Hôm nay,  

Từ Mỹ Về Giúp Người U Minh Vá Môi

26/12/201700:00:00(Xem: 14524)
Tác giả: Hồ Nguyễn

Bài số 5277-19-31123-vb3122617

Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. Bài đăng 2 kỳ

Duong vao U Minh

Cô giáo Thủy vào U Minh.

Hong Van va Van Thu

Hai dì cháu sứt môi.

Van Thu sau khi va moi
Văn Thù sau khi vá môi.

***

Người Việt ở Mỹ làm việc từ thiện bên quê hương Vn có người khen kẻ chê, ngay cả việc cứu giúp TPB/VNCH, giúp đỡ người phong cùi, mua gạo cho trẻ em mồ côi cũng thường bị đem ra mổ xẻ.

Người khen cũng có mà kẻ chê cũng nhiều.

Phe chống đối thì nói đó là việc của chính quyền CS, gửi tiền về chưa chắc đã đến tay người thụ hưởng mà hầu hết lọt vào túi tham của những con người tàn ác; người bênh thì nói chờ được chế độ đó thương xót TPB của chúng ta, hay kẻ khốn cùng thì chắc người đau khổ đã chết cả rồi.

Kinh 5 Foundation là 1 hội bác ái qui tụ những thành viên đã từng ở Kinh 5 hoặc là những người liên hệ thân tình. Hội không phải chỉ giúp đỡ bên VN, mà ngay tại Mỹ này khi có biến cố như cơn bão bên Houston hay Florida, hội cũng đã xuất ra tới mấy chục ngàn. Cơn bão tàn khốc bên Philippines nơi có 1 nữ tu người Kinh 5; tai nạn kinh hoàng nơi LM Đinh Văn Nghị đang dậy học tại Thailand University cũng được hội ân cần giúp đỡ.

Từ hơn 10 năm qua, hội đã bảo trợ những trẻ mồ côi, người khuyết tật và những người già, bệnh không nơi nương tựa, không phải chỉ ở quê xưa là Kinh 5, mà cả vùng phụ cận, lẫn trải dài từ Bắc vào Nam, nhất là nạn nhân lũ lụt miền Trung. Tiền giúp đỡ không qua 1 cơ quan nào nhà nước nào, mà do những thành viên tự mang về, làm những việc đã định trước cùng với nhóm Anh Chị Em Thiện Nguyện còn ở Kinh 5.

Dưới đây là bài viết của một thành viên kể chi tiết về việc trực tiếp giúp đỡ người sứt môi ở U Minh.

Xin mở chuyện bằng một lá thư của cô Thủy mà anh TN gửi cho tôi đọc:

"Anh chị thân mến,

"Đầu thư, em gửi lời hỏi thăm sức khoẻ anh chị và các cháu.

Lâu lâu con bé Chi mở hình cho coi, thấy anh chị vẫn tươi vui là em mừng.

Biết tin các anh bên đó đang quyên góp ủng hộ nạn nhân cơn bão Harvey, thật ý nghĩa. Mình nhận ơn đất nước người ta giờ cũng là lúc đền đáp chút nào ân tình.

Cách đây 1 tuần em cũng có dịp được về thăm lại những ân nhân thời em còn dạy học ở U Minh, vô xóm cũ cách đây 39 năm nơi mà em đã được người cưu mang. Xóm này chỉ có khoảng 20 gia đình, và cũng chỉ còn người già. Con cái họ giờ đều lên Sài Gòn, Bình Dương kiếm kế sinh nhai.

Người ở lại không già thì cũng bệnh tật. Khi em hỏi thăm đến thằng học trò cưng nhất ngày xưa là thằng Dũng thì mới biết nó bị bệnh, giờ đã nằm liệt 6 năm rồi. Vợ con nó bỏ đi hết, chỉ có 1 người mẹ già chắt chiu.

Nhà chỉ có hai mẹ con chăm lo nhau từ khi ba của nó mất. Đến khi nó lập gia đình, những tưởng sẽ hạnh phúc và phụng dưỡng lại mẹ, nhưng rồi bệnh ập đến, không những tan nát gia đình mà còn trở thành người bại liệt. Em nhìn mà không cầm được nước mắt.

Nhà rách vách nát, 1 mẹ già chăm sóc con liệt, gạo thì được hàng xóm thương cho, nhưng đồ ăn thì thiếu hụt. Thuốc thang giờ là vô phương, nên chỉ mong có chút đồ ăn bồi bổ.

Nhìn nó nằm còng queo trên cái bao đan bằng cói, vừa làm lót vừa là cái bô đại tiện, thấy mà thương.

Trước đây em có nghe nói nhưng không để tâm mấy, giờ nhìn rồi mới thấy sự cảm thông.

Lần này về lại chốn xưa, em có bao nhiêu vét túi hết bấy nhiêu cho những người khốn khó.

Con bé Chi từ Sài Gòn gửi về cho thêm cũng không thấm, "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống" ...Nên em mới nghĩ đến việc viết thư cho anh. Hy vọng anh và bạn bè anh nếu có thể sẽ giúp đỡ cho nó.

Em có gửi tấm hình để anh hiểu thêm về gia cảnh nó.

Thân mến.

Thủy.

*

Sau 8 năm tôi mới có dịp về Việt Nam. Nhờ được đọc lá thư trên đây, vừa về tới quê nhà ở Kiên Giang thì hôm sau tôi đi theo cô Thủy xuống vùng U Minh, nơi mà cách đây gần 40 năm cô đã dậy học cho những lớp toàn là những trẻ em nhem nhuốc, khét nắng và nghèo khổ..

Bởi vì tôi biết trong những ngày kế tiếp sẽ bận nhiều chuyện gia đình giỗ chạp bên Nội, bên Ngoại, thôi thì để ra 1 ngày đi cho biết rừng U Minh sau 40 năm đã "tươi đẹp bằng năm bằng mười" ra sao.

Không ngờ chuyến đi ngắn ngủi thăm Dũng, người học trò cũ của cô đã buộc tôi dính líu đến hoàn cảnh nhiều người, mà tôi sẽ lần lượt kể hầu qúi vị.

Chuyện hai dì cháu

Hồng Mai và Văn Thù

Ông Văn Hiến có hai người con gái: người chị tên Hồng Yến đứa em tên là Hồng Mai.

Hồng Mai khi đẻ ra đã bị sứt môi (hay hàm ếch) như trong hình.

Hồng Yến gương mặt bình thường, lấy chồng có tên là Văn Của.

Lúc vợ có bầu, Của uống vô vài xị rồi đe:

-Bà mà đẻ ra đứa con bị sứt môi thì tôi sẽ dục vô đám lục bình cho nước cuốn trôi.

Thiệt không may, vợ Của đẻ ra một thằng con trai bị sứt môi thật.

Của bỏ con vô cái thau thả xuống sông rồi đi mất tiêu. Hàng xóm bơi ghe ra vớt vào.

Ông ngoại đành rước về nuôi đặt tên là Văn Thù. Chắc ông thù thằng rể bất nhơn lắm, nên mới đặt tên cháu như vậy.

Cha mẹ thằng nhỏ bỏ mặc con cho cha là ông Văn Hiến nuôi.

Ông Văn Hiến cũng đã chết khá lâu rồi, để lại căn nhà rách nát cho hai dì cháu cùng sứt môi, nương tựa nhau mà sống.

Cô Thủy kể rằng: Lúc cô sanh thằng Khoa ở dưới miệt U Minh thì Hồng Mai sau giờ học hay đến chơi với em, mà mỗi lần thằng Khoa nhìn thấy gương mặt kỳ dị của Hồng Mai là nó khóc thét lên.

Hồng Mai thấy em sợ thì buồn, lủi thủi đi về.

Thằng Văn Thù thì bé loắt choắt nhưng lanh lợi hơn bà dì một chút.

Hôm chúng tôi đến thăm thì hắn đi làm mướn đâu đó, kiếm tiền độ nhật.

Chúng tôi sẽ liên lạc với Hội Vá Môi trên Saigon để đưa các cháu đi giải phẫu trong thời gian sớm nhất, chi phí chưa biết hết bao nhiêu đây.

Chiều thứ Hai cô giáo Thủy từ Kinh 7, đi xe ôm đội mưa vào tới U Minh, đến gặp Hồng Mai tính việc đưa tụi nhỏ đi Saigon vá môi.

Kêu là tụi nhỏ vì xưa kia nó là học trò cô, chứ tụi nó cũng gần ba bốn chục tuổi rồi.

Hồng Mai chạy về nhà tìm giấy Chứng Minh Nhân Dân thì giấy bị rách te tua và còn có một nửa, cũng may nó còn giữ được cuốn sổ "Chứng Minh Hộ Nghèo" và tờ giấy nợ mượn tiền làm căn nhà lá cách nay mấy năm, giờ đã mục nát nhàu nhòe.

Khi cầm giấy lại đưa cho cô thì nó vừa khóc vừa nói:

- Con cám ơn cô, nhưng con không đi Saigon đâu.

- Tại sao?

- Con sợ nhiều thứ lắm: sợ đi xe, từ nào giờ con toàn đi bộ trong xóm, đâu có đi xe bao giờ. Con sợ người lạ, sợ đi lạc không biết đường về. Con sợ nếu con có bề gì thì không có ai chăm sóc cho dì Năm. Con sợ....

- Trời ơi! Có cô đi theo còn sợ gì nữa.

Bà con lối xóm nghe tin Cô giáo Thủy ngày xưa bi giờ giào (giàu) dữ lắm về giúp sắp nhỏ thì bu lại đón mừng, rồi khuyến khích nó:

- Đời người mới có một lần, con ráng đi theo Cô Giáo đi.

Nó nghĩ ngợi rồi trả lời:

- Thôi để con suy nghĩ rồi sáng mơi con trả lời.

Nghe chuyện vậy nên đêm rồi tôi gọi phôn bàn với cô Thủy cấp cho nó 6 tháng gạo, mỗi tháng 500 ngàn (23usd) để nó an tâm đi theo. Không biết cô Thủy rù rì sao đó mà sáng nay nó đã đồng ý đi.

Xong việc này mới lo đi tìm thằng cháu tên Văn Thù. Nhưng cứ đến chỗ này thì người ta chỉ chỗ kia; đến chỗ kia thì người ta lại bảo: "Nó có làm việc ở đây mấy bữa trước nhưng nó lại đi chỗ khác rồi".

Loanh quanh cả buổi rồi cũng tìm được, nó đang làm cho vuông tôm ở miệt kế Cà Mau.

Văn Thù rất mừng rỡ khi nghe tin được vá môi.

(Tôi đoán điều nó mừng nhất là sau khi vá môi, sẽ đẹp trai giống bác Tưng rồi sẽ cưới được vợ)

Hỏi đến giấy tờ thì nó lắc đầu, rằng:

- Con nhớ cũng làm giấy tờ gì đó, mà lâu quá không xài nên không biết để đâu mất tiêu rồi.

Bà con xúm lại nghe chuyện rồi có lời bàn: Làm tờ đơn xin xác nhận tên tuổi, là người dân nghèo đã sống ở xóm này, rồi đưa lên ấp, xã công chứng cho.

Đơn làm xong, nhưng không tìm được Trưởng ấp.

Lại phải loanh quanh đi tìm hết nhà này đến nhà kia, lúc tìm thấy thì ổng đang say xỉn, cất giọng lè nhè:

-Khi xỉn thì "lực" (luật) là không được ký giấy tờ gì hớt.

Vậy phải chờ đến sáng mai. Đêm đó muỗi rừng U Minh đón tiếp cô Thủy rất đông đảo và hồ hởi phấn khởi.

Sáng hôm sau cô Thủy đến tìm được Trưởng ấp tại nhà, giờ thì ngài đã tỉnh táo nên kêu lên:

- Ý Trời! Cô Giáo Thủy phải hông?

- Ừ! Cô Thủy đây. Em là...

- Em là Sáu Tửng nè, hồi đó em học cô một năm mấy, rồi em mắc "cứ... dợ" (cưới vợ) nên...nghỉ luông tới giờ.

Thì ra họ là cô trò đã từng biết nhau từ mấy chục năm về trước nhưng vì hôm qua say quá, trò không nhận ra, mà cô cũng chẳng thể nhận ra trò.

Cô Thủy đưa tờ đơn kêu hắn ký dùm, hắn nói Cô phải qua bên sông kêu mấy đứa đánh máy lại, rồi làm như vầy ...như vầy...

Ngó bộ hơi khó khăn nên Cô móc túi đưa hắn 500 ngàn, nói hắn ráng giúp giùm cho mau chóng.

Mà mau thiệt, ngồi chờ... nói láp dáp chuyện đời xưa với vợ nó chừng hơn một tiếng thì hắn cầm tờ đơn về, nói cô mang lên Xã chứng. Cô nhìn là biết nó muốn gì, nên lại phải móc túi đưa thêm 500 ngàn, lát sau đem đơn về có cả Xã đã công chứng với con dấu đỏ hoét.

Than ôi, sách chép ngày xưa ông Đại Tướng Carno về thăm thầy thì chắp tay mà xá rồi nói "Thưa thầy, con là trò Carno đây". Còn bây giờ thằng Tửng nỡ ngửa tay ra mà lấy của cô một triệu bạc.

Hôm nay thì hai dì cháu: Hồng Mai và Văn Thù đã về ở tạm nhà cô Thủy bên Kinh 7, sẽ lên đường đi Saigon đêm nay để bắt đầu cuộc hành trình đổi đời.

Đây là lần đầu tiên Hồng Mai rời cái xóm trong Hóc Bà Tó. Mới có mấy tiếng đồng hồ mà nó đã nhớ thương da diết miền quê khó nghèo đó y như bỏ xứ từ lâu lắm rồi.

 

*

Hai dì cháu Hồng Mai, Văn Thù đã được khám và nhập viện. Khi khám, ông bác sĩ người Mỹ hỏi:

-Tại sao để đến bây giờ mới đi vá môi?

Hai đứa ú ớ không biết trả lời ra sao. Cô Thủy mới giải thích:

-Vì nhà nghèo, lại côi cút không ai giúp đỡ. Chúng là học trò cũ của tôi. Nhân kỳ này Kinh 5 Foundation có chương trình giúp đỡ nhóm dân nghèo ở đây, biết được vẫn còn có người sứt môi, rồi các ân nhân vừa cho thông tin, vừa yểm trợ tài chánh, chúng tôi mới có phương tiện giúp đỡ đưa các cháu từ U Minh lên đây.

Ông bác sĩ bảo:

- Tuy trễ nhưng chúng tôi cũng cố làm cho các cháu kỳ này.

Rồi quay sang Hồng Mai và Văn Thù nói:

- Các bác sĩ sẽ làm thật đẹp cho các em, để Hồng Mai có thể lấy chồng và Văn Thù sẽ cưới được vợ. Do you like it?

Hai đứa cười toe toét:

- Dạ..."sic" (thích).

 

Hai dì cháu được dự tính cho lên bàn mổ vào ngày thứ Ba tuần này. Chuyện chữa trị bây giờ phức tạp hơn những điều đã tính toán trước.

Từ hôm Chúa Nhật chúng tôi đã mướn phòng trọ cho hai cháu ở gần nơi mổ để tiện việc đi tới lui, vô ra bịnh viện.

- Cháu Hồng Mai thì không đủ sức khỏe, vì quá thiếu ký.

Trong quá khứ vì nghèo nàn, ăn uống khó khăn vì sứt môi, thức ăn chẳng có gì là bổ dưỡng, nên tuy 40 tuổi mà hiện nay Hồng Mai nặng có 32 kg thôi. Bác sĩ nói cần nó nặng 35kg mới mổ được.

Từ hôm lên đây, cô Thủy đã có bồi dưỡng cho cháu nhưng mới tăng thêm được có 1kg là 33kg. Cháu hơi bị yếu tinh thần, lại thêm lo lắng vì phải đi tới đi lui thử nghiệm chỗ này, chỗ nọ...nên không ăn cơm được, chỉ cho cháu uống sữa ensure và nước cháo. Bác sĩ nói nếu không đủ sức khỏe có thể phải chờ đến lần tới là năm 2018.

- Riêng Văn Thù đã mổ-vá xong, sau khi phải đi bịnh viện Chợ Rẫy, rồi Huyết Học khám và điều trị bịnh cao máu.

Đêm rồi không biết vì lý do gì đó, liên quan đến bịnh cao máu mà từ vết mổ máu ra rất nhiều (cả lít lận).

Hiện nay cả cô Thủy lẫn thằng Tèo Luân, con của cô phải trực thường xuyên ở trên đó, mỗi người phải phục vụ một cháu...

Bác sĩ nói: Thông thường thì chỉ mất một ngày sau khi mổ, bịnh nhân có thể rời khỏi bịnh viện. Nhưng thằng Văn Thù thì cần phải theo dõi hơi lâu.

Trước hôm đi Saigon tôi thấy Hồng Mai có 2 bộ quần áo, còn Văn Thù có 2 cái áo nhưng chỉ có một cái quần.

Thấy quá tội nghiệp, tôi nói cô Thủy mua thêm mấy bộ quần áo cho chúng, để khi vào bệnh viện còn có để thay đổi.

Có một trường hợp khác cũng bị chảy nhiều máu sau khi vá môi như Văn Thù, chắc là do lớn tuổi, huyết áp cao hay sao đó mà sau khi mổ, máu không đông lại được nên tại vết thương, khi nhiều, khi ít máu cứ rỉ ra hoài.

Trải qua một ngày một đêm lo lắng, cứ phải tiếp thêm máu, vô nước biển liên tục, khi máu chảy ra thì phải có người lau nếu nhổ ra không kịp.

Đêm qua vừa chườm nước đá vừa đút nước yến cho đỡ đói chứ không được ăn gì cả. Đáng lẽ bệnh nhân chỉ được uống nước đường mà thôi, vi đồ ăn đặc sợ nó đọng lại trên các vết mổ gây nhiễm trùng. Nhưng vì máu ra nhiều các BS sợ nó mất sức nên dành cho uống thêm nước yến.

Sáng nay bác sĩ đến khám cho nó rất sớm, nói:

-Miệng vết thương máu đã kết thành dây, nghĩa là đã đông lại được, thời kỳ nguy hiểm đã qua, nhưng vì mất máu nhiều quá nên người nó xanh lét.

Hỏi:

- Có đau đớn gì không?

Nó nói không.

Vài hôm trước khi mổ, trong khi chờ đến lượt khám hoặc thử nghiệm, Văn Thù cứ đi lang thang chỗ nọ, chỗ kia, tò mò dòm dòm ngó ngó, có khi chạy xuống lầu rồi không biết đường lên. Đến lúc cần thì tìm không thấy, làm người nhà cứ phải chạy lên, chạy xuống tìm mãi mới thấy. Rõ khổ.

Cháu Hồng Mai đã thay quần áo vào phòng mổ, nhưng khi khám lần chót trước khi mổ thì lại bị từ chối vì máu xuống thấp quá. Cháu rất nhát, cứ thấy bác sĩ đến gần là mặt mày xanh mét. Có lẽ tại quá hồi hộp, sức lại yếu nên áp huyết bị tụt xuống.

Các bác sĩ thì không dám mổ khi máu bị tụt như vậy. Họ giữ cả hai tại bịnh viện và nói sẽ cố gắng vá môi cho cả hai dịp này, vì trong vùng U Minh có hai đứa đi thì họ sẽ tìm cách làm xong cho cả hai, để khi về nhà được trọn vẹn.

Kẹt cái là chỉ còn ngày mai nữa là họ sẽ đi nơi khác rồi.

Nghe nói tới Bác sĩ nó đã sợ, bây giờ gặp Bác sĩ Mỹ nó lại càng sợ hơn, vì từng đọc trong sách học là Mỹ nó tàn ác lắm.

Đợt này Phái đoàn Y sĩ mổ cho 44 em, tất cả đã xong chỉ còn một mình Hồng Mai.

Họ khuyên nên cho cháu đi lại nhiều để bình ổn áp huyết, nên Thằng Tèo (Luân) dẫn nó đi đó đi đây, nhất là rẻo quanh siêu thị thì nó thích lắm.

Khẩu trang cứ đeo một chút nó lại cởi ra, bảo đeo khẩu trang khó thở lắm.

Người dẫn nó đi thì ngại ngùng, (vì nhan sắc nó trông chán quá) nhưng nó chẳng thấy mắc cở gì ráo. Cứ vui vẻ tung tăng như  đứa con nít vậy.

Cô Thủy cho biết những đứa khác có người nhà đi theo rất đông, ngoài cha mẹ còn có ông bà nội ngoại, các anh chị em, còn hai đứa này chỉ có hai mẹ con cô Thủy đi theo chăm sóc.

Vì đông người mà các cháu lại hở hàm ếch, bị nhốt trong phòng cả trăm người nên hơi thở của tụi nó có mùi thúi của tôm cua chết, cô cứ bị nôn ọe như người có bầu con so hoài, chịu đựng khổ sở ghê, mà phải ráng theo giúp tụi nó chứ biết sao bây giờ.

Khám tới khám lui hoài rồi cuối cùng Hồng Mai vẫn không được mổ, vì yếu sức, vì thiếu cân và vì cả sự nhút nhát của nó.

Sáng ngày 14/10/2017 các bác sĩ Ngoại Quốc coi lại lần chót rồi quyết định hẹn đến ngày 18/4/2018 sẽ trở lại mổ cho, với điều kiện phải cân nặng trên 35kg và sức khỏe tương đối khá hơn.

An ủi:

Khởi đầu cũng chỉ tính đưa Hồng Mai đi vá môi, nhưng cô Thủy nghĩ cùng là một chuyến đi, thì sao không mang theo Văn Thù.

Kiếm được nó cũng trần ai khoai củ trong cái miền U Minh mênh mông này.

Nó là thành viên dự trù, ai dè được giải phẫu, còn dì nó lại không, nên khóc quá trời.

Hôm nay vết mổ đã cầm được máu nhưng Văn Thù vẫn còn bị sốt và kêu nhức đầu. Kẹt một điều là phái đoàn Bác Sĩ giải phẫu miễn phí đã rời khỏi Saigon trong khi cháu chưa bình phục.

Chiều hôm qua chúng tôi đưa cháu lại bịnh viện Răng Hàm Mặt nhưng họ không chịu khám vì không có hồ sơ, họ yêu cầu đem cháu lại ngày Thứ Hai là ngày làm việc để mở một hồ sơ mới. Trong khi chờ đợi chúng tôi đưa cháu đi khám Bác sĩ chuyên khoa ở ngoài để xin thuốc trị đau nhức và chống sốt.

Sáng thứ Hai sẽ khám tại bịnh viện Răng Hàm Mặt một lần nữa, nếu không có gì nghiêm trọng thì sẽ đưa các cháu về nhà cô Thủy ở Kinh 7 để Bác sĩ tư điều trị vết thương cho nó, đến khi lành hẳn thì cho về lại U Minh.

Suốt 10 ngày vừa rồi hai mẹ con cô Thủy đã hết sức lo cho chúng. Cứ từ nhà trọ đưa hai đứa đến chỗ vá môi, rồi bệnh viện Chợ Rẫy, chạy qua Huyết Học rồi Răng Hàm Mặt...Đi tái khám thì cứ bịnh viện này đá qua bịnh viện kia, không biết đâu mà lần, tiền taxi cũng khẳm.

Đến bây giờ một đứa thì không được mổ, đứa kia thì được mổ nhưng không hoàn toàn bình phục cần phải chăm sóc thêm.

 

Anh Hai Thù, em Ba Hận

Sáng nay nghe cô Thủy kể thêm rằng: Bây giờ mới biết Văn Thù còn mấy đứa em gái nữa.

Không phải như tin tức từ ban đầu là ba nó, ông Văn Của bỏ đi tuyệt tích giang hồ sau khi dục thằng con sứt môi vô cái thau bự "chà bá lửa" mà quăng xuống sông Cái Lớn.

Ông ta đi đâu đó một thời gian rồi trở về nhà xưa sống với bà Hồng Yến, đẻ ra một bầy con gái mà không có đứa nào mang dị tật, nên cứ ráng đẻ hoài để được thằng con trai.

Ai dè Trời không chiều lòng người, toàn đẻ con gái và đến đứa thứ bảy, bà qua đời vì bị băng huyết.

Từ đó Văn Của càng ngày càng nghiện ngập bê tha, kệ cho lũ con sống vất vưởng. Đứa lớn cầm được cái hái thì đi cắt lúa mướn, đứa nhỏ thì đi mót lúa rơi.

Chúng nó phiêu bạt xuống miệt gần Hà Tiên, mà vùng này cách đây mấy chục năm cũng không khá gì hơn vùng U Minh.

Con Ba Hận em kế Hai Thù (nhà này đặt tên nghe dữ dội quá) kể lại lúa 'lưng lưng" là lúa háp vì chưa chín thì bị nhiễm mặn, có 17kg một giạ nên xay ra gạo nát như tấm, nấu thành ra như cháo, rồi xắt lục bình trộn vô như nồi cám heo để chị em ăn với nhau. Quá khổ.

Từ ngày ngành công nghiệp Việt Nam phát triển, chúng lần lượt theo người ta lên Bình Dương làm công nhân. Có đứa lên được 8 năm, đứa 3 năm, đứa mới nhất cũng được hơn một năm. Tiền lương cũng được 3-4 triệu một tháng tuy không khá giả lắm nhưng cũng tàm tạm sống được và hơn hẳn Văn Thù sống nhếch nhác dưới đồng ruộng U Minh.

Mấy hôm rồi chúng nó đến thăm thấy thằng anh đau đớn thì sụt sịt khóc hoài, nói cảm ơn Cô Giáo Thủy đã bỏ công sức, tiền bạc ra giúp đỡ cho anh nó. Chúng trò truyện với nhau, kỳ này mà Văn Thù hết "sức" (sứt) chúng nó sẽ tìm việc ở trên này cho anh làm.

Cô Thủy nói một điều kỳ lạ là sau khi rửa hết lớp phèn, mấy đứa này trắng trẻo ra và rất đẹp gái.

Đứa con gái lớn nhất của Ba Hận bây giờ đã 18 tuổi, tức là nó phải gọi Văn Thù là Cậu Hai, làm công cho một ông Tàu Đài Loan đã già (gần bằng chú Hồ). Thằng cha này thương nó và cưới làm vợ (bé) rồi bỏ ra hơn 3 tỉ mua một căn nhà ở thành phố cho, mỗi tháng nó còn cho 20 triệu để ...ăn xài với điều kiện không cho con vợ già của nó biết. Sướng dữ.

Không biết con nhỏ có dấm dúi cho cậu Hai đồng nào không chớ thấy mua cho cậu một bộ quần áo rất đẹp, còn mua cho bà Dì Hồng Mai ba bốn bộ đồ bộ màu sắc rực rỡ, gọi là đồ lửng, ống quần ngang đầu gối.

Nó có nói không biết ông Tàu kia còn cưng chìu và cho tiền được bao lâu, hay sẽ có "sự cố" gì xảy ra, nên ráng dành dụm mua một miếng đất xây nhà, chớ không dám tiêu xài hoang phí như những gái bao khác. Nó rất sợ những ngày cơ cực khi còn ở U Minh và Hà Tiên. Đây cũng giống như bán mình mua lấy sự sống cho gia đình, coi vậy còn khá hơn là đi làm dâu xứ người.

Bao nhiêu năm không trở lại chốn xưa, nhưng thỉnh thoảng cũng có liên lạc với bà con cũ, tụi nó nghe nói có một cô "giào dử lắm" đem 2 dì cháu lên SG giải phẫu nên xin số điện thoại của cô Thuỷ mà đến thăm, không ngờ cô chỉ là 1 cô giáo đã về hưu, cũng không khá giả gì.

Hôm trước khi đi, vì Hồng Mai dở chứng không chịu đi Saigon, cô Thủy mới nói:

-Con đi với cô, vá môi rồi sẽ đẹp lắm. Cô hứa mua cho mấy bộ quần áo đẹp, mua "dây chiền" cho nữa.

Bây giờ việc giải phẫu không thành, cô thấy nó buồn quá cứ khóc hoài, bèn dẫn đi mua cho sợi dây chuyền mỏng dính với một đôi bông tai.

Trời Sài gòn mùa này còn nóng lắm, mà đi đâu nó cũng mặc áo khoác, vì sợ người ta giựt mất "sợ dây chiền".

Rồi mai đây, về làng xưa ở dưới U Minh, không ai còn dám khi dể nó là không có chút vàng dính cổ nữa.

Ai cũng đoán sau khi vết mổ đã lành, thằng Văn Thù sẽ trở nên rất đẹp trai.

Cô Thủy dự tính về tới Kiên Giang, sẽ dẫn nó đi làm giấy tờ, bỏ luôn cái dấu huyền để nó thành ông Nguyễn Văn Thu, rồi đi làm trên Saigon, cưới vợ sinh con... sống cuộc đời hạnh phúc, vì má nó từng kể cho mấy đứa em nó nghe rằng nó đẻ bọc điều, sao số phận lại hẩm hiu làm vậy. Mong cho hai anh em không còn tên là Thù là Hận nữa thì mới khá nổi.

Với một số tiền không lớn lắm, hội Bác ái Kinh 5 tại Mỹ và Úc đã làm thay đổi số phận của ít nhất là một con người trong vùng xa tít tắp ở cuối nước Việt Nam.

Chuyện về rừng U Minh đến đây chưa hết, mong rằng sẽ có cái kết có hậu. Mong thay.

Hồ Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
02/08/202313:51:10
Khách
Goi Ng. thanh Tri : Bac Ky Dieu = Bac Ky Deu (deu = deu gia = noi lao
Trung ky trai danh da ,gai da dam : Where you're born Ng. ,you must come from a stone .
26/12/201720:47:37
Khách
Nếu là người Ngoại Quốc thì họ sẽ gọi mấy anh MÍT( Vietnamese) nầy thật là lu bu . Đã là Người Việt có tiếng là Bắc Kỳ Điểu, Trung Kỳ trai đanh đá, gái đa dâm, Nam Kỳ bù nhìn vậy mà còn lo sợ đủ thứ . Nếu người ở hải ngoại về giúp người nghèo trong nước thì mấy anh VC nghi là tụi nó về kết bè kết đảng , xúi dục dân làm phản chứ có thiện nguyện gì. Còn mấy anh CH lưu vong thì cho là người thiện nguyện đi làm kinh tài cho VC thôi rồi chụp mũ vậy thôi chứ có giúp được gì cho dân chúng đâu vậy mà dám tự sưng mình con rồng cháu tiên dở như hạch.
26/12/201716:35:27
Khách
Cảm ơn chị Thuỷ và anh chị Hồ Vân đã đại diện người K5 giúp đỡ chia sẻ với anh em khó nghèo. Bài tường trình buồn mà vui.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,453,898
Tác giả cho biết, “Trước năm 1975, tôi là giáo sư dạy tại trường trung học Lương văn Can , quận 8, Sài gòn.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo.
Cùng với bài “Mười Lăm Năm ở Mỹ” đã phổ biến hôm qua, tác giả Minh Nguyệt Graves còn gửi thêm bài sau đây, cho biết bài được viết bởi ông chồng Carl Graves, một người Mỹ làm công chức tại Texas.
Tác giả qua Mỹ cùng với 2 con, theo diện đoàn tụ do cha bảo lãnh, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài “Chuyện Ông Mỹ có vợ Việt”, đã phổ biến 2 tuần trước.
Việt Báo thành kính tưởng nhớ Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, một tác giả huynh trưởng từng góp bài Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh ngày 30-6-1930 tại làng Hoành Nha, Giao Thủy, Nam Định, vừa từ trần tại San Jose,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả có tên trong Danh Sách Chuing Kết Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện là cư dân Minneapolis, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến