và người bạn tập cho bơi, uống không biết bao nhiêu nước (chưa nấu sôi) của sông Hương rồi mới chịu “Nổi”, (không có chìm lỉm!!!)

Một người lấy tay đỡ bụng tôi, rồi tôi tập khoát hai tay, đạp hai chân cho đều đặn, tập hít vô bằng miệng và thở ra bằng mũi cho khỏi sặc nước, rồi cứ vậy từ từ họ thả tay ra cho tôi tự bơi đi…Buổi tối về nhà, lấy hai cái ghế đẩu để sát nhau, rồi nằm xấp lên đó, tập quơ tay và chân cho đều nhịp với nhau.

Tập như vậy gần một tuần thì tôi bơi được, nhưng không dám bơi ra xa. Ngoài sông, cách bờ cỡ 30 mét là có một vùng đất nổi tựa cồn cát, bơi ra đó thì có thể đứng vì nước chỉ mấp mé nách thôi, cũng gần cả tháng thì tôi mới dám bơi ra đó. Tôi còn nhớ, lúc đó cũng hay gặp Thầy Nam dạy Toán dẫn cô con gái nhỏ ra đó tập bơi.

Do mấy bến để bơi là do người dân tự tìm ra nên không có phòng thay đồ, hay nước để tắm lại…, ngay cả xe đạp cũng chỉ khoá sơ sài để ở trên bãi đất trống. Áo quần thì khỏi nói, cứ vất đại ra đó, mấy đôi dép được dấu dưới cỏ. Thông thường chúng tôi mặc quần ngắn và áo cánh (áo không có tay, ở Huế gọi như vậy,) chứ thời đó làm gì có đồ tắm? Mà cho dẫu có bán thì mình cũng không có tiền để mua! Bên ngoài khoác cái áo dài hơn để che bớt áo quần ướt khi đạp xe về. Tôi thì có lanh trí hơn một chút, vì tôi biết may áo quần, nên tôi đã may một cái áo đầm rộng, rất đơn giản, không nút, không dây kéo, không tay, chỉ cần “tròng” vô là xong. Nếu làm siêng muốn thay đồ ướt cũng khá dễ dàng, ai đứng nhìn muốn “tưởng tượng” là quyền của họ!

Buổi sáng đi bơi thì thường khi chúng tôi ra về khoảng 6 giờ rưỡi, còn sớm, ít người qua lại, nên các bạn Nam chỉ khoác thêm quần dài ở ngoài. Tôi không thường xuyên đi tắm buổi chiều, bởi vì sợ nắng đen da, với lại, nhiều khi đang làm dở việc, không có hứng để đi bơi. Có một lần tôi đi cho biết, nhưng rồi ốt dột quá thành ra trốn luôn, không bao giờ dám đi bơi buổi chiều nữa.

Chiều hôm đó, nghe lời rủ rê của mấy người anh bà con trong miền Nam ra chơi đang ở trong nhà, tôi cũng đạp xe theo, và cũng ra tắm ở bến Toà Đại Biểu. Tôi có giải thích cho họ biết là không có phòng thay đồ, và dặn họ chuẩn bị tinh thần mặc đồ ướt mà về nếu không muốn mượn áo đầm của tôi để “nguỵ trang”.

Sau một hồi bơi, mát mẻ và vui đùa, chúng tôi chuẩn bị ra về. Lúc đó khá đông người đến tắm. Tôi cũng tò mò, coi họ tính cách chi. Thì thấy mấy ông đàn ông tự nhiên như ruồi, đứng thành hàng dài, xoay lưng về sông, tuột quần ướt, tròng quần khô vào, nhanh cái rẹt! Nhanh nhưng cũng đủ để bàn dân thiên hạ thấy mấy cái mông trắng toát!

Ui cha mẹ ơi! Tôi không nhịn được cười, nghĩ trong bụng, “Đúng là mấy ông ni liều thiệt!” Sau đó họ réo tôi, “Bé Chị, lên thay đồ về cho rồi cả trời tối.” Tôi nói khéo, “Nè, lẽ ra phải đợi trời tối mới về, chơ mấy ông liều mạng thay đồ kiểu nớ, có ngày bị rượt đó chơ!”

Có một thời gian, người ta dời chợ Đông Ba tới ngay trước khu vực cột cờ, trên con đường Nguyễn Hoàng luôn, tôi đoán là do gần sông và mấy cái bến xe chăng? Chợ kéo dài từ khoảng cửa Ngăn cho tới cầu Bạch Hổ. Nếu nhìn qua sông Hương, thì cũng gần khu vực bến Toà Đại Biểu, nơi tôi thường đi bơi. Thế rồi, có một buổi sáng, tôi đi bơi một mình, và khá trễ, khoảng 9 giờ, hứng chí và cũng muốn thử sức mình, tôi đã tự bơi qua bên kia sông, lên bờ phía bắc, rồi bơi về lại, (Chứ không phải kêu xe thồ chở về như mọi người thường đùa đâu nhé.) Tôi vẫn nhớ như in cảm giác khi bơi ra xa bờ, rong rêu lờn vờn quanh chân, và nỗi lo lắng nếu mình bị chi, vọp bẻ, chuột rút hay trúng gió... thì không ai biết để giúp.

Huế vào mùa Hè, nóng bức khó chịu, lại thêm hệ thống nước ở nhà rất yếu, bọn tôi thường phải đi gánh nước ở giếng của nhà hàng xóm về tắm rửa giặt giũ. Thời đó ai cũng nghèo, không có ti vi, computer, facebook, cà phê ăn nhậu cũng hiếm, cho nên hầu như ai ai cũng đi bơi, tôi đoán là một cách giải trí, chứ không hẳn chỉ là tập thể dục, rèn luyện thân thể.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng nghe những câu chuyện thương tâm do người bị chết đuối, chủ yếu là các em nhỏ. Nhớ nhất là 3 anh em đi bán vé số về, nhảy xuống tắm, rồi chết đuối cả ba luôn! Thiệt tội nghiệp. Ngoài ra cứ lâu lâu thì lại nghe có người tự vẫn ở sông Hương, mà tôi nhớ nhất là chị tên M. lớn hơn tôi khoảng 2,3 tuổi thì phải, con của bác hàng xóm cũ dưới đường Mai Thúc Loan, do buồn chuyện gia đình, nên tự vẫn ở sông Hương, đoạn gần chùa Linh Mụ. Câu chuyện đó cứ ám ảnh tôi mãi, bởi vì trước năm 1975, tôi thường chơi với chị sau giờ học. Sau đó nhà của ba mạ tôi bị tịch thu, tôi không còn là bạn hàng xóm với chị nữa, nên ít liên lạc, cho đến hôm nghe tin chị mất mà tôi cứ bàng hoàng.

Kỷ niệm về sông Hương thì còn nhiều lắm. Tôi tuy không được đi học ở mấy trường nổi tiếng như Quốc Học hay Đồng Khánh để hát bài "qua cầu gió bay,” nhưng thời gian sau khi nghỉ học, làm nghề lái taxi, cứ chạy qua chạy về suốt, và như tôi đã nói, hầu như ngày nào cũng ra bơi, nên tôi rất yêu con sông Hương, nó như một phần của cuộc đời tôi. Tôi thích nhìn dòng sông chảy lặng lờ, êm ả, như thấy mình cũng dịu dàng hơn, trầm lắng hơn, suy nghĩ sâu xa hơn…

Thời gian tôi lấy chồng, vì nhà chồng ở bên sông, nên tôi bơi ngay bến sau nhà, không còn đi bơi ở bến Toà Đại Biểu nữa.

 

Rồi tôi đi Mỹ định cư. Con sông Hương giờ đây chỉ còn là kỷ niệm! Hoài niệm thì đúng hơn, tôi vẫn nhớ như có thể “sờ” thấy ánh nắng loang loáng trên mặt nước lúc mặt trời lên, hay ánh nắng tung tăng nhảy múa khi ai đó đùa giỡn đánh nước văng tung toé…


Ôi! Kỷ niệm một thời…

Thành phố Austin nơi tôi đang ở cũng có con sông Colorado chạy ngang qua, nhưng sông này lớn hơn sông Hương rất nhiều, và nước quá lạnh. Có lần tôi bảo ông chồng dẫn cho tôi ra đó bơi, vì thấy người ta bơi, mình cũng ham. Ai dè, nước lạnh cóng, tôi không thể chịu được.

Hồi mới lấy nhau, chúng tôi ở phía miền Nam của thành phố Austin, nhà nhỏ nhưng có bể bơi. Hàng ngày, hai đứa nhỏ bơi riết da đen thui như da Mỹ đen. Tôi cũng bơi vào buổi chiều, vì buổi sáng nước lạnh, không bơi được.

Sau đó mấy năm, chúng tôi bán ngôi nhà đó, dọn lên phía Bắc ở cho gần chỗ làm của cả hai vợ chồng và vì hai đứa nhỏ thích ngôi trường trung học ở trên này hơn. Trong khu vực tôi ở có hai bể bơi, một cái tuy nhỏ nhưng khá gần, chỉ khoảng 5 phút đi xe. Cái bể bơi kia thì cách khoảng 10 phút. Tuy vậy, tôi không hề tới bơi, vì nước lạnh lắm, mà tôi thì rất sợ lạnh.

Mãi cho đến một hôm, người khách nói với tôi có một bể bơi ở trong nhà, cũng của cộng đồng, tiền lệ phí rất rẻ, và chỉ cách nhà tôi chừng 15 phút lái xe thôi. Nghe cũng có lý, nên tôi đi xem thử cho biết. Đây là một khu kết hợp nhiều bộ môn thể dục, do hai ông bà người Mỹ lập ra lấy tên của người con trai bị bệnh ung thư mất, là một người rất yêu thể thao, để vinh danh cho người con. Họ mở cửa từ 5 giờ sáng cho tới 10 giờ tối. Riêng khu vực bể bơi thì mở cửa và đóng cửa trước nửa giờ. Ngoài bể bơi rộng có tới 6 đường bơi, có cả đường bơi dành cho người tàn tật nữa, thì họ có hầu như tất cả các môn khác như: Thể dục dụng cụ, máy tập, bóng bàn, bóng chuyền, tennis, racketball, ….

Thời gian đầu, tôi dự định đi bơi buổi chiều sau giờ làm việc, nhưng được mấy tuần, thì tôi nhận ra đó không phải là ý tưởng hay. Lý do là vì, có ngày đi làm về trễ, mệt nên làm biếng. Mà cái nghề của tôi, bất thường lắm, không phải như việc văn phòng.

Bẵng đi gần một năm, tôi không đi bơi, thay vào đó, chỉ chạy bộ trên cái máy tập ở nhà. Tôi hầu như quên hẳn cái Recreation Center (Trung tâm thể dục) đó, thì người khách quen, khoe với tôi là cô ấy đi bơi và rất thích. Nghe vậy, tôi mới nghĩ, để kỳ này thử đi buổi sáng xem sao, họ mở cửa sớm mà, đi bơi về, còn dư thời gian để chuẩn bị đi làm.

Vậy là hơn một năm rồi, sáng nào tôi cũng bơi một tiếng đồng hồ ở bể bơi của Clay Madson. Mà với thời gian dài như vậy, chắc hẳn tôi cũng có nhiều chuyện vui buồn để kể cho mọi người nghe, đúng không?

Sau một thời gian ngắn tới bể bơi, tôi đã có thể nhận ra những ai đi tập thường xuyên. Buổi sáng sớm phần đông là đàn bà và hơi già thì phải. Có một bà, hơi có vẻ ta đây, “khỉnh khỉnh” cứ nhìn tôi chằm hằm rất ư chi là khó ưa, có lẽ bà ấy ganh tị với tôi chăng? Vì tôi thích mặc đồ tắm 2 mảnh, mà cỡ như mấy bà đó thì làm chi mà dám mặc loại nớ? Có lần, lúc tôi và bà đang khởi động trước khi xuống nước, vô tình đứng cạnh nhau, bà hỏi, “Thế cô có nhiều bộ độ tắm lắm hả? Bao nhiêu bộ cả thảy? Cô mua ở tiệm nào? Mỗi ngày tôi thấy cô thay một bộ!”

Ui chà, ai ngờ cái bà này “nhiều chuyện” dữ vậy? Để ý tôi kỹ quá! Tôi lịch sự đáp, “Chỉ có mấy bộ thôi, mà tôi cũng đâu có mua, của hai đứa con gái, tụi nó chê, vứt lại cho tôi đấy.”

Thông thường tôi đi bơi sớm khoảng 6 giờ, riêng thứ Bảy và Chủ nhật thì khác, bởi vì bể bơi mở cửa trễ. Sáng thứ Bảy nọ, 4 người chúng tôi đang đứng đợi nhân viên tới mở cửa phòng bơi gồm có cái bà xí xọn nớ, tôi, cậu thanh niên và một bà già. Đang hỏi nhau mấy câu vô thưởng vô phạt, tự nhiên bà xí xọn quay qua tôi hỏi, “Này, hôm qua cô có lấy cái áo ba lỗ của tôi để ở băng ghế không? Tôi bơi xong lên, tìm không ra áo, chỉ có cô để cái ba lô cùng băng ghế thôi. Tôi có ra mấy người ở văn phòng để hỏi coi có ai cầm nhầm rồi gởi lại không, cũng chẳng có ai gởi cả. Cuối cùng họ phải cho tôi mượn cái áo khác để mặc về. Mà tôi nhớ chắc chắn là chỉ có mình cô với tôi thôi.”

Tôi nghe mà giận cành hông, cái bà vô duyên vô hậu, ai biết áo bà để mô, ai mà thèm lấy. Tôi suy nghĩ một lát, mới giả vờ "ngây thơ cụ” hỏi, “Có phải cái áo ba lỗ màu xám, cũ rích, bạc màu không?”

-“Phải rồi, trên băng ghế đó, tôi biết là cô thấy mà.” Bà ấy phân bua.

“Vậy thì để tôi nói cho bà biết hí, bà ngó lại người bà cỡ mấy? X- large, hơi lớn, đúng chưa? Chừ bà ngắm cho kỹ tôi đây, cỡ chi? Nhỏ, mà cùng lắm là Trung bình, vậy thì tôi lấy để làm chi?” Tui làm đày làm láo. “Còn như bà nói chỉ có tôi với bà là không đúng, ít nhứt cũng có một người safequard (huấn luyện viên), đó là tôi nói cho hết ý thôi, chứ hôm qua, bể bơi khá đông người. Có thể ai đó vô tình quơ nhằm cái áo, mà lỗi là do bà, để đồ bừa bãi, có mấy móc áo sao không chịu móc lên?”

Từ đó, bà ấy “né” không bơi gần tôi nữa. Nhưng khổ nỗi, bể bơi chỉ có 6 đường bơi, mà thỉnh thoảng lại có nhiều người nên hai người phải bơi chung một đường. Một buổi sáng, tôi không còn sự lựa chọn nào khác là phải bơi chung với bà. Trước khi xuống nước, bà làm oai dặn tôi, “Nè, tôi phải dặn cô trước nhé, tôi bơi sải tay rộng lắm, cô tránh kẻo đụng.”

Tôi cũng đâu có vừa, (Hàm hồ nổi tiếng Austin rồi mà!!!) mới “thánh thót” lại, “Bà ơi, tôi với bà cùng trả tiền lệ phí giống nhau, vì cả hai đều trên 50 được hưởng giảm giá, vậy thì quyền lợi đối với bể bơi cũng giống nhau thôi, bà bơi bên trái, tui bơi bên phải, thấy nhau thì nên tránh để khỏi đụng, chơ bà bơi sải tay rộng, rứa thì tui bơi Ếch, đạp chân cũng rộng lắm đó nghe. Tôi chỉ sợ, chân tôi đạp bà đau thôi!”

Tháng 9 năm vừa rồi, ngày cuối cùng tôi đi bơi trước khi về VN, lật đật buổi sáng tôi quên lấy đôi bông tai “hột xàn” ra, bơi xong vẫn chưa biết mất một chiếc, khi tắm xong lau tóc trước gương mới phát hiện ra. Mày mò tìm trong phòng tắm không thấy, (tôi cầu sao nó không bị rớt xuống cống), tôi mới đi trở lại bể bơi tìm, và hỏi người huấn luyện viên kiểm tra dùm xem sao. Cậu ấy hỏi, “Bà bơi đường số mấy?”

-“Số 3” Tôi đáp.

Cậu ấy bước tới đường số 3, nhìn quanh một hồi, cậu ấy reo lên, “Con thấy nó rồi, nó sáng lấp lánh ở ngay góc chữ T sơn ở đáy bể bơi, bà có thấy không?”

Tôi cười, “Tôi không có kiếng, thấy làm sao được chiếc bông tai nhỏ chút đó. Nhưng vậy là mừng rồi, tôi cứ sợ nó rớt ở cống hay từ bể bơi ra phòng tắm thì không biết đâu mà tìm.”

“Bà về đi, chiều nay cuối buổi làm vệ sinh bể bơi, con sẽ dặn họ lấy lên cho bà.” Cậu tiếp.

Tôi khẩn khoản, “Sáng mai sớm cô đi Việt Nam, gần 3 tuần mới về lại. Con giúp cô bây giờ được không?”

Cậu bước tới một người đang bơi và nhờ họ lặn xuống lấy chiếc bông tai cho tôi. Thật là may!

Cách đây ba hôm, tôi đang bơi thì thấy cô người Tàu đang bơi cạnh đứng lại và vừa nói vừa chỉ chỏ với cậu huấn luyện viên. Dừng lại, tôi hỏi, “Có chuyện gì vậy?”

-“Chiếc bông tai bằng bạc bị sút, rớt dưới kia.” Cô ấy nói.

Vậy là tôi lấy hơi hai lần, lặn xuống lấy lên, cô ấy mừng cám ơn rối rít.

Vì đây là bể bơi của cộng đồng nên có nhiều người tới bơi, Mỹ đen với Mỹ trắng là nhiều nhứt, tiếp đó là Mễ. Da vàng như tôi và cô người Tàu không nhiều. Có bữa tôi thấy hai mẹ con người Trung đông, mặc dù bể bơi đã có quy định là phải mặc đồ tắm, nhưng bà mẹ vẫn mặc nguyên cái áo dài màu đen và khăn trùm đầu xuống bể bơi. Nói thật tình, tôi cũng hơi sợ sợ, giống như "Ma Rà" vậy.

Có một ông cỡ tuổi trung trung, rất là ga lăng, khi nào gặp tôi cũng chào, nhường đường bơi, và có lần ông nói đùa rất thú vị. Sáng hôm đó, tôi tới muộn, bước chân vào phòng bơi, đang mang gương và mũ, dõi mắt tìm đường bơi nào không có người, thì cũng vừa lúc ổng nhảy ra khỏi bể bơi, miệng nói oang oang, “Nè, cô xuống đường bơi này đi, tôi đã bơi cả nửa tiếng để giữ ấm cho cô đó!” Rồi ổng nháy mắt cười nữa chứ.

Tôi rất thích bơi, và tôi hy vọng rằng mình sẽ còn tiếp tục được bơi dài dài, không hẳn chỉ để rèn luyện cơ thể, mà còn là một cách để giảm bớt âu lo, "xì trét" của cuộc sống.

Có người đùa chọc “Sao bơi mãi không thấy “phoọc” đẹp lên chút nào?” Thì tôi bắt chước anh bạn trong Facebook trả lời ngay, “Con Cá Voi, bơi cả ngày dưới nước mà có “phoọc” gì đâu?"

Minh Nguyệt Graves

Ý kiến bạn đọc
25/10/201818:50:00
Khách
Cam on tac gia ve bai nay that la.. hay, di dom! Ky thuat viet ta` ca`nh thi that tuyet voi. Mong duoc doc them nhieu bai viet nua cua tac gia!
04/09/201820:32:07
Khách
Chào chị Minh Nguyệt.
Phía trên, chị có nói về một gia đình ở đoạn đường ngắn trước khi xuống bến tắm ở bờ sông là nhà của em đó chị ơi.
Nhà em đã dọn về An Cựu năm 1985, bây giờ ba mẹ và một số anh em đang ở Cali. Em vượt biên năm 1987.
Cái cơ quan bên tay phải là Phòng Tài Chánh đó chị, đằng trước là Viện Bảo Tàng.
Cám ơn bài viết của chị rất nhiều. Kỷ niệm ngày xưa thơ ấu lại tràn về, nhất là những buổi tắm sông....
Chúc chị và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, luôn gặp nhiều may mắn, và tiệm chị luôn đông khách.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,654,901
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và sau 12 năm, vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018, với bài “Thằng Tý Con là... Con Thằng Tý”.
Tác giả cho biết ông nguyên là lính Hải Quân VNCH; 12 năm 4 tháng đúng tính đến ngày 30 tháng Tư 75, tự lái tầu vượt biển năm 1982, hiện định cư tại Úc. Sau đây là một bài viết mới của ông.
Họp mặt và Lễ Trao Giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19 và Giải Bé Viết Văn Việt năm thứ 15 đã tưng bừng diễn ra trong không khí thân tình và hào hứng tại Nhà Hàng The Villa, Thành Phố Westminster, California, Hoa Kỳ, vào chiều tối Chủ Nhật, ngày 12 tháng 8 năm 2018