Hôm nay,  

Nhóc Con “Vượt Biển Mồ Côi”

28/04/201800:00:00(Xem: 10366)
Tác giả: Năng Khiếu

Bài số 5373-19-31214-vb7042818


Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH.  Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự  Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự  VVNM 2017.

 
***

 
Tôi đặt chân xuống phi trường Dallas Fort Worth vào đầu mùa đông năm 1983, sau một chuyến vượt biển, khi tuổi còn nhỏ chưa nhận thức được hiểm nguy. Đến đón tôi là anh Tư và vài người bạn.Trời khá lạnh khiến tôi tỉnh táo hơn. Anh giang tay ôm tôi vào lòng, tôi cảm nhận được cả một trời thương yêu vì không còn bơ vơ nơi miền đất lạ.

Tôi ở với anh đến năm mười tám tuổi. Khi anh lập gia đình, vì việc học, tôi dọn ra ở với các bạn cùng trường. Những ngày sống tự lập vất vả nhọc nhằn, khó mà quên được, vừa đi học vừa đi làm đủ nghề, từ nhà hàng, bán liquor đến lái xe taxi…Cho đến ngày ra trường. Tôi tốt nghiệp ngành Computer Engineering, làm việc tại hãng Penn Mutual life insurance một thời gian.Hiện giờ tôi đã có vợ và ba con, chuyển qua kinh doanh chuyên về Furniture, tại Dallas.

                                                                        *

Ngày Saigon thay tên đổi chủ, tôi chỉ là thằng bé miệng còn hơi sữa. Học tại trường tiểu học Giáo xứ gần nhà. Đi học về tôi hay theo mấy đứa nhỏ trong xóm lao động sau chợ Hòa Hưng, nghêu ngao hát những bài nhạc tự chế:

Bà con cô bác ai muốn vượt biên

Chỉ có vài cây vàng

Nếu sống thì huy hoàng

Nếu bắt thì vô tù.

Nếu chết thì

âm thầm dưới đại dương.

 
 Có lần cả lũ nhóc đang gân cổ hợp ca vang trời: “Như có Bác Hồ trong nhà thương Chợ Quán…” thì bị công an rượt. Thằng Hưng con bà Ba cạnh nhà tôi, mập nhất nên chạy chậm liền bị công an tóm về phường, ghép vào tội hát phản động. Đến chiều mẹ nó phải lên phường bảo lãnh về.

Khoảng cuối thập niên 1970 và suốt những năm của thập niên 1980, phong trào vượt biên nở rộ khắp miền Nam Việt Nam, nhiều người ra đi “tìm sự sống trong cái chết” để được tự do. Đi đến đâu cũng nghe bà con rỉ tai nhau chuyện vượt biên, vượt biển, một cách e dè, sợ sệt….

Năm tôi tròn mười hai tuổi, vào một buổi tối, mẹ gọi: “Út à!  Sáng mai nghỉ học ở nhà đợi người đến đón đi”. Đây không phải là lần thứ nhất mẹ nói như vậy. Vài lần trước trong những chuyến vượt biển không thành vì bị trục trặc, tôi đã nghe quen tai, rất bình thường, còn  thích thú là đàng khác! Mới tháng truớc tôi cũng âm thầm từ giã gia đình để ra đi. Vài ngày sau lại hớn hở trở về cười toe toét, cả nhà ai cũng trợn mắt nhìn, im lặng như thầm hỏi chuyện gì. Tôi lặng lẽ lắc đầu, thế là hiểu.  Nên khi nghe lại  điệp khúc quen thuộc cũ,  tôi tự biết  phải chuẩn bị những gì. Nào là địa chỉ của anh Tư ở bên Mỹ, ngày tháng năm sanh của anh và tôi, tên cha, tên mẹ… Để chắc ăn tôi ghi hết vào sau cổ áo.

Nhớ những lần cùng cả nhà quây quần, lắng nghe anh Tư và anh Bảy kể chuyện, sau những chuyến đi hụt, tôi tưởng tượng như một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Nào la bị bão, bị bể, rồi bị bắt. Anh Tư đi đến lần thứ bốn mới lọt.

