Hôm nay,  

Mơ Đời Tươi Sáng

02/01/201800:00:00(Xem: 25043)
Tác giả: Phạm Hoàng Chương

Bài số 5283-19-31129-vb2010117

 
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2019. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Đây là bài viết cho năm mới của ông.

 
***
 

Hồi mới qua Mỹ ở San Diego, tôi có lần ở share phòng một ngôi nhà ba phòng của một anh Việt Nam mướn. Anh này làm nghề cắt cỏ, trim cành, landscaping, có xe truck và nhiều đồ nghề lỉnh kỉnh để trong garage. Một dạo tôi thất nghiệp, anh rủ tôi theo làm phụ, trả 50 đô một ngày, trong khi chờ xin job thợ tiện khác. Vào mùa xuân, vườn các nhà giàu cỏ mọc cao, rác rưởi lá rụng dồn đống dơ dáy bừa bãi, cần quét dọn clean-up nên khách gọi liên tục, công việc nhiều anh phải gọi thêm mấy nguời Mễ tháp tùng. Trong đám Mễ đó, tôi quen thân với một chàng Mễ trạc tuổi tôi, tên Carlos, hiền lành chất phác... Về sau, Carlos dọn lên L.A, làm thường trực trên đó nên tôi ít khi gặp.

Thời gian gần đây, “giấc mơ Mỹ” củadi dân Mễ trở thành khó khăn, tôi nhớ Carlo. Không biết số phận anh ra sao, tôi lại chuyện phóng tác này để nhớ anh bạn Mễ.

*

Carlos đi lậu qua Mỹ từ lúc hai mươi hai tuổi, đến nay đã hơn 17 năm. Là con nông dân miền quê Mễ, đời sống cơ cực, anh cùng người yêu bỏ nhà theo bạn băng sông vượt rừng qua biên giới Mỹ, lén lút chui rúc ở San Diego làm việc cho các nông trại, kiếm sống một thời gian rồi tìm đường lên Los Angeles lập nghiệp, theo cắt cỏ phụ cho một ông Mễ có xe truck đã lớn tuổi.

Một năm sau khi qua Mỹ, Carlos có được một cậu con trai, nhưng hai người không sống chung lâu, cô vợ chê Carlos bất tài, ít học, lại quá thiệt thà, không mang lại cho vợ con cuộc sống sung túc ấm no, tự động bỏ nhà lấy chồng khác, bỏ lại bé Luis lúc đó mới 5 tuổi. Carlos an phận ở lại, mướn căn chung cư tồi tàn rẻ tiền ở xóm nghèo nhiều băng đảng, cam phận gà trống ở vậy luôn nuôi con suốt 9 năm trời. Cũng may anh có người em gái noi gương anh đi lậu qua biên giới mười năm trước, được anh cưu mang mấy năm đầu, rồi nhờ nhan sắc và tánh tình dịu dàng, đôn hậu, lấy được chồng Mỹ, thành công dân Mỹ, ra ở riêng gần đó, thường qua thăm viếng và giúp anh những lúc ngặt nghèo.

Luis sinh ở Mỹ nên đương nhiên có quốc tịch Mỹ, đang tuổi teenage, học lớp 10, thông minh, đẹp trai, nên có girl friend sớm, tánh bướng bỉnh, giao du với đám bạn Mễ lười học nên Carlos cằn nhằn hoài. Mỗi lần nó xin tiền, anh bảo phải học tánh tự lập, muốn có tiền phải đi làm, cuối tuần theo anh ra Home Depot đúng chờ người gọi đi làm như anh, để biết giá trị đồng tiền. Luis sợ bạn chê cười, không chịu lao động kiểu đó, nhưng cũng thông cảm nỗi cực nhọc của cha, biết cha hy sinh rất nhiều cho mình.

Một hôm, như thường lệ, ông chủ xe cắt cỏ tới Home Depot đón Carlos lên xe đi làm. Anh ngồi bên ông chủ, buồn bã đưa mắt nhìn ra quang cảnh bên ngoài: chỗ này tụ họp một đám mấy tên Mễ hung hăng cãi lộn, chỗ kia có anh chàng Mỹ trắng ở trần lướt chạy phom phom trên skakeboard, ở bãi đậu xe một cặp vợ chồng hạnh phúc đi với bầy con ríu rít, chỗ góc đường có quán bar rượu đèn xanh tím đỏ mở nhạc xập xình...nghĩ tới cảnh hai cha con lủi thủi trong căn hộ một phòng nghèo nàn sớm tối hú hí với nhau. Chỗ ở chật, anh nhường phòng ngủ cho con có giường và bàn học, còn mình tối đi làm về mệt mỏi ngả mình đại trên chiếc sofa cũ kỹ nằm qua đêm. Anh chấp nhận số phận hẩm hiu, chỉ mong con siêng năng chịu khó học lên đại học, có việc làm tốt, thoát khỏi cảnh đời Mễ lậu vất vả như anh. Ông chủ già bỗng mở miệng tâm sự:

- Carlos, tao tính giải nghệ, bán business cắt cỏ, xe truck, đồ nghề và mấy chục mối khách cho khỏe…

- Rồi ông làm gì, bộ ở không à?

- Tao tính về xứ mua cái trại, mở quán bán bậy bạ cái gì đó để an hưởng tuổi già. Nghĩ tình mày theo tao nhiều năm cực khổ, ưu tiên bán cho mày làm chủ, khỏi làm công nữa, khỏi phải sáng sáng ra Home Depot đứng đợi tao chở đi làm...

- Tui mà có tiền như ông, tui ở đây hưởng già, không về quê đâu.

- Mày là thân phận ở lậu, không giấy tờ, có ngày tụi “cop” nó tóm cổ trục xuất về bển chứ tưởng ngon à?

- Ở lậu đâu có được phép thi bằng lái đâu mà mua xe làm chi.

- Trời... nói như mày mà nghe được. Ở xứ này phải có tiền, có tiền thì cái gì cũng xong. Muốn có giấy tờ hợp lệ, thẻ xanh, bằng lái thì phải có tiền mướn luật sư. Làm chủ business như tao một thời gian rồi sẽ có tiền. Tiếng Mỹ không rành, cứ đi làm công hoài chỉ đủ trả tiền mướn nhà, làm sao ngóc đầu lên nỗi. Thấy tao hồi xưa qua đây cũng tay trắng như mày, nhờ chịu khó mánh mung mới có giấy tờ hợp lệ, sắm xe, ngoi lên làm chủ, bây giờ dư sức về quê mua đất dưỡng già... Nè, nghe đây Carlos, tao để rẻ cái xe và business cho mày 13 ngàn thôi, người khác phải 15 ngàn. Mầy thấy đó, khách hàng tao toàn là dân nhà giàu, gần biển, villa, biệt thự, nhà lầu... một tháng kiếm mấy ngàn dư sức.

- Tui làm gì có tới 13 ngàn .

- Thì vay mượn thêm đâu đó. Hỏi em gái mày coi. Tao thấy chỗ cha con mày ở là khu nhà nghèo, toàn băng đảng, trộm cướp, đĩ điếm, xì ke ma túy... Con mày đang tuổi lớn mà ở đó hoài có ngày cũng bỏ học theo băng đảng, đánh lộn, bắn giết thanh toán, may không tù tội thì cũng có ngày tử thương, trúng đạn, tiêu tùng tương lai. Phải sớm dọn đi khu khác tốt hơn, có trường học tốt hơn cho con mày khỏi hư, muốn vậy phải có tiền, phải nhiều tiền mới dọn ở khu khác tử tế, an ninh hơn.

Nghe nhắc tới băng đảng và tương lai tối tăm của đứa con duy nhất, Carlos rúng động tâm thần. Anh nhớ lại mấy lúc gần đây, Luis hay đánh lộn ở trường, bị trường gửi giấy về báo cáo, mời lên gặp hiệu trưởng, nhưng anh lấy cớ bận đi làm 7 ngày một tuần không lên. Có một hôm, 9 giờ sáng mà Luis còn đắp mền ngủ, hỏi sao chưa đi học, nó ấp úng nói bị “suspended” hai ngày vì đánh lộn. Hỏi học hành bài vở ra sao, nó chỉ ậm ừ “OK”. Anh kiến thức chẳng có bao nhiêu, nên cũng chẳng biết cách gì mà kèm con. Nếu con học trường tốt, chơi với bạn tốt, chắc chắn nó sẽ bắt chước siêng năng, chăm chỉ nên người. Ông chủ nói chí lý, làm anh đăm chiêu suy nghĩ mãi trên đường. Nhớ có lần anh thấy nó cặp kè đi với một thằng bạn mặt cô hồn, đầu cạo trọc, hai cánh tay xâm mực anh lè. Lại nghe em gái anh nói nó có girlfriend học chung trường nữa. Anh thở dài:

- Biết là vậy, nhưng sợ tui không có đủ tiền. Ông bán xe, chắc tôi phải kiếm chuyện khác làm quá...

- Nghĩ hoàn cảnh mày gà trống nuôi con, tao thấy tội, mới nói và để dành xe cho mày trước. Suy nghĩ đi. Cho mày một tuần để suy nghĩ. Nếu không mua, tao bán người khác. Công trình tao rãi giấy mấy năm nay, có tới 50 khách sộp, kiếm 4 ngàn một tháng dư sức, chưa kể mỗi đầu năm, đi dọn vườn cho các nhà giàu…

Carlos đêm đó mở chỗ dấu tiền để dành trong closet bấy lâu, ngồi đếm chỉ được có hơn 6 ngàn. Anh ăn uống qua loa, ngả mình lên sofa, trằn trọc trở mình liên tục, không biết vay mượn ở đâu ra cho đủ 13 ngàn. Anh nghĩ tới Anita cô em gái ở downtown, hai vợ chồng đều đi làm, chắc chắn có dư tiền, nhưng thằng chồng hơi “kẹo,” không biết có cho mượn không.

Sáng hôm sau, khi ra Home Depot đứng chờ có ai gọi đi làm, anh gọi Anita hỏi thử chuyện có nên mua xe làm chủ cắt cỏ không, thì may sao cô tán thành liền, nói vô:

- Phải đó anh, em thấy anh đi làm công cực quá, nếu dịp may đưa tới thì nên chụp lấy. Làm chủ thì sướng hơn làm công là cái chắc. Kiếm người nào theo phụ anh cho bớt cực.

- Anh không có đủ tiền. Ông chủ đòi 13 ngàn trả off một lần, để ổng về lại Mễ ở luôn. Anh cần thêm chừng 7 ngàn, em nhắm có dư cho anh mượn được không? Chừng 6 tới 10 tháng là anh trả lại đủ.

- Để em coi. Chắc được, tối nay em qua anh.

Carlos mừng rỡ tươi nét mặt, ngồi chờ khách gọi đi phụ việc. Lần lượt, năm sáu thanh niên khỏe mạnh gần đó đều được khách chọn kêu đi làm, chỉ còn anh và một người Mễ trung niên trạc 50 tuổi chậm chạp bị bỏ lại ngồi chơ vơ. Ông này râu tóc lốm đốm bạc, nét mặt khắc khổ, thấy anh không có mang theo gì ăn trưa thì tự động lấy ổ bánh mì của mình bẻ ra làm hai, ân cần mời ăn. Anh lắc đầu cảm ơn, hắn cứ ép hoài, đành cầm lấy. Ăn xong may sao có người lái xe tới kêu đi phụ khiêng đồ dọn nhà, cả hai vui vẻ đu mình lên xe truck họ chở đi, bắt đầu hỏi chuyện làm quen nhau. Tên ông này là Pedro, cũng dân Mễ lậu, vợ con ở lại bên Mexico.

Tối hôm đó, Anita qua thăm anh. Sau khi nghe anh kể chi tiết về công việc làm ăn, mong có ngày đổi đời, có lợi tức khá hơn, cô móc túi ra một gói tiền đưa anh:

- Đây là bảy ngàn anh cần.

 Carlos hỏi:

- Mike có biết em cho anh mượn tiền không?

- Không, tiền này em gửi checking account riêng, ảnh không biết đâu.

Carlos đếm đủ 7 ngàn, cảm ơn em:

- Anh sẽ dành dụm trả lại em trong vòng sáu bảy tháng, em đừng lo. Nếu khá, anh sẽ dọn đi khu khác tốt hơn, ở đây thằng Luis giao du bạn bè du đãng, trộm cắp, cờ bạc có ngày sinh hư... Chỉ sợ lái xe xui xẻo bị tai nạn, bị police bắt hỏi giấy tờ không có thì không biết ra sao, không biết lấy gì mà trả lại em.

- Anh đừng nói gỡ, cứ mua xe đi làm ăn đổi đời. Lái cẩn thận. Tụi mình vượt biên qua Mỹ ở không phải là mong có cuộc sống tốt đẹp hơn sao?

                                                                        *

Hai ngày sau, Carlos gọi ông chủ đồng ý mua business ông hứa để lại. Ông chủ đem xe lại, đưa chìa khóa xe và cuốn sổ địa chỉ khách hàng. Carlos mở hood lên coi kỹ lại các bộ phận xe, leo lên ngồi rồ máy nổ một lát rồi xoay qua coi các máy móc cắt cỏ, dụng cụ đồ nghề. Rồi lái đi một khúc đường coi thắng có ăn không, quày lại trả tiền. Ông chủ đưa lại cho 5 trăm đô, vui vẻ chúc “good luck.”

Carlos là một người lương thiện, chất phác, dễ tin, cứ nghĩ Thượng đế đang cho mình cơ hội hiếm có đổi đời, kiếm được nhiều tiền lo cho tương lai đứa con, mà không bận tâm lường trước những bất trắc rủi ro có thể xảy ra cho mình khi bị tai nạn phải trình báo với police . Việc đầu tiên Carlos làm sau khi thành chủ xe là mua một bộ áo quần đá banh lái thẳng tới trường làm quà cho con trai, biết con thích đá banh, nhân dịp khoe chiếc xe mới. Luis nhìn xe ngạc nhiên hỏi:

- Xe của ông chủ ba?

- Bây giờ là xe của cha con mình rồi, Luis. Leo lên ba chở về!

Luis quay lại chỉ con bạn Mễ đứng bên:

- Con có bạn gái.

Con bé gật đầu chào Carlos. Luis nói nhỏ mấy câu từ giã con bé rồi leo lên xe ngồi cạnh cha, hớn hở:

- Sang năm con 16 tuổi, ba cho con lái một mình nghe.

- Phải có licence mới lái đuợc.

- Chứ ba cũng đâu có bằng lái mà lái đó.

Hai cha con cùng cười. Về tới nhà, cả hai đánh trần ra xịt nước rửa xe, lau xe, nấu bữa tối rồi lăn ra ngủ.

Sáng hôm sau, Carlos lái xe tới Home Depot, dáo dác kiếm Pedro, ông Mễ hom hem hôm nọ chia sẻ nửa phần ăn cho anh. Pedro chen ra khỏi đám thợ, bước tới coi có chuyện gì. Nghe Carlos hứa hẹn công việc bền vững, mướn mình phụ việc cắt cỏ trim cây một tuần 6 ngày, sáng mắt lên, mừng rỡ leo lên ngồi cạnh ông chủ mới. Carlos dở cuốn sổ ghi tên và địa chỉ khách hàng ra coi hôm nay cần làm mấy nhà, làm cho ai trước, rồi lái thẳng tới một ngôi biệt thự có sân cỏ mênh mông. Pedro mở cửa nhảy phóc xuống, ra sau xe mở chốt kéo bửng. Carlos phụ hắn kéo máy mower xuống, rồi máy quất, máy xén, ân cần chỉ cách xử dụng từng thứ một. Carlos thầu làm những việc khó, như leo cây dừa cao vòi vọi chặt lá khô, đào mương đặt hệ thống sprinkler tưới cỏ, còn việc dễ như cắt cỏ, trim cành, quét dọn… để Pedro làm.

Được năm ngày thì một hôm hai người tới làm cho một villa sang trọng ở Santa Monica, gần biển. Chủ nhà yêu cầu cắt bỏ những lá cọ héo úa dài xơ xác trên mấy cây palm tree cao. Carlos giao Pedro đẩy máy xén cắt sân cỏ bên dưới, còn anh lôi dây nịt bằng da có móc sắt móc vào giày và hông, lưng đeo cưa điện, hai đùi kẹp thân cây, nhanh nhẹn leo lên cao.

Lên gần tới ngọn cây, anh ngừng lại nghỉ lấy sức, lim dim hít làn gió mát trong lành từ biển khơi thổi tới, lặng người ngắm cảnh đẹp trời mây sóng nước êm đềm hiếm có ở cuối chân trời, thầm nghĩ biết đến bao giờ mới ở được một villa gần biển như vầy.

Pedro lúc đó đã cắt cỏ xong,  nhìn chiếc xe truck đậu ở lề đường cái, rồi ngước lên coi Carlos ngồi kẹt trên ngọn cây cao tít. Hai mắt láo liên, hắn vụt bỏ chạy về phía chiếc xe. Carlos vô tình không hay biết, tới lúc nhìn xuống thì Pedro đã tới sát chiếc xe, mở cửa leo lên rồ máy chạy. Hiểu ngay ý định cướp xe của tên phụ việc bất lương, lật đật leo xuống. Chân vừa chạm đất thì xe đã chạy mất hút...  anh ráng ba chân bốn cẳng chạy theo, vừa chạy vừa la làng, cho tới khi anh đuối sức bỏ cuộc.

Đón xe bus về tới nhà thì trời đã tối mịt. Chìa khóa mất, Carlos đành gõ cửa. Luis đang ngủ ngồi dậy nghe tiêng cha, chạy ra mở. Carlos đờ đẫn nín một lúc lâu mới thốt ra mấy tiếng:

- Cả xe lẫn đồ nghề bị tên Pedro cướp chạy mất rồi.

Luis sửng sốt:

- Cái gì? Ba nói thật hay nói giỡn?

Luis tung cửa vụt chạy ra ngoài ngó quanh không thấy xe đâu, hai mắt long lên sòng sọc:

- Lão già này thật khốn nạn. Sáng mai con nghỉ học đi với ba kiếm hắn…Ba biết hắn ở đâu không?

- Không. Mai ra đó hỏi chắc có người biết chỉ cho mình. Cell phone ba bỏ trên xe, nó cũng lấy luôn rồi.

Luis vò đầu bứt tóc chửi thề. Bỗng nó thấy cha cả người lạnh ngắt, thân mềm nhũn, nghoẻo đầu qua một bên, hốt hoảng rối rít gọi, cởi giày ra, đỡ hai cẳng ông lên giường, lấy mền len đắp kín mình cha, ngồi bên lo lắng. Carlos phều phào:

- Mai ba phải ráng tìm cho ra cái xe, không thì ba chết mất.

Sáng ra, hai cha con tới Home Depot, chỗ thợ đứng đợi khách gọi đi làm. Một người Mễ nói biết chung cư Pedro ở, nhưng không rõ địa chỉ. Carlos hứa trả công hắn 50$, coi như lương một ngày công làm cho người khác. Hai cha con đi theo tới một chung cư hai tầng khoảng hơn 20 units. Carlos hỏi căn hộ số mấy, người này ú ớ nói không biết. Luis nhanh trí, lấy cell phone mình ra bấm gọi sô phone cha, chú ý lắng tai nghe coi tiếng reo phát ra từ căn hộ nào. Mấy giây sau quả có tiếng reo điện thoại di động quen thuộc của Carlos phát ra từ căn hộ trên lầu. Ba người ùa chạy lên gõ cửa căn hộ đó. Một người đàn bà Á đông sợ hãi, mở cửa ra hỏi tìm ai.

- Pedro có nhà không?

- Không. Dọn đi rồi.

Hai cha con lao vào ngó dáo dác quanh quất mấy căn phòng thấy có cả chục cái giường chiếc ngổn ngang mền gối, trên đó có vài người Mễ đắp mền còn ngủ. Thì ra bà này cho đám lao động độc thân nghèo ở “share” để trả bớt tiền thuê nhà. Một ông đang nằm trong góc phòng, lồm cồm ngồi lên, hỏi:

- Anh tìm Pedro hả? Nó mới dọn đi chỗ khác tối hôm qua.

- Cái gì? Hắn ăn cắp xe hơi và đồ nghề của tôi sáng qua. Lấy luôn cái cell phone tôi bỏ trên xe.

Ông già cầm cái điện thoại di động đưa lên:

- Phải cái phone này không? Nó bán cho tôi 40 đồng. Trả lại cho anh.

Carlos móc túi lấy ra 40$ đưa lại. Luis cản:

- Sao lại trả tiền? Phone của ba mà.

- Con anh nói đúng. Đừng trả làm gì, anh mất của còn nhiều hơn tôi mà.

- Anh biết nó dọn đi đâu không?

- Nó nói nó đi rửa chén ban đêm cho một nhà hàng Mễ trong khu phố có Night Club lớn, trước một parking rộng… Chắc anh biết mà, phải không? Còn ở trọ chỗ nào thì tôi chịu, không biết.

Luis kéo tay cha xuống lầu, tới trạm đón xe buýt lên khu phố có hộp đêm lớn đó. Nhà hàng chưa mở cửa nên Carlos dẫn con tới quảng trường người Mễ gần đó. Hôm nay có cái lễ gì đó, đông người Mễ ăn mặc áo quần sặc sỡ, đàn ông đội nón, mang giày boot, đàn bà mặc váy xòe xanh đỏ, cầm cờ lũ lượt ra đường chơi.

Luis hỏi:

- Lễ lạc gì vậy ba? Giống Haloween party quá vậy.

- Lễ hội cỡi ngựa của Mexico. Ba lớn lên trong những ngày lễ đó ở Mễ. Hồi con 5 tuổi, cô Anita có dẫn con coi lễ này mà. Bạn con chút chút lúc đó toàn là dân Mễ mà…

- Con đâu phải Mễ.

Bỗng một người lên sân khấu nói micro oang oang tiếng Mễ khai mạc cuộc thi diễn hành cỡi ngựa. Luis nghe hiểu lõm bõm mấy chữ Spanish, hỏi lại cha đúng không. Carlos nhìn con âu yếm, thẩn thờ nhớ lại thời còn trẻ vất vã ở quê, những ngày bỏ nhà vượt biên qua Mỹ lây lất màn trời chiếu đất, chọn Hoa kỳ làm quê hương, sinh ra đứa con nói tiếng Mỹ, chẳng biết gì về gốc gác, nguồn cội, bất giác chớp mắt tủi thân muốn khóc.

 Hai cha con coi màn thi trình diễn cỡi ngựa xong, đi kiếm một quán nhỏ vô ngồi uống nước. Ngoài phố bống có nguời thổi kèn chơi một điệu nhạc quen thuộc. Carlos hỏi con:

- Con còn nhớ bài này không? Hồi con còn nhỏ, má hay hát bài này ru con ngủ.

Luis đanh nét mặt lại:

- Con không muốn nhắc tới chuyện đó.

Carlos chăm chú nhìn con, thở dài:

- Ừ… thì thôi. Quên má con đi.

 Luis thấy thiên hạ cười giỡn vui chơi hạnh phúc, mà cha mình thì hốc hác lo nghĩ, ăn mặc nghèo nàn, râu ria lốm đốm bạc, buột miệng hỏi:

- Sao ba khổ mà còn sinh con ra làm chi vậy?

Carlos sửng sốt nhìn con một lúc, rồi cúi mặt nói:

- Không nên nói như vậy, con. Không tốt.

- Sao tất cả các người nghèo ở đây cứ sinh con làm chi, cho khổ chúng, con không hiểu được.

Carlos ngẩn người nhìn con không biết trả lời sao, đăm chiêu một lúc, bảo con:

- Đừng nói vậy. Thôi mình đi kiếm thằng kia. Ba may còn giữ một chìa khóa “sơ cua” đây.

Rồi đứng dậy trả tiền, kéo con đi Night club. Trời đã tối, phố xá lên đèn xanh đỏ. Carlos hỏi người tiếp tân xem Pedro có làm bếp đây không. Ông này tử tế dẫn vô. Carlos đi qua khu vũ trường thiên hạ nhảy nhót nhìn quanh quất, hỏi một người nhà bếp ở đâu. Anh đẩy cửa bước vô, thấy kẻ nấu bếp, kẻ bưng mấy đĩa cơm gà đi qua, kẻ bê một khay đầy nhóc ly đi tới, anh đi quanh quất một lúc thấy ngay tên ăn cắp xe đang đứng rửa bát. Hắn liếc thấy Carlos thì tái mặt, sững người ra mấy giây, rồi ù té tuôn ra cửa sau chạy. Hai cha con rượt theo ra parking đậu xe. Luis chạy nhanh, nhảy phóng lên lưng Pedro xô ngã té xoài ra đất, hai tay thoi đấm lia lịa, thấy túi sau hắn lòi ra một tờ giấy, giựt coi nhưng giấy viết đầy chữ Spanish, đọc không hiểu, hét lên:

- Cái gì đây? Mày bán xe tao rồi à?

Carlos cầm giấy lẩm bẩm đọc trong khi Luis lấy chân đá, đạp lên mình tên trộm liên tục không thương tiếc. Thì ra đây là biên lai Pedro gửi tiền bán chiếc xe ăn cắp về cho vợ con đói khổ ở Mễ. Carlos mủi lòng, ngăn con lại:

- Thôi con, đừng đánh hắn nữa. Hắn cũng nghèo như mình.

- Ba nói sao? Nó ăn cắp xe mình mà tha à? Rồi tiền đâu mà trả nợ, dọn tới khu ở tốt, trường học tốt đây?

Luis tiếp tục đấm đá, hét vang, “Xe tao đâu? Xe tao đâu?” Carlos nổi giận la to, đẩy mạnh con ra một bên:

- Stop. Nói đừng đánh nữa là đừng đánh.

Luis vùng vằng:

- Tại sao? Con giúp ba thì ba đánh, nó ăn cắp ba thì ba tha. Ba có khùng không?

Carlos hai tay ôm con tính vỗ về phân giải thì nó gạt phắt tay anh ra, tức giận bỏ chạy mất.

                                                                        *

Cả đêm nó không về nhà. Sáng ra, Carlos tìm tới nhà bạn thân nó, gõ cửa hỏi thử, quả nhiên, nó ngủ đây đêm qua. Tên bạn mời vô, anh không vô, quay vào gọi Luis ra. Mặt Luis vẫn còn sắc giận, đi ra hỏi lạnh lùng:

- Chuyện gì?

