Hôm nay,  

Viết Về Nước Mỹ Và Những Cảm Nghĩ

20/08/201800:00:00(Xem: 12044)
Tác giả: Thảo Lan

Bài số 5470-20-31277-vb8081918

 
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.

Thao Lan-Tri Ta
Họp mặt Việt Báo VVNM Chủ Nhật 12 tháng Tám 2018, tác giả nhận giải do Ông Trí Tạ, Thị Trưởng Westminster, trao tặng.


***
 

Như đã giới thiệu trước đây, tôi biết đến mục Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo một cách thật tình cờ. Mặc dù đã từng ghé đến vùng thủ đô của người Việt tị nạn ở hải ngoại này biết bao lần để thăm viếng gia đình, nhưng tôi lần đầu biết đến chương trình này do một người chú ở Việt Nam cho biết đã đoạt giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ vào  năm 2016. Đó cũng là năm đầu tiên tôi tham gia gửi bài cho mục Viết Về Nước Mỹ với bài Miền Đất Của Những Ước Mơ.

Trước đây tôi đã từng cộng tác viết cho Virginia Beach Việt Báo, tờ báo tiếng Việt duy nhất ở vùng Hampton Roads của miền Đông Nam tiểu bang Virginia nơi tôi cư ngụ. Một trong những chủ trương của ông chủ nhiệm tờ báo là cố gắng duy trì và truyền bá tiếng Việt “Sài Gòn”. Khi đề cập đến tiếng Việt “Sài Gòn”, chúng tôi không hề có ý đề cao hoặc có ý phân biệt ngôn ngữ địa phương. Xin hãy hiểu hai chữ Sài Gòn ở đây là ám chỉ nền văn chương, ngôn ngữ của Việt Nam Cộng Hoà chúng ta xưa kia để phân biệt với thứ ngôn ngữ với nhiều chữ xa lạ, rỗng tuếch và đôi khi vô nghĩa tràn lan trên báo chí, mạng truyền thông cũng như mạng xã hội sau này từ Việt Nam. Chỉ tiếc rằng với cộng đồng người Việt thật nhỏ bé, tờ báo chỉ có thể tồn tại được vài năm trước khi đình bản vào năm 2013. Từ đó tôi mất đất dụng văn. Cũng may còn có mạng xã hội Facebook để thỉnh thoảng cho tôi chia sẻ những bài viết của mình. Đến khi biết được mục Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo, tôi như kiếm được cho mình một sân chơi nữa. Tôi bắt đầu chọn những bài viết của mình mà tôi cảm thấy thích hợp với chủ đề để gửi đăng. Thế là Miền Đất Của Những Ước Mơ, Viên Đá Kỳ Diệu, Ngọc Lan, và Quỳnh Hương lần lượt đến với quý vị độc giả.

Có lẽ bất cứ người cầm viết nào cũng đều có một giấc mơ giống nhau đó là được cho ra đời những đứa con tinh thần của mình. Tôi cũng không phải ngoại lệ, do đó sau khi viết Quỳnh Hương, tôi đã tập trung vào việc ấn hành một quyển sách riêng cho mình. Không có gì vui hơn cho người viết văn hay làm thơ là được nhìn thấy đứa con tinh thần của mình ra đời. Đứa con đầu tiên ra đời không lâu thì tôi lại gắng sức để có thêm đứa thứ hai, thứ ba để rồi một ngày kia tôi đã có cả thảy năm cuốn sách. Đó cũng là lý do tôi quên bẵng đi mục Viết Về Nước Mỹ trong một thời gian.

Cuối tháng Sáu vừa qua, gia đình chúng tôi lại bay qua miền Nam Cali nắng ấm để họp mặt đại gia đình như thông lệ hàng năm. Trong một bữa ăn cùng với gia đình tại một nhà hàng tại Huntington Beach vào một ngày đầu tháng Bảy, trong khi chờ đợi món ăn mang ra, tôi mở phone ra check mail và lướt Facebook thì đã nhận được những lời chúc mừng từ bạn bè, người quen. Nhờ đó tôi mới biết được bài Viên Đá Kỳ Diệu của mình đã được chọn là một trong tám giải đặc biệt của năm 2018. Thế là tôi biết đến mục Viết Về Nước Mỹ một cách tình cờ từ người thân và lại biết mình trúng giải một cách bất ngờ cũng từ người quen. Cảm giác lúc ấy thật khó tả. Vui mừng, hãnh diện tất nhiên là có nhưng cũng xen lẫn chút lo lắng. Lo lắng vì tuy rất muốn hiện diện tại buổi lễ nhưng cả gia đình bốn người hiện đang có mặt ngay tại quận Cam và sẽ quay về Virginia trong vài ngày sắp tới nên tôi không biết liệu có thể thu xếp để giữa tháng Tám lại làm một chuyến từ bờ Đông sang bờ Tây nữa hay không? Cũng may công ăn việc làm cũng thuận lợi để tạo điều kiện cho tôi bay qua Cali thêm một chuyến nữa.

Lần đầu nào tất nhiên cũng cho ta nhiều bỡ ngỡ nhưng cái bỡ ngỡ ban đầu khi bước chân vô The Villa, nơi tổ chức lễ phát giải tại thành phố Westminster, đã nhanh chóng tan biến bởi sự tiếp đón ân cần của ban tổ chức. Những cô gái áo hồng duyên dáng thướt tha với nụ cười luôn nở trên môi thoăn thoắt qua lại như những cánh anh đào tung bay trong gió cộng thêm các tà áo đủ sắc màu của các vị quan khách như những cánh bướm vườn xuân tô điểm cho buổi lễ thêm phần tươi thắm. Trong suốt thời gian ở đó, tôi luôn có cảm giác như mình đang dự một bữa tiệc gia đình vì tất cả đều cho tôi một cảm giác thân mật và ấm cúng.

Buổi lễ trao giải được dẫn dắt bởi hai MC là người đẹp Thụy Trinh và anh Nguyễn Hoàng Dũng (tất nhiên anh Dũng cũng … đẹp nhưng tôi không thể dùng chữ người đẹp để tả anh được mong anh thứ lỗi). Mở đầu là phần chào mừng quan khách do nữ diễn viên Kiều Chinh thực hiện. Tôi đã có dịp trò chuyện cùng diễn viên Kiều Chinh cách đây vài năm trong một lần bay từ phi trường Orange County về lại Virginia sau chuyến nghỉ vacation hàng năm thăm gia đình tại quận Cam. Diễn viên Kiều Chinh là một người nổi tiếng hầu như người Việt Nam nào cũng biết. Tôi nghĩ nổi tiếng để ai cũng nhận ra mình là một điều hãnh diện nhưng cũng có thể đó là một điều đem lại phiền hà cho bản thân họ trong đời sống hàng ngày. Vì với suy nghĩ đó, chúng tôi đã không dám bắt chuyện làm quen với diễn viên Kiều Chinh mặc dù chúng tôi ngồi chờ boarding ở hai dãy ghế thật gần nhau. Chính diễn viên Kiều Chinh là người đã mở lời nói chuyện với chúng tôi bằng lời khen hai con gái của tôi, khi đó còn rất nhỏ, biết nói tiếng Việt. Chỉ tiếc là khi ấy cũng do một phần e ngại không muốn làm phiền bà nên tôi đã không ngỏ ý để được chụp hình chung với người diễn viên nổi tiếng vào bậc nhất Việt Nam, mặc dù bà trò chuyện với chúng tôi rất thân tình không hề kiểu cách. Trong buổi lễ trao giải lần này, tôi cũng đã lại một lần nữa lỡ mất dịp để chụp hình chung với bà. Một đời người không biết có được bao nhiêu lần có duyên đưa đẩy như thế tại sao tôi lại bỏ lỡ nhỉ?

Ngoài nữ diễn viên Kiều Chinh, chúng tôi đã có dịp diện kiến những nhân vật nổi tiếng trong làng văn chương Việt Nam như cặp vợ chồng thi sĩ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca. Thi sĩ Trần Dạ Từ là người có hai bài thơ mà tôi vô cùng yêu thích và đã từng giới thiệu trên khu vườn thơ trên Facebook của mình đó là Thuở Làm Thơ Yêu Em và Mùa Ngô Cũ. Còn nhà văn Nhã Ca thì chắc không ai ở vào thế hệ của tôi trở về trước lại không biết đến những tác phẩm để đời của bà như Giải Khăn Sô Cho Huế, Mưa Trên Cây Sầu Đông, Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, Một Mai Khi Hòa Bình. Bên cạnh đó còn có thi sĩ Du Tử Lê, tác giả bài thơ Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn mà trước đây đã tạo cảm hứng cho tôi viết ra một đoạn thơ sau đây

Đêm về dưới ánh trăng thanh

Vầng trăng viễn xứ lạnh tanh cõi lòng

Đời người như một nhánh sông

Phân chia bao ngã, lưu vong xứ người

Nhìn vầng trăng vẫn còn tươi

Mà sao lòng héo, chơi vơi ngỡ ngàng

 
Sau đó chương trình được tiếp nối với việc trao các giải thưởng cho các em thiếu nhi trong chương trình Bé Viết Văn Việt. Các màn trình diễn văn nghệ, những lời phát biểu đầy ngây thơ trong sáng của các em đã đem lại nhiều điều thú vị cho tôi cũng như nhiều người khác hiện diện tại buổi lễ. Tiếp theo là phần phát thuởng cho các giải Viết Về Nước Mỹ. Thú thật vì là lần đầu tiên được lên “sân khấu” nên tôi hơi khớp thành ra sau khi đã nhận phần thưởng trên tay tôi mới phân vân không rõ trước đó khi bước lên, tôi có chào quan khách hay không nữa. Nếu quên thì đúng là thật đáng trách.

Xen lẫn với các màn phát thuởng là các tiết mục trình diễn văn nghệ, xổ số thật vui nhộn. Cuộc vui nào rồi cũng có lúc phải tàn, chương trình chấm dứt trong niềm tiếc nuối của nhiều quan khách nhưng dư âm của nó chắc chắn sẽ còn kéo dài trong lòng mỗi người tham dự hôm đó. Riêng tôi, buổi lễ phát thuởng năm 2018 là một cái cớ cho tôi có thêm một chuyến bay qua California thăm mẹ cùng các anh chị thêm một lần nữa thay vì chỉ một lần trong năm như thường lệ.

Trong thời gian chờ đợi ở phi trường cũng như ngồi trên phi cơ suốt chặng đường dài của hai chuyến bay từ quận Cam về lại Virginia, những suy nghĩ về buổi lễ phát thuởng vẫn còn tiếp tục diễn ra trong tâm trí tôi. Tôi đã nhận thức được tâm huyết của những vị đã đề xướng ra các giải thưởng này. Chúng ta phải bỏ nước ra đi nhưng chúng ta đã đem theo hồn thiêng sông núi, chúng ta đã đem theo một nền văn hoá bốn ngàn năm của cha ông. Với chương trình Viết Về Nước Mỹ, Việt Báo đã khuyến khích những người viết lách tài tử như tôi được thực hiện giấc mơ chia sẻ tác phẩm của mình; đồng thời tạo cho chúng tôi một cơ hội được góp phần duy trì văn hoá Việt Nam theo chân các bậc cầm bút đàn anh và các thế hệ đi trước.

Bên cạnh Viết Về Nước Mỹ, với chương trình Bé Viết Văn Việt, Việt Báo cũng đã góp thêm phần công sức cho việc truyền tải văn hoá Việt đến các thế hệ sau, trong đó đa số các em đã xem Anh văn như ngôn ngữ chính của mình. Hy vọng rằng các bậc phụ huynh hãy xem đó như một động lực để khuyến khích con em chúng ta tiếp tục duy trì việc học nói và viết tiếng Việt. Hãy để cho những người bản xứ biết rằng chúng ta, những người Mỹ di dân từ một đất nước xa xôi nhưng vẫn còn duy trì được nền văn hoá dân tộc cho đến các thế hệ sau.

8/2018

Thảo Lan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,256,610
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây là bài mới ghi chép sơ lược ngày 30 tháng Tư năm xưa.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ. Bài mới của ông, tuy không phải chuyện nước Mỹ nhưng là chuyện trong lòng người Việt tị nạn cộng sản tại Mỹ thường nghĩ tới, được viết về việc Saigon bị đổi tên với lời ghi trân trọng: Để kỷ niệm 30 năm ngày Quốc Hận 30 tháng Tư trên đất Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Tampa, Florida, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới của ông mở đầu bằng câu “Đôi khi tôi nghĩ, viết về một nơi chốn khác, cũng là một cách Viết Về Nước Mỹ.” Cách viết đối chiếu chi tiết tinh tế của tác giả cho thấy không chỉ đúng như ông nghĩ mà còn làm hiện rõ cả tính cách người (hơi hơi) Mỹ gốc Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến