Hôm nay,  

Một Chuyện Tình Facebook

01/12/201700:00:00(Xem: 15990)
Tác giả: Bồ Tùng Ma

Bài số 5280-19-31126-vb6120117

 
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, ông đã nhận giải bán kết 2001, từ 9 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới.

 
***
 

Hơn nửa năm nay lần nào qua nhà Thái  tôi cũng thấy anh ngồi trước laptop, khi đăm chiêu, khi mỉm cười, khi buồn bã… Lần mới đây nhất vô tình tôi nhìn tấm gương phía sau lưng Thái, thấy  hiện ra một khuôn mặt phụ nữ trẻ. Chuyện này cũng bình thường thôi, vậy mà khi về nhà tôi cứ suy nghĩ mông lung. Tại sao một người đứng tuổi như Thái, đã có gia đình, cũng không phải người lăng nhăng, mà lại như một cậu học sinh trung học.  Vậy rồi một hôm cuối năm, tôi đến nhà Thái, mới được anh kể cho nghe câu chuyện tình Facebook của mình.

*

Tôi thường dùng cái laptop để xem báo, xem phim hay vào các tài khoản ngân hàng, chớ không làm gì khác hơn.  Nhưng từ ngày vợ tôi gây gổ với tôi về những chuyện không đâu, tôi lại thích dùng laptop cho một việc khác.  Đó là vào các trang Facebook của phái nữ để giải khuây. Một hôm tôi  chú ý đến một cô trong nhiều cô “coi được”.  Đó là Lệ.  Một trong những cái khiến tôi chú ý đến cô này là cái tên của cô rất đơn giản, không phải tên kép như Lệ Quyên, Lệ Thanh... Tôi nghĩ chắc tánh tình cô ấy cũng đơn giản, chớ không rắc rối như vợ tôi.

 
Lệ trả lời yêu cầu kết bạn của tôi như sau:

-Anh ở Sài Gòn hả? Em ở Huế. Cái hình trong Facebook không phải em mô.  Em xấu và già hơn nhiều. Em cũng chỉ mới học hết lớp 9.

Tôi trả lời:

-OK, không sao. Cho hỏi, em mấy tuổi, đang làm gì?

-Em đã 38, thợ may, ly dị, một con.

Tôi hỏi Lệ có muốn chúng tôi liên lạc qua video không? Cô trả lời:

-Anh cho em sửa soạn 15 phút.

-OK!-Tôi trả lời-Nhưng anh không ở Sài Gòn, mà ở Mỹ.

-Ủa!-Lệ nói một tiếng gọn lỏn.

Tự nhiên tôi đâm ra tội nghiệp Lệ. Mình chỉ đùa một chút vì bất bình vợ mà cô ấy tưởng như mình…

Nhưng rồi chỉ mới trông thấy hình cô ta, thật lạ lùng, tôi cảm thấy như cái lần đầu tiên tôi biết yêu. Đó là một thiếu phụ không đẹp, không xấu, nhưng cái vẻ trung thực, lôi cuốn biểu hiện rất rõ ràng trong đôi mắt, ở sống mũi, nơi vành tai, nơi khóe miệng, nơi cách nói bộc trực. Tôi biết tôi sẽ đau khổ hay hạnh phúc vì người  này. Tôi biết đây không phải chuyện đùa. Bỗng nhiên tôi sợ hãi. Tôi đã có gia đình, một người vợ, một đứa con. Tôi nói với Lệ:

-Thôi, anh sẽ liên lạc lại với em sau nghe!

Khi sắp tắt máy tôi nghe có tiếng thở dài. Suốt ngày hôm đó tiếng thở dài của Lệ cứ ám ảnh tôi. Hôm sau đi làm về tôi liên lạc với Lệ.

-Anh nói thiệt với em, anh chưa… có ý định gì với em cả. Sao em cứ tưởng như…như…anh cầu hôn em vậy.

Tôi đợi một lát, rồi có tiếng nói rất nhỏ nhẹ:

-Em…em…

Tôi đợi câu trả lời, thí dụ như: “Em cũng chỉ muốn đùa với anh thôi” hay lịch sự hơn “Chỉ là bạn thôi mà, rồi cái chi đến sẽ đến” hay “Vậy mà em cứ tưởng anh muốn…”

Nhưng Lệ lại nói:

-Em…không hiểu.

-Thôi được…Không sao.

-Dạ.

Tôi cười:

-Sao em không… la anh.

-Sao lại la?

Để xoa dịu bớt không khí có thể đang căng thẳng, tôi nói:

-Anh thấy em đẹp và dễ thương hơn người trong hình rất nhiều.

-Em cũng thấy rứa.

-Thấy ai?

-Anh chớ ai nữa.

Vậy là từ đó chúng tôi quen nhau.  Buổi sáng thức dậy trước khi đi làm, khoảng  9 giờ tối bên Việt Nam; hay lúc về nhà, khoảng 7 giờ sáng bên đó, tôi đều dùng Facebook nói chuyện với Lệ.  Chúng tôi nhìn thấy nhau qua màn hình mà như đang ở bên nhau. Vợ tôi đi làm 6  ngày một tuần, lại chẳng bao giờ đụng đến cái laptop nên tôi rất an tâm liên lạc với Lệ.

Một hôm tôi nói với Lệ:

-Anh sắp về thăm em.

Tôi chỉ nói bừa vậy thôi, chứ không chắc có đi được không.  Tôi mới xin được một chỗ làm tương đối tốt, không lẽ lại xin nghỉ phép.

-Khi mô?-Lệ hỏi và tôi trả lời:

-Khoảng tháng 11 Tây.

-Chừng tháng 1 sang năm anh về được không?

-Được-Tôi trả lời, không khỏi thắc mắc tại sao Lệ lại muốn tôi về trễ. Biết đâu cô ta hẹn với ai ở xa về.

-Sao em muốn anh về trễ? -Tôi hỏi,

-Anh về lúc đó nhằm mùa mưa, bão, lụt, khó chịu lắm, không đi đâu được, chỉ nằm ở nhà.

Tôi cười nói:

-Anh cũng chỉ muốn vậy thôi, nằm ở nhà với em…

-Không mưa bão lụt thì…thì…nằm ở nhà… cũng được chớ sao.

Trong thời gian này tôi và vợ tôi gây nhau thường xuyên. Lúc nào bà ấy cũng khai chiến trước:

-Sao cái đáy nồi cháy đen vậy?

Tôi muốn tránh gây nhau nên định đổ lỗi cho cậu con trai. Vợ tôi thương con, có phần nể nó nữa, không bao giờ nặng lời với nó. Tôi định vậy nhưng rồi nói:

-Cháy chút xíu, ăn thua gì!

-Cháy vậy mà chút xíu. Chuyện như vậy mà làm cũng không được, huống gì…

Tôi nổi cáu, nói lớn:

-Huống cái gì?

-Huống gì…thì biết chớ! Đã nói nhiều lần, cái son có rảnh sâu gần miệng chỉ để nấu canh, cái son không có rảnh mới để chiên.

-Ai mà để ý đến cái rảnh.

-Bởi vậy…

May mà lúc đó vợ tôi đã đi ra nhà sau; nếu không đã có chuyện lớn.

Từ ngày vợ tôi làm ra tiền bà ấy có vẻ xem thường tôi, không nhỏ nhẹ, dịu dàng với tôi như xưa, đến nỗi “chuyện đó” cũng rất miễn cưỡng. Thằng con trai chúng tôi năm nay vừa đúng 18 tuổi, rất tinh ý. Có lẽ nó đọc sách hay nghe ai nói mà có lần hỏi tôi:

-Con thấy ba với mẹ không được …bình thường.

-Về cái gì?

-Tại sao hai cái giường ngủ của ba với mẹ cách xa như vậy. Trông… chướng mắt.

-Vợ chồng già mà-Tôi cười nói.

Một hôm tôi đi làm về, vào phòng ngủ, thấy 2 cái giường được kéo lại sát nhau. Vợ tôi ngạc nhiên, định hỏi tôi, nhưng biết tôi không bao giờ…dám làm vậy, nên hỏi cậu con. Nó cười. Một tuần sau hai cái giường lại bị kéo ra xa. Vợ tôi nói bà ấy khó ngủ, không chịu được tiếng ngáy của tôi. Tôi nói:

-Tôi có bao giờ ngáy đâu. Không tin gọi điện thoại hỏi Mẹ đi. Hỏi Ba nữa.

-Ông không ngáy, tôi không ngáy, thì ai ngáy?

Một tối cậu con trai rình nghe và quả quyết mẹ nó ngáy. Không ai nghe được tiếng ngáy của mình cả. Bà ấy cũng vậy. Cậu con bực mình gây nhau với mẹ nó. Không biết mẹ nó nói gì mà nó gặp tôi nói:

-Mẹ có vẻ xem thường ba nên…

Tôi lớn tiếng:

-Phải, phải, nhưng không sao. Con đừng xía vào chuyện người lớn.

Tôi quyết định về Việt Nam gặp Lệ nhưng không biết nên xin phép nghỉ như thế nào thì công ty tôi làm việc bị phá sản và tôi lay-off.  Dù sao tôi cũng không biết nên nói với vợ thế nào để đi.

Nhưng rồi dịp đó cũng đến. Một hôm vợ tôi đi làm về, mặt mày nhăn nhó:

-Nhà gì mà hôi như chuồng heo. Cả năm nay chắc không hút bụi.

Tôi im lặng không nói gì, thầm mong cho bà ấy nặng lời thêm nữa, để tôi “an tâm” ra đi, chớ nói vậy thì quá nhẹ. Quả nhiên bà ấy hét lên:

-Ông cứ chúi mỏ vào cái laptop đi, để tôi làm hết mọi việc cho.

Bà ấy nói xong, chụp cái máy hút bụi, rồi lại vất xuống. Tôi nói:

-Chúi mỏ là sao? Tại sao lại…mỏ.

-Ừ, mỏ chớ không phải mũi…

-Đừng có nhiều chuyện!

Tôi nói xong chụp cái máy hút bụi, vất về phía vợ tôi, suýt trúng chân bà ấy. Bà ấy chụp cái máy hút bụi vất lại phía tôi. Tôi vất nó lại phía bà.  Lần này nó trúng ngay chân bà . Vợ tôi hét lên rồi đi vào phòng.

Trong “cuộc chiến” này tôi là kẻ thắng nhưng vẫn còn tức:

-Bà làm hết mọi việc đi. Tôi đi.

-Đi cho khuất mắt!

Tôi không nói không rằng, lái xe đến một dịch vụ du lịch mua vé máy bay về Việt Nam.

Tôi gọi điện thoại báo tin cho Lệ biết:

-Tuần sau, đúng 12 giờ anh có mặt tại Tân Sơn Nhất rồi bay ra Huế luôn. Chiều gặp em. Em cần mua gì, nói gấp.

-Thiệt hả anh?

-Sao lại không thiệt.

-Em cần mua gì hè? À, à…Anh mua cho em vài cái áo đầm, cũ cũng được.

-Vài cái áo đầm, mà lại cũ.  Em muốn mua gì thêm không?

-Nếu còn dư chỗ, anh cứ mua thêm vài áo đầm cũ cho em, cỡ nhỏ nhất. Khỏi cần mua chi thêm.

Lệ nói vậy nhưng tôi vẫn mua cho cô ấy một số quà khác như nước hoa, mỹ phẩm, chocolate, dầu xanh…, ngoài 10 cái áo đầm cũ mua tại Crossroads Trading Co, một tiệm bán đồ cũ cao cấp.

Tôi đến Huế nhằm lúc có mưa lớn.  Theo đề nghị của Lệ, tôi không thuê khách sạn, mà đến ở phòng trọ của Lệ đang thuê.  Tôi kéo cái va li kềnh càng vào phòng trọ, ngỡ ngàng thấy nó tuy sạch sẽ nhưng quá nhỏ. Đặc biệt bốn bức tường đều sơn màu tím, trong phòng có hai cái kệ thì mỗi kệ đều để một lọ hoa hồng tím.  Tôi định nói: “Sao cả căn phòng tím ngắt vậy” nhưng rồi tôi nói:

-Em thích màu tím hả?

-Dạ.  Em rất thích hoa hồng tím.

-Đó là hoa của tình yêu, đam mê, nhưng buồn.

Đêm hôm đó chúng tôi xem nhau như vợ chồng. Cậu con trai 4 tuổi ngủ một mạch từ 9 giờ tối đến sáng, không hề biết mẹ nó và tôi  làm gì. Chúng tôi có dịp tâm sự với nhau về những nỗi niềm thầm kín nhất. Lệ cho biết chồng Lệ là một gã vũ phu, cờ bạc, say sưa. Anh ta bán hết nhà cửa đi lông bông, nhưng Lệ vì đứa con vẫn theo anh ta  cho đến khi anh ta có vợ khác.


 

Sống chung với Lệ một tuần tôi nhận thấy Lệ tuy học hành không đến nơi đến chốn, nghề nghiệp tầm thường, hình dung trung bình, nhưng tánh cách cô ấy không chê vào đâu được. Tôi nhận biết tính cách này của Lệ qua việc đối xử với mọi người và đối với tôi. Lệ chẳng hề yêu cầu nơi tôi một điều gì cả. Hằng ngày tôi lấy xe gắn máy của Lệ đưa cô đi làm, đưa cậu con đến trường, rồi lái xe dạo khắp thành phố Huế. Chiều tôi đón Lệ và cậu con trai về. Khi từ biệt Lệ về Mỹ tôi đưa cho cô 1000 đô:

-Anh chỉ biếu em 600 đô thôi, còn 400 đô là… tiền thuê phòng trọ. Nếu anh ở khách sạn, ít nhất cũng 300, 000 đồng một ngày…

Tôi đợi một câu trả lời khách sáo của Lệ nhưng chỉ nghe một tiếng “Dạ”.

Tôi nhìn Lệ thấy cô có vẻ bối rối. Lát sau cô nói:

-Em cám ơn anh. Nói thiệt em chỉ cần 500 đô để trả hết nợ mua xe trả góp. Anh cho em như rứa là quá nhiều

Tôi nói:

-Bộ em muốn trả lại anh một nửa hả? Anh không nhận đâu.

-Không, em không trả. -Lệ cười nói.

-Anh quên hỏi em, em may gì, may theo lối dây chuyền, nghĩa là mỗi người may mỗi thứ, thí dụ người thì may túi, người thì may thân áo, người thì may cổ áo, người thì ráp các bộ phận đó vào thành cái áo.

Lệ ngắt lời tôi:

-Không, em chuyên may áo kimono Nhật, trung bình mỗi tháng kiếm được hơn 6 triệu. Thợ may như anh nói trung bình chỉ kiếm được hơn 4 triệu.

-Em giỏi vậy mà anh đâu có biết.

-Giỏi nhưng cũng phải mua xe trả góp. Em sẽ không xin anh bất cứ cái gì nữa đâu.  Chỉ xin anh… yêu em, chúng ta thành vợ thành chồng để em được qua Mỹ. Em muốn con em có tương lai.

-Anh đã nói với em rồi mà, anh chưa…có ý định gì với em cả.

Tôi đợi một câu bất bình từ miệng Lệ thốt ra, nhưng cô chỉ nói một câu:

-Rứa hả? Em quên. Không sao.

Cô nói và đến ôm tôi.

Gần Lệ tôi nhận thấy một ưu điểm nữa nơi cô. Lệ rất thành thật, muốn gì yêu cầu đó, yêu cầu không được thì thôi, vẫn nhỏ nhẹ, dịu dàng, không bất bình, giận hờn.

 

Tôi mang hành lý ra xe, vào Đà Nẵng, định ở lại đây ba ngày để thăm bạn bè rồi lên máy bay về Mỹ theo đúng lịch trình nhưng khi ở khách sạn kiểm soát lại giấy tờ tôi thấy 500 đô ở trong hộ chiếu, đồng thời tôi cũng đọc được nhắn tin của Lệ trong Facebook: “Em biết anh vừa bị cho thôi việc. Em trả lại anh 500 đô. Em nghèo nhưng cặm cụi làm lụng cũng không đến nỗi nào. Em chúc anh lên đường bình an. Nếu anh còn nhớ đến em thì…”

Tôi không chần chờ gì nữa, đổi vé ở lại thêm nửa tháng. Lệ gởi con cho bà ngoại và vào ở với tôi. Sau đó tôi quyết định về Mỹ ly dị vợ và sẽ kết hôn với Lệ, đem cô ấy cùng đứa con qua Mỹ.  Dù đã quyết định như vậy nhưng tôi chỉ nói với Lệ:

-Em cố gắng đợi…

-Đợi gì, đợi ai? -Lệ hỏi

-Đợi anh chứ đợi ai. Anh sẽ trở lại gặp em sớm. Cùng lắm về già anh về Việt Nam ở với em. Thỉnh thoảng chúng ta cùng đi du lịch đây đó.

Tôi nói rất thật lòng. Tôi định sau này sẽ về sống với Lệ cho đến cuối đời. Tôi nhớ đến một câu nói đọc ở đâu đó “Một ngày nào đó sẽ có người bước vào cuộc đời bạn và để bạn nhận ra tại sao tình yêu không đến với bất kỳ ai”

-Em thích lắm. Dĩ nhiên em đợi anh. -Lệ nói.

Lệ sửa soạn hành lý cho tôi rất chu đáo. Mượn cả cái cân của khách sạn để cân xem hành lý dư thiếu thế nào.

Tôi về Mỹ đến văn phòng luật sư quen thân, anh Nhân cùng học Trung học Chu Văn An với tôi trước đây. Tôi kể mọi việc cho Nhân nghe. Anh ta cười nói:

-Hơi hấp tấp. Tôi thấy chuyện bất hòa giữa anh chị cũng không có gì trầm trọng lắm.

Tôi bực mình:

-Anh gặp một người vợ như vậy anh chịu được không?

Nhân cười:

-Vợ anh chưa gọi cảnh sát tới còng anh đi là may. Chị ấy chỉ chạy vào phòng…trốn.

-Tới nhờ anh, tưởng anh nói sao…

-Thì có sao tôi nói vậy.

Tôi về nhà, vào cửa gặp ngay cậu con trai. Trong việc dự tính ly hôn tôi gần như quên mất nó. Nó mà biết tôi có ý định ly hôn mẹ nó chắc nó không tha cho tôi. Buổi chiều vợ tôi về nhà, tôi và bà ấy chạm mặt nhau khi cả hai cùng vào phòng. Bà ấy cứ như là không thấy tôi, cặp má phụng phịu như đứa con gái chúng tôi đã mất ở Việt Nam vì sốt xuất huyết.  Sau đó vợ tôi ít kiếm chuyện với tôi hơn. Phải chăng đó là nhờ cái máy hút bụi?

Tôi bỏ hẳn ý định ly hôn nhưng vẫn không quên được hình bóng Lệ với tánh cách vô cùng dễ thương và dễ chịu của cô ấy. Chúng tôi vẫn thường liên lạc với nhau qua Facebook. Có lần vợ tôi đi làm về sớm bắt gặp tôi đang liên lạc với Lệ qua video chat, vợ tôi hỏi:

-Cô nào mà ăn mặc hở hang như đi tắm biển vậy.

-Người mẫu-Tôi cười nói.

Vợ tôi yên lặng bỏ đi.

Tôi bị dằn vặt giữa tình nghĩa vợ chồng và tình yêu. Cuối cùng tôi không biết cách nào hơn là chọn một giải pháp tạm gọi là tình thương. Tôi muốn nói tôi sẽ đưa Lệ và con cô ấy qua Mỹ bằng cách giới thiệu cho cô kết hôn với người khác, để cô và con thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, cay nghiệt hiện nay tại Việt Nam.

Tôi có hai người bạn thân, một người ở cạnh nhà tôi, một người ở Orlando, Florida. Cả hai đều nhờ tôi giới thiệu cho họ một người vợ với điều kiện rất dễ dàng đối với tôi: Miễn tôi thấy được là được; người đó là bà con thân thuộc với tôi càng tốt. Tôi suy nghĩ nguyên một tuần rồi nói việc này với Lệ. Cô tấm tức khóc “trong cái laptop”:

-Anh…với em…được …chính thức với nhau thì không chi bằng, nếu không thỉnh thoảng anh về với em cũng được.

Tôi bàn một hồi với Lệ rồi kết luận:

-Thôi được, nhưng anh không về thường xuyên được đâu, em…chịu được không?

-Sao lại không được.  Vậy ra anh ít hiểu về phụ nữ. Em xa chồng 2 năm mới…có anh.

Tôi nói:

-Anh với em như vậy thì làm sao em…có chồng…thật, để đở đần cho em.

-Khỏi! Phụ nữ có tình cảnh như em ở đây không ít đâu,

Tôi ngập ngừng nói:

-OK, anh sẽ không giúp gì nhiều cho em đâu...

-Không cần-Lệ ngắt lời tôi.

Tôi gần như quên mất việc giới thiệu Lệ cho hai anh bạn.  Họ hỏi, tôi nói tìm chưa ra.  Nhưng rồi một hôm tôi thuyết phục Lệ nên kết hôn để qua Mỹ. Lệ nói:

-Em cũng không muốn phá rối hạnh phúc gia đình của anh nữa đâu. Nhưng mà…nếu em kết hôn thì chúng ta không thể…nữa. Xem như anh em thôi.

-Đành phải vậy. Đó là ý định của anh mà.

Tôi không chần chờ, cho người bạn ở xa, anh Thôi, biết về Lệ. Tôi không chọn người bạn ở gần vì nếu ở gần chắc là tôi và Lệ khó giữ gìn... Tôi nói Lệ là em bà con với tôi, ly dị chồng, có một con. Anh Thôi bằng lòng ngay và bảo tôi cho địa chỉ Facebook với số điện thoại của Lệ. Mấy ngày sau anh gọi cho tôi:

-Cám ơn anh lắm. Thật là tuyệt! 15 ngày nữa tôi về Việt Nam.

Tôi nghe Thôi nói mà nhói cả con tim. Tôi gọi điện thoại cho Lệ, định bảo Lệ từ chối nhưng rồi thôi, tôi chỉ hỏi :

-Bạn anh liên lạc với em chưa?

Lệ chỉ nói một tiếng gọn lỏn:

-Chưa.

Tôi định hỏi nữa nhưng cô đã cúp máy.

Tôi vào Facebook liên lạc lại với Lệ nhưng cô ấy đã “unfriend” (hủy kết bạn) với tôi. Không những hủy kết bạn mà Lệ còn “blocking” (chặn) Facebook của tôi, không để tôi liên lạc với cô bằng bất cứ phương tiện gì. Ngay cả số điện thoại Lệ cũng đổi. Tôi nhờ người quen đến chỗ Lệ thuê nhà nhưng Lệ đã không còn ở đó nữa. Cuối cùng tôi định gọi cho Thôi nhưng rồi tôi đổi ý. Sau tôi lại đổi ý lần nữa. Tôi gọi điện thoại cho Thôi thì số điện thoại của anh cũng đã đổi. “Thôi, như vậy cũng tốt!” Tôi nói mà hai hàng nước mắt chảy dài xuống má, xuống tận cằm. Đã lâu rồi, không biết bao năm, tôi đã khóc.

Một năm rồi hai năm qua. Một hôm đi làm về tôi bỗng nhận được điện thoại của Thôi:

-Anh khỏe không?

-Tôi khỏe.

Tôi ngập ngừng một lát rồi nói:

-…Anh…chị cũng thường chứ!

-Không, anh ơi! Sau khi cậu con trai chết vì tai nạn xe cộ, vợ tôi suốt ngày như người dở hơi, cuối cùng bà ấy nằng nặc yêu cầu tôi để bà ấy về Việt Nam sống cho khuây khỏa.

-Tại sao anh không gọi cho tôi, lại đổi số điện thoại nữa?-Tôi gắt lên.

-Bà ấy yêu cầu vậy, biết làm sao.

-Trước đó Lệ có triệu chứng…dở hơi không?

-Ngay cả khi cậu con chưa mất, bà ấy đã có triệu chứng…

-Triệu chứng gì?

-Lâu lâu trong lúc ngủ mê bà ấy cứ lảm nhảm: “Cùng lắm về già anh về Việt Nam ở với em. Thỉnh thoảng chúng ta cùng đi du lịch đây đó”

Nghe Thôi nói xong, mặc cho vẻ ngạc nhiên của anh, tôi vội vàng từ biệt anh. Tôi trở về nhà lấy cớ vu vơ xin nghỉ khẩn cấp. Rất may giám đốc công ty cũng cần tôi về Việt Nam để liên lạc về bất động sản, ông ta chấp thuận ngay.

Ở Việt Nam tôi để nguyên cả một tuần dò hỏi tung tích Lệ nhưng không ai biết chính cô ấy ở đâu. Cho đến nay đã 4 năm qua tôi vẫn bặt tin Lệ. Tôi nghĩ  không lẽ cô ấy chỉ  ở trong tim mình, chứ không thể cùng mình đi hết cuộc đời ngắn ngủi này. Và tôi vẫn tiếp tục tìm cô.

 

*

Đây là lần đầu tiên tôi nghe những lời thương cảm ngậm ngùi từ miệng Thái thốt ra. Bất giác tôi cũng không tránh khỏi một nỗi cảm xúc như chính tôi là người trong cuộc. Tôi yên lặng một hồi lâu, rồi đứng dậy ra về.

Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
08/11/201803:42:23
Khách
vài người đổ lỗi cho bà vợ ông Thái quá quắt , coi thường chồng , kiếm chuyện với chồng rồi không cho chồng ngủ chung .....vv..vv ....cho nên ông Thái mới gặp người đàn bà khác ăn nói mềm mõng hơn , không đòi hỏi gì về vật chất ....bla ...bla ...bla
Ông Thái có thễ nói thẳng voi bà vợ và ly dị , rồi muốn cặp với ai thì mặc xác ông ta , nhưng vì ông ta cứ biện hộ vì đứa con trai , ( thà ông ly dị chứ ông đang ở với mẹ nó mà nó biết ông còn ngoại tình thì nó còn khinh đến cỡ nào ) rồi thế này thế kia , nên nhớ trong câu chuyện này mọi người chĩ đang nghe 1 chiều là ông Thái kễ lại thôi, chưa biết chắc vợ ông Thái có tệ như ông ta kễ không nữa , có nguoi còn nói ông Thái không phãi là thánh nhân ..... vậy biết bao nhiêu nguoi đàn ông lẫn đàn bà gặp trường hợp như vậy đều đi ngoại tình hết à rồi đổ lỗi cho vợ hay chồng đối xử tệ bạc , coi thường nhau ..... cứ lấy lý do đó rồi tha hồ lên FB kết bạn rồi từ đó cho tới ngoại tình trong gang tấc .....biện hộ
23/01/201806:54:05
Khách
Đã là truyện ngắn thì phịa hay không cũng không thành vấn đề. Còn có những nội dung mình phải hiểu ngầm, không cần tác giả cắt nghĩa lôi thôi, mất hay. Còn bà vợ, bà ta đâu có thiết tha gì đến chồng mình mà ghen, không cho chồng về VN.
23/01/201806:25:00
Khách
Chỉ một việc bà vợ KHÔNG CHỊU CHO CHỒNG NGỦ CHUNG cũng đủ đem bà ra tòa xin ly hôn. Ông chồng trong truyện này còn nặng tình gia đình, còn thương con...
23/01/201805:50:03
Khách
Phần nhiều ý kiến/phê bình do cảm tính, không do lý tính. Nói rõ hơn do chủ quan, không khách quan. Có một vị hình như không biết thế nào là hay hoặc không. Theo tôi, bà vợ thuộc loại quá quắt, xem thường chồng; ông chồng khó tránh khỏi chuyện ngoại tình. Ông chồng không phải là Thánh nhân...Bà vợ chắc chưa tìm được người ưng ý. Khi tìm được bà ấy không ngại ngùng gì mà không bỏ chồng. Nội dung câu truyện gần giống như hoàn cảnh anh tôi.
27/12/201706:20:39
Khách
Tình tiết trong câu chuyện khá hay dĩ nhiên trong cuộc đời thật đôi khi may mắn ta bắt gặp được giai nhân hay tri kỷ mà nếu đã hợp tính hợp tình thì điều gì cũng có thể xảy ra. Anh Thái trong câu chuyện này cũng chỉ là một người đàn ông bình thường, không xuất sắc trong việc kiếm tiền nên bị vợ khi dễ, không tôn trọng thậm chí đôi khi sỉ nhục nên dễ mềm lòng khi có một bóng hồng khác nhỏ nhẹ, hiền lành lại không tham lam tiền bạc, quá cáp... lấy gì anh ta chẳng tưởng nhớ. Tiếc cho nhân vật nữ tên Lệ, người xứ Huế cuộc đời sao quá truân chuyên: có một đời chồng không hạnh phúc đến khi gặp Thái mà tay này tuy yêu thương, quý trọng... mà không quả quyết dẫn đến kết cục tội nghiệp cho người đàn bà bất hạnh!
Cám ơn tác giả, mong bài viết sau.
08/12/201701:39:41
Khách
còn người vợ trong câu chuyện này thì sao ? tôi thấy người chồng vô trách nhiệm , vợ chồng bất đồng quan điễm gây gổ nhau sao ông chồng không cùng vợ ngồi lại mà giãi quyết ,tại sao lại cố tình muốn to chuyện đễ có cớ đi bõ đi ngoại tình với người đàn bà khác , không có đạo đức cõn đỗ lổi cho vợ khó chịu hay cằn nhằn kiếm chuyện ......... vợ ông có những cái xấu như ông nói nhưng cũng chưa ngoại tình trắng trợn như ông
07/12/201705:17:40
Khách
Chuyen Khong dung su that
Nguoi vo Kiem chuyen cai va
San lai de Chong di vn mot minh? Vo ly
Vo Chong sao khg biet Chong ngoai tinh?
Nguoi dan ong vo trach nhiem Trong cuoc song Gia Dinh
Cau chuyen mot Gia Dinh khg co’ dao duc
Du dan Nhu nguoi vo Sao khg biet Chong Ngoai tinh?
04/12/201719:09:57
Khách
Đề nghị tựa đề bài này nên đổi lại là "Sở Khanh và Mã Giám Sinh thời Facebook" thì chính xác hơn. Xin đừng lạm dụng chử nghĩa, gọi la "chuyện tình" vì chẳng có chút "tình " gì trong chuyện này cã. Ngày xưa Thúy Kiều long đong vì chuộc cha. Ngày nay, Thúy Kiều mang nhục vì con. Sở Khanh và Thúc Sinh thì tiếc là vẫn đầy dẫy.
04/12/201716:28:06
Khách
Chuyện ngắn nào cũng có ít nhiều hư cấu nhưng được cảm nhận như thật mới chạm được trái tim đọc giả. Đó mới là chuyện hay. Tác giả chẳng những làm được điều nầy mà còn khơi được cảm xúc mạnh cho đọc giả, càng thương cho cô gái Huế chân thành, càng giận người đàn ông đểu cáng. Theo thiển ý của tôi, tôi đánh giá rất cao sự thành công của tác giả trong bài nầy.
04/12/201716:22:14
Khách
Chuyện ngắn nào cũng có ít nhiều hư cấu nhưng được cảm nhận như thật mới chạm được trái tim đọc giả. Đó mới là chuyện hay. Tác giả chẳng những làm được điều nầy mà còn khơi được cảm xúc mạnh cho đọc giả, càng thương cô gái Huế chân thành, càng giận người đàn ông đểu cáng. Theo thiển ý của tôi, tôi đánh giá rất cao sự thành công của tác giả trong bài nầy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,850,184
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới của là một tự sự gợi nhớ nhiều kỷ niệm.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Vừa nhận thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Sau đây là bài mới của tác giả, vẫn với cách viết cẩn trọng, chu đáo, sống động.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới của tác giả kể về cuộc họp mặt của các cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh và chuyến đi 5 ngày trên du thuyền Carnival Inspiration.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. Với mỏ vàng trên sông Yuba, Marryville khởi thủy từng là thành phố của dân đào vàng. Thời nay, du khách và cư dân tại Marryville vẫn lai rai lượm được vàng cục, có du khách lượn cả cục kim cương trị giá nửa triệu mỹ kim. Đó là chuyện có thật, đề tài của tác giả trong bài viết mùa Lễ Tạ Ơn năm nay.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức Đà Nẵng từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Tựa đề bài viết mới của bà là tên một ca khúc Trịnh Công Sơn.