Carlos móc tờ giấy nhỏ ra:

- Nó bán xe cho tụi chợ đen rồi, đây là địa chỉ chỗ chợ đen. Con muốn đi với ba tới đó lấy lại không?

Luis cười nhạt, lắc đầu đáp gọn lỏn:

- Không.

- Cũng được…ba đi một mình vậy. Mai gặp ở nhà.

Luis quay vào, tên bạn Mễ cự:

- Không ngờ mày ăn nói với cha mày như vậy. “Cool” quá hả? Tụi băng đảng hăm dọa mày, bắt đưa hai tay ra ôm sau ót thì mày sợ, làm ngay, còn cha mày nuôi nấng mày, lo cho mày, thì mày đối xử như vậy.

Luis xấu hổ cúi gầm mặt, thấy nao nao trong bụng, quay ra, tần ngần mấy phút rồi nghĩ sao, hấp tấp khoác áo vào, mở cửa chạy theo cha.

Carlos đang ngồi chờ ở trạm chờ xe buýt, thấy con tới, tươi hẳn nét mặt. Hai cha con lần theo địa chỉ tới Auto Market, chỗ bán xe lậu rẻ tiền, chờ tối mịt mới tới gần hàng rào kẽm. Khu chợ bán xe này rất rộng, bốn phía rào dây kẽm gai mắt cáo cao 3 mét, bên trong có nhà sửa xe đèn sáng có thợ còn ngồi lui cui làm việc, lại có một lính bảo vệ đứng gác gần đó. Carlos bảo con:

- Con đứng ngoài này coi chừng thằng bảo vệ, ba tìm cách leo vô trong kiếm xe. Hễ nó biết có người leo vô thì la lên, ba leo ra.

- Nguy hiểm quá ba à…

- Đừng lo…ba biết cách…

Nói rồi anh đi dọc theo hàng rào kẽm, nhìn vô coi chỗ nào dễ đột nhập không ai thấy. Anh ném cái áo jacket khoác ngoài lên dính vào nóc tua tủa gai bén, nhanh nhẩu móc tay vô các mắt lưới leo lên nhảy vô bên trong, đi dọc theo các hàng xe đậu, kiếm chiếc xe truck màu xanh lơ. Luis cũng đi rà rà dọc theo hàng rào bên ngoài nhìn vô kiếm giúp cha. Chợt nó nhận ra chiếc truck xanh, liều mạng leo đại lên. Lúc nhảy xuống bên trong, giày nó vướng vào móc khiến nó kêu lên một tiếng làm Carlos nghe thấy, chạy vội lại, gỡ giày con ra. Luis hổn hển, chỉ tay về phía chiếc xe, lắp bắp:

- Xe kìa…

Hai cha con vụt chạy lại thì nghe gần đó có tiếng chó sủa vang. Carlos nhìn kỹ, mừng rỡ:

- May quá, còn nguyên đồ nghề bên trong.

- Ba đề máy liền đi. Mau lên!

Tiếng chó lồng lộn sủa càng lúc cáng to rồi một con chó berger to lớn ở đâu phóng mình lên “hood” xe đứng, chu mỏ rống vang. Tên bảo vệ to béo cầm súng chạy trờ tới, chỉa mũi súng vào mặt Carlos, hét to:

- Stop!

- Cúi đầu xuống ba! Luis hét lên.

Carlos rồ ga phóng đại chiếc xe chạy cán lên lớp dây kẽm gai tung ra ngoài chạy mất. Cướp xe thành công, hai cha con hể hả cười sung sướng. Tên bảo vệ đứng ngó theo lắc đầu. Luis hét lên khoái trá:

- Bravo! Chưa bao giờ con thấy mình làm được một chuyện phi thường như vậy...

- Cảm ơn con đã giúp ba. Nhờ con, mới lấy lại được xe.

Xe chạy được một khúc thì thấy lù lù một xe cảnh sát đậu đàng xa, hai cha con tái mặt. Luis bảo cha cứ bình tĩnh chạy, đừng ngập ngừng, cảnh sát nghi ngờ. Nhưng rủi thay, xe police quay đầu lại từ từ chạy theo, chớp đèn xanh đỏ loang loáng. Carlos mặt mày thất sắc:

- Thôi rồi, thằng bảo vệ nó gọi báo cáo police.

Anh đờ người ra, hai mắt đứng tròng.

Luis la lên:

- Ba cứ chạy, kệ nó.

- Không được.

Carlos tắt máy ngừng xe, nhắm nghiền mắt, thở ra một hơi dài tuyệt vọng. Viên cảnh sát bước tới cửa xe hỏi:

- Vui lòng cho tôi coi bằng lái và thẻ đăng ký xe.

- Dạ... tôi ...tôi không có đem theo...

Thế là Carlos vào nhà giam, chiếc xe bị tạm giữ, chờ thân nhân trình thẻ chủ quyền lãnh ra. Viên giám thị đọc luật lệ nhà giam cho cả trăm tù nhân nghe:

- Phải cởi đồ, quần áo giày dép, dây chuyền, nhẫn, đồng hồ, dao... ra hết giao chúng tôi giữ, các anh sẽ mặc đồng phục đồ tù, sẽ phải thử máu coi có bị HIV, ho lao, Hepatitís hay bất cứ bệnh truyền nhiễm nào không... Không được đánh lộn cãi lộn, cấm hút và buôn bán xì ke ma túy, không lập băng đảng, họp nhau thành nhóm đe dọa nhau, nếu vi phạm sẽ bị biệt giam một tuần, một tháng, hay lâu hơn... Thông tin về các anh sẽ đuợc đưa vào danh sách di dân của Bộ an ninh nội địa và thông báo cho các cơ quan pháp luật Liên bang. Mỗi tháng các anh được một cái thẻ gọi trị giá $5 do một Hội từ thiện giúp người di dân lậu ở Los Angeles cấp để gọi thăm gia đình.

Carlos âu sầu đứng chung với các tù nhân khác, có tên ở trần, đầu cạo trọc, đưa cả cái lưng xâm xanh lè, có tên nghênh ngang ngó quanh quất, mặt mày hung dữ, cô hồn. Được hai ngày thì một luật sư vô tiếp xúc với anh. Carlos nói mình không có tiền mướn luật sư. Ông này nói đây là cơ quan thiện nguyện, giúp cố vấn cho di dân lậu bị bắt, không có lấy tiền.

- Tôi không phải người của chánh phủ, tôi không làm cho Sở di trú. Tôi làm cho cơ quan thiện nguyện tư vấn giúp cho “di dân không hợp lệ” hiểu về quyền lợi của mình. Anh có quyền ra tòa nhận tội vượt biên lậu vô nước Mỹ để bị trục xuất, hay xin Tòa cho luật sư biện hộ cãi cho mình được ở lại. Anh có bằng chứng bị chính phủ Mễ trừng phạt nếu bị trả về Mễ lại không? Có lý do tỵ nạn chính trị nào không? Có thân nhân nào ở Mỹ không?

- Tôi có một con trai mới 15 tuổi, quốc tịch Mỹ. Tôi là “single parent” duy nhất của nó.

- Hiện giờ nó ở đâu?

- Ở đây, với em gái tôi ở đây, cũng quốc tịch Mỹ.

- OK, lấy lý do có con vị thành niên không thể giúp anh được “bail” ra ở tạm lại Mỹ đâu. Nếu muốn chống lại lệnh trục xuất, anh phải ở đây tới khi được gọi ra hầu Tòa, thường là 3 tới 6 tháng.

- Xin anh nói thật cho, tôi sẽ có bao nhiêu phần trăm hi vọng được cho ở lại?

- Chỉ có 3% trong các ca trục xuất di dân lậu là thắng cuộc, còn thì tất cả đều bị trục xuất về nước với con cái còn nhỏ hơn con anh nữa. Ngay cả với kẻ nhập cư lậu ở đây nhiều năm, đi làm có đóng thuế và lý lịch sạch cũng không ngoại lệ. Anh Carlos, nhân tiện tôi xin nói thật với anh, nếu như nay mai anh nhờ mấy tên “coyote” dẫn đường giỏi đưa qua Mỹ lại trót lọt, anh cũng sẽ chịu những hậu quả pháp luật sau này... nếu họ truy ra. Anh hiểu ý tôi chứ? Suy nghĩ kỹ lại đi. Anh có một đêm để quyết định. Mai cho chúng tôi biết ý định của anh.

Ông bắt tay Carlos, đứng dậy xách cặp đi. Carlos thẫn thờ một lúc, rút phone ra gọi con. Không có Luis ở nhà bắt phone, anh thở dài, để lại message.

Luis lúc đó được cô Anita chở đi học về, cho hay sẽ lấy giấy chủ quyền xe lãnh xe truck ra mang trả lại ông chủ cũ Carlos để năn nỉ xin tiền lại, vì anh đã vào tù. Cô kể cha nó ngày xưa tốt bụng, nuôi cô ăn ở trong nhà 6 năm cho tới khi cô lấy chồng ra ở riêng, cô rất đội ơn. Cô bảo Luis về ở nhà cô nuôi, nhưng nghiêm khắc cấm giao du băng đảng, bạn xấu, phải đi học về nhà đúng giờ, nếu không hai vợ chồng cô sẽ không chứa chấp nữa. Luis giận lẫy, xách cặp về nhà cũ, trong nhà đồ đạc trống trơn, bếp núc nguội lạnh, chỉ còn mấy cái soong chảo khô ráo úp trong sink. Thấy khát nước, nó mở vòi kê miệng uống, tủi thân nhớ lại ngày nào đi học về trên bàn luôn có cái bánh, trái chuối, có sẵn thức ăn cha nấu để trong tủ lạnh. Nó thấy thương cha vô cùng. Thấy cái phone chưa gỡ, có đèn đỏ chớp chớp, nó tới bấm nghe message, tiếng Carlos thủ thỉ vang lên trong máy, gọi từ trại giam, không biết gọi từ hôm nào:

- Luis, con có đó không? Con đang ở với cô hay ở đâu vậy? Ba lo cho con quá. Con đừng trốn học nghe. Con ráng nghe lời cô nghe. Ba lúc nào cũng lo lắng cho con. Chắc chắn ba sắp bị đuổi về Mễ con à, có thể mấy ngày nữa, có thể tuần sau, không biết là hôm nào... Con và cô nhớ vô thăm ba sớm sớm, coi như lần cuối cùng. Nếu tới trễ sẽ không gặp ba đâu. Không gặp lần này thì không biết bao giờ ba mới thấy con lại. Con nhớ gọi lại cho ba liền nghe Luis...

Luis mếu máo xụt xịt ứa nước mắt, mở tủ áo, kiếm áo quần, giày vớ, các vật dụng cần thiết của cha bỏ vô một xách tay, chạy qua nhà cô, nói cô ngày mai đưa mình vô tù thăm, sợ ba bị chuyển trại không cho thân nhân gặp nữa.

Sáng hôm sau, hai cô cháu vào thăm Carlos vừa lúc anh cùng các tù nhân khác đi hàng một dọc theo hành lang ra sân lên xe chuyển đi trại khác. Nhân viên nghe khách viếng thăm hỏi tên Carlos, dò trong sổ, khăng khăng nói anh đã được chuyển đi rồi, nhưng Luis mếu máo năn nỉ xin coi lại, vì mới thấy ba nó lúc nãy trong này. Anh này thấy tội, nhờ một nhân viên khác ra hành lang tìm Carlos, đưa anh trở lại phòng khách gặp thân nhân lần cuối. Hai nhân viên công lực đứng canh bên cửa, cho hai cha con ngồi giữa phòng dặn dò nhau.

Carlos nhỏ nhẹ:

- May quá cảm ơn con đã tới. Cô đưa con tới hả? Con phải ở với cô nghe, ráng học hành chăm chỉ nghe.

Luis ngoan ngoãn gật đầu dạ. Carlos bảo:

- Luis, có lần con hỏi tại sao ba nghèo mà sinh con ra làm chi cho khổ cả hai. Ba chỉ làm cái mà ở Mễ mọi thanh niên Mễ khác đều làm. Lớn lên, lấy vợ, không có việc làm, phải đi lậu qua Mỹ kiếm sống, rồi sinh con ra. Ba má thương nhau sinh ra con. Nhưng con người thay đổi. Má con đổi tánh, thấy người khác khá giả mà ba thì nghèo, không cung cấp cho má con nhưng thứ bả muốn, nên bỏ đi, bỏ lại con mới có 5 tuổi cho ba. Ba không có tiền, không có việc làm nhất định, loay hoay với con, phải vừa gửi con, vừa đi làm, vừa đi chợ, nấu ăn, đón con đi học về, con có hiểu không? Ba tức giận má con và đau khổ lắm. Nhưng có một thứ đã giúp ba vượt qua tất cả mọi cực nhọc, mọi đau khổ lúc đó, đó là CON. Săn sóc con và nhìn con lớn lên mỗi ngày là điều quan trọng nhất , là hạnh phúc đối với ba. Sau này con lớn lên, có tương lai, thực hiện đuợc những gì con mong ước là ba mãn nguyện rồi. Vì vậy mà ba sinh ra con...

Luis cúi đầu, mếu máo rươm rướm nước mắt. Carlos tiếp tục thủ thỉ:

- Ba xin lỗi đã thất bại không lo nỗi cho con tới lúc nên người. Ba dở quá. Ba nào có muốn thấy con tới thăm ba trong tù như vầy. Cũng vì mong con có cuộc sống tốt hơn, ba đã dại dột mượn tiền mua xe truck, bị bắt vô tù, làm hỏng đời con như vầy. Ba đã sai lầm lớn, bỏ rơi con, làm hại đời con.

Luis hai mắt đỏ hoe, xụt xịt khóc ra tiếng, lắc đầu:

- Không, không, ba chưa bao giờ thất bại. Ba là người cha tốt. Ba luôn luôn có mặt bên con, quan tâm tới con mỗi khi con cần. Ba nhớ bài hát mình nghe hôm lễ hội thi cưỡi ngựa không? Bài đó, ba hát ru con ngủ lúc con còn nhỏ xíu hoài, làm sao mà con quên được...

- Con hứa với ba về ở với cô, nghe lời cô, học hành cho tốt nghe con...Đó là mong ước duy nhất của đời ba đó con...

Luis khóc nức nỏ:

- Ba cũng hứa với con sẽ trở lại Mỹ với con nghe. Đừng bỏ con một mình ở đây. Ba hứa nghe...Ba...

Hai nhân viên công lực tiến lại bên Carlos, năm tay anh nói:

- Hết giờ rồi. Phải đi thôi.

Carlos chớp chớp mắt, cố giữ không khóc, nằn nì xin thêm vài phút. Hai cha con đứng dậy ôm chầm lấy nhau một lúc nức nở, rồi sau cùng đành buông con ra, theo họ ra ngoài.

Em gái anh, Anita, đứng bên ngoài hàng rào kẽm, thấy anh đi ra gia nhập hàng người chuyển đi trại khác, xúc động đăm đăm nhìn theo anh tới lúc tất cả các tù nhân lên xe bịt bùng chuyển bánh...                                                                *

Bốn tháng sau...

Luis trở thành một cầu thủ xuất sắc của đội banh nhà trường, gần nhà cô ruột, học hành tấn tới, đuợc bằng khen mang về cho cô. Cùng lúc đó, giữa biên giới Hoa kỳ và Mễ, người cha đáng thương Carlos đội nón rơm, vai mang ba lô, tay xách bị, lầm lũi cùng mấy chục người Mễ bị trục xuất hướng về phía đồng quê nghèo nàn trực chỉ. Lo lắng không biết ngày nào mới có dịp trở lại phía Bắc gặp đứa con yêu...

Phạm Hoàng Chương

Ý kiến bạn đọc
24/10/201804:14:09
Khách
Tin Virginia: Một gia đình nói tiếng Spanish ở tiệm ăn, bị bà Mỹ trắng xỉ vả, mắng đuổi về nước, đòi xét passport (báo Calitoday), Bà Mỹ này bị nhà hàng cấm cửa không duojc tới nữa.
October 23, 2018
20/09/201819:34:21
Khách
"Kinh tế gia" Kim Chi ỷ mình là US citizen (hạng 2 ) , hung hăng con bọ xít, lên mặt kỳ thị, chửi mắng hạ nhục dân Mễ tỵ nạn mà quên răng chính minh cũng là gốc dân tỵ nạn lóp ngóp tơi tả từ nước xa xôi tới,rồi bảo lãnh cha mẹ anh em con cái dòng họ kéo tới đây ở cho sướng, không biết đất Cali,Texas này ngày xưa vốn là của ông bà tổ tiên nguời Mexicans tạo dựng, chỉ vì trình độ lạc hậu mà bị quân Mỹ đánh chiếm (rồi sau mua lại giá rẻ mạt cho lương tâm an ổn). Sao "kinh tế gia" không giỏi về VN xua đuổi tụi TÀu hiện tại đang ùn ùn kéo qua Vn xâm lăng tổ quốc mình đó, sợ vô tù ngồi chắc. Không có dân Mễ , ai lao động cực khổ dang nắng trồng rau trái cho mình ăn với giá rẻ mạt như ở Cali. Mình ăn cơm gạo rau trái và uông nước từ đất cát của tổ tiên người ta thi nên tỏ lòng biết ơn họ một chút.Tôi nghĩ người Mỹ gốc Việt như "kinh tế gia" Kim Chi không có tư cách phát biểu với giọng kỳ thị khinh ghét như vậy, để cho nguời Mỹ chánh cống nói. Mà ngay cả người Mỹ biết luật họ cũng không nói như vậy,dễ bị khép vào tội kỳ thị chủng tộc lắm, huống chi là công dân hạng 2 lên mặt dạy đời. Đúng là "ma Việt bắt nạt ma Mễ".
16/07/201809:22:06
Khách
Tất cả những người sống tại USA cần phải có kiến thức về kinh tế, tài chánh, chính trị, luật pháp và các sắc tộc tại USA thì mới hiểu được tại sao cần phải ngăn chận di dân bất hợp pháp. Vấn đề là tại vì nước Mỹ hiện nay đang thiếu nợ trên 21 ngàn tỳ dollars (1 tỳ là 1 ngàn triệu dollars). Mổi năm chính phủ USA phải trả trên 800 tỷ dollars cho tiền lời của 21 ngàn tỷ dollars. Trong khi đo' dân Mể sinh đẻ rất nhiều, theo thống kê: trong vòng 20 chục năm, dân Mể tăng lên nhanh chóng. Từ 15 triệu người Mể tăng hơn gấp đôi, thành 35 triệu người Mể tại USA. Theo thống kê của chính quyền liên bang USA: trong tất cả các sắc dân tại USA: người Mể sanh nhiều con nhất, đa số xài WELFARE (nhận trợ cấp của USA về tiền ăn, tiền nhà, tiền y tế) để nuôi con từ khi còn mang thai tới khi nó 18 tuổi. Cộng thêm chính phủ phải trả tiền học phí và tiền ăn tại trường cho nhiều triệu trẻ em dưới 18 tuổi người Mể. Cho nên dân Mể tại USA tiêu xài ngân sách của quốc gia USA rất nhiều khiến USA càng ngày càng gánh thên nợ nần. Cũng theo thống kê chính thức hàng năm của USA: học sinh Mể bỏ học trung học cao nhất, tỷ số học sinh Mể hoàn tất đại học thấp nhất, teenager mang bầu cao nhất, bị bệnh Aids nhiều nhất, bị bệnh béo phì cao nhất, bị high cholesterol cao nhất, băng đảng nhiều nhất, ăn cắp xe của công dân USA nhiều nhất, sử dụng và buôn bán ma túy nhiều nhất, làm tiền mặt trốn thuế nhiều nhất so với tất cà các sắc dân khác tại USA. Người Việt thế hệ thứ 2 sanh ra tại USA thì đa số học hành thành đạt hay ít ra cũng có nghề nghiệp đàng hoàng, ít có ai còn sống nhờ vào welfare. Nhưng dân Mể sống tại USA 5 thế hệ, họ vẩn tiếp tục sài welfare từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu nghèo phải sống vào trợ cấp xã hội, thì chỉ nên sanh 1 hay nhiều nhất là 2 đứa con mà thôi, nhưng Mễ thì cứ ăn-ngũ-sex rồi... đẻ...đẻ...đẻ...Ai trả tiền nuôi con họ cho tới lúc chúng 18 tuổi??? trong khi USA đang bị lún sâu vào nợ nần. Chỉ nói đến đám Mể đang sống hợp pháp tại USA, càng ngày USA càng phải chi thêm nhiều tiền nuôi con của họ, vì họ đẻ nhiều, con nít dưới 18 tuổi tăng nhanh. Và nếu để di dân bất hợp pháp tràn vào USA mổi năm vài triệu người, thì con của họ sinh ra tại USA là công dân USA, USA khom lưng nuôi các con của họ 18 năm ăn học, dĩ nhiên USA càng gánh thêm nhiều nợ, ngân sách thâm thủng, gây ra ngân sách quốc phòng bị cắt giãm, và như thế trong vòng 20 hay 30 năm nữa USA mang 1 số nợ khổng lồ, đất nước suy yếu, lúc đó Trung quốc và Liên Xô sẽ xâm lược các quốc gia trên thế giới (trước tiên là VN), mà USA không còn đủ sức để can thiệp và cuối cùng chính USA cũng bị xâm chiếm vì ngân sách quốc phòng bị cắt giãm trong nhiều năm (vì phải chi tiền quá nhiều tiền nuôi đám con quá đông của Mễ).
Chính vì vậy, bọn gián điệp Trung quốc cộng thêm bọn gián điệp Việt Cộng (tuân theo lệnh chỉ dạy của Trung quốc) tại USA đang tuyên truyền vận động mọi người: ũng hộ di dân lậu, chống xây bức tường biên giới Mỹ-Mể và ũng hộ đảng Dân Chủ (là đảng luôn luôn cắt giãm ngân sách quốc phòng, chủ trương không tham chiến tại các quốc gia khác, và ũng hộ di dân bất hợp pháp). Tại sao Trung quốc có chủ trương này?, tại vì nếu đảng Dân Chủ nắm quyền tại USA, nếu Trung quốc chiếm biển Đông rồi chiếm luôn cả VN, thì USA chỉ ...lên án...và...quan ngại...quan ngại....bằng miệng!, mà chẳng bao giờ dám đem sức mạnh quân ra cho Trung quốc 1 bài học tại biển Đông, và nếu không ngăn chận di dân Mễ ào ạt tuôn vào USA, vài thập niên sau, USA lún quá sâu vào nợ nần suy yếu, lúc đó Trung quốc sẽ mạnh lên và chiếm luôn cả USA. Nhiều người Việt sống nhiều năm tại USA, nhưng rất nghèo nàn yếu kém về kiến thức tài chánh, kinh tế và chính trị của USA, nên họ vô tình bị bọn gián điệp cộng sản Trung quốc và CS VN nắm đầu xỏ mũi qua chiêu bài "nhân đạo" ũng hộ di dân bất hợp pháp, mà họ hoàn toàn không hiều rằng ũng hộ di dân bất hợp pháp và ũng hộ đảng Dân Chủ là làm lợi cho CS China, nhưng đem lại tai họa cho VN và USA. "Kiến thức là sức mạnh". Hãy cố gắng tìm hiểu và học hỏi, càng ngu dốt thì càng vô tình làm tay sai cho những kẻ lưu manh thủ đoạn, tự hại chính mình!
15/06/201818:41:01
Khách
Cảm ơn Tô đã bỏ công lược dịch phổ biến cho bạn bè nhiều lắm. Ai mà khóc cho hoàn cảnh cha con ly biệt như vầy chắc chắn là người có lòng nhân hậu. Hi vọng thời buổi này vẫn còn nhiều người có lòng như vậy,phải không em?
10/06/201802:56:52
Khách
Xin chào bác Phạm Hoàng Chương, Cháu đã kể lại câu chuyện này bằng tiếng Mỹ cho các bạn đồng nghiệp nghe, chắc chắn là không thể diễn đạt hay được như bản gốc, vậy mà cả phòng còn ngồi khóc sụt sùi...Xin cầu nguyện cho tất cả mọi người trên thế gian luôn được sống bên người thân yêu của mình...
25/01/201800:46:11
Khách
Bài viết cảm động quá! Cám ơn anh Chương đã viết bài nầy.
06/01/201820:48:04
Khách
hay ,dang doc
05/01/201800:46:07
Khách
Câu chuyện thật cảm động và đầy tình người
Cám ơn tác giả
04/01/201819:43:36
Khách
Cảm ơn bạn Twin.

Tôi hy vọng những truyện ngắn thế này sẽ làm cộng đồng chúng ta có cái nhìn thiện cảm hơn đối với người di dân không giấy tờ. Gia đình tôi may mắn sang Mỹ năm 75. Nếu kẹt lại, số phận của chúng tôi sẽ giống những người Mễ này. Chúng tôi sẽ tìm cách vượt biên bằng thuyền, có thể chết như những thuyền nhân kém may mắn khắc. Bây giờ anh chị em chúng tôi đều có việc làm, nhà cửa . . . nghĩ lại mình đâu giỏi giang hơn những người Mễ kia.
04/01/201806:07:16
Khách
Bạn Kim Le ơi, cảm ơn bạn đã nói dùm tôi. Xin cho tôi được nhắc lời của bạn, xuất phát từ một trái tim vàng.
Trích từ bạn Kim Le:
"Đây là một truyện ngắn đầy tình người. Tôi có kinh nghiệm với một số người Mễ làm việc cho tôi (làm vườn, lau nhà, giữ em). Đa số họ là những người trung hậu, không "khôn ngoan" như người VN hoặc Trung Quốc. Tôi thắc mắc tại sao cộng đồng Việt lại ghét người Mễ, suốt ngày muốn ông Trump đuổi "ba thằng Mễ" về nước."
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,266,958
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 194, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài tiếp.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới, về chương trình Hospice cung cấp cho người bệnh trong tình trạng chờ mãn phần, không phân biệt tuổi tác, tình trạng gia đình hay lợi tức.
Tê Hát I Cờ Rét là bút hiệu của Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Tên do Cụ bà Trùng Quang gọi chàng theo lối đánh vần kiểu Bắc kỳ cũ. Sau đây là bài viết thứ tư của chàng, sau 5 năm biến mất. Viết tiếp!
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹthứ hai của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông tiếp tục làm thơ và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên.
Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O1. năm 1990, hiện đã về hưu, an cư tại Westminster. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2008, đã góp nhiều bài viết giá trị, từng nhận giải đặc biệt. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Nhạc sĩ Cung Tiến