Ngày đến trại tỵ nạn Thái Lan, anh Tư viết thư về báo tin cho mẹ, đọc thư cả nhà đều khóc. Anh kể, để đến được trại tỵ nạn mọi người đã phải trải qua nhiều gian khổ, hãi hùng.  Bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, đến lần thứ ba không còn gì để vơ vét, chúng đuổi mọi người lên một đảo hoang, để tháo máy tàu. Trên đảo không thức ăn, nước uống. Ở được mấy ngày đói quá, đã có người chết, nhiều người bị ngất xỉu. Đang lúc tuyệt vọng cùng cực, thì nhìn thấy một chiếc máy bay đảo nhiều vòng, hạ thấp như tìm kiếm thuyền nhân. Rồi đột nhiên cất cánh bay đi mất.

Sáng sớm hôm sau, mọi người mừng rỡ khi thấy một chiến hạm lớn của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đậu ở ngoài khơi. Họ thả ca-nô xuống, chạy vào đảo lần lượt cứu từng người ra.

 Vì anh Tư học chương trình Pháp từ nhỏ trong Chủng Viện Thừa Sai Kontum, nên tại trại tị nạn, anh được nhận làm thông dịch viên cho Hiệp Hội Quốc Tế Bác Sĩ Không Biên Giới “Médecins Sans Frontières International (MSFI)”. Hàng ngày anh phải tiếp xúc với các bệnh nhân, vừa được cứu vớt sau chuyến hải hành, bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Anh kể, thấy đau lòng và tội nghiệp cho họ vô cùng!

Cuối năm 1980, anh Tư được phái đoàn Mỹ phỏng vấn đậu, vì có bà dì sống ở Mỹ bảo lãnh. Tội nghiệp anh Tư, bước đầu hội nhập đời sống ở Mỹ,  còn khó khăn,vừa đi học vừa đi làm, mà cố chắt chiu gửi tiền về để mẹ lo cho các em “ra đi” tiếp.  Tình thương anh dành cho gia đình lúc nào cũng đầy tràn.

 Chuyến vượt biên kế tiếp của anh Năm tôi bị “gài bẫy”, anh vừa xuống ghe chưa ra đến tàu lớn, thấy động anh nhanh chân lặn được. Những người lên tàu trước anh đều bị công an chờ sẵn tiếp đón về ăn cơm tù. Vài ngày sau anh Năm tôi tìm đường về nhà, chưa kịp hoàn hồn, thì được ông tổ trưởng dân phố tốt bụng, bí mật báo tin công an khu vực kêu ông canh chừng, khi nào thấy anh, ông phải báo để họ đến bắt, vì anh Năm đến tuổi mà không đăng ký nghĩa vụ quân sự, thêm tội vượt biên trốn về.

Được tin chẳng lành. Mẹ tôi lo thu xếp cho anh trốn gấp lên nhà ông bác ở Gia kiệm. Bác lo cho anh nhập hộ khẩu, lập nghiệp ở đó luôn. Thế là cuộc đời anh rẽ vào ngõ cụt. Cũng vì vậy mà Mẹ tôi đau xót, đứt ruột để tôi ra đi một mình khi còn quá nhỏ.

Chuyến đi ngày  28 tháng 10 năm 1982 đã đưa tôi rời xa quê hương, xa vòng tay Mẹ. Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấm thía nỗi lòng của những bà mẹ Việt nam, như ca khúc của thi sĩ Trần Dạ Từ : “Ném con cho giông tố”:

“Giông tố giông tố ngoài khơi xa.

Ta gửi ngươi con ta

Như Niềm Tin Tự Do

Từ Quê Hương Ngục Tù… ”

 
Nghe lời Mẹ dặn dò, hôm sau tôi không đi học, ở nhà đợi. Người ta dẫn tôi xuống tru ẩn trong cái chòi lá ở một vùng quê vắng vẻ mạn Nhà Bè. Đợi đến đêm khuya, khi vạn vật đang ngon giấc, mọi người lần lượt xuống Taxi (ghe nhỏ) để họ chở ra chỗ cá lớn (tàu chính) đang neo chờ.

Ghe chạy một lúc lâu thì đến, người chèo ghe cho cặp sát vào mạn tàu rồi giục giã: “Bà con leo lên tàu lẹ lẹ!”

Chiếc ghe nhỏ bị những đợt sóng dồn dập làm nó chòng chành. Tàu quá cao đối với tôi, mọi người lớn bé lôi kéo nhau lên hết, tôi cố nhảy mấy lần mà cũng không lên được, dù mẹ có gửi tôi cho vài người quen, nhưng lúc cấp bách chẳng ai nhớ. Khi chỉ còn một mình đứng chơ vơ tuyệt vọng, thì có một anh lớn hơn tôi vài tuổi, thấy thương hại, anh vớ được đoạn dây thừng ở trên tàu, quẳng xuống và bảo tôi nắm chặt đầu dây. Anh kéo và giựt mạnh thì tự nhiên như có người nhấc bổng lên, và hất văng tôi lên sàn tàu với một sức mạnh vô hình. Cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ như in, khi tôi còn chưa lồm cồm ngồi lên được, thì tàu nhổ neo trong tích tắc. Chuyện như một phép lạ, tôi thường nghĩ  chắc là ba tôi đỡ lên.

Ba tôi tử trận vào mùa hè đỏ lửa ở vùng Cao Nguyên Trung Phần, lúc tôi mới ba tuổi. Ba Mẹ tôi có tất cả tám người con, tôi là út nên được cưng nhất. Mẹ hay kể hồi nhỏ, tôi vẫn reo lên, vì thấy ba ở trên gác lửng, nhưng mẹ và các chị thì chẳng thấy gì. Sống khôn thác thiêng có lẽ tôi ra đi một mình nguy nan nơi “đầu sóng ngọn gió” ba luôn ở bên cạnh để phù hộ độ trì cho tôi. Vì vậy mà hành trình vượt biển của tôi được suông sẻ.

Mặc dù chuyện xảy ra đã hơn ba mươi năm, mà giờ đây ghi lại tôi tưởng mới hôm qua, vì trong lòng luôn thắc mắc. Số là sau khi tôi đi được một tháng mà không có tin tức gì, cả nhà đang lo lắng,  vào một buổi sáng chị Ba đang ngồi bế con, trong  sân nhỏ trước cửa nhà, thì bỗng có một con chim khá lớn từ trên trời rớt xuống trước mặt cái bịch, làm chị giật mình kinh ngạc, chị la lên:

- Chim sa xui lắm! Bắt lấy nó.

Anh rể tôi từ trong nhà chạy ra, bắt được con chim, cầm trên tay mà không biết phải làm gì? Con chim ngoan ngoãn nằm im cho anh ngắm nghía, anh ướm chừng nặng hơn một ký, mình tròn như vịt, mỏ dài và dẹp như để đớp cá, chân cao, lông màu xám tro, chỉ có bụng và đuôi màu trắng, hai cánh lớn và xải rộng như cánh chim hải âu, anh lẩm bẩm : “Đúng là chim biển rồi”. Vì Mẹ và các chị tôi tin dị đoan, nên lo lắng nhìn nhau thầm hỏi, không biết điềm lành hay dữ! Sao nó biết nhà mình đang mong tin người đi biển mà nhè rớt xuống giữa sân?!

Có cái lạ, là nhà tôi ở sau chợ Hòa Hưng Quận Ba, Sàigòn. Trong khu đông đúc, nhà cửa san sát, mà từ biển đến nhà tôi rất xa, tính theo đường chim bay cũng phải vài trăm cây số. Sao nó bay nổi? Mẹ tôi  dặn không được nói chuyện này cho ai biết, vì sợ lộ ra chuyện tôi đi  vượt biên chui, nhưng mẹ và các chị cứ bị ám ảnh vì con chim biển mãi.

Sau này nhận được tin tôi đến Mỹ bằng an. Các chị  viết thư qua kể rất chi tiết, về chuyện con chim rớt trước cửa. Hình như nó là chim biển bay về báo tin vui, biết được thì nó đã vào nồi mất rồi. Đọc thư xong tôi thấy thương nó hết sức.

Lại nói tiếp về con tàu đưa tôi đi từ sông ra cửa biển, cứ thế chạy phăng phăng, không biết là bao lâu. Đối với tôi ngày cũng như đêm, một thằng con nít chẳng lo âu hồi hộpgì. Dưới khoang hầm chật chội, chen chúc, tôi chỉ đứng một chân, nhiều người bắt đầu ói mửa, rã rượi.

Một buổi sáng  khi nghe thông báo tàu ra tới hải phận quốc tế, tuy mọi người mừng rỡ, nhưng không ai cười nổi. Tôi bị ngất sỉu, đang nằm lơ mơ nửa mê nửa tỉnh, nghe có tiếng người nói “Thằng bé kia cả ngày không ăn uống gì, coi chừng chết lả, lấy cho nó miếng nước đi”. Có bàn tay lay tôi dậy đưa cho tôi cái ca ny-lông nhỏ đầy nước, tôi đưa tay đỡ lấy cám ơn, rồi uống hết ca nước. Tôi tỉnh hẳn nhưng bụng đói cồn cào. Nhìn chung quanh người  nằm la liệt, san sát từng lớp bên nhau như cá mòi đóng hộp, trong khoang tàu ngột ngạt, có lẽ vì số người đông hơn dự liệu.

Người tài công khi nãy đã cho tôi uống nước, trao tay lái lại cho thanh niên kế bên, rồi  ngoắc tôi đến hỏi : “Nhóc, tên gì? Đi với ai?” Tôi lễ phép thưa  “Dạ cháu tên Út, đi một mình”.

Nghe xong ông cho tôi vài miếng bánh khô, rồi chỉ cho tôi ngồi gần chỗ ông.

Từ lúc đó tôi thu mình trong một góc nhỏ, an phận. Bên cửa kính, mỗi buổi sáng tôi thấy rõ cảnh bình minh trên biển. Ơ chân trời xa mặt trời đang từ từ nhú lên khỏi mặt nước, ánh sáng chuyển dần sang  màu vàng óng ánh, đẹp như một bức tranh thiên nhiên tuyệt vời. Từng đợt sóng nhấp nho đưa đẩy con tàu nhỏ nhoi mong manh, như định mệnh của những con người bé nhỏ,  để mặc cho sóng gió bồng bềnh trôi về phía trước. Tôi có cảm tưởng như mình đang đi theo một chuyến du lịch trên biển nước bao la.

Ngày qua ngày tôi được phân chia những ngụm nước, những phần ăn tạm  đủ,  giữa biển khơi mịt mùng. “Một miếng khi đói, bằng gói khi no” .(Nếu tình cờ chú Tư Tài có đọc bài này, cho cháu gửi lời cám ơn chú cùng những người đã giúp đỡ cháu, ngày vượt biển côi cút).

Vào một buổi chiều, mặt trời đang từ từ chìm xuống biểnphía xa tít, thì mọi người mừng rỡ khi nhìn thấy một chấm đen hiện trên biển nước mênh mông, càng lúc càng lớn dần.  Nhiều người mừng rỡ reo lên :

- Tàu! Tàu, sắp được cứu vớt rồi!

Phải mất một thời gian ngắn, tàu vượt biên của chúng tôi mới đến gần đươc chiếc tàu đánh cá. Tôi không nhớ của nước nào, hai ngư phủ nhảy qua dùng dây cột mũi tàu vượt biên vào tàu đánh cá của họ.

Một thuyền nhân trên tàu vượt biên đại diện, đứng ra tiếp xúc với họ, vừa nói vừa múa tay một hồi. Thấy hai ngư phủ cũng vừa nói vừa ra dấu tay chỉ chỏ về hướng trước mặt. Ông tài công nói với mọi người, ai có vàng vòng, cà rá, bông tai, đồng hồ, tiền Đô thì bỏ ra đưa cho họ. Rồi ông ngửa cái mũ đang đội trên đầu xuống đi gom góp.

Nhìn chung quanh tôi thấy mọi người đều nhốn nháo, sợ hãi, ai cũng răm rắp làm theo. Tôi tiếc rẻ mân mê chiếc nhẫn mẹ khâu giấu ở gấuáo làvật phòng thân, mà trước khi đi, lên Thủ Đức chào anh chị Hai, chị kêu anh rể tháo chiếc nhẫn cưới đang đeo ở ngón tay ra đưa cho tôi, rồi chị dặn: “Khi em qua đến đảo thì đánh điện cho anh Tư ở Mỹ biết”. Tôi đang phân vân, thì một bà đứng kế bên ghé tai tôi nói nhỏ, “Cướp đấy” tôi giật mình, thật nhanh bỏ chiếc nhẫn ra đóng góp.

Chiếc mu đựng  khá nhiều vàng bạc, ông đưa cho hai ngư phủ. Tôi thấy họ vui vẻ cầm lấy, rồi chỉ hướng cho tàu chạy theo con đường đến đất liền gần nhất.

Ở đảo KuKu được hai tháng, rồi làm giấy tờ chuyển qua trại tị nạn Pulau Galang. Tôi và những đứa trẻ vô tư chỉ biết vui chơi cười đùa, bên những âu lo trầm tư của người lớn, cạnh những dãy lán trại tạm bợ không biết tương lai về đâu? Ở được năm tháng nữa, thì được phái đoàn Mỹ  phỏng vấn. Tôi có ba diện ưu tiên: Thứ nhất là con nít không cha mẹ “Minors”. Thứ hai  là con tử sĩ  VNCH. Thứ ba là có anh đang  ở Mỹ.

Khi leo lên chiếc thuyền mong manh tìm đường đào thoát ra khỏi chế độ Cộng Sản. Tôi như một đứa trẻ ham chơi, trốn bố đi xa.  Cũng sợ, nhưng sợ ở mức độ của đứa con nít đang chơi rượt bắt hay ú tim. Và cảm thấy thản nhiên khi mình tìm được chỗ trốn an toàn.

  Ngày ấy tôi nhắm mắt tận hưởng nỗi vui mừng, và hát thật to những bài mình thích, mà  không sợ bị cấm cản bắt bớ. Xin cám ơn dân chúng và đất nước Hoa Kỳ, đã đón nhận và cưu mang anh em chúng tôi. Cũng như những người Việt Nam tỵ nạn, để được sống đời tự do và hạnh phúc.

 
Năng Khiếu

 

Ý kiến bạn đọc
29/04/201804:41:30
Khách
Đọc bài này nhắc chúng ta cố vươn lên từ qúa khứ đau buồn . Lời văn nhẹ nhàng nhưng tiềm ẩn một nỗi đau. cám ơn tác giả Năng Khiếu
28/04/201820:10:09
Khách
Nhóc con ''vượt biển mồ côi'' đọc cái tựa thôi ,cũng đã thấy thương....Đúng như Anh Phan nhận xét,, giọng văn cũng như tâm tình của tác giả rất ;;ngây thơ,,,Câu chuyện cảm động, làm mềm lòng người,,,,,ai mà không thương đứa bé, vượt biển một mình , không cha không Mẹ...cám ơn Chúa đã gìn giữ;cậu bé cũng như cả chuyến tàu và cậu bé đã vào Mỹ an tòan ,Hallelujia ,Amen
28/04/201816:12:49
Khách
Hay lắm. Giọng văn ngây thơ như tâm hồn đứa bé xuống ghe lúc đó, chứ không phải văn già dặn của tuổi bây giờ nhìn lại.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,654,284
Tác giả là cư dân Garden Grove, California, dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Bài viết về nước Mỹ thứ tư của ông là một hồi ức sống động về khu xóm bên cầu Bạch Hổ tại Huế Tết Mậu Thân, kể về người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống, chỉ chừa đầu cổ trên mặt đất để hành hình
Thay lời giới thiệu. Điện thư tác giả Captovan gửi Việt Báo Viết Về Nước Mỹ: Bài viết "Huế, Tôi, Mậu Thân" là của anh cựu Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ8/TQLC Nguyễn Văn Phán, anh gửi cho Ban Biên Tập Đặc San Sóng Thần TQLC, nhưng thấy quý báo đang kêu gọi viết về Hồi Ức Mậu Thân nên chúng tôi xin phép anh để gửi đến quý báo đăng trước, BBT/ST chúng tôi sẽ đăng sau, coi như một lời chào của anh gửi đến đồng bào gốc Huế trong lúc anh đang chiến đấu... như 50 năm về trước anh chiến đấu với "thần chết VC" và anh đã chiến thắng và anh sẽ chiến thắng. Kính chào.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo và vẫn tiếp tục góp bài viết. Sau đây là bài mới của cô. Hình ảnh tại Hội Tết Mậu Tuất, San Jose, California.
Tác giả lần đầu góp bài. Qua bài viết đầu tiên, đã thấy cách ông viết rất tinh tế, chu đáo, nhiều chi tiết sống động. Mong ông tiếp tục viết về nước Mỹ và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing, OKC. Học vấn: cao học. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai. Góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, Lê Như Đức là một tác giả rất được quí trọng. Mừng ông tiếp tục viết.
Tiếp theo chuyện “Saigon 68” đây là một hồi ức Mậu Thân về khu Thành Nội Huế. Định cư tại vùng Bắc Cali từ 20 năm trước, Deborath Tường Vân là nhân viên Sở Xã Hội San Jose và từng chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời. Cô đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Hồi ức Mậu Thân của Tường Vân là chuyện kể về khu Tây Lộc trong thành nội, nơi phải gánh chịu nhiều tang tóc nhất trong địa ngục Huế Tết Mậu Thân.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1944, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết mới của ông là một hồi ức về trận chiến năm Mậu Thân, khi Đại Đội TQLC do ông chỉ huy được biệt phái theo tướng Nguyễn Ngọc Loan trong trận chiến Mậu Thân tại Saigon 1968.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ ba của ông.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.